Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mùa Xuân Cuộc Đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 414 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùa Xuân Cuộc Đời
Bồng Lai

Một hôm mẹ tôi kéo tôi vào lòng, áp má tôi vào bụng của Bà và hỏi: "Con có nghe thấy gì không?" Tôi chợt cảm thấy một cái gì đó nhỏ xíu đang động đậy. "Nghe thấy chưa con, em của con đó," bà nói tiếp. Ngạc nhiên tôi hỏi mẹ: "Làm sao em bé vào được trong bụng của mẹ vậy?" Ngập ngừng một thóang, rồi mẹ tôi trả lời: "Bởi vì mẹ ăn cơm nhiều con ạ." Tôi chấp nhận lời giải thích không hề mảy may nghi ngại ở lứa tuỗi mới vừa lên năm.
Từ bao giờ tôi đã hiểu "làm sao em bé vào được trong bụng của mẹ." Tất cả sự sống đều bắt nguồn từ "hạt bụi" kỳ diệu. Tôi ao ước một ngày nào đó tôi sẽ được làm mẹ. Xã hội Việt Nam làm mẹ đi đôi với làm vợ, nếu không thì đứa trẻ sẽ bị lôi vào một thế giới đầy tủi nhục. Nhưng tìm thấy đâu con người sẽ cho tôi hạt bụi. Thời gian cứ dần trôi, đôi khi tôi tưởng rằng cái cơ hội làm mẹ của tôi không thể xảy ra trong khoảng đời ngắn ngủi này của tôi.
Sau quãng đường dài gian truân, tôi đã tìm cho mình một "bóng mát" cuộc đời. Tôi đã lập gia đình. Đất trời ngập tràn yêu thương từ khi tôi biết mình đang mang đứa con đầu đời. Ôi giấc mơ xưa đã thành sự thật. Tôi sắp làm mẹ, còn cụm từ nào thân thương hơn, còn nỗi sung sướng nào bằng. Từng giờ, từng ngày tôi đếm trong mong đợi. Đến cuối tháng ba, hôm đó tuyết đổ xuống trắng xóa cả trời lẫn đất, cùng cái lạnh khủng khiếp của mùa đông của vùng Bắc Mỹ, tôi nán lại làm thêm hai giờ phụ trội. Có ai ngờ sức con người có hạn, tôi đã gục xuống bên chiếc máy vô tình hám đói ngấu nghiến đòi ăn.
Tôi tỉnh dậy, đầu bị may mấy mũi và người ta báo cho tôi biết rằng họ không đo được nhịp tim của con tôi. Thoạt đầu tôi nghĩ họ lầm lẫn, nhưng thật ra con tôi đã chết trong bụng của tôi tự bao giờ. Trên đường về nhà, tuyết trắng ngập lối, tôi ngỡ mình đang phiêu bạt ở một hoang địa xa xôi nào đó không chút hơi ấm tình người. Ngày hôm sau tôi phải đến bệnh viện để người ta lôi con tôi ra. Tôi oán giận thiên hạ, tôi căm ghét tôi đã không giữ nổi đứa con mà tôi hằng ước ao mong đợi.
Trải qua một thời gian dài thiếu thốn, căng thẳng thần kinh ở trại tỵ nạn cuối mùa-những ngày đầu ở xứ lạ "tứ cố vô thân"-lập gia đình với hai bàn tay không-mẹ già và lũ em thơ còn ở Việt Nam, tất cả đã cuốn tôi vào một con đường phải làm, làm trối chết để kiếm tiền. Tuy nhiên, mục đích tôi tìm đến xứ này đâu phải chỉ để hưởng thụ về vật chất, tôi muốn làm những điều mà ở quê hương không cho tôi thực hiện. Do đó, ở độ tuổi "bên kia đồi" tôi vẫn cắp sách đến trường. Vừa làm, vừa học, và vừa chuẩn bị làm mẹ. Điều này đã khiến con tôi khước từ quyền làm mẹ của tôi. Con người đâu thể giang hai tay mà ôm lấy tất cả những điều mình muốn, mà luôn có một sự đánh đổi nào đó. Cái giá mà tôi phải trả quá đắt, con tôi niềm mơ ước của tôi đã từ chối quyền làm mẹ của tôi.
Tất cả đã trở nên nhẹ tênh, vô nghĩa. Tôi nguyền rủa mình đã quá tham lam. Mặc dầu Bác sĩ giải thích, đó chẳng qua là một sự lựa chọn của tự nhiên để bảo vệ sự tồn tại của thế hệ tương lai được hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi vẫn thắc mắc tại sao là tôi. Phải chăng tôi đã làm gì sai trái để nhận lầy sự trừng phạt này. Tôi tin con người và linh hồn được hình thành ngay từ lúc hạt bụi được hợp noãn. Vậy thì linh hồn con tôi bây giờ đang ở nơi đâu? Còn phần xác tội tình chắc hẳn đã bị người ta quẳng vào thùng rác. Tôi muốn chôn cất hình hài con tôi nhưng lúc tôi tỉnh dậy thì quá muộn màng. Con ơi, cho dù con đã giận hờn mà bỏ mẹ, nhưng mẹ hoài nhớ đến con.
