Nhung ngả lưng trên tấm nệm dầy khoảng ba tấc là ít, nàng duỗi hết tuổi mười bảy của mình trên những tiện nghi thừa thãi dành cho một cô gái được cưng chiều. Trong phòng bày biện vừa sang trọng vừa trang nhã. Hai bức tranh treo tường sao lại kiệt tác của hai danh họa Leona de Vinci và Van Gogh. Bức tranh vẽ một phụ nữ cười hết sức bí hiểm và bức tranh vẽ một người đàn ông tự cắt lỗ tai mình. Phía đầu giường nằm là một bình hoa bằng thủy tinh loại đắt tiền, chỉ cắm một loại hoa duy nhất nàng yêu thích: Hoa huệ trắng. Chiếc đàn dương cầm nằm ở một góc sát bàn học nơi Nhung có thể trổ tài nghệ điệu luyện của mình qua những ngón tay ngà lướt phím, nếu nàng cảm thấy sách vở quá chán nản. Rồi bồn tắm nước nóng nước lạnh. Rồi gương lược. Rồi tủ cẩm lai treo quần áo. Rồi…nàng thở dài.
Nhung quá mệt mỏi trong mùa hè này, nàng dự định thi vào trường Nhạc nhưng quyền lực của gia đình dặn rằng hãy cứ việc nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi đối với con gái cưng một tổng giám đốc là đi du lịch khắp nơi cho khuây khỏa đầu óc và cho biết. Biết được vị trí của mình trong xã hội và biết mình sinh ra là lá ngọc cành vàng. Phải vậy không Nhung? Như bây giờ nàng đang duỗi dài cơ thể trên một chiếc giường nệm dày ba tấc là ít ở Vũng Tàu, trong phòng riêng ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình nàng, tự biết mình trống rỗng, cô độc, nhớ bạn bè và thèm ăn những trái ổi chuyền tay trong lớp học. Mùi hoa huệ thơm ngát, lý do gì Nhung yêu nó, không thể giải thích được, nàng đã ghiền mùi thơm của hoa huệ trắng từ nhỏ khi đi ngang qua các nhà thờ, cho dù gia đình nàng theo đạo Phật. Phải chăng huệ trắng là từ bi như Ðức Mẹ, quyến rũ chất tinh khiết trẻ thơ trong tâm hồn nàng, hoa huệ làm dịu lòng bao nhiêu thì hai bức tranh treo tường lại làm nàng bực mình bấy nhiêu. Hỡi Mona Lisa, bà không thể có thái độ rõ ràng hơn được sao, hoặc cười hoặc không cười, và hỡi ông họa sĩ bậc thầy Van Gogh kia, tại sao ông lại cố tình hành hạ mình như thế?
Làm sao Nhung biết tường tận ý nghĩa thiên hạ được, bởi vì nàng là Công chúa. Công chúa thì không bao giờ đói bánh mì và sữa, nàng chỉ đói truyện cổ tích mà thôi. Cha mẹ và các ông anh chẳng qua là Bảy Chú Lùn có nhiệm vụ bảo vệ săn sóc nàng, còn anh chàng Hoàng tử ở đâu vậy? Này cô Phù Thủy Len hung dữ của tôi ơi, cô đang ở đâu, hãy đến cho tôi một trái táo tẩm thuốc độc để tôi nằm mơ đợi chàng. Tôi tồn tại nhờ sự huyền diệu. Thử hỏi không có sự huyền diệu thì cuộc đời này đáng chán biết chừng nào.
Có tiếng gõ cửa phòng. Không chờ Nhung ra mở, cánh cửa đã tự động hé ra. Một người phụ nữ đầy uy lực bước vào, chỉ có mẹ mới gan như vậy. Bà quý tộc do một ngôi sao nào đó chiếu mạng hay vì là vợ một ông tổng giám đốc, chỉ có trời mới biết. Riêng bà biết bà là gì.
- Nhung ơi, thay đồ tắm biển con. Biển đẹp lắm, ít sóng và không có cờ đen.
- Thôi mà mẹ, cho con nghỉ một chút đi, con lại thích nhiều sóng hơn.
Người đàn bà vẫn ngọt ngào:
- Ôi! Công chúa của mẹ, chắc con còn giận thằng anh con chứ gì?
Nhung quay đầu úp mặt xuống gối.
- Hơi đâu mà căm thù ảnh, con đâu lạ gì tính anh Hai, ảnh chỉ biết có tiền.
Nàng xoà năm ngón tay ra.
