Mồng một tết Nguyên đán.
Tiếng pháo cúng cơm chiều, xa gần nổ ran khắp nơi, từ phố khách, phố ta đưa tới.
Chau mày tỏ dáng khó chịu, Chương đứng dậy đóng hết các cửa chớp, cửa kính, rồi vặn đèn điện, lại ngồi bên lò sưởi, mở tập tuần báo số tết ra đọc.
Nhưng cũng như buổi tối hôm trước, mới ngó qua một lượt, chàng đã uể oải vứt tập báo lên bàn, tuy nhiều bức tranh hí hước đã làm cho chàng phải bật cười.
Trí chàng chán nản, gặp ngày tết, càng thêm chán nản. Lòng chàng trống trải, chàng cảm thấy càng thêm trống trải giữa sự lạnh lùng, thờ ơ của làn không khí khó thở, chứa đầy hương thủy tiên.
Lần này là lần thứ hai, mùi hoa thủy tiên làm rạo rực lòng Chương. Lần thứ nhất là ngày tết năm trước. Vì đã hai năm Tuyết bỏ nhà ra đi, đã hai năm, Chương lủi thủi một thân trơ trọi, sống với sự nhớ tiếc vẩn vơ, với những kỷ niệm êm đềm và cay đắng.
Có lẽ đó chỉ là một thói quen, cái thói quen chung sống với đàn bà, cũng như cái thói quen chơi hoa thủy tiên trong những ngày tết mà Tuyết đã truyền lại cho Chương.
Năm ngoái, ngày mồng ba tết, ngày kỷ niệm đau đớn, ngồi trước mấy bát thủy tiên tỏa hương thơm ngát, Chương rào rạt tình thương, nỗi nhớ, rồi Chương thì thầm tự nhủ:
nhất định năm sau không chơi hoa nữa, nhất là hoa thủy tiên, mà Tuyết trong một lúc nồng nàn tự ví với tấm thân của mình.
Chương mỉm cười, nhớ lại điều đó, vì chàng cho rằng không một sự so sánh nào không đúng bằng sự so sánh Tuyết với hoa thủy tiên.
Cánh cửa xuống nhà bếp bỗng mở mạnh ra. Một tràng tiếng pháo nổ inh tai, gắt gỏng ùa vào phòng. Theo sau, người vú già chậm chạp bước. Chương cau mặt hỏi:
– Cái gì thế?
– Bẩm ông, con bưng cơm.
– Hãy thong thả. Đóng cửa lại!
Vú già khép cửa toan xuống nhà. Chương lại gọi giật lại bảo:
– Vú có đói cứ ăn trước đi.
Người vú già ấy, Chương nuôi vừa được hai năm, đúng với thời gian Tuyết bỏ đi. Năm ấy, mấy ngày trước tết, vô cớ, Tuyết đuổi con sen, rồi nhờ chị em bạn tìm hộ một người vú già. Nhưng người vú già mới về ở năm hôm thì Tuyết đi biệt. Tưởng chóng chầy thế nào nàng cũng về, Chương giữ nuôi người vú già và nhận trả công ba đồng một tháng.
Chờ mãi, Tuyết đi không trở lại. Nhưng người vú già chàng thấy chăm chỉ, cẩn thận, lại biết làm cơm, nên một hôm trong lúc gắt gỏng, bực tức, chàng đuổi bếp Vi để nuôi một người đàn bà. Từ đó, mấy lần người ấy đưa con đến xin hầu.
Chương đều từ chối, nói không cần nuôi đầy tớ trai nữa. Chàng cho vú già là người đầy tớ hoàn toàn, đủ các đức tính mà quý nhất là cái đức tính không còn phải lòng trai nữa.
Cái ý tưởng trai gái lại bắt đầu nhớ đến Tuyết, và làm cho chàng sa sầm nét mặt. Ở đời chàng có nhiều sự ngẫu nhiên nhưng chàng cho sự gặp gỡ Tuyết là sự ngẫu nhiên vô lý hơn hết.
Ngày nay nghĩ tới Tuyết, Chương không còn cảm thấy sự thương tiếc nồng nàn như buổi đầu. Hai năm xa cách đã đủ làm phai nhạt sự nhớ nhung:
Tuyết chỉ còn để lại bên lòng chàng chút kỷ niệm êm đềm như hương thủy tiên đượm mùi chè ướp, xa xăm như tiếng đàn nghe trong giấc mộng, không ai oán, tựa giọng cười vui tươi bên lò lửa đối với người khách qua đường ...
Hai năm!
Hai năm không tin tức ... Không một bức thư!
Hay Tuyết chết? Cái ý nghĩ Tuyết chết khiến Chương buồn rầu, ngậm ngùi thương kẻ phiêu lưu trên con đường mưa gió. Lẩn thẩn, chàng tin theo số mệnh.
