Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Bút ký về tiểu sử G.C. Giucốp

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4433 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bút ký về tiểu sử G.C. Giucốp
K.M. Ximônốp

Phần I

Tôi đến Khankhin Gôn (1) hồi tháng 8, lúc các sự kiện sắp kết thúc, vào những ngày tiến công cuối cùng của bộ đội chúng ta. Cụm quân Nhật đang bị bộ đội ta và bộ đội Mông Cổ hợp vây dày đặc trên cồn cát phía đông bên bờ sông Khankhin Gôn. Quân ta đang công phá dữ dội những đồi trọc Rêmidôpxcaia, Pêxchanaia, Bedưmiamania. Đây là những đồi trọc sau cùng còn nằm trong tay quân Nhật.
Tôi biết người chỉ huy cụm quân của bộ đội Liên Xô là Quân đoàn trưởng Giucốp. Đồng chí là một kỵ binh, được điều động từ Quân khu Bêlôruxia tới đây. Ở các đơn vị cũng như ở Bộ biên tập chúng tôi, ai nấy khi nói đến Giucốp đều tỏ lòng kính nể. Dư luận nói rằng đồng chí là một người nghiêm cách và cương nghị và dư luận còn đồn rằng, mặc dù cấp trên có nhiều người đã đến Khankhin Gôn, nhưng Giucốp vẫn có được sự tự chủ, biết tự mình lãnh đạo các hành động quân sự và cũng theo như dư luận thì chính đồng chí là tác giả của kế hoạch hợp vây quân Nhật tại đây. Bởi như dư luận cho biết đã có nhiều kế hoạch đặt ra, song Giucốp vẫn kiên trì giữ vững kế hoạch của mình. Rồi Xtalin và Vôrôsilốp đã phê chuẩn kế hoạch của đồng chí ở Matxcơva.
Sau này khi quân Nhật bị hợp vây đã bị đánh tan, và không gian như thể im ắng, như thể đứng gió trước cơn giông bão thì tôi được nghe một câu chuyện xác nhận những gì mình đã từng nghe trước đây.
Trong tập bút ký của tôi về Khankhin Gôn còn giữ lại những dòng ghi chép sau: “Một hôm đi công tác ghé qua Khamarơ Đaba, lần đầu tiên tôi bắt gặp một cuộc tranh luận kịch liệt về tài năng và năng lực trong môi trường quân đội mà cũng phải nói thêm là cuộc tranh luận đã diễn ra khá quyết liệt, giống như vẫn xảy ra trong hàng ngũ các anh em nhà văn chúng tôi. Trong chiến tranh, tôi chưa gặp một cuộc tranh luận nào như thế, nên thoạt đầu có lấy làm sửng sốt.
Trong lúc chờ gặp đồng chí Oóctenbéc (2), hoặc đồng chí Xtápxki, tôi ngồi trong chiếc lều bạt của một cơ quan tham mưu và nói chuyện với các cán bộ chỉ huy, những chiến sĩ kỵ binh. Có một đại tá cộng sự với Giucốp từ hồi còn ở với nhau trong tập đoàn quân kỵ binh nói một cách sốt sắng và nhiệt thành rằng toàn bộ cái kế hoạch hợp vây quân Nhật là kế hoạch của Giucốp. Chính Giucốp đã vạch ra kế hoạch đó còn Xtécnơ không có liên quan. Giucốp thật tài năng, còn Xtécnơ (3) tỏ ra không có gì đặc biệt. Sự việc đúng là như thế bởi đồng chí ấy biết rất chính xác, rằng ngoài Giucốp, không có ai liên quan tới kế hoạch ấy.
Câu chuyện không mang tính cá nhân. Bởi nếu như vậy thì cũng chẳng đáng nhớ làm gì. Đồng chí đại tá nói thật say sưa và chân thành như vốn dĩ vẫn thường xảy ra trong các câu chuyện riêng của chúng tôi, hồi còn là những môn đệ của Viện Văn học. Khi có ai đó đứng ra kiên quyết bảo vệ tài năng của các nhà thơ và nhà giáo mình yêu mến, thì đồng thời cũng ráng sức làm cho nhà thơ và nhà giáo mà mình yêu quý trội hơn hẳn những người khác”.
Một tuần lễ sau, tôi được gặp Giucốp. Đây là lần gặp đầu tiên vào một buổi sáng, sau khi được hẹn từ đêm hôm trước, nhưng lại rơi vào thời điểm gần cuối của một trận đánh chống những đơn vị quân Nhật mới được điều động tới. Lần này tôi dẫn ra đây đoạn trích trong tập ghi chép ở Khankhin Gôn của tôi.
Ngày hôm nay, tôi cùng với Oóctenbéc, Lapin và Khaxrevin (4) đến chỗ Giucốp. Oóctenbéc muốn biết theo ý kiến Giucốp thì những tin tức về cuộc tiến công sắp tới của quân Nhật có khả năng hiện thực như thế nào và chúng ta cần định hướng ra sao trên báo chí.
Bộ tham mưu vẫn đóng tại Khamarơ Đaba như trước đây. Song căn hầm của Giucốp có vẻ mới như mới làm xong hôm qua hoặc hôm kia, bởi lẽ những khúc gỗ đẽo còn tươi, rất sạch và gỗ tốt. Lối vào có hành lang hẹp, được che rèm, trong kê được cả chiếc giường thay cho tấm ghế ngựa.
Gìucốp ngồi sau bàn kê ở một góc hầm tựa như văn phòng làm việc. Có lẽ đồng chí ấy mới đi tắm về nên da dẻ hồng hào, không có áo khoác ngoài, mặc chiếc áo sơ mi bằng vải bông vàng bỏ trong chiếc quần chít ống. Bộ ngực nở rộng làm căng phồng áo. Vóc người đồng chí tầm thước, song khi ngồi lại thấy có vẻ to cao.
Oóctenbéc mở đầu câu chuyện. Chúng tôi ngồi xung quanh. Giucốp im lặng. Lapin vốn nóng lòng và hay bắt bẻ nên đưa ra những câu hỏi. Song Giucốp vẫn im lặng, ngó nhìn chúng tôi và theo tôi thì đồng chí ấy như đang suy nghĩ đến cái gì khác.
Vào lúc đó có một cán bộ trinh sát bước vào mang theo báo cáo. Giucốp đọc lướt qua rồi nhìn người cán bộ trinh sát với ý không vừa lòng và chậm rãi nói:
- Con số 6 sư đoàn trong báo cáo là các anh nói sai. Ở đây chúng tôi chỉ ghi có 2. Số còn lại là các anh bịa ra. Để giữ thể diện hay sao?
- Họ làm ăn như thế đấy! - Giucốp quay sang Oóctenbéc nói và không để ý tới người cán bộ trinh sát.
Một sự im lặng bao trùm.
- Tôi có thể rời khỏi đây? - Người cán bộ trinh sát hỏi.
- Đồng chí đi đi và chuyển lời của tôi đến chỗ các đồng chí rằng đừng có hão huyền. Nếu các đồng chí chưa nắm được, thì cứ trung thực để lại những chỗ còn bỏ trống đó chứ đừng huyễn hoặc tôi về những sư đoàn Nhật không tồn tại trên thực tế bằng cách thêm các con số vào cái chỗ trống ấy.
Khi người cán bộ trinh sát đi khỏi, Giucốp nhắc lại:
- Họ làm ăn như vậy đấy. Những trinh sát viên ấy. - Rồi quay sang Lapin và nói:
- Đồng chí hỏi liệu có xảy ra chiến tranh phải không?
Lapin vội nói là mình hỏi như vậy không phải vì tò mò, đồng chí ấy sẽ cùng với Khaxrevin dự định sắp rời khỏi đây ở phía đông này để sang phía tây. Ở đấy chắc chắn sẽ xảy ra nhiều sự kiện. Nhưng nếu tới đây sẽ xảy ra sự gì đó ở đây thì họ sẽ không đi nữa. Chính vì vậy mà đồng chí ấy muốn hỏi.
- Tôi không biết. - Giucốp nói vẻ hơi lạnh lùng. Rồi đồng chí ấy lại nhắc: - Tôi không biết, tôi nghĩ bọn chúng muốn dọa chúng ta.
Ngưng một lát đồng chí nói thêm:
- Tôi nghĩ là sẽ không có gì ở đây. Riêng tôi nghĩ như thế. - Đồng chí nhấn mạnh chữ “riêng” như thể muốn tách mình ra khỏi ai đó có thể nghĩ khác.
- Tôi nghĩ, các đồng chí có thể đi được. - Giucốp nói như muốn thu gọn câu chuyện.
Ấn tượng ban đầu còn khắc sâu trong ký ức tôi về Giucốp là như thế. Ấn tượng ấy còn lưu lại đậm nét hơn ở lần sau, qua 5 năm rưỡi tôi lại được gặp Giucốp vào cái hôm Câyten Xtumphơ, Phriđebốc bay tới Béclin để ký văn bản đầu hàng không điều kiện của quân đội Đức.
Thế nhưng, những ấn tượng vào tháng 5 năm 1945, tôi sẽ nói sau. Còn bây giờ tôi nói đến cuộc gặp mặt Giucốp sau chiến tranh vào hồi tháng 10 năm 1950.
Tôi gặp Giucốp lần này thật hoàn toàn ngẫu nhiên trên mảnh đất Kixlôvôtxki chật hẹp, đông người. Tôi được biết đồng chí ấy đang chỉ huy Quân khu Uran và đang nghỉ dưỡng sức tại đây. Giucốp không mặc quân phục, song bộ thường phục của đồng chí mặc cũng vẫn gợi cho ta thói quen hình dung như là bộ quân phục.
Tôi biết Giucốp không thể nhận ra, nên tự giới thiệu là tôi đã có dịp gặp đồng chí ở Khankhin Gôn.
- Đúng, tất nhiên rồi. - Giucốp nói - Tôi nhớ sau này chúng ta lại cũng đã có dịp gặp nhau hồi còn chiến tranh.
Cái đó cũng là khuyết tật tự nhiên của trí nhớ, bởi đồng chí ấy hình dung tôi cũng giống như nhiều phóng viên quân đội khác đã có mặt ở chỗ đồng chí ngoài mặt trận.
Tôi buộc phải đáp lại, rằng mình không được cái may mắn ấy. Trong suốt cuộc chiến tranh, từ đầu chí cuối tôi chưa lần nào được gặp mặt đồng chí.
Tôi đề nghị với đồng chí dành cho tôi một ít thời gian để thỏa mãn một số câu hỏi của tôi về Khankhin Gôn; bởi tôi đang thai nghén viết cuốn tiểu thuyết nói đến những nhân vật từng tham gia trong các sự kiện này.
Giucốp khựng lại một lát. Tôi hiểu trong những năm này, sau khi đồng chí rời khỏi cương vị Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, thể trạng tinh thần của đồng chí không được thanh thản. Thậm chí tôi còn hình dung lúc này đồng chí ấy như không muốn nói với tôi cả về Khankhin Gôn, cả về bản thân mình. Song im lặng một lúc đồng chí nói:
- Được.
Và chúng tôi liền hẹn nhau thời gian và địa điểm gặp mặt. Chúng tôi gặp nhau được hai lần, mỗi lần khoảng mấy tiếng đồng hồ. Có một lần lúc gặp mặt có thêm hai người nữa là Oócgiơnikitde và Ginaiđa Côngxtantinốpna. Bà ta cũng đang nghỉ tại nhà điều dưỡng.
Cả hai buổi nói chuyện với Giucốp, tôi đều ghi chép lại hết.
Khi nhớ lại Khankhin Gôn, Giucốp bắt đầu từ đoạn cuối từ những quy mô thất bại của bọn Nhật Bản.
- Tôi còn nhớ chúng tôi đã từng đi qua vùng sông Khankhin Gôn ra sao. Hồi ấy quân Nhật đang cố thoát khỏi vòng vây của Sư đoàn 57 của chúng ta, chúng đã bỏ lại biết bao xác chết, khiến đêm tối đi ngoài bãi chiến trường mà xương cốt cứ lạo xạo dưới bánh xe. Mùi hôi thây người xông lên đến dễ sợ... Đồng chí còn nhớ chứ, sau khi đàm phán, bọn chúng đã tổ chức đi thu xác những tên đã bị gục ngã trong vòng vây ra sao không? Thấy được cái xác nào, chúng liền vội lấp đất ngay và coi như xong...
