Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Nhật ký Rồng Rắn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12271 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhật ký Rồng Rắn
Trần độ

Phần II (tt)
20.4.2001
I. Đại Hội Và Đổi Mới:
Nhiệm vụ của Đại hội là quyết định các vấn đề “đường lối”.
“Đường lối” của Đảng cầm quyền hiện tại và cũng là đường lối của đất nước. Vì vậy mỗi người dân đều có quyền và trách nhiệm góp phần về đường lối, vì đường lối có tác động đến số phận từng người dân, mà đa số không phải là đảng viên.
Thông thường, từ trước các Đại hội đều diễn ra như sau (tôi là người đã từng là đại biểu dự 5 Đại hội III, IV, V, VI, VII):
Tài liệu về đường lối đều là do một nhóm người chỉ đạo và một nhóm người biên tập. Khi đã hình thành rồi mới công bố lấy ý kiến mọi người, kể cả đảng viên và không đảng viên. Ý kiến góp có đến hàng triệu, được tập hợp lại, do một nhóm người biên tập tổng hợp và xử lý, mà sự tổng hợp này thường được gói gọn trong công thức “căn bản, nhất trí, đa số tán thành”. Đến ngày họp Đại hội thì việc quan trọng là bầu cử cơ quan lãnh đạo, còn việc quyết định đường lối thì chỉ là việc "biểu diễn" để tài liệu được long trọng và chính thức thông qua mà thôi.
Khi chuẩn bị Đại hội IX, sự góp ý kiến có hai phần, một phần (đúng là phần quan trọng nhất) là những ý kiến góp về đường lối, và một phần là những phân tích dẫn chứng rất dài và những ý kiến thêm bớt câu chữ trong các lĩnh vực khác nhau. Theo những thông tin công bố thì có bản ý kiến góp đến mấy nghìn trang. Những ý kiến góp về xây dựng và sửa đổi đường lối thì thường nhiều nhất là mấy chục trang. Riêng tôi được thấy có bản dài đến 50 trang, nhưng đó lại là những ý kiến góp nhiều nhất vào vấn đề đường lối. Đó là:
• “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, đúng hay không đúng ?
• “Kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, phải hay không phải ?
• Tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa đúng, vì ta có phải là nước xã hội chủ nghĩa đâu. Có nên lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ?
• Có mâu thuẫn lớn trong đường lối là: cần “đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước”, nhưng lại nêu “đấu tranh giai cấp”. Mà đấu tranh giai cấp thì trong dân tộc đấu tranh làm gì có đoàn kết.
• Hô hào dân chủ và phê phán tình trạng mất dân chủ nhưng lại kiên trì “Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”, đã kiên trì cái thứ ấy là phản dân chủ rồi.
Vân vân và vân vân.
Tiếc rằng những người nêu lên các ý kiến lớn và quan trọng về đường lối thông thường là các bậc lão thành cách mạng và các nhà trí thức lớn. Các vị này đều là những người trăn trở về con đường phát triển của đất nước, đều mong muốn cho đất nước được phát triển nhanh hơn, tốt hơn và đều nhận thấy con đường hiện nay (định hướng, chủ đạo) làm cho sự phát triển đất nước chậm chạp, trục trặc, nhiều tệ nạn xã hội trầm trọng mà không giảm được, đạo đức xã hội sa sút nguy hiểm. Trong khi không ít nước quanh ta trong thời gian 20-30 năm thì có thể từ một nước lạc hậu trở thành nước giàu có tiên tiến. Thế mà ta đã hoà bình thống nhất hơn 25 năm rồi vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mà lại còn tụt hậu ngày càng xa so với thế giới và cả so với khu vực.
Nhưng những vị nào có ý kiến muốn chia sẻ với mọi người thì đều không có phương tiện nào để phát biểu: gửi đăng báo thì báo không đăng, không có một tờ báo nào độc lập để có thể gửi đăng, gửi ý kiến cho các cơ quan thì các cơ quan giấu biệt, giữ bí mật. Có lúc cơ quan làm việc gọi là “trả lời” thì lại gọi “người có ý kiến” đến rồi nhơn nhơn thông báo rằng ý kiến đã bị bác bỏ, mà không cần biện ra bất cứ lý lẽ nào, cứ như thế rồi tuyên truyền rằng dân chủ đã được thực hiện tuyệt vời. Có hàng triệu ý kiến góp, nhưng bản Dự thảo khi được công bố thế nào thì khi chính thức thông qua ở Đại hội cũng vẫn gần như thế.
