Hai người kỵ mã vừa xuống ngựa là hai chàng thanh niên tuấn tú, ăn mặc sang trọng. Họ từ thị trấn Campos đến. Cứ trông cái dáng dấp thoải mái của họ khi đi vào nhà, cũng biết ngay đó là những người thân thuộc.
Quả nhiên một trong hai người là Leoncio, chồng của Malvina, và người kia là Henrique, em trai của nàng.
Trước khi kể tiếp câu chuyện, ta hãy dừng lại trong chốc lát để làm quen với hai nhân vật mới này.
Leoncio là con một của trang chủ quý tộc Don Almeida, chủ nhân của khu điền trang lộng lẫy mà ta đang đến thăm. Don Almeida đã già nua ốm yếu lắm rồi khi cậu con trai lấy vợ : đám cưới được cử hành một năm trước khi câu chuyện của chúng ta bắt đầu. Ngài đã uỷ thác cho Leoncio cai quản toàn bộ tài sản và đã lên định cư ở Thủ đô với niềm hy vọng sẽ điều trị được những bệnh tật đang làm khổ ngài.
Leoncio từ bé đến lớn bao giờ cũng được nuông chiều. Những sự chiều chuộng vô hạn độ của song thân đã từ lâu làm cho tâm hồn chàng hư hỏng và trí tuệ chàng lệch lạc. Là đứa trẻ nghịch ngợm và vô kỷ luật, Leoncio đã mấy lần phải đổi trường học, và sở dĩ cậu thi đỗ chẳng qua cũng là nhờ danh vọng của gia đình : các thầy dạy cậu không bao giờ dám xúc phạm đến ngài Almeida tôn quý.
Được ghi danh vào trường Y học, ngay từ năm thứ nhất Leoncio đã chán ngành này. Với sự ưng thuận của song thân, cậu dời đi Olinda để học Luật. Nhưng sau khi đã phung phí một phần gia sản của phụ thân để thoả mãn những sở thích hoang tàn của mình, chẳng bao lâu cậu đã mất hết hứng thú đối với ngành Luật. Tin chắc rằng chỉ có châu Âu mới cho phát triển trí thông minh và thoả mãn chí ham hiểu biết. Leoncio bèn viết thư cho phụ thân và lập tức được ngài ưng thuận cho sang Pháp. Ở Paris, Leoncio đã tìm thấy cái thế giới của xa hoa và của những lạc thú dễ dàng vốn thích hợp với mình, cho nên cậu rất ít khi đến trường nghe giảng, và có đến trường chăng cũng chỉ để mua vui. Người ta lại càng khó lòng có thể gặp cậu trong các thư viện, các câu lạc bộ văn hoá hay các viện bảo tàng. Ngược lại, cậu rất chuyên cần lui tới các hiệu cà phê, các tiệm rượu, các hý viện và các phòng khách thính thời thượng, và chẳng bao lâu cậu đã trở thành một trong những trang công tử đàng điếm nhất của chốn thủ đô. Sau mấy năm cư trú ở Paris, xen kẽ với những thời gian nghỉ ngơi ở các trung tâm hưu dưỡng có suối nước khoáng và với những chuyến ngao du ở các đô thành lớn nhất châu Âu, những món chi tiêu điên rồ của cậu đã tổn hại đến gia sản đến mức ngài Almeida tôn quý, mặc dầu thương con rất mực , vẫn buộc lòng phải gọi cậu về Campos để tránh cho gia tài khỏi khánh kiệt hoàn toàn. Và để khỏi làm cho cậu chạnh lòng vì một cách kết thúc quá đột ngột cái thời chơi bời hoang phí của cậu, người cha hào phóng ấy liền xử dụng ánh hào quang của một triển vọng kết hôn đầy hứa hẹn về tài chính.