Sau đó, đồng chí lại trở về câu chuyện với những sự kiện hồi đầu tháng 7 năm 1939, khi đồng chí mới đến Khankhin Gôn và bước vào chỉ huy.
Ngay hồi còn ở Khankhin Gôn, tôi đã được nghe nhiều về những sự kiện này, về trận đánh Bain Xagan (5) hoặc như ngày ấy thường nói là trận quyết chiến Bain Xagan, về những thắng lợi to lớn đầu tiên của ta sau một tháng rưỡi chiến đấu. Trận đấu diễn ra vào thời điểm thật khó khăn đối với chúng ta. Quân Nhật sử dụng những lực lượng lớn bộ binh và pháo binh vượt sang bờ phía tây sông Khankhin Gôn nhằm chia cắt các đơn vị của ta đang tiếp tục chiến đấu ở bờ bên này sông.
Còn về phía chúng ta ở gần đấy, trên đường tiếp cận lại không có bộ binh và pháo binh để kháng cự lại. Lúc này chỉ có lữ đoàn xe tăng và lữ đoàn xe bọc thép đang hành quân là có thể kịp điều động tới. Mà hồi đó theo quy định trong điều lệnh quân sự, nếu không có bộ binh chi viện thì xe tăng và xe bọc thép không được tiến công.
Đứng trước tình thế đó, tình thế rất hiểm nghèo, Giucốp đã nhận hết trách nhiệm về phần mình, quyết tung lữ đoàn xe tăng và xe bọc thép tiến công vào quân địch trong hành tiến.
Và Giucốp đã tự nói về sự kiện này qua 11 năm sau: ở Bain Xagan, chúng ta bị lâm vào một tình thế bất lợi, bộ binh bị rớt lại sau. Trung đoàn của Rêmidốp còn bị chậm tới một chặng đường. Sư đoàn 107 của quân Nhật đã đổ bộ sang bờ bên này, bên bờ chúng ta. Chúng bắt đầu vượt sông lúc 6 giờ tối và đến 9 giờ sáng thì kết thúc. Chúng đã tràn sang 21.000 quân, chỉ một ít quân ở thê đội hai còn bị chậm trễ ở lại bờ bên kia. Chúng đã kéo được sư đoàn sang và đang tổ chức phòng ngự chống tăng cả hai mặt: thụ động và tích cực. Một là, bộ binh của chúng khi sang bờ bên này, lập tức đào ngay các hào chống tăng kiểu vòng tròn. Đồng chí chắc còn nhớ. Và hai là, chúng đã kéo theo cả toàn bộ số pháo chống tăng, trên 100 khẩu, tạo nên mối uy hiếp các đơn vị ta ở bên này và buộc chúng ta phải bỏ lại cái căn cứ bàn đạp bên sông Khankhin Gôn. Tất cả hy vọng của chúng ta lại trông vào nó, trông vào cái căn cứ bàn đạp ấy. Nghĩ tới sau này sẽ như vậy, nên không thể nào bỏ qua được. Tôi hạ quyết tâm sử dụng lữ đoàn xe tăng của Iacốplép tiến công vào quân Nhật. Tôi biết không có bộ binh chi viện, lữ đoàn sẽ bị tổn thất nặng, nhưng chúng tôi đi tới quyết định này một cách có ý thức.
Lữ đoàn của Iacốplép là một lữ đoàn mạnh, có khoảng 200 xe đã triển khai và tiến quân. Lữ đoàn bị thiệt hại rất nặng trước hỏa lực pháo binh của Nhật nhưng tôi nhắc lại, là chúng tôi đã chuẩn bị sự tổn thất ấy Một nửa quân số của lữ đoàn bị hy sinh và bị thương, số xe cũng bị mất đến một nửa, thậm chí hơn cả một nửa. Các lữ đoàn xe bọc thép chuẩn bị cho tiến công bị thiệt hại nặng hơn. Xe tăng bốc cháy trước mắt tôi. Trên một địa đoạn triển khai 36 chiếc xe tăng và chẳng bao lâu 24 chiếc bị bốc cháy. Nhưng ngược lại, chúng tôi đã đánh tan sư đoàn quân Nhật, đã xóa sổ chúng.
Khi mọi sự bắt đầu, tôi đang ở Tamxắc Bulắc. Tôi được thông báo tại đây là quân Nhật đã vượt sông. Tôi lập tức gọi điện thoại tới Khamarơ Đaba và ra lệnh: “Lữ đoàn xe tăng của Iacốplép bước vào chiến đấu”. Lữ đoàn còn phải vượt một chặng đường tới 60-70 kilômét và đã chạy theo đường thẳng qua thảo nguyên, rồi bước vào chiến đấu.
Lúc mới tạo nên tình thế nặng nề và khi quân Nhật tiến tới bờ sông ở Bain Xagan, Culích (6) yêu cầu phải rút pháo binh ra khỏi căn cứ bàn đạp mà ta còn chiếm giữ. Tôi trả lời đồng chí: Nếu vậy, thì đồng chí cần yêu cầu rút hết tất cả khỏi căn cứ bàn đạp, rút cả bộ binh, tôi sẽ không để lại bộ binh ở đây mà không có pháo binh. Pháo binh là nòng cốt của phòng ngự và sự thể sẽ ra sao nếu như chỉ có bộ binh ở lại một mình? Đã vậy, cần rút hết. Nói chung, tôi không nghe theo. Tôi từ chối thi hành mệnh lệnh này và báo cáo về Matxcơva rằng tôi thấy nếu cho pháo binh rút ra khỏi căn cứ bàn đạp là không hợp lý. Và cấp trên đã chấp thuận quan điểm ấy.
Kể xong chuyện về Bain Xagan, Giucốp bỗng nhắc tới thiếu tá Rêmidốp, rằng trung đoàn của đồng chí ấy đã phải vượt một chặng đường rất xa để kịp bước vào chiến đấu trong ngày hôm ấy.
- Đồng chí có biết Rêmidốp? - Giucốp hỏi. Tôi nói, tôi chưa được gặp Rêmidốp khi còn sống, chỉ được nghe tiếng về đồng chí ấy.
- Thật là một con người tốt, một cán bộ chỉ huy tốt. - Giucốp nói - Tôi quý mến đồng chí ấy và thích đi đến chỗ đồng chí ấy. Có lúc đã ghé qua uống trà. Rêmidốp là con người dũng cảm. Song lại bị chết một cách khờ khạo, lúc đang nói điện thoại. Đồng chí ấy bố trí đài quan sát của mình không hay. Địa hình thì trống trải. Đang nói điện thoại, một viên đạn đã xuyên thẳng vào tai ngay tại đài quan sát.
Có câu chuyện về Rêmidốp như sau: Khi quân ta bao vây quân Nhật, đồng chí đã cùng trung đoàn lao lên phía trước, đột nhập sâu vào bên trong. Quân Nhật lập tức tung ra những lực lượng lớn đón đánh. Chúng tôi liền điều ngay lữ đoàn xe bọc thép tới đấy. Lữ đoàn từ hai phía tiếp cận tới các đơn vị của Rêmidốp và chặn đường tiến quân của địch (lúc này Giucốp đưa tay làm hiệu lữ đoàn xe bọc thép đã chặn đường quân địch). Nhờ vậy mà Rêmidốp có thể rút ra được an toàn. Qua chuyện này, có ai đó gửi thư tố giác về Matxcơva, đề nghị truy tố Rêmiđốp về những hành động tùy tiện và vân vân... Song tôi cho rằng, có cái gì mà truy tố đồng chí ấy. Tôi hài lòng về con người ấy, những con người hăng hái xông lên phía trước. Thử hỏi là cán bộ chỉ huy mà trong chiến đấu không tiến, không lui, không sang trái, không rẽ phải, không thể tự mình quyết định một cái gì hết, thì sẽ ra sao? Thế là tôi đề nghị ngược lại, đề nghị khen thưởng Rêmidốp. Song hồi ay truy tố cũng không truy tố, mà khen thưởng thì cũng không khen thưởng. Sau này khi đồng chí hy sinh mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Lữ đoàn trưởng Iacốplép, chỉ huy lữ đoàn xe tăng cũng là một người rất dũng cảm và một cán bộ chỉ huy tốt Song đồng chí hy sinh cũng thật vô lý.
Một cụm quân Nhật, chừng 300 tên đột phá vào khu vực trung tâm vượt sông của chúng tôi, bọn chúng không nhiều nhưng cũng tạo nên mối uy hiếp tới việc vượt sông. Tôi lệnh cho Pôtapốp và Iacốplép có trách nhiệm phải tiêu diệt cụm quân này. Các đồng chí tập hợp bộ binh, tổ chức tiến công. Iacốplép nhảy lên xe tăng và chỉ huy trên xe tăng, một xạ thủ Nhật đã ngắm bắn, kết liễu cuộc sống của đồng chí, một cán bộ chỉ huy chiến đấu rất tốt.
Quân Nhật trong thời gian này chỉ có một lần dùng xe tăng luồn vào đánh chúng tôi. Chúng tôi được tin lữ đoàn xe tăng của chúng tiến ra mặt trận. Sau khi chuẩn xác tình hình, chúng tôi cho bố trí pháo binh trên hướng duy nhất xe tăng có thể đi lại được - trên hướng giữa, trong khu vực Nômôn Khan Buốc Ôbô. Và quân Nhật đã triển khai, tiến quân theo đúng hướng đó. Các pháo thủ chúng ta nã pháo vào chúng. Tôi trực tiếp nhìn thấy trận chiến đấu này. Chúng ta đã bắn cháy và tiêu diệt khoảng 100 xe tăng. Chỉ có một chiến không bị hư hại và quay trở lại. Các pháo thủ gọi điện: “Đồng chí Tư lệnh, đồng chí thấy không các xe tăng Nhật đang bốc cháy?”. Tôi đáp lại: “Tôi thấy... thấy... Một chiếc, hai chiếc,...”. Tất cả các cán bộ chỉ huy pháo binh đều gọi điện thoại, tất cả đều như muốn khoe là họ đang bắn cháy những chiếc xe tăng ấy. Thực ra, quân Nhật không có những xe tăng đáng được gọi cái tên ấy. Các xe tăng chui vào lữ đoàn này có một lần mà về sau không thấy một chiếc xe tăng nào hoạt động nữa. Còn những chiếc máy bay bổ nhào của Nhật không tồi, mặc dù họ ném bom phần lớn ở độ khá cao. Pháo cao xạ của họ tốt. Bọn Đức cũng đã đem pháo cao xạ của họ ra thử sức ở đây cùng với quân Nhật trong các điều kiện chiến đấu.
Quân Nhật tung ra một lực lượng chủ yếu tới 2 sư đoàn bộ binh chống lại chúng ta. Nhưng cũng cần nhớ là, một sư đoàn quân Nhật trong thực tế về quân số tương đương một quân đoàn bộ binh của chúng ta, bởi chúng có tới 21.000 lưỡi lê, đội ngũ cán bộ chỉ huy có tới 3.600 người. Nên cũng có thể nói Khankhin Gôn có tới 2 quân đoàn bộ binh đánh vào chúng ta, ngoài ra còn những trung đoàn độc lập, các đội lính cảnh vệ, lính đường sắt.
Khi chuyển hồi ức sang việc đánh giá các sự kiện ở Khankhin Gôn, Giucốp nói:
- Tôi nghĩ đứng về cả hai phía thì đây là những trận trinh sát chiến đấu lớn. Một cuộc thăm dò lớn, điều quan trọng đối với quân Nhật hồi đó là thăm dò xem chúng ta có thể chiến đấu với họ được không. Kết quả những trận chiến đấu ở Khankhin Gôn về sau này được góp phần quyết định ít nhiều tới thái độ dè dặt của chúng khi chúng ta bắt đầu chiến tranh với quân Đức.
