Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> 28 Ngày Việt Nam

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9534 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

28 Ngày Việt Nam
Dũng Vũ

Chương 9

Thứ năm, 14.07.2005
Hôm nay vợ tôi dắt các con đi chợ An Đông mua sắm ít đồ, còn tôi có nhiệm vụ đến siêu thị Nguyễn Kim mua giùm cái lẩu điện và máy làm sữa đậu nành. Vậy cũng tiện đường đến khu Tây ba lô gần đấy để tìm phòng cho ông bạn.
Siêu thị Nguyễn Kim nằm ngay góc Trần Hưng Đạo - Yersin. Đây là trung tâm bán đồ điện gia dụng lớn nhất thành phố. Phong cách phục vụ và tổ chức kém làm tôi cũng mất hứng mua sắm. Tôi chỉ mua một cái cassette cho máy quay phim rồi đi.
Tôi đi tiếp về khu Tây ba lô.
Khu Tây ba lô nằm trong địa hạt Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám. Du khách ngoại quốc bình dân thường ghé trọ ở đây vì giá rẻ. Nhà nghỉ nhiều vô số kể, hầu như nhà nào cũng là nhà nghỉ. Tôi đi xem thử vài phòng. Giá trung bình khoảng 7-8 đô một ngày. Chất lượng không được tốt mấy.
Tình cờ gặp hai cô ngoại quốc trẻ đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức, tôi tới chào bằng tiếng Đức. Hai cô ngạc nhiên, mừng rỡ như gặp người đồng hương.
Tôi xin phép hỏi thăm về khu này. Hai cô nhiệt tình kể, ở đây hơi xô bồ, không có người ăn xin nhưng người bán dạo khá nhiều hay chèo kéo khách, nhất là vào buổi chiều, lúc xe bus chở du khách về nghỉ. Nhà nghỉ rẻ, bù lại vệ sinh hơi kém, ở tạm được thôi, vả lại họ chỉ cần chỗ nghỉ qua đêm, còn ban ngày thì đi chơi đây đó.
Tôi hỏi, các bạn tới Việt Nam, thích gì nhất và được trả lời, dân Việt Nam thân thiện, đồ ăn Việt Nam rất ngon, chỉ có vấn đề là dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra còn những bất tiện khác như giao thông kém, hoặc nhiều khi cần đi toilet, không biết vào đâu, không giống ở Đức, khách bộ hành có thể vào một restaurant gần nhất xin đi nhờ.
Tôi hỏi, các bạn thích nơi nào nhất ở Sài Gòn và được trả lời, khu nhà thờ Đức Bà đẹp, kiến trúc hài hoà, khu Đồng Khởi cũng đẹp, Chợ Lớn cổ, sầm uất, thú vị. Tối đến thì đi ăn đêm ở chợ Bến Thành, uống cà phê, uống nước ở các bar, vũ trường trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi.
Tôi hỏi, thấy Sài Gòn an toàn không thì được trả lời là an toàn, đến giờ này chưa bị móc túi như được khuyến cáo. Thế nhưng xe hai bánh quá nhiều, chạy hỗn độn, thường xuyên gây tai nạn. Mỗi lần băng qua đường là chúng tôi rất sợ.
Tôi hỏi, về Việt Nam đã đi chơi được những nơi nào, thì được trả lời là Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt.
Tôi hỏi, đã đi thăm xứ Đông Nam Á nào ngoài Việt Nam chưa, thì được trả lời là có đi Thái Lan và tắm biển ở Phuket, Koh Samui.
Tôi hỏi, Vũng Tàu, Nha Trang so với các nơi ấy thì sao và được trả lời Phuket, Koh Samui hoang sơ hơn, tổ chức tốt hơn, du khách Âu châu rất đông, còn Nha Trang thì rất đẹp nhưng tổ chức không bằng, du khách ít hơn nhiều. Vũng Tàu hiện đại hơn nhưng chúng tôi không thích lắm vì xây dựng nhiều quá, thiên nhiên bị thu hẹp.
Tôi hỏi, còn Đà Lạt, thì được trả lời, có lẽ vì Đà Lạt là một thành phố mát mẻ, kiến trúc giống châu Âu, nên người Việt ưa thích, nhưng đối với chúng ta, như anh biết, thì bình thường. Đà Lạt hơi bị hiện đại hoá, mất vẻ ấm cúng.
Hỏi họ đã đi Phú Quốc chưa thì được trả lời, chưa, nghe nói Phú Quốc còn nhiều thiên nhiên, dân Âu châu như chúng ta rất thích, chúng tôi cũng muốn đi, chỉ tiếc là không có nhiều thời gian; ngày mai chúng tôi sẽ đi Hội An, Huế, vịnh Hạ Long, Hà Nội rồi từ đó bay về Đức lại.
Đứng giữa đường lâu quá, hai cô bạn Đức mời tôi vào cái quán bình dân sát bên uống nước, có ghế ngồi dễ nói chuyện hơn, nhưng tôi xin phép phải đi và chúc hai cô tiếp tục đi chơi vui vẻ.