Leoncio giác ngộ rất nhanh quyền lợi của mình và lên đường về nước không chậm trễ. Chàng trai đã hấp thụ các cung cách của giới thượng lưu châu Âu một cách hoàn hảo đến nỗi người ta có thể tưởng chàng là một công vương chính hiệu. Nhưng với cái vỏ hào nhoáng và trang nhã bên ngoài ẩn nấp một tính cách ti tiện và một tâm hồn đã suy đồi vì trác táng. Những xu hướng tốt lành và hào phóng vốn là bẩm sinh trong tính cách của chàng không đủ sức ngăn ngừa cho chàng khỏi hấp thụ những quan điểm đồi bại được minh hoạ bằng những tấm gương còn tai hại hơn nữa.
Khi rời châu Âu trở về nước, Leoncio đã hai mươi lăm tuổi. Ngài Don Almeida, sau khi chọn lựa lời lẽ một cách công phu, đã nói cho chàng hiểu rằng đã đến lúc chàng phải nghĩ đến tương lai và chọn lấy một nghề nghiệp. Chàng đã hưởng khá đầy đủ những lạc thú mà tài sản của cha mẹ có thể cung cấp, và bây giờ chàng phải học cách quản lý, nếu không phải là gia tăng, cái di sản mà không chóng thì chầy sẽ nằm trọn trong tay chàng.
Sau nhiều lần do dự đắn đo, Leoncio quyết định theo đuổi nghề thương mại, mà chàng thấy độc lập và chắc chắn hơn cả. Nhưng những cách suy nghĩ táo bạo của chàng trong lĩnh vực này chẳng bao lâu đã làm cho cha chàng khiếp sợ. Công việc nhập cảng và xuất cảng hàng hoá, dù là ở quy mô lớn, cũng như công việc buôn nô lệ da đen, ngài Almeida đều thấy là những lối làm ăn bất lương, hèn hạ, không xứng đáng là bao với cái địa vị xã hội và nền giáo dục tinh vi mà ngài cho là đã ban cấp cho người kế nghiệp duy nhất của ngài.
Về phía mình, Leoncio không thoả mãn với những công việc kinh doanh vụn vặt kiểu mua sĩ bán lẽ. Chàng chỉ quan tâm tới những cuộc đầu tư lớn vào những thủ thuật ngân hàng và những chuyến buôn đại quy mô trong đó có thể đầu tư những số vốn kếch xù. Vốn đã từng lui tới Thị trường chứng khoáng ở Paris và các thủ đô Âu châu khác, chàng tự thấy mình đủ thông thạo để điều khiển những ngân hàng cỡ lớn hoặc những xí nghiệp công nghệ phồn vinh.
Tuy vậy cha chàng cũng vẫn không sẵn lòng giao tài sản của mình cho nhà kinh doanh tài chính trẻ tuổi này, vì kể cho đến giờ này chàng chỉ tỏ ra có khả năng phung phí những món tiền lớn trong một thời gian rất ngắn nhiều hơn là có khả năng xử dụng vốn liếng, để thu lại lợi nhuận. Cho nên Don Almeida quyết định không bàn đến chuyện này nữa, hy vọng rằng chàng trai sẽ tỏ ra chín chắn hơn.
Nhận thấy cụ thân sinh bắt đầu lảng tránh thường xuyên việc chi cho chàng những món tiền cần thiết cho việc thực hiện các ý đồ của mình, chẳng bao lâu Leoncio đã đi đến chỗ kết luận rằng hôn nhân là phương tiện đơn giản nhất và tự nhiên nhất để gầy dựng một sản nghiệp riêng.
Ở thủ đô có một nhà doanh nghiệp rất giàu vốn là bạn thân của Don Almeida, từ lâu đã hứa gả cô con gái là Malvina cho con trai ngài. Leoncio và Malvina gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ít lâu sau, mẹ Leoncio mất. Người đàn bà đáng kính này sinh thời chẳng được hạnh phúc là bao nhiêu. Don Almeida là một người thô lỗ và lạnh lùng, không mấy quan tâm đến cuộc sống vợ chồng. Ngài sống một cuộc đời phóng đãng làm cho vợ ngài đau khổ rất nhiều. Khổ nhất cho bà là bao nhiêu con cái của bà sinh hạ đều chết lúc còn nhỏ, chỉ trừ mỗi một mình Leoncio.
