Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Chuyện Ngày Mưa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 533 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện Ngày Mưa
Bùi Mai Thủy

"Đây là một câu chuyện có thật, đã xảy ra với tôi trong cơn bão số bảy vừa qua. Điều này đã khiến tôi thêm niềm tin với cuộc sống"
Mưa to quá. “Cơn bão số 7 đã biến Hà Nội thành một cái ao tù với muôn vạn những con cá lóp ngóp bên trong. Mình là một con trong số đó” Nó mỉa mai nghĩ. Nếu không vì lời hứa với đồng nghiệp, không khi nào nó lại liều lĩnh ra khỏi nhà vào lúc này, khi ông trời đang quăng, ném, hất những xô nước khổng lồ lên nó và những người cùng cảnh ngộ, đang bì bõm trong mưa. Dưới chân nó, nước đã ngập quá ống xả xe. Nó ngao ngán nghĩ thầm: “Xe có thể chết máy bất cứ lúc nào, lúc đó mình chắc chết”. May mà ống xả của nó lại cấu tạo chổng ngược lên. Cái kiểu cấu tạo khiến các nhà môi trường học, sức khỏe học, xã hội học gì gì đó đang rất bức xúc. Vì khi đi trên đường, những chiếc xe sở hữu kiểu ống xả đó sẽ phun thẳng những luồng khói vô cùng độc hại vào mặt mũi người đi sau, dẫn đến nhẹ thì viêm đường hô hấp, nặng thì ung thư phổi. Những người tâm huyết với sức khỏe cộng đồng đang lên tiếng phản đối những nhà cung cấp kiểu xe máy đó, nhưng nhà cung cấp chỉ biết kêu trời. Họ bán xe ở bao nhiêu nước, không thấy ở đâu kêu. Có đâu vì thị trường Việt Nam mà phải thay đổi kiểu dáng xe. Nhưng ở những nước khác tỷ lệ người đi xe máy không cao như Việt Nam, cũng ít xảy ra nạn tắc đường nên tác hại của loại ống xả đó không lớn, các nhà môi trường học lên tiếng. Họ cứ phản hồi qua lại như thế, không rõ cuối cùng bên nào sẽ thắng, trong khi đó những người dân Việt Nam hiền hòa, cam chịu chỉ biết bịt khẩu trang từ tờ mờ sáng tới tối khuya. Mà đã tiện mồm kêu sao chẳng kêu luôn mấy cái xe buýt “nhà mình”, ống xả không chổng ngược nhưng cao đúng tầm mặt người đi xe máy. Ai vô phúc đi sau thì lãnh đủ, mở được phổi ra mà xem thì chả khác gì cái ống khói nhà bếp thời còn đun củi, đun than, nó cứ lơ mơ nghĩ cho đến khi phát hiện ra cái xe ngừng hẳn. Thôi chết. Giữa cái ao này thì biết làm sao? Nó nhìn làn nước sóng sánh sau mỗi chiếc xe qua mà ngao ngán. Làn nước này không hứa hẹn một chỗ khô ráo gần đây. Nó thò chân xuống, nước lập tức chiếm quá nửa ống quần. Làm sao tìm cho ra vỉa hè đây? Để tránh những vòi phun nước ào ào sau mỗi chiếc xe chạy qua. Nhưng trước khi dắt được xe lên biết đâu mình đã nằm trọn trong một cái hố nào đó trên đường, nó ngậm ngùi nghĩ. Ở một đất nước mà đâu đâu cũng là công trường xây dựng thế này, chuyện đó quá đỗi tầm thường. Ngày khô ráo, nắng đẹp nó còn bị rơi vào một cái hố như thế cơ mà. Đâu phải nó “mắt đếm lá rơi, chân đá ống bơ” cho cam, chỉ vì nó tránh một cái xích lô chở sắt cây. Thôi thà rơi xuống hố, còn hơn thành chả xiên, nó tự an ủi mình trước cái cười rất đỗi vui sướng và hồn nhiên của bao người đi đường. Hôm nay mà nó lọt vào một cái hố tương tự thì chắc sẽ chẳng ai cười đâu vì ai cũng mê mải lướt qua, trong đầu chỉ chăm chăm lạy trời cho xe con không chết máy.
