Sau hơn mười hai giờ băng qua Thái Bình Dương với đường bay gần mười ngàn cây số, phi cơ tiếp cận bờ duyên hải miền Tây Hoa Kỳ. Từ độ cao, trên tầng mây, phi cơ rơi dần. Càng lúc, mặt nước và hình ảnh những con thuyền càng rõ thêm, và trước mặt là một thành phố nhuy nga, với những cao ốc chằn chịt lộ dần trước những con mắt ngỡ ngàng của đoàn người tị nạn. Chiếc phi cơ bay xuyên qua thành phố ven biển với nhà cửa và những hệ thống xa lộ đan nhau như màng nhện! Phi cơ tiến về vùng núi trục lúc với những bụi cây lòi còi, bao quanh một thung lũng rộng lớn với cánh đồng cỏ màu vàng hung, như màu tóc của những nàng thiếu nữ vùng Bắc Âu.
Chiếc Boeing 747 chở trên 300 người tị nạn Việt Nam rời sân bay Anderson đảo Guam sáng ngày 20-7-1975, đảo một vòng quanh những ngọn đồi bên cạnh thung lũng và đáp xuống phi trường quân sự Camp Pendleton, California cùng ngày.
Tôi theo đoàn người tị nạn vội vàng rời khỏi ghế bước về cửa máy bay, mắt lức láo nhìn xuyên qua cửa sổ với nhịp đập con tim mỗi lúc một nhanh. Cửa phi cơ mở tung, trước mặt tôi là những ngọn đồi trải dài phía sau phi đạo. Những ngọn đồi sỏi đá, không cây cổ thụ, không màu xanh um, không suối nước, không như những ngọn đồi đầy ấp những đồi Sim, những bụi Chùm Chày, Mẫn Khiểng xanh tươi nơi tôi sinh ra và lớn lên. Những ngọn đồi vàng úa dưới sức nóng mặt trời nơi vùng sa mạc! Nhưng là những ngọn đồi “Miền đất hứa” của biết bao giống dân trên thế gian này!
Một lần nữa tôi cùng những người tị nạn leo lên chiếc xe buýt màu vàng rời phi trường về trại Pendleton.
Trại tị nạn Pendleton thuộc tiểu bang California là trại tị nạn đầu tiên trong bốn trại tị nạn, nằm trong đất liền Hoa Kỳ, dùng để đón nhận người tị nạn Việt Nam di tản sau ngày 30-4-1975 trong Chiến Dịch Đời Sống Mới. Ba trại tị nạn khác lần lược được thiết lập sau trại Pendleton gòm có: Trại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas; Trại Eglin Air Force Base, tiểu bang Florida; Và cuối cùng là trại Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania.
Trại tị nạn Pendleton được thiết lập bằng những lều vải màu xanh quân đội, trải dài trên một thung lũng bên cạnh những ngọn đồi. Những lều vải vuông tượng đủ lớn cho mười giường bố, mỗi giường cho một người.
Không hiểu những lều vải ở trại Pendleton thành lập từ lúc nào? Nhưng sau ngày gặp lại người bảo trợ, tôi hỏi:
“Từ tháng 2, 1975 làm sao ông biết miền Nam Việt Nam sẽ mất mà viết thư bảo lảnh cho tôi?”
Người bảo trợ nói rằng:
“Từ đầu năm 1975 đã có nhiều nguồn tin bí mật cho biết Hoa Kỳ thiết lập trại tị nạn Pendleton để tiếp nhận người miền Nam Việt Nam di tản. Một số những người có liên quan với quân đội Hoa Kỳ hay phục vụ tại Việt Nam trước đây biết chuyện này. Từ năm 1971-1973 qua là Bác Sĩ giải phẩu tình nguyện phục vụ cho quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, vì vậy mà qua biết và viết thư đở đầu cho em từ hồi tháng 2-1975.”
Tôi nghe qua câu trả lời của ông mà lòng bàng hoàng. Thì ra chính phủ Hoa Kỳ đã biết trước và có cả chương trình lập nên những lều vải này để đón nhận những người bạn một thời cọng tác với họ, sau khi quyết định cắt đứt mọi viện trợ quân sự, bỏ rơi miền Nam Việt Nam cho khối cọng sản Tàu, Nga thôn tính!