Bà tiếc nhất là Trời không cho bà có được một mụn con gái để làm bạn với bà và an ủi bà khi đã già yếu.
Tuy vậy sự tình cờ đã muốn rằng bà có được niềm an ủi này trong một sinh vật yêu kiều và mỏnh manh, cuối cùng cũng đã lấp đầy được cái khoảng trống không trong trái tim bà. Một đứa bé nô lệ đã ra đời ngay trong nhà bà, và bà đã lập tức trút hết tình thương yêu vào đứa bé ấy.
Isaura - đứa bé ấy chính là nàng - vốn là con của một nô tỳ lai da đen làm hầu phòng cho phu nhân Almeida, cũng là gia nhân trung thành nhất của bà. Ngài Almeida, vốn là người vô đạo, coi tất cả nô tỳ như những súc vật giống cái dành riêng cho mình và vẫn thường nhìn cô hầu phòng xinh đẹp của vợ với đôi mắt đầy thèm muốn. Cô gái lai da đen trong một thời gian đã cố hết sức cưỡng lại những mưu đồ dâm đãng của chủ nhân, nhưng rồi cuối cùng cũng không chống cự nổi khi ngài dùng đến sức mạnh phũ phàng. Khi biết chuyện này, phu nhân Almeida chìm ngập trong một nỗi đau buồn tuyệt vọng.
Bị hạ nhục trước những lời trách móc cay đắng của vợ, ngài Almeida không còn dám cưỡng ép người nô tỳ đáng thương kia nữa, nhưng mặc dầu đã hết sức cố gắng, ngài cũng không sao xoá được cái cảm giác ghê tởm của người nô tỳ đối với ngài. Căm giận vì bị cự tuyệt, ngài trả thù bằng cách sai người ấy làm đủ các thứ việc nặng nề và hễ sơ xuất một chút là ra tay trừng trị bằng những hình phạt khủng khiếp nhất. Ngài không cho cô ta làm việc hầu hạ tronng nhà nữa, vì ở đây cô chỉ được giao những việc nhẹ cần đến sự khéo léo tinh vi, đuổi cô ta ra ở lều và bắt làm những việc đồng áng nặng nhọc, lại ra lệnh cho viên quản lý không nương nhẹ cô ta khi giao việc cũng như khi trừng phạt. Viên quản lý này là một người đàn ông ở tuổi trung niên, tính vốn nhân hậu hơn chủ. Ông ta đã đem lòng thương xót cô nô tỳ, và hơn nữa, đã xúc động sâu xa trước vẻ kiều diễm của cô. Ông không những không hành hạ cô ta, mà còn cưng chiều hết mức và tặng rất nhiều quà cáp, đến nỗi chín tháng sau cô ta sinh hạ được một đứa con gái. Tức giận điên cuồng, Don Almeida đuổi viên quản lý ra khỏi trang viện, bắt cô nô tỳ làm những việc hết sức nặng nhọc và hành hạ cô ta đủ điều, đến nỗi cô ta chết trong khi đứa con hãy còn ẵm ngửa.
Nàng Isaura xinh đẹp đã ra đời như vậy. Song le, như để đền bù cho cái thân phận côi cút của nàng đã có một người đàn bà thánh thiện cúi mình trên chiếc nôi của đứa trẻ đáng thương và hết lòng che chở nó dưới đôi cánh từ bi của mình.
