Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người bắt rắn cuối cùng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2792 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người bắt rắn cuối cùng
Khuyết Danh

Lần ấy, tôi lên tỉnh cùng ông cháu thằng Tiên, bạn học của tôi. Đi chân mười lăm, mười sáu cây số nào có nghĩa lý gì, khi được dịp "lên tỉnh", lại chỉ đeo một cái bị cói trống trơn. Lúc về, bị cói sẽ đựng những thang thuốc bắc, nhưng mùi mẽ gì mấy cái gói lá khô, rễ khô thơm thơm, hăng hắc ấy. Bố tôi bệnh, tự kê đơn, viết mấy dòng chữ Hán loằng ngoằng đưa tôi đến cửa hiệu thuốc "Con trâu vàng" của "chú Sếnh" ở phố tỉnh.
Thằng Tiên hớn hở bảo:
- Thế thì đằng ấy đi với tớ. Ông tớ mai mang hàng đến cửa hiệu chú Sếnh đấy!
- Cậu có đi à?
- Ừ! Giỏ nặng, tớ đeo giúp ông vài quãng chứ!
Nói vậy, suốt chặng đường, Tiên đeo giỏ để ông đi tay không. Đôi lúc, thấy ngượng, tôi bảo Tiên nhặt khúc tre vương ở rệ cỏ, xỏ vào quai giỏ, hai đứa cùng khiêng. Thế mà còn nặng lặc lè. Nặng thì tôi không ngại, chỉ có ngán thứ đựng trong giỏ. Vì đó là giỏ đầy các loại rắn.
Ông thằng Tiên chuyên nghề bắn rắn: mật rắn, ông bán cho các hiệu thuốc bắc, còn thịt bán cho các hiệu "cao lâu". Nghề bắn rắn, theo ý tôi, là một nghề rùng rợn. Chụp được rắn bằng tay không, khi đó là một "gã" rắn độc, cắn chết người như bỡn, bạn bảo lý thú à?
- Ông tớ bắt rắn nuôi cả nhà đấy. Chứ bố tớ đi bộ đội suốt, có gửi được đồng nào chớ kể.
Tôi biết hoàn cảnh gia đình Tiên khá rõ. Đúng như vậy. Bà nó, mẹ nó, mấy anh chị em thằng Tiên quả là sống nhờ nghề bắt rắn của ông nó thật. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có thể bắt được rắn hoặc ngày nào cũng nên bắt rắn đâu. Những ngày ông Tiên nghỉ, vẫn có bà và mẹ Tiên kiếm miếng ăn bằng công kia, việc nọ thôi. Có điều là nhà nghèo, đồng tiền kiếm được cũng hiếm như nắng mưa đông vậy.
Ngồi trong sân hiệu thuốc bắc của chú Sếnh, tôi quên bẵng việc đi mua thuốc cho bố. Bấy giờ, tôi chỉ còn mải mê nhìn ông thằng Tiên với cái giỏ rắn. Ông im lặng, mới khẽ phẩy tay, đã thấy Tiên kéo lui tôi ngồi tránh xa giỏ rắn. Tiên thì thầm:
- Ngồi đây cũng rõ. Gần quá, "nó" mổ hết chạy!
Nhưng Tiên lại đến phụ ông. Tiên đỡ cái đĩa men trắng bóng có hình vẽ rồng phượng xanh xanh chú Sếnh vừa đưa, đặt xuống nền gạch bông. Ông móc túi, lấy cái hộp sắt tròn, vốn dĩ là hộp đựng kẹo ho bạc hà, lúc này đựng thuốc lào, đen thẫm, cho vào miệng, nhai nhai rồi nhả ra lòng bàn tay, xoa xoa xuốt từ khuỷu tay đến mu bàn tay. Mùi thuốc lào sực nức vừa đắng vừa ngái. Xoa tay xong, ông khẽ mở nắp giỏ, luồn vừa lọt có bàn tay, và nhanh đến không kịp nhận ra như thế nào, ông đã lôi phụt một con rắn dài đến phát khiếp. Tôi kịp lùi bật ngửa, nghe rõ con hổ mang đang quằn đuôi, hai nhánh đầu lưỡi liến láu le le, mắt như hai hột đỗ xanh tròn thô lố.
Thoáng, đuôi con hổ mang đã bị bàn chân ông đè nghiến. Cả cái cổ rắn khá to, nằm gọn trong bàn tay trái của ông - nói cho đúng, chỉ có hai ngón trỏ và cái, đang xiết chặt cổ rắn làm cho miệng ngoác rộng đỏ lòm, trông rõ hai bên nanh nhọn hoắt. Rồi, lại thoáng, đã thấy bàn tay phải của ông đưa ngọt một mũi dao lá lúa vào khoảng giữa bụng rắn. Máu rắn chưa kịp ứa ra, ông đã luồn một bọng mật xanh thẫm trông như một cái kẹo bạc hà xanh chưa bóc giấy bóng. Ông đặt chiếc mật rắn vào miệng đĩa men và nhìn chú Sếnh đứng chứng kiến im lặng. Chỉ thấy chú Sếnh gật, còn ông thả con hổ mang quằn quại, trườn vào một cái giỏ không, để ở đấy từ lúc nào.
- À! giỏ của ông tới gửi đợt rắn trước. - Tiền nói cho tôi đỡ thắc mắc - Chốc ông đổi giỏ, đem rắn đã bóc mật, bán thịt cho "cao lâu".
