Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Một ngày của Ivan Denisovich

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1527 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một ngày của Ivan Denisovich
Aleksandr Solzenisyn

Phần 2

Sukhov còn lâu mới hết hạn tù - đông này qua đông khác, hè nọ sang hè kia, nhưng những tấm thảm đó vẫn làm anh mệt óc không ít. Một công việc thật thích hợp với anh, nếu như anh mang án và mất quyền công dân, chẳng đâu người ta nhận, mà cũng không được phép về lại làng nữa. Khi ấy anh viết thư hỏi vợ, liệu anh có thể trở thành thợ vẽ thảm được không, khi chẳng có lấy một tí khiếu vẽ nào? Mà thảm ấy là loại gì mà xôm vậy, vẽ bằng gì và vẽ cái gì trên đó? Vợ anh trả lời rằng chỉ có những thằng đần thối mới không vẽ được thôi: chỉ việc đặt khuôn lên vải, rồi lấy bút lông chấm chấm sơn vào những cái lỗ nhỏ trên đó. Thảm có ba loại. Loại thứ nhất là loại “Tam mã” - vẽ  một cỗ xe đẹp ba ngựa kéo, cầm cương là một sĩ quan kị mã. Loại thứ hai vẽ tranh con hươu. Loại ba - mô phỏng thảm Ba Tư. Chả còn loại nào khác, nhưng thế cũng đủ làm thiên hạ loá mắt, tranh cướp nhau, làm không kịp bán. Là bởi vì thảm thật không phải năm mươi, mà hàng nghìn rúp.

Sukhov ước giá được nhìn qua mấy bức thảm đó...


 

Thời gian ở tù Sukhov đã đánh mất thói quen lo lắng, sắp đặt công việc cho ngày mai, cho năm sau và nghĩ cách kiếm tiền để nuôi gia đình. Tất cả mọi việc đã có mấy ông cấp trên nghĩ hộ anh, xem ra thì nhẹ cho mình thật đấy, nhưng lúc ra tù thì làm sao đây?...


 

Từ những câu chuyện của cánh lái xe và lái máy xúc - dân tự do, Sukhov biết rằng lối đi thẳng đã bị chặn lại, nhưng con người không chịu bó tay: họ đi đường vòng và bằng cách đó họ vẫn sống.
Giá ở ngoài ấy thì Sukhov cũng có thể thử cách đi vòng này: kiếm tiền ngon lành, lại chắc ăn. Thua kém những người cùng làng kể cũng xấu hổ thật... song, trong thâm tâm Sukhov không thấy khoái ba cái vụ thảm thiếc này cho lắm. Muốn làm phải mặt dày mày dạn, phải lo lót đủ kiểu, phải láu tôm láu cá và chạy chọt công an. Sukhov sống ở trên đời đã bốn mươi năm, đã mất nửa hàm răng và đầu bắt đầu hói, anh chưa bao giờ hối lộ và chưa từng nhận hối lộ của ai, bao nhiêu năm trong trại anh cũng không học được cái trò đó.


 

Đồng tiền kiếm được dễ dàng nào có ra cái gì, nó đâu cho mình cái cảm giác làm ra được. Các cụ nói chí lí thật: cái gì không phải trả giá, cái đó không giữ được bền. Chân tay Sukhov còn khoẻ, chẳng lẽ khi nào về nhà anh lại không kiếm được một công việc đàng hoàng hay sao. Làm bếp lò chẳng hạn, hay quay lại nghề thợ nề, hay hàn nồi hàn xoong gì đó.


 

Nhưng liệu mình có được thả đúng thời hạn không? Liệu có bị ấn thêm chục năm nữa hay không? Với lại được thả ra rồi mà vẫn bị tước quyền công dân, không được sống trong làng, xin việc đâu cũng không được nhận, thì lại đến phải làm ba cái đồ thảm rởm đó mất thôi...


 

Đoàn người đã tới nơi và dừng lại trước trạm gác của một công trường rộng lớn đang xây cất. Trước đó, từ một góc công trường, hai lính áp tải mặc áo khoác ngắn da lộn đã tách ra, đi tới chòi gác ở phía xa. Đám tù chưa được phép vào phía trong, chừng nào lính canh chưa lên được hết các chòi gác. Viên sĩ quan phụ trách, vai đeo tiểu liên đi tới trạm gác. Từ trong ống khói lò sưởi của trạm gác, khói vẫn cuồn cuộn bốc lên: lính gác công trường cả đêm ngồi trong đó canh chừng ván và xi măng khỏi bị mất cắp.


 

Một mặt trời to tướng, đỏ ối, như được bọc trong sương mù, chiếu ánh sáng xuyên qua những hàng dây thép gai trên cổng, trải khắp công trường, tới tận hàng rào dây thép gai phía xa. Đứng cạnh Sukhov là anh chàng Tẩy lễ Aliosa nụ cười rạng rỡ trên môi, đang nhìn mặt trời và lấy làm sung sướng lắm. Hai má hắn hóp lại, sống chỉ nhờ vào khẩu phần hàng ngày, chả kiếm chác được gì thêm, không hiểu hắn sung sướng cái nỗi gì nhỉ? Vào các ngày chủ nhật, tối ngày hắn thì thầm chuyện trò với mấy tín đồ Tẩy lễ khác, đời sống trong trại chả làm cho họ bận tâm, chẳng  khác gì nước đổ đầu vịt. Đã hai mươi nhăm năm nay người ta quần thảo họ vì cái đạo Tẩy lễ ấy, chẳng  lẽ người ta lại tin rằng đám người này vì thế mà bỏ đạo của mình?


 

Miếng giẻ quấn mặt Sukhov đã ướt hết cả vì hơi thở của anh trên đường đi và nhiều chỗ đã đóng băng cứng lại. Sukhov cởi nó ra khỏi mặt, tụt xuống cổ và đứng quay lưng lại hướng gió. Trên người anh không có chỗ nào băng giá có thể xuyên vào được, chỉ có hai tay bị tê cóng vì đôi găng mỏng quá, mấy ngón chân thì cứng lại, vì bên ủng trái có một cái lỗ bị cháy lúc sấy, hôm nào phải khâu lại mới được. Thắt lưng và cả vùng lưng đau nhức, lan đến tận vai, làm việc như thế nào đây? Anh nhìn quanh, chợt thấy bóng đội trưởng đứng ở hàng cuối. Hắn có đôi vai vạm vỡ và khuôn mặt to lớn. Hắn đứng đó, mặt mũi xầm xì. Hắn rất ghét những trò tếu táo, nghịch ngợm trong đội của mình, song được cái hắn nuôi anh em khá, lúc nào cũng tìm mọi cách lo cho anh em khẩu phần dồi dào. Hắn bị kéo dài thêm một hạn tù nữa, con đẻ của GULAG, đời sống trong trại hắn thuộc như lòng bàn tay.


 

Trong trại nào cũng thế, đội trưởng là tất cả: gặp được tay đôi trưởng khá, anh như được tái sinh lần nữa, còn gặp phải thẳng tồi, đời anh coi như tàn. Sukhov quen Turin từ thời còn ở Ust - Izma, có điều hai người không ở cùng một đội. Sau này các tù nhân bị kết án theo Điều 58(5), bị chuyển từ trại thường ở Ust - Izma sang trại khổ sai thì Turin đã chọn Sukhov vào đội của mình. Sukhov chẳng bao giờ tiếp xúc với trại trưởng, hay BCHSX, với các giám công hay các kĩ sư, đã có Turin lo cho tất cả, hắn chạy như con thoi. Nhưng mà liệu đấy, hắn chỉ cần nhướng lông mày, hay chỉ ngón tay là phải chạy ngay đi mà làm. Có thể lừa bất cứ ai trong trại, nhưng chớ có lừa Turin. Có thế mới sống được.
Sukhov những muốn hỏi Turin xem có làm việc ở chỗ hôm qua không, hay chuyển sang chỗ khác, song anh không dám cắt ngang dòng suy nghĩ quan trọng của hắn. Hắn chỉ vừa mới tháo gỡ được gánh nặng của cái Khu dịch xã trên vai, giờ chắc đang tính kế làm sao giành được khẩu phần khơ khớ đây. Xuất ăn của anh em trong đội năm ngày tới phụ thuộc cả vào việc này.


 

Mặt đội trưởng chằng chịt vết rỗ hoa, hậu quả của bệnh đậu mùa. Hắn đứng trực diện với hướng gió, vậy mà cấm thấy nhăn nhó, da mặt hắn cứng như vỏ cây sồi.


 

Các phạm đứng túm tụm, đập hai tay vào nhau, dậm dậm chân trên tuyết cho ấm người. Gió ác nghiệt - như thể cả bốn phương tám hướng đều có thần gió thổi tới. Người ta vẫn chưa cho tù vào bên trong. Để nâng cao cảnh giác, phải làm tình làm tội họ tới số.


 

Cuối cùng thì viên sĩ quan phụ trách cùng với tay cán bộ kiểm tra cũng bước ra khỏi trạm gác, họ đứng mỗi người một bên và mở cổng.
- Tập họp theo nhóm năm người! một! hai!


 

Đoàn tù bước như đi diễu hành, có điều chân bước không được đều lắm. Một khi vào được bên trong công trường rồi, thì chẳng cần phải bảo, ai nấy đều biết việc của mình.


 

Qua khỏi trạm gác một chút là đến văn phòng. Tay giám công đang đứng cạnh đó, cất tiếng gọi các đội trưởng tới. Mà cũng chẳng cần phải gọi, tự họ phải chạy đến hắn. Cả Der - một trong mấy thằng quản công lấy từ đám tù nhân lên - cũng chạy đến. Đó là một thẳng đại khốn nạn, cùng bạn tù với nhau mà nó đối xử với anh em còn tệ hơn chó.


 

Tám giờ năm phút (cái máy hơi nước dùng để phát điện vừa mới huýt lên một tiếng), các sếp cuống cả lên, sợ tù nhân lãng phí thời gian, lại rúc vào lều tạm nào đó để sưởi. Nhưng tù nhân có cả một ngày dài, họ có đủ thời giờ làm mọi việc. Vừa mới tới chỗ làm, lập tức họ cúi xuống nhặt nhạnh các mẩu gỗ, que củi, tất cả những gì dùng được cho cái lò sưởi ở trại nhà.


