1.
Cuối tháng 12 năm 1966, tôi được điều vào làm Tư lệnh Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương.
Nhận nhiệm vụ mới, tôi thầm nghĩ đường đi nước bước của trên thật bài bản, lớp lang. Bốn tháng trước, mặc dầu đã có quyết định làm Chính uỷ Đoàn 559, nhưng khi đó Trường Sơn đang là mùa mưa, ta chưa vào mùa vận chuyển, anh Thiện đề nghị trên giữ tôi lại vùng "cán xoong" tổ chức tạo chân hàng cho Đoàn 559. Tổng cục Hậu cần tiền phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Riêng tôi cũng có thêm chút kinh nghiệm tổ chức vận tải mùa mưa, trong điều kiện địch ngăn chặn quyết liệt ở Khu 4. Giờ đây, người lại theo hàng vào Trường Sơn. Vừa Tư lệnh Đoàn 559 vừa Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, nhiệm vụ của tôi sẽ nặng nề hơn. Nhưng cũng có mặt thuận lợi trong điều hành, phối hợp giữa hai tuyến; tránh được sự chồng chéo, hoặc những "khoảng trống" không đáng có.
Về tôi, thoáng chốc đã hai năm kể từ ngày vào tuyến lửa Khu 4.
Hai năm - bốn lần thay đổi công tác. Có thời điểm nhận việc, vừa nhập cuộc đã chuyển công tác khác. Trong cái biến động đó, khó có thể làm được một điều gì cho thật "ra tấm ra miếng". Người đời vẫn nói: "Đá lăn chắng mọc được rêu" mà. Tuy vậy, với tôi gần như có một sự ngoại biệt. Bởi vì những lần thay đổi công tác: chính uỷ Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Mặt trận 565, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương…, mọi hoạt động của tôi đều nằm trong "vòng xoáy" đông - tây Trường Sơn ở chính vùng "cán xoong", mà tâm điểm là nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm chi viện chiến trường, chống chiến tranh ngăn chặn của địch. Vô hình chung, những gì mà tôi cùng đồng chí, đồng đội làm được trong hai năm qua lại là những bước đệm, bước tạo đà cho "cú nhảy" quyết định vào Trường Sơn.
Ngày 15 tháng 1 năm 1967, sau khi giao anh Đinh Thiện phụ trách điều hành công việc tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương, tôi chính thức "nhập tuyến". Đoàn chúng tôi gồm hai xe - một xe chỉ huy, một xe điện đài thông tin, tất cả được nguỵ trang cẩn thận, theo đường ngang 20 - đường Quyết Thắng, vượt Trường Sơn. Theo đường này, để tới được sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, chúng tôi phải vượt trọng điểm ATP (cua chữ A đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê). Xem chuyến đi của mình như chuyến đi thử nghiệm ý tưởng chạy "Lấn sáng, lấn chiều", tôi quyết định cho xe chạy sớm; chớp thời cơ, vượt trọng điểm vào lúc máy bay địch không hoạt động, hoặc đánh phá không đáng kể. Tôi điện báo Binh trạm trưởng Binh trạm 14 - Hoàng Trá cho công binh bảo đảm cầu đường trước. Sau đó đích thân anh Hoàng Trá đi cùng đoàn chúng tôi tới hết địa phận Binh trạm 14 tại trọng điểm ngầm vượt sông Ta Lê.
Xe gần tới trọng điểm, rừng chiều nhuốm màu im ắng, âm u.
Không nghe tiếng gầm gào của máy bay địch. Đã chuẩn bị chu đáo, tôi quyết định vượt trọng điểm trước sáu giờ chiều. Do chủ định không báo trước, nên lực lượng chốt giữ trọng điểm không cho chúng tôi qua. Tôi cố gắng thuyết phục để anh em thấy vượt trọng điểm lúc này là an toàn. Nghe tôi nói, một chiến sĩ đứng cạnh cũng khẳng định xe còn vượt giờ này là tốt. Sau này tôi được biết chiến sĩ ấy là Vũ Tiến Đề - thợ lái máy húc tại trọng điểm Ta Lê, lập nhiều thành tích xuất sắc, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
"Tình, lý" đã rõ ràng, nhưng xe vẫn chưa được qua ngầm. Buộc lòng tôi phải gọi cho Binh trạm trưởng. Khi anh Hoàng Trá có mặt, lực lượng chốt giữ nơi đây mới vỡ lẽ: Tư lệnh vượt trọng điểm.
Chia tay, cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 14, chúng tôi tiếp tục lên đường. Anh em dặn chúng tôi phải hết sức cẩn thận quãng này, chỗ kia…, e chừng lo lắng lắm?
Đúng hẹn, Bộ Tư lệnh 559 cho người đón chúng tôi dưới chân núi bên kia trọng điểm. Dừng xe chốc lát, nghe đồng chí dẫn đường báo cáo sơ bộ tình hình đường sá và hoạt động của địch, ở quãng chúng tôi sắp tới, đoàn lại tiếp tục hành trình.
Từ đây, đường tương đối bằng. Nhưng liên tục, xe cứ phải lăn bánh trên khúc đường được chống lầy bằng gỗ tròn (rong đanh).
Qua những quãng đường như vậy, xe cứ rung lên rần rật. Đường sá thế này, chỉ cần vài chuyến qua đây thì xe rão hết gầm, vỡ lốp, còn người cũng rão hết gân cốt…
Vượt quãng đường khá xa, xe dừng bánh ở một góc rừng già.
Tất cả xuống xe, đi bộ vào sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559. Không vất vả lắm, nhưng cũng phải mất hai tiếng leo dốc, chúng tôi mới tới được sở chỉ huy đóng ở đông nam bản Ca Tốc, gần khu vực Lùm Bùm, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Đường dã chiến thử độ bền chắc xương khớp cả người lẫn xe; từ trục đường chính đi bộ hai giờ mới tới sở chỉ huy Bộ Tư lệnh là hai "vấn đề" gây ấn tượng mạnh đối với tôi ngay ngày đầu vào Trường Sơn.
Đón chúng tôi tại sở chỉ huy có các anh Hoàng Văn Thái, Vũ Xuân Chiêm, Lê Đình Sum, Hồng Kỳ…, đều là anh em, bạn bè quen biết cũ. Với anh Hoàng Văn Thái, tôi còn một kỷ niệm nhỏ là giới thiệu anh vào Đảng ngay sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Quảng Bình quê tôi. Là bạn bè quen biết, lại hội ngộ giữa Trường Sơn, nên ai cũng không giấu nổi xúc động, mừng khôn tả.
Lúc này đã cuối chạp - đầu giêng. Đông Trường Sơn khi chúng tôi lên xe mùa đông chưa qua. Chỉ vượt mấy cung đường sang tây Trường Sơn, thời tiết trên đất bạn Lào đã phảng phất vào hạ, tuy mặt đấy còn ẩm ướt.
Mùa khô đã qua hơn một tháng. Thời gian và yêu cầu chi viện chiến trường không chờ đợi. Sau một buổi ổn định tạm nơi làm việc, nghỉ ngơi, anh em vào việc luôn. Tôi dành trọn ngày đầu nghe các anh trong Bộ Tư lệnh báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của tuyến, tình hình đánh phá của địch; kế hoạch vận chuyển chi viện chiến trường mùa khô 1966-1967. Đồng thời tôi cũng thông báo để các anh trong Bộ Tư lệnh biết kết quả tạo chân hàng của tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương ở hai cửa khẩu đường 12 và đường 20; nói kỹ việc tổ chức vận chuyển ban ngày trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho ta, bất lợi cho địch ở địa bàn Khu 4.
Tiếp đó, tôi tranh thủ làm việc với các cơ quan tham mưu - vận chuyển, chính trị, công binh, thông tin…, nghe anh em cán bộ trình bày những thuận lợi, khó khăn của tuyến chi viện chiến lược thời gian qua.
Trước đây, tôi cũng đã được biết sơ bộ về tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đoàn 559; được dự hội nghị của Bộ tổ chức đánh giá hoạt động của tuyến trong mùa khô 1965:1966. Nhưng khi đó tôi chưa là "người trong cuộc". Gộp những gì biết về Đoàn 559 trước đây cùng với một số thông tin có được sau vài ngày trên cương vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, tôi càng thấy sự vĩ đại của tuyến chi viện chiến lược do Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tổ chức. Ngay tên gọi Đường Hồ Chí Minh cũng đã nói lên tầm thế vĩ đại của tuyến đường này.
Vào cuối thập kỷ Năm mươi, khi cách mạng miền Nam đang "trong cơn nguy biến", Trung ương Đảng có Nghị quyết 15, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam, chủ trương đẩy mạnh sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Theo đó, Đoàn 559 tổ chức giao liên vận chuyển chi viện miền Nam được thành lập (khi mới thành lập, có tên là Đoàn công tác quân sự đặc biệt).
Về sau, thời gian quyết định thành lập (5-1959) được lấy làm phiên hiệu chính thức - Đoàn 559).
Đường mang tên Bác là biểu tượng cao đẹp cho ý chí, quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; của tình đoàn kết chống ke thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương…
Tám năm đã qua, kể từ khi anh Võ Bẩm - một cán bộ kiên cường được Đảng cử làm Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, dẫn một nhóm người lặng lẽ mò mẫm giữa đại ngàn Trường Sơn, tìm đường về Nam. Tám năm, từ hơn bốn trăm người áo bà ba, đầu trần, chân đất "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", gùi cõng từng khẩu súng, viên đạn vượt Trường Sơn, Đoàn 559 đã phát triển lên gần 30 nghìn người, gồm quân nhân, công nhân giao thông, thanh niên xung phong. Về tổ chức, vào cuối năm 1966, toàn tuyến có 7 binh trạm. Trực thuộc binh trạm có tiểu đoàn công binh, tiểu đoàn vận tải ô tô, tiểu đoàn cao xạ… Cũng tám năm đó, từ những lối mòn giao liên, Đoàn 559 đã tổ chức được tuyến giao liên từ đông Trường Sơn rồi chuyển sang tây Trường Sơn; từ đường mòn gùi cõng, tiến lên thồ và thí điểm vận chuyển cơ giới. Đặc biệt là tuyến tây Trường Sơn, Đoàn đã làm được gần một nghìn cây số đường ô tô từ Mụ Giạ, Cổng Trời (đường 12) vào Tà Xẻng (khu vực ba biên giới) vươn sang Tà Ngâu, Xiêm Pạng (đất bạn Campuchia). Ngoài trục dọc, lúc này đã có đường 20 "Quyết Thắng" nối đông và tây Trường Sơn; không còn độc đạo về tuyến vượt khẩu. Đường Trường Sơn lúc này dẫu mới là đường dã chiến, song vẫn đảm bảo cho xe vận tải đi được vào mùa khô.
Từ trục dọc có một số trục đường ngang nối đông với tây Trường Sơn và toả ra các hướng chiến trường. Cùng với đường ô tô là hệ thống đường giao liên, đường dùng cho gùi thồ, đường sông.
Cố gắng của mọi lực lượng trên Tuyến 559 cũng như sự chi viện của các cấp, các ngành trên hậu phương miền Bắc và của bạn Lào đối với bộ đội Trường Sơn rất lớn. Tôi thầm cảm phục biết bao những con người đã đóng góp tâm lực, sức lực để tạo lập tuyến đường này. Tuy vậy, việc tổ chức vận tải cơ giới trong mùa khô 1965-1966 chưa thành công là vấn đề cần tập trung nghiên cứu tháo gỡ.
Sau ba ngày làm việc với cán bộ chủ trì cơ quan Bộ Tư lệnh và nghiên cứu sơ bộ tình hình, tôi thấy nổi lên mấy vấn đề:
- Mùa khô trên Trường Sơn qua rất nhanh. Mà hiện tại, đường chỉ đi được trong mùa khô.
- Địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, liên tục nhưng ta nắm tình hình bằng điện đài quá chậm.
Từng binh trạm chưa xây dựng được sức mạnh tổng hợp, chưa thực hiện được chỉ huy thống nhất. Toàn tuyến chưa đưa được chiến thuật quân sự vào vận tải trong chiến tranh.
- Đời sống của bộ đội, thanh niên xung phong quá khó khăn.
- Các lực lượng trên tuyến hoạt động xa hậu phương, nên việc bảo đảm vật chất, khí tài, phương tiện xe - máy và khi bị thiệt hại thường tổ chức khắc phục quá xa.
- Tư tưởng tiến công là chủ đạo trong chỉ huy, chỉ đạo chưa thật rõ.
Với thực trạng trên, tôi e rằng Tuyến 559 khó có thể hoàn thành kế hoạch vận chuyển giao hàng, giao quân cho các chiến trường trong mùa khô 1966-1967. Cũng xuất phát từ lo lắng đó, tôi cố nghiên cứu để tìm ra mấu chốt của vấn đề.
Trong quá trình nghiên cứu một số văn bản của Bộ Tư lệnh 559 trước đó, tôi bắt gặp chỗ này, chỗ kia có nói tới tư tường chỉ đạo "lấy phòng tránh là chính". Tuy không phải là chủ trương, tư tưởng chỉ đạo chính thống - nhưng cũng không khẳng định tư tưởng đó là sai. Mấu chốt vấn đề là đây chăng? Trong thâm tâm, tôi thấy có một điều gì đó bất ổn. Một chủ trương đề ra trong một thời đoạn này là phù hợp, là đúng, nhưng nếu duy trì kéo dài khi tình hình đã chuyển biến sẽ tạo nên sự trì trệ khôn lường.
Trong giai đoạn bí mật tìm đường, mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, ta chủ trương "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng"; tiếp đó, vào giai đoạn 1961-1965, tư tưởng chỉ đạo "phòng tránh tích cực" là những chủ trương hoàn toàn có cơ sở khoa học, thực tiễn. Nay tình hình đã khác trước. Kẻ địch đã mở rộng chiến tranh ra cả nước. Giới tuyến quân sự tạm thời không còn tính pháp lý. Đặc biệt, trên tuyến chi viện chiến lược, ta đã tổ chức vận tải cơ giới, tôi e chủ trương "phòng tránh tích cực" không còn phù hợp. Từ những cảm nhận thực tế và suy nghĩ bước đầu, tôi quyết định họp Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh. Ở cuộc họp này, chúng tôi thống nhất được vấn đề cơ bản là: Tất cả lực lượng phải bảm đường, bám trọng điểm. Với tinh thần đó, tôi đề nghị việc đầu tiên là dời sở chỉ huy Bộ Tư lệnh ra gần đường chính; lấy Bộ Tư lệnh "làm gương" cho các binh trạm.
Sau ba ngày khẩn trương xây dựng sở chỉ huy mới, chủ yếu là đào đắp công sự, Bộ Tư lệnh chuyển đến vị trí mới tại một cánh rừng già khá bằng phẳng, bên cạnh có dòng suối nhỏ. Điều quan trọng là sở chỉ huy mới gần đường chính, từ chỗ làm việc ra đường nếu đi bộ không đầy 30 phút. Sau đó, chúng tôi cho cải tạo thành đường cho xe con chạy, việc đi lại dễ dàng hơn. Đây là một vị trí khá thuận lợi cho công tác chỉ huy, và cảnh tình cũng không kém phần hấp dẫn, nếu không nói là thơ mộng.
Đến vị trí mới được mấy ngày, bỗng một buổi sáng, sau khi máy bay địch quần lượn như thường lệ, chúng tôi thấy ngang trời bay lơ lửng những quầng mưa bụi. Những làn mây mưa màu trắng đục sà xuống, trùm lên tán cây rừng, rải dày trên mặt đất, tan hoà vào nước suối… Địch rải chất độc hoá học. Cũng từ đó cả một vùng rừng từ Xiêng Phan vào đến đường 9 dài 150 cây số, rộng hàng chục cây số bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoại trừ cây le và cây họ củ là dong riềng, còn hết thảy cây rừng khô úa, chết dần chết mòn, trơ thân khô giữa trời xanh bất tận…
Khu vực sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng ngập ngụa trong mưa bụi chất độc hoá học. Do chưa hiểu hết tác hại của thứ hoá chất này, vả lại do điều kiện sinh hoạt giữa rừng Trường Sơn, không thể nào khác được, hầu hết cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ở đây đều dùng nước suối có nhiễm thứ chất độc quái ác này.
Sau này, người ta nói nhiều về chất đi-ô-xin, chất độc màu da cam, chất độc "khai quang" mà Mỹ sử dụng ở Trường Sơn, ở miền Nam Việt Nam vào thời kỳ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt nam. Trong khi chờ các nhà khoa học xác minh sự liên quan giữa chất độc khai quang, diệt cỏ cây… với bệnh ung thư, thì biết bao cán bộ, chiến sĩ ta từng chiến đấu, công tác ở chiến trường đã lần lượt "ra đi" bởi những căn bệnh quái ác giống nhau. Trong số đó có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Nhiều người bị nhiễm thứ chất độc đó mà sinh con dị dạng, tật nguyền… Hậu hoạ của một chính sách cực kỳ dã man, tàn bạo do phía Mỹ gây ra không biết còn bám đuổi dai dẳng các thế hệ người Việt Nam đến khi nào?
Tạm ổn định bước đầu điều kiện làm việc sinh hoạt tại sở chỉ huy mới, tôi chủ định dành thời gian, cùng một số cán bộ cơ quan đi thị sát thực địa, nghiên cứu tình hình trọng điểm, tìm hiểu tình hình đánh phá của địch, nắm diễn biến tư tường, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến, tìm hiểu công tác tổ chức chỉ huy, vị trí đặt sở chỉ huy binh trạm…
Đoàn chuẩn bị lên đường, tôi nhận được ớiện của Bộ và điện của anh Đinh Đức Thiện thông báo anh Hoàng Văn Thái - nguyên Tư lệnh, anh Hồng Kỳ - Chủ nhiệm chính trị và anh Nguyễn Đôn - Tham mưu trưởng vận chuyển Bộ Tư lệnh 559 vào phụ trách tuyến vận tải C4 (Xê tư) - khu vực ba biên giới, cùng với anh Đức Phương tổ chức khai thác vận chuyển bảo đảm cho chiến trường nam Tây Nguyên và Nam Bộ. Anh Đinh Đức Thiện còn chỉ thị cho chúng tôi tiếp nhận và chuyển gấp một số ngoại tệ của Trung ương chi viện vào giao cho Bộ Tư lệnh Miền.
Bộ Tư lệnh họp bất thường, giải quyết một số công việc để anh Thái anh Hồng Kỳ và anh Đôn tranh thủ đi sớm. Đoàn đi vào còn có 18 xe Gát 69 chở tiền và một số hàng đặc biệt để giao cho B2.
Lúc này, địch đang tập trung đánh hòng bịt các cửa khẩu đường 12, đường 20 và một số trọng điểm kế cận.