Đến lượt một con cạp nong, khoanh vàng, khoanh xanh, khoanh đen, bị lôi ra. Con này vùng vẫy kịch liệt, nhưng rồi cũng chịu lép. Ông đếm bảy đốt từ tay cầm, lách mũi dao vào, và chiếc bọng mật đã được lôi ra đặt bên cạnh chiếc thứ nhất.
Con thứ ba nhỏ hơn, xanh nâu, đầu thuôn, tôi nhận ngay ra "dân" rắn nước. Nhưng phải đủ "bộ ba" mật của ba loại rắn như vậy, chú Sếnh mới công nhận là đủ tiêu chuẩn cho một đơn vị thuốc "Tam xà đởm" gia truyền của hiệu chú.
- Người ta gọi "Tam xà đởm" là thứ thuốc ho có ba mật rắn. - Về nhà tôi được bố nói cho biết - Ba chiếc mật mà con nhìn thấy là một bộ. Bôi bộ mật và vỏ quýt phơi đã khô, sấy cong, tán ra, thành một thứ bột thuốc, trị bệnh ho. Đó là loại thuốc gia truyền của chú Sếnh đấy!
Có một điều tôi băn khoăn mãi dù thằng Tiên đã nói rõ ông nó không có bùa phép gì cả, chỉ có một cái lọ con đựng thuốc trị nọc rắn nếu chẳng may "nó" bập phải thì bôi vào ngay. Nhưng hiếm xảy chuyện gì với ông thằng Tiên.
- Ông tớ cứ nhắm đâu là trúng đó, tuy có lúc trong hang rắn lại chỉ có cua. Và ở lỗ cua lại tòi ra một chàng rắn to tổ bố! Nhưng có rắn thì đừng hòng con nào thoát!
Những ngày giá rét, rắn núp trong hang, ông đeo giỏ, giắt thêm ông điếu cày, ve vẩy một cái nùn rơm toả khói, men ruộng, tìm lỗ rắn. Rét căm căm, ông chỉ có một manh áo nâu, thắt phía ngoài áo một sợi dây chão.
Trời nóng nực vẫn giỏ, vẫn ống điếu và nùn rơm âm ỉ lửa, quần cộc, không áo, ông đi...
Tiên cũng hay theo ông, cũng "tóm" được rắn, có khi "vớ" phải một con dài cả sải tay, có ông giúp sức mới bắt được.
- Không khiếp à?
- Sợ mất mật ấy chứ! Rồi quen tuốt! - Nó nói ngon như không.
Nhưng, hôm đó, cách một thửa ruộng chỗ ông thằng Tiên bắt rắn, có cái Sem đi mò cua. Mẹ cái Sen mệt, nói thật, là sốt li bì, Sen phải đi bắt cua, kiếm tiền mua gạo nấu cháo. Nó nghỉ học mấy buổi rồi. Bọn tôi cũng định tới thăm mẹ cái Sen và giúp nó một việc gì đó như nhắc lại các bài học nó thiếu chẳng hạn. Ai ngờ, bọn tôi không đến nhà Sen để làm mấy việc như vậy mà chính là thăm nó bị ngã trẹo chân. Nhưng cũng phải thăm nó sau, chứ một việc khác xảy ra buồn thảm hơn lại do cái Sen gây nên chuyện.
Hôm đó, cái Sen đang chọc lỗ cua, vừa thò tay vào toan nhón một con cua đồng thì một con rắn hổ lửa ở chính cái lỗ cua đó vọt ra. Cái Sen kêu rú, bỏ chạy thục mạng.
Ông thằng Tiên ở khoảnh ruộng ngay gần bên, nghe tiếng rú của cái Sen, quay phắt lại và nhảy bổ tới. Ông đã nhìn thấy con hổ lửa đang quăng theo cái Sen. Chỉ cần ba sải chân, ông đã đuổi kịp con rắn độc. Nhưng chúng chính lúc ấy cái Sen ngã sóng xoài. Con rắn uốn lên sắp sửa chúc đầu xuống thì ông thằng Tiên chồm tới. Ông chộp ngang cổ rắn, nhưng do quá vội vàng để cứu cái Sen, ông vồ hụt. Con hổ lửa mổ trúng ngay bắp tay ông. Tuy bị rắn cắn, ông vẫn nhoài người, chịt bằng được cổ rắn, bóp chặt. Và ông còn kêu:
- Chạy... đi... cháu!
Cái Sen trật khớp chân, cố đứng lên lại bệt xuống. Nó lê ra xa hơn một chút thôi, và nhìn lại, nước mắt đầm đìa.
Ông thằng Tiên nằm sóng xoài trên đất ruộng, người tím tái, một tay vẫn giữ rịt cổ con rắn, cái đuôi rắn còn quật quật, vòng vèo...
Tôi còn lên tỉnh mấy lần nữa để mua thuốc ở cửa hiệu chú Sếnh cho bố tôi. Nhưng chặng đường mười lăm, mười sáu cây số ấy dường như dài gấp bao nhiêu lần, chỉ xách có mấy thang thuốc bắc mà sao trĩu cả tay.
Suốt chặng đường đi và về, lúc nào hình ảnh ông thằng Tiên và giỏ rắn nặng lặc lè cứ hiện rõ trước mắt tôi. Bây giờ muốn khiêng giỏ rắn ấy cũng không được nữa. Thằng Tiên không thích nối nghề ông.
Sau cái chết vì rắn cắn của ông, thằng Tiên biết chính ông nó là người bắt rắn cuối cùng ở cái xã miền trung du hẻo lánh.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 646

Return to top