 

Turin ra lệnh cho tay phụ tá Pavlo đi theo mình lên văn phòng. Sezar cũng được gọi theo. Sezar giàu có, tháng hai lần nhận được đồ tiếp tế. Hắn đút cho tất cả những ai cần phải đút lót, nên được phân công làm việc nhẹ trong văn phòng, giúp việc cho người phụ trách bộ phận chỉ tiêu.


 

Những phạm còn lại của đội 104 tản nhanh về một phía.


 

Mặt trời đỏ ối bọc trong sương mù lên cao trên công trường hoang vắng, những tấm ván của các ngôi nhà lắp ghép phủ đầy tuyết, một mảng tường móng bằng đá xây bỏ dở, ở đó cần lái của một chiếc máy xúc bị gãy, cái gầu xúc, những phế liệu sắt thép, nằm lăn lóc, nào rãnh, nào mương, nào hố đào dở bừa bãi. Các xưởng sửa chữa máy móc, xe cộ đã làm xong, trừ phần mái. Nhà máy điện ở trên một khu đồi cao đang bắt đầu xây lên tầng thứ hai, cũng không mái.


 

Mọi người đều đã tản đi hết, ngoại trừ sáu người lính trên các tháp canh và những người bận rộn ra vào văn phòng. Đó chính là thời điểm cánh tù được hưởng chút thời gian cho mình! Nghe nói, tay đốc công đã bao lần  doạ sẽ phát mệnh lệnh phân phối công việc cho các đội từ chiều hôm trước. Song điều đó mãi vẫn chưa làm được, bởi vì từ chiều hôm trước cho tới sáng hôm sau mọi thứ ở chỗ họ cứ lộn tùng phèo cả lên.


 

Thế cho nên ta được hưởng giây phút này, nó là thời gian của ta! Trong khi các sếp còn bận rộn tính toán công việc, thì hãy chen vào những chỗ có thể sưởi ấm hơn, hãy ngồi xuống, ngồi xuống mà nghỉ trước khi làm quần quật gẫy cả lưng. Nếu mà được ngồi cạnh lò sưởi thì chả còn gì bằng - có thể tháo vải quấn chân hơ lên lửa một chút, như thế suốt cả ngày chân sẽ được giữ ấm. Mà không được gần lò sưởi, vẫn cứ tốt chán.


 

Đội 104 đi vào gian nhà lớn của xưởng sửa chữa xe đã được lắp các cửa kính từ mùa thu và đội 38 đang đổ các khối xi măng. Một số khối xi măng còn trong khuôn nằm ngổn ngang, một số đã được dựng lên, ở đó cốt thép làm từ những tấm lưới. Mái thì cao, sàn thì vẫn là nền đất, nên ở đó chẳng bao giờ thực sự ấm cả, có điều người ta đốt lò cho gian nhà này và không hề hà tiện than, chẳng phải để sưởi ấm cho đám tù, mà để cho các khối bê tông chóng khô. Trong nhà còn treo cả hàn thử biểu nữa. Vào các ngày chủ nhật tù nhân vì lí do gì đó mà không phải làm việc, thì có một công nhân tự do(6) vẫn đốt lò và canh ở đó lo cho lửa cháy đều.


 

Tất nhiên, đám phạm trong đội 38 ôm chịt lấy cái lò, hơ hơ, sấy sấy và không cho người ngoài đội tiến lại gần. Đếch cần, bọn ta ngồi vào góc này vậy, ấm chán.


 

Sukhov đặt đít quần bông đã ngồi lê la khắp chốn lên cái khuôn bằng gỗ, lưng dựa vào tường. Khi anh cúi xuống, cái áo bông mặc ngoài và áo trấn thủ bị kéo căng ra, anh cảm thấy phía ngực trái, gần tim, có cái gì đó cưng cứng cộm lên. Thì ra là khúc bánh mì, nửa xuất ăn sáng mà anh giấu vào cái túi khâu trong áo, để dành cho bữa trưa. Bao giờ anh cũng mang theo ngần ấy và không khi nào đụng tới trước bữa trưa. Nhưng những lần ấy anh đều ăn một nửa xuất vào bữa sáng, còn sáng nay anh không kịp ăn. Và Sukhov hiểu rằng anh chẳng thể để dành được lâu hơn, anh phải ăn ngay ở chỗ ấm áp này, từ giờ tới bữa trưa còn những năm tiếng, chịu sao thấu.


 

Cái nhức nhối trên lưng anh giờ chuyển xuống hai chân, khiến chúng rệu rã, mỏi nhừ. Ước gì đến được gần cái lò!..


 

Sukhov tháo đôi bao tay đặt lên đùi, mở khuy áo bông, tháo miếng giẻ quấn mặt ở cổ ra, bẻ nát lớp nước đá đóng phía ngoài để gấp nó lại rồi nhét vào túi. Sau đó anh lôi khúc bánh mì bọc trong miếng rẻ màu trắng, rồi bắt đầu gặm ít một. Anh hứng bánh trên vạt áo bông để những vụn nhỏ khỏi rơi xuống đất. Bánh được bọc những hai lớp vải, lại được sưởi bằng chính cơ thể anh, nên nó hoàn toàn không bị lạnh cứng.


 

Ở trong các trại giam Sukhov thường hay nhớ tới những bữa ăn ở nhà trước đây: khoai tây hàng chảo đầy, cháo hàng nồi gang lớn, còn trước đó nữa, khi chưa có nông trang, thịt thái toàn miếng to. Còn sữa thì mặc sức, uống đến vỡ bụng thì thôi. Nhưng có nằm trong trại rồi thì anh mới hiểu ăn uống kiểu đó là sai lầm. Khi ăn phải để hết tâm trí vào đồ ăn, như bây giờ chẳng hạn, anh nhấm nháp từng miếng bánh nhỏ, đảo nó lên lưỡi, rồi đảo đi đảo lại trong miệng - lúc đó mới thấy cái bánh mì đen này thơm, ngon làm sao. Sukhov được ăn gì trong tám, chín năm vừa qua? Chẳng có gì. Vậy có bao nhiêu công lao, sức lực anh đã phải bỏ ra? Ô-hô!


 

Trong khi Sukhov bận rộn với hai trăm gram bánh mì của mình, thì cạnh anh, toàn đội 104 đang ngồi xúm xít trong một góc xưởng.


 

Hai anh chàng người Etoni, như hai anh em ruột, ngồi trên một khối bê tông thấp và thay phiên nhau hút nửa điếu thuốc lá cắm vào một cái tẩu. Cả hai người đều có tóc màu trắng, cả hai cùng cao, gầy, mũi dài và mắt to. Hai người quấn quýt nhau tới nỗi có cảm giác nếu thiếu nhau họ sẽ không sống được. Đội trưởng không khi nào tách họ ra. Họ chia nhau đồ ăn, ngủ chung một giường ở tầng trên, và khi đi trong hàng hay lúc điểm danh, cũng như trên giường ngủ, lúc nào họ cũng thì thầm, nhẩn nha trò chuyện. Thế nhưng họ đâu phải anh em ruột, mà chỉ mới quen nhau trong đội 104 này. Họ kể, một người trước đây là thuyền chài đánh cá ở ven biển, còn người kia, khi nhà nước Xô Viết thành lập thì đang còn nhỏ, được bố mẹ đưa sang Thuỵ Điển. Khi lớn anh ta tự ý quay về để tốt nghiệp đại học. Thế là bị bắt liền.


 

Người ta bảo rằng sắc tộc chẳng đóng vai trò gì, đâu cũng có người xấu, người tốt, thế nhưng trong tất cả những người Etoni mà Sukhov đã gặp, anh chưa thấy người xấu bao giờ.


 

Tù nhân vẫn ngồi la liệt trên các tấm ván, hoặc trên các khuôn đổ blốc bê tông, hay bệt thẳng xuống đất. Mới sáng ngày ra chẳng ai muốn nói chuyện, người nào cũng trầm ngâm với những ý nghĩ riêng của mình. Fechiukov-chó lang nhặt đâu được cả một đống mẩu thuốc (nó còn nhặt cả đầu mẩu thuốc từ trong ống nhổ, mặt mũi tỉnh bơ), để lên đùi và đang ngồi soạn. Những mẩu thuốc nào chưa cháy hết hắn gói tất cả vào một miếng giấy.  Fechiukov có ba con, song không một đứa nào nhận bố khi hắn bị bắt, vợ thì bỏ đi lấy chồng, vì thế chẳng còn ai tiếp tế cho hắn.


 

Ông trung tá Buinovski nhìn Fechiukov chằm chằm rồi bất chợt la lên:
- Nhặt mấy thứ rác rưởi đó làm gì hả, muốn lây đủ mọi bệnh phải không? Trùng giang mai đang ngốn sạch môi cậu rồi kìa, vất đi!


 

Là trung tá hải quân, Buinovski đã quen ra lệnh. Với ai ông cũng nói bằng giọng đó.


 

Nhưng Fechiukov có coi trung tá ra cái gì. Trung tá thật đấy nhưng cũng cóc có đồ tiếp tế gửi đến.


 

Khẽ há cái miệng còn nửa răng ra cười khẩy, hắn nói với ông ta:
- Cứ đợi đấy, ngài trung tá ạ, cứ ngồi tám năm, rồi ông sẽ thấy, tới lúc đó ông cũng sẽ làm như tôi thôi.


 

Điều đó là đúng, cái tự trọng của ông trung tá mọi người trong trại đều đã trải qua.


 

- Cái gì? Cái gì?-  Anh chàng Senka Klevsin nghễnh ngãng, không nghe rõ, tưởng mọi người nhắc lại vụ ông trung tá bị lôi thôi lúc điểm danh. - Đáng ra ông đừng có gây với chúng làm gì! - anh lắc đầu quầy quậy, - thì  mọi chuyện may qua được.


 

Senka Klevsin thật đáng thương. Anh là người trầm tĩnh, ít nói, hồi bốn mốt anh bị sức ép bom, một bên màng nhĩ bị thủng. Sau đó bị bắt làm tù binh, chạy trốn ba lần, chúng bắt được dần cho thừa sống thiếu chết rồi nhốt vào Buchenvald. Nhờ phép lạ anh thoát chết ở Buchenvald, song lại âm thầm ngồi tù ở đây. Anh bảo nếu cứ làm ầm lên khéo mà đi tong.