- Ngón cái là đô-la, ngón trỏ là xe hơi, ngón giữa là các cô gái, ngón áp út là nhảy nhót, nhưng còn ngón út thì coi chừng. Nó sẽ phản lại ảnh. Mẹ cứ nói con là ngón út của anh đó.
Người đà bà bắt đầu thấy khó chịu.
- Mẹ cho rằng tuy nó có lỗi khi ép xe bạn gái con, nhưng rõ ràng nó đâu biết mặt con Tơ Lụa nào đó, còn thằng đạp xích lô gốc gác cỡ nào mà lên mặt làm anh hùng, cha con nói đám bình dân bây giờ lộn xộn lắm, tụi nó hay yêu sách này nọ liên tục, thằng xích lô này thuộc loại tầng lớp đó chứ sao?
Ðến lược Nhung khó chịu, nàng bịt hai vành tai lại.
- Con khuyên mẹ xuống tắm trước đi, biết vậy chẳng thèm kể cho mẹ nghe chuyện hư đốn của anh Hai, lát nữa con sẽ xuống.
Người đàn bà ngần ngừ, bà thương Nhung biết chừng nào, nhưng rõ ràng cha mẹ sinh con trời sinh tính, nó muốn tách lìa khỏi bà, đâu có được, uống nước phải nhớ nguồn nghe Công chúa, bà ngồi xuống giường hôn lên trán con.
- Thì mẹ chìu con đấy, mẹ và các anh con tắm biển trước, chịu không? Con nhớ ghé bãi riêng của gia đình mình nghe, độc quyền của cha con đó.
Nhung ậm ừ để người đàn bà không nói nữa. Nàng cười buồn bã khi thấy mẹ mình đóng cửa lại. Bãi tắm mà cũng độc quyền ư, cho dù chỉ là một góc Vũng Tàu? Trời Phật ạ, làm gì mà vương tước đến thế, điều đó chỉ càng làm nàng bị bạn bè xa lánh hơn.
Nhung mở toang cửa sổ và nằm suốt bốn tiếng ngó buổi chiều. Trong vòng bốn tiếng núi đá đang xanh bỗng tím sầm lại. Gió lùa vào khoảng không lồng lộng chẳng bức vách nhân tạo nào ngăn được. Tiếng gió rít lên như tiếng nói, hanh khô, sắc gọn, rát bỏng. Vũng Tàu không phải là bãi biển đẹp trong tâm hồn Nhung, dẫu cho dân thành phố xuống đây như đi hội chợ, dù hoa đủ màu, ghế nằm đủ sắc. Bởi Vũng Tàu có vẻ đô thị quá, nó như một bãi biển nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Chẳng phải vậy sao, cũng những khuôn mặt phì nhiều vì mỡ ấy, cũng xe cộ bảng xanh bảng trắng ấy, cũng những lon bia sủi bọt, cái nhìn dục vọng đỏ gay, chỉ khác với thành phố là ở đây thoải mái cởi áo quần ra, còn ở Sài Gòn thì liệu hồn: phạt vi cảnh ngay đấy.
Một luồn không khí mát tràn đến, sắp mưa phải không, sao trái tim Nhung toàn hơi nước? Hẳn là mưa đến nơi rồi. Nếu có mưa thì mình tắm, Nhung tươi hẳn lên và rời khỏi giường. Nàng chọn bộ áo tắm màu đen lạ mắt.
2.
Ra đến trước ngoài bãi, nàng mới biết mình dại dột. Nước da Nhung trắng như bông, thân thể nhún nhảy trong động tác chạy như một con sơn dương đang khiêu vũ, đôi vú mới lớn đã qua rồi cái thời kỳ “quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân” để biến thành sự sống tròn trịa toàn con người nàng toát ra sự mời mọc. Chỉ trừ đôi mắt, đôi mắt trong veo cổ tích lạc lõng trong cái dáng của một cô đào xin-nê.
Công chúa băng mình xuống bãi tắm riêng biệt quen thuộc, ở đó cả gia đình nàng đang nằm dài phơi nắng trên những chiếc ghế xếp trang trí đầy hoa văn.
- Cuối cùng con gái mình cũng nhập cuộc.
Người đàng bà dụi đầu bào một người đàn ông trung niên nói nhỏ, họ có vẻ hài lòng. Tiếng của một thanh niên:
- Con bạn mày kháu thật, Nhung ơi.
