Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Bên kia đường

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 519 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bên kia đường
Võ Hồng

Tôi bỏ sách xuống giường. Rượu và thuốc lá chỉ còn in dấu lờ mờ, tôi suy nghĩ về trường hợp Chatterley. Nhiều uẩn ức, nhiều bức thúc, nhiều dày vò. Thân phận con người quằn quại trong những đau khổ muôn hình, người này làm khổ người kia, ai cũng là nạn nhân vừa là kẻ tác nhân gây khổ. Người đàn bà quí phái rơi vào vòng tay của anh gác rừng khỏe mạnh, người đàn bà đó có tội lỗi không? Người chồng trí thức sang trọng và phẩm cách cao quí đó có tội lỗi gì trong việc xô đẩy vợ mình phạm tội ngoại tình? Chiến tranh. Chiến tranh không phải là một người có một khuôn mặt và mang một danh tánh để nhận chịu trách nhiệm trực tiếp. Chiến tranh là một tập thể. Chiến tranh đã tàn phá một nửa cơ thể của hầu tước Chatterley biến chàng thành kẻ bất lực. Và người đàn bà lấy chồng không phải để chuyên môn làm y tá suốt đời cho chồng, do đó mà anh gác rừng thành kẻ phản bội và kẻ chiến thắng. Giã từ lâu đài, giậm xéo danh dự chức tước, xóa bỏ hết, đập nát hết, Chatterley phu nhân chỉ cần sống đích thực cho dẫu là sống đơn giản với bánh mì, nước, không khí và tình yêu.
Tình yêu. Tôi cảm nghe như có một niềm xót xa, vừa cựa mình chỗi dậy như một con trăn nằm lấp dưới bao từng lá phủ nay đột nhiên thức giấc. Nỗi phiền muộn tôi đã vỗ về cho an ổn từ lâu, nay bất ngờ vì Quỳnh và vì câu chuyện của Chatterley mà hiện hình với mọi ngõ ngách, phiền toái. Quỳnh trẻ và đẹp và khoảng cách giữa tôi và nàng khó có thể nhờ thời gian lấp bớt được. Tôi sắp đi Thủ đức. Thời gian, cuộc đời đâu còn tùy thuộc nơi tôi nữa.
Vô lý. Sao mình có thể dễ tin, dễ hy vọng ở Quỳnh?
Có phải vì mọi người đàn bà mình gặp đều khôn ngoan và tàn nhẫn nên mình tự nhiên tìm về Quỳnh như một kẻ hành nhân xông pha nắng bụi tìm về một nguồn nước mát? Quỳnh đã hiện ra trong buổi tối nay. Trước kia, Quỳnh mơ hồ, hiện diện phai mờ trong một khung cảnh bất biến: những chồng hồ sơ, hồi chuông điện thoại, những buổi sáng chào cờ, tiếng máy đánh chữ lách cách. Phi cơ ở trên từng cao. (Ừ nhỉ! Không ngờ tiếng ồn lại khó chinh phục đến thế. Khoa học chưa nuốt hết tiếng động cơ). Quỳnh mặc áo màu huyết dụ. Gió lạnh vun vút của một đêm đông làm màu áo chuyển hơi ấm vào người nhìn. Gió thổi tung phần phật tà áo về một phía và dáng quỳnh mảnh mai như một ngọn lửa vươn lên. Tiệc cưới đặt ở tầng lầu hai. Tôi gặp Quỳnh ở tầng dưới giữa lúc tôi đang nói chuyện với những bạn trai. Câu chuyện không có gì đậm đà vì quá đông người và vì có vài khuôn mặt lạ chen trong đó. Lại những chuyện động viên đi Thủ đức. Khóa 18 còn 4 tháng ra trường. Khóa 19 đang gọi. Máy phát thanh đọc tên những người có lệnh nhập ngũ, mà chưa đi trình diện, nhẫn nại đọc, trưa nào và tối nào cũng đọc. Câu chuyện của những người dưới 33 tuổi.
- Thằng Diễn vẫn cứ phây phây đi chơi phố. Khóa nó, người ta gọi đã hai tháng nay rồi. Ra- đi- Ô kêu đích danh Trần Văn Diễn mà nó vẫn cứ phây phây đi chơi phố.