Dù sao đi nữa, quê hương này cũng thôi máu đổ! Nhưng dân tộc Việt Nam lại rơi vào một khúc quanh lịch sử khác. Trước năm 1975 người dân Việt Nam sống ở nước ngoài rất ít, có thể nói chỉ có ít trường hợp vì theo chồng, đi du học hoặc làm việc trong những cơ quan sứ quán.
Nhưng sau ngày Việt Nam thống nhất, hàng trăm ngàn người, thậm chí có cả hàng triệu người Việt Nam rời quê cha đất tổ tìm tự do ở những quốc gia thuộc chế độ dân chủ. Sự kiện này đã đi vào lịch sử thế giới loài người.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đoàn xe buýt chở đầy người tị nạn tiến vào một thung lũng chứa đầy lều vải nằm san sát bên nhau. Và một lần nữa những người tị nạn lại xuống xe, xếp thành từng hàng đi vào trung tâm thành lập hồ sơ (Processing Center) làm thủ tục nhập trại. Và cũng một lần nữa những người cũ lại nhôn nhao tìm người thân trong đoàn người mới.
Sau khi đăng ký, lưu lại lý lịch cá nhân và gia đình để lập hồ sơ tìm người bảo trợ, người tị nạn được đưa vào những căn lều trong cuộc sống tập thể.
Sau một chuyến bay dài mệt mỏi và hàng giờ xếp hàng để làm thủ tục tị nạn, tôi mệt đừ người. Đi từ Processing Center về căn lều vải, tôi gieo người trên chiếc giường bố và thiếp đi như một đứa bé. Đến khi tỉnh dậy thì trời đã tối, tôi lại tiếp tục ngủ cho đến ngày hôm sau. Những buổi sáng nơi đây như một trại lính, không có đồng hồ báo thức, không có tiếng gà gáy ban mai nhưng người ta thức dậy thật sớm. Vì mỗi buổi sáng, tiếng hát từ loa phóng thanh lại vang lên lời ca:
“Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo.
Làn mây trôi vây quanh, ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin…”
để chào đón một ngày mới. Và tôi thức dậy, mò xuống giường tìm đường ra khu nhà ăn.
Việc đầu tiên tôi làm vẫn là ra bảng thông tin dò tên. Dù biết rằng cơ duyên may mắn để tôi tìm được những người thân trong gia đình hay bạn bè rất mong manh, nhưng tôi vẫn dò từng tên trên những bản thông tin như dò danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi Tú Tài. Cũng như những lần trước, những người tôi muốn tìm không bao giờ để tên lại trên tấm bảng đen kia. Nhưng rồi lần lượt tôi cũng tìm được hết những người anh em anh Hoàng trên tàu Long Châu. Những người tôi quen biết chỉ có bấy nhiêu thôi, trên hàng chục ngàn người ở trại Pendleton, tôi chỉ quen biết chừng mươi người trên tàu Long Châu. Ngoại trừ N và Th, hai người này khi rời đảo Guam đã đi đến trại Fort Chaffee. Nơi đây tôi cũng gặp lại Điện, người cùng tôi rời Việt Nam trên chiếc tàu đổ bộ của Hải Quân tại Căn Cứ Chuyển Vận Kho 18, Tân Thuận chiều 29-4-1975.
Trại Pendleton chia ra thành nhiều trại nhỏ, không cách xa lắm, tôi và nhóm anh Hoàng ở trại 8. Bên cạnh có trại 5, 6, và 7. Những trại mang số nhỏ hơn là những barracks dùng cho người Miên ở, biệt lập trên một khu riêng, có vẽ khang trang sạch sẽ hơn, và từ trại 5,6,7,8 muốn đến đó phải đi bằng xe buýt. Bên cạnh những lều vải là một căn nhà nhỏ dùng làm trung tâm thiết lập hồ sơ tị nạn (Processing Center). Ngoài ra có nhà ăn, khu vui chơi cho trẻ con, khu PX (Pacific Exchange - bán những vật dụng hằng ngày cho những ai có tiền, tôi nhớ thuốc lá như Lucky, Pall Mall ngày ấy giá 25 xu một gói.)