 

Đúng vậy, chỉ còn mỗi nước là làm việc quần quật, làm thật lực. Nếu chống lại - sẽ bị bẻ gẫy ngay lập tức.


 

Aliosa úp mặt vào lòng bàn tay, im lặng. Anh đang cầu nguyện.


 

Sukhov không ăn hết phần bánh mì, anh để lại miếng cùi đầu mỏm bánh. Là bởi không có một chiếc thìa nào có thể vét sạch cháo trong bát bằng bánh mì cả. Miếng cùi bánh anh gói lại vào miếng giẻ trắng để giành đến bữa trưa, đút vào chiếc túi may phía trong áo trấn thủ, đóng cúc áo lại cho khỏi lạnh, bây giờ thì muốn gọi đi làm lúc nào thì gọi. Nhưng giá họ thư thư cho một lúc nữa thì tốt quá.
Đội 38 đã đứng dậy. Một số người đi tới chỗ máy trộn bê tông, một số đi lấy nước, số còn lại đi lấy lưới sắt để làm cốt bê tông.


 

Nhưng chưa thấy đội trưởng Turin và cả Pavlo, người giúp việc của anh ta, quay về đội. Và mặc dầu đội 104 mới ngồi chưa đầy 20 phút, còn ngày làm việc - một ngày mùa đông ngắn ngủi - kéo dài chỉ đến sáu giờ chiều, nhưng mọi người đều thấy quá may mắn và buổi tối dường như chẳng còn lâu la gì.


 

- Lâu lắm rồi chẳng thấy bão tuyết gì cả, - anh chàng Kildigs, người Latvi, béo tốt, má đỏ au, thở dài nói. - Cả mùa đông chẳng có lấy một trận bão nào! Mùa đông gì mà lại thế hở?!


 

- Ờ... bão tuyết... bão tuyết, - tiếng thở dài truyền đi khắp đội.


 

Khi bão tuyết ở vùng này nổi lên thì không chỉ phạm được nghỉ việc, mà ngay đến việc để họ ra ngoài cũng sợ: từ trại đến nhà ăn nếu không lần theo sợi giây buộc thì lạc ngay. Nếu có tù nhân chết cóng trong tuyết, thì dù chó có đến ăn cũng mặc. Nhưng ngộ ngỡ hắn đào tẩu thì sao? Cũng đã từng xảy ra những trường hợp như vậy. Khi có bão tuyết thì tuyết rơi rất mỏng, nhưng đóng lại thành đống chắc nịch như thể được nện chặt. Trượt theo những đống tuyết này mấy phạm nhà ta vượt qua hàng rào giây thép gai, thoát được ra ngoài, song cũng chẳng đi được bao xa.


 

Xét cho cùng bão tuyết chẳng được cái tích sự gì: tù nhân suốt ngày ngồi trong nhà, than chở đến chậm, hơi ấm tuồn ráo ra ngoài. Không có ai chở được bột mì đến trại, thành thử chẳng có bánh mì mà ăn, ở bếp cũng chẳng có gì mà nấu nướng. Và bất kể bão có kéo dài đến bao giờ - một, hai ngày hay cả tuần lễ, thì người ta vẫn tính đó là những ngày phạm được nghỉ và họ phải đi làm bù vào những ngày chủ nhật sau đó.


 

Nhưng có thế nào thì tù nhân vẫn cứ thích bão tuyết và cầu trời khấn phật cho bão đổ. Chỉ cần gió thổi mạnh một tí là y như rằng ngóng tất cả lên trời, cầu khẩn: Lạy trời cho chúng con thứ của cải ấy đi! Của cải đây là tuyết. Là vì ở đây chưa từng có bão tuyết thực sự.


 

Có ai đó chen vào đội 38 để tới gần lò sưởi. Lập tức anh ta bị đẩy bật ra ngoài. Cũng đúng lúc đó Turin bước vào, mặt mũi ỉu xìu. Toàn đội hiểu rằng sẽ phải làm một việc gì đó, và phải làm ngay.


 

- N-à-o, - Turin nhìn quanh, - 104 có cả ở đây không đấy?


 

Và chẳng cần phải kiểm tra, chẳng cần phải đếm lại, bởi vì ở đội của Turin không ai có thể đi đâu được, hắn nhanh chóng phân công công việc. Hắn phái cặp Etoni và Klevsin cùng với Gopchik tới chỗ cái máy trộn bê tông lớn ở gần đó và khênh lên nhà máy điện. Thế là đã rõ, đội 104 phải chuyển lên làm ở nhà máy điện chưa xây xong và bị bỏ dở từ dạo mùa thu tới giờ. Hắn cắt cử thêm hai người nữa tới kho dụng cụ, ở đấy Pavlo đã lĩnh và đang chờ. Bốn người được phân công dọn sạch tuyết gần khu nhà máy điện, lối cửa vào phòng máy phát và cả bên trong nữa. Hắn lệnh thêm hai người khác đốt lò ở đó, xoáy ở đâu ít ván thì xoáy, rồi chẻ nhỏ ra mà nhóm lò. Một người chở xi măng trên xe cút kít lên đó. Hai người đi chở nước, hai người chở cát, thêm một người dọn sạch tuyết ở chỗ cát đó và lấy đòn mà đập cho cát tơi ra.


 

Cuối cùng chỉ còn Sukhov và Kildigs - hai thợ lành nghề nhất đội, là chưa được phân công. Turin gọi họ và bảo:
- Thế này, các cậu (hắn còn ít tuổi hơn họ, song theo thói quen vẫn cứ cậu cậu tớ tớ với họ), - sau bữa trưa các cậu xây nốt bức tường ở tầng hai mà đội 6 bỏ dở mùa thu vừa rồi. Nhưng trước tiên phải làm cho phòng máy phát ấm lên cái hẵng. Ở đó có ba cửa sổ lớn, tôi muốn các cậu lấy cái gì đó bịt lại. Tôi sẽ cắt người giúp các cậu, vấn đề là phải nghĩ xem kiếm cái gì để bịt. Ta sẽ dùng phòng máy phát để trộn vữa và sưởi ấm. Nếu không kiếm cách mà sưởi cho ấm người lên thì sẽ chết cóng như chó hoang cả lũ, hiểu chưa?
Hắn đang còn định nói gì thêm nữa, thì Gopchik, một thằng nhỏ mười sáu tuổi, hai má phúng phính hồng hào trông như lợn con, chạy tới than phiền một đội khác cứ giữ chịt lấy cái thùng trộn bê tông, không chịu nhả. Turin chạy bổ tới đó.


 

Khỏi cần biết bắt đầu một ngày làm việc trong cái lạnh băng giá khó khăn tới nhường nào, có điều vẫn cứ phải bắt đầu và quan trọng là phải vượt qua được điểm khởi đầu ấy.


 

Sukhov và Kildigs nhìn nhau. Họ đã nhiều lần làm việc cùng nhau, lúc làm mộc, lúc làm nề, và luôn kính nể nhau. Tìm cái gì trên cái công trường đầy tuyết này để mà bịt cửa sổ là công việc không mấy dễ dàng. Nhưng Kildigs nói:


 

- Vanhia(7)! tớ biết một chỗ ở gần nhà đựng vật liệu có một cuộn giấy dầu to lắm. Chính tớ đã giấu nó ở đấy. Ta thuổng chứ?


 

Kildigs là người Lestoni, song nói tiếng Nga như người Nga. Hồi còn nhỏ hắn học tiếng Nga ở làng Cựu giáo(8) bên cạnh. Hắn ở trong trại mới hai năm, nhưng gì cũng biết. Hắn hiểu rằng mình không tự giúp mình thì chẳng ai giúp cho. Tên của Kildigs là Ian, Sukhov cũng gọi hắn là Vanhia.


 

Cả hai quyết định thuổng cuộn giấy dầu. Song trước đó Sukhov còn phải chạy đi lấy cái bay của mình ở khu xây dựng xưởng sửa chữa xe cộ. Cái bay là cả một vấn đề đối với người thợ xây, nếu nó nhẹ và vừa tay. Tuy nhiên, mọi chỗ làm đều phải tuân theo luật lệ: sáng nhận dụng cụ, chiều phải nộp lại. Và sáng hôm sau nhận được cái gì đều phụ thuộc vào may rủi. Có một lần Sukhov lừa được tên cấp dụng cụ trong kho và giữ riêng cho mình một cái bay cực tốt. Bây giờ, mỗi chiều xong việc anh lại tìm chỗ giấu nó, sáng sau lại lấy ra nếu như vẫn phải làm hồ. Tất nhiên, giá hôm nay đội 104 bị lùa ra Khu dịch xã thì anh đâu có lấy được nó. Nhưng giờ thì anh đẩy hòn đá nhỏ sang một bên, đút mấy ngón tay vào một kẽ hở. Nó đây rồi, anh lôi cái bay ra.


 

Sukhov và Kildigs ra khỏi xường sửa chữa xe và đi về phía kho vật liệu. Từng đám khói dày đặc bốc lên từ hơi thở của họ. Mặt trời đã lên cao, song không có nắng, như thể bị bọc trong sương mù, còn hai bên mặt trời có những cái gì đâm lên tua tủa giống như những cái cọc.


 

- Có phải cọc không nhỉ? - Sukhov hất mặt chỉ cho Kildigs.
- Cọc đâu có làm phiền chúng mình, - Kildigs phẩy tay cười lớn, - có điều đừng có giăng nhiều giây thép gai lên chúng như thế, cậu cứ thử nhìn mà xem.


 

Kildigs cứ nói một câu là đùa một câu, nhưng cả đội đều mến hắn. Và ôi chao, tất cả các phạm người Lestoni mới nể hắn làm sao! Thì, tất nhiên rồi, tháng hai lần nhận được đồ tiếp tế, hẳn là hắn được ăn uống tử tế rồi. Mặt mũi hồng hào, nom hắn ai bảo hắn ở tù. Chả trách thích đùa là phải.