Tôi nghĩ rằng, nếu ở Khankhin Gôn công việc của chúng tiến triển thuận lợi, chúng sẽ tiếp tục triển khai tấn công. Kế hoạch của chúng còn đi xa hơn nữa, nhằm đánh chiếm miền đông Mông Cổ, tiến tới vùng Baican và Chita, tới các đường hầm, chặn đường trục Xibia.
Việc cung cấp của chúng ta ở Khankhin Gôn gặp nhiều khó khăn, từ ga Bôrôdia tới đây khoảng 700 kilômét. Còn quân Nhật có 2 trạm cung cấp ở gần hơn: trạm Khaila cách 100 kilômét và trạm Khalun Ácsan 30 kilômét. Nhưng khi về cuối chiến sự Khankhin Gôn, các nhà hoạt động quân sự ở Khankhin Gôn hiểu ra rằng, với trình độ trang bị quân đội của chúng hồi đó, chúng không thể đánh thắng chúng ta, mặc dù các sư đoàn chính quy của Nhật chiến đấu tốt. Phải thừa nhận rằng, đây là những đơn vị bộ binh đánh tốt, những người lính đánh tốt.
Nói về sự kiên cường của binh lính Nhật, lúc dẫn ra mấy ví dụ, Giucốp nhún vai tỏ ý không hài lòng nói:
- Nói chung, chúng ta thấy xu hướng ấy không đúng. Tôi mới đọc ở đây một cuốn tiểu thuyết miêu tả Hitle lúc đầu chiến tranh cũng giống như lúc cuối chiến tranh. Như ai cũng biết, lúc cuối chiến tranh khi mọi việc rối tung, đổ vỡ, Hitle thực sự khác hẳn, thực sự tỏ ra là một kẻ thấp hèn. Nhưng Hitle cũng đúng là một nhà chỉ huy quân sự mạnh, một kẻ thù xảo quyệt, man rợ. Lấy những người Đức ra mà nói, ta thấy họ nhìn nhận Hitle cũng khác nhau, không phải bao giờ cũng một cách. Thời kỳ đầu, họ khâm phục Hitle. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng, uy tín của Hitle càng lớn.
Lấy thái độ của Bộ chỉ huy quân sự Đức đối với Hitle mà xem xét, ta cũng thấy họ có thái độ khác nhau trong các giai đoạn. Song nếu chúng ta hình dung Hitle lúc mới bắt đầu chiến tranh cũng chỉ là một tên ngu xuẩn thì như vậy là tự mình hạ thấp những chiến công của mình. Chúng ta biết ai đã quật ngã hắn? Một tên ngu ngốc ư? Mà trong khi đó thì chính chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù nguy hiểm, đáng sợ. Phải thể hiện như vậy và cần thể hiện như thế...
Những ghi chép của tôi trong năm 1950 về những sự kiện ở Khankhin Gôn do Giucốp cho biết có thế thôi, nhưng sau này vào những năm khác, lúc nói về chủ đề khác, đồng chí lại nhớ đến các sự kiện ở Khankhin Gôn.
Trong một cuộc nói chuyện vào mùa thu năm 1965, Giucốp lại nhắc đến Khankhin Gôn, nói về những mặt đúng và những mặt không đúng của chúng ta trong các đánh giá về quân địch.
- Quân Nhật chiến đấu quyết liệt. Tôi phản đối những ý kiến nhận xét cho là quân địch tồi. Cái đó không hẳn là coi thường địch, không hẳn là đánh giá thấp địch, mà là đánh giá thấp chính bản thân ta.
Quân Nhật chiến đấu quyết liệt, chủ yếu là bộ binh. Tôi nhớ buổi hỏi cung quân Nhật ở vùng Khankhin Gôn. Chúng bị bắt làm tù binh trong một bãi lau sậy. Chúng cứ ngồi lì tại đấy cho muỗi ăn thịt. Tôi hỏi chúng: “Tại sao các anh cứ ngồi lì đấy cho muỗi tha hồ đốt?”. Bọn chúng trả lời: “Chúng tôi được lệnh phải ngồi đấy để canh gác và không được động đậy làm rung rinh lau sậy Chúng tôi đã ngồi im như thế”. Quả là đơn vị đã bố trí cho chúng phục tại đây, rồi sau này bỏ quên chúng.
Tình hình thay đổi, tiểu đoàn của chúng được lệnh rút lui, song chúng vẫn cứ ngồi đấy không động đậy cho tới ngày thứ hai, cho tới lúc chúng bị bắt. Muỗi ở đầm lầy thịt chúng đến sống dở chết dở, nhưng chúng vẫn tiếp tục thực hiện mệnh lệnh. Hành động ấy đúng là những người lính chân chính. Dẫu muốn hay không, tôi cũng khâm phục họ.
Tiếp tục nói về chuyện này, giống như năm 1950, Giucốp lại bắc cầu từ chiến tranh chống Nhật sang chống Đức.
- Tôi còn nhớ một tù binh Đức hôm hỏi cung ở Ennhia. Đó là một trong những tên lính xe tăng đầu tiên bị bắt làm tù binh. Hắn ta còn trẻ, đẹp, dong dỏng cao, tóc vàng, trông tựa như Nibéclun, khiến tôi gợi nhớ tới bức tranh “Nibéclun” trong phim ảnh được xem vào những năm 1920. Nói gọn, là một mẫu vật. Tôi bắt đầu hỏi cung. Hắn trả lời hắn là lính thợ máy, lái xe tăng đại đội X, tiểu đoàn Y của một sư đoàn xe tăng. Tôi hỏi tiếp những câu khác. Hắn không trả lời.
“Tại sao anh không trả lời”. Im lặng. Sau đó, hắn ta nói:
“Ngài là một quân nhân ngài phải hiểu tôi cũng là một quân nhân và tôi đã trả lời ngài tất cả những gì phải trả lời, rằng tôi là ai thuộc đơn vị nào. Ngoài ra tôi không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác, bởi tôi đã tuyên thệ. Và ngài khi biết tôi là một quân nhân thì cũng không nên hỏi tôi, không nên yêu cầu tôi phải vi phạm nghĩa vụ, làm mất danh dự mình”.
Tới lúc đó, tôi hỏi hắn ta rằng hắn có biết đang nói chuyện với ai?
Không, hắn không biết. “Đồng chí hãy phiên dịch cho hắn biết tôi là Đại tướng Giucốp”. Nghe xong, hắn đáp: “Tôi không biết ngài. Tôi chỉ biết các tướng lĩnh của mình. Tôi không biết tướng lĩnh các ngài”.
Cừ thật! Một tên xấc xược thật hiếm. Nhưng lẽ nào lại không khâm phục hắn ta? Không thể không khâm phục.
Tôi nói với hắn ta: “Nếu anh không trả lời, chúng tôi sẽ xử bắn và hết”. Hắn hơi tái mặt, song không chịu quy hàng. Hắn nói: “Các ngài cứ bắn nếu các ngài muốn hành động một cánh hèn hạ đối với một tù binh tay không. Các ngài hãy bắn đi. Tôi hy vọng các ngài sẽ không làm như vậy. Vô luận thế nào tôi cũng không trả lời gì hơn những gì đã trả lời”.
Sau này, khi báo cáo cho Xtalin về chiến dịch Ennhia, tôi có kể cho Xtalin nghe chuyện tên tù binh này. Tôi đã minh họa lại và góp ý kiến, rằng chúng ta phải biết đến những tên lính Đức mà chúng ta đang phải đương đầu. Phải biết được tình hình đó và phải đánh giá cho rõ ràng. Bởi sự đánh giá này có quan hệ chặt chẽ tới những tính toán và kế hoạch đặt ra.
Chuyện tuy nhỏ, song chúng ta vẫn phải tính đến khi đánh giá địch và cả bản thân chúng ta. Khi lập kế hoạch chiến dịch, cần đánh giá tới trạng thái tinh thần, trình độ ý thức kỷ luật và sự tôi luyện của binh lính địch. Không đánh giá đúng mức hết những cái đó sẽ khó tránh khỏi những khuyết điểm và sai lầm.
Năm 1950, Giucốp nói ngắn, không đi vào chi tiết về sự bổ nhiệm của mình tới Khankhin Gôn. Lần này, đồng chí kể lại tỉ mỉ hơn.
- Sau này, các đồng chí mới kể cho tôi biết, chuyện tôi được điều động đến Khankhin Gôn. Vào tháng 5, tháng 6 chúng ta bị những thất bại ban đầu. Khi thảo luận vấn đề này với Vôrôsilốp (7), lúc có mặt Timôsencô (8) và Pônômarencô (thời gian ấy là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Bêlôruxia), Xtalin hỏi Vôrôsilốp: “Ai đang chỉ huy bộ đội ở Khankhin Gôn?” - Lữ đoàn trưởng Phéclencô - “Vậy Phéclencô này là ai? Đồng chí ấy tỏ ra như thế nào?” - Xtalin hỏi. Vôrôsilốp nói, lúc này khó có thể trả lời được chính xác câu hỏi ấy. Bản thân tôi không biết Phéclencô và cũng không biết đồng chí ấy ra sao. Xtalin không hài lòng nói: “Vậy là thế nào? Những con người ấy đang chiến đấu, mà cậu lại không nắm được ở chỗ cậu là ai đang chiến đấu, ai đang chỉ huy bộ đội? Cần phải cử người khác đến đấy để uốn nắn lại tình hình và có khả năng hành động một cách chủ động. Mà không phải chỉ có thể uốn nắn tình hình, mà còn phải đè bẹp quân Nhật”. Timôsencô nói: “Tôi xin được đề cử - Quân đoàn trưởng kỵ binh Giucốp”. “Giucốp... Giucốp - Xtalin nói - Tôi có nhớ đến cái tên này”. Lúc ấy, Vôrôsilốp mới nhắc cho Xtalin nhớ lại: “Giucốp chính là người mà năm 1937 đã gửi cho đồng chí và cho tôi bức điện, nói rằng quy trách nhiệm về đảng cho đồng chí ấy là không công bằng”. “Được, song sự việc kết thúc ra sao?”, Xtalin hỏi. Vôrôsilốp nói sau này tìm hiểu việc buộc tôi trách nhiệm về đảng cho Giucốp là không có cơ sở gì hết.
Timôsencô đề cập tới những mặt mạnh của tôi và nói, Giucốp là một người kiên quyết, có thể làm trọn được nhiệm vụ. Pônômarencô cũng xác nhận để hoàn thành nhiệm vụ này sự đề cử ấy là đúng.
Thời gian này tôi là Phó tư lệnh Quân khu Bêlôruxia đang đi công tác dã ngoại. Tôi được gọi đến máy nói và nhận được thông báo: ngày mai phải có mặt ở Matxcơva. Tôi bèn gọi điện tới chỗ đồng chí Xuxaicốp. Lúc này đồng chí ấy là ủy viên Hội đồng quân sự Quân khu Bêlôruxia. Dẫu thế nào thì năm nay vẫn là năm 1939, tôi nghĩ, việc triệu tập như thế có nghĩa gì?
Tôi hỏi: “Đồng chí có nắm được lý do triệu tập không?”.
Đồng chí ấy trả lời: “Tôi không nắm được. Chỉ biết có một điều: buổi sáng cậu phải có mặt ở phòng tiếp khách của Vôrôsilốp”.
Đến Matxcơva, tôi được lệnh phải bay tới Khankhin Gôn. Ngày hôm sau, tôi đáp máy bay tới đó.
Mệnh lệnh giao cho tôi lúc ban đầu có như thế này:
“Phân tích tình hình, báo cáo những biện pháp thi hành, báo cáo những đề nghị của mình”.
Tới nơi tôi phân tích tình hình, báo cáo những biện pháp đặt ra và những kiến nghị của mình. Trong một ngày tôi nhận được hai bức điện mật mã liên tiếp. Bức thứ nhất: Đồng ý những kết luận và đề nghị của tôi. Còn bức thứ hai: Tôi được bổ nhiệm thay Phéclencô làm Tư lệnh Quân khu đặc biệt ở Mông Cổ.
