Đệ tử phái Thiên thai thường học thiền định. Khi phái này chưa du nhập vào Nhật bản, có bốn người đệ tử giao hẹn nhau không nói một lời nào trong bảy ngày. Ngày đầu bốn người đều im lặng. Họ chú tâm thiền định. Nhưng khi trời tối và những ngọn đèn dầu mờ dần, một người đệ tử không thể giữ im lặng được nữa, bảo người giúp việc: "hãy sửa đèn đuốc lại đi!" Người đệ tử thứ nhì ngạc nhiên khi nghe người đệ tử thứ nhất nói, anh ta bèn nhắc bạn: "Chúng ta đã giao hẹn nhau không nói câu nào kia mà". Người đệ tử thứ ba nói: "Cả hai anh đều ngu xuẩn. Tại sao các anh lại nói chuyện?" Người đệ tử thứ tư kết luận: "Tôi là người duy nhất không hề nói chuyện". Trích quyển "101 truyện thiền" (zen flesh, zen bones; trang 92)
Lời bàn của Tung Sơn Câu chuyện thiền trên đây khiến Tung Sơn nghĩ đến nhà xí thư viện Sorbonne. Nguyên là trên tường nhà xí thư viện này lúc nào cũng đầy những câu văn, những hình ảnh trình bày những suy tư, những cảm tưởng thuộc tình tự, chính trị, triết học... và tình dục dĩ nhiên! Có lẽ vì nhà xí là một khung cảnh thích hợp cho sự suy tư chăng? Rất có thể vì ở đó người ta được dịp cô đơn để gặp gỡ chính mình, đối thoại với chính mình một cách rất ư là thành thực mà không sợ cái nhìn soi mói của người khác. Những tư tưởng nhà xí cao siêu đó, dĩ nhiên, như tất cả mọi tư tưởng cao siêu khác, không làm vừa lòng tất cả mọi người, nhất là đối với những người cho rằng tư tưởng là cái chi thanh cao vượt khỏi không gian và thời gian, nhất là khi đó lại là không gian và thời gian nhà xí, vốn chật chội, hẹp hòi và có hương "nồng" và không "thanh thanh" như một nhà thơ đã tả. Sự phẫn nộ rất chân chính nói trên được phát biểu bằng nhiều cách khác nhau. Khi thì đứng đắn, nghiêm trang: "N écrivez pas sur les murs"(1) (dĩ nhiên chính câu này được viết trên tường). Khi thì bao hàm một phán đoán đạo đức, khá tục tằn: "C est con d écrire de telles conneries sur les murs" (2) (dĩ nhiên câu này cũng được viết trên tường)... Nếu đọc qua những tư tưởng viết trên tường, người ta phải công nhận rằng những nhận định trên đây là đúng. Nhưng chúng bao hàm một mâu thuẫn lô gích trầm trọng: viết trên tường để phản đối sự kiện viết trên tường có nghĩa là tự mình phản đối mình, cũng mâu thuẫn như người dân đảo Crète khi anh ta tuyên bố rằng mọi người dân đảo Crète đều nói láo! Câu chuyện thiền trên đây cũng có một giá trị tương tự câu chuyện nhà xí mà Tung Sơn vừa kể. Thật vậy, các người đệ tử thứ hai, thứ ba, thứ tư, bằng những lời phản đối khác nhau, đều làm một việc in hệt như người đệ tử thứ nhất: phá vỡ sự im lặng mà đáng ra, theo lời giao hẹn, họ phải giữ. Câu chuyện này, về một phương diện khác, đã diễn tả khá rõ lý thuyết nhân duyên sinh của nhà Phật: câu nói của người thứ nhất đã gây ra những phản ứng của ba người bạn. Và trùng trùng duyên khởi! Ba người bạn khi phản ứng tưởng là mình đã làm một chuyện tốt ngờ đâu cũng chỉ gây thêm ồn ào, và không đủ khả năng thiết lập lại sự im lặng muốn có. Câu mắng của người đệ tử thứ ba, sự tự hào ngu xuẩn của người đệ tử thứ tư không khỏi làm người thức giả bực cười. Câu chuyện còn đặt ra một vấn đề khó giải quyết: trước câu nói của người đệ tử thứ nhất, ba người đệ tử kia phải làm gì để phản đối hoặc để làm cho người này thấy được giá trị của họ (đã im lặng)? Họ có thể hành động nhiều cách khác nhau ngoài lời nói. Hoặc trang nhã: bấm lưng người bạn làm dấu nhắc anh ta phải im lặng. Hoặc bạo động hơn: đá đít cảnh cáo anh ta đã phá vỡ im lặng (nhưng dĩ nhiên đừng hét!)... Hoặc...hoặc... Nhưng thật ra mọi biện pháp nói trên đều vô ích khi người ta đặt câu hỏi: im lặng để làm gì? Câu trả lời đã rành rành: im lặng để tĩnh tâm thiền định. Ôi, tâm đã không tĩnh, đã còn bị ngoại vật chi phối, đã còn muốn mắng nhiếc người khác, đã còn muốn khoe khoang thì im lặng để làm gì? Ôi! Nếu cái áo không làm nổi thầy tu, thì sự im lặng cũng không làm nổi một vị thiền sư. Và dĩ nhiên lời nói...! Tung Sơn (1) đừng viết lên tường (2) Viết những diều ngu xuẩn như vậy lên tường thì thật là ngu