 

Công trường mới rộng làm sao, đi mãi mới hết. Trên đường, hai người gặp các anh em bên đội 82 - họ lại bị bắt đào hố. Hố không cần lớn lắm, rộng 50, dài 50, sâu 50. Nhưng ở cái chốn này mùa hè đất đã cứng như đá rồi, huống hồ mùa đông, còn phải đục thêm một lớp băng bên trên đi nữa. Lấy cuốc chim bổ xuống thì cuốc văng ra, độc thấy những tia lửa toé ra chứ có thấy tí đất nào đâu. Các phạm đứng trên hố của mình ngó quanh - chẳng có lấy một chỗ sưởi cho ấm, mà cũng không được bỏ đi. Đành phải lấy cuốc tiếp tục bổ vậy, chỉ có thế người mới ấm lên được.


 

Sukhov nhìn thấy một phạm quen trong số đó, người Viatich**, liền mách nước:
- Sao các cậu không nhóm lấy một đống lửa để cho băng tan ra, đào có phải dễ không.
- Chúng không cho, - gã người Viatich thở dài nói, - không cho củi.
- Thì phải kiếm chứ.


 

Còn Kildigs chỉ nhổ toẹt một bãi xuống đất.
- Vanhia, thử nghĩ xem, thằng đội trưởng mà khôn ngoan thì anh em đâu phải ở ngoài trời trong ngày băng giá mà chọc ngoáy đất bằng ba cái cuốc chim như thế này.


 

Kildigs chửi bới một thôi một hồi, chợt nhớ ra không được nói nhiều ngoài trời lạnh, hắn bèn im bặt.


 

Hai người tiếp tục đi mãi mới đến được chỗ mấy tấm ván của kho vật liệu bị tuyết phủ dầy.


 

Sukhov rất khoái làm việc cùng Kildigs, phải mỗi cái cha này không hút thuốc, nên trong các gói đồ tiếp tế của hắn chả bao giờ có thuốc lá cả.


 

Và đúng là Kildigs tinh thật: hai người lật một tấm ván lên, rồi một tấm nữa, dưới chúng quả là có một cuộn giấy dầu lợp nhà thật. Họ giở nó ra. Bây giờ thì khênh đi thế nào đây? Lính trên các chòi gác nhìn thấy cũng chẳng sao, các bố này chỉ quan tâm mỗi điều sao cho tù khỏi chạy trốn, còn ở trong công trường thì cứ việc chặt hết các tấm ván ra mà làm củi cũng được. Hoặc có đụng giám thị trại cũng cóc sợ, là vì bản thân các bố này cũng luôn để ý kiếm các thứ cho bản thân. Còn anh em phạm thì đâu thèm để ý. Cả các đội trưởng cũng thế. Chỉ có mấy người cần phải tránh, đó là ông đốc công (ông này không phải tù nhân) và thằng Skuropatenko cao ngẳng, gầy quắt. Tên này chẳng là gì hết, chỉ là một phạm bình thường, nhưng được thuê trông coi mấy cái kho vật liệu, không để phạm lấy cắp các thứ. Chính thằng khốn Skuropatenko này hay rình rập và tóm được anh em nhất.


 

- Vanhia này, không nên khiêng ngang cuộn giấy, - Sukhov bàn, - mà phải khiêng đứng nó lên, hai tay ôm lấy nó và đi chậm chậm thôi, lấy thân mình che cho nó. Nhìn từ xa sẽ không thấy gì đâu.


 

Sáng kiến của Sukhov khá hay. Khiêng cuộn giấy thật bất tiện, và họ không khiêng như vậy, mà ôm chặt nó vào giữa hai người, như thể có người thứ ba, rồi bước đi. Nhìn bên cạnh chỉ thấy có hai người đi sát vào nhau thôi.
- Sau này lão đốc công mà nhìn thấy đám giấy dầu trên cửa sổ chắc thể nào cũng đoán ra.
- Thì chúng mình dính dáng chó gì đến việc này mà sợ - Kildigs ngạc nhiên - Cứ bảo khi bọn mình tới nhà máy, thì nó đã có ở đấy rồi. Chả lẽ họ lại bắt mình dỡ ra à.


 

Cũng có lý.


 

Các ngón tay anh trong đôi bao tay cà tàng bị tê dại đã mất cảm giác. Cái lạnh chui được vào bốt chân trái rồi. Đôi bốt dạ là cái quan trọng nhất. Hai tay sẽ ấm khi nào làm việc.


 

Họ đi qua lớp tuyết còn nguyên chưa một dấu chân người, tới chỗ có vết xe trượt chạy từ kho dụng cụ đến nhà máy điện. Thế có nghĩa xi măng đã được chở tới chỗ làm rồi.


 

Nhà máy điện được xây dựng trên một chỗ đất cao, giáp với bìa công trường. Lâu rồi không có ai tới đây nên tuyết xung quanh nhà máy làm thành một lớp phẳng lì, không một dấu vết. Chính vì vậy mà vết xe trượt và dấu chân người lún sâu xuống tuyết trông càng nổi rõ, chứng tỏ anh em trong đội đã tới đây. Và họ đang lấy xẻng gỗ dọn sạch tuyết gần nhà máy và trên đường đi, lấy lối cho xe chạy.
Giá cái máy nâng trong nhà máy điện còn hoạt động thì tốt quá. Động cơ bị cháy và từ độ đó đến nay chả thấy chữa chạy gì. Như thế có nghiã mọi thứ chuyển lên tầng hai đều phải khuân bằng tay hết. Cả vữa. Cả cột bê tông.


 

Nhà máy điện đã phải ngừng xây dựng từ hai tháng nay. Trông nó giống như một bộ xương xám bị bỏ mặc cho tuyết phủ đầy. Nhưng đội 104 đã tới. Làm thế nào cho nó sống lại được? Bụng thì trống trơn được thắt chặt lại bằng giây thừng; không chỗ trú, không lửa sưởi. Nhưng đội 104 đã tới và cuộc sống lại bắt đầu.


 

Cái thùng trộn xi măng nằm chắn ngang chỗ lối đi vào phòng máy phát. Nó đã rệu rã và Sukhov không nghĩ rằng nó sẽ được khênh tới nguyên vẹn. Đội trưởng thì chửi bới ầm ĩ cho sướng mồm, chứ bản thân hắn cũng biết chẳng phải lỗi tại ai. Ngay lúc đó Sukhov và Kildigs ôm cuộn giấy dầu ở giữa đi tới. Đội trưởng mừng rỡ liền bố trí lại công việc: Sukhov được sai sửa ống khói lò sao cho nó cháy càng nhanh càng tốt, còn Kildigs thì vá víu, sửa lại cái thùng trộn xi măng, có hai anh chàng Etoni phụ giúp. Hắn đưa cho Senka Klevsin một cái rìu để chẻ nẹp gỗ, rồi đóng đinh ghép giấy dầu lại, vì nó ngắn chỉ bằng phân nửa kích cỡ cửa sổ. Nhưng lấy đâu ra các thanh gỗ? Lão đốc công chắc chả đời nào chi cho họ những tấm ván chỉ để chẻ ra mà sưởi. Đội trưởng ngó quanh. Tất cả mọi người cũng nhìn quanh. Chỉ còn mỗi một cách: cậy lấy hai tấm ván - thanh vịn cầu thang lên tầng hai. Đành phải bước cho cẩn thận để khỏi lộn cổ xuống dưới đất. Còn biết làm thế nào?


 

Tại sao một người tù lại cứ phải làm quần quật như vậy suốt mười năm trong trại giam? Tại sao anh ta không thây kệ mọi sự và nhẩn nha cả ngày cho tới đêm, mà đêm thì là của ta rồi?


 

Nhưng đâu có được. Để bắt tù làm việc, người ta mới nghĩ ra ba cái đội như thế này. Không giống như đội sản xuất ở “bên ngoài”, trong đó mỗi người được trả lương riêng biệt. Trong các trại giam, đội là một tổ chức không phải do các sếp phía trên giám sát, mà là phạm giám sát lẫn nhau. Nó như thế này: hoặc tất cả được thêm chút gì đó, hoặc tất cả đều phải đói. Mày không làm việc, đồ thối tha, còn tao thì vì mày mà ngồi nhịn đói chắc? Không, làm đi, đồ chết toi!


 

Rồi có những lúc, như lúc này đây, lại càng không thể ngồi đấy mà rung đùi được. Muốn hay không muốn, cứ phải lẹ chân lẹ tay lên. Nếu sau hai giờ nữa mà cái chỗ này không ấm lên được, thì chết cóng cả lũ.


 

Pavlo đã khuân đồ lề về, mọi người chỉ việc chọn thứ mình cần. Có cả mấy cái ống nữa, nhưng không có dụng cụ để lắp các ống sắt tây, ngoài một cái búa và một cái rìu nhỏ. Rồi cũng có cách làm được.
Sukhov đập đập đôi tay đeo bao vào nhau, đặt các ống đầu ống nọ sát vào đầu ống kia, ghép chúng lại với nhau bằng cách xiết chặt các mộng đuôi én lại ở các chỗ tiếp giáp. Xong, lại vỗ vỗ đôi tay đeo găng vào nhau, rồi lại tiếp tục ghép ống (anh giấu chiếc bay của mình ở gần ngay đây. Dù mọi người trong đội đều là anh em, song điều đó cũng không ngăn cản các tướng tráo của nhau. Ngay Kildigs cũng dám lắm).


 

Mọi ý nghĩ trong đầu Sukhov lúc này bị xua ra ngoài hết. Anh không còn nghĩ đến cái gì, không quan tâm đến điều gì, ngoài việc ghép bằng được cái ống khói, sao cho cái lò khỏi khói um lên. Anh sai Gopchik đi tìm một đoạn giây thừng để buộc đầu ống khói vào cửa sổ cho nó chĩa ra bên ngoài.
Ở góc xưởng còn một cái lò bụng phệ, ống khói xây bằng gạch. Trên nóc lò có một tấm sắt bị nung nóng và bên trên nó băng bám vào cát bị tan ra, cát được sấy khô. Cái lò này đã được đốt, ông trung tá cùng Fechiukov khênh cát đổ lên trên. Việc khênh cát không đòi hỏi đầu óc. Cho nên đội trưởng mới phân cho những người trước đây từng là sếp. Fechiukov có hồi đã từng là thủ trưởng trong một cơ quan nào đó. Hắn còn có cả xe riêng. Những ngày đầu khi ông trung tá hải quân mới nhập trại, hắn toan giở trò bắt nạt ông. Sau khi bị trung tá cho sơi mấy quả đấm, mọi chuyện mới đâu vào đấy.
Có mấy tay cứ xán tới cái lò sấy cát để sưởi, nhưng đội trưởng Turin cảnh cáo:
- Làm đi mấy tướng, muốn sưởi thì đưa đít ra, đây sưởi cho!