Số Tuyết là số một gái giang hồ thì thế nào làm cho nàng tránh được cái đời vô định, cũng như số chàng là số một người sống đời trơ trọi thì chàng tất phải đành yêu chủ nghĩa độc thân.
Tư tưởng ấy an ủi được lòng Chương, cho dẫu nó làm cho chàng nhớ đến Thu. Chương không còn biết phân biệt, trong sự yêu thương, tình trong sạch với xác thịt nữa, đến nỗi một lần bà phủ mời chàng sang đánh tổ tôm, chàng đã đáp lại sự âu yếm kín đáo của Thu bằng cái bắt tay lả lơi trước mặt mọi người. Từ đó bà phủ đã lặng lẽ xa lánh chàng và chẳng bao lâu, Thu đã nhận lời lấy Khiết ...
Phải, chính vì Tuyết mà chàng không lấy được Thu. Song chàng không oán hận Tuyết, người thứ nhất dạy chàng yêu. Trong hai năm nay, thỉnh thoảng chàng vẫn tìm quên ở trong lòng bạn gái một đêm, nhưng tình hờ của bọn tục tằn chỉ làm cho chàng thêm nhớ tiếc người tình cũ. Rồi càng ngày càng chán nản, phiền muộn, chàng đã quay về với cái đời lạnh lùng, trơ trọi thuở xưa.
Lần thứ hai, vú già lên mời chàng ăn cơm.
Ngước mắt nhìn đồng hồ treo, chàng thấy đã quá tám giờ.
– Ừ được, cứ bày bàn đi. Tôi chưa đói, nhưng cũng ăn cho xong bữa.
Trông thấy nào giò chả, nào thịt đông, nào dưa hành. Chương mỉm cười bảo vú già:
– Có vẻ tết lắm nhỉ!
– Bẩm ông, còn phải mua trữ giò chả. Vi ba ngày tết không có chợ.
Cao hứng. Chương mở một chai rượu nho. Vì Tuyết, chàng đã ưa cái thú say sưa.
Một cốc, lại một cốc, chàng uống gần cạn chai. Mặt nóng bừng, mắt lim dim, chàng nâng cốc mời đùa người đứng trong bức hình treo trên tường:
– Em xơi với anh một cốc.
– Bẩm, ông say lắm rồi.
Chương ngơ ngác nhìn, tưởng nghe lời đáp của Tuyết ở trong ảnh. Quay lại thấy vú già đứng sau lưng, chàng hỏi:
– Vú có biết uống rượu không?
– Bẩm ông không?
– Ngày tết cho phép vú uống một cốc. Đấy trong chai còn thừa rượu, cho vú cả, đem xuống nhà mà uống.
– Bẩm ông, đàn bà ai lại uống rượu!
Câu trả lời của vú già khiến Chương càng nghĩ tới Tuyết.
Cơm xong, Chương thây bứt rứt, khó chịu, men rượu bốc lên làm cho chàng nhức đầu, chóng mặt, nhất lúc ấy trong lò sưởi, củi đã tàn, hơi than nóng gấp bội. Chương liền mở cửa sổ đứng tì tay, nhìn ra đường.
Tiếng pháo đã ngớt. Nhưng thỉnh thoảng một tiếng nổ đùng của chiếc ống lệnh còn đến làm rung động cái cửa kính kêu rè rè như tiếng ngân bên tai chàng.
Cây đèn điện bên giậu sắt chiếu một luồng sáng nhảy múa trong cái màn mưa phùn tha thướt bay lướt theo chiều gió. Sát cửa sổ, cây động đình lắc lư cái thân mềm yếu, chòm lá cứng rầu rĩ than thở không thôi và tí tách nhỏ giọt mưa xuống lối đi lát sỏi.
Chương vụt có những tư tưởng buồn chán về tết. Cái hình ảnh tết là những dãy phố cửa đóng kín mít, những đàn bà con gái cân nhắc trong bộ quần áo còn nếp, mới lấy ở hòm ra hay mới may. Còn linh hồn tết phải chăng là mùi thơm hoa thủy tiên, phải chăng là sắc thắm hoa đào, hoa cúc, phải chăng là khói hương ngào ngạt ở các chùa, các đền? Hay linh hồn tết là sự sum họp của gia đình?
Chương chỉ cảm thấy trơ trọi, lạnh lùng, vì từ nay, có lẽ mỗi tết nguyên đán lại sẽ nhắc chàng tưởng đến tới sự biệt ly cùng Tuyết.