Công chúa bĩu môi không thèm trả lời gã thanh niên từng bị ăn hai cái tát bất ngờ, nàng lao mình vào nước mặn, nước mặn như nước mắt nàng tiên cá, nơi có thể làm cho nàng quên đi những phiền toái tầm thường. Nhung bơi càng lúc càng xa, bởi vì mưa không rớt như nàng dự tính, nàng quyết định làm cho thân thể mình thật lạnh thay cho những giọt mưa. Bạch Tuyết ngày xưa đâu có được tự do bơi ngoài biển, Công chúa suốt đời chỉ ngủ trong rừng. Trong rừng dễ có ma lắm nếu thiếu một chàng Hoàng tử. Nhưng cũng dễ gặp cá mập ở biển lắm nếu thiếu một người che chở. Ai vậy hỡi ông trời xa lắc? Tôi đang bơi như con bướm đây sau khi tôi bơi như con ếch như con rắn, tôi bơi ba kiểu để trở thành con người quý tộc. Tôi sẽ không bơi ngửa ở biển vì như thế xấu lắm, con gái chỉ có thể khoe nhan sắc mình cho một người con trai duy nhất, mười bảy tuổi tôi chưa hình dung được chàng Adam đời mình, tôi còn phải thi vào trường Nhạc nữa ông trời ạ.
Nhung lặn một hơi vào bờ, nàng rất ngạc nhiên khi gặp một thanh niên lạ hoắc đang ung dung ngồi chơi đàn giữa vòng vây gia đình mình. Một bài hát lời Việt qua giọng trầm ấm áp của anh ta, nhưng nàng biết chắc đó là bài Serenata của Toricelli “lắng trầm tiếng chiều ngân, nhạc dặt dìu ái ân...”
Khoác chiếc khăn lông trắng vào người cho đỡ trần trụi, Nhung gieo mình xuống chiếc ghế dựa, khoảng cách từ ghế đến gia đình nàng chừng mười thước. Nàng muốn tận hưởng buổi chiều ở biển thật yên tĩnh. Nhưng biển không cho nàng yên, biển rắc nhạc vào tâm hồn nàng. Hết sóng, rồi gió, rồi tiếng guitare. Khúc hoà âm tuyệt đẹp. Vì ở dưới chiều gió nên dù không muốn nghe, tiếng hát anh chàng lạ hoắc vẫn vọng đến “đã quên hết sầu chưa, tình này là gió mưa, người ơi...”. Tiếng hát chấm dứt và anh ta đứng dậy tiến về phía Nhung trong ánh mắt đồng ý của mẹ nàng. Giọng nói của anh ta hơi khàn, anh chàng có lẽ đã uống nhiều rượu.
- Tại sao cô ghét tôi?
- Tôi không nghĩ gì hết?
Thấy bên cạnh còn chiếc ghế trống. Nhung tỏ thái độ lịch sự.
- Mời anh ngồi.
- Cảm ơn cô.
Chàng trai ngồi xuống.
- Tôi là bạn học của anh Hai cô, tôi tên là Ðế.
- Cái gì? Anh tên Ðế à?
Nhung cười ngặt nghẽo:
- Thảo nào miệng anh toàn mùi rượu.
Ðúng lúc đó, ba thanh niên bước qua, họ đều là anh trai Nhung, họ vỗ vai người bạn học cũ.
- Nguyễn Hoàng Ðế là một nhạc sĩ nổi tiếng, em chưa nghe bao giờ sao?
Mặt người nhạc sĩ đỏ ửng, anh ta ấp úng:
- Xin các bạn đừng giới thiệu tôi như vậy.
Vô ích, người anh lớn nhất, kẻ đỏm dáng nhất trong ba người anh, kẻ suýt gây tai nạn cho Lụa như được bắt trớn, hắn huyên thuyên:
- Ðế là thằng bạn đa tài của tụi tao, sáng tác nhạc, tự hát và biểu diễn, chơi được đủ loại nhạc cụ, rất hợp với năng khiếu Piano của mày. Chưa đủ, còn độc thân và có một gia tài khổng lồ do bà nội để lại. Ðúng không Nguyễn Hoàng Ðế?
Tội nghiệp chàng bạn học bất đắc dĩ, chàng co rúm như con tôm trước cuộc tấn công sỗ sàng và chớp nhoáng này. Cũng may cuộc chiến tranh thực dụng bằng ngôn ngữ đã chấm dứt.
- Thôi anh Hai, anh Ba, anh Tư về trước, em nói chuyện với bạn anh xem sao, hắn đang cô đơn vì biển đấy.