Tôi cho rằng đây là thời điểm nắm tình hình trọng điểm đích thực hơn, và cho mời Chủ nhiệm thông tin Nguyễn Tụng cùng một số cán bộ cơ quan ra trọng điểm.
Về bảo đảm thông tin toàn tuyến, đồng chí Nguyễn Tụng báo cáo sơ bộ: Đến nay phương tiện thông tin chủ yếu của Bộ Tư lệnh 559 là vô tuyến điện. Điện thoại hữu tuyến mới có một số máy lẻ và dây bọc trong khu vực cơ quan Bộ Tư lệnh. Cơ quan thông tin 559 đang lập kế hoạch xây dựng đường dây tải ba nối từ trạm A72 của Bộ ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình, qua Binh trạm 1 vào tuyến.
Tôi khẳng định chủ trương của Bộ Tư lệnh 559, mà trực tiếp là Phòng Thông tin về việc tổ chức đường dây thông tin tải ba là hoàn toàn chính xác. Muốn làm tròn chức năng cơ quan chỉ huy, người chỉ huy trong chiến tranh - thời kỳ nào cũng vậy, trước hết phải biết tổ chức nắm được thông tin tốt nhất, nhanh nhất. Chiến tranh hiện đại, thông tin càng tối quan trọng: Đặc biệt, Tuyến 559 phải hoạt động, chiến đấu liên tục 24/24 giờ mỗi ngày đêm. Trước khi vào Trường Sơn, anh Đinh Đức Thiện đã nhiều lần nói với tôi rằng: Làm nghề vận tải trong chiến tranh, phải có thông tin tốt. Tổng cục Hậu cần và Bộ Tổng tham mưu sẽ tạo điều kiện giúp Bộ Tư lệnh 559.
Kế hoạch xây dựng đường dây thông tin tải ba, tôi dành sau khi đi thực địa về sẽ bàn cụ thể. Trước mắt, cơ quan thông tin cho xe điện đài đi cùng đoàn.
Anh Tụng trả lời rằng dưới binh trạm có điện đài rồi.
- Thế khi trên đường và tới những nơi ngoài dự kiến, nếu cần liên lạc, sẽ xử lý như thế nào? - Tôi hỏi.
Hiểu ý tôi, anh Tụng khẩn trương, vui vẻ bố trí ngay một tổ điện đài đi cùng đoàn. Vậy là ngay buổi đầu vào tuyến, tôi đã có ít nhiều cảm tình với vị Chủ nhiệm thông tin này - một con người có chính kiến, nhạy cảm, có trình độ chuyên môn… Tôi vẫn từng nghĩ: Chiến tranh là biến động, đầy biến động. Thích nghi là thước đo kiến thức tổng hợp và độ nhạy cảm của một người lính.
Ngày 20 tháng 1 năm 1967, đoàn chúng tôi gồm ba xe - có một xe điện đài, đi thẳng xuống Binh trạm 1, cách sở chỉ huy Bộ Tư lệnh khoảng 40 cây số. Binh trạm phó Hoàng Anh Vũ và Phó chính uỷ binh trạm Phan Hữu Đại đón chúng tôi ngay bãi tập kết xe.
Được biết từ đó đi bộ vào sở chỉ huy binh trạm mất hơn hai giờ nữa, tôi đề nghị làm việc tại khu vực tập kết xe; tiết kiệm thời gian.
Chúng tôi lần lượt kiểm tra nơi tập kết xe, kho vũ khí, kho quân nhu, kho và trạm quân y, trạm bảo dưỡng kỹ thuật xe - máy, hệ thống đường cho xe vào ra kho hàng, đường tập kết, tiếp cận, xuất phát; lán ở, công sự cho bộ đội lái xe, bộ đội kho, thợ kỹ thuật… Một cánh rừng già rộng chừng hai cây số vuông chưa bị đánh bom, chưa bị chất độc khai quang huỷ diệt, địa thế bằng phẳng. Thiên nhiên đã cấu trúc sẵn ở nơi đây một lưới nguỵ trang hết sức lý tưởng; rừng già khép tán nhiều tầng, nhiều lớp, tuyệt vời hơn hẳn nhiều cánh rừng đông Trường Sơn.
Sau khi kiểm tra khắp lượt, tôi nói với các đồng chí chỉ huy binh trạm:
- Ở đây phải tổ chức nghi binh thật tốt để giữ cho khu rừng này thành một căn cứ lớn, tập kết được đội hình sư đoàn ô tô vận tải và một lực lượng lớn pháo, xe tăng, hệ thống kho tàng có sức chứa hàng chục vạn tấn. Diện tích cấu trúc sử dụng như hiện nay eơ bản là được nhưng phải củng cố thật an toàn; điều chỉnh hợp lý hơn, bảo đảm vận trù tốt, tiết kiệm thời gian tối đa, không có động tác thừa. Đường cho xe bảo đảm chạy thẳng tới nơi lấy hàng, đường xe vào nhận hàng và đường ra khác nhau. Về kho, cấu trúc bảo đảm mặt sàn kho và sàn xe ngang nhau; hạn chế người bốc hàng ở dưới thấp bắc ván leo chuyển hàng lên sàn xe vừa mất thời gian, vừa hao tổn sức lực. Hiện nay các đồng chí bốc hàng lên xe mất tử 35 đến 40 phút, bốc xuống mất từ 25 đến 30 phút đối với xe có tải trọng 5 tấn. Nếu cấu trúc lại kho, sẽ rút ngắn được thời gian bốc hàng từ 10 đến 20 phút một xe. Giữa các kho, chỗ tập kết xe, nơi ở của bộ đội phải tính toán hợp lý, không quá xa gây trở ngại, nhưng cũng không co cụm, đặc biệt là không bố trí đội hình theo hình tròn, hình vuông mà tốt nhất là bố trí theo đường thẳng, phòng khi bị địch đánh trúng đội hình, sẽ hạn chế tổn thất. Không được mở rộng đường ô tô trong địa bàn, giữ tốt tán cây rừng. Do vậy muốn hoạt động có hiệu quả cần có nhiều đường và mặt đường phải phẳng…
Quá trưa ngày 20 tháng 1, chúng tôi ăn cơm cùng lái xe tiểu đoàn 52 vận tải ô tô. Bữa ăn chỉ có cơm và chút ít mắm ruốc, rau rừng, nhưng đậm đà tình cảm cán binh, thật xúc động, ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Tôi đọc được sự vui vẻ, hồ hởi trong từng ánh mắt, câu chuyện của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn, vui lây niềm vui của họ, và như thấy mình trẻ lại, trở về "điểm xuất phát" xưa.
Cơm nước xong, tôi nhờ Phó chính uỷ binh trạm phân phát cho các đơn vị một ít thuốc lào - món quà "thức đêm" của lính Trường Sơn.
Buổi chiều, Binh trạm phó và Phó chính uỷ binh trạm đưa đoàn chúng tôi vào khu vực sở chỉ huy binh trạm. Đi mất hai giờ mới tới nơi. Trực chỉ huy là Binh trạm trưởng Nguyễn Chúc. Sau khi thăm qua một lượt toàn bộ "cơ ngơi" sở chỉ huy binh trạm, chúng tôi tiếp tục làm việc với Ban chỉ huy binh trạm, yêu cầu chỉ cung cấp những gì đoàn cần biết.
Tôi hỏi:
- Trục đường Binh trạm 1 phụ trách có vấn đề gì đáng chú ý nhất?
Binh trạm trưởng báo cáo:
- Binh trạm có trục dọc (đường 128) dài trên 200 cây số và đường ngang (đường 20) từ Quảng Bình đông Trường Sơn sang dài 70 cây số, tiếp giáp với Binh trạm 14 ở Ta Lê, phía ngoài nối với Binh trạm 12 tại Na Tông trên đường 12 từ Tân Ấp (Hương Khê - Hà Tĩnh) sang. Điều dáng lưu tâm nhất là tất cả những con đường này còn độc tuyến.
Tôi hỏi tiếp:
- Công binh làm đường và sửa đường vào ban ngày hay ban đêm?
- Báo cáo, hai tiểu đoàn công binh 25 và 35 làm ban đêm là chủ yếu. Nửa tháng qua, chỉ có hai đêm đường bị tắc; tuy vậy mỗi đêm cũng thông xe được bốn giờ.
- Lực lượng làm đường có được trang bị máy húc không?
- Báo cáo, chỉ có hai chiếc C100 và bốn xe ben.
Về hoạt động của địch trên địa bàn, chỉ huy binh trạm báo cáo:
- Máy bay trinh sát của chúng thường hoạt động từ hai đến bốn lần trong ngày; sáng từ khoảng 8 - 10 giờ, chiều từ 14 - 16 giờ. Mỗi ngày đêm, máy bay ném bom từ 5 - 7 đợt, chủ yếu từ hai giờ rưỡi chiều hôm trước đến ba giờ sáng hôm sau. Trọng điểm đánh phá của địch là Pác Pha Năng, Văng Mu, Cốc Mạc… Ban đêm trước khi ném bom, địch cho máy bay thả pháo sáng từ 30 đến 40 phút.
Riêng biệt kích, thám báo thỉnh thoảng mới thấy hoạt động, quy mô chỉ từ tiểu đội tới trung đội.
Tôi hỏi tiếp:
- Các tiểu đoàn xe vận tải trên các cung đường do binh trạm phụ trách đạt bao nhiêu phần trăm quy định về số chuyến mỗi đêm? Xe thường xuất phát vào giờ nào?
Binh trạm phó trả lời:
- Xe chạy đạt trên 70 phần trăm số chuyến, thường xuất phát từ 18 giờ trở đi và tập kết từ 4 - 5 giờ sáng hôm sau.
- Vậy những ngày có sương mù, trần mây thấp cũng đi về vào giờ ấy sao?
- Báo cáo: đúng vậy!
Theo những câu hỏi của tôi, Binh trạm trưởng báo cáo tiếp:
- Trung bình mỗi ngày đêm, lái xe ngủ được từ 4 - 5 giờ. Xe thường chạy với đội hình tổ hoặc tiểu đội phân tán. Từ đầu tháng tới hôm đoàn chúng tôi xuống, tổn thất của binh trạm do địch đánh là tám lái xe và tám chiến sĩ công binh bị hy sinh, năm xe bị cháy. Hoạt động trong thế gần như hoàn toàn bị động, tổn thất không nhỏ, nên cũng có một số lái xe có biểu hiện dao động, nếu không nói là sợ.
Tôi hỏi:
- Tại các trọng điểm, binh trạm có tổ chức chỉ huy thống nhất không?
Phó chính uỷ binh trạm trả lời:
- Chúng tôi chưa triển khai kịp. Tại mỗi trọng điểm mới có công binh hướng dẫn.
- Lực lượng pháo phòng không có hiệp đồng tốt với binh trạm không?
- Báo cáo, tiểu đoàn 10 và tiểu đoàn 20 cao xạ có quan hệ tốt với binh trạm, nhưng làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông không theo yêu cầu của binh trạm. Mấy ngày gần đây, hai tiểu đoàn có bắn rơi hai máy bay, nhưng không phải ở khu vực trọng điểm và xa cả trục vận chuyển.
Tôi hỏi luôn:
- Sao các đồng chí không xây dựng hệ thống công sự của sở chỉ huy thật kiên cố, khả năng đảm bảo an toàn cao, từ dó bố trí sở chỉ huy ở kề cận trọng điểm; bãi tập kết xe, kho tàng… để tăng hiệu quả chỉ huy.
Như động tới một vấn đề hệ trọng, anh Nguyễn Chúc nhìn khắp một lượt các đồng chí trong Ban chỉ huy binh trạm, rồi trả lời:
- Chúng tôi cũng đang chuẩn bị, ít hôm nữa sẽ chuyển sở chỉ huy ra gần trọng điểm, giống như trên Bộ Tư lệnh.
***
Kết thúc buổi làm việc với Binh trạm 1, tôi thay mặt đoàn cảm ơn Ban chỉ huy binh trạm đã báo cáo tình hình khá đầy đủ, thẳng thắn; sau đó tôi nhấn mạnh:
- Thời gian mùa khô ta đang tính từng giờ. Nhiệm vụ chỉ tiêu chi viện mùa khô này rất nặng. Địch đang tập trung đánh phá ngăn chặn. Những điều cần bổ sung, trong quá trình kiểm tra và làm việc tại thực địa, tôi đã nói. Ở đây chỉ lưu ý thêm, trong cuộc chiến đấu để giành thắng lợi phục vụ chiến trường, tuyến chí viện chiến lược của chúng ta cũng là một chiến trường, một mặt trận có hai đối thủ phải vượt qua. Một là chiến đấu với bộ binh và không quân địch để giữ vững và phát triển tuyến chi viện. Hai là cuộc "chiến đấu" với thời tiết nghiệt ngã ở địa bàn đông và tây Trường Sơn để giành giật thời gian, thực hành vận chuyển thắng lợi.
Cuộc chiến này khó khăn không kém gì đối đầu với bộ binh và không quân địch. Với những kinh nghiệm đúc kết từ những mùa vận chuyển trước, năm nay các đồng chí phải thật chủ động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Về Bộ Tư lệnh, chúng tôi sẽ bàn và có những chỉ thị bổ sung cần thiết, vì đoàn còn thị sát thực tế tại trọng điểm Văng Mu.
Trước lúc chia tay, tôi không quên nhắc các anh trong Ban chỉ huy binh trạm khẩn trương chuyển sở chỉ huy ra gần trục đường chính.
Lần đầu tiên làm việc trực tiếp với Ban chỉ huy Binh trạm 1, mặc dầu những vần đề tôi nêu ra đối với binh trạm chỉ có tính gợi mở, nhưng tôi thấy đây là một tập thể cán bộ chủ trì có trình độ, kinh nghiệm, có chính kiến, nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới. Đây là một trong những tiêu chí cần thiết để sau đó chúng tôi chọn binh trạm này xây dựng thành mô hình "Binh trạm vạn tấn trong một tháng".
Tiếp tục chương trình, đoàn chúng tôi ra trọng điểm Văng Mu.
Dường như có một cái gì đó rất đỗi hệ trọng níu bám lấy suy nghĩ của tôi, nói thẳng ra là sợ anh em binh trạm tiếc công xây cất sở chỉ huy, chần chừ chưa ra bám mặt đường, nên đi được hơn cây số, tới trạm gác, tôi gọi điện ngay cho Binh trạm trưởng Nguyễn Chúc:
- Đề nghị bắt đầu từ ngày mai các anh cho chuyển sở chỉ huy binh trạm ra gần trục đường chính. Có thể là một vài anh trong ban chỉ huy ra trước, sau vài ngày chuyển tất cả. - Tôi nói với giọng tuy không gay gắt, nhưng rất dứt khoát - Tôi thiết tha đề nghị các anh chấp hành nghiêm chỉnh; nếu sở chỉ huy cứ bí mật ẩn nấp trong rừng sâu làm sao bắt kịp được tình hình, và tất yếu sẽ trì trệ trong tổ chức chỉ huy.
Từ sở chỉ huy Binh trạm 1 tới Văng Mu, đi ô tô cũng mất hai giờ. Chủ định tìm hiểu tình hình qua anh em lái xe, chúng tôi chia nhau mỗi người ngồi mỗi xe. Tôi chọn xe đi đầu, có đồng chí đại đội trường.
Xe lăn bánh được một giờ. Đường rừng chìm trong đêm. Bỗng chốc, tôi nghe tiếng máy bay rít qua trên đầu, và trong chớp mắt pháo sáng đã treo lơ lửng từng chùm trước mặt. Lập tức, đồng chí đại dội trưởng nói:
- Báo cáo thủ trưởng, khoảng 20 phút nữa, tốp máy bay khác sẽ oanh tạc trọng điểm. Từ đây tới đó ước chừng 20 cây số nữa, cho phép chúng tôi giấu xe ở đây để bảo đảm an toàn cho đoàn.
Tôi hỏi lại:
- Tại sao đồng chí không tranh thủ có pháo sáng, cho xe chạy tiếp mươi - mười lăm cây số nữa?
- Báo cáo, sáng quá, sợ máy bay địch phát hiện được - đại đội trưởng trả lời.
Tôi nói rõ để chiến sĩ lái xe và đại đội trưởng của anh biết:
- Mục tiêu đánh phá của chúng đã định sẵn rồi, không đáng sợ đâu! -
Ngừng một lát, tôi hỏi tiếp:
- Đêm nào cũng vượt trọng điểm, cũng căng thẳng như thế này, các đồng chí có sợ không?
Chiến sĩ lái xe trả lời:
- Thưa Thủ trưởng, chúng em chỉ biết sống chết từng giờ!
Nghe chiến sĩ của mình nói vậy, trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Giấu ẩn sau vẻ bình thản đến mức dửng dưng, lạnh lùng trong câu nói của người chiến sĩ có một điều gì đó gần với sự bất ổn trong tư tưởng, tinh thần của binh sĩ: Tư tưởng đắm chìm trong đơn độc. Đã vậy khó lòng làm chủ được tay lái. Làm sao có thể năng động, sáng tạo phát huy hết lợi thế của ta, khai thác tối đa hạn chế của đối phương, để giành chiến thắng?
Đúng như đồng chí đại đội trưởng nói; xe chúng tôi lăn bánh được chừng mười cây số nữa thì máy bay ném bom của địch ập tới.
Xe dừng lại. Tôi ra đứng ở bậc lên xuống buồng lái để quan sát.
Nghe tiếng động cơ máy bay, tôi biết một tốp gồm ba chiếc lượn một vòng phía trước đoàn xe. Sau vòng lượn, hai trong số ba chiếc bổ nhào ba đợt, cắt bom xuống trọng điểm. Những quầng lửa bùng lên. Tôi như thấy những con đường nhỏ nhoi vặn mình đau đớn.
Máy bay địch ném bom, hoả lực phòng không của ta đánh trả. Đạn pháo 37 ly vạch trời đêm, trông như pháo hoa. Nhưng hình như pháo không bắn đón khi máy bay bổ nhào, mà chỉ bám bắn theo vòng lượn. Nhìn đường đạn, tôi biết chắc trận địa pháo 37 bố trí quá xa trọng điểm. Súng máy 14,5 ly bố trí ngay trọng điểm, đón địch bổ nhào, nhưng tầm bắn không với tởi. Cứ đà này, theo tôi, ta bắn có thể trúng mục tiêu, nhưng chắc chắn là phi công địch không sợ, chúng "đàng hoàng" oanh kích mục tiêu.
Sau khi làm xong "bổn phận" trút bom vào mục tiêu định sẵn, cả tốp máy bay cút thẳng. Còn lại là những dãy pháo sáng với vệt khói dài, giống như được dòng dây từ tầng không trên cao xuống.
Khoảng chừng 15 - 20 phút sau khi máy bay địch bay xa, tôi bảo đại đội trưởng cho xe tiếp cận trọng điểm.