Ngày thường, bận về việc dạy học, chấm bài, chàng ít rảnh thì giờ mà mơ màng, hồi tưởng tới quãng đời đã qua. Và có nhớ đến Tuyết thì chàng cũng tìm đủ lẽ phải, đủ lý luận để ghét được, để quên được một cô gái giang hồ nhơ nhuốc. Nhưng trong mấy ngày tết, mọi sự đều biến đổi, cho đến cả tính tình của ta. Người mà ta yêu khi xưa dù là người dơ bẩn vụt hiện hình ra, trong sạch, đứng trong cái khung mộng ảo của hoa đào thắm trên cái nền trắng dịu của cánh thủy tiên ...
Vì thế mà Chương âu yếm nhớ tới Tuyết.
Sự ao ước được gặp Tuyết, dù gặp trong khoảnh khắc, chàng có ngay từ tối hôm qua, giữa lúc băn khoăn không ngủ được, chàng nghe tiếng pháo giao thừa đưa xuân tới, mà chàng cảm thấy xuân phơi phới giục chàng yêu. Trí tưởng tượng của chàng phác vẽ Tuyết ra một cô thiếu nữ trăm phần xinh tươi đằm thắm hơn xưa.
Rồi sáng hôm nay thức dậy thật sớm, chàng lang thang khắp các phố, tò mò đến các đền, các chùa Hà Nội. Chàng đi tìm Tuyết.
Có nhiều lần, gặp người đàn bà trông sau lưng như hệt Tuyết, chàng rảo bước vượt qua, rồi quay lại nhìn tận mặt khiến người ta phải lấy làm khó chịu.
Mười hai giờ trưa, chàng trở về nhà, mũ và áo tơi nặng trĩu nước mưa, lòng ngao ngán thất vọng.
– Hay Tuyết chết rồi?
Câu hỏi ấy, Chương thì thầm nhắc tới lần này không biết là lần thứ mấy, lòng trắc ẩn khiến Chương không giữ nổi một tiếng thở dài.
Hạt mưa bay tạt vào mặt làm cho Chương giật mình lùi lại. Chàng đóng cửa sổ, lại bên lò sưởi nhưng lửa tắt đã lâu, và trong lò chỉ còn một lớp tro trắng xám. Chương thấy lạnh, lạnh thân thể, lạnh cả tâm hồn:
Sự trơ trọi càng rõ rệt, càng đau đớn. Chàng liền mở cửa gọi vú già lấy thêm củi.
Một lát, hơi nóng bốc ra, than nổ lẹt đẹt như tiếng pháo, nhựa củi sôi như reo, bụi hồng lấm tấm như nhảy múa, khiến Chương lại vui vẻ ngồi sưởi mà mơ mộng liên miên tới những sự mong manh của đời người ...
Có tiếng chuông ở cổng. Chương nhìn đồng hồ, lẩm bẩm:
“Mười giờ đêm, ai còn đến chơi thế? ... Lại thằng Phương hẳn thôi”.
Một lát vú già vào nói:
– Bẩm ông có một người đàn bà đến thăm ông, nhưng con chưa mở cổng.
Chương cau mày:
– Một người đàn bà?
– Vâng.
– Tên người ta là gì?
– Bẩm con hỏi, người ta không chịu nói tên, người ta bảo người ta là em ông, nhưng con không tin.
Chương nghĩ ngay đến Tuyết:
– Sao lại không tin? Ừ phải đấy. Mở cổng cho cô ấy vào.
Chương chăm chắm nhìn lửa cháy trong lò sưởi, ngồi chờ. Cảm động, chàng đang tìm cách nào tránh được hay giấu được sự cảm động, không để biểu lộ ra trên nét mặt. Vì đoán chắc rằng người đàn bà đến chơi khuya như thế chỉ có là Tuyết. Chương cảm thấy hai tính tình hiện ra trong tâm hồn:
tình yêu thương rào rạt và lòng căm tức dữ dội. Sự dịu dàng của hơi than hồng ấm áp, giữa cảnh đêm đông mưa phùn, gió lạnh như ôm ấp trái tim khô héo của chàng và âm thầm âu yếm gợi tình yêu. Nhưng sau hai năm cách biệt, những sự lừa dối với bao nhiêu kỷ niệm đau đớn còn sùng sục sôi ở trong lòng.
Một lúc sau, vẫn không thấy vú già trở vào. Chương sốt ruột quay đầu lại, định cất tiếng gọi, thì, kinh ngạc xiết bao, in lên hoa màu xanh tấm cánh cửa hé mở, hình một người đàn bà run lẩy bẩy trong cái áo nhiễu dài màu nâu sẫm.
Chương thừa biết rằng đó là Tuyết, song cũng vờ đứng dậy nói:
– Mời bà ngồi chơi. Thưa bà muốn hỏi tôi điều gì?