 

Con chó bị đánh thì chỉ cần nhìn thấy roi là sợ. Băng giá đã khắc nghiệt, tay đội trưởng này còn nghiệt hơn. Mấy anh em tản ra, ai vào việc nấy.


 

Sukhov nghe thấy Turin thì thầm vào tai Pavlo:
- Cậu ở đây trông coi họ, rắn vào. Giờ tớ phải đi đăng kí phần trăm định mức đây.


 

Mọi thứ phụ thuộc vào cái phần trăm này nhiều hơn là bản thân công việc. Tay đội trưởng nào tinh khôn thì lo lắng về khoản này, chứ không phải về công việc được giao. Bởi gắn với phần trăm là những thứ nhét vào bụng. Nếu việc chưa làm xong, thì cứ làm như có vẻ đã xong, năng xuất thấp thì biến báo cho nó tăng lên. Để làm được những việc này đòi hỏi đội trưởng phải có cái đầu. Nhưng cũng còn phải lo lót cho mấy thằng chó chết trên bộ phận chỉ tiêu thì mới được việc.


 

Nói cho cùng, những phần trăm ấy đem lại lợi ích cho ai? Chính là cho trại. Các sếp kiếm được từ vụ này hàng nghìn rúp dôi ra, một phần lấy làm tiền thưởng cho các sĩ quan, như hạng Volkovoi với cái roi trong tay ấy. Còn bản thân phạm thì chỉ được thêm 200 gram bánh mì vào bữa tối. Hai trăm gram bánh mì ấy điều hành cuộc sống của họ. Với hai trăm gram bánh mì ấy cả một hệ thống khổng lồ kênh đào Belomor đã được xây dựng.


 

Hai xô nước đã được xách tới, song trên đường đi nước trong xô đã  đóng băng lại. Pavlo nảy ra sáng kiến, tội chó gì mà phải xách nước cho mất công, cứ việc đun tuyết tại chỗ cho nó chảy ra là xong, và thế là họ xúc tuyết vào xô, đặt lên lò sấy.


 

Gopchik bẻ gấp lại một đoạn giây nhôm còn mới - loại dùng để kéo giây điện. Nó nói với Sekhov:
- Chú Ivan Denhicych! Cái giây này làm thìa tốt lắm. Chú dạy cháu làm thìa với nhé.


 

Sukhov rất thích thằng ranh con láu cá này (con trai anh mất lúc còn nhỏ, ở nhà chỉ còn hai cô con gái lớn). Gopchik bị bắt vì tội đã mang sữa vào rừng cho quân của tướng Bender(9) và bị lĩnh án như người lớn. Nó dễ thương như một chú bê nhỏ và quấn quýt với mọi người trong đội. Nhưng nó cũng cáo ra phết: nhận được đồ tiếp tế là ăn một mình, thỉnh thoảng ban đêm cũng thấy nhai tóp tép.


 

Ờ mà làm sao chia hết được cho tất cả mọi người trong đội.


 

Hai người gấp đoạn giây làm thìa lại rồi giấu vào một góc. Sukhov lấy hai tấm ván buộc lại làm thành một cái thang ghế và sai Gopchik đứng trên đó buộc ống khói. Gopchik thoăn thoắt trèo lên như một con sóc. Nó đóng một cái đinh, móc một đầu giây thép vào đó và quấn xung quanh ống khói. Sukhov lại lấy một cái ống nữa để nó nối tiếp vào miệng cái ống khói đã buộc. Hôm nay không có gió lùa vào hướng này, nhưng ngày mai có thể có, nối thêm ống như vậy để khói không tạt trở lại vào phòng. Thì cái lò này dùng cho quân mình mà lại.


 

Còn Senka Klevsin thì mãi bây giờ mới làm xong mấy cái nẹp gỗ. Gopchik lại bị sai trèo lên để đóng. Thẳng quỷ con trèo lên cửa sổ, la lối om sòm xuống phía dưới.


 

Mặt trời đã lên cao, sương mù đã tan nên không còn thấy mấy cái mống trông giống như mấy cái cọc kia nữa. Một màu đỏ ối ở chính giữa mặt trời. Lò đã được nhóm bằng đống củi ăn cắp được. Còn gì sướng hơn đây!


 

- Nắng tháng Giêng thì chỉ sưởi ấm được da bò thôi, - Sukhov giải thích.


 

Kildigs cũng vừa sửa xong cái thùng trộn vữa, còn lấy cái rìu nhỏ cố gõ thêm vài nhát nữa. Hắn hô to:
- Nghe đây, Pavlo, xong việc này đội phải trả cho tôi một trăm rúp. Ít hơn, không nhận!


 

Pavlo cười:
- Cậu sẽ được nhận thêm một trăm gram bánh.
- Để ông công tố bồi dưỡng thêm cho! - Gopchik ở trên hét xuống.
- Hượm đã! hượm đã! - Sukhov gắt lên.


 

Mọi người cắt giấy dầu không đúng cách, anh ngăn lại và chỉ cho họ cách cắt.


 

Có mấy tay sà tới bên chiếc lò bằng sắt tây, song bị Pavlo xua đi. Hắn cho Kildigs thêm vài người phụ hồ nữa và ra lệnh làm những cái cáng(10) để khênh vữa lên tầng hai. Sau đó phái hai người nữa đi lấy cát, hai người khác dọn sạch tuyết trên giàn giáo và trên tường. Một người nữa thì xúc cát đã được sấy khô trên lò và hất vào máy trộn bê tông.


 

Bên ngoài có tiếng động cơ ô tô. Xe chở gạch đã tới. Pavlo chạy ra vẫy vẫy và chỉ cho mọi người chỗ dỡ gạch xuống. 


 

Người ta đóng đinh bịt một lớp giấy dầu che kín cửa sổ, rồi một lớp nữa. Giấy dầu thì che kín nỗi gì, thì cũng chỉ là giấy chứ quái gì. Tuy nhiên, tường trông chắc chắn hơn. Bên trong trở nên tối hơn và lửa trong lò có vẻ cháy sáng hơn.


 

Aliosa mang than tới. Người thì kêu lên: “đổ hết vào lò!”, kẻ ngăn lại: “không được đổ, đốt củi ấm hơn!”. Aliosa không còn biết nghe ai.


 

Fechiukov ngồi xuống cạnh lò và cứ thế đưa hai chân đi ủng sát vào lửa. Thằng ngu thế chứ. Ông trung tá nắm cổ hắn lôi ra và đẩy về phía chiếc xe cút kít:
- Đi chở cát, đồ bấc thối!


 

Ông trung tá hải quân coi công việc trong trại giống như công việc trên tầu của ông: đã lệnh là phải làm ngay! Tháng cuối này ông trung tá trông sút hẳn, song vẫn cố gắng sức.


 

Lâu hay mau, cuối cùng thì cả ba cái cửa sổ đều đã được bịt kín. Bây giờ ánh sáng chỉ còn hắt vào từ phía cửa chính. Và cái lạnh cũng theo đó mà vào. Pavlo ra lệnh che kín nửa trên cái cửa ra vào lại, chỉ để trống nửa dưới và người ra vào phải cúi khom khom. Các cửa khác cũng được bịt như vậy.


 

Trong thời gian đó gạch do ba chiếc xe tải chở đến đang nằm lăn lóc trên sàn đất. Làm sao để chuyển đống gạch đó lên được tầng hai mà không cần đến máy nâng?


 

- Ê, mấy bác thợ nề! Ta thử lên đó xem sao! - Pavlo mời.


 

Xây tường được xem là một công việc vinh dự. Sukhov và Kildigs cùng Pavlo đi lên tầng trên. Thang đã hẹp mà Senka lại lấy đi hai thanh tay vịn để làm nẹp bịt cửa sổ, nên phải bám vào tường cho khỏi ngã. Thêm vào đó tuyết còn bám chặt trên mặt thang khiến nó trơn tuột, chân không bám vào được, thế này thì khênh vữa lên làm sao đây?


 

Họ xem xét bức tường xây dở. Phải lấy xẻng dọn sạch tuyết bám vào, sau đó dùng rìu chặt những chỗ băng bám vào gạch rồi dùng chổi quét cho sạch.


 

Họ tính xem chuyển gạch lên bằng cách nào. Nhìn xuống phía dưới họ quyết định tốt nhất là đừng khuân lên theo lối cầu thang, mà cắt bốn người đứng dưới ném gạch lên dàn giáo thứ nhất. Trên đó có hai người ném tiếp lên tầng hai. Trên tầng hai có hai người làm nhiệm vụ chuyển gạch cho thợ xây - như thế sẽ nhanh hơn.


 

Ở tầng trên gió không mạnh lắm, song dai dẳng, đủ xuyên thẳng vào người lúc làm việc. Nhưng nếu cúi xuống bức tường xây dở, nấp đằng sau nó thì sẽ thấy ấm hơn nhiều.


 

Sukhov nhìn lên và giật mình: trời trong veo. Căn cứ vào mặt trời lên cao thì sắp tới bữa trưa rồi. Thật là lạ, lúc làm việc sao thấy ngày giờ trôi mau thế! Biết bao lần Sukhov nhận thấy ngày trong trại qua đi rất nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết một ngày. Ấy thế nhưng ngày mãn hạn thì mãi chẳng thấy tới, như thể nó không nhích lên được chút nào ấy.


 

Họ đi xuống dưới, ở đó mọi người đã ngồi xúm xít quanh cái lò, chỉ có ông trung tá cùng với Fechiukov đang khiêng cát. Pavlo cáu um lên, lập tức xua tám người đi chuyển gạch, hai người đổ cát khô và xi măng vào thùng trộn bê tông, người thì đi lấy nước, người đi lấy than.