Tới gần trọng điểm, thấy phía trước thẳng hướng xe đi có một phát đạn lửa súng AK vút lên. Đại đội trưởng đại đội xe vừa cười hể hả vừa nói:
- Thông đường rồi. Hôm nay bom đạn Mỹ cũng sợ Thủ trưởng.
Có thể do Ban chỉ huy binh trạm điện báo trước, nên khi chúng tôi tới trạm công binh phụ trách trọng điểm, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn công binh Nguyễn Ngọc Nha và chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Hữu Nghi đã chờ sẵn, tự giới thiệu và báo cáo tình hình.
Các anh cho biết khoảng thời gian giữa hai đợt đánh phá của máy bay địch thường trên dưới một giờ. Các anh đề nghị chúng tôi về ngay hầm chỉ huy của tiểu đoàn gần đó, phòng khi chúng phá lệ, quay lại đánh sớm hơn.
Tôi nán lại một lúc quan sát toàn cảnh trọng điểm Văng Mu - đúng là đỉnh điểm của chìến tranh huỷ diệt. Một cảnh tượng bi hùng hiện lên trong ánh lửa những đám cháy. Những triền đồi, mái núi bị bom đạn làm biến dạng. Cùng với bạt ngàn cây cối bị quật đổ ngổn ngang, những thân cây tơ tướp, nứt toác vì bom và những thân cây cháy đen, cụt ngọn, thẳng vút như những ngọn chông khổng lồ chọc thẳng vào trời đêm… Cây cỏ, núi rừng Trường Sơn cũng sôi trào uất hận! Điều đáng quan tâm hơn của tôi lúc đó là hiện trạng đường sá, cách bố trí công sự phòng tránh của công binh… Đợt vừa rồi, địch đánh không trúng đường, nhưng ngay mép đường phía ta luy âm vướng mấy hố bom lớn, mùi thuốc bom còn khét lẹt. Hai chiến sĩ của tiểu đoàn công binh vừa hy sinh gần đó.
Thêm một ngày ở trọng điểm này và bao trọng điểm nữa, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, những người lính, những nam nữ thanh niên xung phong lại đánh đổi mạng sống của mình vì sự sống của những con đường, vì nhiệm vụ chi viện chiến trường.
Đoàn chúng tôi dừng lại, vô cùng xúc động mặc niệm vĩnh biệt những người đồng chí thân thương của mình và chia buồn cùng đơn vị.
Tiếp đó, phải hơn 30 phút "tụt dốc" nữa, chúng tôi mới tới được hầm chỉ huy của tiểu đoàn công binh. Bước chân vào hầm, tôi nói với anh em cùng đi:
- Đêm nay chúng ta ở lại đây chứ không phải ngủ tại đây.
Nghe tôi nói vậy, cán bộ tiểu đoàn hiểu được những phần việc cần phải làm trong đêm. Chiến sĩ công vụ đưa tôi một cốc nước đường nóng. Tôi buột miệng hỏi:
- Mỗi tháng đồng chí được bao nhiêu đường?
- Báo cáo thủ trưởng, chia đều mỗi người được 200 gam - chiến sĩ công vụ trả lời.
Hai tiếng chia đều, anh nói không một chút đắn đo, đủ cho tôi nghĩ tới cảnh "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào của cha ông xưa đã tái hiện ở chính cuộc sống của người lính Trường Sơn trong những tháng ngày lửa đạn, thiếu thốn, gian khổ nhưng thấm đậm tình người.
Tranh thủ khoảng thời gian giữa hai đợt đánh phá của địch, tôi làm việc với chỉ huy tiểu đoàn, nắm tình hình chung. Trọng điểm Văng Mu dài 10 cây số, đèo cao trên 600 mét. Đường qua trọng điểm có nhiều "cua tay áo", bán kính nhỏ, dốc ngang lớn, tầm nhìn ngắn. Đó là những điểm địch tập trung trút bom đạn vào.
Tôi hỏi thêm:
- Bom địch thường thả trúng mặt đường phía phải đào (ta luy dương), hay phía mặt đường phải đắp (ta luy âm)? Khả năng khắc phục ra sao?
Tiểu đoàn trưởng trả lời:
- Báo cáo, bom rơi thường sang phía ta luy âm, nên phần lớn tuột xuống khe, xuống vực. Bom trúng "tim" đường, phải khắc phục hơi lâu; trúng sườn hoặc chân núi thì phải đẩy hất đất đá sụt lở là chính. Nếu đủ máy húc thì giải quyết hậu quả rất nhanh.
Tôi thầm nghĩ, đúng là những người lính công binh cầu đường "có nghề". Tuy vậy, với kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức lĩnh hội được qua thời gian đào tạo ở Học viện quân sự cao cấp Bắc Kinh (lúc đó tôi rất mê nghiên cứu thêm khoa công binh công trình), tôi cũng phải lưu ý họ một số vấn đề:
- Trước mắt phải từ kinh nghiệm thực tế, tính toán làm đủ công sự cá nhân có chất lượng ở các vị trí xung yếu; tiếp theo, làm công sự cá nhân dự phòng cạnh đường, để gặp lúc bị máy bay địch đánh, lái xe có chỗ ẩn nấp, hạn chế thương vong. Sau nữa, làm công sự tốt hơn để cất giữ thuốc nổ, bảo vệ dụng cụ quan trọng để, thi công; có thể lợi dụng, sửa sang lại một số hố bom để làm công sự cho máy húc, xe ben, xe vận tải khi không hoạt động; làm hầm chữ A thật kiên cố để làm chỗ cấp cứu người khi bị thương, chưa chuyển kịp về tuyến sau. Đường qua khu vực, đặc biệt đường qua trọng điểm quá hẹp. Trong khi chưa mở rộng đủ hai làn xe, cần phải mở chỗ tránh, chỗ quay đầu xe. Cứ một cây số cần từ hai tới ba chỗ tránh. Triệt để lợi dụng sự công phá của bom địch thả phía ta luy dương để mở rộng đường cho xe tránh nhau. Coi như đối phương "chi viện" thuốc nổ cho ta mở đường vậy.
Mọi người trong hầm nghe thế, cười rộ lên. Riêng kỹ sư Đỗ Xuân Diễn - tham mưu trưởng tiểu đoàn, một con người từ dáng dấp tới tiếng nói chắc nịch, bạo miệng "khen" tôi nói rất chí lý, và anh đề nghị: Bộ Tư lệnh tăng cường cho chúng tôi máy húc. Mỗi máy húc có thể thay cả một đại đội; vừa hạn chế được thương vong, vừa rút ngắn được thời gian tắc đường.
- Được, chắc là được - Tôi trả lời.
Trọn một đêm cùng công binh "trực" tại một trong những trọng điểm ác liệt nhất, tôi thu thập được khá nhiều điều cả về ta và đối phương.
Chiều hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ sang phía đông trọng điểm Văng Mu thăm trận địa đại đội pháo cao xạ 37 ly. Hôm trước đứng từ xa quan sát anh em đánh máy bay địch; nay tôi muốn trực tiếp có mặt tại trận địa và "đối thoại" với những pháo thủ này.
Tuy có bảo vệ đi cùng, nhưng cũng như hôm trước cuốc bộ hơn hai tiếng vào sở chỉ huy Binh trạm 1, tôi đều tự mang lấy quân tư trang. Vai vắt quàng chăn trấn thủ gấp gọn, chân "dận" ủng Trung Quốc, đầu đội mũ sắt Liên Xô, một bên hông đeo súng ngắn, hông bên kia là xà cột, tay chống gậy le… Đã ngót tuổi bốn lăm, nhưng nhìn cách ăn vận và dáng bước phăng phăng của tôi, khối anh em trong đoàn và cả cán bộ, chiến sĩ lắm khi cũng "thèm" ra mặt, đi theo không kịp.
Trận địa pháo cao xạ 37 thuộc tiểu đoàn 10 bố trí cách trọng điểm 5 cây số. Đồng chí tiểu đoàn trưởng đón và sau đó đưa chúng tôi đi kiểm tra cách bố trí trận địa của đại đội. Chiều tối, chúng tôi ăn cơm cùng lính cao xạ. Quà cho anh em không có gì ngoài một ít thuốc lào thuốc lá.
Khi màn đêm buông xuống, cả đơn vị khẩn trương triển khai chuẩn bị đánh địch, bảo vệ xe chuyển quân, chuyển hàng vượt trọng điểm.
Chỉ huy tiểu đoàn, đại đội đều lo lắng cho chúng tôi. Biết vậy tôi nói để anh em yên tâm: Đêm qua chúng tôi đã thức trọn cùng anh eln công binh tại trọng điểm; hôm nay cách xa, chắc an toàn hơn.
Máy bay địch đánh Văng Mu đợt đầu đêm đó cũng đúng tầm đêm trước. Cách đánh trả của đại đội cũng không khác những gì tôi đã thấy. Khi máy bay đến chuẩn bị ném bom, vòng lượn của chúng nằm trong tầm hoả lực của đại đội, nhưng khi chúng bổ nhào cắt bom, thì lại ở hướng khác.
Tôi hỏi:
- Địch luôn thay đổi cách đánh, hay vẫn cứ như thế này?
Tiểu đoàn trường trả lời:
- Báo cáo, từ đầu mùa khô đến nay, thường xuyên vẫn thế.
Vậy đồng chí có suy nghĩ gì để bắn rơi máy bay, qua đó vừa bảo vệ, vừa động viên công binh và lái xe trên trọng điểm hay không?
- Báo cáo, chúng tôi được học là phải lấy mục tiêu "Tiêu diệt được máy bay địch ở bất cứ đâu".
- Thế các đồng chí thấy bắn máy bay ở vòng lượn, hay khi chúng bổ nhào, sẽ có hiệu quả hơn?
Không ngần ngại, đồng chí đại đội trưởng trả lời trước tiểu đoàn trưởng:
- Nếu đón bắt được khi máy bay bổ nhào là tốt nhất.
- Vậy các đồng chí cần bố trí lại trận địa chiến đấu!
- Báo cáo Tư lệnh, tiểu đoàn cũng đang tính.
- Nếu tiểu đoàn có ý định như thế, các đồng chí hãy lấy trọng điểm Văng Mu, bám trọng điểm để cấu trúc trận địa chốt giữ, bắn máy bay địch, bảo vệ xe qua trọng điểm và công binh làm đường…
Với tâm trạng rất hồ hởi, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10 cao xạ nói:
- Chúng tôi sẽ chấp hành lệnh của Thủ trưởng, đồng thời sẽ điện báo lên Quân khu.
Rồi như nhớ ra điều gì khá thú vị, anh nói - giọng phấn chấn hẳn lên:
- Khi còn là Chính uỷ Quân khu 4, Thủ trưởng đã cùng Tư lệnh Quân khu - Nam Long cho cơ động pháo cao xạ 37 ly giữa ban ngày ra tăng cường cho trận địa bảo vệ cầu Cấm. Lính cao xạ chúng tôi ai cũng biết tiếng.
Thế đấy, những kinh nghiệm, bài học đắt giá, đâu chỉ thuộc về quá khứ, nếu như cuộc sống hiện tại cần đến nó.
Kết thúc mấy ngày kiểm tra Binh trạm 1 và trọng điểm Văng Mu, chúng tôi tiép tục kiểm tra nắm tình hình ba trạm giao liên 13, 14, 15. Nơi đây có hai cung - một cung đường khá bằng phẳng và một cung leo dốc.
Ngày 21 tháng 1 năm 1967, đoàn chúng tôi xuất phát. Hướng dẫn chúng tôi lần này là trung tá Đoàn Lược - Trường phòng giao liên. Cùng đi, có một cán bộ công binh, một bác sĩ quân y, một cán bộ chính trị và tổ điện đài.
Chiều hôm đó, chúng tôi đến trạm 13 giao liên. Đồng chí trạm trưởng giới thiệu tình hình hoạt động của trạm và dẫn chúng tôi xem nơi làm việc, công sự, lán ử cho thương binh và cán bộ dân - chính, các bãi mắc tăng võng của bộ đội hành quân, bếp Hoàng Cầm… Toàn bộ được bố trí dưới tán rừng già, cây cổ thụ, nhiều tầng. Bãi trạm rộng chừng ba héc-ta bằng phẳng, nằm cạnh bờ suối. Dưới tán rừng già có các lối đi nhỏ, lát gỗ, nối các bộ phận của trạm. Cảnh quan giống hệt công viên cây xanh, đúng như ý thơ của anh Tố Hữu viết về núi rừng Việt Bắc ngày nào: "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Bãi tập kết của bộ đội hành quân qua trạm có thể mắc được 500 tăng võng. "Khu hậu cần", ngoài hệ thống bếp Hoàng Cầm còn có lán chứa củi khô, ống bương để lấy nước. Hai góc bãi tập kết có hai trạm gác. Trạm chưa có điện thoại, nhưng là trạm trung tâm nên cũng được trang bị máy 15 W. Về dự trữ quân nhu, có mấy tấn gạo và muối. Cả trạm có một quân y sĩ.
Trở về lán chỉ huy, đồng chí đại uý trạm trưởng báo cáo:
- Mọi việc cũng như tình hình của trạm đã được Tư lệnh xem xét tôi xin trình bày thêm: đây là một trạm hoàn toàn đường bằng, nên cung độ là 25 cây số. Nếu hành quân ít người, mang vác nhẹ, mất từ 6 đến 7 giờ. Nếu đi theo đội hình trung đoàn, tiểu đoàn, mất từ 7 đến 8 giờ. Lính giao liên chúng tôi đi mất 5 tiếng…
Làm việc tại trạm giao liên xong cũng chạng vạng chiều. Đoàn chúng tôi dùng bữa chiều do trạm chuẩn bị. Bữa cơm rừng thật ngon, có măng đắng nướng và luộc, măng chua nấu cua suối, rau xanh, ngọn cây búng báng, ngọn bứa; có sắn nướng rất khéo - bọc lá chuối vùi trong than, bóc ra thơm phức…
"Chủ nhà" không bộc bạch, tôi cũng hiểu để có bữa ăn như thế này, chắc trạm đã chuẩn bị từ hôm trước.
Cơm nước xong, trạm trưởng mời chúng tôi nghỉ, dành sức cho ngày mai kiểm tra tuyến từ sáng sớm.
Chưa ngủ vội, chúng tôi vòng sang khu vực "khách" tập kết, gặp quân y sĩ của trạm đang kiểm tra bộ đội ngủ. Sau một ngày hành quân vất vả, quờ vội vài lưng cơm, bộ đội ai nấy đã yên giấc trên võng của mình. Tất cả đều có tăng, có màn.
Tôi hỏi trạm trưởng đi cùng:
- Tối nay bộ đội nghỉ ở trạm bao nhiêu. Đơn vị hay đi lẻ?
- Báo cáo, có 250 quân lẻ, bổ sung cho Tây Nguyên.
- Hành quân đường trường, bộ đội phải mang bao nhiều mỗi người?
Trưởng phòng giao liên Đoàn Lược trả lời:
- Báo cáo: năm 1965, mỗi người mang 30 ký, năm 1966, mang 25 ký. Năm nay, Tư lệnh vừa chỉ thị giảm khối lượng gạo phải mang 5 ký. Như vậy chỉ còn mang 20 ký nữa thôi.
Tôi nói luôn:
- Về nhà, chúng ta tính lại; có thể rút bớt vài ký nữa; phải làm hết sức mình để bộ đội hành quân mang nhẹ hơn, đến chiến trường nhanh hơn, khoẻ hơn và chiến đấu được ngay.
Nói là vậy, nhưng để bộ đội hành quân bớt được vài ký lương thực trên vai, đòi hỏi công tác tổ chức, điều hành của các binh trạm phải khoa học hơn rất nhiều và lực lượng giao liên trên tuyến phải năng nổ, hết mình trong vai trò của người nội trợ.
Mọi toan tính, trăn trở rồi cũng chìm sâu vào giấc ngủ. Đêm ở trạm giao liên 13, tôi ngủ trên sạp vầu - đây cũng chính là một "đặc sản" nữa.
Sáng sớm hôm sau, khi chia tay, tôi nói vui với cán bộ, chiến sĩ của trạm:
- Cảm ơn các đồng chí đã cho bữa cơm "đặc sản", dạo chơi thăm thú "công viên cây xanh", ngủ giường "delux". Mai kia thắng Mỹ, về lại phố phường, nằm mơ cũng chẳng có cảnh này.
Mọi người vui cười hể hả.
Khoảng năm giờ rưỡi, đường rừng còn lờ mờ, đoàn chúng tôi xuất phát. Lộ trình từ trạm 13 đi trạm 14. Cấp dưỡng chuẩn bị cơm nắm, nước uống. Trạm trưởng và một giao liên dẫn đường. Tôi động viên anh em: Giao liên đi mất nhiều nhất sáu giờ, đoàn ta vừa đi, vừa quan sát, cố gắng cũng chỉ mất cỡ đó.
Đầu mùa hành quân, đường mới, khá bằng phẳng. Cây trên đầu được phát quang. Dưới mặt đất, gốc cây được rà phạt, không còn vấp. Những quãng trũng đã được tháo hết nước, nhưng đôi chỗ còn bùn lệt sệt, và vắt vẫn là loại côn trùng bám dai dẳng. Đường còn quá hẹp, khiêng vác vũ khí cồng kềnh chút xíu là va vấp. Suốt cung đường này đều len lỏi dưới tán rừng già. Thảng hoặc băng qua một vài quãng trống do đồng bào đốt rừng làm rẫy. Những quãng đó, anh em giao liên kịp thời khắc phục bằng cách trồng cây le thế vào.
Thỉnh thoảng gặp một vài đoàn cán bộ, một số cáng thương binh từ trong ra, chúng tôi tránh nhường đường. Tôi lưu ý anh Lược phải nhanh chóng giảm "giờ chết" bằng cách mở đường song song - chưa cần rộng lắm.
Dọc suốt lộ trình, chúng tôi phải qua nhiều suối, nước quá đầu gối, đá lòng suối vừa to, vừa trơn, nước chảy xiết, qua lại khá vất vả; thỉnh thoảng mới có được một chiếc cầu tre hoặc mây.
Đã 11 giờ rưỡi, cả đoàn ngồi lại cạnh một dòng suối, giở cơm nắm ra ăn, vừa trao đổi tìm cách vượt suối làm sao cho bộ đội hành quân thuận tiện hơn.
Một cán bộ công binh đưa thước dây đo ngay. Suối rộng hơn năm chục mét, bờ suối cao hơn một mét.
Tôi nói:
- Đây là đường cho hành quân bộ. Việc làm các loại cầu đơn giản qua suối bằng vật liệu tại chỗ thật đơn giản. Nếu nước lũ cuốn đi, đến đầu mùa khô làm lại cũng kịp. Không thể cam chịu để bộ đội phái mò mẫm lội suối thế này; vừa chậm, vừa nguy hiểm, mất sức.