Cái xe bây giờ trở thành một vật thừa, thậm chí là đáng ghét. Nó oằn người cố kéo chiếc xe nhích từng chút một. Có ngày mưa thế này, có tắc đường thế kia mới biết quý cái xe đạp. Giá bây giờ trong tay nó là một cái xe đạp, nó sẽ chẳng khổ sở đến thế này. Nó tự cười nhạo mình “đến chỗ khô ráo mày lại đòi cho được xe máy thôi”. Bản tính con người là thế, cho nên đức Phật lúc nào cũng răn không được tham, sân , si mà rồi cuối cùng cũng chẳng cải tạo được tý gì. Một cái ô tô ào qua, cả người nó ướt sũng, may chưa ướt mặt, nó tự an ủi kiểu AQ, nước này mà dính lên mặt thì...Chẳng tự an ủi thì còn biết làm gì, chửi với theo chắc, người ta có nghe đâu, chỉ tổ mệt mình thêm. Mà rồi có nghe thì sao? Xuống xe đền bù mình chắc, họa có trong mơ. Khéo lắm thì được lời xin lỗi, khổ ra thì còn bị mấy cái tát tai cũng không biết chừng. Cái im lặng trong trường hợp này cũng có ba bảy đường. Người tốt bụng sẽ bảo nó hiểu biết, bao dung. Được đánh giá như vậy thì còn mong gì hơn. Nhiều người mất cả tính mạng cũng chỉ vì cái hư danh, nên nó chịu nhịn có vậy mà được tiếng tốt thì còn hời chán. Còn người bình thường sẽ bảo nó cam chịu, mềm tính. Thôi thế cũng được, đó cũng là tính cách chung của người Việt Nam. Chẳng phải vậy sao, có tức đến mấy cũng chỉ lủng bủng vài câu, hay tụ tập dăm ba người nói cho thỏa rồi ai về nhà nấy, đố có thấy bãi công, biểu tình, ném bom liều chết bao giờ. Có lẽ hơn nửa thế kỷ chiến tranh là quá đủ, và cuộc sống giờ có bất công, khó khăn cách mấy cũng là thiên đường so với những ngày chưa xa đó. Những người nặng đầu óc phê phán có lẽ sẽ bảo nó ngu, ướt lướt thướt như chuột cống thế kia mà cứ im thin thít. Dào ôi, chấp họ làm gì, “ở đời phải biết mình là ai chứ”, nó nhại lại câu cửa miệng của một diễn viên chính kịch đóng vai hài mà lại rất có duyên. Thế mới biết có xin được nụ cười của người khác cũng phải có chất trí tuệ trong đó, nếu không thì chỉ là nụ cười nhạt toẹt, có khi còn là cười khẩy, cười nhạo cũng nên.
Mọi người cứ chạy ào qua, nước bắn tung lên một con bé vẻ mặt đau khổ lếch thếch kéo cái xe to đùng, nặng chịch thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên cười rất ngô nghê. Nó dường như cũng chấp nhận sự thờ ơ của người đời nên cũng không mặn mà tìm kiếm sự giúp đỡ. Thời buổi “Lý Thông dễ kiếm, Thạch Sanh khó tìm” này thì bạn phải chấp nhận những thực tế đó, dù cho nó không ngọt ngào chút nào. Nó quay lại nhìn cái túi ni lông sũng nước đằng sau xe, chợt cười tính bao đồng của mình. Cô bạn thân cáu kỉnh bảo nó mày có vứt ngay cái túi đi không, trông vừa bẩn vừa xấu cả xe. Nhưng đi mưa sẽ không bắn lên người phía sau, nó cãi. Thế rút cục buộc nó vào mày có khỏi bị bắn không, đó mới là điều quan trọng. Nó chả cãi được nữa. Mình mới là quan trọng, quá đúng. Nhưng nếu vì người khác mà không thiệt cho mình, hoặc có thiệt đôi chút thì cũng nên làm, nó định cãi lại, nhưng thôi, chỉ tổ con bạn nó bảo hâm.