Trong một câu chuyện khác cũng vào mùa thu năm 1965, Giucốp đề cập tới những cán bộ chỉ huy cấp trên có quan hệ với đồng chí ở Khankhin Gôn. Và tôi cũng sẽ nói tới tình cảm đáp lại sự việc ở phía dưới, trong hàng ngũ cán bộ cấp dưới. Còn bây giờ chính Giucốp nói về những việc này:
- Sang ngày tiến công thứ ba của chúng ta vào hồi tháng 8, quân Nhật trụ lại bên sườn phía bắc cao điểm Palét và tiến trình có bị kìm lại, tôi có cuộn nói chuyện với G.M. Xtécnơ. Xtécnơ có mặt tại đây và theo lệnh của trên vai trò của đồng chí ấy là Tư lệnh Phương diện quân Dabaican, có nhiệm vụ bảo đảm hậu phương của chúng tôi, bảo đảm mọi thứ cần thiết cho cụm quân do tôi chỉ huy. Trường hợp nếu chiến sự lan sang các khu vực khác, mở rộng thành chiến tranh thì cụm quân của tôi theo quy định của cấp trên sẽ trực tiếp nằm trong biên chế thuộc quyền Phương diện quân đồng chí ấy. Nhưng chỉ trong trường hợp ấy. Còn lúc này thì chúng tôi hoạt động độc lập, do Matxcơva trực tiếp chỉ đạo.
Xtécnơ đi đến chỗ tôi và góp ý đừng làm quá, mà nên dừng lại tích lũy thêm lực lượng trong vòng 2, 3 ngày để mở những mũi đột kích tiếp sau rồi sau đó mới tiếp tục hợp vây quân Nhật. Đồng chí nói rõ thêm, nên giảm tốc độ chiến dịch, ta đang bị thiệt hại nặng, nhất là ở phía Bắc. Tôi trả lời đồng chí ấy, rằng chiến tranh là chiến tranh và trong chiến tranh không thể không có thiệt hại và những thiệt hại ấy có thể là những thiệt hại nặng, nhất là khi ta phải đương đầu với một kẻ địch ác liệt và nguy hiểm như quân Nhật. Nhưng nếu như lúc này vì những thiệt hại ấy và vì những sự phức tạp nảy sinh trong tình huống, chúng ta đem hoãn việc thực hiện kế hoạch đề ra ban đầu tới 2, 3 ngày thì sẽ xảy ra một trong hai điều kiện sau đây: hoặc là chúng ta sẽ không thực hiện được kế hoạch đó nói chung, hoặc là chúng ta thực hiện được kế hoạch nhưng chậm trễ rất nhiều và bị thiệt hại lớn bởi sự thiếu kiên quyết của chúng ta, mà rốt cuộc, những thiệt hại ấy sẽ phải trả giá đắt gấp 10 lần hơn những thiệt hại chúng ta đang phải chịu đựng bây giờ, đang có trong những hành động kiên quyết. Nếu tiếp nhận sự góp ý của đồng chí, ta sẽ bị thiệt hại gấp 10 lần nặng hơn.
Sau đó, tôi hỏi đồng chí ấy, đồng chí ra lệnh cho tôi hay chỉ góp ý? Nếu ra lệnh đề nghị đồng chí viết lệnh bằng văn bản. Nhưng tôi xin nói trước là tôi sẽ kháng lệnh này ở Matxcơva, bởi tôi không tán thành. Đồng chí ấy đáp, rằng không phải ra lệnh mà góp ý, mà cũng sẽ không viết lệnh. Tôi nói: “Nếu vậy, tôi không chấp nhận những kiến nghị của đồng chí. Bộ đội tin cậy ở tôi và tôi chỉ huy bộ đội ở đây. Còn đồng chí được ủy nhiệm chi viện cho chúng tôi và bảo đảm hậu phương của chúng tôi Nên tôi đề nghị đồng chí không nên vượt quá phạm vi được ủy nhiệm”. Một câu chuyện thật căng, không dễ chịu chút nào. Xtécnơ ra đi sau đó, hai hay ba tiếng đồng hồ, đồng chí ấy quay lại tựa như có trao đổi với một ai đó trong lúc ấy và nói với tôi: “Thôi được có thể là cậu đúng. Tôi rút những kiến nghị của mình”.
Về những khó khăn chúng ta đã vấp váp ở Khankhin Gôn khiến chúng ta bị những thất bại trong các thời kỳ đầu, Giucốp đề cập tới trong buổi nói chuyện khác, khi nói về nguyên nhân của tấn thảm kịch đã xảy ra hồi tháng 6 năm 1941.
- Trong số những nguyên nhân nói về tình trạng thiếu chuẩn bị cho chiến tranh với bọn Đức thì hệ thống huấn luyện bộ đội địa phương mà mãi tới năm 1939 mới thực sự đoạn tuyệt với nó, giữ vai trò nhất định. Các sư đoàn bộ đội địa phương của chúng ta được triển khai đầy đủ biên chế, song huấn luyện rất kém, không có khái niệm về chiến đấu hiện đại, không có kinh nghiệm hiệp đồng với pháo binh và xe tăng. Các đơn vị bộ đội địa phương của ta đứng về trình độ huấn luyện không thể nào sánh được với các đơn vị chính quy. Ở Khankhin Gôn, tôi có dịp biết được Sư đoàn 82, một trong những sư đoàn của bộ đội địa phương như thế. Quân Nhật mới bắn vài loạt đạn pháo, sư đoàn đã bỏ chạy. Buộc phải dùng mọi phương tiện có sẵn để ngăn sư đoàn lại, buộc phải từ Sở chỉ huy ở Khamarơ Đaba phái những cán bộ chỉ huy tới và bố trí họ thành hàng trên thảo nguyên. Quả là rất khó mà ngăn nổi họ. Buộc phải thay Sư đoàn trưởng và sư đoàn dần dần trong vòng một tháng rưỡi đã biết đánh. Chúng tôi từng bước một cử họ đi trinh sát, tham gia những trận đánh nhỏ, luyện họ quen dần với những tác động của pháo binh, của máy bay oanh tạc, tập cho họ cách đánh hiệp đồng với xe tăng. Dần dà, đến cuối tháng 8, sư đoàn tích lũy được kinh nghiệm và trong những trận đánh về cuối đã chiến đấu tốt. Còn trong tháng 7 thì họ bỏ chạy. Và quân Nhật thấy họ bỏ chạy sau mấy loạt pháo cũng thôi không dượt đuổi theo. Hồi đó quân Nhật chỉ tập trung hỏa lực của toàn bộ số pháo ở các hỏa điểm bắn vào họ, rồi dừng lại. Đấy, cái sư đoàn bộ đội địa phương không đi qua một nhà trường huấn luyện chiến đấu nào đã hành động như thế. Tôi được nếm trải cái cảnh tượng này ở tại Khankhin Gôn.
Trong một câu chuyện khác, Giucốp lại quay về nói đến Khankhin Gôn. Giucốp không chỉ nhớ đến các sự kiện ngày ấy, mà còn xác định vị trí Khankhin Gôn trong cuộc sống, trong tiểu sử hoạt động quân sự của mình.
- Thử thách nặng nề đầu tiên trong cuộc sống của tôi gắn với những năm 1937-1938. Có ai đó bỏ chạy để lại một chiếc cặp da trong có đủ những hồ sơ buộc tội tôi. Nói không, với những hồ sơ ấy tôi có thể bị kết liễu đời mình giống như đã kết liễu những đồng chí khác hồi đó Nhưng rồi sau bỗng lại có lệnh triệu tập tôi đến Khankhin Gôn. Tôi đến đấy với cả nỗi vui mừng. Rồi sau chiến dịch tôi cảm thấy thật sung sướng. Cái đó không hẳn bởi chiến dịch đánh thắng, mà cho đến nay tôi vẫn thích cái chiến dịch ấy, mà chính bởi những hành động ở đây đã biện minh cho tôi, đã tháo gỡ cho tôi những điều kết án được lập ra từ mấy năm trước, mà tôi chỉ biết được, chi đoán được có phần nào. Tôi còn sung sướng bởi nhiều điều: đánh thắng, phong quân hàm mới và được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tất cả những cái đó xác nhận rằng, tôi đã làm tròn những gì đang chờ đợi tôi, rằng những gì kết án tôi trước đây rõ ràng là không đúng.
Tất nhiên là nếu đem so sánh với những sự kiện tiếp sau trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại thì những quy mô tác chiến ở Khankhin Gôn không có gì lớn. Cuộc chiến ở đây chỉ nổ ra trong một khu vực có hạn 40-50 kilômét, quân số của cụm quân 6 của Nhật không tới 10 vạn người, không bằng quân số của bộ đội ta và bộ đội Mông Cổ đã chiến đấu ở đây.
Quả thực ở khu vực xảy ra sự xung đột này, cả hai bên đều sử dụng đến những lực lượng lớn không quân trong thời ấy nên có một hôm lúc nói chuyện với Giucốp, tôi hơi lúng túng khi nói về sau này, trong thời gian Chiến tranh giữ nước vĩ đại, tôi chưa có dịp trông thấy những trận không chiến mà cả hai bên trong cùng một lúc đã tung ra một số lượng máy bay tiêm kích quần nhau trên không như hồi ở Mông Cổ. Và đồng chí cũng phá lên cười, đáp lại tôi: “Hẳn đồng chí đã nghĩ là, tôi đã trông thấy”. Song nếu tính đếm đến cả những sự việc này thì cũng cần nói rằng, những sự kiện ở Khankhin Gôn dẫu sao cũng là một cuộc xung đột quân sự lớn, nhưng không mở rộng thành chiến tranh lớn.
- Tuy nhiên, đứng về lịch sử thì ý nghĩa những hành động quân sự này còn lớn hơn quy mô trực tiếp của nó gấp nhiều lần. Cái bài học nghiêm khắc Bộ chỉ huy quân sự Nhật thu hoạch được ở Khankhin Gôn có tác dụng sâu xa đối với chúng. Trong những tháng đầu nặng nề và khắc nghiệt đối với chúng ta trong chiến tranh với quân Đức, cái bài học nhớ đời Khankhin Gôn đã buộc các giới quân sự Nhật phải tỏ ra thận trọng và đặt vấn đề khi nào quân Đức phiếm được Matxcơva, thì chúng mới tuyên chiến với nước Nga. Đối với chúng ta, cái ý nghĩa đó khó mà đánh giá hết.
Còn khó đánh giá hết cả một vấn đề khác nữa, rằng ở tại Khankhin Gôn, chúng ta đã chứng minh lời nói của chúng ta đi đôi với việc làm và hiệp ước tương trợ chúng ta ký kết với Mông Cổ - đó không phải chỉ là mảnh giấy con, mà là sự sẵn sàng trên thực tế để bảo vệ biên giới của Mông Cổ cũng giống như biên giới của chúng ta.
Khankhin Gôn là trang mở đầu của tiểu sử cầm quân của Giucốp. Sau này đồng chí có dịp đã trực tiếp tham gia nhiều sự kiện với quy mô còn lớn hơn gấp bội nhưng chặng đường mở đầu ở đây, ở tại thảo nguyên Mông Cổ xa xôi này, đã hứa hẹn biết bao điều.
Trong chiến tranh với quân Đức, Giucốp là một nhà quân sự đã chỉ huy đánh thắng những trận quyết chiến chiến lược mang đặc điểm tác chiến hiện đại có sử dụng các đơn vị cơ giới và không quân. Cái đó không chỉ đem lại cho Giucốp uy tín trong quân đội, mà theo tôi còn có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân đồng chí ấy.
Những bước đi ban đầu trong khoa học chiến thắng không chỉ là những kinh nghiệm quân sự, mà đồng thời còn là nhân tố tinh thần và đều quan trọng như nhau, đối với cả anh binh nhì và người thống soái, đối với cả nếp nghĩ và các hành động của anh ta.