Quá trưa, chúng tôi tiếp tục lộ trình. Quãng đường này cũng như đoạn đường đã qua. Cái khác là thảng hoặc đi qua một bản người Lào Thơng. Bản nào cũng vậy, tôi thấy người dân ở đây rách mướp, xơ xác. Dẫu đã quen với cảnh gian lao, thiếu thốn của người lính, song tôi cũng không cầm lòng nổi trước những gì mà mình thấy ở bản người Lào. Tôi hỏi:
- Bình thường trạm có giúp đỡ gì cho đồng bào không?
Trạm trưởng trả lời:
- Thỉnh thoảng hỗ trợ cho bà con một ít muối - dân bản rất quý.
Biết anh em mình cũng chẳng dư dật gì tôi chỉ nhắc nếu có điều kiện thì đừng quên đồng bào. Chính bạn cũng đã dành rừng, dành rẫy để ta mở đường, lập trạm.
Đoàn chúng tôi đến trạm cuối, tính ra chỉ chậm thua giao liên chừng 15 phút. Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi ra suối tắm và sau đó đi xem xét thực địa. Cách bố trí và hoạt động của trạm 14 cững giống trạm 13; có điều ở đây thiếu cả muối, pin đèn, không có đài bán dẫn. Tôi phải dặn ngay Trưởng phòng giao liên, có kế hoạch giao cho binh trạm nào gần nhất chuyển những thứ thiết yếu đó tới ngay.
Tối đó, trạm trưởng yêu cầu chúng tôi nghỉ sớm vì cung đường ngày mai khá vất vả. Tuy chỉ 16 cây số nhưng cả leo lên đỉnh đèo, cả tụt xuống thường mất một ngày. Cách chân đèo 3 cây số phía bên kia là trạm 15. Là trạm ở chân đèo, nên thương bệnh binh từ tuyến trong ra thường ùn lại ở đó.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi rất sớm. Đi khỏi trạm chừng hai cây số, đoàn bắt đầu leo dốc. Phía trước một quãng, có chừng hơn hai chục chiến sĩ. Hết thảy họ đều mang ba lô, súng AK. Đến đỉnh đèo, thì chúng tôi đuổi kịp. Mặt trời cũng đã treo đỉnh đầu. Những tia nắng vạch tán cây điểm hoa trên mặt đất. Ngồi tựa gốc cây, mọi người giở cơm nắm ra ăn.
Ở đỉnh đèo cây thưa bóng mát. Dẫu tầm nhìn có hạn chế, nhưng sử dụng ống nhòm cũng có thể quan sát được khá xa.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết đây là một trung đội trinh sát tăng cường cho chiến trường B2. Anh em đi bộ bắt đầu từ cây số 39 đường 20, đến đó đã mất sáu ngày.
Điều tôi hết sức băn khoăn là: từ cây số 39 đến Ta Lê, đường tốt xe chạy được. Tuy địch ngăn chặn khá ác liệt, song ta có thể vượt đảm bảo an toàn, sao không tổ chức cho anh em đi xe?
Tôi hỏi một đồng chí trong đoàn:
- Đồng chí mang mấy ký?
Nhẩm tính một lát, đồng chí ấy báo cáo: quân trang, lương khô, súng đạn, thuốc quân y, đường - tất cả 18,5 ký, gạo và muối 5,5 ký; cộng hết thảy là 24 ký.
Tôi khoác hết thảy những thứ anh vừa điểm, đi đi, lại lại trong vòng 10 phút, thấy hơi nặng. Đặt ba lô, hạ súng xuống, tôi hỏi:
- Các đồng chí thấy đi xa, đường núi thế này, nên mang bao nhiêu thì vừa?
- Nên dưới 18 ký, Thủ trưởng ạ.
- Đúng, nên vậy. Chúng tôi đang tính.
Trả lời chiến sĩ trinh sát xong, tôi quay sang hỏi trạm trưởng:
- Trên đỉnh đèo, các đồng chí có tìm thấy nước không?
- Báo cáo, chúng tôi chưa kịp khảo sát. Khi hành quân, chuẩn bị vượt đèo, mọi người lấy nước ở suối cho thật đầy bi đông, lên tới đỉnh vẫn còn đủ dùng.
- Vậy nước lã à? - tôi hỏi xen vào.
Trạm trưởng ngớ người, chưa kịp đáp; tôi nhẹ nhàng nói:
- Phải cố gắng. Nếu tìm được nguồn nước trên đỉnh thì nên có bếp Hoàng Cầm, để khi nghỉ trưa, bộ đội đun nước dùng cả buổi chiều.
Quá trưa, chúng tôi tụt dốc. Anh em lính trinh sát theo sát sau.
Đường lên đèo và xuống không theo bình độ, mà lên thẳng, xuống thẳng. Có đôi đoạn được xẻ bậc, hai bên có tay vịn. Nhưng bậc quá hẹp, đường đất, nên nếu gặp mưa dầm sẽ rất trơn; đi lại nhiều, lầy lội là cầm chắc.
Đến trạm 15 - dưới chân đèo; chúng tôi tạm dừng lộ trình kiểm tra "đường dây" giao liên. Tôi nói với Trưởng phòng giao liên và hai trạm trưởng, pha chút hài hước:
- Ngày hôm nay chúng ta làm Tôn Ngộ Không, nhưng không hoá phép được. Nếu các cung đường đèo, dốc khác cũng giống thế này, thì chúng ta có tội lớn với bộ đội, cán bộ qua tuyến.
Làm việc với trạm 15 giao liên, về tình hình hoạt động của địch, tôi được trạm trưởng báo cáo:
- Máy bay địch ít oanh tạc, trừ trường hợp bộ đội hành quân bị lộ - thường ở những quãng đường trống. Cung tiếp theo đã hai lần bị máy bay địch oanh kích khi bộ đội đi trong "đường kín", nhưng do biệt kích chỉ điểm. Công việc thường xuyên của trạm là nguỵ trang kịp thời những quãng trống và cảnh giác với biệt kích, thám báo.
Tôi hỏi:
- Ở đây đi vác gạo xa hay gần?
- Báo cáo, khoảng 12 cây số. Biên chế của trạm ít, nhưng "khách" thường rất đông. Vì vậy việc gùi gạo phải làm cả đêm lẫn ngày mới kịp.
Về vấn đề này, tôi nói với đồng chí Đoàn Lược cần nghiên cứu làm đường cho loại ô tô vận tải chiến lược, dùng ô tô chở lương thực về trạm, giảm lượng mang vác cho bộ đội hành quân trên chặng đường dài trên 1.500 cây số. Trạm nào có điều kiện cần làm ngay.
Mở sáng hôm sau, cả đoàn lại lục tục lên đường. Theo hướng dẫn của mấy cán bộ công binh, thông tin, chúng tôi đi tắt sang phía tây đường giao liên, thẳng tới chỗ bộ đội thông tin đang thi công đường dây tải ba, cách sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 18 cây số.
Đường khá bằng phẳng, râm mát, nên chúng tôi cố đi thật nhanh. Gần trưa, đoàn nghỉ ăn cơm trên bờ một con suối lớn chảy ra sông Xê Băng Hiên. Cơm nước xong, đồng chí kỹ sư công binh trải bản đồ, xác định từ chỗ đang ngồi, tới nơi bộ đội thông tin lắp đặt dường dây và từ đó về tới sở chỉ huy Bộ Tư lệnh. Để kịp thị sát công việc của bộ đội thông tin và về sở chỉ huy trong buổi tối hôm đó chúng tôi phải đi thật nhanh, phải tính từng khắc.
Chính "ngọ", chúng tôi tới "công trường" đường dây của bộ đội thông tin. Phụ trách trực tiếp ở đây là Phó chủ nhiệm thông tin Hoàng Đình Quý - một cán bộ có trình độ chuyên môn vững, năng nổ. Anh đón chúng tôi và hướng dẫn kiểm tra một quãng gồm năm cột. Vòng về lán chỉ huy dã chiến, Hoàng Đình Quý báo cáo:
- Theo lệnh của Tư lệnh, bước một, chúng tôi đang cho hoàn tất khảo sát, thiết kế, đồng thời kết hợp thi công đường dây trần tải ba theo một dường thẳng từ Binh trạm 1 ở Xiêng Phan đến đường 9 - dài 160 cây số. Từ kinh nghiệm thi công chặng đầu, sang năm chúng tôi tiếp tục kéo dài cho tới khi hoàn tất tuyến tây Trường Sơn đến ngã ba biên giới, với tổng chiều dài hơn 800 cây số.
- Tại sao chỉ đến đó? - Tôi hỏi.
- Chúng tôi tính sơ bộ - Hoàng Đình Quý trả lời - chúng ta chỉ có thể thi công trong mùa khô, chỉ 800 cây số cũng phải làm đến năm 1969 mới xong.
- Đồng chí là một nhân vật tích cực, phải tính theo cấp số nhân chứ.
- Báo cáo, nếu Tư lệnh cho đầy đủ điều kiện, chúng tôi sẽ tính khác.
- Tất nhiên - Tôi trả lời - về nhà chúng ta sẽ tính kỹ để kiến nghị lên Bộ. Nhưng đồng chí nên nhớ từ khu vực ba biên giới rẽ sang Tây Nguyên, nối vào tuyến đông Trường Sơn, kéo vào Bù Gia Mập (nay là Bình Phước) còn hơn 500 cây số nữa. Như vậy chiều dài tuyến đường dây phải là 1.350 cây. Sau đó, chúng ta phải tính đến cả tuyến đông Trường Sơn, đến Khu 5. Đối với tuyến tây Trường Sơn, bước đầu các đồng chí làm được như vậy là tốt rồi.
Hoàng Đình Quý nói:
- Báo cáo Tư lệnh, để bảo đảm chất lượng và an toàn đường dây, chúng tôi vừa phải giữ cây để nguỵ trang, vừa thường xuyên tỉa cành cắt lá, làm sạch dưới cột, để đi tuần. Cứ cách ba cột, có một công sự cá nhân. Ở đó có dự trừ một ít dây và dụng cụ. Địch đánh hỏng ở đâu, chúng tôi sẽ sửa chữa ngay đó.
Tôi gợi ý anh em lính thông tin nên lợi dụng thân cây to làm cột vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm độ vững chãi và kín đáo, địch khó phát hiện.
Chia tay những người lính thông tin năng động và quả cảm, chúng tôi chúc anh em thắng lợi; không quên tặng một ít thuốc lá, thuốc lào và hai chai thuốc trị rắn cắn.
Hoàng Đình Quý không giấu được tâm trạng hồ hởi, liền nói:
- Mấy hôm nữa, Tư lệnh sẽ thấy được kết quả cụ thể qua trạm cơ vụ gần sở chỉ huy Bộ Tư lệnh.
Tôi nắm chặt tay anh, đầy tin tưởng.
Về sở chỉ huy, tôi yêu cầu các thành viên đoàn trinh sát thực địa, theo chức trách của mình, nghiên cứu và khẩn trương tổng hợp kiến nghị riêng.
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình chung ở Bộ Tư lệnh, kết quả khảo sát trọng điểm, kết hợp với kinh nghiệm chỉ đạo ở tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phưong, kinh nghiệm chỉ huy tác chiến bộ binh, cao xạ…, tôi thấy có nhiều vấn đề cần chuẩn bị thật kỹ để đưa vào tổng kết cuối mùa khô 1966-1967, nhưng để phục vụ cho công tác chỉ huy, chỉ đạo, trước mắt cần nêu một số vấn đề cấp bách để thống nhất trong Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh.
Được anh Chiêm nhất trí, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh làm việc gần trọn ngày. Trong cuộc họp quan trọng này, tôi tập trung đề cập vấn đề đánh giá địch, ta và thời tiết Trường Sơn; qua đó, sơ bộ nêu một số việc cần điều chỉnh, sửa đổi như: Xác định thứ tự ưu tiên thực hiện chỉ tiêu kế hoạch vận tải cho các chiến trường, lãnh đạo tư tưởng tác chiến, chiến thuật cho các binh chủng; tổ chức chỉ huy hiệp đồng cấp binh trạm; bảo đảm các mặt: kỹ thuật, hậu cần; điều trị thương, bệnh binh, thông tin…
Báo cáo trước tập thể Thường vụ Đảng uỷ, tôi đánh giá cao ý chí kiên cường và nỗ lực lớn của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong trong mở đường, bảo đảm giao thông, đánh địch, vận tải, bảo đảm giao liên hành quân… Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, giải quyết, như: Không đánh giá đúng tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch trên tuyến. Từ thực tế địch đánh phá liên tục và ngày càng ác liệt, một số anh em mới thấy cái mạnh của địch, mà chưa thấy những điểm yếu, hạn chế của chúng; chưa thấy được cái mạnh thuộc về bản chất của ta, mà chỉ thấy, hoặc quá nhấn mạnh những khó khăn, yếu kém của ta. Dẫn đến tình trạng đánh giá địch quá cao; có những biểu hiện dao động, nặng về bị động phòng tránh, bằng tâm với lối làm ăn nhỏ lẻ nhưng an toàn hơn. Kết cục là hiệu quả vận chuyển chi viện thấp, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng lớn của các chiến trường.
Về đánh giá địch-ta, tôi khẳng định: Trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, chúng "ta cùng lúc phải chiến đấu chống hai kẻ thù là Mỹ - nguỵ và thời tiết nghiệt ngã của rừng nhiệt đới".
Khó khăn do "mưa ngàn, suối lũ" là vô cùng lớn, nhưng có quy luật của nó, ta sẽ khắc phục từng bước.
Về kẻ thù thứ nhất: Tình hình hoạt động, đánh phá của địch trên tuyến thời gian qua cho thấy, không quân Mỹ với nhiều loại máy bay và bom đạn hiện đại, có sức tàn phá ngăn chặn lớn, song trên một tuyến có chính diện rộng, kéo dài, đã bộc lộ rõ khả năng có hạn, không thể kiểm soát hết mọi chỗ. Tại những điểm tập trung cao, mỗi ngày địch đánh phá từ 6 đến 10 đợt, mỗi đợt từ 15 đến 25 phút, cộng lại thời gian đánh phá mỗi ngày cao lắm khoảng hơn ba giờ. Nhưng tập trung đánh nơi này thì bỏ lỏng nơi khác, đánh phía cửa khẩu nhiều thì giảm phía trong, đánh ban ngày nhiều thì giảm ban đêm. Thực chất không quân Mỹ có làm chủ ở mức độ nhất định, chứ không phải làm chủ hoàn toàn về thời gian và không gian. Ở mặt đất, ta mới là người làm chủ. Ta lại có nhiều lợi thế, am hiểu địa hình, có công sự, có cây rừng che phủ; các lực lượng trên tuyến đều dũng cảm, mưu trí. Nếu được trang bị thêm về kiến thức quân sự, nghệ thuật quân sự và tư tưởng tiến công, thực sự biến tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thành một chiến trường, với phương châm "Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển" thì nhất định hiệu quả sẽ khác. Ta sẽ phát huy cao độ mặt mạnh của ta, hạn chế tối đa mặt mạnh của địch.
Để nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác, cần vận dụng các quan điểm tư tưởng quân sự của Đảng vào lĩnh vực vận tải quân sự.
Quan trọng nhất là tư tưởng tiến công. Tư tưởng tiến công, chủ động tiến công, kiên quyết tiến công là bản chất của cách mạng vô sản, mãi mãi vẫn là chân lý. Vấn đề là chúng ta phải vận dụng vào từng nơi, từng lúc, từng binh chủng cho phù hợp, sáng tạo…
Đối với bộ đội cao xạ, từ nay phải bố trí lại trận địa bám sát các mục tiêu bảo vệ, lấy chốt trọng điểm là chính, kết hợp với cơ động thích hợp. Từ trận địa bám trụ ở trọng điểm mà đánh tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ đội hình hành tiến của bộ đội xe, đội hình tác nghiệp của công binh và bảo vệ cầu đường, làm cho xác suất bom đạn giảm, tổn thất của ta ít, tốc độ vận chuyển tăng.
Đối với bộ đội công binh, phải xây dựng công sự bám trụ ở ngay trọng điểm, coi chốt trọng điểm như trận địa chiến, tăng công cụ cải tiến, tăng máy húc, xe ben, thuốc nổ để giảm bớt người mà vẫn ứng cứu khắc phục phá hoại nhanh. Kết hợp chống phá hoại với mở rộng mặt đường, thực hiện "địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe qua càng nhanh". Đồng thời dành một lực lượng cơ động để liên tục mở đường mới. Từ việc mở các đường tránh cục bộ
Ở từng trọng điểm sẽ nối dần lại thành một tuyến mới song song.
Nắm vững quy luật đánh của địch, lợi dụng thời tiết, sương mù, trần mây thấp, từ "lấn sáng, lấn chiều" chuyển sang làm đường ban ngày là chính, ban đêm tập trung khắc phục hậu quả và ứng cứu cho đội hình xe.
Đối với bộ đội vận tải: Phải xem bộ đội vận tải ô tô là chủ lực quân để tổ chức hiệp đồng binh chủng. Đây là một nghệ thuật chưa có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh của quân đội ta; là một sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Làm như vậy, bộ đội vận tải mới có đủ điều kiện để đương đầu với sự đánh phá, ngăn chặn của địch, mới thoát khỏi cảnh "đơn thương, độc mã". Từ nay, bộ đội vận tải ô tô phải chuyển sang tổ chức thành đội hình nhiều thê đội quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn, có chỉ huy chặt chẽ; xoá lối đi tự do từng chiếc, từng tốp nhỏ. Xây dựng các căn cứ tập kết xuất phát an toàn với nhiều đường tiếp cận ra đường trục chính; vừa tổ chức nghi binh tốt, vừa tận dụng sương mù và thời tiết để chạy lấn chiều lấn sáng, để tăng thời gian xe lăn bánh, lợi dụng pháo sáng và quy luật đánh phá của địch, chủ động và liên tục tiến công, luôn đạt hiệu suất cao, vượt cung tăng chuyến.
Không quân địch thường tập trung đánh vào trọng điểm nhằm tạo ưu thế chặn đứng đội hình xe tiến công, chia cắt hệ thống giao thông. Vì vậy phải tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại nơi đó, đánh bật địch, bảo vệ đội hình xe vượt trọng điểm. Đây là hình thức tác chiến ở trình độ cao, bảo đảm thắng lợi cho từng chuyến vận chuyển.