*

Hôm nay quả là một ngày xấu của tôi. Chưa làm được việc gì còn gặp nạn. Đang lững thững đi trên lề thì bị lãnh đủ một bịch rác từ trong nhà ném ra. Cô gái lật đật chạy ra phủi quần áo tôi, xin lỗi, bảo rằng cô không cố ý. Tôi nén giận, chỉ than phiền một chút rồi bỏ đi. Ở đây là vậy, cảnh này khá phổ biến. Ở Vũng Tàu, chúng tôi đã bị một lần. Người ta có thể ném một bịch rác, một con chuột cống chết ra đường bất kể khách bộ hành đang qua lại.
Nhìn đường sá đầy rác rưởi ở khu này thấy mà ngao ngán. Một khu nằm ngay trung tâm phố, nhiều khách bộ hành qua lại, nhất là du khách, mà để vậy. Nhà nước cần phạt hành vi xả rác bừa bãi. Rất đơn giản, cứ thấy vỉa hè nhà nào có rác là phạt nhà nấy, không cần biết ai xả. Cứ làm vậy chủ nhà sẽ không dám và không cho ai xả rác trước cửa nhà mình.

Tôi đi tiếp về hướng chợ Bến Thành và băng qua nhiều con đường lớn. Qua khỏi đại lộ Hàm Nghi, tôi băng qua đường Lê Lợi. Làn đường dành cho người đi bộ bị dải tường phân cách chặn lại, khách bộ hành phải trèo lên, mới băng qua tiếp được. Dẫu đi trên đường dành cho người đi bộ, khách bộ hành vẫn sợ xe đụng. Mình phải tránh xe chứ xe không tránh người. Bất thình lình có một chiếc Honda phóng ào tới. Tôi giật mình, nhảy ra sau. Suýt nữa là bị đụng. Chưa kịp hoàn hồn thì nghe một cái rầm.
Chiếc Honda tông phải xe một cô gái cũng lái Honda từ bên hông chợ Bến Thành vừa bẻ phải. Hai người ngã xuống đường bất tỉnh. Cô gái bị thương ở đầu, máu chảy lênh láng trên mặt đường. Anh thanh niên chạy ẩu bị thương nơi ngực, rách cả áo. Người bu vào xem đông như kiến. Đợi mãi không thấy xe cứu thương đến, hai anh đạp xích lô bèn chở hai người vào bệnh viện. Nhưng lạ thật, đối diện chợ Bến Thành là Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, sao không vào ngay đó mà đi hướng khác.
Tôi tiếp tục thả bộ dọc đường Lê Lai về hướng nhà thờ Huyện Sĩ. Trời đã trưa, nắng gắt, tôi muốn ghé chỗ nào ngồi uống nước. Bất chợt nhớ ra quán phở Thái Sơn mà cô bạn Th. giới thiệu bữa trước, cũng nằm trên con đường này và tôi tìm đến.
Phở Thái Sơn nằm ở 186 Lê Lai. Quán bình dân, tổ chức khá, sạch. Nơi đây có nhiều khách ngoại quốc. Phở rẻ hơn phở Hoà, phở 24. Tô nhỏ 10.000, tô lớn 15.000. Ăn được hơn phở Hoà, phở 24. Tuy vậy vẫn hơi ngọt.

