Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Bài Haiku

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 354 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bài Haiku
Lê Đạt
Hương thắp gọi ba lần không đáp lửa
Hồn có nhà hay bát mộ đi xanh...

Tướng quân Yoda là shogun lẫy lừng một thời. Ông bỗng chán cảnh binh đao rửa tay gác kiếm, gửi lại quyền bính cho người em ruột, rút lui vào một tu viện chính ông cất công xây dựng ngay trong quần thể dinh cơ của mình. Cung viện không đồ sộ, tráng lệ như cung shogun nhưng cũng đường bệ, u hoặc, oai nghiêm không kém gì những tu viện lớn ở Kyoto.
Tướng quân đã cho người đi sưu tập nhiều tác phẩm của các bậc đại danh họa, trong dó có những bức nổi tiếng thời đó như bức: Con chó có tính Phật không? Chơi đàn không dây, Hoàng Bá đánh ngã Nghĩa Huyền và Nghĩa Huyền bạt tai Hoàng Bá v. v. ... Yêu những tác phẩm hội họa đến mức Yoda kể cũng vào loại người xưa nay hiếm. Sớm sớm sau khi thức giấc, ông sửa sang mũ áo tề chỉnh đến cúi rạp đầu chào các bức tranh rồi ngồi ngay ngắn tư thế hoa sen, thiền mặc với cổ nhân, đôi mắt lim dim như cất khỏi những phức lụy của cõi tục, để đối thoại với vô cùng. Ông thường dạy các môn đồ: "Các con hãy hội kiến đại họa phẩm như hội kiến một đại vương hầụ Phải cúi đầu trước kiệt tác và nín thở chờ đợi nghe nó nói ..."
Chẳng bao lâu tu viện của ông trở thành một nơi hành hương nổi tiếng vùng Nagoya. Đám đông, sùng đạo có, tò mò có, từ khắp nơi kéo tới. Yoda nay trở thành một thượng tọa danh tiếng còn lẫy lừng hơn cả thời trận mạc kia, nhất cử nhất động đều khoan thai, dịu dàng đã có một thời ... máu đổ đầu rơi nơi cung kiếm. Tu viện của ông sạch như lau cũng như nét mặt thuần khiết và nghiêm cẩn của ông ... Tưởng chừng như không có chỗ nào khuất tất cho một tạp niệm; một chớt nhả hay dung tục ẩn bụi. Có thể nói đây là một diện mạo công khai toàn phần.
Một người đã nhát chặt đứt mọi tơ vương với hoa hậu và đám tỳ thiếp, người xoàng nhất cũng quyến rũ hơn bất cứ một geisha hảo hạng nào nơi kinh kỳ, người ấy phải có một tấm lòng thuần khiết ở mức thượng đỉnh.
Chiều chiều trên con tùng lộ, nơi ông mặc tư về lẽ trầm luân của thế sự, con họa mi trống nhiều lần đã phải bỏ dở bản tình ca ba mươi sáu điệu, e làm kinh động những ý thức siêu đẳng của bậc cao tăng.
Tu viện có một thư viện đặc biệt quí giá. Tướng quân đã cử người sang tận Trường An mua bản sao có đánh số của bộ Kinh Phật toàn tập do thầy Đường Tăng cùng Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới thỉnh từ Tây Trúc về. Khu sách về đạo thiền cũng chiếm mấy kệ đầy ắp, nhưng như chúng ta đã biết, những đại thiền sư thường hiếm khi trước tác nên phần lớn chỉ là sách chuyên khảo của các nhà thiền học.
Ngoài ra còn có bộ đồ trà thiên hạ vô song, men chảy mỏng như lá lúa, thuộc một nghệ thuật gốm đã thất truyền.
Hình như đấng tối cao cũng chứng cho lòng thành của người kiếm sĩ đã dốc lòng chuyển nghiệp nên những hạt mộng bỗng nẩy mầm nơi trái tim quen với sự sát phạt, như bầy chim ngậm những chồi xanh thả mùa xuân phủ bóng rợp lục chiến trường trơ trụi ngày xưa. Tướng quân Yođa bỗng làm thơ ... Và thơ ông được truyền tụng chẳng kém gì những chiến tích thủa trước. Chỉ ít lâu sau ông đã trở thành trưởng môn của trường phái thơ Nayoga một cách hết sức dân chủ tuy chẳng thông qua bỏ phiếu kín. Mọi người thành thật tín nhiệm ông và bầu ông bằng tấm lòng thành im lặng của mình. Ông có thừa tiền để tự xuất bản, nhưng thấy không cần phải làm việc đó, vì giới mộ điệu tại Nayoga ai mà chẳng thuộc của ông ít nhất trên một bài ... Nỗi ao ước lớn của Yođa là gặp được Basho, người tu sĩ lang thang kiêm nhà thơ danh tiếng nhất thời đó.
Mà gặp Baso có khi còn khó hơn gặp Hoàng Đế, vì Hoàng Đế tuy cao sang mà còn có địa chỉ. Basho thì vô định như một đám mây ma cà bông vào một ngày thu nổi gió.
Yoda đã cho người đi khắp nơi cố tìm mua một bức chân dung của Basho. Không được cái may hội ngộ thì cũng gặp nhau qua nét vẽ cho thỏa lòng ngưỡng vọng. Nhưng tìm hoài không đâu có. Hình như Basho mặt mũi quá xoàng để có thể ghi lại được bằng nét vẽ. Thiên hạ đồn rằng một lần có một nhóm họa sỹ mến mộ tài Basho đã khẩn khoản mời nhà thơ tới để vẽ một bức chân dung. Basho vốn tính cả nể và thích rượu mà nhóm họa sỹ kia đều là những nghệ sỹ nổi danh và càng nổi danh hơn về cái khoản tửu sỹ. Điều kiện lại hấp dẫn, Basho không phải ngồi bất động làm người mẫu mà cứ thoải mái hành tửu trong lúc các họa sỹ hành nghề. Một chục nhà danh họa vẽ Basho, người nào cũng khăng khăng phác thảo Basho của mình mới đích thực. Và trong khi mọi người tranh luận hăm hở về Basho đích thực thì ông Basho bằng xương bằng thịt sau khi đã tu hết rượu, bản thân mình cũng chẳng biết đích thực là thế nào đã lặng lẽ bỏ đi. Trơi chuyênh khoáng gió như thế này ai lại hóa dại ngồi một chỗ khi con đường trước mặt tung tăng như một lời mời viễn du.
Cuộc vẽ bỏ dở và mãi cho đến giờ Basho vẫn chưa có chân dung.
"Người thì thậm xấu hát thì thậm hay". Ai đã có được bức chân dung Trương Chi? Không biết Basho có thậm xấu như Trương Chi không nhưng thơ Basho quả thậm hay. Đã bao lần Yoda đọc lại bài Haiku của Basho:
Trong đại im
Tiếng dế ăn vào
Thớ đá ...

