- Cuối tháng này sinh nhật mi hở Ngâu ?
- Ừ.
- Có tổ chức gì không ?
- Có chứ, nho nhỏ như mọi năm.
- Mời ông Kiên với nghe.
- Thôi, ổng không thèm tới đâu.
- Trời ơi, ổng thèm lắm chớ.
- Đừng đặt điều, dầu sao ổng cũng là người lớn rồi mà.
- Ta cam đoan là nếu mi mời ổng sẽ tới ngay tức khắc, tới sớm để service nữa là khác.
- Ẩu xị, ta có quen với ông anh mi đâu.
- Trời ơi, vong ân bội nghĩa. Ai trám cho mi cái răng nhức nhối ăn không ngon ngủ không yên đó ?
Em cãi yếu xìu:
- Ta trả tiền chớ bộ ổng trám thí sao ?
Hạnh Nhân nhăn mặt:
- Xạo đi, mi trả tiền nhưng ổng không lấy, lại còn thỏ thẻ rằng: bé cũng như Hạnh Nhân. Ăn kẹo đến nỗi sâu răng. Đúng không ?
- Kha khá đúng, nhưng sao mi biết rõ vậy, ổng khai hả ? Bần tiện quá, trám dùm cái răng mà đi kể tùm lum.
- Ê, nể mặt tui chút chớ bạn ! Để thanh minh thanh nga dùm ổng. Ổng về chỉ nói trời ơi cô bé Hoàng Ngâu có cái răng khểnh xinh hết cỡ.
- Chứ sao mi rành vậy?
- Không phải vì mi sao? Hôm sau mi lên trường nói ông Kiên dại dột quá và bao tụi tao một chầu chè khoai, nhớ không? Tụi tao đùa là mình ăn răng sâu của con nhỏ Hoàng Ngâu đó!
Em bật cười:
- À quên. Xin lỗi nghe!
- Không thèm.
- Năn nỉ mà.
- Hơi thèm.
Hai đứa cùng cười thật tươi, Hạnh Nhân xích vào phía trong và ngậm miệng vì vừa trông thấy đôi mắt chiếu tướng của thầy.
- Lấy mỗi người một tờ giấy nhỏ.
Những tiếng ồn ào vỡ ra như ong bay:
- Con để quên giấy nhỏ ở nhà rồi thầy. Lấy đại giấy lớn được không thầy?
- Ôn bài năm phút đã thầy !
- Cho câu dễ dễ nghen thầy !
Thầy gõ thước xuống bàn ra dấu yên lặng:
- Câu thứ nhất, viết: “Sự quên có tính cách con người, nhưng nó không thể tha thứ được”. Câu thứ hai: “Thật là bi thảm khi tôi không thuộc bài của tôi”. Câu thứ ba: “Những vết thương rồi sẽ phai đi nhưng những vết tích sẽ còn mãi”. Ba câu 15 phút. Cấm dở sách vở.
Pháp văn em tương đối khá, làm thật nhanh rồi buông bút; thầy Phước cầm tờ giấy lên coi:
- Làm nhanh vậy, ờ được đó, khá lắm!
Bỗng thầy ơ lên một tiếng:
- Sao lạ vậy “Sự quên có tính cách con người, nhưng nó có thể tha thứ được”.
Em giật mình:
- Đâu có thầy.
Thầy trả lại tờ giấy:
- Vô tình hay cố ý, nói thật nghe.
Em cắn môi:
- Nếu bây giờ con nói là vô tình thì có vẻ trốn tránh lắm. Nên con nói là cố ý. Dầu khi làm con không nghĩ thế.
Thầy gõ vào đầu em:
- Muốn ăn thua đủ ngay cả với thầy nữa cơ à cô bé. Nhưng như thế được lắm, bản lĩnh lắm, tốt!
Em viết tên Trần Thị Hoàng Ngâu lên đầu trang giấy và nộp bài. Hạnh Nhân cũng nộp bài và ngồi xích tới nói chuyện:
- Chị Diễm đã nhập học chưa?
- Rồi, mới nửa tháng nay. Vậy mà bạn chị cả tá, đến nhà hoài.
- Tại chị ấy đẹp.
- Ừ, có lẽ, tụi con trai đến cho mượn sách vở, ghi cours giùm, chở đi học nườm nượp.
- Chị lựa chọn đã, Ngâu nhỉ.
- Không, phiền một cái là tụi nó nhỏ hơn chị Diễm cả.
- Uổng !
- Mà nếu có chị Diễm cũng không thèm. Con trai học bằng lớp coi như em út.
- Ngon lành nhỉ ?
- Chứ sao !
*
* *
Em đạp xe lơ ngơ ra khỏi nhà, chẳng biết đi đâu cả. Tự dưng thèm phóng xe ra đường, thế thôi. “Những buổi chiều thứ 7 vô nghĩa” Ngự Đàn đã gọi như thế đó. Chiều thứ 7 là của bát phố, của ciné và của những đôi tình nhân.