Giucốp nói về Khankhin Gôn: “Cho đến bây giờ tôi vẫn thích cái chiến dịch ấy” - lời nói từ miệng của con người đã kết thúc chiến tranh ở Béclin bao hàm nhiều ý nghĩa. Khi tới Khankhin Gôn, Giucốp đã làm nhiệm vụ công tác quân sự được một phần tư thế kỷ, đã kinh qua cuộc Thế chiến và trưởng thành từ người chiến sĩ tới người quân đoàn trưởng. Việc lãnh đạo chiến dịch Khankhin Gôn đối với Giucốp cũng như đối với những người chỉ huy quân sự khác là hòn đá thử vàng.
Tiếng đồn trong quân ngũ, rằng năm 1939, khi Matxcơva truyền lệnh khẩn tới Bêlôruxia cho Giucốp, đòi phải về ngay Matxcơva mà không có sự giải thích, đồng chí chỉ hỏi lại qua điện thoại có một câu: “Có được mang theo cặp?”. Tôi không biết có phải thế hay không, nhưng mình hình dung ngay trong câu huyền truyền miệng ấy cũng đã mang tính huyền thoại thể hiện đúng tính cách của con người ấy.
Tôi có lần nói, kể từ sau Khankhin Gôn cho đến tận ngày quân đội Đức đầu hàng, tôi chưa hề có dịp gặp lại Giucốp. Nhưng hình ảnh con người ấy vẫn tiếp tục hình thành trong ý thức tôi, cũng như trong ý thức của tất cả những ai đã tham gia chiến tranh.
Với tôi, Giucốp là người được Xtalin phải tới cứu nguy cho tình thế ở Lêningrat trong những ngày cực kỳ khó khăn năm 1941 và rồi lại được triệu tập từ đó về Matxcơva trong cái ngày thật vô cùng nguy nan cho Matxcơva thời ấy - hồi đầu tháng 10 năm 1941.
Tôi nghĩ, mình không lầm, nếu nói rằng, trong ánh mắt của những người đã tham gia chiến tranh, thì thắng lợi của chúng ta ở Matxcơva trước hết gắn liền với tên tuổi của hai con người: Xtalin và Giucốp. Xtalin ở Matxcơva và đọc bài diễn văn ở Hồng trường ngày 7 tháng 11 năm 1941 mà tất cả chúng ta hẳn không ai có thể quên và Giucốp, người Tư lệnh đang chỉ huy Phương diện quân Tây trong cái thời điểm thật hết sức hiểm nghèo, cái thời điểm mà vận mệnh thủ đô như đang treo trên sợi tóc.
Tất nhiên là Lêmngrat không bị thất thủ, Lêmngrat vẫn kiên cường đứng vững trong vòng vây và quân Đức lại quặt sang Matxcơva. Những công lao lịch sử ấy không còn là của hai người, mà của hàng triệu con người trong và ngoài quân đội, là kết quả của biết bao nỗ lực to lớn của toàn dân. Cùng với khoảng cách thời gian, bây giờ đây vấn đề ngày càng rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, nếu nói vai trò cá nhân trong lịch sử vận dụng cho Giucốp, thì tên tuổi của Giucốp trong ký ức của nhân dân gắn với sự nghiệp giải nguy Lêningrat và cứu thoát Matxcơva. Cội rễ của ký ức này bắt nguồn từ những năm chiến tranh, ngay từ năm 1941 trong ý thức nóng bỏng của những người đương thời hồi ấy.
Điều đó cũng được giải thích rằng, biết bao sự kiện đã xảy ra trong thời gian sau này mà sao ký ức của nhân dân cứ còn tồn đọng không đổi dạng.
Tiến trình các sự kiện chiến tranh tiếp sau còn làm cho tên tuổi của một số người cầm quân lỗi lạc nhất được nhân dân hết lòng yêu mến. Nhưng trong số họ, Giucốp chiếm được mối tình đầu, cái tình yêu nảy nở trong những giờ phút nguy kịch nhất của vận mệnh chúng ta, nên nó cũng là tình yêu mạnh nhất.
Và đến cuối chiến tranh, đồng chí được cử ra Chỉ huy Phương diện quân tiến thẳng đến Béclin, thì cái đó như tự nhiên, con người đã từng bảo vệ Matxcơva, phải là con người chiếm lấy Béclin.
Sau chiến tranh tôi có dịp gặp Giucốp vào những năm 1950 và 1953, lúc ấy đồng chí là Tư lệnh Quân khu Ôđetxa và Quân khu Uran, vào những năm 1955 và 1957 khi đồng chí giữ cương vị Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng, những năm về cuối khi đồng chí đang nghỉ hưu trí.
Tôi đề cập tới những mặt hấp dẫn với bút ký của tôi trong các buổi gặp gỡ ấy. Ban đầu là cái nhìn bao quát có liên quan chung với Giucốp vào các thời kỳ khác nhau, hiện rõ những khía cạnh chính của tư chất con người Giucốp. Tính cách con người ấy bao giờ cũng vững vàng trước ngoại cảnh. Tình thế dẫu thay đổi, song Giucốp vẫn đứng vững. Và cái tính cách vững vàng ấy không chỉ là bằng chứng của sức mạnh tinh thần mà còn là cội nguồn của sức mạnh ấy. Sự ý thức được nghị lực mình không phịu khuất phục trước cách thế càng làm cho nó vừng chãi hơn.
Trong buổi gặp lần đầu vào năm 1950, tôi nhận thấy khóe mắt lo âu ở những người bạn thân thiết với Giucốp có mặt hôm đó. Mà cũng dễ hiểu sự lo âu ấy. Bị ra khỏi Ủy ban Trung ương Đảng và bị cách chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Giucốp chỉ huy một quân khu không quan trọng lắm. Thực ra không phải vì công việc, mà như gươm treo lơ lửng trên đầu, bởi cảnh ngộ ập đến rất đột ngột.
Khóe mắt lo âu của những người thân thiết cố kìm lại như thể bản thân Giucốp cũng đã quyết định tự nén lại trong buổi nói chuyện này. Thế nhưng, mặc dù đã nhất định phải tự kìm nén lại trong buổi nói chuyện và né tránh một số câu chuyện, song khi nói về lịch sử chiến tranh, Giucốp cũng khó tránh khỏi không thể không đụng đến những góc cạnh của vấn đề. Đúng là đồng khí ý thức được khá rõ của những sự thật lịch sử ấy lúc mình nói ra sẽ có trọng lượng như thế nào, nên không muốn nói gì thêm thắt.
Tôi đã dẫn ra những chuyện đồng chí nói về Khankhin Gôn. Còn khi nói về việc bổ nhiệm đồng chí giữ cương vị Tư lệnh Phương diện quân Lêningrat, Giucốp cũng không cho rằng cần phải làm nhẹ bớt những tình thế không hay đã xảy ra hồi đó.
- Bay tới Lêningrat, tôi vào dự ngay phiên họp của Hội đồng Quân sự. Các thủy thủ lúc này đang thảo luận vấn đề sẽ phá hủy các hạm tàu như thế nào để khỏi bị rơi vào tay quân Đức. Tôi nói với Tơribút, Tư lệnh Hạm đội: “Giấy ủy nhiệm của tôi đây - rồi đưa cho đồng chí ấy xem bức thư ngắn viết tay của đồng chí Xtalin quyết định quyền hạn của tôi, - là Tư lệnh Phương diện quân, tôi không cho phép đồng chí làm việc đó Một là đồng chí phải ra lệnh tháo gỡ ngay các mìn đặt trong các hạm tàu để chúng không tự phá hủy và hai là điều các hạm tàu ấy đến sát thành phố để có thể phát huy được toàn bộ số pháo trên các hạm tàu.
Đồng chí thấy đó, các thủy thủ đang thảo luận việc gài mìn ở các hạm tàu mà trên các hạm tàu ấy còn tới những 40 cơ số đạn. Tôi nói với họ: “Lẽ nào chúng ta lại cho nổ mìn phá hủy các hạm tàu ấy?”. Sau này, khi quân Đức tiến công vào khu vực mặt trận ở ven biển, các thủy thủ ở trên tàu đã nổ súng vào chúng và buộc chúng phải bỏ chạy. Chả phải nói? Những khẩu pháo 16 tấc Anh! Đồng chí thử hình dung xem, cảnh tượng này ra sao!?
Trong lần nói chuyện hôm ấy, Giucốp còn nói mấy lời về tình hình ở Matxcơva vào tháng 11 năm 1941.
Đồng khí không nói tới những nhận định đã được thừa nhận rộng rãi, là vô luận trong hoàn cảnh nào quân Đức cũng không thể chiếm được Matxcơva. Giucốp nói về những sự kiện có thực rằng tại sao quân Đức không thể chiếm được Matxcơva và bọn chúng đã thiếu cái gì để làm được việc ấy.
- Cuộc tiến công sau cùng của quân Đức mở màn vào ngày 15-16 tháng 11. Lúc bắt đầu tiến công, trên hướng chủ yếu Vôrôcôlamxcơ - Nara, bên sườn trái của chúng có tới 25-27 sư đoàn, trong đó có khoảng 18 sư đoàn xe tăng và cơ giới. Nhưng trong quá trình chiến đấu lực lượng chúng đã bị hao hụt nhiều và tới khi tiếp cận tới kênh đào, tới Kriucốp, thì rõ ràng là chúng không còn trông mong gì hơn, đã phải trút đến hơi thở cuối cùng, không có nổi một sư đoàn để làm lực lượng dự bị. Đến ngày 3-4 tháng 12, các sư đoàn của chúng chỉ còn lại chừng 30-35 xe tăng. Nếu muốn đánh thắng đòi hỏi chúng phải có trên hướng đột kích chủ yếu ở thê đội hai là 10-12 sư đoàn, cũng có nghĩa là lúc mới bắt đầu tiến công, chúng phải có tới 40, chứ không phải là 27 sư đoàn. Có như vậy chúng mới có thể đột phá tới Matxcơva. Nhưng hồi ấy chúng kiếm đâu ra. Chúng đã phung phí tất cả những cái đó, bởi không lường trước nổi sức kháng cự của chúng ta.
Bây giờ lịch sử cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại đã cho mọi người biết rằng lúc chúng ta mở đầu cuộc phản kích ở gần Matxcơva, thì quân Đức đã nhận được lệnh rút lui. Nhưng hồi ấy, hồi năm 1950, nếu nói như vậy thì không được công nhận. Mặc dù trước khi chúng ta tổ chức phản kích, quân Đức đã vấp phải sự phòng ngự kiên cường của bộ đội ta trong một tình thế rất quyết liệt buộc chúng phải rút lui. Nếu nói ra sự kiện đó có thể nhiều người sẽ cho là chúng ta kém anh dũng chăng nên phải nói rằng, chúng ta đã phản kích quân Đức khi chúng đang tiếp tục vọt tiến đến Matxcơva.
Nhưng ngay từ hồi đó, vào năm 1950, Giucốp đã không ngần ngại bác bỏ cái định thức được công nhận rộng rãi vào thời đó.
- Năm 1946, khi Xtalin cách chức tôi khỏi cương vị Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng và ra chỉ huy Quân khu Ôđetxa. Lúc tới nơi tôi quyết định dứt khoát không mảy may hạ thấp những yêu cầu đối với cấp dưới, đối với bộ đội, đối với công tác huấn luyện chiến đấu. Tôi quyết định dứt khoát phải đứng vững. Tôi hiểu người ta đang chờ đợi tôi, rằng tôi sẽ trở thành con người khác, tôi sẽ bất mãn và chỉ huy quân khu một cách tắc trách. Nhưng tôi không cho phép mình làm như thế. Tất nhiên, vinh quang là vinh quang. Nhưng đồng thời sự vinh quang cũng như chiếc gậy hai đầu, có lúc nó đâm vào mình thật đau đớn. Sau cái đòn này, tôi đã làm được tất cả những gì để mình vẫn hoàn mình. Tôi nhận ra sự tự cứu lấy mình trong những việc làm ấy. Kiên nhẫn chịu đựng và lao vào công việc để không bỏ mất sức mạnh của tính cách ngay trong những hoàn cảnh thật nặng nề đối với tôi.