Bộ đội giao liên, là lực lượng ra đời sớm nhất trên tuyến, đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn; là những con người đã xoi đường, vượt đại ngàn Trường Sơn bằng ánh sáng Đảng trao, bằng lửa được thắp lên từ con tim đầy nhiệt huyết cách mạng. Đá núi phải mòn, sông sâu cũng phải khuất phục bởi những bước chân những chiến sĩ giao liên. Hiện nay, trong điều kiện chưa tổ chức hành quân cơ giới phổ biến được, công việc cấp bách trước mắt là phải tăng cường công binh để cải tạo cầu, đường đi bộ cho đội hình hành quân quy mô lớn ra chiến trường theo nguyên tắc "Đảm bảo trên không va, dưới không vấp", phải giữ tán rừng làm màn nguỵ trang. Ở những cung địa hình bằng phẳng, không mở rộng đường, nhưng cần mở hai đường song song hoặc đường tránh, đảm bảo đường đi vào đường đi ra, đường vượt của phân đội nhỏ, bộ phận đi lẻ; mặt đường nơi ẩm ướt phải rải sỏi, lát gỗ. Các nơi qua đèo, phải làm đường đi theo bình độ để không leo thẳng đứng; đoạn nào quá dốc, phải làm bậc, cắm cọc đề phòng trượt, ngã. Tất cả những nơi qua suối cạn, thì ngầm phải lát đá cao khỏi mặt nước. Các suối sâu, sông, đều phải làm cầu bằng vật liệu có sẵn tại chỗ như mây, song, tre, nứa, gỗ; lũ kéo trôi đi thì bắc cầu lại; triệt để không cam chịu cảnh cơ cực, đầu hàng đối với những việc làm trong tầm tay của mình.
Bộ đội thông tin trên đường Hồ Chí Minh, vừa làm nhiệm vụ thông tin chiến dịch cho bản thân tuyến, đồng thời đang bắt đầu xây dựng thông tin chiến lược. Qua thực hiện đưn thông tin hữu tuyến kết hợp bộ đàm sóng ngắn, nối giữa Bộ Tư lệnh 559 với các trọng điểm Văng Mu, Cốc Mạc, đã làm sôi động hẳn trực ban của Bộ Tư lệnh, tạo tiền đề từ chỉ đạo đơn thuần chuyển lên kết hợp chỉ huy. Khi "thần kinh trung ương" đã tiếp nhận thông tin đầy đủ kịp thời, thì toàn cơ thể có đủ sức mạnh, đứng vững trong mọi tình huống để chủ động tiến công…
Lực lượng bộ binh từ trước tới nay đã phối hợp cùng các binh chủng khác và quân dân bạn Lào đánh tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai để tuyến hành lang mở rộng được chính diện và chiều sâư, đồng thời là lừc lượng bảo vệ đắc lực vòng ngoài. Ở họ, đã thực hiện rõ nét tư tưởng tiến công trong đánh tập kích và đánh vận động. Nay, cần phải tính toán để phát triển lực lượng, tăng cường hoả lực; tăng cường phối hợp chiến đấu và xây dựng cơ sở với quân và dân bạn ở Trung - Hạ Lào.
Các tổ chức, các lực lượng bảo đảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu hãy lấy các binh chủng hợp thành nói trên để làm "điểm ngắm" thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Các binh trạm phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của bộ đội hợp thành, biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào đặc điểm chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược, khắc phục cách làm cũ chỉ biết vận tải đơn thuần. Cơ quan Bộ Tư lệnh cũng chuyển hẳn sang chỉ huy hiệp đồng binh chủng, không phải dừng lại ở chỉ đạo. Phải tăng cường nhanh trang bị và phương tiện xây dựng mạng thông tin đa phương tiện, thông suốt liên tục đảm bảo chỉ huy trực tiếp của Đoàn với các binh trạm phía bắc (từ cửa khẩu đến bắc Bạc), nắm trực tiếp từ một đến hai trọng điểm ở gần như Văng Mu, Cốc Mạc. Sau đó khẩn trương triển khai bảo đảm chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh với các binh trạm phía nam.
Vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải biết tạo thời cơ và nắm thời cơ. Khi thời cơ đến phải huy động cao độ sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Hiện nay mùa khô chỉ còn ba tháng.
Phải động viên các lực lượng tranh thủ từng giờ từng phút, bằng mọi biện pháp thực hiện chỉ tiêu vận tải tháng 2 năm 1967, giao đến các chiến trường đủ số lượng, chủng loại, kịp thời, ưu tiên tới các chiến trường xa.
Giải quyết được cơ bản những vấn đề trên hoàn toàn không đơn giản, không thể trong ngày một ngày hai. Công tác chính trị tư tưởng - công tác con người lúc này phải tập trung làm chuyển biến cho được tư tưởng tiến công; khắc phục tư tướng dao động, phòng tránh đơn thuần; đồng thời không coi nhẹ những biểu hiện giản đơn, lơ là mất cảnh glác. Đặc biệt, công tác chính trị tập trung xây dựng được một tập thể cán bộ chủ trì, ngoài mục tiêu, lý tưởng, ý chí quyết tâm cao, còn phải có tác phong công tác sâu sát, cụ thể; phải thực hiện được năm trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp kiểm tra; trực tiếp xử lý công việc kịp thời, đặc biệt ở nơi khó, lúc khó; trực tiếp tổ chức hiệp đồng chỉ huy chiến đấu…
Sau báo cáo của tôi, anh Lê Đình Sum báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động của tuyến trong 15 ngày đầu tháng.
Sau khi anh Sum kết thúc báo cáo, Chính uỷ Vũ Xuân Chiêm phát biểu:
- Hôm nay chúng ta chủ yếu nghe báo cáo của đoàn kiểm tra do đồng chí Tư lệnh trực tiếp dẫn đầu đi thực địa về. Báo cáo được Tư lệnh trình bày có tính tổng hợp cao. Năm trước và từ đầu mùa khô đến nay, chúng ta đã được nghe phản ánh tình hình nhiều lần. Nhưng chỉ là tình hình, thiếu phân tích khoa học. Lần này, từ góc độ nghệ thuật quân sự, đồng chí Tư lệnh đã phân tích một cách khoa học, biện chứng, có tính thuyết phục cao.
Sau đó, anh Chiêm và các anh trong Thường vụ Đảng uỷ đề nghị tôi cho chỉnh lý lại một số nội dung của báo cáo để quán triệt cho hội nghị quân chính toàn tuyến đầu tháng 2 tới. Đồng thời, Bộ Tư lệnh thống nhất điện đề nghị Bộ và Tổng cục Hậu cần giải quyết một số vấn đề hết sức cấp bách mà trong báo cáo, tôi đã đề cập.
Tôi nhất trí quyết định của Thường vụ, và nhấn mạnh một số vấn đề: Trước hết chúng ta phải tự điều chỉnh các tổ chức, các lực lượng binh chủng cần thiết để kịp tác chiến trong tháng 2 năm 1967, trên cơ sở quân số, phương tiện, trang bị kỹ thuật, vật tư mà Bộ, Tổng cục bổ sung đầu mùa khô. Các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần theo hướng đó để chuẩn bị cho hội nghị cán bộ giao kế hoạch tháng 2 năm 1967. Riêng báo cáo tóm tắt hoạt động của tuyến 15 ngày đầu tháng 1, tối nay tôi sẽ điện báo cáo về Bộ, về Tổng cục, cùng với một số đề nghị:
- Trên cơ sở quân số, trang bị hiện có sau khi được bổ sung, cho phép Bộ Tư lệnh 559 được tự điều chỉnh, tổ chức thêm các đơn vị binh chủng từ cấp tlểu đoàn trở xuống.
- Các đơn vị cao xạ, công binh, thông tin, ô tô từ cấp trung đoàn trở xuống và lực lượng thanh niên xung phong mà các quân khu, các tỉnh điều vào hoạt động trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, nếu không có gì trở ngại, nên giao trực thuộc Bộ Tư lệnh 559 trong tháng 2 năm 1967. Riêng Đoàn 565 - chuyên gia giúp bạn, sau khi làm việc với đơn vị đó, sẽ có báo cáo tiếp về Bộ.
- Công binh của Quân khu 4, của Bộ Quốc phòng, hiện đang phụ trách đường 15, đường 20, nên thay bằng lực lượng của Ban 67.
- Bộ Giao thông và tăng cường thêm thanh niên xung phong để điều các đơn vị công binh bổ sung cho Đoàn 559 mở đường mới.
Hai ngày sau, tôi trực tiếp nghe đồng chí Lê Đình Sum báo cáo hoạt động cụ thể của tuyến và tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương.
Anh Sum còn nói thêm:
- Chiều qua, Bộ Tổng tham mưu và anh Đinh Đức Thiện đã đồng ý đề nghị của anh. Riêng công binh, chậm nhất, ngày 15 tháng 2 năm 1967 sẽ giao tại Binh trạm 14, đường 20.
Thật mừng, bởi nguyện vọng của tuyến được cấp trên giải quyết hết sức mau lẹ. Nhưng lúc này mừng đấy và lo cũng đấy. Nếu không được việc thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chúng tôi.
Sau khi hoàn chỉnh tài liệu theo đề nghị của Thường vụ và được thông tin về những quyết định mới nhất của cấp trên, tôi đề nghị ngay ngày hôm đó (29-l-1967) Thường vụ thông qua báo cáo của tôi về đánh giá tình hình, quan điểm, tư tưởng cần quán triệt và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch hết mùa khô 1966-1967, cùng chỉ tiêu kế hoạch tháng 2, tiến hành hội nghị: quân chính gấp. Tiếp đó, đến tháng 4, Bộ Tư lệnh sẽ bàn phương hướng mùa mưa và chuẩn bị cho mùa khô 1967-1968.
2
Đúng ngày 30 tháng 1 năm 1967, hội nghị quân chính toàn tuyến khai mạc. Hơn 120 cán bộ cấp trung đoàn, binh chủng và các binh trạm từ bắc Bạc trở ra về dự. Nhìn những khuôn mặt gầy gộc, xanh xao; những hốc mắt thâm quầng vì thiếu ngủ…, tôi hình đung nỗi lo toan, vất vả, thiếu thốn của những cán bộ thuộc quyền; rồi cứ lý mà suy, hàng chục nghìn chiến sĩ, thanh niên xung phong trên tuyến chắc là cơ cực hơn nhiều.
Tôi thay mặt Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh trình bày báo cáo nhiệm vụ chi viện mùa khô 1966-1967; chủ yếu trình bày các quan điểm, tư tường tiến công; về đánh giá địch-ta, và khẳng định phải lấy phương thức vận tải cơ giới làm chủ yếu như đã trình bày ở trên.
Anh Lê Đình Sum báo cáo chỉ tiêu kế hoạch tháng 2 năm 1967; phân bổ cụ thể về tổ chức lực lượng, điều chỉnh thế trận theo chủ trương chung của Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh. Tiếp đó, đồng chí Chủ nhiệm chính trị báo cáo kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị.
Đại biểu đơn vị phát biểu cởi mở, thắng thắn. Tất cả đều nhất trí những vấn đề cơ bản được đề cập và phân tích trong báo cáo chung, tin tưởng về đơn vị đã có "gậy" vững chắc, nhất định sẽ làm được. Cá biệt, có đơn vị đề nghị nâng chỉ tiêu kế hoạch tháng 2 này.
Dự kiến họp hai ngày, nhưng chỉ sau một ngày làm việc sôi nổi, hiệu quả, mọi nội dung đã được giải quyết thoả đáng. Hội nghị kết thúc. Bữa cơm chiều ngày 30 tháng 1, tuy đạm bạc, nhưng không khí rực lửa. Tối đó, Cục Chính trị "chiêu đãi" phim, nhưng cán bộ đơn vịt không. Ở lại. Xe, hàng, đường, trọng điểm… đang chờ họ.
Cán bộ đơn vị về rồi, mấy anh em chúng tôi trong Thường vụ và Bộ Tư lệnh ngồi lại, thống nhất đánh giá: Cuộc họp ngắn gọn, nhưng do chuẩn bị tốt, nên rất hiệu quả. Chắc chắn, sau hội nghị này, tình hình chuyển biến tốt.
Tiếp theo, Bộ Tư lệnh nghe các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần phân bổ cụ thể nhân lực, súng - pháo, xe, phương tiện kỹ thuật…, theo chủ trương chấn chỉnh đơn vị cũng như cơ quan Bộ Tư lệnh.
Mấy ngày sau đó, tôi trực ở sở chỉ huy, theo dõi công việc các đơn vị, binh trạm triển khai sau hội nghị quân chính; điện nhắc nhiệm vụ trọng điểm trước mắt của các đơn vị là chỉ tiêu kế hoạch công tác tháng 2, không vì điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, thế trận mà ảnh hưởng tới nhiệm vụ trọng tâm.
Chiều ngày 3 tháng 2, tôi nhận được điện của anh Đinh Đửc Thiện báo anh Chiêm và tôi ra ngay sở chỉ huy Tổng cục Hậu cần tiền phương ở Thanh Lạng, Tuyên Hoá, Quảng Bình để bàn việc điều chỉnh, tăng kế hoạch vận chuyển chi viện những tháng còn lại của mùa khô 1966-1967.
Sáng ngày 5 tháng 2, chúng tôi có mặt ở Thanh Lạng gặp anh Đinh Thiện nắm lại toàn bộ hoạt động tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương và nội dung làm việc với anh Đinh Đức Thiện.
Sáng hôm sau, anh Đinh Đức Thiện vào. Sau những cử chỉ cởi mở khác thường, anh vui vẻ nói:
- Các cậu đã thấy hết tính căng thẳng của nghề nghiệp chưa? Đây, mình tặng một ít "khói, lửa" để thức đêm.
Liền đó, đồng chí thư ký chuyển cho chúng tôi độ chục "cây" thuốc Điện Biên, một ít chè Thái Nguyên.
Hỏi chuyện thân tình chốc lát, anh Thiện đi thẳng vào công việc và nói:
- Ở nhà, Tổng cục và Bộ theo dõi, thấy tháng 12 năm 1966 và tháng 1 năm 1967 vừa rồi, cả hai tuyến đều hoạt động có hiệu quả tốt. Quân uỷ và anh Văn cử tôi thay mặt Quân uỷ biểu dương các đồng chí, đồng thời bàn tiếp một nhiệm vụ mới hết sức quan trọng. Theo báo cáo của các chiến trường, tình hình tác chiến của ta phát triển khá đều. Các chiến trường, các hướng đều yêu cầu tăng quân, súng, đạn hoả lực ngoài chỉ tiêu mà Bộ đã thông báo. Trước khi Bộ trả lời, anh Văn muốn tôi bàn với các anh trước. Mức giao trước đây là 20.000 tấn vũ khí cho các hướng và 37.000 quân cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Chỉ tiêu tới sẽ tăng gấp đôi, bao gồm cả gạo do tuyến Xê tư (C4) chuyển giao cho Tây Nguyên. Quân uỷ thấy đây là một khó khăn mới đối với tuyến 559. Tuy vậy, theo yêu cầu của chiến trường, tăng là thuận chiều đối với nhiệm vụ của chúng ta… Chỉ tiêu kế hoạch tăng đột biến, vậy các đồng chí có đề đạt gì không?
Tôi trả lời:
- Báo cáo anh, trên đường ra đây, tôi và anh Chiêm đã dự đoán điều anh vừa nói. Chúng tôi nói đùa với nhau rằng với bề dày kinh nghiệm của "mình", thế nào "Cụ Thiện" cũng nắn gân 559. Hai trở ngại của tuyến, anh đã rõ là địch và thời tiết.
Địch có thể gây tổn thất, nhưng tổn thất nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào ta.
Về thời tiết trong lúc cầu đường mang tính dã chiến, thì hoàn toàn phụ thuộc vào "Trời". Không phải chỉ tắc đường cục bộ, mà có thể ngừng toàn tuyến. Mùa khô còn ba tháng, nhưng chỉ vẻn vẹn tháng rười là thời tiết tốt. Giữa tháng 1 vừa rồi, sau khi vào tuyến, tôi đã tranh thủ thị sát trận địa và đã có báo cáo lên các anh. Các nơi đã kiểm tra, chúng tôi thấy anh em nắm chắc nhiệm vụ rất dũng cảm, mưu trí, cán bộ trách nhiệm cao… Nhưng, cái hạn chế lớn nhất là các lực lượng thiếu sự chỉ huy tập trung thống nhất. Binh chủng hợp thành là sức mạnh tổng hợp lại chưa hình thành, chưa ngang tầm. Nghệ thuật, chiến thuật tác chiến, tác phong chiến đấu của các lực lượng vận dụng vào vận tải quân sự trong chiến tranh, chưa có sách vở nào dạy, nên các lực lượng đang tác chiến theo nguyên tắc chung, chưa theo được tình hình nhiệm vụ… Hệ thống sở chỉ huy từ Bộ Tư lệnh xuống binh trạm, các lực lượng công binh, cao xạ, xe… chưa bám đường, bám trọng điểm… Các cấp chỉ huy còn nặng tác phong chỉ đạo, chưa tạo được tác phong chỉ huy.
Nhìn tổng thể, tất cả các lực lượng, các phần việc chưa tạo thành một dây chuyền liên hoàn, còn lãng phí thời gian và bỏ mất nhiều thời cơ cụ thể. Tháng 12 năm 1966 và tháng 1 năm 1967, các chỉ tiêu vận tải, cầu đường, hành quân, đánh địch vượt kế hoạch. Nhưng nếu có được sức mạnh tổng hợp, không lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ thì hiệu quả sẽ còn cao hơn.
Cách đây năm hôm, chúng tôi đã tiến hành hội nghị quân chính từ bắc Bạc trở ra, nhằm quán triệt tư tưởng chỉ đạo, chỉ huy, điều chỉnh một số lực lượng và giao nhiệm vụ cụ thể tháng 2 năm 1967, chỉ tiêu cơ bản gấp hai lần tháng 1. Sau hội nghị, cán bộ cơ quan cũng như đơn vị hết sức phấn khởi, tin tưởng. Với yêu cầu mới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch của mình. Về đề đạt trên - do mùa khô chỉ còn nửa thời gian, cộng với tình hình tuyến đang vừa có chủ trương điều chỉnh bố trí lực lượng, nếu có thể Bộ nên giao chỉ tiêu gấp rưỡi thì tính khả thi cao.
Anh Thiện nói:
- Chiến tranh diễn biến mau lẹ, khôn lường. Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề của các anh; tăng, giảm, thay đổi kịp thời là tất yếu.
Sáng hôm sau, anh Đinh Đức Thiện chia tay chúng tôi, trở ra Hà Nội. Tôi và anh Chiêm ở lại Thanh Lạng giải quyết một số công việc cần thiết của tuyến Tổng cục Hậu eần tiền phương. Sau đó anh em chúng tôi chia nhau mỗi người mỗi đường trở vào, kết hợp quán triệt cho một số binh trạm những vấn đề đã được hội nghị quân chính thông qua và những yêu cầu mới.