*

Anh bạn L. của tôi muốn ra ở riêng và đã tìm được một căn phòng tại khách sạn Thuỷ Tiên trên đường Cách mạng tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ). Chỗ này không xa nơi tôi ở, qua lại thăm nhau cũng tiện. Anh bạn thật may mắn; bà chủ khách sạn là người quen mà anh quên mất. Chiều, anh mời tôi sang chơi. Sau đó hai anh em đi dạo một vòng.
Chúng tôi đi dọc những con đường nhỏ như Nguyễn Thị Diệu, Trương Định, Hồ Xuân Hương, Ngô Thời Nhiệm, Lê Ngô Cát, ... Khu này rất yên tĩnh, nổi tiếng xưa nay là khu nhà giàu với nhiều biệt thự sang trọng kiểu Pháp. Có một ngôi biệt thự làm tôi nhớ mãi. Đó là nơi làm việc của cụ Nguyễn Xuân Oánh.
Nhớ kỳ về Việt Nam lần đầu vào năm 1993, chúng tôi được ông tiếp ở ngân hàng Indovina. Lúc đó ông vừa nhận nhiệm sở giám đốc và chưa có danh thiếp, ông dùng tạm danh thiếp của vị giám đốc tiền nhiệm và ghi tên mình vào.
Ông già đẹp lão, tướng phong, trí thức, tiến bộ, ăn mặc sang trọng như Tây và rất hoà đồng. Ông là người từng ủng hộ chúng tôi hết mình.
Thời đó chúng tôi tụ họp được nhiều anh em trí thức khoa học ở châu Âu. Tất cả đều là dân học ở bên này về đủ mọi ngành như tin học, điện tử, kinh tế, y khoa, cơ khí, tự động hoá, kiến trúc, xây dựng, ngân hàng, du lịch, … Có người làm việc trong kỹ nghệ, có người giảng dạy trong đại học. Nhận thấy giai đoạn "đổi mới" của Việt Nam đã bắt đầu, anh em muốn làm nhịp cầu đưa tri thức khoa học kỹ thuật về Việt Nam, cũng như muốn Việt Nam qua đó tiếp cận được thế giới bên ngoài. Ý tưởng này được phòng thương mại bản xứ ủng hộ và hỗ trợ. Quan trọng hơn nữa, có nhiều công ty, hãng xưởng Âu châu muốn nhờ chúng tôi làm trung gian để tìm hiểu và đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi còn muốn giúp thương gia Việt Nam tìm bạn hàng tại châu Âu.
Theo bài bản, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển nhiều chi nhánh trên thế giới cũng như ở Việt Nam (trước nhất như một hình thức câu lạc bộ khoa học kỹ thuật) để mọi người có điều kiện sinh hoạt, trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Mạng lưới còn giữ chức năng tham tán hỗ trợ nhau thực hiện đồ án cho thật tối ưu.
Về phía bên này đã xong. Tinh thần yêu nước có. Khoa học kỹ thuật có. Nguồn đầu tư có. Hỗ trợ của chính quyền có. Tiền có. Thậm chí làm không công.
Những cái chưa có là nằm bên Việt Nam. Mọi người thay phiên nhau về thăm dò thị trường, trao đổi với đại học, doanh nghiệp để tìm đối tác, người hợp tác. Riêng tôi, tôi phụ lo về lĩnh vực tin học và tự động hoá. Cũng giống các bạn khác, tôi muốn tìm những người làm việc được ở Việt Nam và có cùng lý tưởng. Ở Sài Gòn tôi quen được một số giáo sư đại học Phú Thọ và nhiều doanh nhân của Cholimex, Sunimex, Viettronics, ... Ở ngoài Bắc, tôi không quen ai. Anh T. hãng 3C Sài Gòn giới thiệu chúng tôi đến anh Nguyễn Quang A ở Hà Nội. Năm 1994, chúng tôi cũng ra đó gặp anh, trước nhất là muốn làm quen. Trong dịp đó, anh tặng chúng tôi những chương trình do các anh em 3C-SOFT viết như VOCR 1.0, 3CSCRIPT 1.5. Ngoài ra chúng tôi còn được một chị làm trong chính quyền giới thiệu đến công ty Thikeco.
Mọi việc đã được thực hiện chu đáo đúng bài bản, vậy mà cuối cùng thất bại.
Khách quan mà nói, đó là lỗi của chúng tôi. Chúng tôi đã không nắm bắt được thực tế khách quan rằng, người bên Việt Nam chưa quen cách làm việc bên này và đáng tiếc nhất là không trọng chữ tín. Đã thoả thuận hợp tác chung nhưng ai cũng muốn làm riêng, không ai phục ai, làm hỏng hết bài bản chung. Ví dụ về kinh nghiệm của tôi, có vài hãng sản xuất máy công nghiệp của Đức, Thuỵ Sĩ muốn đầu tư lập nhà máy ở Việt Nam; phía Việt Nam hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi, nhưng giấy tờ quá rườm rà, tổ chức kém, chậm chạp, thậm chí đến một chuyện nhỏ như liên lạc cũng không làm tốt. Thời đó gọi điện thoại từ Việt Nam đi ngoại quốc rất đắt, khoảng 3 đô một phút, người trong nước không chịu nổi, hai bên bèn chọn giải pháp gửi fax, vừa nhanh, vừa đỡ tốn kém. Đã thoả thuận như vậy tưởng xong nhưng phía đối tác bên Việt Nam lại không làm tốt. Sự liên lạc hết sức tồi tệ. Bên này các nhà đầu tư thường xuyên hỏi thăm chúng tôi công việc đã tiến triển tới đâu rồi, bao giờ thực hiện được bước tới. Đợi mãi chẳng thấy phía Việt Nam trả lời, chúng tôi phải gọi điện thoại về, thì được hứa tuần sau sẽ trả lời. Đến tuần sau cũng không thấy. Đến tháng sau cũng không thấy. Rốt cuộc các nhà đầu tư nản chí, cho rằng người Việt làm việc thiếu nghiêm chỉnh, họ không muốn làm việc với người Việt nữa, họ đi tìm người Trung Quốc.
Mãi một thời gian sau, fax trả lời bên Việt Nam tới liên tục. Hoá ra mỗi người mỗi ý, ai cũng muốn người ngoại quốc đầu tư làm ăn riêng với công ty mình. Nhưng họ đã đi mất rồi.
Hoặc một ví dụ khác. Có lần ghé thăm một hãng thiết kế xây dựng, thấy anh em vẽ hoạ đồ bằng tay cực quá, chúng tôi đề nghị nên dùng CAD. Kiểu vẽ tay đã lạc hậu. Ông giám đốc nói cũng rất muốn đưa tin học vào nhưng thiếu khả năng. Không thành vấn đề, anh em sẽ biếu hãng một dàn máy với điều kiện phải tự cho người sang Đức học cách sử dụng và vận chuyển máy về. Phải nói đó là một dịp may tình cờ hiếm có. Một anh bạn của chúng tôi làm trong nghề CAD được hãng để lại một dàn máy với giá rẻ do nhu cầu tái tổ chức. Dàn mainframe với nhiều terminals cộng máy in và CAD software đắt tiền tuy không mới tinh nhưng đối với Việt Nam vẫn là một phương tiện tốt, hiện đại còn sử dụng được một thời gian dài. Nó có thể làm rất nhiều việc. Nếu không dùng vẫn có thể cho thuê hoặc bán lại, chia lợi nhuận cho nhân viên. Đây cũng là điều kiện chúng tôi đặt ra. Ông giám đốc hết sức vui mừng, hứa sẽ cho người qua học và mang máy về. Tưởng thoả thuận như vậy kể như xong, nhưng không. Đợi mãi không thấy lời hứa được thực hiện. Anh bạn giận quá bèn mang dàn máy bán mất, khỏi phải hiến tặng, đỡ phiền toái. Từ đó anh thề sẽ không làm việc với Việt Nam nữa.
Đó là một trong nhiều ví dụ. Tổng kết lại, tất cả mọi chương trình đều thất bại. Mọi người thất vọng, nghĩ rằng, làm việc với Việt Nam chưa được, còn nhiều rủi ro, tốm kém và phiền phức, bèn quyết định: ngưng. Lúc đó, ông Nguyễn Xuân Oánh đang dự tính đưa chúng tôi đi gặp ông thủ tướng Võ Văn Kiệt, bất thình lình nghe thông báo ấy, ông đâm chưng hửng. Ông rất buồn nhưng đành chịu.
Nghe nói, ông đã mất. Hôm nay, nhìn ngôi nhà, chúng tôi tưởng nhớ tới ông.