Đối với phu nhân Almeida, đứa hài nhi đáng yêu này là một ân sủng của Trời để đền bù lại những nỗi buồn mà cách sống phóng đãng của chồng bà đã gây ra. Bà thề với vong linh của người đàn bà lai da đen kia là sẽ chăm sóc đứa bé, sẽ nuôi dạy cho nó thành người như thể chính con mình đẻ ra.
Và phu nhân đã giữ đúng lời hứa. Khi đứa bé đến tuổi đi học, phu nhân dạy cho nó học đọc, học viết, học khâu vá và học cầu nguyện. Sau đó bà lại tìm thầy dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ, dạy vẽ, dạy tiếng Ý và dạy tiếng Pháp cho cô bé. Bà mua sách cho cô bé đọc. Nói tóm lại, bà cố hết sức làm sao cho cô bé được dạy dỗ hết sức tối ưu, như thể đó là con đẻ của bà, coi việc này như một điểm danh dự của bà. Về phía mình, Isaura, đã xinh đẹp lại được Trời phú cho một tư chất thông minh nhạy bén, luôn luôn làm cho bà hài lòng, vượt xa những điều bà kỳ vọng. Kinh ngạc trước những bước tiến nhanh chóng của cô bé, phu nhân Almeida thường tìm mọi cơ hội để cho trí thông minh của cô bộc lộ ra trước mắt mọi người, như người ta vẫn đem khoe ánh hào quang lấp lánh của một viên ngọc quý mà mình được chiếm hữu.
Từ nay, phu nhân coi đây là niềm diễm phúc của đời mình. Phu nhân thường nói :
- Trời đã không muốn ban cho tôi một mụn con gái do chính tôi xé ruột đẻ ra,nhưng Trời đã ban cho tôi một đứa con gái tinh thần.
Tuy nhiên, điều làm cho người ta ngạc nhiên hơn cả ở cô bé kiều diễm này là cách cư xử giản dị, khiêm nhường mà cô giữ được đối với những người cùng thân phận. Mặc dầu được săn sóc nuông chìu hết mức , cô không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo hay hống hách đối với những người nô lệ khác. Cách giáo dục cầu kỳ không hề mảy may làm thay đổi lòng nhân hậu tự nhiên và tính nết hiền dịu của cô. Cô bao giờ cũng vui vẻ ân cần đối với các nô tỳ , ngoan ngoãn và lễ độ đối với các chủ nhân.
Dĩ nhiên Don Almeida rất khó chịu với sự tình này. Ngài cho rằng cách cư xử của phu nhân đối với Isaura chẳng qua là một thói đỏng đảnh dở hơi của một mụ đàn bà không bình thường. Ngài thường thốt lên, giọng thương hại :
- Thật ngu xuẩn ! Việc gì lại sức dạy dỗ cái con ngốc ấy như vậy? Chẳng bao lâu nữa lớn lên nó sẽ cười vào mặt cho ấy ! Về già là các bà đều đâm ra như thế, bà thì suốt ngày đâm ra cầu nguyện với than thở, bà thì quay ra nuôi chó con hay gà con, riêng bà này thì lại một mực muốn biến cái con lai da đen kia thành một bà chúa. Một cách giết thì giờ tốn công tốn của. Mà thà có thu được lợi lộc gì cho cam ! Thôi, trong khi bà vất vả với nó như thế thì ít nhất bà cũng làm ơn làm phúc miễn cho tôi những lời giáo huấn ngớ ngẩn và những lời phê phán nhục nhằn của bà...
Ít lâu sau lễ cưới của Leoncio, cả gia đình trở về sống trong toà dinh thự ở Campos. Chính lúc bây giờ ngài Almeida đã quyết định cho con trai hưởng trọn quyền sở hữu điền trang. Ngài trao luôn cho Leoncio cả quyền cai quản lẫn quyền chiếm hữu nô lệ. Ngài nói là ngài tự thấy mình đã quá già, quá mệt mỏi, khó bề gánh vác việc cai quản điền trang. Giải quyết xong xuôi việc trao quyền thừa hưởng gia tài, ngài lập tức lên đường đi Thủ đô. Về phần phu nhân, bà tỏ ý muốn ở lại với con trai. Don Almeida thuận lòng ngay.