Anh Chiêm vào theo đường 20; tôi theo đường 12 để kiểm tra Binh trạm 12. Sau khi làm việc với Ban chỉ huy Binh trạm 12, Chính uỷ binh trạm Nguyễn Việt Phương đưa tôi đi tiếp quãng đường vào Binh trạm 1. Biết là không mấy an toàn, nhưng tôi vẫn quyết định cho xe xuất phát sớm.
Là người có khiếu văn chương, dọc đường Việt Phương chuyện trò dí dỏm. Đến Cổng Trời - một trọng điểm địch đánh phá vô cùng ác liệt, anh đề nghị dừng xe chốc lát để ngắm cảnh quan ở đây. Đúng là một chiếc cổng khổng lồ thiên tạo nằm ở bình độ khá cao. Đá hai bên dựng đứng từng khối, được tôn thêm vẻ uy nghi vào lúc chiều tà… Thật là tuyệt tác? Qua Cổng Trời là tới đèo Mụ Giạ? Cha Lo… Tôi chợt nhớ câu thơ ai khắc lên vách đá dọc con đường này, mà tôi đọc được khi, thoát ly sang Thái Lan vào cuối năm 1943:
"Cha Lo suối lượn chín khúc
Mụ Giạ hai hàng sừng sững chia đôi".
Cố gắng lắm, tối hôm đó, chúng tôi mới tới sở chỉ huy Binh trạm 1 ở Na Tông - nằm trên trục đường 128 thuộc địa phận Lào, gần "túi nước" Xiêng Phan. Lính lái xe Trường Sơn rất "ngán" túi nước này vào thời gian đầu hoặc cuối mỗỉ mùa vận chuyển.
Nghỉ một đêm, sáng hôm sau, tôi tranh thủ làm việc với Ban chỉ huy binh trạm. Chính uỷ Dương Văn Hoà báo cáo:
- Lần này dự họp quân chính, được trang bị những vấn đề rất cơ bản, là cơ sở để đơn vị triển khai tích cựe và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Bộ Tư lệnh giao. Toàn binh trạm đang chuyển biến tốt.
Tôi lưu ý binh trạm cần chủ động hiệp đồng với Binh trạm 12; dứt điểm khối lượng vận chuyển chi viện cho tỉnh Khăm Muộn trong tháng 2. Sau khi nắm thêm tình hình điều chỉnh trận địa và hoạt động tác chiến của tiểu đoàn 18 pháo cao xạ, chúng tôi đề nghị cho tới thăm tiểu đoàn 51 vận tải ô tô.
Khi tôi dến, lái xe tiểu đoàn đã quây quần quanh các hầm chữ A. Những ánh nhìn cởi mở, lanh lợi, hồ hởi…, cũng không giấu nổi vẻ mất ngủ của những chàng trai trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ.
- Các đồng chí có đạt chỉ tiêu mỗi đêm một chuyến không?
Vừa dứt câu hỏi của tôi, nhất loạt đồng thanh: Có! Và như chủ định tung "át chủ bài" của tiểu đoàn ra để cấp trên biết, lập tức "dũng sĩ" Hà Văn Tơ đứng lên nói:
- Báo cáo Tư lệnh, nếu cao xạ cứ đánh thật mạnh, công binh tác nghiệp thật lẹ như mấy hôm nay, quân lái xe chúng em sẵn sàng tăng tốc, mỗi đêm một chuyến. Cao xạ đánh như vừa rồi, lái xe hả dạ lắm.
Tôi phấn khởi, động viên.
- Chúc mừng các đồng chí đã vượt lên khó khăn, thử thách, lập được chiến công. Sắp tới phải lập nhiều chiến công hơn nữa.
Sẵn có thuốc, chè anh Đinh Đức Thiện vừa tặng, tôi tặng lại anh em một ít. Không khí gặp gỡ cán binh vừa cởi mở, hồ hởi, càng sôi nổi hơn. Tôi như thấy trong ánh mắt từng chiến sĩ của mình có lửa.
Bao công việc chờ đợi, không cho phép "rong ruổi" lâu trên đường, tôi phải về sở chỉ huy tối hôm đó. Đường vào phải vượt trọng điểm Pác Pha Năng - cách Binh trạm 1 khoảng 12 cây số.
Tôi hỏi Binh trạm trưởng Nguyễn Chúc:
- Ban đêm, địch đánh trọng điểm bắt đầu từ lúc nào?
- Báo cáo, thường từ 7 giờ tối trở đi.
- Thế các đồng chí chuẩn bị xe, tôi đi lúc bốn rưỡi.
- Báo cáo Tư lệnh: sớm quá!
- Ở hội nghị quân chính, các đồng chí đã đồng ý phải tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi cơ mà?
Anh Nguyễn Chúc bí thế, gãi gãi cái sẹo bên cằm, rồi ấp úng:
- Báo cáo, đó là chúng tôi. Còn Tư lệnh, chúng tôi phải bảo đảm an toàn.
- Muốn an toàn, nhất thiết phải đi vào lúc địch chưa đánh. Nhất định bốn rưỡi chiều, tôi sẽ xuất phát!
Buộc lòng, Binh trạm trưởng và Chính uỷ binh trạm phải đồng ý để tôi lên đường, và anh Nguyễn Chúc trực tiếp cùng chúng tôi vượt trọng điểm.
Tới gần Pác Pha Năng, tôi cho xe dừng lại, dẹp vào chỗ có tán cây và có công sự, để quan sát. Bỗng chốc tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 18 cao xạ và tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 công binh từ phía trước hộc tốc chạy lại, chào, báo cáo rất chính quy.
- Chúng tôi không cho thông báo trước, tại sao các đồng chí biết? - Tôi hỏi.
Một đồng chí trả lời:
- Chúng tôi biết Tư lệnh ở lại Ban chỉ huy binh trạm tối qua, chắc hôm nay sẽ vào. Còn đi vào giờ nào thì không được thông báo. Biết Tư lệnh hay "đột kích" đến các trọng điểm vào những lúc gây cấn nhất để nắm tình hình, nên rủ nhau trực sẵn.
- Thế là phục kích tôi à? Xin cảm ơn!
Giữa nơi được coi như "tử địa", nhưng mọi suy nghĩ hành động gặp nhau ở mục tiêu chung nhất, tình thế trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tất cả vui vẻ, vào việc luôn.
Đồng chí tiểu đoàn trường công binh giới thiệu toàn cảnh trọng điểm, nơi địch tập trung oanh kích dữ nhất.
Tôi nói:
- Chỗ nào không lực Mỹ "thích", các đồng chí tổ chức nghi binh thật giỏi, "mời" chúng đến ném bom; tạo nên nhiều quãng yên ả khác để xe chúng ta đi.
Quay sang đồng chí tiểu đoàn trưởng cao xạ, tôi nói tiếp:
- Lính lái xe bắt đầu yêu mến các đồng chí rồi đấy. Về phần các đồng chí phải làm sao để họ yêu thật say đắm như trai gái yêu nhau mới đạt. Vì miền Nam, vì bạn bè quốc tế, chúng ta phải gắng hết mình. Giữ mình, mà không đánh địch, thì cũng khó mà giữ nổi mình…
Xe chúng tôi vượt trọng điểm, về đến ngã ba đường 128 và đường 20 - gần lối rẽ vào Bộ Tư lệnh, thì máy bay địch ào đến thả pháo sáng ở phía sau.
Anh Nguyễn Chúc dí dỏm nói:
- Ta sẽ có ánh sáng điện không mất tiền khoảng nửa tiếng, cứ việc tăng tốc mà chạy.
Tới điểm rẽ vào Bộ Tư lệnh, tôi chia tay, cảm ơn và nói thêm với anh Nguyễn Chúc:
- Đối với đội ngũ cán bộ chỉ huy, cũng có thể ví như một nải chuối; quả nào chín nhũn quá thì không ăn được, ngược lại quả nào quá xanh cũng vậy; chẳng khác nào sự quá mức giữa thận trọng và không thận trọng, phải chọn thời điểm chính xác mà quyết định mọi việc.
Cùng lúc đó, máy bay địch ào tới đánh phá trọng điểm Pa Kha gần ngã ba Lùm Bùm, cách chỗ rẽ 10 cây số. Ở phía Văng Mu - Tha Mé cũng bật giăng từng chùm pháo sáng…
Sáng hôm sau (12 tháng 2) tôi nghe đồng chí Phó Tư lệnh và các cơ quan báo cáo kết quả hoạt động của tuyến 10 ngày đầu tháng 2.
Các đơn vị từ Bạc trở ra, sau hội nghị quân chính đã tạo được chuyển biến nhanh, bộ đội phấn khởi. Cao xạ đã điều chỉnh thế bố trí lực lượng, xây dựng trận địa ngay các trọng điểm và có cả lực lượng cơ động. Mười ngày qua, hỏng nãm pháo. Công binh đã tác nghiệp ban ngày. Trong thời gian trên, chỉ tắc đường từng giờ, không tắc cả đêm. Thông tin bảo đảm thông suốt từ binh trạm, đơn vị về Bộ Tư lệnh. Ở tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé đã hoàn thành thế trận hiệp đồng binh chủng.
Hoạt động có tính hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng binh chủng dã tạo niềm tin, tinh thần phấn khởi trong phần lớn lái xe. Đơn vị nào cũng tăng tốc độ vận tải. Chỉ 10 ngày đầu tháng 2 mà kết quả vận chuyển đã vượt 10 phần trăm so với chỉ tiêu tháng 1.
Tôi hỏi thêm:
- Gạo ở hướng Xê tư lên, giao cho Tây Nguyên thế nào?
- Báo cáo, đạt kế hoạch - Tham mưu trưởng trả lời.
Tôi bàn với anh Chiêm:
- Hôm nay chúng ta cùng các cơ quan chuẩn bị hoàn tất nội dung; ngày mai họp Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh để phổ biến các chỉ thị của Quân uỷ Trung ương mà anh Đinh Đức Thiện đã truyền đạt.
Trong cuộc họp ngày hôm sau, mặc dù đã được quán triệt kỹ chủ trương của Quân uỷ Trung ương, những vấn đề cấp trên lường trước khi giao trọng trách cho Tuyến 559, nhưng khi anh Lê Đình Sum trình bày chỉ tiêu vận chuyển tăng gấp đôi và phải triển khai ngay từ ngày 15 tháng 2, thì không khí phòng họp bỗng chùng xuống. Có mấy anh đánh mắt nhìn nhau, có ý nhường đồng đội có ý kiến trước.
Anh Lê Nghĩa Sỹ - Chủ nhiệm chính trị, con người đầy lạc quan "châm ngòi":
- Chúng ta hãy nhìn vào thế và lực trên tuyến hiện nay. Hoàn toàn có cơ sở để nhận chỉ tiêu mới của Quân uỷ giao. Đương nhiên, phải tính cho đúng sức đánh phá, ngăn chặn của địch, có biện pháp đối phó tích cực, hiệu quả.
Sau anh Sỹ, có một số ý kiến tương tự. Để ý quan sát, tôi biết còn một vài anh phân vân - nếu không nói là lo lắng. Điều này là đương nhiên. Bởi một chỉ tiêu đề ra trong chiến đấu ác liệt mà tăng hai lần là việc không bình thường. Do vậy, khi kết luận hội nghị, tôi nhấn mạnh:
- Như nhiều đồng chí đã phát biểu, chúng ta không đơn giản mọi vấn đề, không duy ý chí. Để hoàn thành khối lượng công việc trên giao, điều chúng ta cần nắm là phải lường hết khó khăn và tìm giải pháp khắc phục từng khó khăn đó. Bởi vậy, huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, mà dũng và mưu của mỗi cán bộ, chiến sĩ là vấn đề quyết định, là chỗ dựa vững chắc nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta phải vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào chỉ đạo, chỉ huy, không bỏ lỡ thời cơ. Cần "thích nghi" nhanh với diễn biến khách quan, không xa rời khó khăn, ác liệt, không xem thường thuận lợi - dù rất nhỏ. Không bị động, mất cảnh giác. Tóng hoà những yếu tố đó sẽ làm tăng sức mạnh của mỗi cá thể…
Buổi họp kết thúc trong không khí sôi sục quyết tâm, song không kém phần căng thẳng.
Nhanh chóng phổ biến chủ trương của trên, quyết tâm của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh tới đơn vị, mặt khác nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị, sau cuộc họp, Bộ Tư lệnh và cơ quan cử ngay các đoàn xuống làm việc với các binh trạm; có gì khó khăn bàn cách giải quyết luôn.
Riêng tôi, lần này ở lại sở chỉ huy theo dõi tình hình toàn tuyến và trực tiếp nắm tập đoàn trọng điển Văng Mu - Tha Mé, đèo Cốc Mạc.
Ở Binh trạm 1, vào thời điểm này, trọng điểm Văng Mu, Tha Mé cơ bản đã được giải toả. Nhưng đèo Cốc Mạc (cây số 70 - đường 128) lại là điểm nóng, ác liệt nhất. Có nhiều đêm đường tắc dài, hàng từ tuyến ngoài vào khu vực đường 9 không đảm bảo cho tuyến trong.
Chấp hành lệnh của Bộ Tư lệnh, Binh trạm 1 đã đặt sở chỉ huy ở ngay trọng điểm, trực tiếp chỉ huy các lực lượng cao xạ, công binh, vận tải hiệp đồng tác chiến. Chúng tôi lấy việc giải toả đèo Cốc Mạc làm thí điểm tác chiến hiệp đồng binh chủng, nhằm tạo một bước ngoặt về tổ chức vận chuyển trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt. Bằng việc bố trí cao xạ ngay trọng điểm; công binh củng cố công sự, sẵn sẩng chờ lệnh; các đơn vị xe tập kết theo đội hình…, nên khi máy bay trinh sát hay cường kích địch mò tới đều bị quật ngay. Dứt tiếng bom, công binh đã ào ra mặt đường san lấp hố bom. Chiều xuống cũng là lúc đường thông và những "chiến mã Trường Sơn" được lệnh vượt trọng điểm. Ý chí và quyết tâm của những người lính Trường Sơn đã chiến thắng sức mạnh của đạn bom và các thủ đoạn thâm độc của địch.
Kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa phòng không, công binh, vận tải của Binh trạm 1 ở đèo Cốc Mạc và một vài trọng điểm khác nhanh chóng được nhân rộng ra toàn tuyến.
***
Thực hiện kế hoạch phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, ngày 22 tháng 2 năm 1967, Mỹ tiến hành cuộc hành quân "Gian-xơn Xi ti" với quy mô lớn đánh vào căn cứ chiến lược, cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Nhưng chỉ sau ba ngày, sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới" - một trong số ít "át chủ bài" của quân viễn chinh Mỹ đã nếm đòn thất bại nặng nề ở Bàu Cỏ.
Thắng lợi vang đội của quân và dân ta trên chiến trường là nguồn sức mạnh tinh thần, có sức cổ vũ lớn lao đối với những người lính Trường Sơn chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi cũng rất đỗi tự hào, khi nghĩ rằng mỗi viên đạn mà đồng đội "chụp" xuống đầu thù, đã từng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của những người lính Trường Sơn. Chớp thời cơ, chúng tôi mở một đợt tuyên truyền, động viên toàn tuyến thi đua với các chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện mùa khô 1966--1967.
Cùng lúc, Bộ và Tổng cục Hậu cần điện đôn đốc đưa nhanh đạn hoả lực vào Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5… càng nhanh càng tốt. Tuyến 559: "như thuyền gặp gió", lướt tới, đồng đều.
Cũng với biện pháp "cổ điển", hòng làm giảm sức tiến công của ta trên chiến trường, Mỹ cho không quân tăng cường đánh phá miền Bắc - hậu phương chiến lược của ta và tập trung chặn cắt tuyến chi viện Trường Sơn.
Lúc này, không quân Mỹ gia tăng cường độ đánh phá trên tuyến gấp ba - bốn lần, tăng cường máy bay B.52 rải thảm, mở thêm nhiều trọng điểm mới, điển hình là trọng điểm đèo Lục Tùng Bế, điểm vượt sông Bạc. Nơi đây gần như hội đủ cái khó: đèo và sông. Tuy vậy, do chủ động, nên chỉ sau ba ngày nơi đây thành trọng điểm đánh phá của địch, ta cũng đã xây dựng được một trận địa hiệp đồng binh chủng, kịp thời giải toả trọng điểm.
Một trong những giải pháp hữu hiệu để giải toả trọng điểm này là chúng ta giỏi nghi binh - làm "giả" như thật, cả trận địa pháo và cầu đường. Ban đêm cho một chiếc xe "rách" chạy để "hút" địch; trong khi đó tăng thêm máy húc và công binh để mở đường tránh, làm cầu phao thứ hai bằng nứa. Bởi vậy, địch đánh cứ đánh; xe, người, hàng của ta vẫn cứ bí mật, lẹ làng vượt sông Bạc.
Tối 26 tháng 2, tôi quyết định thị sát trọng điểm mới mẻ này. Cùng đi có anh Phạm Diêu - Tham mưu phó phụ trách công binh.
Anh Nguyễn Tất Giới - Binh trạm trưởng; anh Hồ Anh - Chính uỷ Binh trạm 35 đón và hướng dẫn chúng tôi ra trọng điểm.
Đèo Lục Tùng Bế nằm ở dãy núi cao nhất khu vực. Đèo cắt xuyên qua Trường Sơn và từ đây chạy tuốt ra giáp đèo Hải Vân phía biển. Một địa thế vô cùng hiểm yếu. Cũng do vậy, anh Phạn Diêu đã giao cho công binh khảo sát để sắp tới mở đường sang tây Trường Sơn, tạo thêm một trục dọc mới.
Cũng tại trọng điển này, xe chúng tôi bị trúng bom bi. Nhưng chỉ mỗi đồng chí cảnh vệ bị thương vào chân; số còn lại an toàn, vì tất cả đều đội mũ sắt, mặc "giáp" sắt.
Mười giờ đêm, chúng tôi leo lên đỉnh đồi cao nhất trên trọng điểm, quan sát thấy máy bay địch oanh kích trọng điểm, các trận địa cao xạ kịp thời đón bắn. Những luồng đạn xé trời đêm, rất đẹp. Anh Phạm Diêu vui vẻ nói:
- Tư lệnh thấy có khoái không? Cảnh sơn thuỷ hữu tình, lại có pháo hoa chào đón. Lính xế tha hồ tăng tốc độ!
Trên đường trở về, chúng tôi ghé thăm Binh trạm 33 - nơi có trọng điềm Tha Mé cũng không kém phần ác liệt. Binh trạm trưởng Nguyễn Huệ và Chính uỷ Binh trạm Linh Anh báo cáo đã tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng để giải toả trọng điểm. Tập thể Ban chỉ huy Binh trạm 33 là những cán bộ có bề dày kinh nghiệm tổ chức vận tải, vào tuyến sớm. Rất tiếc sau đó ít lâu, anh Huệ đã hy sinh, sau khi chuyển sang làm Binh trạm trưởng Binh trạm 9.