- Coi chừng có ngày quân cảnh hốt. Đêm nào xe quân cảnh cũng đi rảo.
- Dám bỏ vô Quang Trung lắm.
Câu chuyện không có gì vui. Màu xám của chiến tranh bao trùm lên khuôn mặt, dáng người và sự vật được gợi ra.
Quỳnh bỡ ngỡ đứng nhìn chung quanh. Người đàn bà ngồi ở quầy có đôi môi dày bôi đỏ như máu. Chiếc áo kỳ pủ thật mỏng in hình hoa màu nóng che không hết những mảnh da thịt trắng mát tròn lẳn. Ba quân nhân ngoại quốc ăn ở một góc. Đến một gia đình người Việt đông con. Đứa nhỏ mang theo cả quả bóng và chạy luồn sau quả bóng giữa những bàn chân ghế và chân người. Hai thương gia béo phệ chầu hai bên một chai rượu chắc là đắt tiền. Hai điếu xì gà to như hai con mực ống.
Trên vách, những người đàn bà đẹp ngậm thuốc lá Capstan, Mélia trong những bức tranh.
Quỳnh đi lại gần tôi.
- Ông Huy có bận đón ai ở đây không?
- Không. Cô có điều chi cần?
- Ông đưa tôi lên phòng tiệc đi.
Tôi hơi ngạc nhiên vì lời đề nghị và nhớ rằng mình vừa khiếm nhã đối với người đàn bà. Đứng nói chuyện với nhau để một người đàn bà tự tìm đường đi một mình, người lịch sự không ai như vậy. Nhưng sở dĩ tôi không đưa Quỳnh đi lúc nãy, là tôi sợ người ta hiểu sai cái cử chỉ của tôi, kéo nó ngang hàng với một sự tán tỉnh thô bỉ. Vả lại, có bao nhiêu bạn đồng nghiệp bảnh trai của tôi kia, họ đưa Quỳnh đi thì xứng hợp biết bao. Chàng Thanh hào hoa, đi làm luôn luôn thắt ca vát và thay sơ mi mỗi ngày một kiểu. Chàng Huấn danh ca của đài phát thanh địa phương, có mái tóc ép sấy đúng kiểu. Chàng Thuận chủ nhân của một chiếc 2CV, giáo sư khiêu vũ của các cô bạn chưa chồng. Tôi tự sắp mình vào hàng thứ bảy thứ tám trong bản danh sách những người đàn ông có mặt. Tôi nói:
- Nếu cô cho phép. Xin mời cô đi trước.
Nhưng Quỳnh không chịu bước trước và chúng tôi thành ra đi cạnh nhau.
- Ông đã biết cô dâu chưa?
- Tôi có quen.
- Đẹp không ông?
- Có lẽ điều ấy cô nên hỏi chú rể.
- Lẽ tất nhiên là chú rể khen đẹp. Tôi hỏi ý ông mà.
- Tôi biết vậy. Nhưng tôi có cho đẹp hay không thì cũng vô ích thôi. Vả lại, cô sẽ được thấy cô dâu trong mười lăm phút nữa.
Những bước thang uốn vòng quanh. Những tấm gương lớn đặt ở lối đi phản chiếu bóng hai người. Thân Quỳnh mảnh mai. Bóng tôi mặc áo quần dạ xám lấp vào những chỗ eo của thân nàng.
