Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> HOA SỨ ĐỎ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 0 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: xuanthanh 11 năm trước
HOA SỨ ĐỎ
BÙI THANH XUÂN

HOA SỨ ĐỎ
1.
Trời sắp hết Đông nhưng cái lạnh vẫn còn bao trùm khắp nơi. Trời mù mịt mây. Còn gần nửa tháng là đến Tết. Ngoài đường rét lạnh căm nhưng hôm nay là chủ nhật nên đường phố vẫn đông đúc người qua lại.
Tôi rất ngại ra phố những lúc như thế này. Bọn trẻ bây giờ chạy xe trông khiếp quá. Sáu mươi tuổi rồi, không còn phải vất vả lo toan công việc nữa nên chỉ ở nhà chăm sóc vườn cây cảnh rồi đọc sách báo.
Chiều nay vợ tôi về nhà sớm hơn thường lệ. Bà cũng không còn vất vả ôm đồm như thuở còn trẻ trung nữa. Công ty kinh doanh hải sản đã giao lại cho vợ chồng con gái.Rãnh rỗi vợ tôi mới ghé ra giúp đỡ chúng nó vài việc rồi trở về lo cơm nước.
Tôi đang loay hoay cắt tỉa cây hoa sứ trước sân nhà, nghe tiếng vợ léo nhéo:
-Anh thật là! Suốt ngày cứ lo hai chậu sứ còn mấy chục giò lan không thèm để mắt tới chút nào. Tưới nước muốn rã tay rồi đây nè!
Tôi chọc :
-Hoa của em trồng thì em chăm sóc chứ sao bảo anh. Tên em Ngọc Lan thì trồng cây Ngọc Lan có phải khoẻ hơn không. Đòi cho được Phong lan mới chịu thì ráng khổ đi em!
Bà vợ xong việc bỏ vô nhà trước khi ném cho tôi một câu:
-Sứ! Sứ! Lúc nào cũng sứ! Chán!
Hai chậu bông sứ này tôi đem về trồng đã hơn hai mươi năm rồi. Gốc nó bây giờ to hơn cái bát ăn cơm. Tôi phải khó nhọc học cách chăm sóc và cho ra hoa đúng vào dịp Tết nên năm nào trước hiên nhà tôi cũng có một màu hồng rực rỡ.
Có điều không ai biết hai chậu sứ này từ đâu mà có. Nó là kỷ niệm đời tôi. Tình yêu còn lại của tôi.
Ngày ấy chị đã tặng cho tôi hai chậu sứ này!
2
Tôi làm đủ thứ việc để kiếm sống. Phụ hồ, đào mương, vét cống, chạy xe thồ hay bất cứ công việc nào có thể kiếm ra vài đồng bạc ít ỏi để sống sau cuộc chiến.
Tôi gặp chị một cách tình cờ. Đó là hôm buồn tình đạp chiếc xe cộc cạch, mỗi bước nhấn trên bàn đạp vang tiếng sột soạt khó chịu. Sợi dây xích cọ vào cái gạt đờ sên khi chân phải tôi quay vòng. Âm thanh như tiếng rên của con mèo đói đi tìm thức ăn còn sót lại đâu đó trên đường vắng một buổi chiều mùa Hè.
Đằng sau yên xe bằng sắt có đặt miếng ván vừa vặn với cái yên. Bên trên được bọc một tấm simili tôi nhặt được ở trước tiệm may mui nệm. Có sợi dây thun quấn quanh như môt ám hiệu cho mọi người biết tôi không phải đi dạo mát mà là đang đi kiếm cái ăn. Tôi đi xe đạp thồ!
Hôm ấy chị mặc bộ đồ bà ba màu nâu nhạt. Bộ đồ thích hợp và gần như là một cái mốt cho các cô gái trong thời kỳ này. Nó như là một sự hoà nhập vào cuộc sống mới trong một chế độ mới. Những cô gái, phụ nữ miền Nam trước đây quen ăn sung mặc sướng ,tập làm quen với cuộc sống mới thật không dễ dàng gì. Chị cũng vậy!
Con đường nhỏ vắng người qua lại, sâu hun hút kéo dài đến tận bến tàu. Tôi hay đạp xe trên đoạn này để kiếm khách vì ít phải cạnh tranh với những người chạy xe ôm nghiệp dư bất đắc dĩ khác. Chị đã đi một đoạn khá xa từ ngã tư vào đây. Đang nghiêng ngó trông có chiếc xe đạp thồ nào không thì vừa lúc tôi đến. Trông chị thật rực rỡ dưới ánh nắng chiều xuyên qua bóng mát hàng cây hai bên đường. Chị có nước da trắng lạ lùng, đôi mắt thật đẹp và một dáng người quyến rũ. Một nét đẹp quý phái toát lên từ màu da trắng của chị trong bộ đồ bà ba.
Khi xoay mặt về phía tôi, chị khẽ gật đầu ngỏ ý muốn đi xe. Tôi gật đầu đáp lại mà hai bên không hỏi thêm điều gì. Chị ngồi đằng sau nhưng tôi vẫn nghe được mùi xà phòng loại rẻ tiền bay lên.
-Cho tôi xuống!
Nhà chị có giàn hoa giấy đỏ phủ ngang trước cổng. Bên trong cái sân nhỏ có hai chậu hoa sứ trổ hoa màu hồng nhạt. Không hiểu sao khi nhìn vào đôi mắt u buồn nhưng đẹp lạ lùng ấy tôi đã từ chối không nhận tiền công từ bàn tay có những ngón thon dài, trắng muốt. Chỉ mỉm cười rồi đạp xe vụt đi trong sự ngẩn ngơ của chị.
Trong nửa năm làm nghiệp xe thồ,đó là ngày mà tôi quyết định nghỉ sớm hơn thường lệ và không kiếm được đồng nào hết. Ngồi trong quán cà phê nhìn ra đường thấy lòng có nỗi buồn thật lạ. Tôi nhớ đến đôi mắt buồn hiu hắt của người phụ nữ ban chiều. Không phải đôi mắt ấy hút hồn tôi mà vì trong sâu thẳm ở đó có điều gì đó đã khiến tôi băn khoăn.

Sau cuộc chiến trở về nhà tôi tham gia lao động trên công trường làm tuyến đường sắt Bắc Nam. Lao động gian khổ nhưng mà vui. Đa số những lao động trên công trường này đều có hoàn cảnh gần giống nhau. Những thanh niên nam nữ trước đây con nhà thành phố không quen với lao động vất vả nên thời gian đầu thật khó khăn. Tôi cũng phải vất vả lắm mới hoà nhập được với công việc nặng nhọc. Cùng với mọi người sống tập thể và sinh hoạt cộng đồng. Chia sẻ nhau từng mồi thuốc lào, miếng kẹo, gói mì khi về thăm nhà mang lên.
Một năm sau hoàn thành nhiệm vụ tôi trở về gia đình, không thể kiếm được một công việc ổn định nào. Từng là một sinh viên năm cuối, chỉ còn hai tháng nữa tôi trở thành một kỹ sư. Vậy mà bây giờ phải lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Đụng đâu làm đó! Ai kêu chi cũng làm. Thất nghiệp thì chạy thồ kiếm sống. Ba tôi là một sỹ quan cấp tá nên đang tập trung trong trại. Mẹ không quen buôn bán nhưng cũng phải bươn chãi kiếm sống qua ngày. Cục gạch dựng đứng bên lề đường trước nhà như giới thiệu mặt Mẹ đang bán. Xăng lẻ! Hai đứa em còn nhỏ, cô em út đang học lớp bảy, còn đứa em gái kế tôi phải nghỉ học bán tủ thuốc góc ngã tư đường. Việc được đi học lại đối với tôi là điều xa tầm tay với.

Tôi chở chị thêm lần nữa nhưng nhất định không lấy tiền.
Lần thứ ba cũng trên con đường đó tôi gặp lại chị. Không hiểu vì sao tôi rất mong được nhìn thấy chị đi trên con đường chiều hoàng hôn phủ bóng mát. Những giây hoa Tigon hồng nhạt leo dài trên tường rào lên đến mái của những ngôi nhà hai bên đường. Dáng chị chênh vênh, đổ dài trên mặt đường. Dù rất muốn giúp chở chị về nhà nhưng lấy tiền thì không nỡ. Mà không lấy chắc chị cũng rất ngại.
Hôm đó trời mưa lâm thâm. Tôi đạp xe quanh quẩn trên con đường vắng này kiếm khách. Và cũng mong được gặp chị. Những người khách quen hay gọi tôi chở đi vì tính tôi không hay mặc cả. Ai đưa bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu. Cũng nhờ vậy tôi kiếm sống được.