*

Chúng tôi đã đi một vòng vào tận chùa Xá Lợi rồi quành ra. Khu này bây giờ có khá nhiều quán café, quán ăn. Thật thú vị. Chúng tôi ghé thử quán Thiên Tửu Vương, số 1 đường Lê Ngô Cát.
Bảy giờ tối, quán đông nghẹt gồm đủ mọi giới: bình dân, thương gia, sinh viên, người Việt nước ngoài, cán bộ, … Có bàn chứa cả một đại gia đình đến ăn tối. Có bàn toàn bạn bè rủ nhau đến đây ăn nhậu.
Quán Thiên Vương Tửu có nhiều rượu lạ: Thiên Vương Tửu, Bao Tử, Ca Dê, Bào Ngư, Tiên Tử, Linh Chi, Tây Môn Khánh, Tên Lửa, Tằm Hà Đông, Cá Ngựa, Sâm Quy, Hàn Quốc, Bìm Bịp, Trứng Kiến, Minh Mạng, Dâm Dương Hoắc, Sán Lùng, Mật gấu, v.v.. Giá từ 40.000 đến 120.000 một xị.
Đối với dân nhậu, đây quả là một thiên đường đầy rượu. Mới là rượu, chưa kể món nhậu. Món nhậu gồm có: cá chép om riềng mẻ, riêu cá chép, chả cá Lã Vọng, gỏi cá điêu hồng, nem cua biển, chả mực thì là, chả cá thì là, chả rươi, chả cốm Hà Nội, chả ốc sương sông, chả lá lốt chiên, chân giò rút xương chấm mắm tép, gỏi giò thủ, giò thủ Hà Nội, xúc xích Đức, ba chỉ luộc chấm mắm tép, lòng heo luộc, móng giò luộc hành, móng giò hầm măng khô, bao tử heo luộc, thịt đông dưa chua, ốc nấu chuối, ớc nhồi thịt hấp, ớc luộc lá chanh mắm gừng, ốc nhồi tiềm thuốc bắc, giò heo nấu giả cầy, dồi heo Hà Nội, đùi heo quay kiểu Đức, gỏi lươn Thiên Vương Tửu, neo chiên nước mắm, neo xào sa tế, tôm hắc bạch công tử, gỏi tam sắc, cá giòn chiên nước mắm, cá giòn Bắc cực, lẩu đầu cá giòn, ngan 3 món, heo mọi dân tộc 4 món, cá chình suối 2 món, chim cu, rắn hổ đất hầm xé, rùa rang muối, nhím nướng, nai nướng, thỏ nướng, heo rừng nướng, vân vân và vân vân.
Nhìn cuốn thực đơn thấy chóng mặt. Phải nói là cuốn chứ không phải tờ. Trên thế giới không nơi nào có. Thế mới biết, Việt Nam không chế nổi một nồi cơm điện bán khắp thế giới nhưng nấu ăn thì vô địch.
Không khí quán về đêm tưng bừng như một bữa đại tiệc. Tiếp viên chạy ngược xuôi không kịp thở. Tiếng chuyện trò đinh tai nhức óc, tiếng kêu ơi ới đặt hàng. Tiếng "dzô dzô" mời cụng ly vang lên không ngớt.
Bên cạnh chúng tôi là một bàn nhậu đúng nghĩa. Bốn người đàn ông độ khoảng ngũ tuần phốp pháp như xì thẩu. Chỉ có bốn người mà trên bàn đầy ắp chục món đồ nhậu và bia rượu Heineken, Remy Martin, ... Các ông vừa ăn, vừa tranh nhau nói ngoại trừ một ông đang mê mẩn cầm tay cô tiếp viên hôn chùn chụt. Cô gái vui vẻ để yên cho ông muốn làm gì thì làm. Nữ tiếp viên ở đây đều mặc áo hở cổ, váy ngắn. Hôn tay cô xong, ông khách thò tay xuống vuốt đùi, vuốt mông cô. Cô gái hơi mắc cỡ vẫn ráng đứng yên. Mấy ông còn lại không buồn để ý, ngồi bá vai nhau, tay quơ qua quơ lại nhịp nhàng, hát vô tư như trẻ nhỏ: "Thành phố Hồ Chí Minh … đẹp nhất tên người. Thành phố … Hồ Chí Minh".
Hình như tiếp viên ở đây không được chủ trả lương nhiều. Họ sống chủ yếu nhờ phục vụ khách. Càng chìu khách, càng được nhiều tiền thưởng; dân trong nước gọi là "bo" (puorboire).
Đã 10 giờ đêm, khách lần lượt ra về. Các ông cũng gọi người đến tính tiền. Cô tiếp viên được giúi vào tay tờ 100.000. Cuộc vui tàn. Bàn các ông ngập thức ăn thừa mứa. Hai ông bước vào toilet. Một ông lảo đảo bước đi không nổi. Ông kia cũng đã ngất ngư nhưng vẫn ráng dìu người bạn. Chỉ được một đoạn, cả hai đứng lại, dựa vào tường ói mửa.