Lan và Thái, -cô dâu và chú rể- đón chúng tôi ở cầu thang. Áo Lan lóng lánh như kim tuyến, tôi không biết chắc đó là hàng gì. Chưa sống cạnh một tủ áo đàn bà, chưa bị nó hành hạ trong những ngày gần Tết, ngày Nô en, tôi thường lẫn lộn thứ hàng hai trăm đồng một áo với thứ hàng tám trăm đồng. Kim cương hột xoàn cũng vậy. Khi nào võng mô nhức nhối nhận một tia sáng loé thẳng, nhọn và sắc như một mũi kim dài phát xuất từ một mặt nhẫn, một vòng đeo tay, tôi thường giật mình nhìn người đàn bà có phép lạ đó và lẩm bẩm định giá "năm trăm ngàn đồng". Không căn cứ vào tiêu chuẩn nào hết mà chỉ là một con số tượng trưng. Ý hẳn có nhiều lúc tôi đã bị thủy tinh đánh lừa. Nhưng chắc chắn là Lan không đeo thủy tinh đêm nay. Ngày thường đi làm nàng có những thói quen rất đỗi "học trò" là đeo những chiếc vòng tay bằng nhôm, bằng thiếc mỏng mảnh mạ vàng lóng lánh, năm bảy chiếc một lần tréo vào nhau, choàng lẫn nhau rung rinh theo cánh tay đưa. Tôi không tìm thấy giá trị mỹ thuật của món trang sức giá năm bảy đồng một chục như thế. Có phải vì quen mắt vì muốn tránh một nỗi vắng vẻ cô đơn mà con người tìm bè bạn ở nơi vòng cổ tay của mình? Lan đeo đồng hồ đắt tiền cạnh những chiếc vòng nhảm nhí đó.
Đêm nay Lan cài một mảnh vương miện trắng lóng lánh lên mái tóc, dấu hiệu cô dâu. Khuôn mặt thanh tú xứng đáng với một sự trang trọng có đôi chút kiểu cách.
Lan tiến đến cầm tay Quỳnh:
- Xin mời chị vào.
Rồi nàng nghiêng mình chào tôi, tự nhiên như khi chào một người bạn đàn ông trung bình. Không có một chút rụt rè, hồi hộp chút nào. Làm như tôi không phải là người đã từng hôn nhiều lần hôn trên đôi môi tô son đó. Làm như nàng không phải là người đã từng nép trong cánh tay tôi mà thỏ thẻ: "Em muốn chúng mình sẽ có một đứa con gái đầu lòng và em đặt tên là Mai Chi. Sao em yêu cái tên Mai Chi lạ." hoặc "Em thích căn phòng của chúng mình sẽ quét vôi màu xanh nhạt và rèm cửa một màu xám, chũng nhạt. Y như căn phòng của Nữ hoàng Elizabeth". Tôi không biết đích xác màu tường và màu rèm của nữ hoàng và tôi nghĩ rằng nếu một tuần sau nàng đổi ý kiến muốn tường và rèm cửa giống màu của căn phòng Tổng thống Phi luật tân tôi cũng sẽ không phản đối.
Lạ thật. Người đàn bà có một loại thuốc tẩy tinh vi có thể xóa hết mọi dấu vết tình cảm trên tâm não của họ.
Nàng nói:
- À! Anh Huy. Cám ơn anh đã đến. Anh Thái, đây anh Huy. Làm thơ hay một cây.
Làm thơ! Tôi đã thành thật và ngu si, - thành thật có họ hàng với ngu si trong nhiều trường hợp - viết bốn câu thơ để tả nỗi khắc khoải nhớ nàng rồi cặm cụi ngồi chép gởi cho nàng. Nàng đọc thơ, cánh mũi phập phồng. Có thể vì tự ái được mơn trớn, nhưng hôm nay thì rõ ràng là nàng đang chế diễu tôi.
Tôi bắt tay Thái, mỉm một nụ cười vừa phải rồi nện mạnh gót giày xuống sàn nhà để bước theo sau Quỳnh. Tôi gửi theo gót giày những lời căn dặn giận dữ: Bận sau đừng dại như thế nữa. Dại lắm. Với đàn bà, chỉ nên dùng tiếng nói để biểu lộ tình cảm mà thôi. Khẩu thuyết vô bằng. Chớ dại mà ghi bằng chữ viết.
Quỳnh đi thẳng lại một góc phòng. Tôi kéo ghế mời nàng ngồi rồi đưa mắt tìm chỗ nào có nhiều bạn quen đàn ông để lại ngồi chung với họ. Nàng ngước nhìn tôi rồi chìa tay chỉ cái ghế bên cạnh:
- Ông có thể ngồi cạnh tôi. Hôm nay tôi muốn được nghe ông nói chuyện.
Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống.