Em rẽ vào Hùng Vương, con đường yên tĩnh nhất trong thành phố như thói quen chứ không định ghé nhà Hạnh Nhân, nhưng nhỏ đang ngồi vắt vẻp trên nhánh ổi hét to gọi em, nhỏ phóng xuống đất:
- Ê, lơ hả? Đi đâu vậy ? Thi sĩ đi tìm ý thơ ?
Em lắc đầu:
- Đi ra đường thế thôi chứ không có mục đích.
- Thế thì được rồi, ciné nhé. Le Petit Poucé mới thay hôm qua.
- Ừ, vào thay đồ lẹ lên, 3 giờ rồi đó.
- 3 rưỡi chiếu lo gì.
- Nhỏ thẩy cho em quả ổi trên tay và chạy biến vào nhà.
Nhà Hạnh Nhân là một biệt thự nhỏ, có vườn cây ăn trái, có hoa trồng quanh những lối đi, những khóm hồng nhung, những bụi cúc vàng mượt kiêu sa, và từng hàng forget me not viền quanh thật đẹp, nhưng em yêu nhất là lối sỏi vàng, đá trắng. Những bước chân trên sỏi thì dễ thương tuyệt vời, nhưng bây giờ là buổi trưa, tiếng sỏi vang lên không thơ mộng chút nào cả, nên em đạp xe trên lối ciment. Tiếng sỏi chỉ nên nghe trong nắng sớm, chiều êm và đêm vắng. Hạnh Nhân vẫn mắng em lãng mạng, cũng một tiếng sỏi mà cũng bày đặt loay hoay phân biệt cho mất công. Em cãi lại rằng cũng một tiếng đàn, sao mi mê nghe tiếng đàn của ta hơn là tiếng đàn của ông đi xin ngoài chợ. Cũng một bài hát, sao mi thích tiếng hát của Neil Diamond hơn nghe... ông Kiên hát. Nhỏ ngẩn người ờ nhỉ một tiếng rất... có duyên.
Hạnh Nhân nắm lấy ghi đông xe:
- Đi, ta chở.
Em bước xuống mỉm cười:
- Mặc jupe mà đòi chở, tí nữa không có chuyện Ngâu ơi, làm ơn làm phước giữ giùm gấu jupe cho ta với nhé.
Nhỏ hất tóc, môi chu ra:
- Ê, đừng chọc quê, ta phải chở vì mi ốm nhách. Thiên hạ sẽ kiện ta bóc lột sức lao động.
- Cám ơn lòng tốt nghe.
- Không sao, no star...
- Đi lẹ lên, trễ rồi đó. Tí nữa vô đạp chân thiên hạ cho coi.
Hạnh Nhân phóng xe ra cửa, em choàng tay qua hông nhỏ.
- Lợi dụng kỹ quá vậy em cưng?
- Em út cái con khỉ.
- À, đòi làm chị tui, ông Kiên mừng phải biết !
Em thụi vào hông Hạnh Nhân:
- Đừng lôi ông anh của mi vô nữa, ta... mất vui.
- A, tại sao ?? ông Kiên làm chi nên tội ??
Em cười khúc khích:
- Tao mới khám phá thêm một cái răng sâu nữa, nhớ tới cái kềm, cái búa, cái khoan, cái đục... của ông ấy, tao lạnh người đi.
- Tin mừng cho ông Kiên.
- Ta cóc thèm đến phòng mạch của ổng. Trám không lấy tiền, dị thấy mồ.
- Em nhỏ cũng biết dị ?
- Muốn ăn vài quả đấm không?
Hạnh Nhân ngừng xe bên lề đường:
- Ta gởi xe. Mi vô mua vé đi Ngâu.
Em đứng lại:
- Không. Ta không biết mua vé. Đưa xe đây ta đi gởi.
Hạnh Nhân đưa xe cho em, dắt xe băng qua đường, đứng đợi lấy phiếu, em nhìn vào rạp tìm Hạnh Nhân, nhỏ chìm mất giữa đám người.
- Gởi xe hở Hoàng Ngâu ?
- Dạ, Ngâu đi ciné với Hạnh Nhân.
- Phim chi vậy ?
- Le Petit Poucé.
- À, phim này mấy cô coi được đó, Hạnh Nhân đâu ?
- Đi mua vé rồi anh.
- Nhỏ ra kia kìa !
Hạnh Nhân reo lên khi thấy anh Kiên!
- Trời ơi phải chi anh đến sớm một chút.
- Tính chuyện lợi dụng gì đây cô nhỏ.
Hạnh Nhân nghinh mặt:
- Bắt anh mua vé, được không?
- Sẵn sàng, đưa tiền anh mua cho.
