NĂM 1931, tôi đã 17 tuổi và đang học trường trung học Pétrus ký Sài Gòn. Bạn học cùng lớp thường hỏi tôi:
- Sao chủ nhật nào anh cũng đi Sở Thú vậy? Không chán à?
- Không, tôi ghiền Sở Thú mà.
Hầu như lần nào tôi cũng trả lời như vậy. Mỗi lần trả lời tôi đều thấy mình chưa nói hết lời hết ý được với anh em. Lẽ ra thì phải nói rõ là: Sài Gòn vô cùng hấp dẫn tôi. Ba năm theo học ở đây chưa đủ để tôi hiểu hết, biết hết cái thành phố đẹp đẽ và vô cùng phức tạp này. Sở Thú thì tôi không còn lạ gì cả. Nó có vẻ giả tạo, xấu xí và nhỏ hẹp hơn bất kỳ mảnh rừng nào của quê tôi. Nhưng chủ nhật nào tôi cũng đì bộ ra đó ngồi đọc sách, rồi lại đi bộ về là vì tôi là một học trò nghèo, mồ côi cha, mẹ lại già yếu, đang sống nhờ vào người anh. Tiền tiêu vặt, tiền đi xe còn không có đủ thì tiền đâu mà đi chơi phố như các bạn. Chủ nhật mà ở lại trong ký túc xá cũng buồn, mà bạn bè lại cho là mình keo kiệt hay là học gạo. Mà ra khỏi trường thì tôi thấy không có đi đâu hơn là vào Sở Thú. Những năm đầu tôi cũng cảm thấy thiếu thốn, khó chịu, chớ bây giờ thì tôi đã quen và còn cảm thấy thú vị khi chủ nhật vào Sở Thú đọc sách.
Tôi đâm ra ghiền Sở Thú thật. Giữa Sài Gòn mà có được một mảnh đất mát mẻ và yên tĩnh giống như ở quê nhà cũng hay quá. Ở đó tôi thích những cành cây dù bị xén cành tỉa ngọn vẫn ngày đêm vươn lên đón gió trên trời cao. Tôi thương cho những con thú kiên gan dù đã bị nhốt nhiều năm trong lồng sắt vẫn luôn gầm thét đòi trở lại với rừng. Tôi ghét mấy con chim mồi quên cả trời cao đất rộng dù không bị cột bị chặt nữa mà vẫn không muốn cất cánh bay đi. Nhiều khi coi không hết một trang sách mà trước mắt tôi diễn ra không biết bao nhiêu màn kịch sống của xã hội Sài Gòn. Những đôi giày cao, những cặp gót son thon thả bước. Những chiếc quần lãnh, váy lụa, áo màu dài ngắn lướt qua. Đi xa hàng chục thước mà còn nghe mùi dầu thơm phảng phất. Những chiếc mũ đã mòn rách cả vành bên phải vì luôn luôn bị cầm xuống mỗi khi chủ nhân của nó gặp ai đó để lễ phép làm quen, để xin việc làm, để hỏi thăm một nhà trọ rẻ tiền, để xin vay nợ hay để ghi tên vào danh sách những người thất nghiệp chờ cứu trợ. Một khúc bánh mì thừa từ một bàn tay béo đã vứt xuống có năm bảy bàn tay gầy xanh, quơ quào, giành xé để đưa lên mồm. Tiếng đờn cò của lão mù hát dạo suốt ngày như khóc như than. Lâu lấm mới nghe thấy tiếng đồng xu rơi vào chiếc nón rách. Tiếng tu huýt của cảnh sát huýt lên inh ỏi. Nhưng bạn khỏi bận tâm. Nếu có kẻ móc túi bị bắt thì dùi cui sẽ nện vào đầu nó và nó sẽ bị lôi về bót. Nếu có một thằng Tây say, hay giả đò say để ghẹo gái, đánh người thì người bị ghẹo, bị đánh sẽ được “thưởng” vài câu nạt nộ hăm dọa và thằng Tây sẽ “bị” xin lỗi và đưa về nhà khỏi tốn tiền xe.
Sài Gòn hoa lệ chắc cũng giống như góc Sở Thú này thôi. Ngồi ở đây cũng có thể thấy khắp được Sài Gòn rồi khỏi đi đâu coi cho tốn tiền lại thêm mòn đôi giày ba ta độc nhất nữa. Nếu tranh thủ đọc ké được vài trang báo thì còn biết thêm được nhiều chuyện đời và chuyện trên thế giới nữa.
*
Một ngày chủ nhật cuối năm, tôi không coi sách mà ngồi đọc đi đọc lại lá thư của anh tôi gởi tới trong tuần rồi.
“Ngộ em,
Ở làng mình không có gì lạ. Trộm cướp, du côn, cờ bạc vẫn còn như trước và có lẽ còn nhiều hơn. Mỗi tuần đều có ít nhất một lần trống đánh hồi một: bắt xâu, bắt thuế, bắt du côn, trộm cướp, đuổi cọp loạn rừng, chữa cháy nhà, cháy xóm, v.v... Dân tình thấp thỏm không ai yên ổn làm ăn. Anh Hai Tán trước bị bắt vì tội nấu rượu lậu và đánh lại người nhà nước, vừa ra khỏi tù về tới nhà thì chết. Người thì bảo anh bị đánh hay bị thuốc ở trong tù. Kẻ thì nói anh bị vết thương cũ do chó cắn tái phát hoành hành. Không biết ai đúng ai sai. Thôi thì từ nay tía mình dưới âm phủ có bạn rồi. Hai thầy trò, người bị rắn độc cắn, người bị chó cắn chết, thật là nghề võ đã hết thời rồi.
Anh Tám Phát hồi đánh lại lính quận về bắt cờ bạc phải ở tù, nay vượt ngục Côn Lôn lâu rồi. Mãi gần đây anh mới về làng và đang trốn trong rừng Mỹ Lộc. Vợ ảnh cắt tóc ngắn, bỏ nhà vào rừng theo chồng. Nghe đâu anh Tám Phát có súng và cả hai vọ chồng cùng biết bắn. Ảnh có nói với người trong làng rằng trước kia tía có dặn ảnh là không nên làm lính, làm làng cho Tây, cũng không nên làm du côn, trộm cướp phá xóm phá làng. Nhưng bây giờ thì ảnh không nghe y theo lời của tía được, anh phải ăn cướp mới sống tự do mà chống làng chống lính được. Ảnh còn nói ảnh chỉ cướp của nhà giàu đem cho nhà nghèo, không ăn cướp của bà con cô bác trong làng thì cũng không phải là không nghe lời tía dạy đâu. Anh đang lo rủi hôm nào ảnh tìm về gặp, hỏi ý anh thì anh cũng chưa biết trả lời ra sao. Vô rừng làm ăn cướp mà muốn chống Tây là không đúng rồi. Nhưng làm cách nào cho đúng thì mình cũng chưa biết mà chỉ cho ảnh. Anh biết ở Sài Gòn có nhiều dịp tìm hiểu, em xem có những người đồng chí hướng với mình, có cách nào hay hơn không. Đốn cây lậu trên rừng như tía, nấu rượu lậu như anh Hai Tán, hay cầm súng đi ăn cướp như anh Tám đâu dễ thay đổi được nhà nước Pháp và tụi hội đồng, hương chức. Hay là ra làm lính, làm làng. Đó là hai con đường mà người muốn sống bình thường ngay thẳng, làm ăn tử tế khó lòng theo được. Đã ra làm lính, làm làng là phải sống theo như họ, làm theo như họ vậy thì làm sao mà chống lại sự hà hiếp của tụi có quyền. Nhưng bây giờ người nghèo muốn hết khổ, người giàu lại muốn giàu thêm thì làm sao mà giàu nghèo sống yên ổn bên nhau được.