Chương vẫn tưởng Tuyết lại sẽ vui vẻ cười khanh khách như xưa và sẽ đem hết những chuyện bịa đặt ra kể cho chàng nghe. Nhưng không, Tuyết chỉ cúi mặt nhìn xuống, như bẽ bàng, xấu hổ, như hối hận, sợ hãi. Cái vui khinh bạc ngày xưa không còn nữa. Lòng trắc ẩn bỗng bị xúc động. Chương chẳng giữ nổi mãi vẻ lạnh đạm, se sẽ gọi:
– Tuyết! Tuyết!
Từ từ, Tuyết ngẩng mặt. Chương giật mình, giương cặp mắt ngạc nhiên đăm đăm nhìn. Xa cách nhau có hai năm mà chàng thấy Tuyết già hơn đến vài chục tuổi. Cặp mắt sắc sảo long lanh này đã mờ đã sạm như mất hết tinh thần, chôn trong hai cái quầng đen sâu hoắm. Lớp phấn không đủ dầy để che đôi má hóp và những nếp nhăn trên trán. Màu son thẫm bôi môi càng làm rõ rệt nỗi điêu linh của bộ mặt nhợt nhạt, xanh xao. Cái nhan sắc diễm lệ thuở xưa đã tàn tạ như đóa hoa rã rời sau những ngày mưa gió.
Chương không ngờ, thật Chương không ngờ rằng cái đời trụy lạc đưa con người tới cõi già mau chóng đến như thế. Thốt nhiên hiện ra trước mắt Chương những cảnh tượng ghê gớm, những hình ảnh các gái giang hồ bán vui trong một đêm qua ... Lòng trắc ẩn đối với Tuyết đổi ngay ra lòng khinh bỉ, và mấy phút trước, chàng nóng nảy muốn gặp mặt Tuyết bao nhiêu thì bây giờ chàng sốt sắng muốn tránh mặt Tuyết bấy nhiêu. Có sắc đẹp mới có thể khiến được kẻ giận mình tha thứ. Nếu không thì van lơn cũng là vô ích. Có lẽ biết thế chăng, nên khi thấy Chương cau mày tỏ ý khó chịu, Tuyết chỉ yên lặng cúi đầu đứng đợi.
– Cô còn đến đây làm gì?
Tuyết quay lại đóng cửa, vì luồng gió lạnh lọt qua làm cho nàng rét buốt đến xương. Tưởng đó là cử chỉ tự do thường có của Tuyết. Chương cười nhạt ngồi xuống ghế, không thèm hỏi nữa.
Lúc ấy, vú già ở dưới nhà đi lên để cất cốc chén vào tủ bát đĩa. Chương hất hàm nói:
– Vú hỏi xem cô ấy muốn cái gì?
Chừng Tuyết cho đó là một cách đối đãi quá khiếm nhã, trợn mắt căm tức nhìn Chương, rồi lặng lẽ mở cửa đi ra. Nhưng vì người yếu và bụng đói quá, Tuyết suýt ngã gục xuống, phải víu vội lấy cánh cửa. Bấy giờ vú già mới nhận ra được Tuyết:
– Ô kìa, bà mà nãy con không biết.
Hai hàm răng đập vào nhau lập cập, Tuyết vừa thở dài, vừa nói:
– Vú làm phúc ... cho tôi ... xin một chén nước nóng.
– Nhưng bà đứng ở đây có gió. Vào trong này, con khép cửa cho đỡ lạnh.
Miệng nói, tay dắt Tuyết vào, rồi đóng cửa lại.
Cách cử chỉ của vú già làm cho Chương sinh ngượng. Chàng lại gần, hỏi Tuyết:
– Có việc gì không?
Giọng từ tốn, Tuyết khẽ đáp:
– Cảm ơn ông ... em có sao đâu!
Thấy Tuyết gầy gò trong bộ quần áo rộng thênh thang và rét run đứng không được vững. Chương thương hại bảo vú già dắt nàng lại ngồi bên lò sưởi, rồi ôn tồn hỏi:
– Tuyết lạnh lắm phải không?
– Vâng.
– Tuyết ốm?
– Vâng.
Vừa trả lời, Tuyết vừa lúng túng giấu chỗ rách ở khuỷu tay, e lệ khép hai tà áo lại để cố che những lỗ thủng của ống quần lĩnh thâm bạc màu. Nhưng quá chậm rồi, Chương đưa mắt đã thấy mấy vết trắng tròn ở chiếc quần lót lộ ra.
– Quần áo Tuyết ướt cả. Tuyết có thay không?
– Cảm ơn ông. Em ngồi sưởi một tí sẽ ráo ngay.
– Trông Tuyết có dáng mệt nhọc lắm. Tuyết cần nghỉ một lát.