Câu nói vừa rồi của Lan đã xáo trộn óc tôi làm tôi hơi choáng váng. Đôi chân vụt nhiên thấy mỏi và tôi cần một chỗ ngồi, chỗ nào cũng được. Tôi vừa chạm phải một người đàn bà và tôi đang coi thường họ. Vậy thì ngồi cạnh Quỳnh hay ngồi cạnh một chậu cây, một cái tủ lạnh thì cũng như nhau. Quỳnh hỏi:
- Ông có nghĩ rằng chỗ ngồi này tốt không?
- Tốt lắm, tôi tưởng thế. Chúng ta có được cái nhìn bao quát căn phòng.
Hoa lai ơn mà trắng và màu tím lịch sự trang nhã ở mọi bàn. Đó là màu hoa Lan thích. Tôi nghĩ: Lan chu đáo, lo đến cả việc chọn màu hoa trong tiệc cưới của mình. Thật là người sung sướng.
Tôi nhìn lên tường. Ảnh của ông Tôn Văn bệ vệ tô màu xanh màu đỏ. Trước đây có treo kèm ảnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng tô màu xanh đỏ. Từ ngày đảo chính, chưa có bức ảnh nào thay thế. Một bài văn chữ Hán nét bút sắc sảo tán tụng nghệ thuật ăn. Tôi lỏng bỏng đọc và nhớ được những chữ "dĩ thực vi tiên". Mỗi lần đọc bài "tán" đó, thực khách cứ muốn gọi bồi mang thêm bồ câu rán, gà rút xương, vây cá nấu măng tây, kim tiền kê và rượu vang. Đời người như gió thoảng như chiêm bao, lâu đài tàn phế danh vọng phù vân, vậy sống được ngày nào thì cứ ăn cho thích khẩu. Bài "tán" bảo như vậy nhưng hôm nay quả tình là tôi không có thích thú gì để đợi chờ món ăn hết. Thực đơn đặt trên mặt bàn cạnh tôi nhưng tôi không buồn cầm lên đọc. Đi dự đám cưới của Lan chứ đâu phải dự đám cưới của người khác.
Quỳnh quay người nhìn tôi:
- Lúc nãy ông nói dối tôi. Tôi biết rõ là ông quen nhiều với cô dâu.
Tôi lặng im.
- Có phải thế không?
- Vâng.
- Hai người có yêu nhau nữa.
Tôi mỉm cười không nói. Hai người có yêu nhau nữa! Người bàng quang thật tò mò và tinh mắt.
- Thế tại sao hai người không đi đến hôn nhân?
Tôi xoay một chiếc nỉa đặt trước mặt và tôi âm thầm tự giải thích cho tôi: "Phức tạp lắm. Phức tạp lắm". Thực tế thì chả có gì phức tạp hết. Khi tôi được hoãn dịch vì lý do con một thì Lan hăng hái yêu tôi. Khi chính phủ điều chỉnh lại quy chế động viên. Tôi được lệnh phải đi Thủ đức thì Lan chọn Thái thay tôi. Thái vừa được giải ngũ chừng vài tháng nay. Mới thoáng đó mà Thái đã làm xong bốn năm quân dịch. Từ xạ trường Thủ đức lăn đi khắp các nẻo chiến trường. Thái vạm vỡ và bạo dạn không sợ khó nhọc, không sợ đàn bà như hồi còn ở văn phòng. Trước ngày động viên, Thái còn đỏ mặt mỗi lần nói chuyện với đàn bà và hai bàn tay cứ vặn vào nhau. Bây giờ thì Thái có nhiều kinh nghiệm để mà chinh phục họ. Thái hút "píp", đánh xì tẩy và khiêu vũ. Mỗi kỳ nghỉ phép rời mặt trận về đô thị, Thái biết tiêu hết nửa tháng lương để la cà ở các phòng trà và hộp đêm. Đàn bà thời bây giờ thích những người đàn ông "chịu chơi hết mình" như vậy. Các cô bạn gái thường bao vây Thái bắt tổ chức du ngoạn và nhờ dạy nhảy. Tôi xót xa nhưng không lấy làm lạ khi nhận thiệp báo hỉ của Lan-Thái. Hôn nhân đời nay đi mau với tốc lực siêu thanh của phi cơ phản lực. Khi nghe tiếng nổ thì máy bay đã vượt xa mình rồi.