Ở quê mình bây giờ người ta theo đạo Cao Đài đông lắm. Cả thầy giáo Hạ cũng để tóc, để râu dài, ăn chay và cầu kinh nữa. Tín đồ Cao Đài ở Tân Uyên đang quyên tiền để cất một cái chùa Cao Đài thiệt lớn ở chợ Cây Đào. Có người tới khuyên má mình theo đạo này nhưng má nhất định không chịu theo vì còn mê đạo Phật lắm. Thấy tấm hình thờ ông tổ đạo Cao Đài, má nói: “Đạo gì mà lại thờ Tây, làm sao mà tin được”. Nhưng những người khác thì tin lắm, bán nhà bán ruộng lấy tiền cúng chùa Cao Đài. Bác Năm Hỷ ở bến đò trên cúng đến một ngàn đồng để mua chức chủ sự dạo Cao Đài ở làng mình.
Bạn học cũ của em ở trường Mỹ Lộc và trường Tân Uyên giờ cũng làm mỗi đứa một việc. Thằng Bổn, thằng Lộ, thằng Oanh đi lính mã tà. Thằng Lạp, thằng Cương đang xin làm một chức biện trong làng. Con Sứ lấy chồng Hoa kiều ở Tân Uyên. Nghe nói chồng nó giàu lắm, nhưng già rồi mà lại hút á phiện. Con Huệ, con thầy giáo Hứa thì lấy chồng thầy giáo. Chỉ có con Lan ở Tân Hòa thì chưa lấy chồng. Có thằng Thăng, con cô Tư Như gần nhà mình đi nói mà nó không ưng. Thằng Liễng không ở cho bác Tư Thưởng nữa mà làm nghề cắt tóc dạo. Nó theo học lớp dạy riêng của anh mỗi tối ở nhà mình cùng với mấy người thất học hay học dở ở làng mình.
Anh đã lần hồi trả hết nợ cho tía má rồi. Thế nào anh cũng ráng hà tiện mua được một miếng đất, cất nhà đặng khỏi phải ở đậu nữa. Được vậy là má yên lòng. Từ khi anh về đây học trò thi đậu nhiều nên học trò và cha mẹ học trò thương anh lắm. Nhưng đâu có ai hiểu hết nỗi lo lắng của anh. Ngoài sách vở của trường lớp ra còn phải dạy gì cho học trò đây? Nếu không thì học trò của anh rồi cũng như học trò của tía ngày trước. Dù học giỏi mấy rồi cũng không biết làm sao ra sức giúp đời. Nếu chỉ dạy rằng sống cho đúng là không làm làng, làm lính, không làm du côn, trộm cướp như tía dạy học trò và tụi mình ngày trước là không đủ rồi. Nhưng phải làm gì thì anh chưa biết và chưa ai dạy cho anh. Ở Sài Gòn có lẽ có nhiều người biết “cái đó”, nhưng anh chưa tìm gặp được thì đã phải về nơi “khỉ ho cò gáy” này rồi.
Phần em, còn hơn một năm nữa là thi ra trường. Nếu em thi đậu cao, anh sẽ cố gắng cho em học nữa. Nếu thi đậu thấp hoặc thi rớt thì ra đi làm hay thất nghiệp về nhà. Nhưng dù đi học nữa, đi làm hay thất nghiệp thì cũng không giải quyết gì được cho đời em nếu em không tìm ra được “cái đó”. Tức là em phải cố công tìm kiếm ra những người biết cách sống và làm gì trong thời buổi này cho đúng để mà đi theo. Tìm cho em tức là tìm cho anh luôn đó. Anh tin là em sẽ gặp được những người đó.
Anh của em
Thọ
Tái bút: Chị Sáu em vừa sanh một thằng con trai. Chồng nó vẫn làm nghề đánh xe ngựa. Hai em Lưỡng và Mận vẫn đi học trường Mỹ Lộc. Má nhớ và nhắc em luôn. Có thể hôm nào má sẽ đi Sài Gòn thăm em và để biết Sài Gòn một lần luôn.