Mãi nhiều năm sau tôi mới được nghe Giucốp nói đến câu chuyện này, khiến tôi lại nhớ tới buổi gặp đồng chí ấy vào năm 1950. Tôi nhớ lại sự điềm tĩnh, sự kiên quyết và không phịu né tránh những góc cạnh của Giucốp. Đồng chí ấy chẳng những muốn đứng vững mà còn muốn mình vẫn là mình.
Hai năm sau, vào tháng 12 năm 1952, tôi có dịp gặp lại Giucốp lần nữa. Lần này, đồng chí ở hoàn cảnh - thay đổi tốt hơn. Năm 1946, đồng chí ra khỏi Ủy ban Trung ương Đảng, song tới Đại hội lần thứ XIX, đồng chí lại được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ủy ban Trung ương Đảng. Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi chuyện xảy ra đều theo ý định của Xtalin mà không thể có lý giải nào khác vào hồi đó. Sự việc này làm nhiều người sung sướng, song đồng thời cũng có phần kinh ngạc. Riêng tôi có lẽ phần nào ít sửng sốt hơn một số người khác bởi tôi nghĩ, sự việc như vậy là hợp lý.
Khoảng trước đó một năm trong phiên họp thảo luận về vấn đề trao giải thưởng Xtalin và nói riêng là sẽ tặng thưởng cho Emmanuin Kadakêvích, tác giả cuốn tiểu thuyết “Mùa xuân trên sông Ôđe”, Xtalin có ý kiến tán thành cuốn tiểu thuyết đó, song bỗng nhiên, đồng chí lại nói, trong cuốn tiểu thuyết ấy có một thiếu sót, nếu như chưa muộn, sửa được thì tốt.
- Trong cuốn tiểu thuyết ấy, đồng chí Kadakêvích - Xtalin nói - đã lấy nhân vật Xidôkrưlốp làm Ủy viên Hội đồng Quân sự. Nhưng đồng chí ấy đã thể hiện vai trò của Xidôkrưlốp không phải là Ủy viên Hội đồng Quân sự, mà là Tư lệnh Phương diện quân. Nếu chúng ta đọc đến chỗ ấy, chỗ Xidôkrưlốp đã hoạt động, thì sẽ có ấn tượng đồng chí ấy là Tư lệnh Phương diện quân, mặc dù tác giả lại gọi là Ủy viên Hội đồng Quân sự. Nhưng chúng ta biết là ai đã chỉ huy Phương diện quân ấy. Không phải Xidôkrưlốp nào đó đã chỉ huy, mà chính là Giucốp. Giucốp có những thiếu sót của mình, chúng ta đã phê phán những thiếu sót của đồng chí ấy. Nhưng Giucốp đã chỉ huy đánh tốt ở Béelin, trong mọi trường hợp, đồng chí ấy đều đã chỉ huy tốt. Vậy tại sao tiểu thuyết của đồng chí Kadakêvích lại lấy nhân vật Xidôkrưlốp mà không phải Giucốp? Viết như vậy sẽ không phù hợp với thực tiễn.
Rồi quay sang phía các nhà văn trong buổi gặp mặt này, Xtalin nói thêm: “Các đồng chí hãy nói với đồng chí Kadakêvích, để nếu chưa muộn, đồng chí ấy suy nghĩ thêm về vấn đề này”.
Nhiệm vụ truyền đạt cho Kadakêvích những nội dung ấy được giao cho tôi. Sau khi nghe tôi thuật lại, Kadakêvíeh chỉ nghiến răng trèo trẹo. Quả là, Xtalin nói hoàn toàn trúng ý đồng chí ấy. Lúc ban đầu tiểu thuyết của Kadakêvích không dẫn ra người Ủy viên Hội đồng Quân sự, mà lấy hình ảnh người Tư lệnh Phương diện quân. Song tình huống vây quanh Giucốp lúc này không lợi cho cuốn tiểu thuyết nếu được ấn hành theo dạng suy nghĩ lúc ban đầu của Kadakêvíeh. Rốt cuộc, tác giả phải nhượng bộ và gọi Xidôkrưlốp là Ủy viên Hội đồng Quân sự, mặc dù trong tiểu thuyết gương mặt của Tư lệnh Phương diện quân vẫn tiếp tục giữ lại bằng những hành động và lời nói của Xidôkrưlốp. Đáp lại tôi, Kadakêvích chỉ cay đắng thốt lên: “Nếu được sớm hơn”. Bởi cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản và phát hành. Bây giờ có gì sửa chữa thêm cũng đã muộn.
Tôi nhớ đến tất cả những chuyện ấy vào hôm dự bữa tiệc sau Đại hội Đảng do Ủy ban Trung ương Đảng mời các đoàn đại biểu nước ngoài đến tham dự Đại hội. Tình cờ, tôi lại được ngồi cùng bàn, bên cạnh Giucốp. Tôi không chỉ nhớ đến mà thấy mình có trách nhiệm phải thuật lại cho Giucốp biết. Tôi cảm thấy ở đồng chí ấy sự điềm tĩnh vẫn không có gì thay đổi, song bữa tiệc tối hôm ấy tâm trạng Giucốp thật vui. Tôi nghĩ rằng, đối với Giucốp, việc đồng chí được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng là cả sự bất ngờ nhưng câu chuyện tôi thuật lại cho đồng chí ấy biết, phắc là còn gây ấn tượng mạnh hơn. Thế nhưng, lòng tự trọng đã khiến chúng tôi ngồi bên nhau suốt mấy tiếng đồng hồ liền mà Giucốp không hề nói lấy một lời về câu chuyện thật xúc động đối với đồng chí ấy. Thành ra, chuyện đi vào những nội dung khác như chuyện nói về cuốn sách “Người đồng chí cầm súng” mới xuất bản mà bây giờ tôi hiểu ra, là cuốn tiểu thuyết này của tôi rất không thành đạt về mặt văn học. Nhưng Giucốp lại không đề cập với tôi về mặt văn học của cuốn sách. Đồng chí vui mừng khi thấy trong văn học ra đời cuốn sách đầu tiên nói về những sự kiện ở Khankhin Gôn, thân thiết với những trái tim quân nhân.
Sau khi nói tôi đã thể hiện khá chính xác những mặt trung thực của tình hình, Giucốp có mấy nhận xét, chủ yếu nói về một vài sự kiện không thấy được nêu lên trong cuốn tiểu thuyết ấy. Tôi nhớ Giucốp có ý phàn nàn, khi chúng tôi gặp đồng chí ấy năm 1950, lúc mới bắt tay vào viết, nói chuyện với nhau mới được có hai buổi.
- Tiết là, tôi chưa kịp kể lại cho đồng chí được nhiều chuyện. - Giucốp nói với ý tự ý trách mình nhiều hơn là trách tôi và góp ý chân thành về cái chi tiết tế nhị đang nằm yên trong cuốn sách.
Nói chung, đồng chí không đề cập tới những vấn đề khác tế nhị hơn. Số là trong cuốn tiểu thuyết ấy, tuy không nêu lên tên, họ, song đã dẫn ra người tư lệnh của cụm quân chúng ta ở Khankhin Gôn, mà phía sau gương mặt người Tư lệnh ấy hiện rõ nhân cách Giucốp - nguyên mẫu của gương mặt đó.
Cuốn tiểu thuyết khi đưa in, trong Bộ biên tập có sự phân vân. Một số bạn đồng nghiệp của tôi đoán ra ngay, sau gương mặt ấy là ai và trong cái khung cơ bản chung những đặc điểm tích cực ấy, tôi cần dẫn ra một vài khía cạnh tiêu cực mới phải. Bởi trong những năm này Giucốp đang ở trong tình thế nguy kịch, nên các đồng chí lo ngại, những đoạn viết ấy trong tiểu thuyết liệu có trót lọt qua sự kiểm duyệt được không. Hoàn cảnh của tôi gặp thuận nhiều hơn là hoàn cảnh của Kadakêvích. Bởi Khankhin Gôn dẫu sao cũng đã lùi xa, còn trận công phá Béclin thì chưa một ai có thể quên, đấy là còn chưa nói đến sự khác biệt về quy mô của những sự kiện này.
Năm 1955, có 2 lần tôi đến gặp Giucốp trong Bộ Quốc phòng. Lần thứ nhất đồng chí ở cương vị Thứ trưởng, lần thứ hai, đồng chí được cử làm Bộ trưởng.
Cuộc gặp mặt thứ nhất có liên quan tới vận mệnh một đồng chí cán bộ chính trị trong quân đội mà Giucốp và tôi đều biết rõ từ hồi còn ở Khankhin Gôn. Đồng chí ấy đã đi suốt chặng đường Chiến tranh giữ nước vĩ đại và đến năm 1950 mặc dù đồng chí ấy vẫn còn muốn tiếp tục phục vụ trong quân đội song bị buộc phải ra khỏi quân đội với lý do đặt ra là vì bệnh tật. Nhưng trong thực tế thì rất xa lạ với những sự công bằng sơ đẳng. Vấn đề đặt ra không đơn giản và thêm nữa lại nằm ngoài thẩm quyền trực tiếp của Giucốp. Thẳng thắn giải thích ngay chuyện đó cho tôi, Giucốp nói đồng chí sẽ làm tất cả những gì có thể, mặc dù chưa thể cam đoan là sẽ thành công. Nhân chuyện này lại nhớ tới Khankhin Gôn, đồng chí tươi cười nói với tôi, vậy là tôi thật quá đáng, viết sách hư cấu cả đến tên những người đã khuất - những người đang sống - thôi được bởi cái đó là công việc của đồng chí - Giucốp nói- nhưng còn những người đã khuất thì sao? Ai mà không biết đến những con người ấy? Tại sao lại không thể lấy được cái tên thật con người anh hùng ở Bain Xagan là Lữ đoàn trưởng Iacốplép, mà lại đi thay tên đồng chí ấy bằng Xarưchép, hoặc tại sao lại không dẫn ra nhân vật Rêmidốp đã khuất? Những con người ấy đích thực là những anh hùng. Tại sao trong sách của đồng chí lại không thể có được những cái tên ấy?
Cuộc gặp mặt lần thứ hai cũng trong năm ấy, song có liên quan tới những công việc mà tôi đang bắt đầu chuẩn bị cho cuốn tiểu thuyết “Sống và chết”. Tôi đề nghị với Giucốp xem có thể giúp tôi tìm hiểu một số tài liệu của thời kỳ đầu chiến tranh. Đồng chí nói, sẽ sẵn sàng và giới thiệu tôi đến Cục Khoa học quân sự của Bộ Tổng tham mưu. Song, im lặng một lát, đồng chí nói thêm, việc xem xét cái thời kỳ đầu chiến tranh có lẽ, sẽ có ích cho tôi không chỉ là nhìn bằng những cặp mắt của ta, mà bằng những cặp mắt của cả đối phương - cái đó bao giờ cũng có lợi cho việc làm sáng tỏ sự thật.
Cho gọi đồng chí ải quan tùy tùng đến và nói gọn với đồng chí ấy:
- Đồng chí hãy mang tập nhật ký của Ganđe tới đây, - Giucốp mới nói với tôi, rằng đồng chí muốn đưa cho tôi đọc tập nhật ký công tác rộng lớn của Thượng tướng Ganđe, Tổng tham mưu trưởng quân Đức hồi ấy đã ghi lại những sự biến trong các năm 1941-1942.
Mấy phút sau, 8 cuốn vở dày đặc nhật ký của Ganđe được mang đến đặt trên bàn. Giucốp vỗ nhẹ tay vào tập vở và nói theo quan điểm của đồng chí ấy, trong toàn bộ các văn kiện của bọn Đức mà đồng chí được biết, thì những tập vở này là một bằng chứng quan trọng và khách quan hơn.
- Đối với các nhà văn, đọc nó không phải khi nào cũng thấy dễ chịu cả đâu, nhưng lại cần thiết nhất là những đòi hỏi khi phải phân tích những khuyết điểm và sai lầm của mình những nguyên nhân và hậu quả của nó.