Một nụ cười đau đớn nở trên cặp môi Tuyết:
– Vâng, quả thật em đến đây cũng chỉ định xin ngủ nhờ ông một đêm, nhưng sợ không tiện, nên chưa dám ngỏ lời.
Chương vụt nghĩ đến tình cảnh kẻ khốn nạn, không cửa, không nhà, lặn lội trên con đường đầy mưa gió, giữa lúc mọi người vui vẻ đón chào xuân. Quay lại, chàng bả vú già:
– Vú lấy cái màn ren mắc ở buồng bên cho bà ấy nghỉ. Rồi lên nhà, mở tủ lấy chăn chiên. Còn gối thì lấy một cái ở giường tôi ấy. Giường tôi vẫn có một đôi đấy.
Tuyết cúi gầm mặt, không dám nhìn lên. Trong hai năm ở lại một mình, Chương vẫn còn để nguyên đôi gối bên cạnh nhau. Mà cái tình chu đáo của Chương, ngày xưa nàng rất ghét, ngày nay chỉ làm cho nàng cảm động.
Hai người yên lặng nghe tiếng củi nổ, và vẩn vơ mơ mộng nhìn ngọn lửa cháy lom rom trong lò ...
– Anh có nước nóng đấy chứ? (lần đầu Tuyết gọi Chương là anh. Có lẽ Tuyết ngẫm nghĩ nhận thấy tiếng ông không được tự nhiên).
– Có ... nhưng cô cứ ngồi đây mà sưởi để tôi lấy cho.
Rồi Chương đứng dậy đến gần bàn ăn rót một cốc nước chè nụ đưa cho Tuyết:
Tuyết uống một hơi cạn cốc nước đầy:
– Cô khát lắm nhỉ. Cô uống nữa, tôi rót?
– Cảm ơn anh. Em xin đủ.
– Chắc Tuyết đói?
Sợ làm phật lòng Tuyết. Chương nói chữa:
– Vì về mùa rét, ăn đến chóng đói.
– Thưa anh không, em vừa ăn cơm xong.
Thật ra, từ chiều hôm trước, từ lúc ta bắt đầu nghĩ đến bữa ăn của người chết cũng như bữa ăn của người sống, Tuyết chẳng có một hột cơm nào trong bụng.
Mười phút sau, khi Tuyết hơi hoàn hồn, vú già vào nói đã mắc màn xong.
– Quần áo cô hãy còn ướt, cô có muốn thay không?
Tuyết ngơ ngác nhìn Chương cho câu chàng nói là một câu mỉa mai chua cay. Nhưng nghiễm nhiên, Chương bảo vú già:
– Vú lên gác mở tủ lấy bộ quần áo mà tôi để ngăn cuối cùng ấy.
Tuyết thổn thức ứa hai hàng lệ. Sau hai năm, những quần áo nàng để lại khi ra đi, chàng còn giữ gìn cẩn thận. Nàng nghĩ thầm:
“Nếu ta biết chàng yêu ta đến thế thì ta đừng đến nhà chàng có hơn không. Chàng sẽ mãi sống với hình ảnh không già của ta. Nhưng nay chàng đã trông thấy ta rồi, thì từ đây, ta sẽ không còn chiếm được một chỗ cỏn con trong tâm hồn chàng nữa”.
Chương vờ đứng dậy rót nước uống vì chàng không muốn để Tuyết nhận biết chàng cảm động ...
Một giờ sau, Tuyết vẫn băn khoăn không sao ngủ được, dù thân thể Tuyết mệt nhọc, đau đớn như dần.
Ở buồng bên, ngọn đèn điện dưới cái chụp lụa đỏ vẫn chiếu ánh sáng lờ mờ, ủ rũ. Tuy không nghe tiếng động nhỏ. Tuyết cũng đoán rằng Chương còn thức, và đương ngồi nguyên chỗ cũ ở bên lò sưởi.
Tuyết trở dậy, hé cửa dòm sang:
quả nhiên, Chương vẫn còn ngồi trong chiếc ghế bành, hai tay ôm đầu nghĩ ngợi. Rón rén, nàng lại gần. Lửa trong lò và than đã hầu tàn.
Tuyết ngồi xuống, se sẽ bỏ thêm củi vào lò, rồi lại bồ giấy vụn lấy mấy cái phong bì cũ nhóm lửa.
Nghe tiếng động, Chương mở mắt trông thấy Tuyết, liền hỏi:
– Tuyết chưa ngủ?
– Khuya rồi, mời anh cũng đi nghỉ thôi.
– Được, mặc tôi. Tuyết cứ đi ngủ.
Ngập ngừng, Tuyết nói:
– Anh tha tội cho em.
Chương không trả lời, yên lặng nhìn lửa cháy:
– Thưa anh, em chả đáng được anh giận ... Em chỉ đáng để anh khinh bỉ mà thôi.