Bức thơ đã được tôi xếp lại cất kỹ trong túi áo từ lâu mà tâm trí tôi vẫn còn bận hướng về làng quê xa xôi. Chuyện ở nhà, ở xã không có gì mới thật. Hầu hết mọi chuyện tôi đã biết trong kỳ bãi trường trước hoặc qua những bức thơ của Lan. Người bạn gái cùng học chung trường Mỹ Lộc xưa thường vẫn không cười nhạo tôi mỗi lúc tôi bị đòn, bị phạt, nay thường xuyên gởi thơ cho tôi. Nhưng đọc thơ Lan tôi lại không để ý đến những chuyện trong làng trong xã mà chỉ lắng nghe tiếng nhịp tim của em đập qua từng câu văn, chữ viết. Bởi vậy giờ đọc thơ của anh tôi, tôi không khỏi bâng khuân. Những người tôi kính mến ở làng quê tôi đang chết đần trong nghèo đói, đau thương và tuyệt vọng hoặc đang hoang mang về cuộc sống tương lai mờ mịt đang chờ đón. Nhưng tìm đâu ra người chỉ cho cách đi đúng bây giờ. Anh tôi nói lúc học ở Sài Gòn anh dã nghe nói đến “hội kín”, đến đảng này đảng nọ rồi. Nhưng anh tôi chưa gặp được hội kín hay đảng nào cả. Cuộc bãi thực chống chế độ ăn uống cực khổ trong ký túc trường tôi vừa qua cũng đạt được thắng lợi. Cuối cùng nhà trường phải làm theo yêu cầu của ban đại diện học sinh cải thiện bữa ăn cho học sinh. Nhưng tôi cũng không thấy Đảng đâu cả. Hay là Đảng không có trong trường? Vậy tôi tìm Đảng ở đâu bây giờ. Hay Đảng huyền bí như ông thần nghĩa quân ở xã tôi chỉ nghe nói chớ không bao giờ thấy mặt. Không đúng, có Đảng thật. Vì có nước Nga Cộng sản hùng cường lại có những người Cộng sản thỉnh thoảng vẫn bị bắt, bị tù, tên họ nêu rõ ràng trên báo chí Sài Gòn. Vậy là đời tôi và anh tôi thế nào cũng gặp Đảng chớ không như cha mẹ tôi tin tưởng chờ mong nghĩa quân suốt đời mà không bao giờ gặp. Mẹ tôi yêu nước thù Tây mà chỉ biết cầu trời khấn Phật. Cậu Mười Rậm của tôi tham gia Thiên Địa Hội bị bắt, bị giết chết. Chuyện dạy võ, học võ trong làng trong xã bị cấm. Những người không chịu theo Tây, chống lại nhà nước ngày càng khổ cực, chết dần chết mòn. Tất cả những chuyện ấy làm cho mẹ tôi thấy không còn lối thoát nào khác hơn là cầu tới Trời Phật, Thánh Thần và những vong hồn nghĩa quân mà bà cúng vái mỗi đêm rằm. Mẹ tôi thương tôi lắm, hơn cả những đứa con khác trong nhà, hơn cả hai đứa em gái tôi. Có lẽ vì bà phải cực khổ với tôi nhiều hơn. Mẹ tôi sanh tôi ra bị ốm nặng hết mấy tháng trời vì tôi ra ngược, hai chân ra trước, cái đầu ra sau. Lớn lên tôi là một đứa trẻ khó dạy, trốn học nổi tiếng trong trường. Lớn thêm chút nữa cầm đầu đám con nít trong làng phá làng phá xóm, phá miễu, phá đình. Mỗi lúc các trò chơi của tôi càng gây ra phiền muộn cho mẹ hơn. Mẹ tôi khóc nhiều hơn mỗi khi tôi bị đòn. Vậy mà từ ngày anh tôi về làng dạy học, rồi cái chết của cha tôi với nước mắt của mẹ tôi bỗng làm tôi khôn lớn, một cách bất ngờ. Tôi trở thành đứa học trò giỏi nhất tổng Chánh Mỹ Hạ. Trong đám trẻ tắm sông Đồng Nai, tôi là đứa bơi giỏi nhất và chèo đò không thua gì chị Sáu tôi. Tôi càng lớn mẹ tôi càng thương tôi. Mẹ tôi nói tướng mạo tôi ngày cành giống cậu Mười Rậm. Nhưng mẹ tôi lại sợ tôi giống cậu cả số phận rồi lại cũng bỏ nhà đi hoang chống Tây rồi bị giết mất xác. Lúc tôi sắp qua Sài Gòn học, mẹ nói nhỏ với tôi:
- Anh Năm mày nói ở Sài Gòn có nhiều hội kín lắm. Con đừng theo họ mà chết như cậu Mười con hồi đó nghen.
Bà có biết đâu rằng cái “hội kín” mà bà dặn tôi đừng theo lại là cái mà tôi và anh tôi “tìm kiếm mấy năm nay mà chưa gặp”. Họ ở đâu? Họ là ai? Tôi đứng dậy rảo bước về nhà, lòng vẫn băn khoăn tự hỏi.
Mấy ngọn cây yên lặng ngả bóng chào tôi, không một tiếng trả lời. Tiếng đờn cò của lão mù hát dạo vẫn còn rên than mãi nơi cửa ra vào dù không còn tiếng bước chân nào dừng lại, không còn tiếng đồng xu nào rơi vào chiếc nón rách nữa hết. Như mọi lần, tôi bước tới bên ông lão, đưa tận tay ông một đồng xu và bảo:
- Thôi, tối rồi, đi về đi ông, không cảnh sát tới đuổi lại mất công chạy.
- Cảm ơn thầy.
Hai bàn tay ông lão run run xếp đờn, xách nón, chống gậy ra về. Ông lão nói với tôi giọng run run:
- Tôi rất tiếc vì mù lòa không thấy được mặt thầy. Mấy lần hỏi tên, thầy cũng không nói. Từ hơn một năm nay, chủ nhật nào tôi cũng có ý chờ thầy. Đồng xu của thầy cho tôi thật quí hơn vàng ngọc trên đời. Bữa nào thầy không tới là tôi đợi riết cho tới khi bị lính đuổi mới về. Bữa nay tôi mới nói thiệt với thầy: xu của thầy cho tôi không có xài tới, dù có đói cũng chịu. Tôi xỏ xâu lại, thêm một xu này nữa là được ba chục xu rồi...
Ông móc từ trong túi áo bành tô rách ra đưa cho tôi xem một xâu xu vừa cũ vừa mới rồi nói tiếp:
- Đi đâu tôi cũng mang nó theo bên mình để nó an ủi tôi trong cái tuổi già khốn khổ này. Khi nào chết tôi sẽ mang nó theo.
Ông chợt nhìn lại, không nói nữa, chỉ lẳng lặng bước. Tôi rưng rưng nước mắt, đi bên ông già mù lòa, tôi càng nghĩ ngợi mông lung. Vậy là mình đã đoán trúng, ông này không phải là một người ăn xin tầm thường, mà là một nghệ sĩ thật sự. Đồng xu của tôi chỉ khác những đồng xu khác ở chỗ nó được đưa tận tay, mang theo cả sự biết ơn của người nghe đối với người đàn hát, chứ không bị vứt như mẩu bánh thừa bố thí cho kẻ ăn xin. “Cách cho giá trị hơn vật cho” - câu châm ngôn ấy thật đúng. Nhưng ngoài cách cho đồng xu ấy, tôi không làm gì được để kéo ông lão ra khỏi cảnh khổ này. Phải tìm cho được hội kín.
Đi tới ngã tư, tôi từ giã ông già mù.
- Giờ tôi phải về kẻo trễ, thôi ông về ngủ đi. Còn số tiền đó, ông nên xài đi rủi mất thì uổng.
Ông già nắm lấy tay tôi, lắc lắc:
- Thầy đừng lo, tụi móc túi không móc nổi mấy chục đồng xu đó đâu. Tôi quyết giữ cho tới chết mà. Thôi, thầy về.
Rồi ông gượng nở nụ cười tiễn chân tôi.