Lan xem thế mà thực tế. Tình yêu và hôn nhân phải trả lời đủ những câu hỏi của một bản trắc nghiệm:
- Lương căn bản là bao nhiêu?
- Còn mẹ chồng không?
- Có nhà riêng hay phải ở nhà thuê?
- Đi xe bốn bánh hay hai bánh? Nếu là hai bánh thì Vespa Italy hay xe gắn máy?
- Có nằm trong lứa tuổi động viên không?
- Có hội đủ những điều kiện được hoãn dịch không?
Vân vân.
Hai câu hỏi sau được nhiều điểm hơn hết. Thái hơn điểm tôi cũng là nhờ hai câu hỏi sau đó. Trừ trường hợp tổng động viên, còn thì Thái được an nghỉ trở về ngồi đều đặn giữa bốn bức tường ở sở và ở nhà. Tôi thì trái lại tôi sắp rời bỏ sự an ổn để lăn lộn ở chiến trường. Thân phận tôi đang được treo lơ lửng. Cố nhiên là Lan không muốn treo lơ lửng đời nàng vì tôi. Bàn tính tương lai với người chồng ngồi cạnh mình nhất định là dễ chịu hơn phải viết thư ra tiền tuyến. Không mấy ai muốn lấy chồng để được làm chinh phụ.
Tiếng Quỳnh khe khẽ bên tai tôi.
- Ông Huy, có phải ông không vui vì phải ngồi tiếp tôi không?
Tôi quay lại:
- Sao cô bảo thế?
- Vì ông không muốn trả lời những câu hỏi.
Tôi ngập ngừng:
- Đâu có phải tôi không muốn trả lời. Nói rằng tôi chưa tìm được câu trả lời thì phải hơn.
Lan thỉnh thoảng đưa mắt nhìn sang tôi và Quỳnh. Tia mắt như xoi mói dò xét. Quỳnh không đẹp bằng nàng nhưng hiện giờ Quỳnh đang tự do và tôi đang cô đơn.
Giọng hát của Sylvie Vartan ở từng lầu dưới đưa lên, khắc khoải, hối thúc, nghẹn ngào. Giọng hát phức tạp như tâm hồn con người, vừa mơn trớn dỗ dành tôi, vừa làm khơi động những mạch sầu. Tôi tê đi trong tiếng hát kêu thương đó và tôi cứ muốn nói lảm nhảm một mình, nói chỉ để cho mình nghe hoặc chỉ gật gù nghĩ mà không nói: Lan ơi, tiếng hát nức nở chỉ còn một mình anh nghe thôi. Người có hạnh phúc như em còn tai đâu, còn tâm hồn đâu mà nghe, mà rung động. Em hiện giờ đang tươi cười bắt tay khách vừa lo sao cho ly tách khỏi vỡ trong bữa tiệc, lại vừa hãnh diện vì những người đàn bà có mặt chưa có ai đẹp hơn em. Anh xa em... xa em. Em nhớ không, ngày xưa em nói: Nếu chúng mình không lấy được nhau thì anh đừng lấy ai anh nhé? Em cũng sẽ không lấy chồng đâu. Em sẽ để tang cho anh khi anh chết.
Hãy để tang cho anh đi, hôm nay. Nhưng chỉ còn mình Sylvie Vartan khóc than kể lể hộ anh. Và Quỳnh đi đưa.
Tôi nhìn sang Quỳnh đang ngồi cạnh. Trước mặt tôi, bát vây cá nấu cua và măng tây. Quỳnh đang trải khăn ăn đặt lên đùi. Đùi Quỳnh thon thon in hằn dưới mặt áo mỏng. Tôi cũng trải khăn và nhúng muỗng vào bát. Thịt cua ngọt và có mùi thơm mát của biển rộng. Quỳnh suỵt suỵt vào tai tôi:
- Chết! Chưa tuyên bố khai mạc.