Trong suốt tháng 8, mọi hoạt động của tuyến dần đi vào nền nếp. Tư tưởng tiến công không còn là mục tiêu cần phải tạo dựng mà đã khẳng định được trong ý chí, hành động của phần đông đơn vị cá nhân. Địch đánh cứ đánh. Xe, người, hàng của ta vẫn cứ ngày đêm qua tuyến. Đầu tháng, tôi nghe báo cáo B.52 rải bom toạ độ vào bãi trú quân của Binh trạm 1, chỗ gần Xiêng Phan, nhưng do trạm có đủ hầm hào công sự, nên chỉ ba chiến sĩ bị thương nhẹ. Chủ động trong phòng tránh cũng là tiến công.
Nhân đà cầu đường thông suốt, khí thế đang lên, vả lại mùa mưa tây Trường Sơn đang tới gần, Bộ Tư lệnh quyết định mở một đợt "Tổng công kích", tăng đầu xe, chạy vượt cung, tăng chuyến, hoàn thành dứt điểm kế hoạch vận chuyển chi viện trong tháng 4.
Suốt tháng 3 sang tháng 4, không quân Mỹ gia tăng cường độ oanh kích toàn tuyến - đặc biệt là mười trọng điểm, với trên 3.000 trận bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bom đạn và thiết bị có trình độ công nghệ cao. Nhưng với tác phong tổ chức chỉ huy hiệp đồng tác chiến tốt; các tuyến đường chỉ tắc cục bộ - từng giờ. Cuối tháng 4, Tuyến 559 đã thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch của Bộ giao: Bộ đội và hàng giao Nam Bộ đạt 120 phần trăm, Tây Nguyên: 98 phần trăm, chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị: 100 phần trăm, Trung Hạ Lào: 227 phần trăm. Riêng Trị-Thiên và Khu 5 mới đạt 80 phần trăm, nhưng chân hàng đã lập đủ. Chỉ cần tập trung xe vận chuyển trong 10 ngày đầu tháng 5 là hoàn tất kế hoạch.
Khi những trận mưa đầu hè trút xuống rừng Lào, chúng tôi có thể khẳng định kế hoạch vận chuyển chi viện của Tuyến 559 mùa khô 1966-1967: hoàn thành thắng lợi. Đồng thời, đây cũng là mùa khô đầu tiên, chúng tôi giảm được tỷ lệ tiêu thụ gạo nội bổ so với khối lượng chi viện chiến trường, lượng lương thực dự trữ ở các trạm giao liên bảo đảm đủ cho hành quân cả năm.
***
Được Bộ và Tổng cục Hậu cần đồng ý, từ ngày 10 tháng 5 năm 1967, phần lớn lực lượng trên tuyến lần lượt tập kết ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, thực hiện kế hoạch củng cố biên chế tổ chức, huấn luyện, nghỉ ngơi, bổ sung quân số, xe - máy… Ở lại tuyến trong mùa mưa này, ngoài toàn bộ lực lượng giao liên, có một nửa các đơn vị công binh, một tiểu đoàn xe và một số tiểu đoàn bộ binh.
Chỉ huy sở tiền phương và số cán bộ, nhân viên cơ quan ở lại đóng tại La Hạp (phía đường 45 đi Thừa Thiên), do các anh Hồng Kỳ và Nguyễn Xuân Kỷ phụ trách. Tại đây, cũng đã tập kết một cụm chân hàng trên 1.000 tấn, để khi có điều kiện thì tranh thủ tổ chức vận chuyển cho Thừa Thiên - Huế và bắc Khu 5.
Những ngày đầu tập kết về Chỉ huy sở cơ bản của Đoàn tại Hương Đô - Hương Khê, Hà Tĩnh, mấy anh em trong Bộ Tư lệnh bận "tối cả mắt". Phần việc bộn bề nhất là chỉ huy tập kết hết và gọn các lực lượng; ổn định chỗ ở, địa điểm điều trị cho số anh em thương, bệnh binh - chủ yếu là các bệnh viện, bệnh xá ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Số xe - máy hỏng nặng được chuyển về các xưởng đại tu của Tổng cục Hậu cần; bố trí cho cán bộ, chiến sĩ nghỉ phép 15 ngày, chia làm hai đợt…
Phần mình, tôi tranh thủ thảo báo cáo sơ kết kế hoạch mùa khô 1966-1967 và dự kiến một số nội dung cơ bản kế hoạch mùa khô 1967-1968, để chuẩn bị làm việc với Bộ và Tổng cục.
Ngày 20 tháng 5 năm 1967, anh Đinh Đức Thiện điện vào mời anh Chiêm, tôi và một số anh trong Bộ Tư lệnh về Hà Nội làm việc, kết hợp thăm gia đình.
Hai ngày sau tôi về tới Hà Nội. Anh Thiện tới thăm và dặn:
- Các cậu tranh thủ nghỉ ngơi một tuần giải quyết việc gia đình. Cần gì báo cáo cho Văn phòng Tổng cục Hậu cần.
Tôi cảm ơn anh và xin phép được kết hợp giữa việc công, việc nhà, bởi thời gian ở lại Hà Nội cũng có hạn.
Lúc này vợ tôi chuyển về làm việc tại 63 phố Lý Nam Đế - trạm tiếp đón cán bộ vào chiến trường và từ chiến trường ra.
Riêng hai cô con gái bé bỏng phải sơ tán lên Sơn Tây, bởi máy bay Mỹ ngày càng đánh phá Hà Nội ác liệt hơn.
Chiều hôm đó tôi tranh thủ lên Sơn Tây đón hai cháu Hà, Hiền. Vừa được gặp bố mẹ, vừa được về Hà Nội, chúng mừng quýnh cả lên, quên hết cả mũ nón. Ngồi trên xe, cháu út Thu Hiền vô tư hỏi: "Bao giờ chúng con được về hẳn Hà Nội hở bố?". Câu hỏi của con làm thức dậy trong tôi bao điều. Thương con mới tý tuổi đầu, như cấnh chim non nớt đã phải rời tổ ấm, trong tâm thức của tôi lại hiện về bao hình bóng trẻ thơ loắt choắt đội mũ rơm, "đội bom đạn" đến trường ở biết bao miền quê Khu 4 mà tôi từng sống, từng chiến đấu. Những cháu nhỏ chui dưới tầng sâu địa đạo ở Vĩnh Linh mơ một ngọn đèn dầu, mơ từng trang sách… Rồi ở Hương Phúc - gần Hương Đô - nơi Bộ Tư lệnh 559 đặt "đại bản doanh", cả lớp học gồm mấy chục sinh linh ngây thơ nằm gọn trong một hố bom thù… Tôi ôm cháu vào lòng như muốn truyền cho con một chút suy tưởng của mình, muốn con tôi hiểu được sự hy sinh, thiệt thòi khó gì bù đắp được của bè bạn đồng lứa.
Nhờ chuyển về công tác gần nhà, nên Lan - vợ tôi có điều kiện lo việc gia đình. Thực ra, từ ngày lấy nhau, suốt hai cuộc kháng chiến, tôi luôn ở chiến trường. Tất tật mọi việc gia đình đều trông cậy vào vợ. Một nách một "chùm" con, mọi việc: ăn, học, sơ tán…, vợ tôi đều lo trọn; lại công việc cơ quan… Việc nước, việc nhà tưởng như oằn hai vai bé bỏng của người phụ nữ. Nhưng, đâu chỉ mình tôi! Thế hệ chúng tôi đa phần đều vậy. Cảm phục biết bao cả thế hệ những người mẹ, người vợ đã gánh vác việc nước, việc nhà nơi hậu phương, để chúng tôi dồn tâm sức lo chuyện trận mạc.
Hà Nội hè 1967 khác xa những lần trước đây tôi có dịp ghé về.
Thủ đô đã hình thành một khu vực phòng thủ chiến lược mạnh, đủ sức đánh thắng các cuộc tập kích đường không của Mỹ. Trong những ngày tôi ở lại, có ngày tới ba lần còi Nhà Hát lớn rú lên báo động. Nhiều lần tôi lên tầng thượng quan sát lực lượng không quân Hà Nội dánh trả máy bay Mỹ. Với lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của ta vây bủa, máy bay địch không dám bổ nhào, mà chỉ lượn vòng ném bom, bắn rốc két… Xác suất trúng mục tiêu rất thấp. Có lẽ vì sự bất lực đó, mà sau này khi phải tạo "áp lực" cho hội nghị bốn bên ở Paris, Mỹ đã phải dùng "con bài B.52". Và khi thần tượng "pháo đài bay" bị nhấn chìm ở chính hồ Ngọc Hà, Hà Nội, Nixon và Kissinger đành phải nén lòng ký Hiệp định Paris!
Nói về Hà Nội kết hợp thăm gia đình thì đúng hơn là nghỉ ngơi. Bởi vì sau vài "động tác" của một người đi xa - từ chiến trường về, gần như thời gian còn lại tôi tập trung hoàn thiện báo cáo công tác mùa khô 1967-1968. Xong bước chuẩn bị, tôi đề nghị anh Thiện cho làm việc sớm với Tổng cục và Bộ.
Cả ngày 26 và sáng 27 tháng 5, tôi làm việc với Tổng cục Hậu cần. Nghe tôi báo cáo xong, anh Đinh Đức Thiện nói:
- Tình hình và công việc của Tuyến 559, Tổng cục đã nắm từng ngày. Hôm nay anh tổng hợp lại rất rõ, đặc biệt là các kinh nghiệm. Mùa khô vừa rồi, Tuyến 559 đã làm rạng rỡ Tổng cục.
Tiếp đó, anh nhấn mạnh:
- Chúng ta đã khẳng định được tính tất yếu của vận tải cơ giới. Quân uỷ muốn anh trình bày kỹ vấn đề này. Cùng lực lượng trang bị, điều kiện chủ quan, khách quan như nhau mà sao năm nay chúng ta làm được? Đó là thực tế có sức thuyết phục mạnh nhất đối với các ý kiến còn hoài nghi về tính khả thi và hiệu quả của vận tải cơ giới trên Trường Sơn. Ở đây tôi muốn chúng ta tính toán thật kỹ kế hoạch mùa khô 1967-1968. Chắc chắn trên sẽ giao cho ta khá nặng.
Kết thúc buổi làm việc, anh Thiện thông báo:
- Ngày 4 tháng 6, Quân uỷ và Thủ trưởng Bộ làm việc với các anh. Ngày 6 tháng 6, các anh báo cáo đồng chí Bí thư thứ nhất - Lê Duẩn; ngày 8 tháng 6, anh Phạm Hùng gặp, sau đó Ban Bí thư "chiêu đãi" cơm các anh. Thời gian còn lại, các anh chủ động làm việc với các cơ quan Bộ và các quân - binh chủng.
Hôm làm việc với Quân uỷ và Thủ trưởng Bộ, tôi thấy có mặt đông đủ các anh trong Thường trực Quân uỷ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Không khí làm việc vui vẻ, hồ hởi, khác hẳn cũng vị tổ này gần một năm trước tôi được dự hội nghị rút kinh nghiệm hoạt động của Tuyến 559 trong mùa khô 1965 - 1966.
Tôi báo cáo xong, cả phòng họp hồ hởi hắn lên. Có mấy anh hỏi thêm chúng tôi một số vấn đề cụ thể. Sau đó, anh Văn kết luận:
- Báo cáo của các anh đã khái quát được một số vấn đề mới. Tuyến 559 giành được thắng lợi trong mùa khô vừa qua là do các anh đã đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của không quân Mỹ trong đánh phá, ngăn chặn; đã thấy đúng sức mạnh của ta về thiên thời, địa lợi, nhân hoà; sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, của con người và trang bị; đặc biệt đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự, tư tưởng tiến công vào tuyến vận tải quân sự mà xưa nay chúng ta xem nhẹ; đã biết tổ chức tác chiến binh chủng hợp thành, dưới sự chỉ huy tập trung, thống nhất của Bộ Tư lệnh.
Thắng lợi của Tuyến 559 trong mùa khô 1966-1967, một lần nữa khẳng định chủ trương cơ giời hoá tuyến vận tải quân sự chiến lược của Quân uỷ là hoàn toàn đúng đắn.
Thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi xin cảm ơn và nhờ các anh chuyển lời chúc mừng thắng lợi mùa khô vừa qua tới tất cả cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn.
Kết thúc buổi làm việc, anh Văn dặn chúng tôi:
- Các anh chuẩn bị để báo cáo với đồng chí Lê Duẩn. Kế hoạch mùa khô 1967-1968 chắc lớn hơn nhiều. Sau khi Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục tổng hợp xong kiến nghị các chiến trường, Quân uỷ sẽ bàn, trình Bộ Chính trị và làm việc với các anh sau. Các anh nên nhớ: Người chỉ huy ở chiến trường khi hạ quyết tâm về quy mô và thời gian tác chiến phải tổng hợp nhiều yếu tố. Nhưng trước hết phải có đáp số đảm bảo hậu cần.
Anh Văn Tiến Dũng nói thêm:
- Các anh cần dành thời gian làm việc kỹ với Bộ Tổng tham mưu về các điều kiện để thực hiện kế hoạch mùa khô tới. Chuẩn bị chu đáo sớm thì khả năng chủ động càng lớn.
Sáng ngày 6 tháng 6, tôi cùng anh Chiêm đến báo cáo anh Lê Duẩn. Sau cái bắt tay rất chặt, anh hỏi luôn:
- Các anh báo cáo Quân uỷ rồi phải không?
- Báo cáo anh, rồi ạ - Tôi đáp.
Anh Ba tiếp:
- Mùa khô vừa rồi, Đoàn 559 làm như thế là tốt! Bác cũng muốn gặp các anh, nhưng Bác đang mệt, tôi thấy nên để Bác nghỉ!
Nghe anh Ba nói vậy, anh em chúng tôi vừa lo lắng cho sức khỏe của Bác, vừa tiếc vô cùng vì không được gặp Bác.
Anh Ba dành hơn nửa tiếng, phân tích cho chúng tôi một số điểm chính về cục điện chiến tranh, về tình hình của ta và địch trên chiến trường miền Nam. Anh khẳng định: Tương quan lực lượng, đứng về phía quân sự mà nói thì hiện nay Mỹ - nguỵ còn mạnh hơn chúng ta. Nhưng với quy luật phát triển, thì cái mạnh đó là trước mắt, là tạm thời… Đảng ta, dân tộc ta, cả hai miền, có đủ khả năng để thực hiện một quá trình chuyển đổi tương quan lực lượng. Đảng ta nắm vững hai ngọn cờ - Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, có đầy đủ khả năng để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị đang tính đến một phương hướng chiến lược cho năm 1968. Tương quan lực lượng lúc này, ta chưa thể thắng địch được về quân sự, nhưng ta phải làm một cú thật dữ dội - một cú như "bombarder" làm suy sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Công việc của Tuyến 559 cũng là một yếu tố quan trọng. Bộ Quốc phòng sẽ tính toán, giao nhiệm vụ cụ thể cho Tuyến. Chúc các anh chuẩn bị tốt kế hoạch mùa khô 1967-1968.
Chia tay anh Ba, trong tôi luôn ám ảnh về một phương hướng chiến lược cho năm 1968. Sau này mới hay rằng đó là đòn Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - ta đã đánh gục ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ vào lúc Mỹ đang leo những nấc thang cao nhất của chiến tranh xâm lược trên hai miền Tổ quốc.
Ngày 8 tháng 6, chúng tôi tới báo cáo anh Phạm Hùng tại Văn phòng Trung ương Đảng. Được tiếp xúc nhiều lần với anh Phạm Hùng, tôi thấy lần này cũng như bao lần khác, thái độ và cở chỉ của anh luôn thoải mái, chân tình với cấp dưới. Anh vỗ vai anh Thiêm và tôi rồi nói:
- Nè, mùa khô vừa rồi, 559 đưa đủ đạn ĐKB cho các chiến trường. Nam Bộ cho mình biết, lính ta bắn "đã" lắm. Anh Phạm văn Đồng cũng có kế hoạch gặp các cậu, nhưng có việc phải đi đột xuất. Về phần Chính phủ, sau khi Bộ Quốc phòng tổng hợp kiến nghị của các chiến trường, sẽ trình Bộ Chính trị giải quyết. Công việc sau đó nhờ đôi vai các cậu. Hôm nay, Ban Bí thư mời các cậu ăn cơm, gặp gỡ tiền tuyến - hậu phương là chính. Thế các cậu định nghỉ mấy ngày?
Anh Chiêm trả lời, vui vẻ mà thật lòng:
- Báo cáo anh, tám hôm kể từ khi ở trong tuyến ra, chúng tôi đều có lịch làm việc. Nhưng không sao anh ạ, được làm việc "tại gia" là nghỉ rồi.
Suốt bữa cơm Ban Bí thư "chỉêu đãi", mạch chuyện cứ nhẹ nhàng, đời thường như vậy…
Hôm sau, tôi cùng anh Chiê:m làm việc với Tổng cục Chính trị, có đông đủ các anh lãnh đạo Tổng cục. Nhiều anh đặt câu hỏi:
- Tại sao những năm trước đây có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ dao động, ngại ác liệt hy sinh mà từ đầu năm 1967 nay lại giảm?
Chúng tôi phân tích nhiều điểm, tóm tắt là: Trong chiến đấu ác liệt sống - chết chỉ cách nhau gang tấc. Chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để làm cho mọi người có ý thức tốt bảo vệ mình và đồng đội. Nhưng nói rõ cho mỗi một người lính hiểu:
- Để đạt được mục tiêu Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta phải trả giá. Cùng với giáo dục, về tổ chức phải tạo được sự tương trợ của đồng đội, hiệp đồng chiến đấu, để người lính không thấy bị cô đơn khi đối mặt vời kẻ thù. Chiến sĩ lái xe càng cần phải thế. Họ sợ nhất là một mình một xe giữa chiến trận. Nếu lực lượng cao xạ bỏ rơi họ, không bảo vệ trực tiếp; công binh ở xa đường, xa trọng điểm; xe chạy không theo đội hình, không có chỉ huy đi cùng, các trạm cứu thương, đội cứu kéo vắng bóng trên đường; trọng điểm không có chỉ huy thống nhất…, thì tư tưởng dao động trong một số lái xe sẽ trỗi dậy; thiếu ỷ chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cũng là lẽ thường.
Nghe anh Chiêm phân tích như vậy, anh Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói:
- Đó là những bài học rất sống, rất quý giá về công tác chính trị - công tác tư tưởng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm…
Thời gian ít ỏi còn lại, chúng tôi chia nhau mỗi người làm việc mỗi nơi. Anh Chiêm làm việc tiếp với Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Anh Sum làm việc với Bộ Tổng tham mưu.