Chị đi đằng trước khi tôi đạp xe quẹo qua khúc cong con đường. Trông thấy chị, tôi dừng xe lại mời chị lên nhưng chị kiên quyết không chịu. Vậy là tôi xuống xe cùng đi bên cạnh chị suốt khoảng đường gần cây số. Chị nói:
-Anh lạ quá! Sao mấy hôm không chịu nhận tiền của tôi?
-Dạ! Tôi không hiểu nữa. Có lẽ nhìn vào mắt chị thấy buồn quá nên tôi không nỡ ..
Chị mời tôi vào nhà.
Đôi mắt chị long lanh thật! Lần này ngồi trước mặt tôi quan sát chị kỹ hơn. Trông chị có vẻ gầy một chút nhưng nhờ vậy khiến chị đẹp và trẻ hơn so với tuổi hai sáu của mình.
Tôi nhìn ra trước sân, nơi có hai chậu hoa sứ đang nở hoa. Màu hoa như lan toả khắp khoảng sân nhỏ, loang loáng một màu hồng nhạt. Chị nói: “ Anh Tuyên trồng đó. Anh ấy thích màu hồng nhạt. Như hoa Tigon chẳng hạn.
Chị đứng dậy đưa tôi ra phía sau nhà. Một giàn hoa tigon leo dài trên bức tường, che kín cửa sổ một căn phòng . “ Anh Tuyên bảo tôi đem ra phía sau này trồng lại giàn hoa Tigon cho anh ấy. Người ta nhìn vào tưởng mình còn tư tưởng tiểu tư sản nữa thì phiền lắm! Vậy là tôi dời gốc hoa này ra đây.
Chị quay vào. Tôi theo chị ngồi lại chiếc ghế lúc nãy.
Thật bất ngờ khi biết chị sống chỉ một mình trong căn nhà nhỏ gần cuối con đường này. Căn nhà bài trí gọn gàng, sạch sẽ. Có một phòng đóng của kín phía sau và một phòng khách. Chị mời tôi ngồi trên ghế sa lông đặt sát góc tường bên trái. Chị kéo chiếc ghế ngồi bên cái bàn đặt ở góc phòng. Trên tường treo tấm ảnh chân dung một người đàn ông trạc hai lăm tuổi, miệng mỉm cười nhìn tôi. Chị bảo đó là ảnh chân dung của chồng chị .Hai người kết hôn được gần một năm rồi nhưng chưa có em bé vì nghĩ còn quá trẻ để được làm mẹ. Anh ấy hiện đang ở trong trại chưa biết khi nào mới được trở về.
Trời mưa kéo dài. Tôi ngại ngùng khi ở trong ngôi nhà chỉ có hai người. Nhất là người phụ nữ có chồng đi vắng. Mắt chị long lanh nhưng vẫn nét u buồn nơi đuôi mắt.
-Sao anh lại đi thồ? Trông anh không giống người lao động bình thường lắm!
-Dạ! Không còn biết làm gì thì đạp xe kiếm ít tiền vậy thôi. Bây giờ ai cũng vậy mà chị!
-Trước đây anh làm gì?
-Có làm gì đâu chị. Tôi đang đi học ở Sài gòn.
-Vậy ra anh đang là sinh viên à?
-Dạ! Tôi đang học năm cuối..
-Ô! Vậy anh nhỏ tuổi hơn tôi rồi, tôi xưng chị và gọi bằng em nhé! được không?
-Dạ! Được. Em nhỏ hơn chị mà.

Chị kể cho tôi nghe trước đây là nữ sinh trường Nữ trung học. Thi xong tú tài chị ra Huế học văn khoa đến năm thứ hai thì gặp anh ấy. Một chàng trai dễ mến người Huế về thăm nhà trong một đợt nghỉ phép. Anh là trung uý Không quân. Hai năm sau chị ra trường, chị được điều về dạy học tại một trường Công lập trong thành phố. Rồi một năm sau nữa họ cưới nhau.
Gia đình chị không may mắn khi di tản khỏi thành phố trong những ngày cuối cùng. Anh tập trung cải tạo tại trại An Điềm. Mỗi tháng chị lên thăm anh một lần.
Công việc buôn bán ngoài chợ không được suôn sẻ cho lắm vì chưa quen. Cũng tập tành đanh đá, chua ngoa chút ít nhưng chẳng hơn được ai. Vậy là đêm về nằm khóc rưng rức.
Chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng trông có vẻ hiểu biết và kinh nghiệm sống hơn tôi nhiều.
“ Hôm nay tôi mời cậu món chè đậu ngự nhé!”. Vậy là tôi có thêm một buổi chiều chẳng kiếm được đồng nào. Nhưng bù lại được ngồi trò chuyện cùng chị và thưởng thức món chè đậu ngự chị nấu.
Đêm buông xuống tôi thất thểu đạp xe về sau khi khước từ lời mời ở lại dùng cơm với chị. Bụng đói cồn cào nhưng lòng bất chợt một niềm vui.

Tôi và chị quen nhau thấm thoát đã được hai năm.
Chị thỉnh thoảng cũng ghé đến nhà tôi chơi trong những ngày nghĩ lễ hay những đêm trăng đẹp. Tôi và chị ngồi dưới gốc cây vú sữa nói chuyện với nhau thật tâm đắc. Chị cho tôi xem những bài văn chị đã viết trong thời gian qua. Nỗi cô đơn,buồn bã chồng chất trong văn của chị.
Tôi cũng thú thật với chị rằng mình rất mê văn chương. Đôi lần viết vài truyện ngắn. Bởi trong tôi nuôi mộng trở thành nhà văn nhưng bất thành. Mộng văn chương đẩy tôi đi qua những tháng ngày nghiệt ngã và cuối cùng tôi nghiệm ra rắng trong nghệ thuật ngôn từ chỉ những tài năng thật sự mới sống được. Còn tôi chỉ là kẻ bất tài, không viết nổi một bài văn nên hồn.
Chị đã nhìn tôi khác hơn trước khi tôi thổ lộ tâm hồn mình cho chị biết. Tôi không còn là cậu em cục mịch chạy xe ôm trông thật tội nghiệp như trước nữa.
Tôi không ngờ chị thuộc rất nhiều thơ. Hiểu biết rất nhiều về các văn thi sỹ. Chị ngâm các bài thơ tình. Nước mắt chị chảy dài từ đôi mắt buồn xa vắng. Văn học nước ngoài chị thích nhất tác phẩm của Erich Maria Remaquez . “Một thời để yêu và một thời để chết”. Chị nói : “ Cái chết chàng lính Đức buồn thảm quá! Người tốt thường không gặp may”. Tôi cho chị biết mình thích nhất bài hát Hương Xưa của nhạc sỹ Cung Tiến. Vừa nói xong điều này chị đã cất tiếng hát bài nhạc này cho tôi nghe. Tôi thấy chị nước mắt rưng rưng khi hát đến đoạn “ Ôi! Những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp ai mơ..”
Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Đôi khi ngồi nghe chị nói nhưng tôi lại theo đuổi một ý nghĩ khác. Chị là một con người tài sắc vẹn toàn vậy mà lại chịu một số phận buồn quá. Sự nghiệp rạng rỡ đón chào chị thì bị cắt ngang vì thời cuộc. Phải chịu đựng những khắc nghiệt của cuộc sống. Chị đáng được hưởng một cuộc sống vinh hoa, một sự nghiệp vẻ vang bên người chồng tài hoa của mình.
Tôi chợt nghĩ đến thân phận mình. Nếu không có cuộc chiến này không hiểu tôi sẽ đạt được gì. Thành công nào dành cho tôi? Nhưng thú thật, so với chị tôi chẳng là gì hết.
Nếu không có cuộc chiến này và nếu chị chưa có gia đình liệu tôi có xứng đáng được ngồi bên chị chuyện trò hay không? Một người lúc nào cũng toát lên vẻ thanh cao, sang trọng còn một người tầm thường, quắn quíu với cái đói thường trực trong những ngày làm sinh viên xa nhà. Hai điều ấy có thể kết hợp lại được không? Dù gì tôi cũng không dám nghĩ đến và lạy trời mong sao cho tôi đừng có ý nghĩ một sự kết hợp như vậy. Nó khập khểnh, chênh vênh lắm!
Cuộc đời màu xanh hay xám nó cũng có cái kết cục của nó. Nhưng ngồi bên chị mộng văn chương của tôi trỗi dậy mãnh liệt. Tôi cảm thấy mình bềnh bồng trong đôi mắt chị. Mái tóc dài chấm vai không được chăm sóc gọn gàng cứ vuốt ve trên hai gò má trắng muốt của chị khiến tôi xốn xang.
Có lần khi chị về rồi Mẹ đến bên tôi dặn dò : “ Đừng nghe con! Đừng làm điều gì bất nhân. Cô ấy có chồng rồi và cũng lớn hơn con..”. Tôi hứa với Mẹ: : “Sẽ không có điều gì xảy ra giữa con trai Mẹ và chị ấy đâu. Chỉ là tình cảm chị em thôi. Hơn nữa, vì do hợp tính nhau nên hay ngồi chuyện trò. Mẹ yên tâm!"