Tôi không biết mình còn có cơ hội làm mẹ nữa không. Đời còn có nghĩa lý gì, một khi đến và ra đi không lưu lại được một cái gì đó. Lời khẩn cầu hằng đêm của tôi đã được trả lời. Lần này tôi quẳng hết thảy, học hành, việc làm không một chút ngần ngại vương vấn. Tôi cũng chắt chiu từng giây phút, đếm từng ngày. Qua ba tháng đầu thử thách mọi điều suông sẻ. Tôi hân hoan nghĩ mình đã bước qua được "sự chọn lọc của tự nhiên," lòng khấp khởi vui mừng. Đến tháng thứ tư, sau khi thử alpha-fetoprotein (AFP), người ta phát hiện trong máu của tôi có lượng đạm cao. Điều này có nghĩa là con tôi có thể bị hở cột xương sống (spina-bifida). Đất trời chao đảo, ác nghiệt sao mãi giáng lên đầu tôi.
Tôi phải đi siêu âm để minh định dự đóan đó. Qua siêu âm, người ta không tìm thấy điều gí khác thường cả. Tôi được đề nghị tiến hành thêm một bước xét nghiệm nữa, là đồng ý để cho họ rút một ít dung dịch bao bọc quanh thai nhi (amniocentisis). Bởi vì "amniocenitisis test" có thể gây thương tổn cho thai nhi và hơn nữa, cho dù có phát hiện con tôi thật sự bị như vậy, không có phương cách chữa trị ngoài cách trục chết con tôi. Không, không bao giờ tôi chấp nhận như vậy. Từ lúc biết mình đang mang một mầm sống tôi đã thấy yêu thương ngút ngàn. Không có một thứ ngôn ngữ nào có thể lột tả được niềm hạnh phúc dấy lên ở cái giây phút đầu tiên cảm nhận sự di động của thai nhi như ngày nào mẹ tôi đã cho tôi cơ hội chia xẻ với mẹ niềm vui chứa chan đó. Nay tôi lại có dịp nhìn thấy con trai tôi trên màn hình siêu âm, cái tình thương đó dâng lên biết bao nhiêu mà kể. Tôi nỡ lòng nào đồng ý để người ta tướt đoạt con của tôi một lần nữa. Sau khi thảo luận cùng chồng, chúng tôi quyết định không chấp nhận bất cứ một thử nghiệm nào thêm. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận một đứa con tật nguyền.
Những ngày chờ đợi sau đó, tôi sống trong tâm trạng vô cùng căng thẳng. Tôi không biết giải pháp mình đã chọn đúng hay sai. Mang một đứa trẻ vào đời với phế tật có phải là việc nên làm. Tôi có ích kỷ lắm không, chỉ muốn mình được làm mẹ mà không quan tâm đến số phận của một đứa con tàn tật sau này.
Vào phòng sinh với tâm trí rối bời, hỗn mang. Vật vã hơn mười tiếng đồng hồ chuyển bụng. Thế mà cuối cùng vẫn phải bị mổ. Lúc vừa hồi tỉnh, tôi nghe chồng tôi nói, "con của chúng mình kháu khỉnh, hoàn toàn khoẻ mạnh." Vẫn còn ảnh hưởng của thuốc mê, thần trí vật vờ, tôi chưa hiểu hết ý của chồng. Nhưng khi người ta đặt con tôi bên cạnh, tôi chợt bừng tỉnh. Tôi có cảm tưởng như mình đang mắc nghẹn. Bao nhiêu đớn đau về thể xác lẫn tinh thần đều vụt biến, chỉ còn lại niềm hạnh phúc và kiêu hãnh. Cuối cùng thì tôi cũng đã được làm mẹ và làm mẹ một đứa con trai khỏe mạnh. Đây là ấn tượng mãnh liệt nhất và cũng là niềm tự hào nhất trong đời tôi, tôi đã làm mẹ.
Không có một niềm vui nào có thể sánh được với niềm vui đã sản sinh ra được một con người. Tôi nuôi con bằng chính dòng sữa của mình. Nhìn thấy con tăng trưởng lòng tôi reo vui. Mọi khoảng trống trong mọi ngỏ ngách trong tâm hồn tôi đã ngập đầy thương yêu. Suốt mấy tháng đầu tiên vợ chồng tôi không yên giấc, sật sừ thiếu ngủ, bận bịu túi bụi vẫn không làm chúng tôi bớt vui. Chỉ cần con tôi khỏe mạnh đó là một phần thưởng lớn cho chúng tôi rồi.