Pendleton còn có khu nghe nhạc sống ngoài trời, có sân bóng chuyền và thỉnh thoảng có tổ chức đấu võ đài giải vui cho trại. Tôi là một vận động viên trong một trận đấu võ đài tự do gòm cả quyền Anh, Taekwondo, Việt Võ Đạo, Thiếu Lâm Tự, ai có sở trường nào dùng thứ đó. Đối thủ của tôi là một người chuyên nghiệp võ nghệ, tôi nhớ hình như anh ta tên Thước. Tôi không có ý định ra đấu võ đài, nhưng vì lời gù của Thước và những người bạn, tôi tham gia cho vui. Sở trường của tôi là Taekwondo. Trận đấu kéo dài 3 phút, Trước hàng trăm tiếng vỗ tay reo hò, cổ võ cho trận đấu, Thước tống tôi một cú xém rớt đài và tôi song phi một cú đưa Thước nằm lửng lơ trên sợi dây buộc khán đài. Kết cuộc trận đấu, không ai thắng không ai thua. Nhưng hình như võ sĩ Thước muốn dùng cơ hội đó để quảng bá cho việc dạy võ sau này của anh ta! Còn tôi, võ thuật chỉ là một môn thể thao, không hơn, không kém.
Ở thời điểm tháng 7-1975 trại tị nạn Pendleton đã có hàng chục ngàn người đến và đi. Giai đoạn đầu của chương trình tị nạn, từ tháng 5 đến khoản giữa tháng 7, những người tị nạn thường được bảo trợ bằng một cá nhân hay gia đình công dân Mỹ. Nhưng chính sách này gặp phải sai lầm, là, những cá nhân hay gia đình người bảo trợ thường là những nông dân cần người làm nông trại. Nên đã bốc lột sức lao động của những người tị nạn Việt Nam trong các nông trường. Từ những than phiền của những người tị nạn bị đưa về làm việc tại nông trại, chính quyền liên ban đã chấm dứt chính sách bảo trợ qua cá nhân, và bắt đầu chương trình bảo trợ qua một nhóm người, hay cộng đồng và đặc biệt là qua hội nhà thờ, như nhà thờ đạo Tin Lành. Từ đó Church World Services được nói đến nhiều. Và những người bảo trợ đi nông trại cũng được trở về trại tị nạn để tìm bảo trợ mới.
Hầu hết những người tị nạn ra đi trong Chiến Dịch Đồi Sống Mới là những cá nhân hay gia đình có kiến thức học vấn cao trong xã hội miền Nam Việt Nam. Họ là những viên chức nhà nước, là những sĩ quan QLVNCH, là kỷ sư, Bác Sĩ, là giáo sư, là những sinh viên học sinh, v.v… Nói tóm lại, đất nước này đã không tốn công huấn luyện mà tận dụng một nguồn nhân lực dồi dào phong phú, đã thế còn sinh ra những lớp người ưu tú cho những thế hệ sau. Vì chính họ đã là những công dân ưu tú.
Một số người Việt Nam còn nặng ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, và một số có khuynh hướng bất đồng chính kiến với Hoa Kỳ nên đã đưa đơn xin tị nạn tại các nước ngoài Hoa Kỳ như Gia Nã Đại và Pháp quốc. Nhưng cuối cùng Hoa Kỳ vẫn là miền đất hứa. Tôi có quen một anh bạn trong trại Pendleton, Thức, sinh viên Luật trước năm 1975. Anh xin được định cư ở Gia Nã Đại và anh đã được tọa nguyện. Nhưng sau khi đến Gia Nã Đại chưa được một tháng thì anh viết thư vào trại nhờ bạn bè giúp đở bảo trợ anh qua Mỹ, vì Gia Nã Đại không có ngân sách giúp đở người tị nạn Việt Nam đi học đại học. Nhưng anh ta không thể trở lại Mỹ được. Một khi đã chọn định cư tai một nước nào khác thì Hoa Kỳ không cho nhập trại trở lại.