Thấy tôi ngồi một mình, cô tiếp viên sang tôi cười hỏi anh bạn đâu rồi. Tôi bảo anh bạn đang vào toilet. Như một thói quen, cô rót thêm bia vào hai ly. Hỏi thăm cô gái một chút, mới biết, quả thật cô sống nhờ tiền thưởng của khách quen như bốn ông hồi nãy. Một ông là phó giám đốc công ty quốc doanh, một ông là sếp trong ngành hải quan, hai ông còn lại làm trong ngành xây dựng. Còn nhiều ông khác nhưng hôm nay không tới. Họ thường đến đây, nhất là vào cuối tuần. Một bữa ăn xài chục triệu là chuyện bình thường.
Có lần ngồi nói chuyện với một ông bạn ở Sài Gòn, ông cho biết, lương giám đốc, phó giám đốc công ty quốc doanh mỗi tháng khoảng 100-150 đô. Dẫu cao hơn mức lương 50-60 đô của một công nhân ngành may nhưng vẫn không thể chi phí cho sinh hoạt gia đình và những bữa nhậu thường xuyên hằng tháng như thế. Vậy lấy tiền đâu để nhậu?
Thứ sáu, 15.07.2005
Sáng ra AQ ngồi uống cà phê, biên chép.
Hôm nay cả nhà đi ăn sáng ở chợ Bến Thành. Lâu lắm rồi mới được sống lại cảnh ăn ngoài chợ.
Khu ăn uống bán đủ thứ: phở, hủ tiếu, bún bò, bún riêu, canh bún, bánh cuốn, cơm tấm, cháo lòng, ... Mỗi cửa hàng là một kiosk nhỏ, bốn mặt có quầy lót gạch men làm bàn ăn. Khách ăn ngồi ghế nhựa thay vì ngồi ghế đẩu như xưa. Trước mặt chúng tôi là một núi rau tươi hấp dẫn: rau muống chẻ, bắp chuối, giá, húng cây, húng quế, kinh giới, ... Một rổ bún trắng tinh, một nồi nước lèo thơm lừng mùi bún riêu, canh bún. Ðồ ăn có vẻ vệ sinh và an toàn. Không thấy ruồi. Người làm không bốc bằng tay. Vào giờ này, mọi quán đều đông khách, đa số là người Việt hải ngoại và người ngoại quốc. Thức ăn bình dân. Ăn tạm được, giá không đắt lắm nhưng có lẽ vẫn đắt đối với người trong nước. Ăn tô bún riêu ở đây giá 10.000, còn ở gánh hàng rong đối diện chợ chỉ khoảng 5000. Nghe kể vậy.
Trong chợ thỉnh thoảng vẫn còn trẻ bán rong lẽo đẽo theo khách mời mua quạt giấy, đồ lưu niệm lặt vặt, ... Tuy nhiên nhìn chung, cảnh phiền nhiễu khách giảm bớt thấy rõ. Phong cách mời khách cũng lịch sự hơn xưa, không còn cảnh chèo kéo chụp giựt. Chợ khá trật tự, an toàn, không có trộm cướp. Cô bán hàng kể, khắp nơi đều được trang bị camera giấu kín. Kể cũng hay. Nếu có thêm hệ thống thông khí thì càng tốt vì không khí trong chợ nóng và ngột ngạt, người đông quá.
Mọi mặt của chợ Bến Thành đều có tiến bộ, ngoại trừ nhà vệ sinh. Vẫn còn kiểu bàn cầu ngồi chồm hổm. Không có hệ thống dội nước, phải lấy gáo múc nước dội. Người vào sử dụng xong ung dung bỏ ra để nhân viên phải làm vệ sinh. Trẻ con một hai tuổi muốn đi toilet cần có cha mẹ dẫn đi, cha mẹ phải trả tiền cho con và cho chính mình.
Ðiểm tâm xong, chúng tôi mua sắm một ít bánh kẹo, thức ăn khô. Hàng hoá nhiều và đa dạng.
Rời chợ Bến Thành, chúng tôi ghé cửa hàng Bitis trên đường Lê Lợi mua giày cho tụi nhỏ. Giày Việt Nam bây giờ làm rất khá. Mỗi đôi bata trẻ con giá khoảng 5 đô.
Mua sắm xong, bà xã tôi cho mấy đứa nhỏ về Gò Vấp thăm bà nội và sẽ ngủ đêm tại đó. Tôi ở lại thành phố, sẽ về sau.