Ai muốn phát biểu gì thì phát biểu, nhưng có ý kiến nào khác đường lối đã định sẵn thì đều bị quy là chống đối, là phản động. Tất cả đều bắt buộc phải kiên trì và kiên định đường lối đã định sẵn. Như vậy là không hề có thảo luận về đường lối.
Hiện nay, thời đại và tình hình thế giới, tình hình xã hội đã thay đổi rất lớn, thay đổi về cơ bản. Mọi lĩnh vực, mọi tổ chức, mọi người đều có nhu cầu phải đổi mới. Đó là vấn đề không có không được, các Đảng cộng sản đều phải tự đổi mới. Có Đảng phải đổi tên, đổi mục tiêu đấu tranh, có Đảng phải đổi mới học thuyết, đổi mới tư tưởng, có Đảng phải đổi mới mục tiêu nhiệm vụ và đổi mới phương thức đấu tranh, phương thức lãnh đạo.
Đảng cộng sản cũng tuyên bố phải đổi mới, nhưng trong thực tế thì vũ như cẫn (vẫn như cũ), không có một dấu hiệu nhỏ nào về đổi mới cả. Với những thông tin ít ỏi mà tôi có được, tôi suy nghĩ nhiều về sự đổi mới của Đảng cộng sản Pháp. Đảng đó công khai tuyên bố không độc tôn chủ nghĩa Mác nữa, từ bỏ học thuyết chuyên chính vô sản và nguyên tắc tập trung dân chủ. Đổi mới to lớn cả tổ chức Đảng và cách tiến hành Đại hội. Đảng không có ban chấp hành Trung ương, có quyền chỉ huy tối cao và duy nhất nữa, mà chỉ có Hội đồng toàn quốc, không có tổng bí thư mà chỉ có Thư ký toàn quốc. Đặc biệt là không tổ chức Đại hội có hệ thống từ cơ sở đến toàn quốc mà chỉ có một Đại hội được tiến hành như một loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học về trí thức và phương hướng hoạt động (cũng tức là đường lối). Cụ thể là đến kỳ Đại hội lần thứ 30 họ phân ra 7 nhóm vấn đề. Tất cả các đảng viên đều được huy động vào 7 nhóm nghiên cứu và đều phải chuẩn bị ý kiến để phát biểu vào nhóm vấn đề mà mình tham gia. Mỗi nhóm vấn đề đều có nhiều đề án. Đến Đại hội các đề án được trình bày và Đại hội biểu quyết từng đề án, từng vấn đề. Toàn Đảng sẽ nhất trí vào những vấn đề mà Đại hội biểu quyết như vậy. Quá trình tiến hành Đại hội là quá trình hoạt động khoa học, hoạt động trí tuệ, mỗi đảng viên thực sự phát huy vai trò trí tuệ của mình và tham gia lãnh đạo đất nước bằng những ý kiến lý thuyết của mình. Tôi thấy đó mới thực xứng với câu “Đại hội trí tuệ” còn ở ta chữ trí tuệ chỉ là một lời nói suông rỗng cho sang trọng mà thôi, vì sự gạt bỏ những ý kiến trái ngược thì còn đâu là dân chủ, còn đâu là trí tuệ và còn đâu là đoàn kết. Đoàn kết là đoàn kết với những người khác nhau, thậm chí ngược nhau thì mới là đoàn kết, chứ chỉ đoàn kết những người giống nhau thì chẳng qua chỉ là sự “Đoàn kết của đàn cừu” (đàn cừu của Panurge) và chỉ đáng gọi là "ăn theo nói leo".