Tôi và chị có cùng một sở thích chung đó là âm nhạc và văn chương. Thường ngồi bên nhau bàn luận không chán về niềm mê say nghệ thuật của mình. Có lúc chúng tôi tranh cãi nhau kịch liệt về một tác phẩm nào đó cho đến khi đỏ cả mặt lại nhìn nhau cười. Nhiều buổi chiều hai người ngồi nhìn ra đường. Trước mắt tôi và chị thấp thoáng lay động những mảng màu và bóng người. Trong nền vàng nắng nhạt đôi khi chúng tôi ngồi như vậy hằng giờ mà không nói với nhau câu nào . Mỗi người theo một ý nghĩ riêng. Có thể cùng suy nghĩ , trăn trở một ý chung nào đó nhưng không thể biết được. Đó là những ngày tháng mà cuộc đời con người chạm phải những khó khăn nhất. Hoà nhập vào cuộc sống đã ba năm rồi nhưng đâu dễ dàng gì tìm lại sự yên bình trong tâm hồn.

Một buổi chiều chủ nhật tôi đạp xe đến nhà chị. Đến hú hoạ vậy thôi chứ chưa chắc đã có chị ở nhà. Công việc buôn bán áo quần cũ ngoài chợ chiếm nhiều thời gian của chị mới hy vọng kiếm đủ tiền để sống và thăm nuôi chồng.
Đã năm giờ chiều rồi. Giờ này có thể chị đang dọn hàng để trở về. Tôi nghĩ vậy. Nhưng không ngờ khi dừng xe trước cổng nhà nhìn vào thấy chị đang ngồi trên ghế say sưa ngắm những cánh hoa màu hồng nhạt trên chậu hoa sứ. Vài cánh hoa nằm im lìm dưới nền nhà. Nửa héo, nửa tươi. Dựng xe trước cổng tôi bước vào chào chị:
-Ôi! Chị tôi! Sao mà mơ màng, lãng mạn quá vậy. Chị không đi bán sao?
Chị ngước đôi mắt ướt hàng mi nhìn tôi:
-Hôm nay tệ quá em! Chị về sớm chăm mấy chậu hoa. Lâu ngày héo hết rồi!
Tôi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của chị:
-Chị nhớ anh ấy phải không?
Không trả lời câu hỏi của tôi. Chị nói:
-Hai chậu sứ này anh Tuyên đem từ Huế vào. Sau mỗi chuyến bay trở về, anh thường ngồi ngắm mấy cái hoa này. Ngay chỗ nay! Giống như chị đang ngồi ở đây vậy.
Chị hờ hững đưa tay nghịch mấy cái hoa dưới nền hiên. Khuôn mặt chị buồn bực như không nghĩ ra chuyện gì để nói cùng tôi. Có nhiều chuyện để tôi và chị cùng chia sẻ với nhau, thế mà ngay lập tức chị im lặng. Tôi cũng kịp nhận ra là mình cũng chẳng cần phải nói ra điều gì cả. Một sự im lặng hay hơn một lời chia sẻ vào lúc này.
Tôi bước đến góc hiên ngồi sửa lại chiếc ghế đặt hờ , nhìn lên giàn hoa giấy trước ngõ. Một giàn hoa đỏ rực. Xoay người lại vừa lúc chị ngẩng đầu lên chạm phải cái nhìn của tôi. Trong phút chốc như bị một sự vật nào đó va đập khiến cả hai bật cười. Như đột nhiên lạc lối, cả hai vừa cười vừa sững sờ nhìn nhau. Trong ánh mắt chị, tôi đọc được những lời mình muốn nói và chị cũng dường như nghe thấy. “ “Chúng ta hiểu nhau! Dù có muốn tìm niềm vui thế nào, chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn..”.
Chị cúi đầu. Có lẽ chị cảm thấy lòng chua xót như có ai chạm đến vết thương đang đau. Đó là nỗi cô đơn! Tôi không hiểu đây là niềm vui hay nỗi đau đè nặng khiến ngay lúc ấy lòng tôi thấy sợ. Thấy như có sự co bóp mạnh trong trái tim và lấy làm hoảng hốt vì tình cảm bộc phát này.
“ Ôi! Không lẽ mình yêu chị ấy sao?”
Tôi kinh ngạc thầm nhủ! Ngây người nhìn chị chăm chú. Có cảm giác đang dùng ánh mắt để ôm lấy chị. Ngay lúc ấy chị lãng ánh mắt sang nơi khác. Nói lạc cả giọng:
- Đừng nhìn như vậy! Chị xin em đấy!
Tôi và chị hiểu thấu được nhau. Sự thấu hiểu vượt thời gian, không gian xen lẫn những buồn vui, đau khổ .Thậm chí còn hơn những người gần gũi nhau cả đời.
Cả hai im lặng cho đến khi màn đêm buông xuống bên ngoài hàng rào bông giấy đỏ.
Tôi đứng dậy lặng lẽ ra cổng. Chần chừ một lát, quay lại nhìn. Chị vẫn ngồi đó. Hai tay ôm mặt. Người rung lên như cánh hoa màu hổng nhạt khi ngọn gió thoảng qua. Lặng lẽ đạp xe đi ngược lại con đường, tôi cong mình trên yên xe. Chở nặng cả bóng đêm đang đè lên hai vai.

***
Chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược ở phía Bắc và chống Khmer đỏ ở phía Nam đang thời khốc liệt Thanh niên phải nhập ngũ để bảo vệ biên cuong Tổ Quốc.
Tôi vào bộ đội đầu năm 1979.
Hôm tập trung tại Thành đội chị đến đưa tiễn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những giọt nước mắt chảy xuống hai má trắng hồng của chị. Chị khóc hai mắt đỏ hoe và tôi cũng vội vàng quệt giọt nước mắt vừa trào ra khoé mi. Khi lên xe ngồi vào chiếc ghế sát cửa, tôi đưa bàn tay mình ra nắm lấy tay chị siết chặt. Cả hai không nói thêm lời nào cho đến khi xe lăn bánh. Nhiều tiếng khóc vỡ oà khi xe chuyển động. Mẹ và hai đứa em tôi chạy theo vẫy tay từ biệt còn chị vẫn đứng như vậy, hai tay ôm mặt. Tôi nhận ra người chị rung lên khi xe khuất khỏi bên ngoài cổng.
Chiến tranh chống bọn Tàu xâm lược phía Bắc đang đến hồi khốc liệt. Còn ở biên giới phía Nam quân đội Khmer đỏ đang âm mưu xâm chiếm lãnh thổ. Tham gia quân đội trong thời kỳ này có khi đi mãi không trở về. Tiễn người thân ra đi lúc này đúng là một cuộc chia ly đầy nước mắt.
Tôi về đơn vị chiến đấu tại mặt trận Campuchea sau một thời gian ngắn huấn luyện quân sự tại An Nhơn.
Những ngày tháng luồn sâu trong rừng già truy kích bọn Khmer đỏ thực quá sức chịu đựng của những chàng bộ đội trẻ măng như chúng tôi. Rừng già chìm trong gió rú. Mắt lúc nào cũng căng nhìn đằng trước, hai bên và cả đằng sau lưng mình. Những tiếng động nho nhỏ cũng khiến mình giật nẩy người lên. Cơn mưa rừng dai dẳng rét buốt, gió thổi u u qua kẻ lá như tiếng gọi của Thần chết.
Đêm rừng sâu u tịch. Dưới ánh trăng và tiếng suối róc rách tôi chợt nhớ đến chị. Có lẽ trong những lúc ấy tôi mới nhận ra tình yêu dành cho chị tạo cho tôi sức mạnh và lời hứa sẽ trở về nguyên vẹn như một thứ thần dược giúp tôi đi qua cuộc chiến.
Tôi nhớ cả mùi tóc chị thoang thoảng trong sương đêm. Mặc cho những cơn mưa rừng rả rich ,lòng tôi cháy lên một nỗi nhớ kỳ lạ. Chính tôi cũng không ngờ chị là nơi trú ngụ êm ái nhất của tâm hồn tôi lúc này.
Có phải tôi đã chạm phải sai lầm khi nghĩ đến chị nhiều như vậy hay không? Nhưng mà không! Có thể đó là tình cảm chân thật tôi dành cho chị. Trong rừng gìa tôi sợ mình lại gục ngã bất ngờ như bao đồng đội trước họng súng của bọn khát máu Khmer đỏ. Tôi sợ mình bất ngờ mê đi trong nỗi nhớ và rồi không còn biết gì nữa.
Buổi chiều tai hoạ ấy rồi cũng đến. Trong lần truy kích cuối cùng ấy, quân đội Việt Nam dồn bọn khát máu vào khe núi. Tiếng nổ xen lẫn tiếng hô xung phong. Đạn bay réo rít trên đầu, trước mặt và cả sau lưng. Tôi đổ gục xuống khi chưa kịp nhận ra cái đau buốt từ bờ vai trái. Chỉ thấy bầu trời xanh trên những ngọn cây cao vút đang xoay tròn. Có tiếng chim thảng thốt bên ngọn lửa bập bùng trước mặt. Tôi nhận ra khuôn mặt chị với mái tóc rối nghịch ngợm trên hai vai. Đôi mắt chị đỏ hoe nhìn tôi như van xin quay lại.
Tôi tỉnh lại ngày hôm sau trong trạm xá giữa rừng sâu.
Một tuần sau tôi được chuyển về Bệnh viện C17 tại Đà Nẵng. Những ngày nằm viện tôi được ưu tiên chăm sóc đặc biệt vì là Bộ đội tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới phía Nam Tổ quốc.
Chị hằng ngày vẫn đến thăm tôi vào mỗi tối. Tôi biết chị không có nhiều tiền để mua cho tôi những loại sữa đắt tiền nên thường tỏ ra khó chịu khi thấy trên tay chị món quà nào đó lúc đến thăm tôi.
Nhiều đêm chị ngồi nhìn tôi hằng giờ mà không nói gì cho đến khi cô y sỹ bước vào thúc giục người nhà ra về.