*
Vào tháng 9 năm 1932, trong trường tôi bỗng xảy ra một sự kiện quan trọng. Hôm đó sau khi ăn sáng xong, học sinh về lớp ngồi ôn bài dưới sự giám sát của giám thị Giá. Ngoài các giáo sư người Việt, người Pháp dạy từng môn một, mỗi lớp có một thầy giám thị theo dõi sinh hoạt của học trò ngoài giờ lên lớp. Giám thị Giá rất khắt khe với chúng tôi. Anh em tụi tôi xin gì, chưa nghe rõ thầy cũng đã lắc đầu nói: “Non!” . Nhưng với học trò Tây thì thầy gật đầu lia lịa như một cái máy gật: “Oui, oui” . Tụi tôi tặng cho thầy một cái tên là “Sậy tơ”. Mới nghe tưởng vì thầy ốm lại cao như cây sậy, nhưng thực ra nói lái lại là “sợ Tây”. Mấy đứa học trò Việt có lòng tự trọng một chút đều cảm thấy xấu hổ mỗi khi thấy thầy khúm núm, co ro trước mặt Tây. Mỗi lần ông Tổng giám thị người Pháp Lubi từ xa huýt gió hay ngoắc tay gọi một cái là thầy chạy tới nhanh như có lửa cháy nhà. Chỉ còn thiếu cái đuôi ngoắc sau lưng nữa là giống y như con chó mừng chủ.
Hôm nay giám thị Giá rất khó chịu nhưng không thể nói “Non” được với chúng tôi. Cứ năm ba phút lại có người đưa tay xin:
- Thưa thầy cho phép tôi “đi ngoài”.
Lúc đầu giám thị Giá rất khó chịu, sau thầy đâm ra lo sợ: không hiểu lũ học trò quỉ vật này có bị đi tiêu chảy hàng loạt như mấy lần trước không?
Người nào đi xong trở vào cũng lén thầy Giá nói nhỏ hay viết giấy cho người bên cạnh: “Vô cầu tiêu mà coi?”. Người nào xin phép mà thấy thầy chậm gật đầu thì dùng ngay đến cách ôm bụng kêu đau. Vậy là thầy phải chịu thua cho đi ngay. Thầy Giá bắt đầu nghi ngờ: Lũ học trò định mượn cớ để rủ nhau bãi thực phản đối chế độ ăn uống của nhà trường như năm trước chăng? Nhưng đã trễ rồi. Hầu hết học sinh lớp tôi đều đã đi vô cầu tiêu và trở ra. Bịnh truyền nhiễm lan nhanh. Học sinh lớp khác cũng lũ lượt kéo nhau xin đi ngoài và kéo đến cầu xí nườm nượp như người ta đi chùa ngày rằm.
Các giám thị lúng túng hốt hoảng báo cáo lên ban giám đốc nhà trường. Cuộc điều tra bắt đầu. Một số học sinh được đưa lên bệnh xá để lấy phân xét nghiệm. Nhưng lên đến nơi thì không ai “đi ngoài” nữa. Nhà bếp thì lấy thức ăn thừa buổi sáng gửi đi xét nghiệm không thấy có gì khả nghi. Nhà trường ra lệnh cho các thầy giám thị đề phòng một cuộc bãi thực mới của học sinh và sẵn sàng đối phó.
Mãi đến chiều, ông phó giám đốc Buler và thầy Giá mới thân hành vào tận cầu tiêu điều tra và tìm ra được nguyên nhân của căn bệnh lạ lùng. Mặt bên trong của cánh cửa cầu tiêu vốn đã được sơn đỏ có một dấu hiệu búa liềm vẽ bằng phấn trắng. Dưới dấu hiệu to bằng cái nón có một hàng chữ: “Đảng Cộng sản Đông Dương”. Người vẽ chắc là một tay họa sĩ vì vẽ liền một nét không có dấu bôi đi chữa lại chỗ nào, mà giống hệt. Cái ngăn cầu tiêu này lại thuộc phần sử dụng của lớp tôi bởi vậy thầy Giá vô cùng tức giận.
Năm học sinh bị bắt lên ban giám đốc để điều tra gồm có Tương, Giỏi, Hưng, Hớn và tôi. Chỉ có ba người ở lớp tôi, còn Tương và Giỏi ở lớp khác. Riêng Tương lại là học sinh ngoại trú, chưa hề biết đến cái cầu tiêu của lớp tôi lần nào.
Mật thám từ bót Catinat vào điều tra chúng tôi tại chỗ. Chúng tôi bị lấy dấu tay, xét tuồng chữ, lấy khẩu cung, lục soát tủ quần áo, sách vở và bị hăm dọa. Có đứa còn được hứa cấp cho bằng tốt nghiệp không phải thi nếu chỉ cho nhà trường biết được thủ phạm hay tự thú nhận. Cuộc điều tra tiến hành hai ngày nhưng không tìm ra thủ phạm. Chúng tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật của nhà trường để định tội.
*
Hội đồng kỷ luật trường tôi lúc ấy có sáu người. Đứng đầu là ông giám đốc Valencot mà chúng tôi thường gọi lén là thằng Cót. Ông ta có cái bụng bự như cái trống đình. Hai chân ông ta mang cái bụng không nổi nên luôn luôn phải có cây ba ton chống đằng trước khi bước đi và chống đằng sau khi đứng nói. Cần cổ ngắn và dường như tụt xuống dưới sức nặng của cái đầu ông. Cả chòm râu chống xuống ngực cong vòng cũng không nâng cái đầu cao lên được mấy. Cao lớn bệ vệ nhưng ông ta lại là người hay văng tục. Miệng ông ta lúc nào cũng sẵn các câu chửi dành cho những người dưới quyền: “Bête!”, “Salop!”, “Cochon!” . Nhìn ông ta ngồi xe kéo là có thể hình dung được sức nặng của chế độ thực dân đè lên dân chúng như thế nào. Cái bụng của ông ta như úp ngược xuống yên xe làm cho chiếc xe oằn xuống. Anh phu nào lực lưỡng cũng phải ráng níu cần xe xuống mà lôi đi một cách khó nhọc. Anh phu nào gầy yếu đói rách mà kéo cho ông ta thì coi chừng còn bị mắng chửi vì đi không nổi, chậm chạp. Ngồi trên xe ông ta còn hay lấy cây ba ton thọc vào chiếc nón rách của người kéo mà giục: “Nhanh lên Nhanh lên!”.
Người thứ hai là ông phó giám đốc Buler mà chúng tôi gọi lén là thầy Lê “con gà giò” thì còn trẻ và đẹp trai hơn ông Cót nhiều. Ông ta thuộc hạng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhất trường. Không thể nhớ nổi thầy Lê có bao nhiêu bộ quần áo và giày nón. Mỗi ngày một bộ khác nhau, có ngày còn thay quần áo hai ba lần. Đó là chưa kể quần áo dự lễ, ăn tiệc, đi nhà thờ, v.v... bộ nào cũng láng lẫy. Ở cái xử sở thuộc địa Nam Kỳ bình quân mỗi người dân chưa đủ một bộ đồ bà ba đen để mặc thì thầy Lê thật sự là “đại diện độc quyền” cho nền văn minh của nước Pháp. Làm phó giám đốc nhưng Buler quán xuyến hầu hết công việc của nhà trường. Các thầy giám thị còn sợ ông ta hơn cả giám đốc vì “con gà giò” này đang độ tuổi bới móc để lập công.