*

Tiện đường, tôi ghé thăm Thư viện Quốc gia.
Hôm nay tôi lại được dịp sống lại thời còn đi học, vào mượn sách, đọc sách, học chung với bạn bè. Cảnh vật bây giờ vẫn vậy, vẫn những bậc thang, vẫn cái hồ cá vàng dài bên dưới, cái phòng đọc sách rộng thênh tĩnh lặng, cái quầy mượn sách, ... Có mới chăng là được sửa sang, sơn phết.
Dọc theo hành lang, vài nhóm sinh viên đang ngồi trò chuyện. Tôi đến một nhóm ngồi nói chuyện hỏi thăm đôi chút rồi đi.
Quanh khu này có nhiều du khách nước ngoài qua lại. Trong trung tâm Sài Gòn đã cấm xích lô đạp hành nghề, tuy vậy vẫn còn vài chiếc đang mời mọc khách bên Dinh Gia Long. Một đôi vợ chồng Tây thích đi thử. Mỗi người một xe. Hình như xe xích lô bây giờ có vẻ nhỏ và hẹp hơn xưa. Hai ông bà Tây to lớn ngồi cũng lọt. Họ thích thú, cười nói với nhau điều gì. Hai anh đạp xích lô ốm nhom ốm nhách gồng mình đạp trông thật thảm hại.
Xích lô là một hình ảnh đặc trưng của Việt Nam được thế giới biết tới. Du khách ngoại quốc cũng thích đi dạo bằng xích lô. Chỉ có điều cảnh người ngồi thoải mái trên xe để người ốm yếu còng lưng đạp không đẹp đẽ lắm. Thế nhưng đây là nghề kiếm sống của nhiều người lao động nghèo khổ. Nếu cấm, họ lấy gì ăn. Bất chợt tôi tự hỏi, tại sao kỹ sư Việt Nam không nghĩ ra một loại xích lô chạy bằng motor. Không phải loại motor xích lô máy chạy xăng ồn ào, xả khói mịt mù mà là motor điện hay motor chạy bằng gas, vừa sạch vừa êm. Xích lô không đòi hỏi vận tốc cao, nên motor cũng không cần lớn, phức tạp, dùng nhiều năng lượng. Làm được việc này, một là đỡ mệt cho người lái, xoá được vẻ "cu li", hai là dân nghèo có việc làm, ba là giữ được hình ảnh xích lô tiêu biểu, có lợi cho ngành du lịch. Tuy nhiên nếu có thực hiện thì cũng nên thiết kế lại chiếc xe cho thẩm mỹ hơn, an toàn hơn.

*

Ngay khu Nguyễn Trung Trực, Lý Tự Trọng (Gia Long cũ) có khá nhiều quán ăn và quán cà phê. Tôi vào thử quán Góc Phố uống nước. Hai cô tiếp viên chờ sẵn bên trong mở cửa, niềm nở mời tôi vào. Một cô mỉm cười hỏi tôi "Anh có đi với em không?". Tôi ngạc nhiên hỏi lại "Tại sao đi với cô?". Cô gái che miệng cười khúc khích, không trả lời, mời tôi tới một cái bàn trống sát bên cửa sổ. Chỗ này được, tôi kéo ghế ngồi và xin cô một chai bia Heineken ướp lạnh. Cô lễ phép dạ rồi đi. Ngồi suy nghĩ vài giây tôi mới hiểu ra câu hỏi của cô tiếp viên vừa rồi. "Em" có nghĩa đại khái là "bạn gái". Kể cũng lạ, thời xưa phụ nữ đâu bao giờ dùng tiếng lóng này.
Quán có máy lạnh, trang trí như một quán cà phê theo kiểu Mỹ, không khí trẻ trung. Tuy vậy cũng có nhiều khách lớn tuổi, trung niên ngồi đọc sách báo ở một khu. Lác đác vài người mặc đồng phục, vài người thắt cà vạt, có lẽ là nhân viên văn phòng hay thương gia. Khu bên kia có nhiều người trẻ hơn. Nam lẫn nữ ăn mặc đúng thời trang, ngồi tựa nhau, trò chuyện thân mật. Có chỗ chỉ dành cho hai người. Nhạc để nhè nhẹ. Nói chung không ồn ào, xô bồ.
Cô tiếp viên mang nước đến cho tôi và sửa lại cánh hoa hồng đặt trên bàn cho ngay ngắn. Các cô tiếp tân đều mặc đồ đen. Cô nào cũng cao, váy ngắn, chân dài, da dẻ trắng trẻo.

Nói về ăn mặc, giới trẻ Việt Nam hôm nay không thua ai nhất là con gái. Áo thun ngắn củn, bó sát người, hở ngực, quần xệ hở rốn là chuyện bình thường. Nhiều cô đeo đầy bông tai, khoen rốn, xăm hình rồng rắn trên vai.
Tôi gọi điện thoại rủ ông anh tới chơi.
Ngồi ngắm xe cộ chạy bên ngoài cửa sổ thật thú vị. Xe Honda chạy hàng đàn. Lác đác một vài chiếc xe hơi. Ða số là taxi.
Taxi là nghề dễ kiếm ăn. Có lẽ không nơi nào trên thế giới có nhiều hãng taxi như ở đây: Taxi Sài Gòn, Vinataxi, VN Taxi, Taxi Meter, Taxi Vinasun, Taxi Khải Hoàn Môn, Taxi Đức Linh, Taxi Mai Linh, Deluxe Taxi, Giadinh Taxi, Saigontourist, Cholon Taxi, Ben Thanh Taxi, Taxi SAVICO, Taxi du lịch số 2, Festival Taxi, Airport Taxi, Taxi Thiên Phúc, Miền Đông Taxi, ... Cả công ty bán xăng dầu cũng có Taxi: Petrolimex.
Ông anh tới. Chúng tôi rủ thêm anh bạn L. đến chơi. Đúng giờ ăn trưa, quán đông không còn chỗ. Thức uống hơi đắt nhưng một bữa cơm trưa văn phòng theo như thực đơn thứ sáu hôm nay gồm các món mực xào chua ngọt, cá lóc kho tiêu, ba rọi trộn dưa mắm, gà ram gừng, khổ qua xào trứng, canh sà lách son, chôm chôm chỉ có 15.000 một phần, không đắt lắm. Chúng tôi không tính ăn trưa ở đây mà đi bộ đến quán phở 2000 ở góc Lê Lợi - Phan Chu Trinh đối diện chợ Bến Thành.
Phở 2000 là nơi Bill Clinton từng ghé ăn nhân chuyến công du Việt Nam của ông vào năm 2000. Trên tường treo nhiều ảnh chụp kỷ niệm. Quán đơn sơ, sạch sẽ, nhân viên mặc đồng phục tiếp khách nhiệt tình. Phở ăn được. Nước vẫn hơi ngọt như mọi nơi khác. Giá 21.000 một tô nhỏ. Khách toàn dân Việt hải ngoại và du khách nước ngoài.