Sau hai tháng điều trị tại quân y viện tôi được xuất ngũ. Vậy là đời chiến binh của tôi vỏn vẹn chỉ có bảy tháng mười hai ngày. May mắn là trở về nguyên vẹn hình hài dù có hơi sứt mẻ một chút ở bả vai.

Ngay mùa Thu năm đó tôi quyết định đi thi Đại học. Sau khi từ chiến trường trở về tôi nhận ra một điều là không thể mãi đạp xe đi thồ mòn đũng quần mà tương lai mù mịt quá. Mấy năm đi học Đại học không thể bỏ phí được. Thà làm lại từ đầu còn hơn mãi mê trên yên xe, nhìn tương lai trôi dần về phía sau trong tiếng sột soạt của cái gạt đờ sên. Mỗi nhấn chân trên bàn đạp là cơ hội lùi xa một bước. Tôi quyết định đi học lại.
Với kiến thức đã có ,tôi không mấy khó khăn để bước chân vào trường Đại học Bách Khoa.

Mùa Đông đã đến. Tôi hay ngồi bên cửa sổ nhìn ra trước sân. Vạt hoa đỏ rực bên góc vườn. Đỏ đến mức khiến người ta nao lòng.
Tôi đang học năm thứ ba. Năm nay chương trình học đi vào chuyên ngành nên khá vất vả nhưng tôi cũng không quên mơ ước trở thành nhà văn. Có vài truyện ngắn đã viết xong nhưng cũng chẳng biết để làm gì. Chỉ biết gởi cho chị đọc và cất giữ dùm tôi .
Một truyện dài đang đi vào đoạn kết. Nội dung kể về một chuyện tình buồn mà nhân vật chính trong đó là tôi. Câu chuyện xảy ra đã nhiều năm trước, khi tôi còn là sinh viên. Người con gái trong truyện ấy chính là người tôi đã từng yêu thương. Cả hai đã từng đi trên con đường hò hẹn nhưng rồi cuối cùng mọi thứ đổi thay sau cuộc chiến. Nàng bỏ lại tôi bơ vơ trên đường tình của mình. Vội vã đi theo một người đàn ông khác. Chồng của nàng là trưởng phòng một công ty xuất khẩu hải sản, con trai ông giám đốc. Nàng đã sống hoà nhập với xã hội mới, với giai cấp thượng lưu kiểu mới.
Tôi vẫn ngày ngày cọc cạch trên yên chiếc xe đạp cũ kỷ của mình. Ngoài học hành, đam mê văn chương còn có người chị đáng yêu bện cạnh.

Mưa về đã hai tháng nay. Mưa miền Trung khó dứt.
Từ buổi tối gặp chị trước sân nhà, bên chậu hoa sứ đỏ đến nay đã gần bốn tháng nhưng tôi không quay lại nhà chị lần nào. Và chị cũng vậy. Chúng tôi biết mình phải như thế nào. Cả hai tự biết câu chuyện chưa thật sự bắt đầu nhưng hãy để cho nó kết thúc. Lẽ ra không nên kết thúc mới phải vì cả hai chúng tôi đều là những con người cô đơn và buồn khổ. Nhưng tôi nghĩ có một loại tình cảm không cần đạt đến kết quả nhưng vẫn có thể tồn tại. Tình cảm ấy bền chặt miên viễn dù cho cơn sóng điên cuồng của cuộc đời có xô dạt vẫn không xoá tan đi.
Tình cảm của tôi và chị không có màu sắc nhất định. Nó chỉ là vị nho xanh chua chua gây nên. Nho đã hái xuống rồi sẽ mãi mãi không thể chín ngọt được. Người hái trái nho ngọt lịm kia chắc chắn không phải là tôi. Thằng con trai được chị gọi bằng cậu em.

Tôi đến thăm chị khi cơn mưa vừa dứt hạt. Vòng xe đạp bất ngờ quẹo vào con đường quen thuộc trước đây không phải do lý trí tôi điều khiển. Nó như phản ừng mặc định của trái tim hay chỉ là sự ngẫu nhiên của buổi chiều tạnh mưa.
Chị đang vất vả đứng trên chiếc ghế với tay cột tấm ny lông dưới mái tôn sau nhà bếp. Thoáng ngạc nhiên nhìn tôi đứng đằng trước nhà nhìn vào , hai tay chị vẫn đang chới với trên đầu. Tấm ny lông chưa cột xong. Còn hai góc thả xuống che khuất một nửa khuôn mặt chị. Tôi vội vã chạy vào đỡ lấy chị khi chiếc ghế nghiêng theo góc rướn người của chị. Gượng người đứng dậy tôi vội vã buông chị ra. Cả hai đỏ bừng mặt. Chị vừa phủi bụi trên áo vừa nói:
-Lâu nay cậu đi đâu vắng?
-Bận học quá chị!
-Có viết được thêm gì không?
Tôi bước lên ghế tiếp tục làm công việc dang dỡ của chị:
-Gần hoàn thành truyện dài rồi. Tuần sau sẽ đem đến cho chị đọc. Mưa dột hay sao mà chị phải che vậy?
-Mưa cả tháng nay. Lúc nào cái bếp cũng ướt nhẹp.
Tôi nhìn lên mái bếp:
-Chủ nhật này nghỉ học em sẽ xuống giúp chị lợp lại mái tôn.
-Thôi vậy cũng được em!
-Em sẽ xuống!
Tôi chào từ biệt chị. Mang theo luôn lời hứa sửa mái tôn cho chị đến hai tháng sau. Lúc gần Tết mới trở lại.

Những ngày giáp Tết đường phố đông đúc. Người ta chen nhau đi mua sắm một vài thứ gì đó cho cái Tết tiết kiệm khi mà kinh tế quá khó khăn. Chiến tranh đã qua năm năm rồi. Không còn nghe tiếng nổ vang ầm ào từ xa vọng về nữa nhưng cuộc sống mọi người chưa thoát được nghèo khổ. Nhất là những gia đình theo chế độ cũ lại càng khó khăn hơn. Không mấy ai có được cuộc sống kinh tế ổn định.
Tôi thường chạy thêm xe ôm trong những lúc rảnh rỗi để kiếm ít tiền về phụ Mẹ lo mấy ngày Tết. Con đường vắng trước đây hay đi, tôi không muốn chạy nữa. Có nhiều lý do. Chạy xe ở những khu vực đông đúc dễ kiếm khách hơn. Còn một lý do khác nữa. Tôi không muốn gặp lại chị, không muốn cho trái tim mình hoang dại lần nữa. Đó là tội lỗi. Tôi không muốn lôi kéo chị vào chuyện tình cảm không có đoạn kết này. Không muốn cùng chị dung dăng dung dẽ bước trên nỗi đau của một người khác. Tôi không thể cùng chị âm mưu phản bội lại người chồng đang khổ nhục trong trại cải tạo. Bởi một điều rằng tôi quý mến chị. Và hơn thế nữa. Tôi yêu chị!