Chương không trả lời, nét mặt thản nhiên, lạnh lùng. Tuyết ngượng nghịu, nói lảng sang chuyện khác:
– Những bát thủy tiên anh gọt khéo nhỉ?
Chương đáp lại khen ngợi bằng cái mỉm cười gượng. Tuyết vuốt lá thủy tiên nói tiếp:
– Nhưng anh tỉa lá hơi muộn. Để lá dài quá như thế thì hoa kém ức, mà rễ cũng kém phần trắng. Còn kiểu gọt thì rất khéo, trông như cô tiên trắng nuột chắp bộ cánh phượng màu xanh mà bay là trên mặt nước.
Chương nhìn Tuyết bằng cặp mắt mỉa mai, vì chàng lại nhớ đến sự so sánh vô lý của Tuyết ngày năm xưa, Tuyết bỗng ôm ngực cúi xuống ho sù sụ. Từ lúc mới đến, Tuyết đã húng hắng ho nhưng nàng vẫn cố giữ không để cho Chương biết.
Chương thương hại, lại gần hỏi:
– Tuyết mệt lắm?
– Anh ... cho em ... xin một chén nước. Không sao đâu anh ạ. Có lẽ vì em gặp lạnh.
– Sao trời rét mà Tuyết đi chơi khuya thế?
Thản nhiên, Tuyết đáp:
– Em không có chỗ trọ.
– Không có chỗ trọ?
– Không có chỗ trọ. Ngày tết, ai người ta thèm chứa.
Chương đứng dậy nhường ghế cho Tuyết:
– Em ngồi cái ghế này có nệm êm và ấm hơn.
Lần đầu, Chương âu yếm gọi Tuyết là em, khiến Tuyết vừa cảm động vì lòng trắc ẩn của Chương, vừa tủi cực cho tấm thân nhơ nhuốc của mình, bưng mặt khóc thút thít ... Gầy sọp trong bộ “pyjama” rộng lụng thụng. Tuyết giống như cái bù nhìn trong vườn dưa.
Rồi sụt sùi, Tuyết kể cho Chương nghe cái đời khốn nạn trong ba tháng gần đây.
Đã ba tháng, Tuyết ốm. Tuyết ho. Người càng ngày càng gầy, càng yếu, nhan sắc một ngày một phai. Buổi đầu, Tuyết còn gượng, nay đi chơi với người này, mai vui thú với người khác. Nhưng sau không sao kham nổi, mà cũng chẳng có ai còn yêu chuộng được mình. Tuyết đến ở nhờ nhà một người chị em bạn, người mà xưa kia Tuyết vẫn thường cưu mang.
Gần hai tháng trời, Tuyết cùng người ấy chia nhau gian phòng chật hẹp.
Người ấy cũng chẳng giàu có gì mà lo được tiền thang thuốc cho Tuyết. Giúp một ngày hai bữa cơm đã quá lắm rồi.
Sáng hôm sau, chẳng biết vì muốn lánh xa Tuyết hay vì lý tài quẫn bách, người bạn về quê ăn tết, giao gian phòng trả lại cho chủ nhà.
Tuyết, bệnh đã bớt, gượng ra đi, lang thang trên vệ hè thành phố, dưới mưa phùn, gió lạnh, để cố tìm một người bạn ...
Nhưng, than ôi! Một cô gái giang hồ hết duyên thì làm gì còn có bạn?
Vì thế, đã hai hôm nay, không một hột cơm trong bụng, không một chút hy vọng trong lòng. Tuyết đi, Tuyết đi tới nơi vô định. .... Giọng đầy nước mắt, Chương ngắt lời:
– Thế hôm qua em ngủ ở đâu?
– Trong vườn Bách thú.
– Khốn nạn! .... Nhưng sao em không đến ngay đây?
– Em xấu hổ ... em không dám đến ...
Trước lò lửa, hai cặp mắt nhìn nhau, nhỏ lụy.
Tuyết bỗng ngồi thẳng dậy, lau ráo nước mắt, gượng cười bảo Chương:
– Chúng mình trẻ con quá nhỉ?
Chương như sực tỉnh giấc mơ, đăm đăm ngắm Tuyết không nói.
– Anh ạ, mồng một mà khóc thì rồi khóc quanh năm. Giá cười được vẫn hơn.
Nghe Tuyết nói đùa, Chương chau mày tỏ ý khó chịu, vì chàng lại nhớ cái tính nhẹ dạ của Tuyết.
– Phải đấy, anh cười đi với em!
Rồi Tuyết cười the thé.
Chương thở dài, cái thở dài vừa thương hại, vừa oán trách ...
Nhưng Tuyết như say mê đắm đuối với sự sung sướng mới mẻ vừa trở lại trong tâm hồn, nũng nịu bảo Chương:
– Em không cười được vui và vì em đói quá.