Malvina, cô vợ trẻ của Leoncio, tuy là người thuộc dòng dõi quý tộc, song có tâm hồn nhạy cảm và đại lượng. Nàng quan tâm ngay đến Isaura, lại còn đem lòng yêu mến cô bé nữa. Dĩ nhiên Isaura vốn hiền dịu và khiêm nhường, xinh đẹp và thông minh đến nỗi ai tiếp xúc với cô cũng đều đem lòng yêu mến và quý trọng ngay từ đầu. Cho nên chẳng bao lâu cô không những trở thành người nữ tỳ ưa chuộng của Malvina mà còn là người bạn gái thân thiết của nàng nữa. Vốn quen được hưởng những thú vui của chốn kinh thành, nàng rất mừng là đã tìm thấy ở cái nơi hẻo lánh mà nàng sẽ phải coi là nhà mình này một người bạn đáng mến như vậy.
Một hôm Malvina nói với mẹ chồng :
- Sao mẹ không trả tự do cho cô bé này? Một con người nhạy cảm như Isaura sinh ra không phải để làm nô tỳ, mẹ ạ.
- Con nói rất phải, con ạ, - vị phu nhân già đáp dịu dàng, - nhưng biết làm thế nào được con ? Mẹ không đủ can đảm trả lại tự do cho con chim xinh đẹp mà Trời đã gửi để xoa dịu những nỗi đau của mẹ. Vả lại, trả tự do cho nó để làm gì kia? Ở đây, cứ như thế này nó chẳng được tự do là gì? Nó còn được tự do hơn cả mẹ nữa ấy, vì mẹ không còn thấy thú vị gì trong cuộc sống, mà cũng chẳng còn sức để hưởng những ngày còn lại nữa. Con muốn mẹ để cho nó cất cánh bay đi ư ? Thế nếu nó lạc mất, nếu nó không còn tìm được lối về lồng cũ nữa thì sao? Không được đâu con ạ. Chừng nào mẹ còn sống, mẹ vẫn muốn giữ nó bên cạnh mẹ, mẹ vẫn muốn nó là của mẹ, nó chỉ thuộc về một mình mẹ mà thôi. Có lẽ mẹ chỉ là một mụ già ích kỷ, nhưng mẹ còn sống có được bao nhiêu đâu : nó chẳng phải hy sinh gì nhiều lắm ! Mẹ chết đi rồi, nó sẽ được tự do, và mẹ sẽ lo việc để lại cho nó một món tiền kha khá.
Quả nhiên vị phu nhân già đã mấy lần tìm cách sửa đổi tờ di chúc đã viết từ trước để thêm những điều khoản bảo đảm được tương lai cho đứa con nuôi. Nhưng với sự đồng loã của con trai, Don Almeida đã viện khi lý do này khi lý do khác để lần lượt trì hoàn cái việc mà theo như ngài nói quả quyết với vợ, chỉ là một thủ tục thuần tuý hình thức, cho đến cái ngày phu nhân liệt giường sau một cơn bệnh cấp phát rồi lịm dần đi, không một phút nào còn trở lại đủ tỉnh táo để bày tỏ những ý nguyện của mình.
Bấy giờ Malvina liền tự phát nguyện với bản thân là sẽ che chở cho cô bé khốn khổ và trông nom cô bé đúng như người đàn bà quá cố từng mong ước. Isaura khóc rất lâu, người đã từng đối với cô là một người mẹ ân cần và đầy tình thương xót. Cô vẫn giữ thân phận nô tỳ, và nay, không còn được sự che chở của người mẹ nuôi nhân hậu nữa, cô trở thành miếng mồi ngon cho một gã đàn ông hư hỏng, độc đoán và tàn nhẫn.