Lại một cái ô tô nữa phóng vụt qua. Nhưng lần này là ô tô tải, khiến vồng nước trùm hẳn lên nó, như một vòi hoa sen khổng lồ, tan cả niềm vui bé xíu là không bị ướt mặt của nó. Nó buồn thiu lấy tay vuốt nước bẩn hòa lẫn nước mưa trên mặt, chả nghĩ ra cái gì để tự an ủi mình nữa. Không biết đến lúc nào trời mới ngớt mưa. Trên đường chả có cửa hàng sửa xe nào, cứ lếch thếch thế này đến khi nào mới đến công ty được đây? Tính tích cực của nó đã tụt xuống dưới không, nó dầu dĩ nhìn trời, cảm thấy thân mình ớn lạnh trong lần áo mỏng dính sát người, trong chiếc áo mưa đã hết tác dụng che chắn từ lâu. Tối nay về chắc chắn nó sẽ sốt rên hừ hừ, rồi sẽ ốm lăn lóc mấy hôm liền cho coi. Dở hơi thế, tự nhiên lại ôm việc vào người, nó tự mắng mình, ở nhà có phải hơn không, ngày mai cáo lỗi với chị đồng nghiệp là mưa quá, em không đến công ty được, chưa làm giúp chị cái bảng thưởng được. Cùng lắm là cả hai bị sếp mắng mấy câu chứ gì, cùng lắm là sales chậm thưởng mấy hôm chứ gì. Còn hơn là từ mai nằm bẹp ở nhà. Nó càng nghĩ càng giận mình, thôi lần sau thì chừa nhé. Mình phải thương mình trước tiên, bây giờ nó mới thấm thía lời đứa bạn thân. Lạnh quá, đầu nó như bốc hơi, toàn thân run lên không rõ vì sao. Nó loạng quạng suýt ngã, lơ mơ nghĩ đến có người đã chết đuối khi kiệt sức ngã xuống một con suối nông lòng, chỉ vừa đến khuỷu chân. Nước ở đây dễ cao đến lưng đùi, cao hơn hẳn. Nó buồn bã nghĩ, tay vẫn cố nắm chặt lấy xe, không phải là dắt xe nữa, mà dựa vào xe thì đúng hơn. Nó bước chập choạng, tha thiết mong gặp ai đó quen. Nó cố kéo cái tinh thần đã quá rệu rã của nó lên, ngày mai các báo đưa tin có người chết đuối giữa đường thì hay đấy nhỉ. Mà có lẽ hay thật, vì khi đó sở giao thông công chính, hay công ty cấp thoát nước chẳng hạn ngay lập tức phải nâng cấp hệ thống cống rãnh, để đợt mưa sau sẽ không còn người thiệt mạng nữa. Khi đó người dân Hà Nội sẽ biết ơn nó như một người tử vì đạo vậy.
-Bạn ơi, bạn có sao không?
“Ai thế nhỉ?”. Nó quay sang. Con gái. Sao lại là con gái? Mừng vì phụ nữ Việt nam nhân hậu hay buồn vì đàn ông quá vô tình?
-Tớ không sao. Bạn đi đi. Dừng lại là xe chết máy đó.
Nó ngạc nhiên với chính mình. Ra là trong lúc thế này nó vẫn nghĩ được cho người khác. Có lẽ vì cô ấy tốt quá.
-Không sao. Để tớ đi cùng bạn. Trông bạn đi cứ như sắp ngã đến nơi.
-Cảm ơn nhé. Bạn tên gì nhỉ?
-Tớ tên San.
San, một cái tên là lạ, giản dị.
Đi với San nó cảm thấy khỏe lên nhiều. Ra là còn có loại bệnh tưởng nữa. Loại bệnh này xuất phát từ ý nghĩ trong hoàn cảnh người ướt sũng nước bẩn, lại phải đẩy xe đi suốt hai tiếng dưới trời mưa thì không thể không ốm. Thế là một lúc sau cảm thấy mình ốm thật. San bảo nó:
-Bạn đứng đây trông xe, tớ đi vào ngõ này xem có ai sửa xe không nhé. Chỉ cần lau khô bugi là lại đi được thôi mà.
-Thế bạn không sợ tớ lấy xe chạy mất sao?
Nó lấy lại được tính tinh nghịch vốn có.
-Trông bạn thế này, đi một mình còn không nổi, tha làm sao được hai cái xe.
San thật thà đáp. Cô ấy thật thà thật, có ai nói là một mình mình đi đâu.
Đợi cô ấy thật lâu, thật lâu. Mãi rồi cô ấy cũng quay lại với một bác thợ già. Cô ấy phân trần:
-Đợi tớ lâu quá hả. Tại vì mãi mới kiếm được bác ấy. Mà nói mãi bác ấy mới chịu ra đây.
Hình như đã có lần nó tự cho mình là người tốt. Bây giờ đứng trước cô ấy nó thấy xấu hổ.
Chỉ một loáng là hai cái xe lại nổ ròn rã.
-Các cháu cho bác xin mỗi xe mười nghìn.
Nó ở người. Chỉ với một cái giẻ khô với hai phút mà kiếm được hai mươi nghìn. Hai mươi phút được hai trăm nghìn. Một tiếng kiếm được sáu trăm nghìn. Nếu làm một ngày tám tiếng như nó thì bác sẽ kiếm được bốn triệu tám. Một tháng sẽ kiếm được một trăm mười lăm triệu hai trăm nghìn. Nhiều thật. Đến sếp của nó mỗi tháng cũng chỉ được một phần mười chỗ đó. Ngày mai nó sẽ kiếm một cái giẻ khô và...ngồi cầu trời cứ mãi mưa.