– Ồ nhỉ, suýt nữa tôi quên.
Chương đứng dậy mở tủ lấy ra một hộp bánh. Tuyết múa tay reo mừng:
– Ồ, bánh bích quy, thích nhỉ. Để em mở cho.
Những cử chỉ ngây thơ của Tuyết mà trước kia Chương cho là rất có duyên, ngày nay chàng chỉ thấy vụng về, dơ dại. Tuyết tưởng làm vui lòng chàng, ngờ đâu khiến chàng thêm ghét, thêm khinh. Là vì ... sắc đẹp đã tàn, ngày xanh mòn mỏi, thì còn đâu là ái tình, họa chăng còn lại bên lòng chút tình trắc ẩn đối với kẻ phiêu lưu khốn nạn.
Nhìn ra vẻ mặt lãnh đạm, thản nhiên của Chương, Tuyết chợt hiểu. Trái tim khô héo của Tuyết càng khô héo thêm.
– Tuyết ăn đi chứ. Sao lại ngồi mà nhìn hộp bánh thế?
– Mời anh xơi.
– Tôi vừa ăn cơm, còn no lắm.
Tuyết nhách một nụ cười đau đớn:
– Vậy chờ lát nữa anh đói, cùng ăn một thể.
Cho là Tuyết dối, Chương liền nhắc một chiếc bánh mà nói rằng:
– Ừ thì ăn.
Ngắm Tuyết nhai ngốn ngấu, Chương động lòng thương. Ă luôn một lúc hơn mười chiếc bánh sữa, Tuyết chừng đã hoàn hồn, ngồi nghỉ và thở cho đỡ mệt, rồi ngây thơ bảo Chương:
– Ồ, ăn bánh mà cũng no nhỉ?
Chương cười gượng. Tuyết tay vân vê mấy cành hoa thủy tiên, nói để gợi chuyện, vì nàng biết rằng một làn không khí ảm đạm đương bao bọc hai người.
– Kể các thứ hoa thì đến thủy tiên là đẹp hoàn toàn, đẹp cả hương, cả sắc.
Chương nói đùa:
– Hương thì hẳn không đẹp được!
Chương chỉ có ý bắt bẻ một chữ sai của Tuyết, nhưng Tuyết lại cho đó là lời mỉa mai, ngước nhìn người tình xưa như có chiều oán trách. Rồi cười mũi, lạnh lùng, ỡm ờ, nàng nói:
– Bây giờ anh mới biết thế? ... Phải, khi đóa hoa còn mơn mởn tốt tươi thì ong bướm đi về, nào có tưởng nó vô hương với lòng bạc bẽo của khách chơi hoa.
Chương cười vui vẻ-cái cười không có ẩn một ý nghĩa mờ ám- bảo Tuyết:
– Trời ơi! Dễ thường Tuyết đã trở nên một nhà thi sĩ.
– Chính! Đời khổ sở lắm, lấm bùn, khốn nạn là đời một nhà chân thi sĩ ...
Rồi tiếng cười khô khan, Tuyết tiếp luôn:
– Vâng, em thật là một nhà thi sĩ, kể cái đời em cũng là một bài thơ tuyệt tác rồi ... Sáng hôm nay, trong lúc người ta vui mừng chào đón xuân, trong lúc người ta sum họp một nhà, cha, mẹ, anh, em đông đủ thì ngoài đường phố vắng, lang thang, thất thểu một tấm linh hồn phiêu bạt ... không cửa, không nhà, không thân, không thích, không một chút tình thương để thầm an ủi ...
Giòng châu rơi lã chã, Tuyết vẫn cười:
– Có phải thế là làm thơ không anh?.. – Tuyết!
– Dạ!
– Tuyết có muốn ... làm lại đời Tuyết không?
Tuyết cười:
– Trời ơi! Anh tây quá, ai lại nói làm lại đời bao giờ?
Nét mặt nghiêm nghị, Chương giơ bàn tay lên bảo Tuyết im.
– Đừng đùa! Anh rất thành thật mà hỏi Tuyết câu ấy. Tuyết có muốn từ nay sống một đời khác hẳn trước, một đời yên lặng, êm đềm, kín đáo.
– Một đời mà được như thế chỉ có một cách:
nằm trong áo quan.
– Kìa! Tuyết đã lại nói đùa! Tôi biết Tuyết là một người rất tốt ... Nhưng Tuyết nhẹ dạ lắm. Muốn tránh sự buồn tẻ, Tuyết đi tìm sự mới lạ, Tuyết không biết rằng cái vui, cái buồn của con người như chuỗi hạt đuổi theo nhau:
sau cái vui, trong cái vui, bao giờ cũng có cái buồn ... Nhưng thôi, tôi lại giảng triết lý với Tuyết rồi.