Thứ ba là nữ giáo sư luân lý Revertéga mà học trò tặng cho biệt hiệu là “bà Ga” hay “Gà mái”. Mập, vẻ lạch bạch như con vịt xiêm, có hai trái dừa mang trước ngực và một cái thúng úp sau đít làm cho người thêm nặng nề. Lúc nào bà ta cũng phải dựa vào vai vào tay của các ông giáo sư mới đi được. Bà ta luôn ca ngợi nền “tự do - bình đẳng - bác ái” của mẫu quốc. Học trò lớn trong trường thì thầm với nhau là bà Ga giống như một cái ga xe lửa, ai muốn ghé qua cũng được. Hay bà ta cho như thế là “tự do”, là “bác ái”?
Người thứ tư trong hội đồng là tổng giám thị Lubi. Chỉ huy tất cả các giám thị người Việt. Dù rằng nói tiếng Pháp cũng không đúng mẹo luật, hầu như chỉ viết mỗi chữ tên mình nhưng ông tổng giám thị vẫn lãnh lương gấp ba lần một giáo sư người Việt có bằng cử nhân. Nghe nói ông ta trước làm công nhân, sau đi lính trong Thế chiến thứ nhất 1914-1918, thì có nhiều công lao và được lên làm cai. Sang đây ông ta chỉ còn biết có tiền, rượu, và gái, chắc không còn nhớ gì tới quãng đời làm thợ xưa. Người lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu, thấy nữ sinh là cà rà tới như cây đinh sắt gặp nam châm. Học sinh gái ở trường sợ thầy tổng giám thị như sợ quỉ vậy.
Hội đồng kỷ luật có hai người Việt là giám thị Giá và Phước là đại diện của học sinh. Phước cùng học năm thứ tư như tôi, nhờ có cha và anh làm Sở mật thám Sài Gòn nên nó được làm đại diện cho học sinh toàn trường. Riêng Phước cũng biết cách lập công với nhà trường. Năm trước nó đã gỡ được một tờ truyền đơn Cộng sản dán trong một buồng tắm đem nạp thẳng cho Ban giám đốc. Sau đó không tìm được “thủ phạm”, nhưng ba học sinh bị tình nghi cũng bị đuổi học và Phước thì được vào Hội đồng kỷ luật của nhà trường. Dư luận trong học sinh và cha mẹ học sinh còn chưa hết xôn xao về vụ xử bất công ấy thì nay lại xảy ra vụ cờ búa liềm này.
*
Lần này chỉ có một mình Lương Văn Tương, học sinh ngoại trú năm thứ tư bị đuổi khỏi trường vì tội “có thành tích bất hảo và bị tình nghi có tuyên truyền Cộng sản” như Hội đồng kỷ luật tuyên bố.
Tương là con của người vợ nhỏ của một viên đốc phủ sứ vừa là điền chủ ở Rạch Giá. Tương rất ghét Tây và những người nịnh Tây. Trong lớp mỗi khi có giáo sư người Pháp nào nặng lời với anh thì anh phản đối ngay. Có lần trong giờ sử ký anh đòi đánh giáo sư người Pháp vì ông này đã chửi một học sinh là “Sale race!” . Từ đó về sau, mỗi khi bị gọi lên trả bài trong giờ sử ký thì Tương nói thẳng với vị giáo sư nọ:
- Xin giáo sư cho tôi một con “zéro” trước còn hơn là gọi tôi lên trả bài. Bài của giáo sư tôi không bao giờ học đâu.
Ở trong lớp Tương lại có một học trò nịnh Tây nổi tiếng. Đó là Tạo, người ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, là con nuôi của một Cai tổng. Tạo chăm học lắm, rủi ro mà bị điểm kém là khóc thút thít như trẻ con đòi bánh. Có lần “bà Ga” thấy tội nghiệp phải cho thêm nó một điểm nữa. Thời gian học của nhà trường không đủ cho Tạo học. Nó học ngày học đêm, giờ ăn, giờ nghỉ cũng lén học. Nó không còn có thì giờ kết bạn với ai ngoài sách vở. Học vậy mà càng học gạo, Tạo lại càng hay bị điểm xấu. Tạo quay ra nịnh, nịnh học trò Tây, nịnh học trò Việt nào học giỏi, nịnh giám thị, nịnh giáo sư. Nhưng khó chịu nhất là khi thấy nó nịnh đầm. Bà “Ga”, giáo sư luận lý mà bước vào thì dù ngồi tận cuối nó cũng bật dậy chào trước nhất. Mỗi lần bà giáo sư này cần mượn một thứ gì như cây bút chì, thước kẻ thì lập tức Tạo quơ ngay món ấy của mình hay của anh em rồi lật đật chạy lên dâng bằng hai tay, rồi lại lật đật trở về chỗ với vẻ mặt hớn hở như người chiến thắng. Thấy mỗi lần như vậy Tạo phải tốn nhiều công chạy từ cuối lớp lên một cách hấp tấp, bà “Ga” bèn đổi cho Tạo lên ngồi bàn đầu. Từ đó về sau, Tạo được độc quyền phục vụ giáo sư, được chỉ huy toàn tớp đứng dậy chào giáo sư mỗi khi giáo sư lên lớp giảng hay đi kiểm tra lớp học.
Học sinh trong lớp không ai ưa Tạo, và còn cảm thấy nhục nhã vì những hành động thái quá của nó. Nhưng ai khuyên nó bỏ thói nịnh nọt đó đều bị nó từ chối, thậm chí nó còn hăm dọa sẽ báo với giám thị. Một hôm Tương rủ tạo ra phố chơi. Biết Tương có nhiều tiền, ăn xài rộng rãi nên Tạo nhận lời ngay. Hai người rủ nhau đi về phía Bàn Cờ. Tới một quãng vắng vẻ trên đám đất hoang của Chú Hỏa thì Tương dừng lại và nói:
- Bây giờ tao nói thật cho mày hay. Hôm nay anh em giao cho tao trừng trị mày về cái tội bợ đỡ làm nhục cả lớp. Nếu mày đồng ý từ nay bỏ thói bợ đỡ nịnh nọt tụi Tây thì tụi mình thành anh em, đi ăn chơi với nhau rồi về. Còn nếu mày không chịu thì tao đánh mày tại đây cho tới chừng nào mày chịu nghe mới thôi. Việc này là chuyện của học trò với nhau, nên học trò tự xử chớ nhà trường không nên mà cũng không được xen vào.