 

Còn Kildigs thì nói với nhóm của mình:
- Các cậu khá lắm, phải làm xong cho nhanh mấy cái cáng.
- Để tôi giúp họ một tay? - Sukhov nói với Pavlo, tự xin việc.
- Ừ, giúp họ đi. - Pavlo gật đầu.


 

Ngay lúc đó một chiếc thùng sắt được mang tới để đun tuyết cho chảy ra lấy nước trộn bê tông. Có người nào đó nói hình như đã mười hai giờ rồi.


 

- Lại còn không đến mười hai giờ, - Sukhov nói đế vào -  mặt trời đã lên đến đỉnh đầu rồi.
- Nếu mặt trời lên đến đỉnh đầu, có nghĩa không phải mười hai giờ, mà là một giờ, - ông trung tá sửa ngay.
- Sao lại thế được? - Sukhov ngạc nhiên. - Các cụ chả bảo khi nào mặt trời lên đến đỉnh đầu, lúc đó là giờ ăn trưa.
- Đó là mấy cụ người âm lịch nói!  - ông trung tá đập lại, - chứ bây giờ đã có luật, mặt trời lên tới đỉnh là đúng một giờ.
- Ai ra cái luật đó?
- Chính quyền Xô Viết!


 

Ông trung tá mang cái cáng khiêng cát ra ngoài, dù sao thì Sukhov cũng chẳng muốn cãi lý với ông.


 

Chả có lẽ đến mặt trời cũng phải theo luật của họ sao?


 

Đập gõ một hồi, cuối cùng anh em cũng làm thêm được bốn cái cáng khiêng vữa nữa.

- Thôi được rồi, ngồi sưởi ấm cái đã, - Pavlo nói với hai người thợ xây, - Senka ạ, ăn trưa xong hãng xây. Ngồi xuống đi!

Và lúc này thì tất cả mọi người đều có quyền ngồi cạnh cái lò mà sưởi. Đằng nào cũng vậy, không thể xây trước bữa trưa, đánh vữa sớm để cho nó đóng bánh lại à.

Than trong lò cháy phừng phừng và toả đều hơi nóng. Nhưng phải ngồi cạnh lò mới thấy ấm, những chỗ khác trong nhà vẫn lạnh như thường.

Bốn người cởi bao tay hơ lên bếp lò. Còn chân đi ủng thì tuyệt đối không được để sát vào lửa, đó là điều cần phải biết. Nếu là ủng da thì nó sẽ nứt, còn ủng dạ thì sẽ ướt sũng và bốc khói, mà chân thì vẫn bị lạnh. Để ủng sát cạnh lửa còn rất dễ bị cháy, rồi là phải đi ủng thủng cho tới tận mùa xuân. Chờ đấy người ta phát ủng mới cho!

- Sukhov thì còn phải lo gì nữa, một chân anh ấy đã ở nhà rồi còn gì, - Kildigs lại bắt đầu đùa.
- Cái chân không kia kìa, - ai đó chỉ vào cái chân để trần của anh (Sukhov cởi chiếc ủng trái có lỗ thủng ra và đang hơ đám giẻ quấn chân). Mọi người cười ầm.
- Thế là Sukhov sắp mãn hạn rồi.


 

Bản thân Kildigs bị hai mươi nhăm năm. Trước kia tội như anh tất cả chỉ bị mười năm thôi. Từ năm 49 tới giờ, nặng nhẹ gì cũng hai mươi nhăm năm tuốt. Mười năm còn có hi vọng sống sót mà về, chứ hai mươi nhăm năm thì có mà về cái khỉ mốc.


 

Sukhov thấy khoai khoái khi mọi người chỉ anh mà nói anh sắp sửa mãn hạn tù. Song anh cũng chẳng lấy làm tin lắm vào chuyện đó. Thì đấy, có những ngưỡi mãn hạn trong chiến tranh, nhưng người ta cứ kéo dài cho đến tận năm 46 đấy. Có người hạn tù chỉ có ba năm, sau bị kéo dài thành năm năm.


 

Luật lệ bẻ cong thế nào cũng được. Hết hạn mười năm, người ta sẵn sàng bồi thêm cho anh thêm một hạn mười năm nữa, hay tống anh đi đày, không cho về quê quán.


 

Biết thế nhưng bụng vẫn cứ nôn nao thế nào ấy. Biết đâu số mình lại chẳng gặp may. Chúa ơi! làm sao hình dung nổi cái lúc mình bước chân ra khỏi đây, hả?


 

Song không khi nào người tù có thâm niên lại nói tất cả những điều đó ra miệng. Và Sukhov chỉ nói với Kildigs:
- Cậu đừng có đếm hai mươi nhăm năm làm chó gì cho mệt xác. Có ngồi tất cả hai mươi nhăm năm hay không, ai mà biết được. Nhưng chỉ biết tớ đã ngồi đủ tám năm rồi, đó là cái chắc.
Thế cho nên cứ phải cúi mặt xuống mà sống, thời gian đâu mà nghĩ: vì sao mình phải vào đây và khi nào mình được thả?


 

Trong hồ sơ Sukhov bị tù vì tội phản bội tổ quốc. Và anh cũng khai mình như vậy: đầu hàng để bị bắt làm tù binh với ý đồ phản bội tổ quốc. Trước lúc được thả về đã nhận chỉ thị của cơ quan gián điệp Đức. Nhưng chỉ thị gì thì cả Sukhov, cả cán bộ điều tra thẩm vấn, mãi không bịa được, đành phải bỏ lửng như vậy và ghi vào hồ sơ: nhận chỉ thị.


 

Ở cơ quan phản gián, Sukhov bị tra tấn nhiều lần, và anh đã tính toán rất đơn giản: nếu không ký thì cầm chắc sẽ nằm dưới ba tấc đất, nếu kí thì còn có cơ sống lâu thêm một chút.


 

Và thế là anh ký.


 

Thực ra đầu đuôi câu chuyện là thế này: tháng hai năm 1942, cả đạo quân của anh bị bao vây tại mặt trận Tây-Bắc. Họ không thể tiếp tế lương thực cho bọn anh được - không có máy bay. Chả có gì đút vào bụng. Tình hình nguy cấp tới mức lính phải chặt ngựa chết, ngâm vào nước cho mềm ra mà ăn. Và cũng chẳng còn gì để mà bắn. Thế là quân Đức tìm thấy họ ở trong rừng, từng toán một, và bắt làm tù binh. Sukhov ở trong một toán như thế, bị bắt làm tù binh mấy ngày, ngay trong rừng. Sau đó anh chạy trốn cùng với bốn người nữa. Len lỏi, ẩn nấp trong rừng, dưới đầm lầy, và như có phép lạ, bọn anh đã gặp được người đằng mình. Nhưng hai người lập tức bị ngay xạ thủ đại liên của mình bắn chết tại chỗ, người thứ ba chết vì tử thương, chỉ còn hai người sống sót. Gía khôn ra thì phải khai là bị lạc trong rừng, thì chả làm sao. Đằng này lại thật thà: chúng tôi trốn khỏi đoàn tù binh của quân Đức. Sao? Trốn khỏi bọn Đức cơ đấy? Mẹ chúng mày, quân gián điệp cho bọn phát xít. Và thế là bị tống giam. Giá cả năm tên còn sống, thì họ phối kiểm khẩu cung và may ra còn tin. Nhưng chỉ còn hai tên thì vô phương: họ cứ nằng nặc bảo rằng hai thằng khốn nạn đã thông đồng với bọn Đức giả vờ chạy trốn.


 

Nghễnh ngãng như Senka Klevsin mà cũng nghe thủng câu chuyện về tù binh, anh nói tướng lên:
- Tớ đã ba lần chạy trốn, nhưng cả ba lần đều bị bắt lại.


 

Senka mới thật khốn nạn, anh bị điếc nặng nên phần lớn thời gian chỉ im lặng: anh đâu có nghe thấy người ta nói gì và cũng không xen vào câu chuyện của mọi người. Vì thế anh em trong đội biết ít về anh, chỉ biết anh từng bị bắt giam ở Buchenvald và ở đó anh tham gia tổ chức bí mật, chuyển vũ khí vào trại giam cho cuộc nổi dậy của tù binh. Bọn Đức phát hiện ra, chúng treo ngược anh lên, trói giật cánh khuỷu, đánh cho đến thủng nốt màng nhĩ tai kia.


 

- Này Vanhia, cậu ngồi tù tám năm - ở những trại nào vậy? - Kildigs liệt kê những nhà tù. - Cậu cũng đã ở tù dân sự, thế thì được ở với đàn bà và chắc không phải đeo số? Chứ tám năm trong trại hình lại là chuyện khác, chưa có ai sống nổi tới lúc mãn hạn đâu.
- Ở chung với đàn bà! Với mấy khúc gỗ thì có...


 

Sukhov đăm chiêu nhìn ngọn lửa và nhớ lại bẩy năm tù ở miền Bắc. Suốt ba năm dòng anh phải kéo gỗ làm đà đường xe lửa. Đống lửa cháy ở chỗ khai thác gỗ mỗi khi làm đêm cũng bập bùng như bây giờ. Hồi đó trại trưởng  đề ra cái luật như sau: đội nào làm ngày không đủ định mức, phải làm bù vào ban đêm. Tới quá nửa đêm mới lê được về tới trại, buổi sáng, mới bảnh mắt đã phải dậy đi vào rừng.


 

- Không, mấy ông bạn ơi... ở đây còn dễ chịu hơn nhiều, - anh phều phào nói. - Ở đây ăn ngủ còn có giờ giấc. Làm xong việc hay không xong việc - vẫn được về trại, và ở đây khẩu phần còn cao hơn những 100 gram. Còn sống được. Trại đặc biệt - thì kệ con mẹ nó, bận đếch gì đến mình. Hay đeo số thấy phiền phức chăng? Nó có nặng thêm chút nào đâu.
- Dễ chịu hơn! - Fechiukov gắt gỏng (đã tới giờ ăn trưa, mọi người xúm xít xung quanh cái lò). - Đêm đang ngủ chúng mò đến cắt cổ, dễ chịu gớm!
- Người thường ai cắt cổ, chỉ bọn chỉ điểm mới bị thôi! - Pavlo giơ ngón tay dọa Fechiukov.


