Trong phòng khách rộng, khách đã đến gần đủ. Nghe mẹ nói, dì Đào chỉ mời toàn bạn bè thân thiết thôi. Tôi nhận ra được một số khách quen, họ là bạn của dì Đào và là bạn của cả mẹ nữa, ai cũng ăn mặc đẹp và trang điểm rất trau chuốt. Công bằng mà nói, không biết tôi có chủ quan không, mẹ vẫn là người đẹp nhất trong đám bạn đồng trang lứa.
Ngoài ba người con của dì Đào ra, chỉ có tôi và anh Trí là thuộc giới trẻ, nên chúng tôi rủ nhau ngồi lại cùng bàn và trò chuyện vui vẻ trong khi chờ buổi tiệc bắt đầu. Anh Đào, đứa con gái đầu lòng của dì Đào, nhìn tôi thân mật: - Áo của Ái Minh đẹp quá, bồ may ở đâu vậy? Tôi ngượng ngùng nhìn chiếc áo đầm mặc trên người, màu vàng sáng chói dưới ánh đèn long lanh như dát bạc.
Đây là cái áo của một người bạn của ba ở Pháp gửi về cho mẹ nhưng vì màu sắc và kiểu nầy quá trẻ nên mẹ để lại cho tôi. Thật ra tôi cũng chả thích ăn mặc đỏm dáng làm gì, mặc dù tôi thường nghe mẹ và dì Đào nhận xét rằng dáng tôi cao ráo nên rất thích hợp với Âu phục.
Mẹ đã may cho tôi rất nhiều áo đầm quần tây, đầy cả một tủ, nhưng tôi rất ít mặc. Một chiếc quần jean, chiếc áo pull Việt Nam cũng đủ cho tôi, vừa gọn nhẹ vừa dễ la cà khắp nơi. Mẹ thường la tôi hoài, mẹ bảo con gái mà không biết chưng diện thì có khác gì con trai, anh Trí thì nhiều lần bảo tôi không có nữ tính, ba lại bảo tôi gan dạ và sôi nổi, vậy thì tôi có còn là một người con gái đúng nghĩa không?
Chiều nay cơn bốc đồng lại nổi lên, tôi đem cái áo rực rỡ nhất trong tủ ra mặc. Mẹ thấy, mẹ tán đồng quá, mẹ gọi ba rối rít: "Anh Tuệ ơi, anh Tuệ, vào xem con gái chúng ta có đẹp tuyệt trần không". Tôi ngồi yên cho mẹ thoa một lớp phấn hồng lên má, một chút mắt xanh, môi đỏ, và tôi trở thành cô bé Cendrillon thoát xác trước mắt ba mẹ. Bích Đào, cô con gái thứ của dì Đào, mân mê vạt áo tôi: - Ờ, vải mịn quá, chị Minh may ở đâu vậy? - À, của người bạn ba chị tặng Tuấn, cậu con út của dì Đào, năm nay lên lớp 9 cũng góp ý: - Sao chị Minh không đi biểu diễn thời trang ở rạp Hòa Bình, theo em thấy cái áo nầy đẹp lắm. Anh Đào cốc vào đầu nó: - Ngu quá, hàng nội hóa mới được dự thi chứ bộ. Tôi đang cười vui theo ba chị em thì có tiếng ồn ào ngoài cửa, dì Đào dẫn đến một chàng trai: - Trí ơi, tiếp bạn dùm dì nhé.
Trước mặt tôi là một anh chàng cao lớn mặc áo sơ mi hoa và quần ca rô xanh thẫm may kiểu rất mốt, tôi cảm thấy hơi ngờ ngợ, hình như tôi đã gặp anh ta đâu đó rồi. Dì Đào làm một màn giới thiệu: - Đây là Trần Hổ, cháu họ của bác Thống vừa ở Canada về chơi, còn đây là Trí... Tôi "a" nhỏ trong cổ họng, anh chàng "Trụi Beo" đây rồi.