Sau khi chở người khách phụ nữ về xóm nhà bên kia sông. Tôi lững thững đạp xe về nhà. Hôm nay kiếm như vậy cũng khá lắm rồi. Chiều gần tắt nắng. Định bụng vào quán cà phê uống một li tự thưởng cho thành quả của mình. Tôi chạy xe đến quán Hương Quê, dựng xe rồi tìm vào góc trong cùng kéo ghế ngồi xuống.
Quán ít khách. Đối diện tôi là đôi tình nhân ngồi bên nhau. Người phụ nữ ngồi sát bên người đàn ông. Vai ông ta gần như tựa vào đôi vai gầy của người phụ nữa kia.. Cả hai đều xoay lưng về phía tôi. Họ thì thầm với nhau điều gì đó. Hình như bàn tay người đàn ông đang nắm chặt tay người phụ nữ. Tôi nghĩ, sao họ hạnh phúc quá!
Miên man với những suy nghĩ trong đầu. Bất chợt đôi tình nhân đứng dậy ra về. Tôi đang tựa lưng vào tường nhìn ra ngoài nên không để ý lắm về họ.Bỗng người phụ nữ dừng lại đột ngột trước mặt tôi.Tôi từ từ ngước mắt nhìn lên. Trời ơi! Chị của tôi đó sao?
Chị đứng đó cách tôi một bước chân. Thảng thốt khựng người lại, hai mắt mở to nhìn tôi. Khuôn mặt chị tái xanh.
Trái tim tôi như muốn ngừng đập. Nhìn xoáy vaò mắt chị không nói một lời nào. Người đàn ông nổ máy xe bên ngoài. Chị bước nhanh đi ra cửa. Tôi bừng tỉnh định chồm người bước theo chị nhưng rồi nghĩ sao lại thôi. Không còn cần thiết nữa rồi. Trái tim tôi vỡ tung ra ngàn mảnh trong buổi chiều giáp Tết năm tám mươi.
Lát sau tôi đứng dậy ra về khi bóng chị không còn bên ngoài. Cô chủ quán gọi giật ngược:
-Xin lỗi! Anh chưa trả tiền..
Tôi đạp xe đi mà lòng ngổn ngang nỗi đau. Đi trong vô thức. Thật bất ngờ là vòng quay bánh xe đưa tôi về con đường cũ trước đây hay qua lại đón khách. Đường về nhà chị!
Mưa bay lất phất. Có bóng người phụ nữ khắc khổ cúi đầu lầm lủi đi phía trước mặt. Tôi đạp xe từ từ vượt qua, không để ý người phụ nữ ấy đang vừa đi vừa ôm mặt khóc. Tâm thức bỗng giật mình tỉnh lại, tôi nhận ra cái dáng quen thuộc của chị nên dừng xe. Chị cũng dừng lại. Tôi và chị nhìn nhau một từ khoảng xa, dáng chị tiều tuỵ, bơ phờ chỉ trong hai mươi phút không gặp nhau. Chị bước đến gần:
-Em theo chị làm gì?
Tôi nói, giọng hơi nặng:
-Chị lên xe!
Như con mèo ngoan ngoãn, chị ngồi sau tôi. Tôi đưa chị về đến nhà nhưng không vào. Nhìn tôi một lát rồi chị bước thẳng vào nhà. Khi chị khuất sau chậu hoa sứ tôi mới lầm lủi đạp xe đi.

Cái Tết thứ năm sau cuộc chiến. Một cái Tết buồn. Tôi không đi đâu trong những ngày qua vì tâm trạng không được vui sau khi chuyện xảy ra buổi chiều trong quán cà phê. Hai mươi ngày rồi tôi và chị không gặp nhau. Tôi không biết chị có buồn như tôi không nhưng riêng tôi rất nhớ chị. Muốn đến thăm nhưng lại giận chị sau sự việc vừa rồi. Tôi yêu chị. Điều đó chắc chắn rồi. Vì yêu chị nên tôi luôn tôn trọng và không dám đi quá xa tình cảm chị em. Luôn giữ một khoảng cách nhất định để cả chị và tôi không có cơ hội lấn sâu vào chuyện này. Chỉ cần tôi thả lỏng trái tim mình hoặc trong một lúc không tự kiềm chế chắc chắn chuyện không hay sẽ xảy ra.
Tôi cũng biết là chị rất yêu thương chồng. Khổ đau, dằn vặt trong những năm tháng chồng chị đang ở trong trại, chịu nhiều gian khổ. Chị hay tâm sự cùng tôi là rất muốn lên thăm anh thường xuyên nhưng điều kiện khó khăn không thể làm được điều này khiến chị cứ ray rứt hoài. Chị nói : “ Nhiều đêm trong căn phòng vắng chị nhớ đến anh quay quắt. Chị khô hết nước mắt. Nỗi cô đơn dày vò khiến chị héo hon, sống khắc khoải trong đợi chờ mà không biết đến ngày nào vợ chồng mới có thể trùng phùng.”. Tôi yêu mến chị vì cũng một phần vì lý do này. Biết bao người vợ trẻ có chồng đi tập trung trong trại đã phản bội lại chồng mình trong giai đoạn này. Họ không chịu đựng nỗi những khổ cực trong cuộc sống mới, những phụ nữ trước đây quen được chìu chuộng, săn sóc. Được sống trong vật chất đầy đủ, được ngưỡng mộ nhưng bây giờ phải tự thân lo cho cuộc sống của mình, lo cho người chồng đang bị tù làm sao có thể chịu đựng nổi bao khó khăn. Vậy là họ tìm cho mình một chỗ dựa. Họ phản bội chồng.
Tôi không tin chị là một trong số những người phụ nữ ấy. Nhưng chính mắt tôi đã nhìn thấy chị như vậy. Tôi làm sao có thể tha thứ cho chị cái buổi chiều trong quán cà phê ấy được. Tôi không muốn gặp lại chị.
Nhưng điều này khiến cho lòng tôi đau. Không gặp chị càng khiến tôi nhớ chị nhiều hơn.
Việc học của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều trong chuyện này. Tôi đổ ra uống rượu, tôi muốn say để quên được chị.
Và trong một lần say như vậy đã đưa đôi chân thất thểu, xiêu vẹo của tôi về con đường gần nhà chị trong một buổi chiều mưa bay bay. Cái lạnh thấm vào cơ thể khiến tôi run cầm cập và ngã giúi bên lề đường. Không cầm nổi ghi đông xe đạp để về nhà nên cuối cùng ngồi bệt trước một ngôi nhà. Tôi say! Nhiều khuôn mặt xanh đỏ, méo tròn lượn lờ, xoay quanh. Có tiếng xì xào, chỉ chỏ. Có tiếng người thúc giục, la mắng. Lưng dựa vào cửa sắt, nửa nằm, nửa ngồi ôm mặt, gục đầu trên hai đầu gối im lặng chịu đựng, không nói với ai một lời. Có tiếng hốt hoảng gọi tên tôi, tiếng vỗ vai nhè nhẹ. Tôi bừng tỉnh. Có ai níu tay vực tôi dậy, dìu tôi ra lề đường. Có ai đó đẩy tôi ngồi lên yên sau xe đạp. Tôi nghe tiếng nói êm êm, quen thuộc. Chị chở tôi đi.
Trong cơn say tôi vẫn biết đang ngồi đằng sau yên xe đạp và chị đang chở tôi đi. Hai tay ôm ngang eo chị. Trái tim bềnh bồng, nhấp nhổm trên từng bước đạp của chị. Chuếnh choáng nhưng tôi vẫn nghe được mùi bồ kết và mùi da thịt của chị ngược gió. Cái đầu bất trị xiêu xiêu tựa vào tấm lưng mềm mại ấm lừng một mùi thơm đàn bà. Tôi đằng sau ngất ngưỡng nhưng mà ngây ngất. Tôi muốn được say như vậy suốt đời mình. Muốn được ôm chị trong vòng tay của mình mãi mãi.
Chị khó nhọc dìu tôi vào nhà. Khó nhọc đặt tôi nằm lên ghế sa lông nhà chị. Có mùi thơm chanh nơi cổ họng và chua chua trên đầu lưỡi. Mùi hương từ chiếc chăn thơm ngào ngạt. Nó giống như mùi thơm từ da thịt chị lúc nãy khi tôi tựa đầu vào tấm lưng mềm mại, ấm áp. Có tiếng khóc rưng rức của chị bên cạnh. Tiếng thạch sùng và cả tiếng con chim nào đó lẻ loi đang đậu trên giàn bông giấy bên ngoài kia. Tất cả trộn lẫn, quyện vào nhau như một hoà âm buồn. Trong mơ màng tôi nghe hơi ấm từ bàn tay chị đặt trên trán tôi. Giọt nước mắt rơi xuống mặt tôi âm ấm.
Tôi thiếp đi cho đến tận gần sáng, khi có ai đó kéo tấm chăn đắp lại trên người mình. Từ từ mở mắt ra. Chị đang khom lưng, chồm qua người tôi nhét lại mí chăn cho khỏi rơi xuống đất. Tôi nghe hơi thở dồn từ chị. Tóc chị rơi trên mặt tôi.Mùi thơm tóc ngạt mũi. Mùi của quyến rũ dục vọng đánh mất lương tri. Trái tim tôi đập mạnh. Tôi nhìn thấy cái mũi thon nhỏ và đôi môi mọng đỏ trên khuôn mặt trắng nõn gần sát mặt mình. Ranh giới thật mong manh. Ranh giới của Từ bi và Dục vọng. Của Thiện và Ác! Ranh giới của Ngày và Đêm. Nó thúc dục! Chần chừ! Thực và ảo! Trái tim tôi yếu đuối nhưng cái đầu tôi kiêu ngạo! Ôi! Ranh giới của một tầm tay với. Gần mà xa!
Tôi bừng tỉnh cơn mê, khe khẽ nói: “ Cám ơn chị!” . Có lẽ chị cũng như tôi. Cả hai như vừa bước ra cơn mê sảng. Chị bối rối:
-Em say quá! Suốt đêm cứ lảm nhảm không đầu, không đuôi khiến chị sợ không dám đi ngủ.
Tôi xấu hổ, ngồi dậy:
-Em xin lỗi đã làm chị khổ cả đêm. Sao em lại ở đây?
Chị đứng dậy xích ra xa:
-Còn nói nữa! Hôm qua chị đi về gặp em say ngồi gục đầu bên lề đường. May mà có mấy người giúp chị đưa em về nhà. Đã tỉnh hẳn chưa? Vào tắm rửa rồi chị làm cái gì đó cho em ăn. À! Thay hết áo quần đi. Chị lấy đồ của anh Tuyên cho em mặc đỡ vậy! Hôi không chịu được!
Giọng nói của chị có một chút kẻ cả. Nhưng tôi biết bên trong câu nói ấy là một tình cảm ẩn chứa chị dành cho tôi không phải như với một đứa em trai. Một tình cảm khó giải thích.Nó như bị kìm nén, muốn thoát ra nhưng lại không thể.
Tâm trạng tôi lúc này thật đáng xấu hổ. Lặng lẽ bước xuống nhà tắm của chị. Buồng tắm rộng rãi. Có vài thứ ở trong thau áo quần chưa giặt và chiếc nịt ngực treo trên móc. Mùi xà phòng vẫn còn thoang thoảng. Hình như chị cũng vừa mới tắm xong cách đây không lâu.

