Nhà thơ Kiên Giang thời trẻ Vì Kiên Giang - Hà Huy Hà có lúc từng là anh em kết nghĩa, là bạn thơ của thi sĩ "đồng quê" Nguyễn Bính nên nhiều người nhận xét thơ ông ảnh hưởng Nguyễn Bính khá nhiều. Tuy nhiên, theo ý riêng, tôi cho rằng cái chất "rặt ròng" Nam Bộ trong thơ Kiên Giang là đồ gia bảo riêng của tác giả. Từ khi cô giáo tập em đồ Không kê giấy chặm em vô ý Để dấu tay lem vở học trò (Đồng xu giấy chặm) Hay: Phạt anh ngâm nước vô lu Bẻ tàu chuối hột che dù cho em (Ngựa trúc) Nam Bộ đến thế là cùng! Bây giờ hiếm hoi lắm cái chất đó trong thơ miền Nam. Nhà văn Sơn Nam: “Kiên Giang là một thi sĩ thành công, một soạn giả đã đưa thi ca vào sân khấu, để lại cho đời những vở tuồng mang đậm chất thơ: Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang – Chức Nữ, Sơn nữ Phà Ca... Còn trong thơ ca, Kiên Giang đã viết những câu thơ mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là ca dao: “Ong bầu vờn đọt mù u, Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”. Thơ Kiên Giang cũng như thơ Nguyễn Bính có nét chung bình dị, mộc mạc, nhưng một bên là chân quê Nam Bộ, còn một bên là chân quê Bắc Bộ”. Có người nói Kiên Giang - Hà Huy Hà làm thơ dễ dãi đến mức có lẽ không đọc lại bản thảo (?). Cũng có thể như vậy hoặc không như vậy, nhưng nếu dễ dãi mà đã để lại cho đời những bài thơ như: “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, “Khói trắng” hay “Tiền và lá”... - những bài thơ sống dai dẳng trong lòng người dân miền Nam suốt mấy chục năm qua thì quả là sự "dễ dãi" không phải ai cũng đạt được! Người ta có thể lầm tưởng sự dễ dãi với tính giản dị, mộc mạc đặc thù Nam Bộ của bút pháp Kiên Giang - Hà Huy Hà: Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân Khói trắng lên trời như tóc bạc Con ngờ khói tóc quyện mây Tần (Khói trắng) Viết về bà mẹ Nam Bộ làm sao có thể viết giản dị hơn, thi vị hơn mà sâu sắc hơn? Trong phong trào báo chí trước 1975, Kiên Giang - Hà Huy Hà đã từng dẫn đầu đoàn biểu tình "ký giả đi ăn mày" chống lại những quy chế khắt khe của chính quyền cũ áp đặt cho báo chí, nhà thơ đã bị đi tù vì chuyến "ăn mày" đó. Hành động này nhắc chúng ta nhớ rằng thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà, nói theo ngôn từ bây giờ, là thơ "về nguồn". Kiên Giang: “Tôi tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1927 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Học hết lớp 12 tôi tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm, làm biên tập viên, phóng viên báo Tiếng súng kháng chiến ở chiến khu 9. Năm 1955, tôi về Sài Gòn viết báo cho các tờ: Dân Chủ Mới, Tiếng Chuông, Dân Ta, Dân Tiến... Kiên Giang là bút danh khi tôi làm thơ, còn viết báo tôi lấy tên Hà Huy Hà. Bút danh này khiến bọn mật thám lầm tưởng tôi có họ hàng với Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp nên chúng đã bắt tôi. Sau khi nghe giọng nói Nam Bộ của tôi, chúng thả tôi ra và cảnh cáo không được viết những bài chống lại cảnh lố lăng du nhập từ nước ngoài”. Các nhân vật thi ca luôn luôn đậm nét trong thơ của Kiên Giang - Hà Huy Hà là những con người cơ cực, nghèo khổ nhưng rất tình đời, tình người đó là chân dung những bà mẹ nghèo ở miền Tây Nam Bộ, hình ảnh cậu học trò nhà quê nghèo mà chất phác, người đàn bà thay chồng đánh xe bò mỗi ngày qua ngõ Hàng Xanh, cô giáo nghèo trường làng... Những làng xóm miền Nam, khói đốt đồng, cái bánh ống Trà Vinh, miếng trầu mẹ già, manh lụa mo cau... là chất liệu làm nên nhà thơ "du mục" Nam Bộ ấy.
Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà Cậu bé nhà nghèo, nhà quê ở miệt U Minh - Kiên Giang sau này trở thành nhà thơ nhưng nỗi ám ảnh về giàu - nghèo luôn day dứt, có lẽ cái ý thức sâu sắc đó sau này thôi thúc, dẫn nhà thơ đến với những hoạt động xã hội. Hồi nhỏ chơi trò con nít: Anh moi đất nắn "tượng người" Em thơ thẩn nhặt lá rơi... làm tiền Nhưng sự thật phủ phàng của cuộc đời bao giờ cũng tạo bi kịch: Tiền không là lá em ơi Tiền là giấy bạc của đời in ra Người ta giấy bạc đầy nhà Cho nên mới được gọi là chồng em Bài thơ “Tiền và lá” này được viết từ 1946, tam sao thất bổn, có lúc đã bị nhiều người tưởng lầm là thơ Nguyễn Bính, gần đây đứa con “Tiền và lá” mới trở lại với Kiên Giang - Hà Huy Hà. Gần 60 năm đã trôi qua, ai dám nói tiền không là lá, lá không là tiền? Đời nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà trôi nổi nhiều, lận đận cũng lắm! Là một nhà thơ già, đến nay vẫn nghèo, vẫn tay trắng, không chút danh vị gì giữa chốn trường đời nhưng là một đời thơ, một phong cách thơ không lẫn lộn được! Nhà văn Sơn Nam viết trong lời tựa tập thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”: "Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi". Hai văn nhân "miệt vườn" sau mấy chục năm lưu lạc, kẻ làm thơ người viết văn, về già khen nhau như vậy thì quả là tri âm tri kỷ vậy.