Trong buổi nói chuyện giữa chúng tôi vào năm 1950, Giucốp hay nói về vấn đề đồng chí hằng quan tâm là cần phải đánh giá thật khách quan những lực lượng và khả năng của địch - cả trong lịch sử, cả cho ngày nay và mai sau. Thật đáng tiếc là tôi không ghi chép câu chuyện ấy nên không thể dẫn ra đây các chi tiết, không dám liều lĩnh nói cương. Song nhân đây, tôi có thể dẫn ra những vấn đề Giucốp nói tới trong những lần nói chuyện về sau. Nội dung các vấn đề ấy, tôi có ghi lại.
Một số ghi chép được như sau:
Rốt cuộc lại sẽ phải nhìn thẳng vào sự thật; không được e ngại phải nói những cái có thật đã xảy ra. Phải đánh giá những mặt mạnh của quân Đức mà chúng ta buộc phải đương đầu từ những ngày đầu chiến tranh. Không phải chúng ta buộc phải rút lui đến hàng ngàn kilômét trước những quân ngu ngốc, mà trước một đạo quân mạnh nhất thế giới. Phải nói rõ quân Đức lúc bắt đầu chiến tranh giỏi hơn quân đội chúng ta, được huấn luyện, được trang bị tốt hơn và đã sẵn sàng chiến tranh về mặt tâm lý hơn chúng ta. Quân Đức có những kinh nghiệm chiến tranh và thêm nữa lại là những cuộc chiến tranh đã đánh thắng. Những cái đó giữ một vai trò lớn. Cũng lại phải thừa nhận, Bộ Tổng tham mưu Đức và các cơ quan tham mưu Đức nói chung hồi đó làm việc tốt hơn Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan tham mưu của chúng ta. Những người tư lệnh quân Đức trong thời kỳ ấy suy nghĩ sâu hơn và tốt hơn những người tư lệnh chúng ta. Trong quá trình chiến tranh chúng ta mới học tập và đã học tập được và mới đánh được quân Đức. Nhưng đó là một tiến trình dài. Cái tiến trình này bắt đầu khi bên phía quân Đức chiếm ưu thế hơn ta về mọi mặt.
Chúng ta cũng không được ngần ngại khi viết về tình trạng không ổn định của bộ đội ta trong thời kỳ đầu chiến tranh. Do không ổn định, nên bộ đội chẳng những rút lui, mà còn bỏ chạy và lâm vào tình trạng hoang mang. Khuynh hướng không muốn công nhận tình trạng đó bởi e rằng, nếu nói như vậy thì ra nhân dân không có lỗi mà chỉ ban lãnh đạo có lỗi. Về đại thể, thì điều đó đúng. Mà kết quả cũng thực như vậy.
Nhưng nếu nói một cách cụ thể, thì lúc bắt đầu chiến tranh chúng ta đã chiến đấu tồi cả ở cấp trên và cả ở bên dưới. Không có gì phải giữ bí mật, rằng các sư đoàn chúng ta, có sư đoàn đánh tốt, rất kiên cường, song lại có sư đoàn bỏ chạy khi bị địch tiến công y hệt như thế. Có những người chỉ huy khác nhau, sư đoàn khác nhau và cả mức độ kiên cường khác nhau.
Chúng ta cần nói và viết về tất cả những cái đó. Tôi có lần nói, ở đây có cả những mặt sư phạm của vấn đề, bởi các bạn đọc hiện nay, trong đó có các thanh niên sẽ không được nghĩ rằng, tất cả chỉ phụ thuộc vào Bộ chỉ huy. Không! Thắng lợi phụ thuộc vào tất cả, vào từng con người trong chiến đấu. Chúng ta biết đấy, trong những điều kiện như nhau mà có người tỏ ra kiên cường, có người lại không. Cho nên vấn đề này không thể không được nói tới.
- Khi nói về sự thất bại của quân Đức trong chiến tranh, giờ đây chúng ta hay nhắc đến, cho là không phải chỉ có sai lầm của Hitle, mà sai lầm của cả Bộ Tổng tham mưu quân Đức. Song, cần phải nói thêm rằng những sai lầm của Hitle càng làm cho Bộ Tổng tham mưu của chúng sai lầm thêm, bởi Hitle thường làm trở ngại cho Bộ Tổng tham mưu quân Đức không thể thông qua được những quyết định đúng đắn hơn, chín chắn hơn. Năm 1941, sau khi quân Đức bị đập tan ở gần Matxcơva, Hitle đã cách chức Braokhích, Bốc cùng một loạt những viên tư lệnh khác và đảm nhận lấy quyền chỉ huy các lực lượng bộ binh Đức. Hitle làm như vậy thật đã giúp ích nhiều cho chúng ta. Sau đó, thì Bộ Tổng tham mưu quân Đức và cả những viên tư lệnh các cụm tập đoàn quân Đức càng bị trói buộc nhiều hơn trước. Sự chủ động của họ bị tê liệt. Những quyết định của Hitle bấy giờ lại là Tổng tư lệnh Lục quân nên trở thành tuyệt đối lớn hơn hết thảy. Mức độ độc lập giải quyết những vấn đề tác chiến vốn dĩ vẫn dành cho quân đội Đức trước đây bị giảm thấp cùng với sự thải hồi Braokhích đều là những việc tất nhiên có lợi cho chúng ta.
Nếu theo dõi tiến trình lịch sử chiến tranh trong thời kỳ thứ hai, thứ ba này, thì chúng ta có thể đếm được nhiều tình thế bị lặp lại về nguyên tắc mà quân Đức trước sau vẫn cứ rơi vào tình thế không xử lý nổi vẫn bị hợp vây, hút vào những lòng chảo và mặc dù tình thế đã lặp đi lặp lại nhiều lần như thế song chúng vẫn không thể quen với chiến đấu trong tình huống bị thất bại và rút lui thật lạ lùng đối với chúng.
Hãy đơn cử ra tình huống chẳng hạn như vào trước cuộc tiến công của chúng ta ở Bêlôruxia vào mùa hè năm 1944, mà chỉ cần nhìn vào bản đồ cũng thấy rất rõ chúng ta có thể sẽ mở những đòn đột kích vào chúng trên 3 hướng và có thể tạo nên chiếc lòng chảo Bêlôruxia và kết quả là có thể đột phá kết thúc chiến dịch trên chiều rộng 300-400kilômét mà quân Đức sẽ không thể chống đỡ nổi. Chúng hoàn toàn có thể nhìn thấy trước những sự kiện đó.
Lôgic của các sự kiện, sự am hiểu tối thiểu về mặt quân sự nhắc chúng phải rút quân ra khỏi chiếc lòng chảo tương lai đó, thu hẹp và tăng mật độ trên chính diện lên, xây dựng những đội dự bị chiến dịch ở phía sau chính diện đó. Tóm lại là tất cả những gì đòi hỏi phải làm trong những trường hợp ấy. Nhưng quân Đức lại không làm thế và hậu quả đã bị tiêu diệt trong chiến dịch Bêlôruxia.
Nhưng sau này, khi bị lâm vào tình thế rất nặng nề không sao có thể chống đỡ nổi cuộc đột phá trên chính diện 400 kilômét ấy, ta cũng phải nói cho thỏa đáng là chúng đã tìm được một lối thoát táo bạo và đúng. Thay vì phải kéo quân ra để bịt lấy những cửa mở rộng hoác này, chúng đã tập trung lập thành từng cụm quân đột kích và đón đánh chúng ta ở giữa khoảng không gian trống trải ấy. Do đó chúng đã kìm được quân ta, buộc ta phải giao chiến với chúng. Như vậy chúng đã làm chậm bước tiến của quân ta. Nhờ cuộc đột kích táo bạo và bất ngờ này đối với chúng ta nên sau khi bị tiêu diệt trong chiếc lòng chảo Bêlôruxia, chúng đã kịp làm được việc xây dựng tuyến phòng ngự ở phía sau. Chúng ta phải công nhận quyết định ấy của bọn chúng là táo bạo và thông minh.
Những đoạn trích ở đây dẫn trong các cuộc nói chuyện vào năm 1955 mà tôi còn nhớ là nó rất gần gũi với những chuyện Giucốp nói với tôi trước đây trong Văn phòng Bộ Quốc phòng. Hồi đó, câu chuyện cũng chỉ xoay quanh vấn đề: đánh giá cho thật khách quan các hành động của chúng ta, dù là những hành động thất bại hay thắng lợi.
Vào tháng 5 năm 1956, sau việc tự sát của Phađêép(9), tôi gặp Giucốp trong phòng tang lễ của Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Đảng, nơi tập trung tất cả những ai được cử làm hàng rào danh dự đứng bên linh cữu của Phađêép. Giucốp đến sớm hơn thời gian đã định, nên chúng tôi lại có dịp ngồi với nhau một góc phòng nói chuyện được nửa tiếng đồng hồ.
Câu chuyện thật bất ngờ với tôi và bất ngờ với cả khung cảnh lúc ấy. Giucốp nói sau Đại hội đảng lần thứ XX được ít lâu có một sự việc khiến đồng chí ấy xúc động và hào hứng. Đó là vấn đề phục hồi những tiếng tốt cho người bị bắt làm tù binh, mà chủ yếu vào thời kỳ đầu chiến tranh, ở thời điểm quân ta rút lui kéo dài và bị hợp vây quy mô lớn.
Tôi hiểu được phần nào vấn đề này khi đưa ra thảo luận trong Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Đảng. Giucốp thời gian ấy là Bộ trưởng Quốc phòng đã đề nghị vấn đề này ra để Đoàn Chủ tịch có quyết định dứt khoát. Đồng chí rất phấn khởi khi được sự ủng hộ có tính nguyên tắc và đã nói thật sốt sắng về sự việc đó hầu như không thấy sự điềm tĩnh và ít lời như thường lệ. Có lẽ, vấn đề này đụng tới vấn đề gì sâu xa, mạnh nhất trong thâm tâm đồng chí. Chắc là (ít ra thì tôi cũng thấy như vậy) Giucốp lâu nay có suy nghĩ tới việc này và nhiều năm trong nội tâm không yên lòng với cách xử lý không đúng. Và không có căn cứ ấy trước đây về vấn đề này. Đồng chí nói đến nỗi đắng cay là theo luật pháp nước Anh, các sĩ quan và binh lính Anh bị bắt làm tù binh thì trong suốt thời gian bị đối phương bắt giữ vẫn tiếp tục hưởng lương, thậm chí còn tăng thêm phụ cấp cho những ai gặp hoàn cảnh khó khăn.
- Còn chỗ chúng ta, - Giucốp nói - ở chỗ chúng ta thì Mekhơlích (10) lại nghĩ ra được cái định thức: “Những ai bị bát làm tù binh đều là những kẻ phản bội Tổ quốc” và còn lập luận cho cái định thức ấy, rằng những người Xôviết trước nguy cơ bị bắt làm tù binh phải tự sát để kết liễu đời mình. Thực chất ấy là trong tổng số biết bao triệu con người đã hy sinh trong chiến tranh phải cộng thêm mấy triệu người tự sát nữa. Hơn một nửa số người bị bắt làm tù binh đã bị bọn Đức hành hạ, tra tấn, đã chết vì đói khổ và bệnh tật. Nhưng theo như luận chứng của Mekhơlích, thì ngay cả số người còn sống sót, đã vượt qua được cửa ải địa ngục ấy trở về và khi về được đến nhà cũng sẽ phải luôn ăn năn, hối hận rằng tại sao trong những năm 1941 hoặc 1942 ấy, mình không kết liễu lấy cuộc đời mình.
Tôi không còn nhớ chính xác hết những lời của Giucốp, nhưng ý nghĩa của nó là cái định thức ấy của Mekhơlích thật đê nhục - không tin cậy vào những chiến sĩ và sĩ quan, đã dựa vào những lập luận không công bằng, cho rằng mọi người bị bắt làm tù binh đều là những con người hèn nhát.
- Hèn nhát, tất nhiên là có những người hèn nhát, song làm sao mà có thể suy nghĩ như vậy đối với mấy triệu các chiến sĩ và sĩ quan bị bắt làm tù binh của cái quân đội, mà rốt cuộc, nó đã ngăn chặn và đánh tan được quân Đức.