Những thủ tục và nguyện vọng đi định cư ở tiểu bang nào hay nước nào đều phải làm lại tại trung tâm cứu xét hồ sơ (Processing Center.) Có những người không còn giấy tờ tùy thân chứng minh mình là ai, tên gì, mấy tuổi, nhưng vẫn được thiết lập hồ sơ và được đưa đi định cư theo ý muốn. Nhiều người vì buồn bả và mong sớm rời trại tỵ nạn để định cư làm ăn, không cần phải lựa chọn tiểu bang nào. Với những người này tìm người bảo trợ tương đối dễ và ra đi sớm.
Tôi vì có người quen là vị Bác Sĩ hứa giúp đở trở lại trường đi học nên đã đăng ký với Processing Center và muốn được định cư tại tiểu bang California. Sau ngày nhập trại Pendleton, Điện nhập chung hồ sơ của tôi để được cùng bảo trợ bởi vị Bác Sĩ trên. Sau ngày thành lập hồ sơ bảo trợ, vị Bác Sĩ lại đi nghĩ mát bên Âu Châu đến hai tháng mới trở về. Nhưng sau này chương trình bảo trợ không cho phép cá nhân bảo trợ nên người bạn Bác Sĩ chỉ được bảo trợ chúng tôi qua một hội nhà thờ hay một tổ chức nào đó.
Hồ sơ bảo trợ đã được thành lập xong, mọi người chì còn nằm chờ nhân viên Processing Center gọi lên đường, hay bổ túc một số tin tức khi cần. Và mỗi ngày số người ra đi càng nhiều. Trại Pendleton có thể nói là trại lớn nhất trong bốn trại tị nạn ở Mỹ, (và trại 8 là trại đông người nhất trong những trại ở Pendleton.) Người tị nạn đông như kiến và sinh hoạt ở đây ồn ào bắt đầu từ sáng sớm đến chiều hôm. Nhà ăn mở cửa ba buổi: sáng, trưa, chiều tối. Tôi nhớ có một hôm đứng xếp hàng lảnh đồ ăn với nhóm anh em anh Hoàng. Chúng tôi nói với người phát đồ ăn:
“Give me chicken legs.”
Và những đùi gà thơm ngon được bỏ đầy dĩa.
Người đàn ông đi sau thấy ngon quá cũng xin đùi gà. Nhưng không hiểu sao người phát đồ ăn cứ lắt đầu và bỏ đầy cổ gà lên dĩa đồ ăn cho người đàn ông nọ. Ông ta trả lại và nói muốn lấy đùi gà. Người phát đồ ăn lại bỏ cổ gà lên dĩa. Bực mình quá ông ta la lớn lên:
“Give me chicken negs.”
“What?” Người phát đồ ăn hỏi to.
“Chicken negs.” Người đàn ông lập lại.
“Chicken necks?” Người phát đồ ăn hỏi lại.
“Yes - chic - ken - negs.” Người đàn ông khẳn định.
Người phát đồ ăn nói:
“Okay, here’s your chicken necks.”
“Đù… thằng Mễ này nó khùng rồi ta.” Người đàn ông bực tức.
Anh T thấy vậy nói với người đàn ông nọ: “Anh phải nói là chicken legs chứ không phải chicken negs, chicken necks là cổ gà.” Và rồi anh T gọi chicken legs cho ông ta luôn.
Có những hôm trại tổ chức nhạc sống do các băng nhạc bên ngoài vô giúp vui cho đồng bào tị nạn. Và những buổi chiều, trên con đường đất đỏ, có biết bao “tài tử giai nhân” dập diều nắm tay nhau bước đi dạo mát.