II. Đường Lối Và Đại Hội:
Đại hội là để quyết định đường lối. Vậy đường lối là đường lối của ai ? Và để làm gì ? Tôi vẫn cho rằng vấn đề hiển nhiên phải là “Đường lối để phát triển đất nước”.
Đã là đường lối để phát triển đất nước thì đường lối đó phải khai thác các thông tin và các học thuyết thuận lợi và phù hợp với việc phát triển đất nước, không lệ thuộc vào bất cứ một loại thông tin nào, loại học thuyết nào, dù cho học thuyết đó lâu đời đến đâu, có uy tín cao đến đâu.
Cần phải đặt vấn đề như vậy, chứ không phải tìm một đường lối chỉ để chứng minh cho một chủ nghĩa hay một học thuyết, thậm chí chỉ để chứng minh cho những nguyên lý lỗi thời. Trước đây, ta có một đường lối cứu nước, đường lối ấy có những điều cần khai thác ở học thuyết Mác-Lênin và ta cũng đã làm như vậy.
Ngày nay ta cần đường lối xây dựng đất nước, khi chủ nghĩa Mác-Lênin không còn đủ sức mạnh toàn năng của nó nữa, ta khai thác nhiều tri thức khác của loài người.
Vậy thì ở Việt Nam ta, đường lối xây dựng phát triển có những vấn đề gì phải xem xét, phải thảo luận và phải tranh luận cho sáng rõ.
Hiện nay, đường lối mà các Đại hội đảng VII, VIII, IX đều quyết định là phải kiên trì và kiên định có những nội dung gì? Rõ ràng đó là sự tuyên truyền, và Đảng yêu cầu cả gần 80 triệu người phải nghe theo, phải tuân phục và thực hành những yếu tố sau:
1. Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Mà tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chỉ là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin.
2. Phải tuân phục sự lãnh đạo của một đảng, đó là Đảng cộng sản Việt Nam, và sự lãnh đạo đó là tuyệt đối và toàn diện.
Đảng quyết định tổ chức nhà nước, chỉ định nhân sự của nhà nước, quyết định các chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước, quyết định các kế hoạch và chủ trương của nhà nước. Ở các bộ phận và các ngành thì có những cấp uỷ Đảng bộ phận (Đảng bộ) địa phương, các Đảng đoàn và các Ban cán sự quyết định mọi công việc, tất cả mọi người đều phải tuyệt đối chấp hành. Đảng ra các nghị quyết, các nghị quyết này đều được phổ biến trong toàn thể nhân dân, và yêu cầu mọi người phải học tập, chấp hành, rồi tất cả mọi diễn biến của cuộc sống đều phải diễn ra dưới ánh sáng của các nghị quyết ấy. Và, những nghị quyết và nghị quyết nhiều khi vượt qua, thậm chí còn ngược lại những quy định của Hiến pháp, pháp luật của nhà nước do Quốc hội thông qua. Mà Quốc hội thông qua cái gì thì cũng phải được Đảng (tức là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương) phê duyệt. Điều này cho phép các quan chức và các tổ chức nhà nước, mà ở đây chỉ toàn những người của Đảng, cứ tuỳ tiện quyết định, phán xử những việc quan hệ đến số phận và tính mệnh của mỗi người dân, miễn là những quyết định ấy đều được “có ý kiến” của Đảng (cấp uỷ).
3. Đường lối về kinh tế thì phải tuân theo nguyên lý kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, tuy kinh tế có nhiều thành phần, nhưng kinh tế nhà nước (quốc doanh) phải giữ quyền chủ đạo.
Thực ra Đại hội VI đã làm một đột phá ngoạn mục xoá bỏ rào cản của kinh tế kế hoạch tập trung, tạo nên sức sống mới cho kinh tế xã hội, do đó nước ta thoát được khủng hoảng “bên bờ vực thẳm”. Nhưng sau này lại thêm vào hai yếu tố “định hướng”, và “chủ đạo”, làm cho sự phát triển kinh tế trở nên hết sức chập chững, chậm chạp. Điều đó làm cho thời kỳ 15 năm đổi mới, ta tuy có những tiến bộ khá tốt đẹp nhưng chưa thoát được khỏi đói nghèo và lạc hậu.