Dây thần kinh của tôi đã rối thành nùi thành cuộn rồi. Tôi nghĩ: Hãy gạch xóa Lan đi. Tạm thay Quỳnh, đêm nay. Mắt tôi nhìn xuống bàn tay Quỳnh, đi dọc theo cánh tay lên ngực, lên cổ. Một nốt ruồi đậu ở cằm.
Những cặp vợ chồng an phận, những người đàn bà và đàn ông lẻ loi đưa mắt lục soát mọi người ngồi trước mặt, xung quanh.
Họ nhà trai nhà gái, chú rể cô dâu quây quần tiến ra máy vi âm. Diễn văn khai mạc. Vỗ tay. Đáp từ. Vỗ tay. Tôi chập chờn nhớ những chữ.. "..trai tài gái sắc... bách niên giai lão... loan phụng hòa minh..." Tất cả đều đẹp, toàn vẹn, lý tưởng. Người ta không quên vẽ ra trước mắt một bầy con kháu khỉnh khỏe mạnh để cô dâu chú rể theo đó mà cố gắng sản xuất. Có một đoạn diễn văn nói đến trách nhiệm của đôi tân hôn nhân: xây dựng gia đình để làm nền tảng kiến thiết xã hội. Nhiều trách nhiệm quá nên chắc chắn là đôi vợ chồng mới không thể nhớ hết, làm hết. Điều phải nhớ cấp thiết là lo chạy tiền thuê trả trước nửa năm và mua cái giường bề ngang một thước sáu.
Cuộc ăn uống vồn vã bắt đầu. Những người hầu bàn đứng canh chừng ở mọi góc phòng. Quỳnh rót whisky mời tôi và nàng nhận một ly coca có pha bia do tôi mời lại.
- Ông nên say trong bữa tiệc hôm nay.
- Cô cũng vậy. Cô cũng phải say như tôi.
Tôi chỉ lên bài văn viết bằng chữ hán trên vách:
- Bài văn kia tán tụng sự ăn mà không ca tụng sự say.
- Ông hiểu vì sao không?
- Có lẽ vì khi say người ta hay nói bậy bạ và hành động bậy, nên chủ tiệm không khuyến khích.
Quỳnh gật gù:
- Có thể. Người say hay phá phách và gây sự. Cũng cần có thêm một lý do này nữa, lý do quan trọng: "đó là khi hắn say hắn sẽ quên trả tiền, hoặc hắn tưởng là hắn có một nghìn đồng khi trong túi chỉ còn hai trăm."
Tôi thú vị cười với Quỳnh.
- Ông đã say nhiều lần chưa?
- Ít lắm, tôi sống có chừng mực nên không cần đến rượu.
- Thế nghĩa là?
- Nghĩa là người ta cần nhờ đến rượu khi đã trót say vì một cái gì khác mà không toại nguyện. Say vì tình nhiều nhất. Say trong ảo vọng, trong tuyệt vọng. Tôi mới thất vọng chứ chưa tuyệt vọng.
Tròng đen của mắt Quỳnh ngước lên nhìn tôi và tâm hồn tôi chao đi, chết đuối trong hai chấm đen chập chờn đó. Một cảm giác ấm áp choàng lên mặt, lên ngực, tôi nghĩ chắc đó không phải vì rượu.
Những món ăn kế tiếp, món nào cũng ngon cũng trình bày lạ và đẹp mắt. Thần kinh lưỡi tha hồ mà báo tin về trung khu cảm giác. Nhiều giọng ca miễn cưỡng. Nhiều giọng ca cố ý làm ra miễn cưỡng nhưng thực tình đã chuẩn bị sẵn và không được hay. Thừa lúc cử tọa nhốn nháo, tôi lẻn ra khỏi phòng, đi thẳng lên sân thượng. Chân không được vững và đầu hơi choáng váng. Gió đêm mát thổi từ mặt sông đen. Đèn phố chi chít, cuộc sống choàng lấn vào nhau ở dưới chân tôi. Tranh giành. Âu lo. Đau khổ. Tôi nhìn lên nền trời rộng rãi. Màu đen làm đêm thêm dày. Bí mật. Câm nín. Và con người cảm thấy lẻ loi, bơ vơ. Một mảnh trăng lưỡi liềm úa héo cài lửng lơ. Một năm sau, tôi sẽ đứng ở một bót gác giữa lưng đèo, trên chỏm núi, ven bờ rừng để nhìn lên vòm trời như đêm nay với mảnh trăng úa héo. Và ở nơi đô thị xa này, Lan và Thái an ổn cạnh một bóng đèn điện sáng mát. Những người đàn ông, -Thái và tôi- phải đổi phiên cho nhau. Đàn bà được ở một chỗ để đón nhận và chọn lựa.