Tạo còn đang lúng túng chưa biết tính sao thì Tương đã cởi áo ngoài vứt xuống cỏ và nói tiếp:
- Mày không chịu cởi áo ra đi, đợi gì nữa.
Thấy Tương gầy yếu hơn mình, Tạo tưởng dễ thắng, bất thình lình nhảy tới đánh Tương trước. Không ngờ Tương đã thủ thế sẵn, Tạo vừa xáp lại thì đầu Tương đã đội mạnh vào bụng nó làm nó té bật ngửa ra cỏ như một trái mít rụng, không thể gượng dậy nổi. Tương thon thả lượm áo mặc vào, rồi đến gần bên Tạo ngồi xuống nói cho nó nghe điều xấu xa của cái tật nịnh Tây, về nỗi bất bình, khinh ghét của anh em với nó. Cuối cùng Tương hỏi:
- Mày chịu bỏ cái tật đó chưa? Mày có bỏ qua chuyện này mà không méc lại với nhà trường không?
Tạo còn đau quá, không nói được chỉ gật đầu. Tương đỡ nó dậy, phủi bụi đất cho nó rồi dìu nó về trường. Đó là “thành tích bất hảo” của Tương mà Hội đồng kỷ luật nhắc đến. Nhà trường muốn đuổi Tương từ lâu nhưng chưa có dịp. Nay nhân sự việc tình nghi mà không có bằng cớ này Hội đồng nhà trường mừng lắm, lấy cớ để đuổi học Tương luôn. Hôm nhận được lệnh rời khỏi trường, Tương mỉm cười xách nón bước ra khỏi lớp vui vẻ như người được đi dạo phố vậy.
*
Tôi cũng như Giỏi, Hưng, Hớn thì chỉ bị phạt một tháng không được ra khỏi trường vì tội: “Tình nghi có tuyên truyền Cộng sản”. Hưng và Hớn bị nghi ngờ vì là người xin “đi ngoài” trước nhất trong lớp tôi. Giỏi là học sinh nội trú của lớp khác nhưng hôm ấy lại “đi” bên cầu xí lớp tôi nên cũng bị nghi. Riêng tôi thì đi cầu sau nhiều anh em khác nhưng lại đi đến ba lần trong một buổi sáng. Bị phạt oan, mấy anh em chúng tôi rất bực tức, mà cũng rất lo ngại. Mãn khóa học thế nào cũng bị các giáo sư thành kiến, cuối năm sẽ bị rớt về điểm hạnh kiểm, gia đình biết được thì sẽ buồn phiền, và bốn ngày chủ nhật không được đi chơi.
Riêng tôi, lúc đầu rất lo bị đuổi học. Tôi là học sinh hưởng học bổng, nếu bị đuổi thì mẹ tôi phải trả lại cho trường toàn bộ chi phí học tập của tôi trong gần bốn năm qua ở trường này. Mẹ tôi làm sao có tiền mà trả, rồi sẽ mang nợ suất đời thôi. Vì vậy mà bị phạt một tháng không được ra khỏi trường đối với tôi lại là một điều thú vị. Tôi đã được xem đấu hiệu của Đảng đến ba lần. Lần nào xem cũng lâu, đứng nhìn mãi từng nét vẽ, nét chữ, say sưa như đọc bức thư tình đầu tiên. Vậy là Đảng đã có ở trong trường này, thế nào tôi cũng gặp được Đảng. Rồi tôi sẽ thành Cộng sản, sẽ làm những việc bí mật, phi thường. Tôi cứ suy nghĩ như vậy mà tin tưởng rồi mơ ước liên miên.
Nhà trường làm rùm beng lên chuyện này làm cho ai cũng biết rằng trong trường này có Đảng và có người bị tình nghi là tuyên truyền Cộng sản. Học sinh trong trường bắt đầu nhìn chúng tôi, những người bị phạt, bằng còn mắt khác trước có vẻ tò mò, tin yêu, hay mến phục hơn. Nhiều người, tìm cơ hội bếp xúc làm quen với chúng tôi, an ủi chúng tôi và tỏ vẻ oán trách nhà trường. Chủ nhật nào mấy anh em đi phố cũng mang quà bánh về cho tụi tôi ăn như người ta thăm người thân ở tù vậy. Thật là cảm động. Nhưng đôi lúc tôi lại thấy xấu hổ trước sự thương mến, tin tưởng của anh em mà mình thật chưa xứng đáng. Mình đâu đã là Cộng sản đâu. Làm sao gặp được, nét vẽ đơn sơ trên cánh cửa không để lại một địa chỉ nào của người vẽ mặc dù tôi đã coi đi coi lại mấy lần. Trong năm người bị tình nghi có ai là đảng viên, thằng Tương là đáng nghi nhất vì nó chống Tây ra mặt. Nhưng biết đâu nó chỉ là người yêu nước như mình nhưng tính công tử ỷ con nhà giàu lại có quyền thế không cần học, cũng không sợ ai. Hưng, Hớn và Giỏi thì cũng như tôi, là học sinh nghèo sợ thi rớt và sợ bị đuổi lắm. Mấy tuần bị phạt, tôi để ý thấy các anh chăm học và ngoan ngoãn hơn trước, có lúc còn tỏ ra phiền trách người nào vẽ cái dấu hiệu tai hại đó làm cho họ bị vạ lây. Vậy chắc họ không là đảng viên rồi. Tôi tỏ ra coi thường hình phạt của Hội đồng kỷ luật, mong thái độ đó làm cho tôi dễ gặp Đảng hơn.
Tôi đã lầm to. Chẳng có đảng viên nào tìm đến gặp tôi hết mà chỉ có thằng Phước chú ý theo dõi tôi nhiều hơn các bạn khác. Hôm nào nó cũng lân la đến hỏi chuyện tôi, tỏ vẻ thông cảm cho nỗi oan ức của tôi và gợi cho tôi lòng thù oán kẻ nào vẽ lên đấu hiệu Cộng sản trong trường này. Trong những câu chuyện qua lại với Phước tôi biết nó là một học trò kém nhiều môn, đặc biệt là môn vẽ. Điều này giải tỏa mối nghi ngờ của tôi với nó. Năm trước, nhiều anh em cho rằng không phải Đảng đã cho người dán truyền đơn trong trường vì chỉ thấy có một tờ mà thằng Phước đem nộp. Họ cho là nó đã lấy tờ truyền đơn từ Sở mật thám Catinat về nộp để lập công với Ban giám hiệu và trả thù những người nó ghét. Lần này dấu hiệu vẽ tươi màu phấn mới, nét vẽ cứng cáp đứt khoát, không hề bôi xóa. Một người vẽ kém thì không thể vẽ nổi như vậy. Nhất định trong trường tôi có Đảng. Ý nghĩ ấy an ủi tôi rất nhiều, tôi tin tưởng là rồi mình sẽ gặp được Đảng trong nay mai.