4. Đảng cộng sản kiên trì chế độ “một Đảng lãnh đạo” lại nhấn mạnh nguyên tắc “tập trung dân chủ”, yêu cầu mọi người đều phải phục tùng tuyệt đối, tuyên bố trong nội bộ (thực ra ai cũng biết cả) là thực hiện vô sản chuyên chính.
Do đó đã xây dựng “hai công cụ” chuyên chính là:
Một là Bộ máy văn hoá thông tin rất hùng hậu với 600-700 tờ báo viết và hàng trăm đài phát thanh truyền hình, một hệ thống trường học hùng hậu để nhồi sọ chính trị, hàng nghìn báo cáo viên với những “lưỡi gỗ”, “nói lấy được”, để ngu hoá và mê hoặc nhân dân. Bộ máy này được trang bị hiện đại và đầy đủ, có quyền lực và tha hồ nói láo.
Hai là một hệ thống các cơ quan an ninh của Bộ công an, Tổng cục II Bộ quốc phòng, Cục an ninh bảo vệ của tổng cục chính trị. Hệ thống này tha hồ lộng quyền theo sát hành vi từng công dân, được trang bị rất hiện đại (và tốn tiền) để tổ chức nghe trộm điện thoại, phá hoại thông tin của công dân. Đảng cộng sản Việt Nam.
5. Đảng cộng sản đã và đang thực hành đường lối độc đảng (và tất yếu là độc quyền) lãnh đạo toàn diện (tức toàn trị).
Vì vậy thực chất chế độ xã hội không phải là có “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, mà là một chế độ xã hội phản dân chủ.
Đảng đã thực hành điều đó một cách ngày càng kiên quyết, ngày càng triệt để. Trong khi lại buộc phải nói những lời đẹp đẽ về dân chủ, về “quyền làm chủ của nhân dân”. Vì vậy, đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội hiện nay là lừa bịp, là “nói một đàng làm một nẻo” là “chỉ nói mà không làm” và vì vậy không thể là một xã hội tốt đẹp được, những thành tựu về kinh tế xã hội hiện có nguy cơ tan vỡ.
Điều rõ nhất là Đảng phải đưa ra Hiến pháp 1992. Đưa ra Hiến pháp đó, Đảng bắt nhân dân phải chấp nhận điều 4 là điều nói rằng nhân dân phải chịu sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản. Trong Hiến pháp lại có rất nhiều điều về quyền dân chủ của dân, nhưng trong đó ba điều dân chủ cơ bản là tự do ngôn luận, tự do bầu cử và tự do lập hội, thì đều bị chôn vùi bởi những đạo luật phản động và những thủ đoạn bỉ ổi. Ví dụ như về bầu cử thì có những thủ đoạn “Đảng cử, dân bầu”, “hiệp thương”, thực chất là không ai được quyền tự ứng cử. Ví dụ như về báo chí, xuất bản, thì những đạo luật ngược với Hiến pháp lại bắt buộc mọi người phải tuân theo nghiêm ngặt. Ví dụ như về tự do lập hội thì trong thực tế không ai có quyền gì hết, vì các thủ tục xin phép đủ làm nản lòng tất cả những ai muốn lập hội, các thủ đoạn Đảng phải bố trí đảng viên để nắm các tổ chức xã hội cũng làm cho các hội trở nên vô nghĩa.
Lại ví dụ như trong khi có sự tuyên truyền cho khẩu hiệu “sống theo Pháp luật” thì Đảng lại là người sống ngoài pháp luật và sống trên pháp luật trắng trợn nhất. Và Đảng cũng chỉ đạo các cơ quan nhà nước làm như vậy. Xã hội ta ở trong tình trạng vô pháp luật thì người đầu tiên gây ra tình trạng đó là Đảng. Chống tham nhũng không được, cũng chỉ vì Đảng không thật sự chống. Chế độ độc đảng, độc quyền và tuyệt đối toàn diện, tức toàn trị, là thủ phạm và là nguồn gốc của mọi sự lộn xộn tiêu cực trong xã hội và tình trạng phản dân chủ của đất nước.