Tôi xuống Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, các binh chủng: Công binh, Thông tin, sau đó làm việc với anh Phan Trọng Tuệ, cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Bộ Giao thông vận tải và đề xuất một số vấn đề.
Mười ngày có dư, làm việc hết "công suất", mấy anh em giải quyết gọn những công việc ở Hà Nội. Chúng tôi quyết định vào tuyến sớm hơn kế hoạch. Cũng như bao cuộc chia tay, lường trước công việc chung, vợ tôi không một tiếng bàn lùi. Biết vậy, nhưng tôi cũng động viên: Công việc quá khẩn trương, anh vào sớm mấy ngày. Chớm mùa khô tới, thế nào cũng có việc phải ra.
Chiều 12 tháng 6, tôi đưa hai cô con gái trở lại Sơn Tây. Các cháu không muốn rời bố mẹ. Tôi phải dỗ dành rằng: "Hè đến rồi, các con cứ xem như bố con mình về quê nghỉ hè vậy"… Đưa các cháu đi rồi, trong tôi vẫn ám ảnh câu hỏi hôm nào của Thu Hiền - con gái út: "Bao giờ thì chúng con được về hẳn Hà Nội?".
Đang giữa hè, vừa để tránh nắng, vừa tránh giờ cao điểm địch đánh phá dọc đường, 4 giờ sáng ngày 14 tháng 6, đoàn chúng tôi xuất phát tại Hà Nội. Phải mất tròn hai ngày hai đêm, chúng tôi mới vào tới Hương Đô. Quãng đường chưa tới 400 cây số. Địch đánh dữ. Hầu hết ở các cầu, phà trọng yếu, chúng ta đều phải làm đường vòng, bến phụ. Công nhân giao thông, thanh niên xung phong trực suốt ngày đêm, kịp thời giải toả mọi ách tắc. Cùng đồng hành với chúng tôi trên đường ra tiền tuyến là những đoàn xe nặng hàng, kín lá nguỵ trang, thân hình đầy chứng tích bom đạn. Là những đoàn tàu lầm lũi trong đêm chở cả xe tăng, pháo cỡ lớn thẳng hướng về Nam. Dọc kênh Nhà Lê từ Thanh Hoá vào Nghệ An, tôi còn thấy những đoàn vận tải thuyền nan, lúc ẩn, lúc hiện dưới những lùm cây. Hỏi ra mới biết đó là những thành viên Đoàn vận tải Lam Sơn, Đoàn vận tải Điện Biên do tỉnh Thanh Hoá tổ chức. Dọc các cung đường qua Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi gặp nhiều đoàn xe thồ. Những lão nông da cháy sạm, đầu nón lá, chân đất, áo nâu… gập mình đẩy những chiếc xe đạp "cõng" bốn năm bao gạo…
Chập tối ngày 15 tháng 6, đoàn tới ngã ba Đồng Lộc. Xe qua ngã ba đông, ùn lại một quãng dài. Đồng chí lái xe nhanh như cắt, chạy tìm người chỉ huy giao thông. Lập tức xe tôi được ưu tiên lách lên phía trước. Bất thần một tốp máy bay địch ào tới ném bom, phóng rốc-két. Một xe của đoàn, chạy sau xe tôi hơn năm chục mét trúng đạn, bổc cháy. Lái xe, đồng chí bảo vệ và một nữ chiến sĩ ở văn phòng cùng đi hy sinh. Cả đoàn dừng xe lo việc mai táng, vĩnh biệt đồng đội. Thanh niên xung phong, công nhân giao thông trực trọng điểm… cùng sẻ chia với chúng tôi nỗi đau mất mát, lo chôn cất, làm đầy đủ bia mộ cho những người lính Trường Sơn vĩnh viễn yên nghỉ tại trọng điểm nổi danh này.
Mở sáng ngày 16, chúng tôi mới có mặt tại Hương Đô.
Qua làm việc với các anh Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ và các đồng chí lãnh đạo khác, đặc biệt những gì mắt thấy tai nghe trên những nẻo đường tôi qua là minh chứng sống động nhất của một thời cả nước ra trận. Cả hậu phương gồng mình lên vì chiến trường, vì miền Nam yêu dấu, vì nghĩa tình quốc tế cao cả. Một thời hạt gạo chia ba, chia bốn; dẫu thân mình cũng chịu nhiều "thương tích" vì bom đạn thù, miền Bắc vẫn thực hiện xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình, là cái "NỀN", cái "GỐC" của cách mạng cả nước - như Bác Hồ từng dạy. "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" là khẩu hiệu hành động, là tiếng nói từ con tim, khối óc của mỗi người dân hậu phương vì sự vững mạnh của hậu phương lớn và vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong bối cảnh chiến tranh lan ra cả nước, khi mà tập đoàn cầm quyền Nhà Trắng hống hách và hợm hĩnh tuyên bố: "đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá", trên thực tế miền Bắc đã bước vào trận thử lửa vô cùng ác liệt, và rồi chúng ta đã thắng. Không chỉ vững vàng quật ngã các bước leo thang của không lực, hải lực Hoa Kỳ, miền Bắc còn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của hậu phương lớn.
Độc lập tự do, eó Đảng lãnh đạo sáng suốt, có chế độ chính trị ổn định, vững chắc, có cơ sớ xã hội công bằng, trật tự, lành mạnh; có các tổ chức quần chúng mạnh hoạt động trong Mặt trận - khối đoàn kết toàn dân; nhân dân cần cù, sáng tạo, dạn đày trong chiến tranh, lực lượng vũ trang anh hùng, có tiền tuyến lớn miền Nam vững vàng, bạn bè anh em cổ vũ, chi viện có hiệu quả…, miền Bắc ngày càng tỏ rõ sức mạnh và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Giờ đây, gần bốn mươi năm đã qua, khi nghĩ về những ngày đạn bom, nhưng rất đỗi hào hùng ấy, trong tâm thức tôi vẫn lắng đọng một điều: Nếu không có truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái; tựa nhau khi "tối lửa tắt đèn", "lá lành đùm lá rách" hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử ở từng cộng đồng xã thôn Việt Nam; nếu không có những tế bào đang độ manh nha của Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản là hợp tác xã nông nghiệp - con đẻ của chính sách hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng…, liệu miền Bắc có trụ vững, có làm tròn nghĩa vụ đối với chiến trường được không! Điều khẳng định là: Hàng triệu con người đất Bắc rất yên lòng, dồn hết tâm lực cho cuộc sống mái với quân thù trên chiến trường khi có được hậu phương là điểm tựa vững vàng về cả tinh thần lẫn vật chất…
Thật tự hào, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn vừa thuộc về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa thuộc về tiền tuyến lớn miền Nam, vừa là chiến trường vô cùng ác liệt, nhưng đồng thời cũng là cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn.
Vừa vào tới Hương Đô, sáng 16 tháng 6, chúng tôi làm việc luôn với cán bộ chủ trì cơ quan Bộ Tư lệnh 559, Tổng cục Hậu cần tiền phương, nắm lại toàn bộ kế hoạch và nội dung hội nghị tổng kết - tập huấn. Hai ngày sau, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh thông qua lần cuối nội dung và các mặt chuẩn bị cho hội nghị; đặc biệt là khâu chuẩn bị công sự và bố trí lực lượng cao xạ bảo vệ. Bởi địa điểm họp gần các trọng điểm Yên Lộc, Khe Ác.
Hạ tuần tháng 6, hội nghị tổng kết chiến đấu mùa khô 1966-1967 của Đoàn 559 được tiến hành tại xã Hương Xuân. Do địa điểm họp kề cận Hương Đô - nơi đặt sở chỉ huy Bộ Tư lệnh nên về sau mọi người trong chúng tôi quen gọi là hội nghị Hương Đô. Đây là hội nghị có đông đủ thành phần tham dự nhất kể từ ngày thành lập Đoàn 559, gồm cán bộ quân chính cả Tuyến 559 và tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương. Dự hội nghị còn có đại biểụ các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ban 67, Quân khu 4, các binh chủng có liên quan, đại biểu các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đặc khu Vĩnh Linh… Hội nghị này không đơn thuần là tổng kết mà còn là hội nghị tập.huấn với nhiều nội dung rất mới về nghệ thuật quân sự lần đầu tiên được vận dụng thắng lợi trên tuyến vận tải quân sự chiến lược. Văn bản trình bày ở hội nghị, tôi sử dụng một phần báo cáo ở hội nghị quân chính tháng 2 năm 1967 ở trong tuyến. Do công tác chuẩn bị tốt, biểu mẫu thống kê các mặt hoạt động đầy đủ, nên trong báo cáo tổng hợp, tôi chỉ tập trung đánh giá chung và rút ra một số bài học kinh nghiệm:
- Đánh giá, phân tích tình hình địch-ta trong mùa khô 1966-1967, nêu bật cái mạnh, cái yếu của ta và của đối phương; chủ yếu trang bị cho cán bộ những vấn đề cơ bản về phương pháp luận; phân tích, vận dụng vào điều kiện không quân Mỹ đánh phá, ngăn chặn tuyến vận tải quân sự chiến lược; vấn đề cần phải làm chủ của ta - phía chiến đấu chống ngăn chặn, với sức mạnh của bộ đội binh chủng hợp thành, điểm giống và khác nhau trong việc triệt để lợi dụng các yếu tố: Thiên - Địa - Nhân.
- Quán triệt nhiệm vụ, chức năng của tuyến vận tải, chi viện chiến lược cho các chiến trường về cả ba mặt: Là một tuyến vận tải quân sự chlến lược, là một hướng chiến trường trọng yếu, là một căn cứ chiến lược của các chiến trường.
- Là một chiến trường "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi" phải vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến thuật tác chiến vào cuộc chiến đấu chống ngăn chặn. Mùa khô 1966-1967, về tổ chức vận chuyển Tuyến 559 đã thử nghiệm thành công đội hình tiến công nhiều thê đội; mật tập, liên tục, lấy đại đội làm đội hình tiến công cơ bản; đặc biệt đã sáng tạo một tổ chức độc đáo của bộ đội binh chủng hợp thành, lấy bộ đội vận tải làm chủ. Bộ đội vận tải sử dụng đội hình tiến công phải có sự yểm trợ trực tiếp của hỏả lực cao xạ, của công binh, bộ binh và các lực lượng bảo đảm khác một cách nhịp nhàng, đồng bộ, dây chuyền, liên hoàn…
- Chuyển Bộ Tư lệnh và cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ đạo là chính sang có kết hợp chỉ huy; chuẩn bị tiến tới tổ chức chiến dịch vận tải trên toàn tuyến.
- Từng binh trạm củng cố chỉ huy thống nhất do binh trạm tổ chức; đặc biệt là chỉ huy trực tiếp bộ đội binh chủng hợp thành ở các trọng điểm, khu căn cứ tập kết xuất phát. Chỉ huy các cấp phải thực hiện được năm trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp tổ chức hiệp đồng chỉ huy chiến đấu; trực tiếp kiểm tra; trực tiếp xử lý công việc kịp thời; trực tiếp báo cáo cấp trên. Ở đây, bộ đội thông tin đã trở thành một lực lượng quan trọng của bộ đội binh chủng hợp thành. Hiện nay, trên tuyến mới tổ chức được mạng thông tin khá tốt ở tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé. Năm 1968, ta sẽ phát triển mạng lưới thông tin, đặc biệt là thông tin tải ba. Lúc đó "động mạch" chủ, "động mạch" nhánh sẽ lưu thông tuần hoàn trong một cơ thể cường tráng.
Sau hội nghị quan trọng này, Bộ Tư lệnh sẽ định hình cơ bản tư tưởng chiến thuật cho từng binh chủng trên tuyến. Trước mắt, áp dụng cho đợt diễn tập thực binh bộ đội hợp thành trong tháng 8 tới.
Bước đầu soạn thảo nhanh tư tưởng chiến thuật cho một số binh chủng. Ví dụ, đánh tiêu diệt là tư tưởng chung. Nhưng bộ đội cao xạ trên Tuyến 559, khi đã xác định lấy bộ đội vận tải làm chủ công thì cách đánh của bộ đội cao xạ là tiêu diệt máy bay địch đánh phá đội hình xe hành tiến, cầu đường. Đó là tư tưởng chủ đạo. Các binh chủng khác và lực lượng phục vụ cũng thực hiện như vậy.
Hội nghị thống nhất khẳng định: Sau 9 năm, mùa khô 1966-1967, Tuyến vận tải quân sự 559 đã thử nghiệm thành công vận tải cơ giới có quy mô trong điều kiện đối phương tiến hành chiến tranh ngăn chặn quyết liệt. Là mùa khô đầu tiên thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch vận tải; giao quân bổ sung cho chiến trường với số lượng lớn nhất, kịp thời nhất. Là mùa khô lực lượng 559 bắn rơi nhiều máy bay, tiêu diệt được nhiều bộ binh địch, tham gia giải phóng được một số vùng đất đai của bạn. Cũng là mùa khô mở được nhiều đường mới, nhất là đường vòng tránh, bảo đảm giao thông thông suốt liên tục. Đặc biệt, đây là mùa khô đầu tiên các lực lượng binh chủng trên tuyến vận dụng đúng đắn tư tường tiến công, nghệ thuật và chiến thuật quân sự phù hợp với đặc điểm của tuyến vận tải quân sự chiến lược trong chiến tranh.
Không khí hội nghị như lửa gặp gió khi anh Vũ Xuân Chiêm đọc điện của Đại tướng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp biểu dương thành tích của Đoàn 559 trong mùa khô 1966-1967. Điện của anh Văn chỉ rõ: "Thắng lợi mùa khô 1966-1967 là bước đầu, nhưng quan trọng ở chỗ là rút được những bài học mới làm cơ sờ để củng cố tổ chức lực lượng và định hướng cho cuộc chiến đấu mùa khô 1967-1968. Một điều rất quan trọng là xây dựng được tư tưởng tiến công - tư tướng căn bản của quân đội ta. Khắng định chủ trương cơgiới hoá vận tải của Quân uỷ Trung ương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của chiến trường".
Hầu hết đại biểu dự hội nghị rất phấn khởi nhất trí cho rằng hội nghị Hương Đô đúng là vừa tổng kết, vừa tập huấn. Ở góc độ tổng kết, đã nhất trí khắng định lấy vận tải cơ giới là chủ yếu; ở góc độ tập huấn, lần đầu tiên chúng ta đã tiếp nhận được tư tưởng chiến thuật tiến "công quân sự cho các loại binh chủng". Đây là mốc có tính chất lịch sử, để chuyển sang tác chiến hiệp đồng binh chủng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo thế, tạo lực mới để tiến lên hoàn thành nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược.
Kết thúc hội nghị, toàn bộ lực lượng phía sau cũng như lực lượng trên tuyến khẩn trương chuẩn bị cho một mùa khô mới. Mấy anh em trong Bộ Tư lệnh chia nhau xuống từng đơn vị, trực tiếp nắm công tác tập huấn, củng cố tổ chức, bổ sung quân số, trang bị kỹ thuật. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được điện của anh Hồng Kỳ báo lực lượng ở lại tuyến triển khai tốt nhiệm vụ bảo đảm hành quân, bảo vệ kho tàng. Đặc biệt, công binh đang gấp rút hoàn thành chuẩn bị cầu đường theo kế hoạch đã định. Các lực lượng công binh, cao xạ, thông tin tập trung ưu tiên cửa khẩu Ta Lê - đường 20 và cửa khẩu Xiêng Phan - đường 12, với quyết tâm bảo đảm từ ngày 15 tháng 10, các binh chủng chính thức nhập tuyến. Cùng thời gian này, chúng tôi nhận được văn bản chính thức kế hoạch mùa khô 1967-1968 với chỉ tiêu gấp hai lần mùa khô trước.
Trên cơ sở tổ chức lực lượng được củng cố và kế hoạch được phân bố, đồng thời các khâu chuẩn bị khác cơ bản hoàn tất, tháng 8 năm 1967, Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương phối hợp tổ chức diễn tập "Chiến dịch vận tải" hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Với cuộc diễn tập này, chúng tôi muốn áp dụng những kinh nghiệm đã được khẳng định, rèn luyện nâng cao trình độ chiến thuật, chiến đấu, trình độ tác nghiệp của bộ đội, kết hợp tạo chân hàng ở tuyến kho hậu cứ Đoàn 559. Trung tâm địa bàn diễn tập từ ngã ba Khe Giao (Hà Tĩnh) đến Khe Ve (Quảng Bình).
Lực lượng vận tải tham gia diễn tập có 560 xe, gồm ba tiểu đoàn xe của Đoàn 559, hai tiểu đoàn xe của Tổng cục Hậu cần tiền phương. Một số tiểu đoàn công binh, thanh niên xung phong của Binh trạm 2 và Binh trạm 12 tham gia bảo đảm cầu đường, bốc dỡ hàng. Năm tiểu đoàn cao xạ, ba đại đội súng máy phòng không đang tác chiến tại chỗ cũng được huy động diễn tập…
Thực hành diễn tập, tôi trong "vai" Binh trạm trưởng, các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương đóng vai cơ quan binh trạm. Chỉ huy binh trạm xuống trực tiếp chỉ huy trọng điểm. Trên suất 150 cây số "chiều dài tiến công ", chúng tôi chọn ba trọng điểm tổ chức chỉ huy bộ đội hiệp đồng binh chủng là Khe Giao, La Khê và Khe Ve.
Những quy định đường vào, đường ra, điểm tránh nhau, thời gian xe tập kết, xuất phát đều được triển khai nhịp nhàng, thống nhất như tập huấn.
Cuộc diễn tập kéo dài một tháng. Kết quả khá mĩ mãn. Chân hàng được lập tại tổng kho Tuyến 559 hơn 8.200 tấn vật chất.
Nhưng cái được quan trọng hơn là chúng tôi đã xây dựng bước đầu điều lệnh chiến dịch, điều lệnh chỉ huy, chiến đấu; công tác chính trị trong tác nghiệp hiệp đồng binh chủng quy mô chiến dịch.
Trung tuần tháng 10, khi những ngọn gió heo may đầu mùa quất xào xạc trên những tán cây rừng vùng Hương Khê, Chu Lễ…, chúng tôi tiến hành một đợt tổng kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, trang bị, công tác cầu đường ở hai cửa khẩu đường 12 và đường 20.
Những kinh nghiệm của một mùa vận tải chi viện được hội nghị Hương Đô khái quát thành các vấn đề có tính lý luận và sau đó được vận dụng vào diễn tập "chiến dịch vận tải" quy mô vừa, cùng các hoạt động chuẩn bị khác về con người, trang bị, cầu đường… đảm bảo cho chúng tôi chủ động, vững vàng triển khai "chiến dịch nhập tuyến", góp phần cùng chiến trường thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược mới của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.