Phải chăng, tất cả họ đều là những người khác, không phải là những con người mà sau này đã đến tận Béclin? Họ là những con người thuộc loại thử nghiệm khác chăng, tồi tệ hơn, hèn nhát hơn? Liệu eo thể nào lại đem khinh rẻ một cách xô bồ với tất cả những ai đã bị bắt làm tù binh do những tai họa bất ngờ ập đến với họ lúc đầu chiến tranh?...
Nhắc lại câu chuyện lúc ban đầu, là vấn đề đau thương này sẽ đượm xem xét lại và Ủy ban Trung ương Đảng đã nhất trí như thế, Giucốp nói, đồng khí thấy mình có nghĩa vụ của một quân nhân lúc này là sẽ làm tất cả những gì để khôi phục thật triệt để sự công bằng đối xử với tất cả những ai xứng đáng như thế, không được bỏ quên và bỏ qua, mà phải phục hồi phẩm cách của tất cả không chiến sĩ và sĩ quan đã chiến đấu trung thực, lâm vào cảnh ngộ đau đớn bị bắt làm tù binh. “Suốt những ngày này, tôi suy nghĩ về công việc ấy và thật bận tâm về nó” - Giucốp nói.
Vào ngày lễ kỷ niệm 20 năm chiến thắng phát xít Đức, lần đầu tiên sau 8 năm nghỉ hưu, Giucốp lại cùng với các Nguyên soái khác có mặt tại Chủ tịch đoàn của phiên họp ngày lễ kỷ niệm long trọng này. Đây là một hành động công bằng. Những người có mặt trong phòng họp, mà chí ít cũng là 9/10 trong số họ đã tham gia chiến tranh cũng lĩnh hội như thế. Họ còn nhớ rõ, Giucốp đã giữ vai trò như thế nào trong chiến tranh.
Trong phiên họp trọng thể này, trong danh sách những người chỉ huy quân sự, khi đọc đến tên Giucốp mà nhiều năm qua đã không được nhắc đến trên một diễn đàn nào, cả gian phòng vang dội tiếng vỗ tay tự phát. Tại diễn đàn này cũng đã từng có nhiều tràng vỗ tay khi đọc đến tên những người đáng được ca ngợi trong chiến tranh và trong những hoàn cảnh khác, khi đọc đến tên Giucốp chắc là cũng không được hưởng ứng thật mãnh liệt đến thế. Cả gian phòng vỗ tay như sấm dậy, biểu lộ sự nhất trí, rằng cái ngày, cái giờ này, rốt cuộc đã khôi phục lại được sự công bằng lịch sử mà trong đáy lòng mọi người, ai củng luôn luôn khao khát.
Tôi nghĩ rằng, Giucốp trải qua cái giây phút sung sướng ấy đối với đồng chí thật không dễ dàng, bởi trong đó có phần nào sự đắng cay. Những khi không nhắc đến tên đồng chí ấy, thì thời gian cứ tiếp trôi, mà con người lại không thể sống mãi. Ai có thể biết được bên cạnh những ý nghi khác Giucốp lại mảy may không xao xuyến tới một điều đơn giản trong hoàn cảnh thật tàn nhẫn đối với mình và nói chung liệu có thể sống tới cái giây phút này.
Tối hôm ấy cho đến tận đêm khuya, Giucốp đã cùng một số người chỉ huy quân sự tới Cung Văn học ở chỗ chúng tôi tham dự buổi gặp mặt truyền thống hàng năm với các nhà văn - những người đã tham gia chiến tranh. Tính tự chủ và sức mạnh của tính cách đồng chí ấy lại được biểu lộ ở ngay đây.
Cũng phải nói rằng cái đêm hôm ấy những người có mặt đều tập trung chú ý trước hết tới Giucốp. Trong cuộc sống nhiều người với tấm lòng quá nhiệt thành có khi không nhận ra mình trong lúc bộc lộ hết cả tấm lòng đã rơi vào tình trạng thái quá, sẽ đặt người khác vào một tình thế khó khăn chính bởi những tình cảm ấy.
Cái đêm hôm ấy đúng là như thế. Một số người có mặt trong buổi tiếp đón tỏ ra sung sướng trước sự công bằng đã được khôi phục song đồng thời cũng lại biểu thị sự không công bằng đối với các vị khách quân sự khác. Có lúc, hầu như họ đã quên sự có mặt của những vị ấy. Nhưng tôi cảm thấy chính Giucốp lại không một giây phút nào quên những vị khách ấy, mà bằng chứng là thái độ xử sự với các đồng chí và những cộng sự ấy đang ngồi cùng bàn với mình và những lời nói ngắn mà lúc đầu Giucốp không định phát biểu, khiến tôi không thể bỏ qua.
Giucốp không nói một lời về bản thân, về sự tham gia chiến tranh của mình. Đồng chí chỉ nói đến những công lao lịch sử xứng đáng của nhân dân, của Đảng và Quân đội, tiếng nói của một trong những người tham gia cuộc chiến tranh lớn lao nói về những người khác trong chiến tranh. Tôi nghĩ, những lời nói ấy đích thực là bài học cho các nhà văn chúng tôi, những người đã tỏ ra sung sướng và bộc lộ đến quá mức tình cảm của mình khi thấy Giucốp có mặt. Bản thân tôi cũng ở trong tình trạng đó và đúng là mình cũng đầy lòng khâm phục con người ấy, con người qua nhiều từng trải với những phẩm chất thật cao đẹp...
Nhiều cuộc gặp mặt tiếp sau của tôi với Giucốp gắn với công việc xây dựng bộ phim tài liệu “Nếu ngôi nhà thân thiết với anh”, tôi được tham gia với tư cách là một trong những tác giả của bộ phim ấy. Bộ phim nói về chiến dịch Matxcơva và Giucốp cũng như một số nhà lãnh đạo và các thành viên khác đã tham gia chiến dịch đồng ý sẽ thuật lại trước máy quay phim mấy thời điểm quyết định của chiến dịch này. Bộ phim xây dựng xong, dài 90 phút tất cả. Những đoạn phim Giucốp thuật lại về chiến dịch Matxcơva chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần còn lại khoảng 2.000 thước phim, được giao cho ngành phim sử biên niên, giữ gìn cho lịch sử và sử dụng cho sau này.
Việc quay phim bị kéo dài và gặp khó khăn. Những khó khăn đó là do có mời Giucốp tham gia. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm tinh thần của công việc nên đã nhận lấy phần trách nhiệm mời Giucốp tham gia vào bộ phim. Chúng tôi còn ý thức được cả sự nặng nề của tình hình nếu đẻ ra sự cố không được ghi những đoạn phim nói chuyện của Giucốp vì những nguyên nhân không phụ thuộc vào chúng tôi. Tôi có nghĩ, chính Giucốp hiểu được điều đó, mặc dù đồng chí không hề nói một câu nào đụng chạm đến chuyện này.
Việc quay phim bị kéo dài và phải hoãn lại. Tôi không muốn đi vào nguyên nhân cùng những lý do của các nguyên nhân ấy. Địa điểm nhọn quay phim gắn với lịch sử các trận chiến đấu bảo vệ Matxcơva nên lúc ban đầu chúng tôi dự tính sẽ quay phim Giucốp ở tại đấy (Giucốp cũng biết chuyện đó), song theo ý kiến của những người quyết định vấn đề này sẽ không được phép quay nữa. Sau đó, ngay khả năng quay phim cũng bị ngờ vực một thời gian. Rốt cuộc lại vẫn được quay, nhưng không phải quay ở địa điểm chúng tôi dự tính ban đầu mà ở tại nhà Giucốp, ngôi nhà riêng ở ngoại thành Matxcơva, nơi đồng chí đã sống qua nhiều năm.
Tôi còn nhớ rõ bữa đến nhà Giucốp để thống nhất với đồng chí những ngày quay phim và sau khi nói với đồng chí ấy biết việc quay phim sẽ không tiến hành ở địa điểm chúng tôi dự định, mà ở ngay tại nhà đồng chí ấy quả là tôi lo lắng chờ đợi câu hỏi: “Tại sao?” mà tôi sẽ rất khó trả lời. Nhưng Giucốp lại không hỏi gì hết, chỉ nở nụ cười thông cảm và nói: “”Có gì đâu, ở nhà riêng là ở nhà riêng. Mà cũng vẫn là vùng phòng thủ Matxcơva kia mà”.
Nội tâm của Giucốp là phải nói thật hết những sự thật lịch sử về chiến dịch Matxcơva. Đồng chí coi đó như mình đang tiếp tục làm những công việc trong thời gian chiến dịch Matxcơva. Trên một ý nghĩa nào đó, thì công việc này đối với Giucốp như vẫn tiếp tục chiến tranh và khi đồng chí ấy thuật lại khiến tôi phải nghĩ tới như lúc đồng chí ấy đang chiến đấu...
Bây giờ, khi ngồi viết những dòng bút ký này tính đã được nửa năm trôi qua, kể từ lần cuối cùng tôi được gặp Giucốp. Trong cái tối hôm ấy, ở một ngôi nhà tại Matxcơva có cuộc họp mặt những người phần lớn là quân nhân và tuổi đời đã cao đến dự bữa tiệc trọng thể ngày sinh tròn năm và sự nghiệp hoạt động quân sự của chủ nhà.
Trong số những người được mời đến họp mặt có Giucốp. Đồng chí được mời đến dự cái ngày hôm ấy, trong ngôi nhà ấy và đồng chí đã đến đấy quả là có một ý nghĩa đặc biệt. Số phận bày ra giữa Giucốp và chủ nhân đã nhiều năm xa nhau do những hoàn cảnh mang tính chất bi đát đối với cả hai người và đối với từng người nói riêng. Mà nếu nhìn xa hơn nữa, vào lúc còn chiến tranh thì cuộc sống hồi đó của hai người cũng đã bị xô đẩy vào hoàn cảnh khá là bi đát. Thế nhưng mặc dù vậy, trong ký ức của nhân dân về chiến tranh thì tên tuổi của hai con người đó lại liền bên nhau hơn những người khác, còn tất cả những cái khác chỉ là thứ yếu.
Trong cái tối hôm ấy mà tôi còn nhớ, đến khi Giucốp nói mấy lời tỏ lòng kính trọng chân thành đối với chủ nhân, cả hai người đã ôm hôn nhau. Theo cách nhìn của chúng tôi thì cái chủ yếu vẫn là cái chủ yếu, còn cái thứ yếu là thứ yếu thật hết sức rõ ràng khiến không thể không lấy làm sung sướng.

---
(1) Tên con sông ở đông bắc Mông Cổ. Quân Nhật đã bất ngờ xâm nhập vào vùng này trong các tháng 5, 7 và 8 năm 1939. Theo hiệp ước liên minh giữa Liên Xô và Mông Cổ được ký kết ngày 2-3- 1936, Chính phủ Liên Xô có trách nhiệm bảo vệ Mông Cổ chống bất kỳ cuộc ngoại xâm nào. ND.
(2) Nhà văn, chủ bút báo “Hồng quân anh hùng” của quân đội Liên Xô.
(3) Năm 1939 là Tư lệnh Phương diện quân Viễn Đông, có nhiệm vụ phối hợp hành động về quân sự giữa Liên Xô và Mông Cổ. ND.
(4) Là các nhà văn Liên Xô, làm phóng viên quân đội ở các mặt trận. ND.
(5) Vùng núi bên bờ đông sông Khankhin Gôn, bị quân Nhật xâm chiếm sáng ngày 3-7-1939.
(6) Nguyên soái Liên Xô, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1939-1942. ND.
(7) Nguyên soái Liên Xô, Bộ trưởng Quốc phòng năm 1934-1940. ND.
(8) Nguyên soái Liên Xô, Bộ trưởng Quốc phòng năm 1940-1941. ND.
(9) Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thư ký Hội nhà văn Liên Xô. ND.
(10) Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội và Hải quân Liên Xô năm 1941-1942. N.D.

<< Lời người dịch | Phần II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 352

Return to top