Tôi bước ra ngoài phòng khách. Vừa đi vừa lau cái đầu còn ướt. Chị ngồi bên bàn có hai tô mì để sẵn, khói bay lên. Chị liếc nhìn tôi:
-Cậu hư lắm!
Tôi mượn chị cái lược chải đầu rồi ngồi xuống ăn ngon lành tô mì, không ngước lên nhìn chị lần nào.
Chị đem hai cái tô xuống rửa rồi quay lên ngồi đối diện trước mặt tôi:
-Sao? Em nói đi! Vì sao mà đến nỗi như vây? Chị khiến em thất vọng lắm hay sao?
Tôi gật đầu. Chị nói hơi cáu:
-Chị không có lỗi gì cả. Lỗi là tại cái cuộc đời này. Em đừng có nhìn một cách phiến diện như vậy. Chị đã quá khổ đau rồi. Khổ đau gấp ngàn lần cái đau của em. Đã đến lúc quá sức chịu đựng của chị.
Tôi sững sờ khi nghe chị nói. Chị gằn từng tiếng như chém vào trái tim tôi.
-Tại sao người ta có thể chịu đựng được, còn chị thì không? Chị có thể làm gì cũng được nhưng em không thể chấp nhận nhìn thấy chị như vậy- Tôi không còn giữ bình tĩnh- Chị có biết em đau lòng thế nào khi nhìn thấy chị đi với gã đàn ông ấy hay không? Tại sao chị có thể phản bội lại anh ấy. Phản bội lại người chồng của mình đang còn ở tù trong trại. Chị cần cái gì? Chị thiếu cái gì? Tình dục ư? Thiếu hơi hướm đàn ông và chị không kiềm chế được phải không? Chị trả lời em đi. Tại sao chị lại làm như vậy?
Chị im lặng. Tôi mất một hồi lâu mới cảm thấy hối hận vì đã quá nặng lời với chị như vậy. Cảm thấy mình có lỗi kinh khủng khi thấy chị úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở, sợ hãi không dám nhìn tôi.
Chị bỗng ngước mặt lên. Hai mắt đỏ hoe còn hai má ràn rụa nước mắt.
-Em thật quá tàn nhẫn! Tại sao lại có thể nghĩ về chị như vậy? Không phải vậy đâu! Khi chị nhìn thấy em trong quán cà phê ấy trái tim chị như xé ra ngàn mảnh. Người đầu tiên chị nghĩ đến ngay lúc đó chính là người chồng chị yêu mến. Chị đã sai lầm nhưng chị không thể làm khác được. Chị bất lực! Chị cần tiền! Em biết không? Chị cần tiền. Sắp Tết rồi mà trong nhà chị không có đồng nào. Buôn bán chị không chanh chua, đanh đá như người ta được. Mỗi ngày hàng hoá càng ít đi nhưng tiền thì không có. Chị biết làm sao bây giờ? Chị cần tiền để đi thăm anh Tuyên. Em biết không?
Em nghĩ chị không phải là con người sao? Em tưởng chị không có một trái tim sao? Chị cũng chỉ là một con người bình thường như bao phụ nữ khác mà thôi. Cũng biết sợ nỗi cô đơn giằng xé. Bảy năm rồi! Bảy năm qua đi mang theo bao nhiêu tủi hờn của chị. Tưởng chị không thèm khát một vòng tay ôm của người đàn ông khác hay sao. Em không phải là phụ nữ nên không hiểu được sự khát khao yêu và được yêu nó cần thiết đến như thế nào đâu. Bảy mùa đông qua đi nó cứa vào trái tim chị. Chị âm thầm trong cái lạnh lẽo cô đơn. Đau lắm! Nhiều đêm úp mặt vào gối khóc một mình mà không ai có thể chia sẻ nỗi đau ấy được. Kể cả em! Người mà chị quý mến, yêu thương nhưng không thể san sẻ cho chị được. Không ai hết!
Đã vậy thì chị xin nói rõ cho em biết người đàn ông đi cùng chị chiều hôm ấy. Ông ta là tài xế xe quá cảnh sang Lào. Tiền ông ta không thiếu còn chị thì cần tiền. Chị đã lợm người khi bàn tay ông ta nắm lấy bàn tay chị nhưng phải đẩy đưa để lấy được đồng tiền đi thăm anh Tuyên. Không còn cách nào khác hơn nữa.
Chiều hôm đó chị chưa kịp làm chuyện tệ hại ấy thì gặp em. Không biết trời xui khiến thế nào để cho chị gặp em lúc đó. Chị không biết! Không biết đó là chuyện may hay rủi khi trông thấy em. Chị cũng không biết!
Bước ra đường chị quyết định không theo hắn ta nữa mà lội bộ quay về trong tâm trạng ngổn ngang tủi nhục, u buồn. Khi em chở chị về nhà, lúc ấy chỉ muốn mình chết đi cho rồi. Muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi lại nghĩ đến người chồng đang ở trong trại nên chị đã không làm gì dại dột. Hôm sau chị quyết định bán đi chiếc nhẫn cưới..
Khuôn mặt ràn rụa nước mắt. Chị nấc nghẹn giữa chừng câu nói.
Ngay lúc ấy tôi chỉ còn muốn chồm đến ôm chị thật chặt, nghiền nát chị rồi hét thật to “ Em yêu chị! Em còn yêu hơn cả bản thân mình gấp trăm lần. Chi ơi!”. Bởi là thằng con trai nhút nhát nên tôi không làm gì cả trong lúc ấy. Cơ thể bất động, cúi gằm mặt xuống lắp bắp:
-Em xin lỗi chị!
Tay chân tôi loay hoay như gà mắc tóc. Đầu óc bấn loạn. Tôi không sợ nước mắt. Có thể bình thản trước ai đó rơi những giọt nước mắt khóc than nhưng với chị thì không thể. Trái tim tôi quặn đau từng đợt theo những giọt nước mắt của chị rơi xuống.
-Em xin lỗi! Em xin lỗi chị!
Không kìm giữ được cảm xúc nữa. Tôi bước đến ngồi bên cạnh chị, choàng tay qua vai ôm đầu kéo chị vào ngực mình. Tôi sửa lại mái tóc và lau những giọt nước mắt trên má chị. Thật bất ngờ tôi đã làm cái việc chưa bao giờ dám nghĩ. Tôi ghì chặt chị vào lòng và đặt lên đôi môi nóng bỏng, ngọt lịm của chị một nụ hôn. Vị ngọt đôi môi hoà lẫn với nước mắt mằn mặn trong miệng tôi. Nụ hôn kéo dài vô tận! Chị không hưởng ứng cũng chẳng phản kháng khi tôi siết chặt chị hơn nữa. Thân thể chị mềm nhũn trong hai cánh tay của tôi. “ Em yêu chị!” Tôi thì thầm. Chị không trả lời khi tay tôi vuốt ve trên má chị, lau sạch những giọt nước mắt còn đọng lại.