Tôi kêu lên những tiếng khoắc khoải: Lan, Lan, Lan.
Có tiếng giày bước lên bực thang và mùi nước hoa ngọt ngào. Quỳnh lại gần tôi:
- Chị Lan tìm ông để mời ngâm thơ nhưng không ai tìm thấy ông ở đâu. Người ta đoán ông đã đi về trước.
- Ở dưới đó người ta đang ở mục nào rồi, cô?
- Đang kể chuyện vui và ngâm thơ. Sao ông lại lên đây?
- Thay đổi không khí một chút. Còn cô?
- Cũng như ông vậy. Tôi không chịu được khói thuốc lá.
Ngừng một giây, Quỳnh nói:
- Lúc nãy anh Thái và chị Lan có song ca một bài. Tình tứ lắm. Anh thì: "núi cao anh cũng trèo, sông sâu anh cũng lội, vạn đèo anh cũng qua" còn chị thì "gió lay cành đa, em thương, em thương, em thương anh thật thà...".
Tôi bật cười gật gù nhìn Quỳnh.
- Khi say, - tôi nói - người ta xông xáo vào đời mà không cần mặc cả. Hôn nhân cũng làm cho người ta say như Johnny Walker.
Quỳnh ngắt một đóa hoa lài ở bụi hoa cạnh đó trao cho tôi.
- Hình như tháng năm này ông phải đi Thủ đức?
- Vâng.
- Có phải vì thế mà cuộc hôn nhân của ông với chị Lan không thành?
Tôi không muốn dối nữa.
- Có lẽ cũng vì đó một phần.
- Ông nghĩ rằng chiến tranh có thể cản trở người ta yêu nhau?
- Vâng, tôi nghĩ như vậy.
- Tôi thì không cho như thế. tôi nghĩ rằng khi người ta yêu nhau rồi thì chiến tranh, tàn phế, chết chóc... không còn mãnh lực nữa.
- Đó phải là một tình yêu lý tưởng chỉ có ở thế kỷ trước.
- Ông bi quan. Tôi thấy tôi có thể yêu, đợi chờ và nếu vạn nhất mà người yêu của tôi tử trận, tôi cũng không hối tiếc vì mình đã chọn lựa con đường đó.
Tiếng ghế xô đẩy ồn ào ở phòng tiệc. Tôi nhìn đồng hồ và nghĩ rằng người ta đang ra về. Tôi nói:
- Tiệc vãn rồi, mời cô xuống trước. Và chúc cô một giấc ngủ êm đềm.
- Ông nhớ viết thư cho tôi dù ở Thủ đức hay đi theo đơn vị.
Bàn tay nàng vẫn đặt lên trên mép của chậu hoa ở cạnh tôi. Tôi muốn cầm bàn tay đó, giữ chặt giữa lòng bàn tay mình.
Nàng chậm rãi bước xuống thang gác, đi lẩn vào đám đông. Tôi đợi một lát sau mới xuống theo...
Rượu mạnh và khói thuốc làm tôi trằn trọc trên giường không ngủ được. Tôi bật đèn giường mò lấy quyển sách. Đó là quyển "Người tình của Chatterley phu nhân" tôi đang đọc dở dang. Chatterley. Chiến tranh. Lan. Quỳnh. Tôi bơ vơ. Quỳnh. "...Tôi có thể yêu, đợi chờ và nếu vạn nhất mà người yêu của tôi..." Chatterley phu nhân cũng định làm như vậy. Cũng muốn hy sinh cuộc đời mình để săn sóc cho người chồng đức hạnh. Nhưng cuộc đời... Cuộc đời...

Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 700

Return to top