*
Chiều, cô bạn Th. mời Đ., L. và tôi đi ăn ở quán Hội Ngộ, 14 Lê Ngô Cát. Quán chuyên về đồ nướng.
Khác quán cà phê Góc Phố mới ghé hồi trưa, chúng tôi được một cô gái mặc áo dài thuỳ mị xinh xắn đón chào ngay trước cổng. Quán có một sân rộng bên ngoài và một phòng kiếng bên trong. Trời đã tối, ngoài sân cây cối um tùm, đèn mắc trên cây le lói đủ thứ màu ánh sáng. Lò nướng than nóng hực, khói bốc lên nghi ngút. Dãy hồ kiếng đặt sát bức tường bên phải chứa đủ đồ tươi sống: cá, tôm, cua, mực, ... Mùi đồ nướng thơm phức tràn ngập khắp không gian.
Người đến càng lúc càng đông. Không khí có tính cách gia đình hơn là nhậu nhẹt.
Th. giới thiệu Đ., người trẻ nhất trong bàn ăn. Đ. là bạn thân của em L. và là đàn em của Th. thời còn học ở Trưng Vương. Người phụ nữ vui tính, trông không có gì trưởng giả, vậy mà là một đại gia về địa ốc. Từ hai bàn tay trắng Đ. đã xây dựng được một chuỗi khách sạn ở Sài Gòn.
Đất Sài Gòn ngày nay quý hơn vàng. Một căn nhà nhỏ ở mặt tiền đường Cách mạng tháng Tám, một thước vuông giá cả chục cây vàng, huống gì một khách sạn to lớn sáu bảy tầng của Đ. Đất quá đắt, đắt còn hơn đất khu phố chính nơi tôi ở. Đất khu Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đồng Khởi còn đắt nữa. Paris, Berlin chưa chắc bằng. Đất 36 phố phường Hà Nội nghe nói còn đắt nữa. Một thước vuông năm sáu chục cây vàng, tương đương 20-24 ngàn euro, chỉ sau Tokyo, New York.
Ngay trung tâm Sài Gòn, mỗi lần mưa, nước ngập, cơ sở hạ tầng yếu kém vậy mà đất đắt. Đất đắt phi lý sản sinh ra đủ vấn đề. Tổn phí cao đối với giới đầu tư. Tiền đền bù cao đối với một dự án xây dựng cần giải toả. Người cần đất để ở không thể mua nổi đối với mức thu nhập bình quân còn rất thấp của người dân trong nước. Rốt cuộc dân nghèo bao giờ cũng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Tính Đ. rộng rãi, dễ thương và nghệ sĩ. Cô xuất thân từ trường nghệ thuật sân khấu, một ngành không liên quan gì đến thương mại, mà làm ăn giỏi thật. Cô rất quý chúng tôi, bảo rằng, tụi anh có bạn bè về Việt Nam chơi, ở khách sạn của em, em chỉ tính nửa giá thôi. Cả bàn cười ầm lên. Nhưng mà chúng tôi tin Đ. không nói đùa.
Đã đến giờ tôi chia tay mọi người. Đ. nói để cô gọi taxi đưa tôi về.
Chiếc Vinataxi chở tôi về Gò Vấp. Mới mười giờ đêm, đường đã vắng, không còn cảnh sát đứng gác đường. Dường như đèn xanh đèn đỏ giờ này không còn giá trị. Anh tài xế taxi cũng vượt đèn đỏ như mọi người. Tôi được đưa về tới nhà khá nhanh mà chỉ tốn 65.000 thay vì từ 80.000 đến 95.000 như mọi lần.

Thứ bảy, 16.07.2005
Sáng dậy sớm, anh hai em tôi ngồi uống cà phê trò chuyện trong một góc vườn. Không khí mát, phảng phất mùi cỏ, mùi hoa.
Mọi người cũng từ từ thức dậy, ra sân ngồi chơi, ăn sáng. Mấy đứa nhỏ đang đùa giỡn với mấy con chó nhỏ.
Hôm nay, tôi nhờ ông chở đi sắm ít đồ dưới phố. Bà xã tôi thích ở nhà chơi với mọi người.