Thật lâu sau, như bừng tỉnh cơn mê. Chị đẩy tôi ra, lấy tay vuốt lại tóc rồi đứng dậy đi vào buồng tắm rửa mặt. Khi bước ra tôi thấy hai má chị đỏ bừng. Người xấu hổ nhiều hơn lúc ấy là tôi chứ không phải là chị.

Chị ngồi lại trên ghế nhìn tôi khẽ nói:
-Em! Điều cần nói với em, chị đã nói hết rồi. Chị mong rằng tình cảm của chúng ta sẽ trở lại như trước. Quên hết đi em! Quên hết những gì đã xảy ra từ hôm đó cho đến sáng nay. Quên hết để được sống bình yên. Chị van em! Bây giờ trời gần sáng rồi. Em có thể về. Chị muốn được ngủ một giấc!
-Không!
-Em không chịu hiểu chị hay sao? Về đi!
-Không! Em muốn ngồi ở đây với chị cho đến sáng. Chị có muốn đi uống với em một ly cà phê không?
Chị gật đầu:
-Thôi được!
Tôi chở chị tìm quán cà phê mở sớm.
Ngồi im lặng nhìn xe cộ thỉnh thoảng chạy qua trên đường, tôi suy nghĩ rất nhiều về những lời chị nói. Tôi quyết định nói với chị:
-Em sẽ tạm nghỉ học một năm.
-Tại sao vây?
-Em sẽ kiếm việc làm kiếm tiền giúp chị qua lúc khó khăn này. Nhất định như vậy!
-Chị không đồng ý để em làm như vậy. Em phải học, đừng lo cho chị. Rồi khó khăn cũng sẽ qua thôi
-Chị đừng khuyên em điều gì hết. Em suy nghĩ rồi! Trễ một năm cũng không sao.
-Chị nói là không được!
-Mặc kệ chị! Em sẽ tạm nghỉ. Thôi, em chở chị về.

Tôi xin chân phụ hồ. Tạm thời là như vây. Ban đêm tôi còn dạy thêm cho một lớp mười hai em luyện thi đại học. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng tôi có thể xoay sở, tiết kiệm để giúp đỡ cho chị.
Có nhiều đêm về sáng tôi chợt thức giấc nhớ đến chị. Tôi thèm nghe chị nói, thèm được nhìn thấy chị. Tôi thèm tất cả mọi thứ thuộc về chị. Nỗi khát khao gặp lại chị như con nghiện thèm thuốc nửa đêm. Thậm chí còn đau đớn vật vã hơn nhiều. Tôi làm việc và đi đâu cũng nghĩ về chị. Hình ảnh chị khóc nức nở trên cánh tay tôi đêm ấy cứ quấn lấy đầu óc mụ mị của tôi. Tôi thèm được hôn lên đôi môi nóng bỏng ấy lần nữa. Nỗi nhớ nhung, thèm khát ấy luôn xâm chiếm đầu óc tôi mọi lúc, mọi nơi. Chị đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi rồi. Làm sao tôi có thể chịu nỗi khi mỗi ngày qua đi không được nhìn thấy nụ cười của chị, không nghe được tiếng nói của chị.
Nhưng lý trí của tôi vẫn luôn chiến thắng trái tim của thằng con trai hai mươi sáu tuổi. Tôi không đủ can đảm giáp mặt chị. Tôi sợ! Tôi không muốn làm trái tim chị vỡ tan như tôi. Tôi không muốn chị mất đi mãi mãi hạnh phúc dành cho người đàn ông mà chị yêu thương nhất trên đời này. Người đàn ông ấy đang còn trong trại tù. Tôi không muốn mình trở thành con người tệ hại, vô nhân tính. Cướp mất tình yêu của một người khác. Tôi không muốn điều này xảy ra mặc dù nó có thể bóp chết trái tim tôi. Có thể cứa đau tâm hồn tôi. Không được! Nhất định không thể được!

Ba tuần sau kể từ buổi sáng ngồi uống cà phê với chị tôi mới quay lại. Hai cánh cửa chính đóng im ỉm. Khi tôi mở cánh cổng ngõ bước vào sân. Những cánh hoa sứ đỏ rụng tơi tả. Nhiều cánh đã bị dập nát, nửa héo nửa khô nằm lăn lóc quanh chậu. Có đàn kiến đỏ bò lên mẫu bánh mì còn sót lại trên chậu hoa sứ. Có lẽ đôi lần chị ngồi lặng lẽ bên chậu sứ nhai bánh mì qua bữa. Tội nghiệp cho chị quá!
Tôi ngồi xuống bên chậu sứ, nhặt những cánh hoa bỏ vào một góc. Lấy cái chổi quét sạch mảnh sân nhỏ rồi bỏ vào thùng rác ngoài cổng. Vừa lúc chị bước vào sững sờ nhìn tôi. Trông chị lúc này hốc hác, xanh xao nhiều hơn trước. Nhìn chị tôi muốn khóc quá. Muốn bước đến ôm chị vào lòng để cảm nhận được nỗi đau của chị đã chịu đựng. Muốn được hôn lên tóc chị như người anh hôn đứa em gái của mình.
Chị mở cửa. Cả hai cùng vào bên trong nhà. Chị nói:
-Sao mấy tuần rồi em không đến?
Tôi nói dối:
-Em bận học quá chị. Hơn nữa, em có mở lớp dạy thêm nên không còn tí thời gian nào.
Tôi lấy xấp tiền từ trong túi ra, cầm tay chị đặt vào:
-Chị này! Em dạy thêm được ít tiền. Chị cầm tạm đi thăm anh Tuyên nhé.
Chị siết chặt tay tôi, bật khóc:
-Không được đâu em! Còn lo cho việc học nữa. Chị không thể lấy của em được! Mấy tuần nay chị bán được cũng khá. Thôi! Em giữ lại đi.
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt ướt đẫm, đỏ hoe của chị:
-Chị phải nhận! Bây giờ em là người hiểu rõ chị hơn ai hết. Chị có biết em dằn vặt, đau khổ như thế nào khi trông chị gầy guộc, xanh xao như thế này không? Chị có tin là em sẽ không bước ra khỏi nhà này cho đến khi nào chị nhận không?
Nhìn thấy nét mặt nghiêm túc và lời nói cứng rắn của tôi, cuối cùng chị đành phải nhận số tiền tôi giúp chị. Tôi thả tay chị ra, ngồi xuống ghế:
-Em quyết định nghỉ học một năm rồi. Em nhất định phải giúp chị trong lúc này. Không thể nhìn chị tiều tuỵ, đau khổ. Chị đau một còn em đau gấp ngàn lần. Chị có biết không? Em sẽ cố gắng đỡ đần chị cho đến ngày anh Tuyên về. Nếu sau này chị còn từ chối, em sẽ cứ ở mãi đây cho chị thấy. Chị có muốn như vậy không?
Chị gục xuống trên ghế sa lông.
-Thôi! Em đi về đây. Gần đến giờ em phải dạy học rồi. Chị nhớ giữ gìn sức khoẻ. Lúc nào rảnh em sẽ ghé qua thăm chị.
3.
Chín tháng sau anh Tuyên được ra trại, trở về.
Tôi chuẩn bị cho lớp dạy buổi tối thì chị tất tả chạy vào nhà báo cho tôi biết điều này. Nỗi vui mừng hiện rõ trên đôi mắt chị. Trong sâu thẳm ở đó tôi nhận ra niềm hạnh phúc và cả lo ngại. Chị đến báo cho tôi biết niềm vui ấy và cũng tiện thể như muốn nói rằng chuyện của tôi và chị xem như kết thúc. Tôi không nên đến và xen vào tình cảm của họ nữa. Tình yêu của chị đã trở lại chính là lúc tôi phải mất chị dù trong thâm tôi mong muốn chị tìm lại hạnh phúc của mình. Muốn vợ chồng chị được đoàn tụ để chị không còn mòn mõi đợi chờ nữa. Không còn những đêm đông dài dằng dặc vò võ một mình trong căn phòng lạnh lẽo kia.
Nhưng tôi đau xót, buồn bã quá! Tôi vĩnh viễn mất chị rồi sao?
Hai trạng thái xung đột nhau trong tôi. Niềm vui và nỗi đau trộn lẫn như mớ bong bong. Tôi cho các em nghỉ học tối đó và xin lỗi từ nay không thể dạy các em được nữa.