 

Trong trại quả mới có chuyện ấy thật. Hai thằng cha chỉ điểm nổi tiếng bị cắt cổ ngay trong giờ báo thức. Một phạm vô tội cũng bị - chắc là bị lầm với ai đó. Còn một thằng chỉ điểm nữa chạy trốn đến chỗ cấp trên, ở đó người ta phải giấu hắn vào xà lim. Kì quặc - những chuyện như thế trong trại tù thường đâu có xẩy ra. Ngay trong trại này trước cũng không có những chuyện như vậy...


 

Cái còi đầu máy hơi nước bỗng huýt lên. Nó không huýt toáng lên ngay, mà lúc đầu còn khục khặc, khàn khàn như người xúc miệng.


 

Hết nửa ngày rồi - nghỉ trưa, đi ăn thôi!


 

Mẹ kiếp, cứ dề dà! đáng lẽ phải đi vào nhà ăn mà xếp hàng lâu rồi mới phải. Có mười một đội làm việc trên công trường, mà nhà ăn thì chỉ chứa được hai đội.


 

Mà mãi không thấy đội trưởng đâu. Pavlo lia mắt nhìn quanh rồi quyết định:
- Sukhov, Gopchik theo tôi! Kildigs! Lúc nào tôi phái Gopchik trở lại là anh phải cùng toàn đội tới ngay!


 

Mấy người vừa đi khỏi, chỗ của họ liền bị chiếm ngay. Cái lối họ chen vào ôm lấy cái lò, như thể ôm đàn bà vậy.


 

- Đừng ngủ nữa! - mấy tướng hét toáng lên, - hút thuốc thôi!


 

Cả bọn nhìn nhau xem ai châm thuốc. Chả có ai cả. Hoặc cóc có thuốc, hoặc có, nhưng ém nhẹm, không muốn cho ai biết.


 

Sukhov cùng Pavlo bước ra ngoài. Gopchik chạy tung tăng đằng sau.
- Có ấm hơn rồi đấy. Không quá âm mười tám độ. Giời này xây tốt.


 

Họ quay nhìn đống gạch. Một số lớn đã được ném lên giàn giáo, một số đã nằm trên sàn tầng hai rồi.


 

Sukhov nheo mắt nhìn mặt trời xem cái luật mà ông trung tá nói có đúng không.


 

Ngoài quãng trống không có vật cản, gió vẫn tha hồ thổi và cắn vào mặt nhức buốt, như nhắc ta rằng giờ hãy còn là tháng Giêng.


 

Nhà ăn của công trường chỉ là một căn nhà gỗ tồi tàn. Giữa nhà là cái bếp lò trên có kê những tấm sắt rỉ để che những khe hở. Bên trong ngăn ra một phần làm bếp, phần làm chỗ ngồi ăn. Cả hai phần đều không có sàn gỗ. Mặt đất bị dẵm nát, lồi lõm. Toàn bộ bếp chỉ độc một cái lò vuông, trên đặt một cái nồi lớn.


 

Có hai người phục dịch trong bếp: cấp dưỡng và một người kiểm tra vệ sinh. Buổi sáng, trước khi rời khỏi trại, cấp dưỡng đã lĩnh hạt mạch ở bếp chính của trại. Tính ra mỗi đầu người được khoảng 50 gram, cả đội - một kí lô, còn toàn công trường khoảng hơn một yến. Tay cấp dưỡng chả tội vạ gì mà phải vác cái bao hơn chục kí đi hơn ba cây số từ trại đến công trường. Hắn giao việc này cho một phạm tin cậy. Chẳng thà ăn bớt của đám tù để thuê thằng này còn hơn sụm lưng mà mang vác. Các việc khác cũng vậy, xách nước, bổ củi, nhóm lò, thằng cha này chẳng động tay, tất cả đều thuê phạm - bọn vét đĩa, làm hết, và cũng lại bấu vào phần của anh em để cho bọn này. Thì của người phúc ta mà lại. Lại còn cái luật này nữa: không được ăn ở ngoài nhà ăn. Vì vậy ngày nào cũng phải mang bát đi theo (cũng không thể để bát lại ở công trường qua đêm được, dân ngoài sẽ vào lấy hết). Có tới năm chục cái bát, cứ mỗi đội ăn xong là phải rửa ngay cho đội sau, và người thu dọn bát cũng được thêm phần. Để bát không bị tuồn ra ngoài, người ta đã cắt cử một phạm tin cậy đứng kiểm tra ở cửa. Nhưng tha hồ cho kiểm tra anh em vẫn mang được bát ra ngoài như thường, hoặc nói khó với tên kiểm soát, hoặc đợi lúc hắn sơ ý mang lén ra. Thế là lại phải cử thêm một phạm nữa đi khắp công trường, thu gom bát bẩn mang về. Cả tên soát bát ở cửa, lẫn tên này, đều được cho thêm phần.
Bản thân tên nấu bếp thì chỉ làm mỗi việc: đổ hạt mạch và muối vào nồi. Nếu có mỡ thì hắn chia đôi: hắn một nửa và cái nồi một nửa. (Mỡ ngon chả bao giờ đến lượt tù nhân. Chỉ có mỡ xấu mới được bỏ vào nồi. Chính vì thế tù nhân chỉ mong được lĩnh mỡ xấu ở nhà kho). Như vậy công việc của tay bếp chỉ là khuấy cháo lúc sắp chín. Còn cha vệ sinh viên thì ngay cả đến việc này cũng chả làm, chỉ ngồi nhìn. Khi cháo chín đầu bếp múc cho hắn trước tiên, muốn ăn bao nhiêu cũng được. Thằng cha đầu bếp cũng thế. Rồi một trong các đội trưởng làm nhiệm vụ trực - họ thay nhau mỗi người một ngày - đến nếm xem cháo nấu như vậy phạm có ăn được không. Cha này được xuất đúp.