Hôm nay anh ta trông cũng khá, dưới ánh đèn mặt anh ta đỡ trắng bệt và nụ cười trở nên tươi, anh ta cũng đang tròn mắt nhìn tôi. Dì Đào vẫn nói: - Đây là Ái Minh, em ruột Trí, con của một người bạn thân nhất của cô. Trần Hổ lịch sự bắt tay anh Trí, nghiêng mình chào hỏi và tự nhiên kéo ghế ngồi xuống bên cạnh: - Rất sung sướng được gặp lại Ái Minh. Rồi anh ta nói nhỏ vào tai tôi: - Cô đã chơi tôi một vố Ái Minh à, Khiết Bông là… không biết, vậy mà tôi cứ ngỡ đó là tên cô thật, đến khi hỏi ra mới vỡ lẻ. Tôi mỉa mai: - Tại ông ở nước ngoài nên không hiểu rằng nói lái là một tập quán rất dễ thương của người Việt Nam. Trần Hổ nhìn tôi mơ màng: - Mười năm trời tôi mới được trở lại quê hương và cô là người con gái Việt Nam thông minh nhất mà tôi đã được quen. Tôi quắc mắt: - Ai quen với anh? Trần Hổ sững người như đụng đầu vào bức tường đau điếng, anh ta đang nghẹn ngào chưa biết trả lời sao thì may thay thức ăn đã được bưng ra.
Anh Đào, Bích Đào vồn vã mời chúng tôi nhập tiệc và không khí trở nên vui vẻ - Trần Hổ đã lấy lại phong cách ga lăng của mình bằng cách phục vụ tận tình Anh Đào, Bích Đào và nhất là tôi, anh chàng cứ nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ. Nhưng tôi chả thèm để ý, tôi ăn uống tự nhiên thoài mái và nếu không có anh Trí bên cạnh, tôi đã lên mặt vênh váo cho anh chàng Trần Hổ kia chấm dứt ngay cái trò lăng xăng. Đến giờ khiêu vũ, bàn ghế trong phòng khách được dẹp hết ra nhà sau, bác Thống và dì Đào mở đầu cuộc vui bằng một bản Valse huy hoàng của Strauss, sau đó mọi người cùng ra sân. Biết thế nào Trần Hổ cũng mời, tôi nắm tay anh Trí đứng dậy. Anh Trí nói nhỏ: - Anh thấy em hơi bất lịch sự rồi đó, Ái Minh! Tôi nép vào vai anh nũng nịu: - Em ghét tên Việt kiều dở hơi đó. - Ai bắt em thương hay ghét nó, chỉ cần em tỏ ra lịch sự một tí. Tôi vùng vằng dẫm vào chân anh, anh la lên: - Ái Minh! Tôi hoảng hồn co chân lại: - Chết, em lỡ, xin lỗi anh nhen. Tiếp theo là một bản Chachacha, anh Trí qua nhảy với Bích Đào, tôi bỏ ra vườn đi thẫn thờ dưới những hàng cây. Trần Hổ biến thành cái đuôi của tôi. - Cô Ái Minh. Tôi xoay người lại, chiếc váy xòe ra như một cánh hoa. Trần Hổ lại nghiêng mình, có lẽ đây là tư thế đẹp nhất mà anh chàng đã bao lần tập dợt trước tủ kiếng. - Đêm nay Ái Minh đẹp như nàng công chúa ngủ trong rừng. Tôi nhún vai: - Rất tiếc, tôi không nghĩ anh là hoàng tử nên tôi chả bao giờ thức dậy đâu. Tôi bước về phía cổng. Trần Hổ vẫn lẻo đẻo đi theo.
Bỗng chiếc giầy cao gót của tôi chàm phải một viên đá chông chênh oằn hẳn lại, làm mắt cá chân tôi tê điếng, tôi khuỵu người xuống và nếu không có hai bàn tay vạm vỡ của Trần Hổ nắm lấy vai, tôi đã ngã soài ra đất. - Ái Minh có sao không? Giọng nói lo lắng của anh ta khiến tôi hơi cảm động.
Tôi chưa kịp trả lời, anh ta đã dìu tôi đến ngồi trên chiếc ghế đá gần đấy rồi cúi xuống xem xét cái chân gặp nạn của tôi. Anh ta tháo chiếc giầy ra khỏi chân tôi rồi nâng bàn chân tôi lên, tôi khẽ nhăn mặt, lời anh ta thật dịu dàng: - Ái Minh chịu khó nhé, tôi nắn lại chút xíu là hết ngay. Tôi nghi ngờ nhìn vào mắt Trần Hổ, nhưng không, anh ta đang rất thành thật khi dùng cả hai bàn tay xoa bóp nhè nhẹ nơi mắt cá chân tôi.