Những ngày tháng bên nhau với bạn bè trên chiếc tàu Long Châu rất ngắn ngủi. Chúng tôi hầu hết độc thân ngoại trừ hai vợ chồng anh K và chị Th. Hằng ngày, ngoài giờ ăn ra, chúng tôi (anh Hoàng, anh T, S, H, Điện, Tâm con, và tôi) thường lang thang trên những ngọn đồi phía sau trại 8, lùng rượt đuổi những con chó sói, chồn, và đập phá những tổ ong ruồi trên cành cây. (Chó sói nơi đây rất nhiều, những buổi tối chúng thường xuống chung quanh trại kiếm đồ ăn, cắn xé và tru lên những hồi dài nghe rợn người). Đôi khi chúng tôi phát giác những tổ ong ruồi ở dưới đất, đập phá bị chúng chích, rượt chạy như đám con nít!
Có những hôm cảm thấy tù túng bên trong bốn bờ rào khuôn viên trại, chúng tôi chun rào lội lên đến đỉnh núi sau trại tị nạn. Con đường lên núi không gay go lắm, chỉ là những chồi cây thấp như những bụi sim, bụi móc trên rừng núi miền Trung nước Việt. Đứng trên đỉnh chúng tôi nhìn xuống chân núi bên kia, xa xa là bóng dáng thành phố với nhà cửa. Những mường tượng về cảnh nhộn nhịp bên kia chân núi và sự thèm thuồng một vài giờ sống động để bù lại chuỗi ngày tồi túng trong trại muốn xuối dục đôi bàn chân bước đi. Nhưng rồi chúng tôi đành phải ngồi trên đỉnh núi, chỉ biết nhìn và hít làn gió Santa Ana, làn gió mang theo hơi mát và mùi biển mặn của Thái Bình Dương.
Những buổi chiều dài lang thang trên sườn núi rồi cũng qua. Trại tị nạn càng ngày càng thưa người. Mọi người đều có một lựa chọn cho tương lai trước mặt. Hằng ngày Processing Center bận rộn với những chuyến ra đi. Có những chuyến đi chỉ là một cá nhân lẽ loi, âm thầm rời trại để hòa nhập vào cuộc sống mới. Hôm ra đi chỉ là một cái bắt tay của vài người bạn mới quen.
Một tháng sau khi đến trại chúng tôi cũng lần lượt chia tay. Vợ chồng anh K và chị Th chấp nhận bảo trợ và đã lên đường về thành phố Jacksonville, Florida. Anh Hoàng và anh T chọn miền Đông Bắc Hoa Kỳ và đã rời trại về thành phố Philadelphia, Pennsylvania. S và H về Akron, Ohio, miền Trung Hoa Kỳ nơi có N và Th từ Fort Chaffee đến. Ông Si, bạn anh Hoàng bay về thành phố Savannah, Georgia và tiếp tục cuộc sống nghề biển. Những buổi chia tay thật buồn, chúng tôi chỉ biết siết tay nhau và chúc những lời may mắn, rồi cuối mặt lặng lẽ bước đi.
Bây giờ chỉ còn lại tôi và Điện và những người tị nạn không quen biết trong khu trại này.
Tôi rời Việt Nam với mục đích duy nhất là muốn được tiếp tục đi học. Và sự hứa hẹn của người bạn Bác Sĩ bảo trợ giúp tôi trở lại trường chính là điểm tựa. Hằng tuần Processing Center vẫn gọi tôi lên văn phòng, hối tôi phải chấp nhận hội bảo trợ nào đó để rời trại. Mỗi lần được kêu lên Processing Center tôi luôn hỏi:
“Khi ra với hội bảo trợ này tôi có được vào trường học không?”
Nhân viên Processing Center bảo tôi:
“Ra đó rồi việc đi học sẽ tính sau.”
“Vậy cho tôi đợi khi nào người Bác Sĩ bảo trợ tôi trở lại tôi sẽ đi.”
“Nếu vậy thì em phải chờ ở đây nữa. Mọi người đã đi hết rồi, em không thấy buồn sao?”
“Dạ không. Em xin chấp nhận chờ.”
Và cứ thế, mỗi lần Processing Center tìm hội bảo trợ cho tôi, nhưng không cho tôi biết về tình trạng đi học, tôi lại từ chối bảo trợ, và chờ vị Bác Sĩ trở lại từ chuyến nghĩ mát ở Âu Châu.