Nửa tháng sau tôi lần ra chợ tìm gặp chị và kín đáo nhét số tiền kiếm được từ trước dưới tờ giấy báo trước mặt chị. Tôi hỏi thăm về công việc của anh Tuyên. Có cần tôi giúp gì không? Chị nói:
-Chị mới vừa mua cho anh ấy chiếc xe đạp cũ. Tạm thời đi thồ như em trước đây kiếm sống cái đã. Gia đình anh Tuyên đi kinh tế mới hết rồi nên cũng không giúp được gì.
Vậy là tôi tạm yên tâm ra về.

Những năm tiếp theo sau đó tôi cố gắng sống không có chị bên cạnh. Điều này thật khó khăn nhưng tôi nhất quyết phải làm cho được. Tôi yêu chị và tôi tôn trọng tình yêu, hạnh phúc riêng của chị nên không đến thăm nhà chị lần nào.
Nỗi nhớ chị dày xé tâm hồn, trái tim tôi, Như một thói quen mặc định, đôi khi tôi đạp xe ngang nhà chị một cách vô thức. Đến khi nhận ra con đường quen thuộc ấy mới giật mình hoảng sợ rồi tự răn nhủ mình đừng bao giờ phạm sai lầm như vậy nữa.
Đôi lần gặp lại chị trên đường. Cái thành phố này đâu lớn lắm để tôi có thể trốn chạy mãi được. Vậy là trái tim tôi quặn thắt lên khi chị nở nụ cười thân thiện. Tôi không hiểu nụ cười của chị có mang theo tình yêu đã dành cho tôi ngày trước hay không? Nhưng nhìn khuôn mặt chị rạng rỡ hạnh phúc lòng tôi cũng ấm lại.

Tôi không đến nhà chị cho mãi đến bảy năm sau. Khi anh chị chuẩn bị ra đi định cư tại Mỹ theo diện H.O.
Lúc này tôi đã có một gia đình riêng. Một người vợ hiền cùng hai cô con gái sinh đôi.
Trước khi đi một tháng chị đến tìm tôi báo tin vui. Chị cám ơn tất cả những gì tôi đã giúp đỡ chị. Cám ơn tình cảm tôi đã dành cho chị trong những lúc buồn tủi nhất.Tôi chúc mừng anh chị may mắn và hạnh phúc. Chúc ra đi được bình an.Trước khi về chị nói:
-Còn hai cây hoa sứ chị muốn em giữ lấy dùm chị. Đó là kỷ niệm của chúng ta. Ba người! Chị không muốn ai sở hữu hai cây sứ này hết. Ngoài em! Nó là kỷ vật cùng với em giúp chị sống qua những ngày khó khăn nhất đời chị. Mai chị sẽ thuê xe chở đến cho em.
Tôi biết chị vì sao phải cho người khác chở đến mà không phải tôi tự đem về. Đây là sự tế nhị để bảo vệ hạnh phúc gia đình chị. Tôi không phản đối gì về sự sắp dặt này.
Lần cuối cùng chị đến thăm tôi để báo cho biết ngày ra đi.
Hôm tiễn anh chị lên đường sang Mỹ, tôi âm thầm đứng tách biệt, tựa lưng vào trụ cột bên trong sân ga. Trong cảnh ồn ào náo nhiệt của người đưa tiễn, tôi nghe nỗi đau mất mát bất ngờ.Rất nhiều người đến tiễn đưa. Bà con, hàng xóm, bạn bè của anh chị vây quanh hai người. Những giọt nước mắt chia ly rơi xuống trên sân ga ồn ào buổi chiều tháng sáu năm 1989. Những con người mà trước đây trong hoàn cảnh khó khăn nhất của anh chị tôi chưa bao giờ biết mặt hoặc nghe chị nhắc đến.
Khi hai người khuất vào bên trong toa, tôi âm thầm quay đi. Lúc ngang qua toa tàu tôi nghe tiếng gọi khe khẽ tên mình nên quay đầu nhìn lên ô cửa. Chị thò đầu ra ngoài nói điều gì đó tôi không nghe rõ lắm nhưng nhìn thấy có giọt nước mắt vừa rơi xuống đường ray. Chị nhìn tôi rất lâu, gật đầu chào tôi khi tiếng còi tàu thét lên. Tôi lấy tay quệt ngang mắt mình rồi bước vội ra cổng.

*****

Hai mươi hai năm sau chị mới có dịp quay trở về Việt Nam thăm gia đình.
Chị đến nhà tôi thật đột ngột.
Hôm ấy tôi đang loay hoay xới đất cho chậu bông sứ đỏ. Hai chậu sứ thật kỳ lạ! Mỗi năm ra hai lần hoa. Vào mùa hè và đúng ngay dịp Tết Âm lịch. Tôi đã mấy lần thay chậu từ ngày chị đem đến tặng tôi. Gốc rất to. Đường kính cả gang tay.Nhánh của nó toả rộng theo năm tháng che khuất gần cả nửa mặt tiền ngôi biêt thự nhà tôi. Sắc hoa luôn đỏ thắm rực rỡ chứ không hồng nhạt như thường thấy ở khắp nơi.
Người phụ nữ khoảng sáu mươi tuổi, tóc bối cao, mặc chiếc váy màu cà phê sữa bước vào nhìn tôi đăm đăm. Tôi gật đầu chào:
-Xin lỗi! Chị gặp ai?
Người phụ nữ ngỡ ngàng:
-Có phải là em đây không? Còn nhớ chị không?
Tôi đánh rơi que sắt đang cầm trên tay.
-Trời ơi! Chị..chị..
Không e ngại. Cả tôi và chị bước đến ôm chầm lấy nhau. Nghẹn ngào không thốt lên được lời nào. Một lát sau tôi buông chị ra:
-Chị về hồi nào vây?
-Chị mới về được bốn ngày rồi. Tìm em mãi mới ra cái nhà mới này. Ôi! Em tôi! Bây giờ thành ông lão rồi đấy.
Chị vừa nói vừa nhìn vào hai cây bông sứ đỏ thắm hoa. Đôi mắt chị long lanh. Có lẽ chị xúc động. Bước đến đưa tay xoa nhẹ lên vết sẹo có hình chử T méo mó mà tôi đã vô tình khắc lên đó từ ngày còn ở nhà chị. Cả hai không nói gì với nhau về cây bông sứ.

Vợ tôi đi việc bên ngoài vừa mới về đến. Giới thiệu hai người với nhau, tôi mời chị vào nhà.
Vợ chồng tôi mời chị ở lại dùng cơm cùng với hai cô con gái.
Chị nói chuyện huyên thuyên. Nói rất nhiều về những ngày gian khổ nhưng tuyệt nhiên không một lời nhắc lại chuyện của tôi và chị

Đêm đó khi vào phòng ngủ, vợ tôi hỏi:
-Chị ấy là người yêu cũ của anh phải không?
Tôi lúng túng:
-Ừ! thì cũng chuyện cũ thôi mà! Sao em biết!
-Ừ! Có gì khó nhận ra đâu! Thôi ngủ đi anh! Mà đừng nằm mơ thấy người xưa đó nghe- Vợ tôi âu yếm dặn dò.
Đêm đó không mơ nhìn thấy chị như vợ tôi đã dặn. Giấc ngủ mộng mị. Tôi chỉ mơ thấy mẫu bánh mì bị kiến bu và những cánh bông sứ màu đỏ tả tơi lăn lóc trong hiên nhà chị.

05/2013


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 921

Return to top