6. Đảng có một bộ máy công tác lý luận khá to nhưng công tác lý luận của Đảng thì Đại hội nào cũng nhận xét là kém cỏi, hoặc quá kém cỏi. Vì công tác lý luận của Đảng chỉ có một nhiệm vụ là nhắc lại và chứng minh những nguyên lý đã lỗi thời từ 50 năm đến 100 năm, chứ không có nhiệm vụ trả lời những vấn đề mà cuộc sống hiện thực ngày nay đặt ra. Đảng bịt tai, nhắm mắt trước tất cả hiện thực thế giới và trong nước. Như thế thì xã hội phát triển làm sao được ?
Vậy 6 vấn đề nêu trên có phải là những vấn đề của đường lối về chính trị, kinh tế và xã hội hay không ? Và Đại hội lần thứ IX được nhiều cờ hoa và kèn trống chào mừng nhất có muốn giải đáp những vấn đề ấy không ? Và có giải đáp được không ?
III. Vấn Đề Chống Chủ Nghĩa Xã Hội:
Hiện nay trong xã hội ta, mà đúng hơn là trong giới chuyên chính (văn hoá, tư tưởng, và công an) hay có phổ biến các “cụm từ tội danh”:
• Chống xã hội chủ nghĩa, chống Mác- Lê nin, chống Đảng.
• Có hại cho lợi ích cách mạng.
• Không lợi cho lợi ích nhà nước.
• Làm lợi cho kẻ xấu, cho kẻ thù.
• Bị người xấu lợi dụng. v. v…
Lâu nay ta vẫn quan niệm: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là mang lại hạnh phúc cho nhân dân, vì vậy chống chủ nghĩa xã hội là chống lại hạnh phúc của nhân dân, và như thế là phản động.
Từ đây có những câu hỏi:
• Có thật chủ nghĩa xã hội mang hạnh phúc cho nhân dân không ?
• Hiện thực ở Việt Nam 1979 đến 1985 sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước mang lại kết quả thế nào ?
• Tại sao Đại hội VI đổi mới lại cứu được nhân dân ?
• Tại sao Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn 70 năm rồi mà không tiếp tục đứng vững được ? Các nước Đông Âu theo Liên Xô cũng bị thay đổi cả. Nhân dân ở các nước đó đều thấy bất bình với chế độ xã hội chủ nghĩa ?
• Tại sao chỉ có từ các nước xã hội chủ nghĩa và chủ yếu là từ Việt Nam có hàng triệu người bất kể sống chết, hiểm nguy cứ ra đi tìm đường sống ở các nước khác ?
• Ta cứ nói toàn thể nhân dân đã lựa chọn thể chế xã hội chủ nghĩa nhưng thực tế thì tất cả đều chưa thấy xã hội chủ nghĩa đâu cả, chỉ thấy xã hội chủ nghĩa (những năm cuối 70 và đầu 80 ở Việt Nam) là: “xếp hàng cả ngày” và đói khổ, mất tự do. Không ít người không thích chủ nghĩa xã hội và không muốn xã hội chủ nghĩa.
• Ta thường hứa hẹn xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hoàn toàn tốt đẹp không có nghèo khổ, không thất nghiệp, trộm cắp và đĩ điếm. Thế mà sau hơn 25 năm ta xây dựng xã hội Việt Nam lên chủ nghĩa xã hội thì xã hội lại càng nhiều tệ nạn hơn, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng có nặng nề hơn rất nhiều nước không xã hội chủ nghĩa ?
Đó là những câu hỏi không cao xa, không cần lý thuyết, những câu hỏi của cuộc sống hàng ngày, khiến từng người dân có thể thấy một sự thật hiển nhiên là con đường đi lên hạnh phúc có thể xã hội chủ nghĩa và cũng có thể không xã hội chủ nghĩa, và có khi “không xã hội chủ nghĩa” lại thoải mái, dễ chịu và tiến đến hạnh phúc nhanh hơn.