Theo trí nhớ uyên bác của Yoda thì chưa có nhà thơ nào nói tới cõi đại im kia.
Chỉ non một chục chữ. Ôi ước gì mỗi chữ như một chiếc hộp, ta có thể tháo nắp ra xem bên trong nó chứa đựng những gì mà tinh vi mà ảo diệu đến vậy... Ước gì trong những giờ thiền định của mình, Yoda chỉ một lần đạt tới cõi "đại im" kiạ
Đã nhiều đêm Yoda theo dõi những chữ của bài thơ như người cổ sơ theo dõi chùm thất tinh lấp lánh trên nền trời... thầm hỏi về ý nghĩa cuộc đời: Trong cõi "đại im" mênh mông... những ngôi sao, những con chữ cứ lấp lánh... lấp lánh mãi... hàng nghìn tín hiệu ánh sáng thăm thẳm nghĩa.
Cho nên khi được tin Basho đang quanh quất ở địa phương, Yoda lập tức ra lệnh cho các môn đồ chia các ngã đi kiếm bằng được người kỳ sĩ mời về tu viện.
Một nhóm tam tam may mắn gặp Basho đang ngủ dưới một gốc cây bàng già, cả người toát ra mùi sake, quần áo sộc sệch, mặt mũi dung tục như một nông phu. Chẳng lẽ một kẻ tục tử như thế kia lại là một nhà thơ Basho lừng danh ? Người môn đồ tâm phúc của Yoda đã hỏi đi hỏi lại ông gìa quán gần đó: "Có đúng ông này là nhà thơ Baso không ?" Ông già quán trả lời thật thà: "Không biết có phải là nhà thơ Baso không, nhưng ông ta đúng là Baso thường nợ tiền rượu của lão".
Người môn đồ thất vọng. Chẳng lẽ nhà thơ Basho lại đi uống rượu chịu ? Nhưng vốn biết tính sư phụ rất mực nghiêm khắc, anh ta cứ cho võng cái thằng cha say rượu có tên Basho kia về.
Nhìn con người bụi bẩn rơi đầy tạp chất trên nền gạch như gương của tu viện, nằm ngủ chảy cả dãi xuống nệm quí, Yoda không khỏi băn khoăn. Đây có phải đích thực Basho không?
Nhưng kìa nhà thơ đã tỉnh giấc. Yoda trân trọng lấy bộ đồ trà cực quí như ta đã biết, hai tay nâng bát trà lên ngang mày cung kính mời khách. Chừng say rượu nên khát nước, Basho cầm bát trà, chẳng cần để ý đến loại men quí cũng chẳng cần đáp lễ, uống đánh ực một cái. Và chẳng đợi chủ nhân tiếp thêm, ông tự tay múc trà uống thêm hai bát nữa như phường ngưu ẩm. Người dầy công hàm dưỡng như Yoda mà cũng phải nhíu mày. Kẻ phàm phu này là nhà thơ Basho thật ư ? Nhưng nom ông uống hồn nhiên và ngon lành quá đến nỗi người ta có thể nghĩ tất cả những nghi thức uống trà đều là trò rắc rối thiên hạ bịa ra để làm phiền nhau một cách vô tích sự. Yoda hơi dao động. Đây là kẻ tục tử hay một đại thánh nhân đạt tới mức bình thường tâm mà đại thiền sư Cổ Đức đã gói gọn trong một lời kệ nổi tiếng: "Khi đói ta ăn, khi mệt ta ngủ ?" Uống nước xong, vẻ đã đỡ khát, Basho ngước nhìn những bức họa phẩm. Ông cười hí hí như trẻ thơ. Không những thế, khi đến bức tranh Hoàng Bá đánh ngã Nghĩa Huyền và Nghĩa Huyền bạt tai Hoàng Bá, ông còn giơ tay tát thêm cho Hoàng Bá một cái vẻ hết sức thú vị: "Cho hắn một cái tát nữa".
Dung tục hết chỗ nói, nhưng...
Nhưng câu hỏi quái ác: "Dung tục hay thánh nhân." "thánh nhân hay dung tục" cứ vọng động mặt hồ vốn tĩnh lặng của một tâm hồn dầy công tu luyện đã gần tới bậc thượng thừa.
Yoda cách đó ít ngày có sáng tác một bài Haiku đặc biệt ưng ý:
Con chuồn chuồn ngô
Bứt hai cánh
Quả ớt