Hạnh Nhân đấm vào vai Kiên:
- Không phải thế, anh... láu cá lắm.
Kiên rùn vai tránh, la lên:
- Thôi nhỏ, Hoàng Ngâu cười cho kìa. Dữ thế ai thèm rước.
Hạnh Nhân nheo mắt:
- Hoàng Ngâu không cười đâu, nó dữ hơn em gấp mấy lần mà cũng có người đòi rước rồi kìa.
Đôi mắt Kiên sậm lại, nhưng Kiên vẫn cười:
- Thế hả, anh tưởng Hoàng Ngâu hiền chứ. Thôi 2 cô vào đi, chứ không thôi tí nữa giày cao gót mà đạp nhằm chân thiên hạ thì vỡ nợ.
Hạnh Nhân đấm Kiên thêm một cái nữa. Em nghe tiếng cười mình vỡ ra mà không biết tại sao mình cười...
*
* *
- Rồi cô bé lại răng sâu nữa ?
Em dạ nhỏ và cười:
- Uống sữa hở ?
- Không, ăn kẹo.
- Kẹo gì ?
- Kẹo dừa, ngon kinh khủng.
Kiên chìa tay:
- Đâu cho anh một cái.
- Trong bóp viết, tí nữa đã. Anh chữa răng cho Ngâu đi chớ.
Kiên cười thích thú, cúi xuống tìm “đồ nghề” trong lúc em nhắm mắt không dám nhìn những cái khoan, đục, kềm... đủ thứ.
- Khi nào đau thì nhắm mắt lại nghe, để anh làm nhẹ tay bớt.
Chợt thấy em đã nhắm nghiền cả 2 mắt, Kiên cười:
- À, khi nào đau thì mở mắt ra nghen.
Em thắc mắc:
- Thì anh cứ làm nhẹ tay ngay từ đầu, đỡ phải... nhắm mắt, mở mắt.
- Nghề nghiệp mà, Ngâu không biết được đâu.
Em thôi nói, cái khoan bằng điện làm ê ẩm những cái răng hàng xóm, láng giềng, em cố để không... nhắm mắt, mở mắt vì đau bằng cách lập đi lập lại trong trí: không sao đâu, không sao đâu... như một câu thần chú, giúp quên bớt cơn đau.
- Đừng ăn kẹo nhiều nghe, sún hết răng.
- ...
- Răng giả thì anh có sẵn, chứ không có răng khểnh đâu. Sún mất chiếc răng khểnh thì Hoàng Ngâu đâu còn là Hoàng Ngâu nữa, phải không??
Độ chừng 20 phút. Kiên tắt máy, bảo mai đến trám 1 lần nữa là xong. Em ôm sách vở tiến đến bàn của cô y tá ghi giấy, Kiên ra theo:
- Ghi vào phiếu Trần Thị Hoàng Ngâu, người nhà.
Em quay lại:
- Không chơi kiểu đó, mấy lần rồi.
- Khó bảo, Hoàng Ngâu cũng như Hạnh Nhân.
Em cương quyết:
- Ngâu đến phòng răng của anh chứ không phải đến nhà thương. Ở nhà thương mọi chuyện sẽ khác ngay.
- Bướng!
- Không bướng, chị ghi tên em và giá tiền.
Kiên thêm vào:
- Thân chủ quen, bớt 50%, cô Hải.
- Thế thì tạm được, nhưng mai bao tụi bạn ăn chè, tụi nó lại đồn là ăn... răng sâu của Hoàng Ngâu.
- Đừng bao hay là bao mà đừng nói.
- Không nói không được, giữ một mình ấm ức lắm.
Kiên hỏi:
- Ngâu về bằng gì ?
- Xe đạp.
- Anh đưa về, khá tối rồi...
- Mấy giờ ?
- 7 giờ 5 phút.
- Thôi phiền anh, Ngâu đạp xe về nhanh lắm, đường sáng trưng, sợ gì ?
- Vậy thì cho anh kẹo đi !
- À quên, anh 1, Hạnh Nhân 2 nhé !
Kiên lắc đầu:
- Anh 2, Hạnh Nhân 1.
- Cũng được, nhưng anh phải giữ hàm răng đẹp để... câu khách chứ.
- Trời ơi, kê anh đau đớn thật, thế thì Hoàng Ngâu đâu có hiền như anh nghĩ.
Em cười:
- Anh tưởng Hoàng Ngâu hiền à ? Hoàng Ngâu là vua phá của lớp.
- Nhìn Hoàng Ngâu không đoán ra điều đó.
- Vâng, thôi Ngâu về.
- Ăn cơm ngon nghe, cô bé.
Con đường Nguyễn Hoàng hôm nay sao vui quá, những chiếc xe phóng nhanh, những ngọn đèn rực rỡ. Con đường vui hay tại lòng em đang vui.