Không cần đến các nhà lý luận người ta cũng có thể nhận thấy như thế. Ngoài ra, lẽ đương nhiên trong cuộc sống mỗi người dân đều có quyền tán thành chủ nghĩa xã hội hay không tán thành chủ nghĩa xã hội. Mà ở đây người ta không tán thành chỉ là không tán thành cái cung cách bắt người ta phải theo để đi lên hạnh phúc!
Cũng đơn giản như chuyện người dân nào cũng mong muốn thành phố xanh, sạch đẹp và trật tự văn minh, nhưng còn miếng ăn hàng ngày của người ta? Không cho phép người ta thì chớ, lại còn tiến hành việc đuổi bắt, đánh đá, phạt văng mạng. Và tất nhiên người ta phải mong muốn có một cách nào khác.
Vì vậy, việc truy chụp những người phê bình trật tự xã hội hiện tại và tệ hại của chế độ xã hội hiện tại … là “chống chủ nghĩa xã hội” thì tức là thừa nhận rằng chính xã hội chủ nghĩa là những cái tệ hại đó. Người ta chống là phải.
Việc quy tội nói trên là việc quy tội rất tuỳ tiện, rất dốt nát, rất lưu manh, và thậm chí rất phản động, đối với nhân dân. Như bản thân tôi, tôi không có một chút lý do gì để chống chủ nghĩa xã hội và chống Mác- Lênin cả. Tôi vẫn mong muốn cho đất nước phát triển, nhân dân hạnh phúc và tôi rất sốt ruột về bước đi chậm chạp của đất nước ta. Cũng như tôi vẫn cảm ơn chủ nghĩa Mác-Lênin đã dạy tôi hiểu biết cuộc đời và bước đi của cách mạng. Cho đến nay, tôi vẫn kính trọng Mác-Lênin và chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi vẫn vận dụng tinh thần của chủ nghĩa Mác là phép biện chứng để nhận xét tình hình ngày nay, và từ đó tôi thấy rằng phải theo Mác mà phân tích tình hình cụ thể thế giới và trong nước ngày nay mà quyết định bước đi. Và cũng từ đó tôi thấy rằng sau hàng trăm năm mà vẫn nhại như vẹt những câu nói của Mác-Lênin để giải quyết các vấn đề ngày nay, thì đó chính là những người chống lại Mác-Lênin một cách trắng trợn nhất và ngu dốt nhất.
Càng ngày tôi càng thấy chủ nghĩa Mác-Lê nin có những dự báo sai và có những bất lực trong việc lý giải các hiện tượng mới của thế giới, mà các ông ấy không còn sống để tiếp tục suy nghĩ và dìu dắt nhân loại nữa. Tôi thấy những trí thức mà tôi gặp cũng đều nghĩ như tôi, chứ không ai chống Mác-Lênin cả. Vì vậy tôi càng hết sức bực bội và khinh ghét những lời lẽ quy chụp tôi là chống chủ nghĩa xã hội và chống Mác-Lênin.
Không nên nói định hướng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ nói xây dựng chủ nghĩa xã hội thêm cái ngoặc vào là: dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, với ngụ ý cái chủ nghĩa xã hội mà ta xây dựng chính là cái chủ nghĩa xã hội ấy đấy.
Hết sức quan trọng là ở mấy chữ xã hội công bằng, dân chủ. Vì đã dân chủ thì phải đả phá chuyên chính, đả phá toàn trị, đả phá độc quyền. Nếu đúng như vậy thì tôi vẫn hô: “Muôn năm chủ nghĩa xã hội” và tôi vẫn phê phán cái chủ nghĩa xã hội công hữu bao cấp và quan liêu, hoặc nói là tôi “chống” lại cái thứ chủ nghĩa xã hội đó thì cũng được. Tôi vẫn hoan hô Đại hội IX đã thêm chữ dân chủ vào khẩu hiệu mục tiêu chiến lược, là “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng - dân chủ - văn minh” và mong nó được thực hiện.