San đã trả tiền, cô dịu dàng kéo tay nó:
-Mình cần người ta mà.
Kiếm hai mươi nghìn của chúng nó thì bác ấy cũng đâu có giàu được. Mà nó cứ bất nhẫn thế nào. Còn đâu tính tương thân tương ái, còn đâu những bầu ơi thương lấy bí cùng, những nhiễu điều phủ lấy giá gương...Buồn thật.
San chẳng để nó buồn lâu.
-Tớ sẽ đưa bạn về tận nhà nhé.
-Tớ... không cần đâu.
Nó lúng búng. Đến lúc này nó mới thấy là đã đến lúc phải chia tay với cô bạn tốt bụng vừa quen này. Nó bối rối bảo:
-Hai đứa mình đi kiếm gì ăn cho ấm bụng đi.
Nó không dám trả tiền cho cô ấy, nó sợ xúc phạm lòng tốt.
San hồn nhiên bảo nó:
-Tớ không đói. Nhưng sẽ đi cùng bạn.
Có thật là có người tốt đến thế không? Hay có người rỗi rãi quá không biết làm gì. Nó đẩy phắt ý nghĩ đó ra khỏi đầu, mặt đỏ bừng như thể nó vừa làm một điều tội lỗi. Mà tội lỗi thật. Nó lại còn dám nghi ngờ lòng tốt ư? Trước mặt nó là một cô gái, chứ không phải một anh chàng nào đó mà nó sợ có ý cầu thân. Và là một cô gái xinh xắn, khá giả nên cũng chẳng có ý nhờ vả gì. Còn nó, thử nhìn lại mình xem, bình thường trông cũng không đến nỗi, nhưng hôm nay thì quả thực tiều tụy, lại chả có chút tiếng tăm gì cho cam. Nó tự giễu mình, cả đời không cho không ai cái gì nên bây giờ nhận được lòng tốt vô điều kiện đâm nghi ngờ. Con người tầm thường thật, đã không dám cho không ai cái gì, đến nhận không cũng chả dám. Và sẽ bào chữa cho hành động đó là phải biết suy nghĩ logic, có căn cứ, hợp lẽ thường và phải sống thực tế.
-Bạn thích ăn gì?
San hỏi nó.
Thực ra là nó không đói, chỉ muốn rủ San đi như một sự gián tiếp cảm ơn. Với San, có lẽ nó không cần dùng kiểu cách màu mè đó. Cô ấy đến với nó thật lòng, nó cũng cần phải thật lòng.
-San không đói thì tớ cũng không muốn ăn nữa. Bây giờ tớ phải đến công ty. San cho tớ số điện thoại đi.
Ra là San không có điện thoại, cũng chẳng có địa chỉ cố định. Quê cô ấy xa lắc, ở tận huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, vừa xuống Hà Nội mấy hôm nay để nhận bằng tốt nghiệp đại học. Nhận xong cô sẽ về quê làm việc. Đang ở nhờ nhà bạn và xe này cũng là của bạn. Cô hồn nhiên giải thích.
Nó thì không còn hồn nhiên được nữa. Nó biết cuộc sống sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên ngoại tỉnh. Hai mươi nghìn San vừa trả cho nó rất có thể là tiền ăn của cả một ngày. Nó biết thế mà không biết phải làm sao.
-Tớ đưa bạn đến công ty nhé. Đưa Phật thì phải đưa đến Tây Trúc.
San cười. Cái cười đẹp và thánh thiện. Rõ ràng nó không phải là Phật.
Đến công ty nó, San cười rõ tươi:
-Chào bạn nhé. Hy vọng sẽ gặp lại.
-Ừ, hẹn gặp lại nhé.
San đi một lúc nó mới nhớ ra. Lẽ ra nó nên cho San số điện thoại và cả số nhà nữa. Và dặn cô ấy khi nào về Hà Nội thì qua nhà nó mà ở. Nó đã nợ San, món nợ đồng lần. Nó sẽ trả món nợ này cho những người khác. Và có lẽ họ sẽ trả lại cho San. Nó mỉm cười nhìn xuống bộ quần áo sũng sĩnh nước và thầm nghĩ “Hôm nay là một ngày mưa đẹp. Một ngày mưa thật đẹp”        



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 932

Return to top