*

Chúng tôi đi tìm đồ gốm Bát Tràng. Vào Chợ Lớn, ra Sài Gòn, không có chỗ nào vừa ý. Chúng tôi ra khu bán đồ cổ Lê Công Kiều.
Khu Lê Công Kiều Quận 1 nổi tiếng về đồ cổ. Hai bên đường khu phố cổ, những cửa tiệm nhỏ nhắn nằm san sát nhau tựa như phố hàng Đào. Nói là nổi tiếng về cổ đổ, thực ra đồ thật thì ít, đồ giả thì nhiều. Giá cũng trên trời dưới biển.
Tôi không phải là người đi sưu tầm đồ cổ. Tôi chỉ muốn tìm mua một cái bình lư bàn thờ nhưng mà phải hơi cũ cũ, chứ đừng sáng choang như đồng vàng mới đánh, tôi không thích lắm.
Ghé mọi tiệm, mất hơn một tiếng đồng hồ, tôi mới chọn được một cái tương đối vừa ý. Chiếc lư đồng đen kiểu xưa, ba chân, hai quai, cũ kỹ, màu đất xám, nhiều mảng đã ngả sang màu lục bích của chất đồng bị ôxít hoá trông như đồ cổ thật. Chủ tiệm rao giá 250.000. Cuối cùng tôi cũng làm chủ được món hàng với giá 200.000.
Khác tính vồn vã của chủ quán ăn, chủ tiệm đồ cổ hơi lạnh nhạt. Khách vào xem, chủ vẫn ngồi bất động như đồ cổ, không chào không hỏi.
Mua xong một món đồ vừa ý, tôi đi sắm thêm một ít nhạc cụ. Chúng tôi tới đường Nguyễn Thiện Thuật. Khu này vốn nổi tiếng về guitar nhưng bây giờ cũng có bán nhạc cụ dân tộc. Tôi muốn tìm mua một số để tự học từ từ và giới thiệu với bạn bè ngoại quốc về âm nhạc Việt Nam cho vui.
Xem nhiều nơi, cuối cùng chúng tôi ngừng lại ở tiệm Cung Chiều 37 Nguyễn Thiện Thuật. Tôi mua được vài món như đàn sến, đàn kìm, đàn cò, đàn gáo, đàn bầu, đàn tì bà, đàn tranh và sáo trúc. Tổng cộng 1.900.000, khoảng 100 Euro. Hàng được đóng thùng cạc tông chắc chắn, gọn gàng, dễ vận chuyển.

*

Trưa, một ông bạn gọi điện thoại cho tôi báo đã về đến Sài Gòn bình yên. Gia đình H., Y. và hai đứa con trai, cũng ở Đức, mới về Việt Nam lần đầu sau 30 năm. Ông bạn náo nức mong gặp lại bạn bè chiều nay.
6:00 chiều chúng tôi lại gặp nhau ở quán Hội Ngộ.
H. là một trong những người bạn thân nhất của tôi ở Đức. Ông cũng là đồng nghiệp của tôi ở Siemens. Tôi làm bên trung tâm thẩm năng tự động hoá Stuttgart, còn hai vợ chồng ông làm bên khu công nghệ vận chuyển Braunschweig, chuyên viết software điều khiển xe điện, xe lửa, v.d. như hệ điều hành mà chị Y. đã viết cho xe lửa tốc hành Transrapid (loại xe lửa chạy trên đường từ trường duy nhất trên thế giới do Siemens & Krupp chế tạo, tốc độ tối đa 600 km/h, đang được sử dụng ở Thượng Hải, Trung Quốc).
Đáng lý hôm nay chúng tôi còn gặp thêm một người bạn nữa cũng ở Đức vừa về, chỉ tiếc là đến giờ phút chót không gặp được.

*

Hai vợ chồng H. mới về, hơi mệt. Trời Sài Gòn nóng bức, càng mệt thêm. Chúng tôi vào phòng trong có máy lạnh ngồi cho khỏe và đỡ ồn. Hai đứa con trai của H. vẫn còn tỉnh táo và còn sức chơi đùa với mấy đứa nhỏ con tôi ở ngoài sân.
Đến chơi với chúng tôi hôm nay còn có ông em họ của H. ở Sài Gòn, hai anh chị tôi và L.. Biết chúng tôi đi xa lâu ngày, nhớ đồ ăn Việt Nam, ông em H. giới thiệu vài món "hương vị quê nhà" ăn cho biết.

Chúng tôi dùng thử món thổ tiềm. Món này được quảng cáo là rất tốt cho các đấng "đàn ông", ăn vào có tác dụng ngay. Cái thố đất nung - cách nấu giống vịt tiềm - đặt trên lò lửa để giữa bàn sôi sùng sục bốc mùi thuốc bắc. Mỗi người đàn ông được thử một bát. Tôi cũng ăn thử một vật lạ đầy xương và tanh mùi cá sống. Hoá ra là cá ngựa. Cái thố đất còn có hột vịt lộn, ngầu pín, sâm nhung Đại Hàn, ... được kể là rất bổ dưỡng. Chẳng biết bổ không, riêng tôi chỉ thấy không hạp khẩu mấy và cũng chưa thấy tác dụng gì ngay dù chỉ là một dấu hiệu mong manh. Chúng tôi còn được thử món lẩu cá chình, nhúng mồng tơi sống. Cũng theo lời giới thiệu, đây là loại cá sống tự nhiên ở sông suối, không phải cá nuôi nên rất bổ và đương nhiên ... không rẻ.
Hôm nay, cuối tuần, quán còn có thêm buffet gồm vô số món đặt ở ngoài sân. Ăn gì cũng được, bao nhiêu cũng được, giá một phần người lớn 60.000, trẻ con 40.000. Chúng tôi không đụng đến vì đồ ăn trên bàn còn đầy đủ.
Bạn bè lâu ngày không gặp, ngồi nói chuyện nhiều hơn ăn.
Mấy bà và trẻ con đã mệt, đi về trước, chỉ còn lại cánh đàn ông. Tính tiền xong, chúng tôi ghé quán Café Tâm Giao yên tịnh, ngồi trò chuyện một chút rồi cũng về đi ngủ.

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 431

Return to top