IV. Đại Hội IX
Đại hội thế là đã xong (tôi nói XONG, chứ tôi không nói THÀNH CÔNG RỰC RỠ được, ngượng mồm lắm). Đại hội làm được một số việc: Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành mới. Việc thay đổi nhân sự kỳ này có cái được là:
• Đã loại bỏ được một số yếu tố của sự bảo thủ, trì trệ quá lỗi thời. Và sự loại bỏ này tuy mới chỉ là một số, nhưng là một số quan trọng. Nó giảm đi được các yếu tố bảo thủ.
• Đã ngăn chặn được một số yếu tố cơ hội hãnh tiến và lưu manh côn đồ. Tôi biết là trước Đại hội có nhiều người rất e ngại, nay ngăn chặn được, nhiều người thở phào.
• Đã có được vài chữ tích cực trong văn kiện đó là chữ Dân Chủ trong khẩu hiệu chiến lược, và sự xác định thứ tự các nguy cơ, nguy cơ lớn nhất là Tụt Hậu và nguy cơ Tham nhũng …
Đó mới là những cái được ở chữ nghĩa, chứ còn nội dung của Dân Chủ và đường lối Dân Chủ thì chưa có gì rõ ràng. Nội dung Tụt hậu và Tham nhũng cũng như đường lối khắc phục cũng chưa rõ.
Dù sao cũng cần ghi nhận rằng Đại hội IX có mấy cái được đó. Còn vấn đề cơ bản lớn là đường lối thì chưa giải quyết, chỉ mới là một sự lặp lại vô duyên các khẩu hiệu và công thức quá lỗi thời, đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn rõ là: đã nói huy động sức mạnh của toàn thể dân tộc (tức là tất cả già trẻ, lớn bé, trai gái, các dân tộc và giai cấp khác nhau) thế mà lại nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, tức là khuyến khích các giai cấp đấu lẫn nhau. Lại còn nhấn mạnh Đảng của giai cấp công nhân và Đảng giành quyền lãnh đạo độc tôn, tức là xoá bỏ sạch các Đảng khác. Đảng chỉ chấp nhận và đoàn kết với những người giống như Đảng và nói theo y nguyên ý Đảng, coi tất cả mọi người có ý kiến khác đều là chống đối, là phản động. Ngay cả những đảng viên lâu năm mà có ý kiến khác cũng khai trừ và đối xử như thù địch.
Như vậy là vấn đề đường lối chưa được giải quyết và thậm chí chưa được đặt ra. Đất nước đang bị tụt hậu nghiêm trọng.
Bây giờ phải có đường lối phát triển đất nước cho nhanh. Đảng cộng sản có muốn làm việc ấy không và có làm được không ?
Còn cứ kêu gọi kiên định, kiên trì ... thì thực chất vẫn cứ là trì kéo đất nước trong vòng lạc hậu, đất nước có tiến lên được chút nào thì cũng vẫn cứ tụt hậu ngày càng xa so với những đất nước không cần có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và họ cũng không cần “kiên định”, “kiên trì” cái gì hết.
Tôi nhắc lại: bây giờ điều quan trọng nhất là làm thế nào cho đất nước phát triển nhanh, để đất nước được nhanh chóng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thực sự.
Không cần “kiên định, kiên trì” cái gì cả!
Đại hội IX đã sắp xếp lại nhân lực, lựa chọn người vào bộ máy lãnh đạo mới có trình độ học vấn cao hơn và tuổi cũng trẻ hơn. Đó là hiện tượng đáng mừng.
Nhưng về đường lối thì vẫn ở trong tình trạng nửa vời. Một mặt thì phải thích nghi với những vận động mới của thế giới và trong nước, nhưng mặt khác lại ra sức kìm hãm các yêu cầu đổi mới và dân chủ hoá tích cực, tạo nên một cơ chế vừa thích nghi vừa kìm hãm. Trong tình thế ngày nay, không thích nghi thì sụp đổ nhưng lại sợ thích nghi. Hy vọng sắp tới yếu tố thích nghi có thể có sự nhúc nhắc nhỉnh hơn. Nhưng rõ ràng đường lối chưa thoát ra khỏi sự kìm hãm, chưa thoát khỏi tình trạng nửa vời.

<< PHẦN HAI | PHẦN BA >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 996

Return to top