*
Một tháng trôi qua nhanh quá. Ngày mai là chủ nhật tự do của tôi rồi. Tôi dự định ngày mai chỉ làm hai việc. Một là đi tìm Tương làm quen với nó, xem nó có phải là Cộng sản không? Nếu đúng tôi sẽ nhờ nó xin cho tôi vào Đảng. Tôi tin tưởng thế nào cũng được, vì cùng là bạn học một khóa, một trường, cùng yêu nước thù Tây, cùng chịu chung kỷ luật trong vụ này nữa. Thế nào nó cũng nói giúp tôi. Nghe đâu Tương đã xin vào học ở trường Huỳnh Khương Ninh, và cũng ở ngoại trú. Trường này không có giáo sư người Pháp, chắc là nó học được và sẽ học giỏi nữa là khác. Hay là ở những trường không có người Pháp như vậy dễ tìm thấy Đảng hơn ở trường tôi? Tương mà chưa là Cộng sản thế nào nó cũng gặp Đảng ở đó. Biết đâu nhờ vậy mà nó gặp Đảng trước mình?
Việc thứ hai mà tôi tính làm là đi Sở Thú. Một tháng nay không tới đây, không biết ông già mù hát dạo ra sao rồi? Đã bốn buổi chiều chủ nhật ông lão chờ mình mà không gặp. Thật là tội nghiệp. Một tháng trời nay không biết ông lão nghĩ sao. Lúc chờ đợi tôi không hiểu có bị dùi cui của cảnh sát đánh lên đầu lên cổ không? Lão đã già yếu lắm, sắp chết nay mai với một cuộc đời cay cực như vậy. Lão đang tin yêu tôi mà tôi lại không đến được với lão để mà an ủi được đôi phần. Lão mà chết đi trước khi tôi tìm được đảng thì tôi làm sao giúp cho lão một niềm hy vọng vào tương lai ở lúc cuối đời. Mà người Cộng sản ra sao mình còn chưa biết làm sao tìm cho được. Không biết người Cộng sản có gì khác mình, chớ chắc là yêu nước thù Tây như mình rồi vì tụi Tây ghét và sợ Cộng sản lắm mà.
Đang suy nghĩ mông lung, tôi nghe thầy Giá kêu:
- Các trò Ngộ, Hưng, Hớn...
Chúng tôi đứng dậy tại chỗ trong lớp học. Thầy Giá nói tiếp:
- Lẽ ra ngày mai các trò được phép đi ra ngoài rồi nhưng vì có người nhà đến, nhà trường buộc phải ở lại tiếp. Chủ nhật sau nữa mới được ra phố.
Chúng tôi ngồi xuống vừa buồn, vừa hồi hộp.
Đêm thứ bảy dài như một thế kỷ. Tôi không ngủ được. Suốt gần bốn năm ở trong trường tôi chưa hề có người nhà đến thăm lần nào. Chắc má tôi sẽ sung sướng khi thấy tôi được học trong một cái trường to và đẹp nhất nước. Những dãy nhà đồ sộ ba bốn tầng mát mẻ sáng sủa. Cái sân gạch rộng bằng sân đá bóng để học trò chơi trong mát, cái nhà ăn chứa cả ngìn người ăn một lúc, nhà tắm nhà tiêu mọi cái đều sạch sẽ, sáng sủa. Chuông điện reo lên hàng giờ, quần áo chăn mùng có người giặt ủi cẩn thận. Tôi sẽ dẫn mẹ tôi đi dạo Sài Gòn cho bà biết chốn phồn hoa. Thành phố “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, suốt ngày đêm sôi trào sức sống của con người. Những chuyến xe lửa đua nhau rúc còi chuyển bánh đi về khắp nơi trong nước. Những chiếc tàu thủy khổng lồ buông neo ở bến Khánh Hội đợi ngày vượt biển đi bốn phương. Đêm xuân Sài Gòn điện sáng như sao sa. Tôi sẽ dẫn mẹ tôi đi Sở Thú coi các loài hoa thơm thú lạ mà mẹ tôi chưa thấy bao giờ. Tôi cũng sẽ chỉ cho mẹ tôi cách cho ông lão mù hát dạo một xu như tôi đã làm để lão thêm tin tưởng vào tình nhân ái ở cuộc đời này. Tôi sẽ nói với mẹ tôi mọi cái hay cái tất mà khoa học, văn minh đem đến chớ không phải cầu gì Trời Phật hay Thánh Thần gì cả. Tôi sẽ không đả động gì đến những cái xấu xa, dơ bẩn, bề trái của cuộc đời. Tôi sẽ khoe với mẹ rằng tôi là một trong số học sinh giỏi của lớp và hứa với mẹ là sẽ thi đậu tốt nghiệp dễ dàng không cần phải vái ông bà hay hối lộ ban chấm thi gì cả. Một chuyến đi Sài Gòn thăm con như vậy sẽ làm cho mẹ tôi vui vẻ nhường nào.
Nhưng theo lời thầy Giá thì không biết có phải mẹ tôi đến thăm không? Mà cả ba đứa bị phạt cùng có người nhà đến. Đến làm gì? Chắc là có chuyện lôi thôi chớ không phải thăm viếng gì đâu. Mẹ tôi mà đến thăm tôi lúc này thiệt rủi cho bà không biết chừng nào. Con trai bà đang bị nhà trường khép vào cái tội mà có lẽ chính bà cũng không hình dung ra được: “Tình nghi có tuyên truyền Cộng sản”. Chắc mẹ tôi sẽ đau khổ khi thấy bao nhiêu hy vọng đặt vào tôi đều tan thành mây khói. Tôi cứ mong chính là anh tôi đến thì hay biết mấy. Vì với anh tôi, tôi sẽ nói thật và anh tôi cũng sẽ không lấy làm lạ, cũng sẽ không buồn.
Chúng tôi chờ mãi tới bốn giờ chiều chủ nhật mới có giấy gọi lên đi gặp người nhà. Giấy không mời lên phòng khách như thường lệ mà mời lên phòng làm việc của Ban giám hiệu. Đúng là có chuyện rồi. Dọc đường chúng tôi gặp cả Giỏi cũng được mời đi gặp người nhà như chúng tôi. Giỏi còn ráng nói đùa cho đỡ lo:
- Chắc bữa nay nhà trường bắt tụi mình uống thuốc đặng cho tiệt nọc cái bệnh “tuyên truyền” đây. Phải uống cho “dứt căn” mới xong.