Trong một lát, tôi hết đau hẳn và cảm thấy rất dễ chịu, tôi bỗng nghĩ rằng có lẽ ở nước ngoài Trần Hổ đang hành nghề tẩm quất. Lần đầu tiên tôi nói giọng ngọt ngào: - Tôi hết đau rồi, anh đứng lên đi. Trần Hổ ngồi xuống cạnh tôi: - Đôi giầy của Ái Minh gót cao quá, lần sau nên đổi giầy khác. Không thấy tôi nói gì, Trần Hổ đổi đề tài: - Hè nầy Ái Minh có đi chơi đâu không? Tôi lắc đầu. Trần Hổ nói tiếp: - Tôi vừa đi Hà Nội về, ở ngoài Bắc có nhiều thắng cảnh đẹp thật. Ái Minh đã thấy vịnh Hạ Long chưa? Tôi gật đầu: - Ái Minh có chụp hình ở đó nhiều không? Tôi cười: - Chụp sao được. Tôi chỉ thấy nó trên báo ảnh thôi. Trần Hổ hơi tẽn tò nhưng anh ta gượng cười: - Ái Minh chọc quê tôi hén. Ròi anh ta liến thoắng kể về cái tôi của mình, về chuyến hồi hương đầy hào quang rực rỡ, về những lần du lịch qua mọi miền đất nước, các danh lam thắng cảnh nên thơ Đà Lạt, Sầm Sơn...
Anh ta cứ nhắc đến Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang.. Với vẻ thích thú đặc biệt. Tôi chợt nghĩ đến Thoại, giờ nầy Thoại đang ở tại thủ đô ngàn năm văn vật, hẳn anh đã từng chiều dạo cảnh Hồ Tây, từng đêm lang thang trên những con đường ngát hương hoa sữa như trong một bản nhạc nào đó đã ca ngợi mùi thơm của loại hoa nầy.
Tôi chưa hề thấy hoa sữa, đối với tôi đó là một thứ hoa trong huyền thoại, vì khi tôi hỏi thăm mấy đứa bạn miền Bắc hoa sữa màu gì, thì có đứa nói màu trắng, có đứa nói màu vàng, lại có đứa bảo là màu xanh nhạt. Những lúc đó tôi tự hỏi hoa sữa có giống hoa ngọc lan không nhưng tôi chắc chắn không có loài hoa nào sánh được với những búp ngà tròn xinh của cây hoa ôm ấp trọn vẹn quãng đời thơ ấu của tôi đâu. - Quê hương mình thật là đẹp. Tôi liếc anh ta: - Vậy tại sao anh bỏ xứ mà đi. Tôi chúa ghét mấy người giả bộ. Trần Hổ nhìn tôi van lơn: - Ái Minh đừng gai góc với tôi nữa có được không. Tôi trợn mắt: - Anh cho tôi là cây xương rồng hả? Trần Hổ lắc đầu: - Không có đâu. Ái Minh là… một nhánh hồng đầy gai. - Tới phiên anh chọc quê tôi phải không? Trần Hổ cười: - Đâu dám, tôi chỉ muốn được trở thành người bạn của nhánh hồng đó thôi. Tôi đứng dậy: - Tôi phải về. - Tôi đưa Ái Minh về nhé. - Tôi về với anh của tôi được rồi, cám ơn anh. Tiếng nhạc trong nhà vẫn còn dìu dặt, lần nầy là một bản slow. Trần Hổ tắc lưỡi: - Nhạc nầy đúng là nhạt, thật là chán ngắt. Tôi đốp lại: - Những người lớn tuổi chơi nhạc như vậy mới lịch sự, anh muốn giật gân thì đi chỗ khác chơi. Tôi bước nhanh lên bậc thềm, Trần Hổ chạy theo.
Khi anh Trí chở tôi về bằng Honda, Trần Hổ phóng xe Dream kèm sát một bên, và mặc cho anh ta khơi chuyện với anh Trí, tôi ngồi câm như hến suốt trên đường về.