Vẫn còn bị ám ảnh, tôi sợ con tôi rồi sẽ tan biến đi. Tôi ghiền con, ôm giữ suốt ngày đêm. Cái nôi để không, tôi không dám để con tôi ra khỏi vòng tay của tôi. Tôi thích cái hơi ấm từ tấm hình hài nhỏ bé mà tôi đã tạo ra. Cho đến bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên rằng mình mà có thể lập một kỳ công, tạo ra con người.
Có lẽ khó mà hiểu được tấm lòng người mẹ nếu không làm mẹ. Mẹ nào cũng thương con cả. Tuy nhiên, tình thương đó phải được thể hiện cụ thể qua hành động. Tôi không muốn mang tâm tưởng rằng tôi thương con chỉ vì nó là con của tôi, mà tôi muốn con tôi hiểu rằng mẹ nó cũng tự hào về nó trong tư cách của một con người. Con tôi may mắn được sinh ra trong một xã hội tự do, vật chất dư thừa, nhưng thiếu cơ hội gần với nguồn cội dân tộc. Tôi không biết con tôi sẽ ra sao, ngày mai.
Tôi hy vọng nỗi khát khao mong đợi được làm mẹ ngày nào sẽ hổ trợ tinh thần cho tôi, nếu như con tôi không trở thành người như tôi mong mỏi. Tôi sẽ cố gắng làm người đưa đường sáng suốt. Bởi vì tôi tin rằng gia đình là yếu tố đầu tiên dẫn dắt một con người đi tới.
Đây là một giai đoạn hạnh phúc nhất, một mùa xuân của cuộc đời, được làm vợ, làm mẹ, được học hành trau giồi trí tuệ. Tiền bạc không thể nào mua được những gì mà tôi đang có. Đầu xuân tôi không mong ước gì hơn là được sự bình an cho gia đình tôi, cho những người chung quanh tôi.
Viết xong, Xuân 1996
Bây chừ thì con tôi đã được sáu tuổi, đã đến trường. Tôi không phải là một người mẹ hiền hòa dịu dàng, nhiều lúc tôi đâm ghét tôi khan. Vừa nghiêm khắc, vừa hay quát nạt khi dạy con. Mặc dù con tôi hai tuổi rưỡi đã biết hết 26 mẫu tự, ba tuổi đã biết đọc tuy là không hiểu hết nghĩa. Đến nay thì đã đạt hai giải thưởng về vẽ. Làm toán cọng có nhớ, trừ mượn, và nhân hai con. Nếu tôi tiếp tục dạy không bao lâu con tôi sẽ đi tới tóan học cao cấp. Nhưng tôi không muốn con đánh mất tuổi thơ, hãy vui với các bạn trang lứa. Có lẽ cái chất mà ông Bác sĩ dự đoán là con tôi sẽ không bình thường là cái chất tạo cho con tôi có được một đầu óc tuyệt vời và một trái tim dạt dào tình người. Sau khi mắng chửi con nhiều lần, tôi cảm thấy mình thật chẳng xứng làm mẹ. Tôi biết tôi thương con đứt ruột, nhưng cái tánh của tôi sao kỳ cục quá. Tôi hỏi con tôi:"Cứ mỗi lần mẹ la con mẹ rất mệt (ý tôi muốn nói là khi la con thì tôi tức giận vô cớ và lại ân hận,) nên từ nay con cố gắng đừng để mẹ mắng con nữa nghe con." Con tôi liền ôm tôi và trả lời :"Mẹ đừng la con nữa mẹ sẽ mệt, mẹ đánh con đi, con sẽ không đau đâu và con sẽ không khóc làm cho mẹ buồn." Rồi con tôi cầm lấy tay tôi vỗ vào mông xương xẩu của nó rồi vừa nhe răng cười vừa nói tiếp "Đó mẹ thấy chưa, con không khóc đâu." Ngày xưa tôi có nghe câu chuyện, có một người con mẹ đánh không khóc, một hôm mẹ anh ta đánh, anh ta khóc. Mẹ lấy làm ngạc nhiên hỏi tại sao, thì anh con trả lời vì biết mẹ đã già tay yếu đánh anh không còn đau như trước nên anh khóc vì đau xót cho mẹ già. Tôi không tin, bởi vì mỗi lần bị đòn tôi đã rất oán ghét Ba má tôi. Tôi khóc lên vì xấu hổ lẫn hạnh phúc. Tôi không ngờ tôi quá diễm phúc như vậy, tôi cần phải tự dạy bản thân tôi trước. Tôi hứa sẽ thay đổi cách dạy con. Con ơi hãy tha thứ cho mẹ, nghe con.

Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 319

Return to top