Xong xuôi rồi còi mới huýt. Lúc này đội trưởng các đội mới đến, xếp hàng lần lượt đưa bát vào cho tên bếp để lĩnh cháo cho đội mình. Cháo đựng trong bát loãng toẹt, và đừng có hỏi họ đã bỏ bao nhiêu khẩu phần của anh vào đó, bởi chỉ cần mở miệng họ sẽ cho anh ăn đủ các thứ nhơ bẩn nhất.
Gió rít trên thảo nguyên hoang vu - nơi mùa hè thì khô cháy, mùa đông thì băng giá. Ở thảo nguyên còn chẳng cây gì có thể mọc lên được, huống hồ giữa bốn tầng rào giây thép gai. Lúa mì mọc ở chỗ độc nhất là chỗ phát khẩu phần bánh mì, lúa mạch chỉ được gặt trong kho lương thực của trại. Và dù anh có làm đến gãy lưng hay lê lết ra đó, cũng không thể đào đâu ra thức ăn, ngoài phần trại phát cho. Mà cả khẩu phần này anh cũng không được lĩnh đủ: còn phải cúng cho đầu bếp, cho bọn phạm được thuê làm dịch vụ và đủ thứ hạng khác. Chúng bớt xén, trộm cắp của anh em từ trên xuống dưới và khắp mọi nơi: cả ở đây lẫn trong trại, trước đó cả ở các nhà kho nữa. Mình làm trầy vẩy ra mà chúng cho bao nhiêu chỉ được bấy nhiêu. Và đừng có láng cháng tới gần những chỗ phát đồ ăn.
Ai có thân người ấy khắc tự lo.
Pavlo, Sukhov và Gopchik bước vào nhà ăn - ở đó toàn thấy lưng người là lưng người, chả nhìn thấy bàn ghế đâu. Chỉ có một số đang ngồi ăn, còn phần lớn là đứng. Đội 82 từ sáng tới giờ đào hố ngoài trời, vừa nghe thấy tiếng còi đã xông ngay vào nhà ăn chiếm hết chỗ rồi. Dù đã ăn xong, nhưng họ vẫn ngồi ỳ ra đó. Thì còn có chỗ nào ấm mà nghỉ nữa? Anh em chửi mắng ầm ĩ đòi chỗ, nhưng chẳng thà vạch đầu gối ra mà chửi còn hơn. Họ đâu có nghe, ngồi trong này nghe chửi còn hơn phải ra ngồi ở ngoài trời giá buốt.
Pavlo và Sukhov lấy khuỷu tay chen đẩy đám đông, đến vừa đúng lúc. Một đội đang lĩnh xuất, đội khác đứng đợi, các đội phó đứng cạnh cửa tò vò chỗ phát cháo. Như vậy đôi 104 sắp đến lượt rồi.
- Bát đâu! bát đâu! - tên bếp la hét đằng sau cửa tò vò, mọi người đẩy bát vào cho hắn. Sukhov nhặt được mấy cái bát sạch cũng tính đẩy vào, không phải để lấy thêm phần cho mình, mà để cho nhanh.
Một vài phạm thân tín của tên bếp đang rửa bát bên trong, bọn này đâu có làm không công.
Người đội phó đứng trước đến lượt lấy đồ ăn cho đội mình, Pavlo quay lại hét qua đầu những người khác: “Gopchik!”
- Cháu đây! - tiếng Gopchik vọng từ cửa vào, giọng nó the thé như tiếng dê con.
- Gọi đội mình tới!
Thằng bé chạy biến đi.
Cái chính là cháo hôm nay không đến nỗi tệ. Vào hạng ngon nhất, được nấu bằng hạt lúa mạch.
Năm thì mười hoạ mới được như vậy. Thường thì chỉ có món magara ngày hai bữa, hay bột khuấy với nước. Cháo nấu bằng hạt mạch no lâu hơn, quý là ở chỗ đó.
Lúc còn nhỏ Sukhov cho ngựa ăn biết bao nhiêu lúa mạch, anh đâu có ngờ một ngày kia anh chỉ ao ước có được một nắm.
- Bát! bát! - họ lại hét toáng lên.
Đã tới lượt đội 104. Tay đội phó đứng trước nhận khẩu phần đúp của “lãnh đạo” rồi chen ra.
Cái khẩu phần đúp đó cũng là bấu từ khẩu phần của anh em, song không có ai kêu ca. Mỗi đội trưởng có quyền nhận khẩu phần đúp, anh ta có thể ăn, hoặc cho người phụ tá của mình. Turin cho Pavlo xuất này.
Lúc này nhiệm vụ của Sukhov là lách tới một cái bàn, đuổi hai thằng đang mót đồ thừa đi, nói khó với một bạn tù ăn xong rồi thì đi đi cho, dọn sạch một chỗ trên bàn đủ để anh đặt mười hai cái bát sát cạnh nhau, rồi chồng thêm sáu cái nữa lên trên, và trên cùng chồng hai bát. Bây giờ phải đón những bát cháo từ tay Pavlo. Anh phải đếm lại một lượt nữa và canh chừng không cho mấy tay đội khác thuổng cháo đội mình, hay lấy cùi chỏ huých đổ. Ngay bên cạnh, người đứng lên, kẻ ngồi xuống ăn ào ào. Phải lấy mắt mà vạch rõ ranh giới, xem họ ăn bát của họ hay ăn sang bát của đội mình.
Hai! bốn! sáu! - Tên bếp đếm ở đằng sau cửa tò vò. Hai tay hai bát, hắn phát liền một lúc. Như thế dễ cho hắn hơn, đếm bát một hay bị nhầm.
- hai, bốn, sáu, - Pavlo khẽ đếm theo và anh cũng chuyển cho Sukhov hai bát một lúc, và Sukhov xếp bát lên bàn.
Tuy không đếm thành tiếng, nhưng Sukhov đếm kĩ hơn ai hết.
- Tám, mười.
Sao đến giờ Gopchik chưa đưa đội mình tới nhỉ?
- Mười hai, mười bốn... - trong bếp vẫn tiếp tục đếm.
Vừa đúng lúc đó trong bếp đã hết sạch bát. Nhìn qua đầu và vai Pavlo, Sukhov thấy tên bếp đặt hai bát cháo lên thành cửa, hai tay vẫn giữ lấy bát như đang nghĩ gì. Chắc hắn đang ngoái vào bên trong chửi mấy tên rửa bát. Cùng lúc ấy có người đẩy qua cửa tò vò vào cho hắn một chồng bát không. Hắn phải buông hai bát cháo ra để bê chồng bát vào.
Sukhov thôi không canh mấy bát cháo trên bàn nữa, quay lại, bước qua cái ghế dài, lôi hai bát cháo trên thành cửa tò ra và nói khẽ: “Mười bốn!”. Nói cho Pavlo nghe, chứ không phải cho tên bếp.
- Để lại, lôi đi đâu thế? - Tên bếp rống lên.
- Của bọn tôi, của bọn tôi, - Pavlo hét lại.
- Của các anh thì của, chứ đừng làm cho người ta đếm nhầm.
- Thì mười bốn rồi, - Pavlo nhún vai nói. Tự mình hắn chả bao giờ làm cái trò này, còn phải giữ uy tín của một đội phó chứ. Song hắn đã về hùa với Sukhov, vả lại đã có Sukhov rồi, có chuyện gì xẩy ra thì cứ đổ cho anh ta là xong.
- Tôi đã đếm mười bốn rồi! - Tên bếp nổi cáu.
- Đếm rồi, nhưng cháo chưa đưa, hai tay chả giữ khư khư ấy là gì.- Sukhov nói chõ vào. - Không tin cứ đếm lại, tất cả đang còn ở trên bàn đây này.
Sukhov quát trả lại tên bếp, song cũng đã nhìn thấy cặp Estoni đang tiến đến gần, anh liền ấn hai bát cháo vào tay họ, và còn kịp quay trở lại bàn, kịp đếm xem các bát cháo có còn nguyên tại chỗ không. Hoá ra đội bạn chậm chạp quá, chưa nẫng được bát nào, mặc dù chẳng có ai canh chừng cả.
Cả cái khuôn mặt đỏ gay của tên bếp lấp đầy khung cửa sổ.
- Bát đâu? - Hắn hỏi, giọng nghiêm nghị.
- Đây, nhìn đi! - Sukhov hét lên. - Đứng lùi ra ông bạn, để cho người ta nhìn - anh đẩy một người nào đó. - Hai này! - anh nhấc hai bát cháo chồng trên cùng lên cao. - Còn đây là ba bát nữa, bốn bát một hàng, đếm đi!
- Đội của các bố chưa đến hả?
Tên bếp nhìn Sukhov qua khuôn cửa tò vò. Cửa làm hẹp để mọi người khỏi nhìn được vào bên trong xem cháo còn bao nhiêu.
- Chưa, chưa đến, - Pavlo lắc đầu.
- Đội chưa đến mà đã lĩnh cháo, các bố làm trò gì thế hả? - Hắn cáu um.
- Họ đến kia rồi! Sukhov kêu lên.
Và tất cả đều nghe thấy cái giọng oang oang của ông trung tá, như thể ông đang nói trên đài chỉ huy:
- Chen chúc nhau làm gì ở đây thế này? Ăn xong rồi thì phải đi ra lấy chỗ cho người khác vào với chứ!
Tên bếp còn cằn nhằn cái gì đó rồi đứng thẳng lên, và ta chỉ còn trông thấy hai bàn tay hắn qua lỗ cửa tò vò như lúc trước.
- Mười sáu! mười tám!
Và một xuất đúp - hai bát cuối cùng:
- Hai mươi ba. Xong! đội khác!
Những người trong đội len tới và Pavlo chuyển cháo cho họ, còn những người ngồi ở bàn bên thì anh  phải đưa cháo qua đầu người khác mới tới được họ.
Vào mùa hè, mỗi ghế dài thường ngồi được năm người, mùa đông quần áo mặc to sù sụ, nên chỉ ngồi được có bốn, thế mà cũng không có chỗ để khuỳnh tay xúc thìa.
Nghĩ thầm trong bụng mình sẽ được một trong hai bát cháo vừa thuổng được, Sukhov bèn ăn vội xuất của mình. Anh co đầu gối chân phải vào bụng, rút cái thìa có ghi “Ust - Izma, 1944 ra, bỏ mũ xuống kẹp vào nách bên trái, rồi bắt đầu khuấy cháo.
Bây giờ phải để hết tâm trí vào việc ăn. Phải vét lòng bát cho thật sạch, đưa thận trọng vào miệng, lấy lưỡi đảo đi đảo lại. Song cũng lại phải ăn cho nhanh để Pavlo thấy hết mà đưa thêm cho bát nữa. Thằng cha Fechiukov lúc nãy đến cùng với cặp Estôni, đã chứng kiến vụ hai bát cháo thừa, đang đứng ngay trước mặt Pavlo. Hắn hau háu nhìn vào hai bát cháo đó và muốn Pavlo hiểu rằng hắn cũng phải được hưởng xuất đó, ít nhất là một nửa.
Tuy nhiên đội phó Pavlo trẻ tuổi, da ngăm ngăm, vẫn ăn bình thản. Nhìn nét mặt hắn không thể hiểu được hắn có nhìn thấy người bên cạnh hay để ý tới hai bát cháo thừa kia không.
Sukhov ăn gần hết bát cháo. Không biết có phải vì cái dạ dầy được chuẩn bị trước cho hai bát cháo hay không, mà ăn xong một bát anh vẫn chưa thấy no như mọi khi được ăn cháo mạch. Anh luồn tay vào túi áo, lấy nửa miếng cùi bánh tròn không bị lạnh cứng bọc trong tấm rẻ trắng, vét cho sạch những hạt mạch còn dính trong lòng bát và chung quanh thành bát, vun vào một chỗ. Được một miếng kha khá, anh lấy lưỡi liếm thật sạch, rồi lại vét lại lần lữa. Khi ăn xong, cái bát của anh sạch như đã được rửa, chỉ có điều mờ mờ, chứ không bóng lên như thế. Anh quài tay qua vai đưa chiếc bát cho mấy tên rửa bát, vẫn ngồi nguyên tại chỗ, mũ cắp nách.
Tuy Sukhov là người chớp được hai bát cháo, song Pavlo là người có quyền chia.
Pavlo bắt anh đợi thêm chút nữa cho tới khi hắn ăn xong. Hắn không liếm bát, mà chỉ lấy thìa vét sạch cháo, sau đó cất thìa và làm dấu thánh. Khi đó hắn khẽ chạm vào hai trong bốn bát cháo - bàn nhiều bát quá, không thể đẩy chúng được, - ra điều cho Sukhov đó là hai bát cháo của anh.
- Ivan Denisevich, anh lấy một bát, còn một bát đem đến cho Sezar.
Sukhov nhớ ra là phải mang một bát cho Sezar ở trên văn phòng (Sezar chẳng bao giờ hạ mình ngồi ăn ở nhà ăn, cả ở đây lẫn ở trại), - nhớ ra, song khi Pavlo chạm tay vào hai bát cháo, tim anh như ngừng đập: liệu Pavlo có cho mình cả hai bát không? Khi biết chỉ được một, tim anh đập bình thường trở lại.
Và bây giờ khi anh cúi xuống cái của kiếm được hợp pháp đó và bắt đầu ăn một cách có lí trí, thì anh chẳng còn cảm thấy những cú huých vào lưng của những người mới tới. Anh chỉ khó chịu không biết Pavlo có cho Fechiukov bát cháo thứ hai không. Fechiukov hơn người về tài bòn mót, nhưng không đủ gan tăm tia.
Ông trung tá hải quân Buinovski ngồi gần đó. Ông đã ăn xong từ lâu và không biết trong đội có cháo thừa, cũng không đếm xem có bao nhiêu bát còn lại ở chỗ đội phó. Đơn giản là ông đang thư giãn, đang ngồi sưởi ấm và không đủ sức đứng dậy đi ra ngoài trời rét buốt, hay trở lại chỗ nhà máy điện chẳng có lấy chút hơi ấm nào cả. Lúc này ông cũng đang chiếm chỗ của những người mới đến, giống như những người mà năm phút trước ông đuổi quầy quậy bằng cái giọng chói tai của mình. Ông vừa mới vào trại và cũng vừa mới làm việc chung với mọi người, cho nên chính những giây phút này thực sự là những giây phút quan trọng đối với ông (mặc dù ông không biết điều đó) - những giây phút biến ông từ một sỹ quan hải quân to mồm, hách dịch, thành một tù nhân chậm chạp, thận trọng. Chỉ có thế ông mới có thể qua được hai mươi nhăm năm trong trại.

<< Phần 1 | Phần 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 214

Return to top