Và mỗi ngày trôi qua, bóng người trong trại lại ít dần. Tôi lại thấy nhớ tiếng ồn ào náo nhiệt của thời gian qua.
Tôi thường lang thang ở Processing Center, nơi nhiều người đến để biết tin tức họ sẽ đi về đâu. Rồi một hôm tôi bắt gặp đôi mắt và gương mặt của một người. Người đó khoảng 15, 16 tuổi, tuổi của những đứa em gái tôi, nhưng em có gương mặt và ánh mắt của Phương. Tôi đã giựt mình khi thấy em lần đầu. Tôi thường đi bên người con gái nhỏ này, không nói, không chào, không hỏi, tôi chỉ muốn nhìn em thôi. Như tôi đang nhìn Phương! Tôi biết em đi với cha mẹ và hai đứa em nhỏ. Nhưng em làm sao biết được trong em tôi đã tìm lại những ngày thơ mộng. Có đôi lúc em nhìn tôi và nở nụ cười, có lẽ em đã biết. Nhưng rồi một ngày nọ em đã theo gia đình đi về tiểu bang Connecticut, mang theo ánh mắt và nụ cười của một người tôi thương.
Rồi lần lượt tất cả những người trong trại 8 đã ra đi. Chỉ còn lại tôi và Điện vẫn ngồi chờ người bảo trợ từ trời Tây. Cuối cùng trung tâm Processing Center phải dời tôi và Điện lên ở cùng với những người Miên ở trại 1 để họ tháo gở trại 8! Những trại 5, 6, 7 và 8 trở thành bãi đất màu nâu đỏ.
Một tuần lễ sau khi lên trại 1, Processing Center báo cho tôi và Điện biết người Bác Sĩ kia đã trở lại và liên lạc với họ. Hồ sơ bảo trợ của tôi và Điện được đúc kết giữa Bác Sĩ H. Crawford và hội nhà thờ Tin Lành, với thỏa thuận là một gia đình của nhà thờ Tin Lành cho chỗ ở cho tôi và Điện, tiền ăn của tôi và Điện thì được đài thọ bởi Bác Sĩ H. Crawford. Và ngôi trường mà tôi và Điện sẽ nhập học là Pepperdine University at Malibu, California, với bốn năm học bổng toàn phần (tiền ăn, tiền ở đại học xá, tiền sách vở và học phí).
Sáng ngày 16-10-1975, ngày chính thức chấm dứt Chiến Dịch Đời Sống Mới (Operation New Life), một tín đồ của hội nhà thờ Tin Lành cùng Bác Sĩ H. Crawford đến trại Pendleton gặp tôi và Điện. Sau những lời chào và những cái bắt tay cám ơn, Bác Sĩ H. Crawford nói rằng một tuần sau ông sẽ đến đưa tôi và Điện đi ăn và sẽ nói chuyện nhiều hơn. Bác Sĩ H. Crawford bắt tay mọi người, chào rồi trở về phòng mạch.
Vị tín đồ Tin Lành đề máy chiếc xe Station Wagon, rời khuôn viên trại 1. Chiếc Station Wagon chạy boong boong trên con đường nhựa, băng ngang qua khu đất trống rỗng, mà mấy tuần trước đầy dẫy những người trong căn lều của trại 8!
Chiếc xe vẫn chạy và vị tín đồ nói rằng: “Bốn tiếng đồng hồ sau chúng ta sẽ đến thành phố Thousand Oaks, California.”
Tôi nhìn qua cửa xe, bóng dáng của Phương qua ánh mắt và nụ cười của người em tôi chưa biết tên, và cảnh náo nhiệt của đoàn người tị nạn dường như vẫn còn đâu đó! Và tiếng ca Ngày Hạnh Phúc:
“Ngày em lo nương khoai, dưới mưa dầm anh lo cày cấy
Dù cho bao gian lao, nhưng tình nghèo góp sức mà vui
Cầu mong cho mai sau, gió đưa thuyền tình về bến mơ…”
mang tôi về một phương trời xa.
______________________
Đồng Sa Băng. 12-8-2009