Tụi tôi cùng cười ồ. Thầy Giá đi xa xa phía trước nghe tụi tôi cười liền ngoảnh lại nhìn làm cho câu chuyện chấm dứt ở đó.
Vừa bước vào phòng tôi nhận ngay ra mẹ tôi đang ngồi đó. Vậy là hy vọng người nhà đến thăm là anh tôi đã tiêu tan.
Giám đốc Cót ngồi bật ngửa, đưa bụng ra trên ghế nệm, miệng vừa ngậm ống điếu vừa nói:
- Đó các người coi, nhà nước Pháp phải tốn bao nhiêu tiền của để cất trường mướn thầy cho con các người học. Vậy mà còn không biết ơn nước Pháp, còn theo Cộng sản đặng chống lại nước Pháp. Đó là tại các người không biết dạy con. Vậy lần này các người phải đánh dạy chúng nó mỗi đứa năm roi thì quan lớn mới tha. Lần sau còn tái phạm thì quan lớn đuổi và bắt chúng nó bỏ tù còn các người thì phải đền tiền ăn học của chúng nó cho nhà nước, nghe chưa?
Thầy Giá thông ngôn lại lời của Cót cho cha mẹ chúng tôi nghe. Thấy mọi người đều ngơ ngác nhìn, Cót dịu giọng nói tiếp:
- Không, chúng nó chưa phải là Cộng sản đâu, các người đừng sợ. Chúng nó mới bị “tình nghi có tuyên truyền Cộng sản” thôi. Nhưng muốn trừ Cộng sản thì phải trừ từ trong trứng nước. Vì vậy mà quan lớn gọi gấp các người lên để cùng với nhà trường trị tội chúng nó ngay.
Ròi ông ta quay lại bảo thầy Giá lấy bốn cái roi mây dựng hẳn ở góc phòng đưa cho cha mẹ chúng tôi mỗi người một chiếc.
Cha của Giỏi, một nông dân vùng Chợ Lớn, ra lệnh cho Giỏi cúi xuống trước nhất. Ông đánh Giỏi túi bụi hàng chục roi mà cũng chưa hả giận. Giỏi vừa la khóc vừa phân trần:
- Không, không phải tôi, tôi không vẽ cái đó, tôi không phải là Cộng sản.
Ông già vừa đánh vừa la, không thèm nghe con:
- Chừa chưa, chừa chưa, hả, hả. Mày muốn giết tao, muốn giết cả nhà hả, hả???
Mãi tới khi Giỏi đau quá phải nói “chừa” ông mới chịu thôi. Giỏi bị trận đòn này chắc phải rêm mình lắm.
Cha của Hưng thì là một công chức, mặc âu phục chỉnh tề, ngồi trên ghế, đánh từng roi một. Sau mỗi roi là ông kể lể không biết bao nhiêu tội lỗi của Hưng từ thuở nào tới giờ. Cuối cùng ông kết luận:
- Mày mà bị đuổi khỏi trường, thì lương của tao không đủ trả nợ cho nhà nước, lấy gì mà nuôi em mày, hả?
Tôi và Hớn thì có mẹ đến thăm. Mẹ Hớn dáng vẻ hiền lành, từ Tân An lên, không hiểu đầu đuôi ra sao. Thấy người ta biểu phải đánh đòn con, lại thấy những người khác cũng đánh con họ thì bà cũng cầm roi đánh năm cái chiếu lệ mà không biết nói gì với con cả. Hớn oan ức cũng chỉ biết khóc mà phủi đít quần đứng lên.
Mẹ tôi rưng rưng nước mắt:
- Con không thương má sao Ngộ? Má đã dặn con rồi mà. Má nói ở Sài Gòn là có nhiều cái đó lắm phải cố gắng mà tránh đi, học cho xong đã. Mày mà có bề gì thì tao xấu hổ với bà con hàng xóm, làm sao sống nổi?
Bà biết năm roi đối với tôi đâu ăn thua gì nên chỉ muốn đánh sâu vào tình cảm. Thấy bà cứ ngồi khóc mãi, trong khi mấy học trò kia bị đòn sắp xong tôi nói khẽ với mẹ:
- Má đừng lo, anh em con đông lắm, không sao đâu. Má cứ đánh cho nó xong đi, không mấy thằng Tây nó để ý.
Mẹ tôi đánh năm roi. Tôi giả đò như đau lắm nhăn mặt suýt soa, ôm mông đứng dậy.
Chiếc đồng hồ treo trên tường vừa đổ năm tiếng chuông kết thúc vở bi hài kịch. Ông Cót đã chống ba ton đi ra khỏi phòng. Thầy Giá cũng vừa đi vừa nói:
- Cho các trò năm phút nói chuyện với cha mẹ rồi trở về nhanh chuẩn bị ăn cơm chiều, không được trễ.
Năm phút thì nói được chuyện gì nữa. Cha mẹ chúng tôi chỉ kịp trao quà bánh cho con, an ủi vài câu rồi khăn gói ra về. Mẹ tôi cho tôi năm trái bưởi:
- Bưởi thanh của anh mày trồng mới có trái hàm niên đó. Cho anh em mày nó ăn với cho nó biết bưởi Biên Hòa.
Mẹ tôi sắp bước ra, tôi bỗng sực nhớ tới ông già mù hát dạo. Tôi liền nói nhỏ với mẹ tôi:
- Má ơi, con có chuyện này quan trọng lắm, má phải làm giùm con mới được. Đêm rồi con nằm chiêm bao thấy một ông thần nghĩa quân râu đỏ, tóc đỏ, chân mày đỏ, cầm một cây đao to. Ông bảo con: “Ngày mai mày phải đến cho ông già đui hát dạo râu trắng, tóc trắng ngồi gần cửa chính của Sở Thú một đồng xu. Phải đưa tận tay chớ đừng quăng xuống đó. Xong rồi thì làm thinh đi về, thì tao sẽ phù hộ cho mày tai qua nạn khỏi”. Nói rồi ổng biến mất. Con giật mình thức dậy. Nhưng cả ngày hôm nay con không được ra khỏi trường. May quá có má đến. Vậy giờ má ra đi xe kéo, phải đi xe kéo mới kịp ra cửa chính Sở Thú, tìm ông già đui hát dạo như ông thần đã chỉ rồi đưa tận tay ông ta một đồng xu nhen má. Thôi má đi mau kẻo trễ. Nếu kiếm không gặp thì má cũng đừng buồn, chắc ông thần cũng hiểu tại tụi Tây chớ không phải tại má con mình đâu, rồi bữa khác con sẽ ra tìm. Thôi má đi cho mau đi.
Mẹ tôi lật đật xách nón, xách giỏ đi ra khỏi cổng trường. Tôi đứng nhìn theo mà thương mẹ quá, bây giờ nước mắt mới rưng rưng.