Bài thơ được các thi sĩ trường phái Nagoya cực lực tán thưởng. Nó không những đột ngột về mặt nghệ thuật mà còn thâm sâu về mặt tư tưởng. Chỉ mấy dòng thơ ngắn mà diễn được vòng luân hồi và thuyết vạn vật nhất thể của đạo Phật.
Yoda đã chép bài thơ trên một mảnh giấy lụa siêu hạng, nét bút tung hoành như đường kiếm tuyệt luân. Tướng quân nửa cung kính, nửa tự hào đưa Basho. Ông ta liếc mắt xem qua rồi từ từ đưa ngược tờ giấy.
Thế này thì quá lắm! Chắc Basho giả đứt đuôi đi rồi. Chẳng lẽ làm thơ lại không biết chữ, lại đọc ngược?
Cố nén bực tức nhưng vẫn không rũ bỏ được hết gay gắt, Yoda nói:
- Ngài đọc ngược ...
Tướng quân bỗng rùng mình. Ông cảm thấy như mắt Basho lấp loáng những ánh trắng biếc của thứ thần kiếm. Đúng không? Hay đó chỉ là một ảo giác? Yoda chưa kịp xác định thì đã nghe thấy Basho nói thản nhiên, chẳng biết nghiêm túc hay bông lơn:
- Ngược thế mới thuận.
Và ông lấy bút viết nguệch ngoạc:
Quả ớt
Chắp hai cánh
Chuồn chuồn ngô

Yoda cầm tờ giấy lặng ngườị Chao ôi! chỉ một cái đảo ngược mà đường trường vạn thủy thiên sơn có khi trọn đời tu dưỡng ông chưa chắc đã vượt qua nổị
Ông triền miên trong ý nghĩ, thương cho cái sát kiếp còn quá nặng căn của mình. Khi ông bừng tỉnh thì Basho đã biến mất tự bao giờ.
Tướng quân gọi người môn đồ tâm phúc:
- Basho đại nhân đâu? Người chạy đi tìm ngay về cho ta.
Người môn đồ hớt hãi chạy tới chỗ người gác cổng vừa thở vừa hỏi:
-Basho đại nhân đâu?
Người gác cổng ngơ ngác:
- Đại nhân nào? Có phải cái lão đạo sĩ say rượu hồi nãy không? Chết, lão ta ăn cắp cái gì của tướng quân... Tôi biết ngay mà... Nom lão gian lắm... Tôi đã khám bị rồi. Chỉ toàn một thứ giẻ rách với một bình rượu.
Rồi hắn giậm chân xuống sàn nhà bình bịch:
- Khổ quá, tôi quên không khám bình rượu ... Chắc lão ta xoay thứ mỹ tửu của tướng quân!
Người môn đồ ngắt lời:
- Ông ta có gởi lại gì không?
Người gác cổng gãi tai:
- Có... Có ... Lão ta có gởi lại một tờ giấy bẩn thỉu tôi quẳng đây không biết bay đâu ...
Người môn đồ nghiêm nét mặt:
- Ngươi tìm ngay ... nếu mất thì ăn đòn...
Người gác cổng giơ tay lên trời:
- Khổ quá, cậu không tin tôi sao. Chỉ có tờ giấy trắng hạng bét không có chữ.
Trước nét mặt lầm lì của người môn đồ, lão gác cổng đành lúi húi bò tìm các xó nhà, các gầm ghế ... Tìm mãi mới thấy.
Thì ra hắn nói đúng. Chỉ có một tờ giấy thứ phẩm ... chưa viết. Người môn đồ đem vào dâng thầy.
Yoda cầm mảnh giấy trắng trơn, suy nghĩ rất lung... Rồi thấy ông từ từ đứng dậy, treo mảnh giấy bên những đại họa phẩm... Ông đứng ngắm một hồi lâu. Bỗng ông ôm bụng cười. Cười ngặt nghẽo như cả đời ông chưa bao giờ được thỏa chí một bữa cười ngon như vậy...
Trích trong tập "Hèn đại nhân"



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 301

Return to top