Tuyết sung sướng đáp lại:
– Anh cứ giảng đi, Tuyết ngày nay không còn là Tuyết ngày xưa nữa.
– Anh thương Tuyết, anh muốn cứu vớt Tuyết từ lâu ... Nhưng thôi, chuyện cũ kể lại làm chi thêm đau lòng. Bây giờ, anh chỉ hỏi Tuyết câu này:
Tuyết có bằng lòng ở lại đây với anh không?
Tuyết kinh ngạc nhìn Chương rồi quỳ xuống đất úp mặt vào lòng Chương mà khóc, khóc nức nở, khóc thổn thức. Giòng châu như thuốc rịt dịu vết thương của trái tim, của linh hồn.
Chương lấy tay mơn xoa đầu Tuyết rồi nâng Tuyết dậy bảo ngồi xuống ghế mà hỏi lại:
– Tuyết có bằng lòng thế không?
Tuyết lau nước mắt, ngẫm nghĩ tìm câu trả lời. Bỗng lờ mờ in vào trong chiếc nắp hộp bánh nàng cầm ở tay, cái hình khổ mặt gầy gò, hốc hác, với đôi má hóp nhăn nheo. Nàng vội lim dim nhắm mắt lại, thở dài.
– Sao? Em nghĩ sao?
– Em nghĩ rằng:
em như nhuốc, xấu xa lắm, chẳng đáng được anh đoái thương nữa, mà cũng chẳng nên còn đến quấy rối cuộc đời bình tĩnh của anh.
Chương cố tìm lời an ủi:
– Em không nên nghĩ xa xôi.
Buột miệng Tuyết nói:
– Nhưng em già mất rồi!
Cái ý già luôn luôn vẩn vơ trong trí Tuyết, ngay từ lúc nàng biết rằng Chương còn yêu mình.
Chương lắc đầu:
– Không, em không già đâu. Còn như em ốm thì thuốc thang rồi sẽ khỏi.
Một cơn ho sù sụ của Tuyết đáp lại câu khuyên giải của Chương. Rồi Tuyết chống tay đăm đăm suy xét ... Lửa than trong lò sưởi lách tách nổ ... Tuyết bỗng vui vẻ bảo Chương:
– Em xin cảm ơn anh và xin vâng lời anh.
– Ừ, có thế chứ. Em Tuyết vẫn ngoan lắm!
Tuyết cười thẳng thắn.
– Em Tuyết của anh lại còn phải nói! Vậy bây giờ em xin mời anh lên gác nghỉ, chẳng đêm khuya rồi. Còn em, đêm nay em xin ngủ một mình ở giường bên để sám hối hết tội lỗi xưa. Đời trước các cụ ta khi sắp làm một việc long trọng phải ăn chay nằm mộng ba đêm. Ngày mai sẽ bắt đầu cuộc đời mới của em, em cũng xin ăn chay nằm mộng đêm nay.
Chương cười, Tuyết cũng sung sướng cười theo.
– Thôi, xin mời anh đi ngủ. Sáng mai, chúng ta còn nhiều chuyện kể cho nhau nghe.
– Cũng được. Vậy em nghỉ thôi, chẳng mệt. Mai anh đi mời thầy thuốc. Chỉ một tuần lễ là khỏi ngay, em đừng lo.
Rồi hai người chia tay.
Mấy năm sau – cũng chẳng nhớ là mấy năm – trong một bữa tiệc ồn ào đầy những tiếng cười và lời đùa bỡn là lời hai người nói chuyện:
– Anh có biết Tuyết bây giờ ở đâu không?
– Không.
– Đã lâu lắm rồi không gặp mà cũng không nghe ai nói đến.
– Hình như một năm, giữa tối mồng một tết, Tuyết ốm, ho lao, mò đến nhà một người tình cũ, ngủ nhờ một đêm. Sáng hôm sau dậy sớm, lấy hết các bức ảnh của mình treo trên tường xé vứt vào lò sưởi, rồi đi biệt. Từ bấy đến nay không thấy đâu nữa.
Thoáng nghe câu chuyện của hai người, một trang thiếu niên ngồi bên nâng cao cốc rượu sâm-banh mời và nói:
– Xin ai nấy uống cạn với tôi một cốc rượu. Còn như câu chuyện cô Tuyết nào đó của hai anh đây thì xin hai anh xếp mau lại cho. Sống ngày nay nhớ đến chi ngày xưa, tưởng chi đến ngày mai. Cô Tuyết ấy có chết đi đã có các cô Tuyết khác đẹp, xinh tươi hơn. Phải không các em?
– Phải lắm! Phải lắm!
Mọi người vỗ tay cười vang.
Năm 1934
Hết