“Ừ, các anh cút hết đi” Nhung định hét lên như vậy nhưng nàng dằn xuống được. Hãy liếc về cha mẹ nàng, họ đang dụi đầu vào nhau, họ đang biểu diễn một quan điểm ngoại giao đầy tinh tế hãy làm quen với chàng nhạc sĩ lừng danh nầy đi, người lớn đã nghiên cứu rồi, không thể nào trật được, có tài có tiền có khuôn mặt hiền từ một cách khả ái, không bao giờ lỗ đâu, lý lịch cha mẹ đã nắm, đường tiến thân có đồ thị rõ ràng, hãy can đảm lên con gái cưng.
Ðược rồi, Nhung sẽ can đảm ngay, nàng nói:
- Tôi có nghe một số bài hát của anh, cũng tạm được.
- Ðó là do tôi viết trong lúc chưa quá chén.
A, anh chàng cũng khá lém lỉnh, khác hẳn bộ mặt đưa đám lúc nãy, ít ra phải có chút nam tính chứ.
- Anh đi đến đây bằng gì, đi từ lúc nào, cớ sao lại là bạn đám anh đáng ghét của tôi, cha mẹ tôi cớ sao biết anh, và anh muốn gì khi định làm quen với tôi?
Ðế tuyệt vọng đứng dậy, chàng lặng lẽ trở lại chỗ xuất phát, có lẽ định xin lỗi cha mẹ Nhung chăng, ồ không, chàng cầm lấy cây guitare và ngồi bệt xuống cát, gần như bên cạnh Nhung. Sự trả lời được cất lên không bằng cái lưỡi mà bằng nhạc. Âm nhạc bao vây người con gái giữa biển, lúc bi thết lúc nồng nàn, âm nhạc đọc được hết những âm mưu ngỗ nghịch của Nhung, những mơ ước mới lớn và phác thảo chân dung chàng Hoàng tử của nàng Bạch Tuyết. Nhung mở lớn hai mắt, những giọt lệ xúc động muốn ứa ra, không, không phải anh là Hoàng tử của tôi, dù anh hiểu tôi đến tận cùng như vậy, anh xa lạ với lối sống gia đình tôi hoàn toàn, nhưng anh vẫn có thể đùa và thân mật với nó, anh như một nhà tiên tri nhưng không như một Hoàng tử, anh thiếu một con ngựa, một bó cung tên, một thanh gươm thi sĩ, anh chỉ có những cây đàn, điều đó chưa đủ để đánh thức giấc mơ tôi.
Nhung ôm lấy mặt khi Ðế vừa ngưng đàn. Những ngón tay duỗi ra rã rời tưởng có thể bật máu, chàng nói như độc thoại:
- Tôi biết mặc em từ lúc em mới sáu tuổi, rồi mười một, mười hai, mười ba... và sau đó thì quên mất. Tôi không lại nhà em nữa để đi lang thang như một tên lảng tử bô-hê-miêng, thực tế như một tên Kissinger, tham vọng như một tên Hitler chơi nhạc. Không ai ngờ được em lớn nhanh như thế. Tôi đã tự lái xe đến đây, đi trên biển một mình rồi sững sờ nhìn thấy một pho tượng Hy Lạp trôi trên biển. Tôi có quan tâm gì những tiếng kêu thân mật của những bạn cũ của tôi, tôi tự hành hạ mình bằng một bài của Toricelli muộn màng. Pho tượng đã bị sóng đẩy vào bờ và đang sống động như nữ thần trên chiếc ghế. Trời ơi, nếu tôi còng tiếp tục đến nhà em những năm sau đó, thì có lẽ hôm nay chúng ta sẽ chẳng xa lạ cùng nhau. Em hôm nay đã có những ước mơ khác, nhưng đối với tôi không hề gì, tôi quen sống bằng đam mê và bệnh hoạn, tôi không định đầu độc em đâu, bởi vì tôi không thiếu phụ nữ vây quanh mình. Nhưng họ chẳng bao giờ bóp được trái tim tôi, chỉ riêng mình tôi bóp nó chết. Em có thể kích động tôi bóp nó chết được không, tôi chưa thể đoán trước được... Như một kẻ lên đồng sau khi xuất hồn trở về đời sống thực, Ðế thở nặng nhọc, sinh vật Pascal trong chàng mong manh quá, Nhung cảm thấy ái ngại.
- Anh làm sao hợp với cha mẹ và anh Hai em được?
- Có thể họ xấu...
Chàng nói:
- ... Nhưng đã có một thời họ tốt, hồi đó gia đình em còn nghèo, tôi chỉ cần có thế, đã có một thời tôi với anh Hai, anh Ba em gắn bó với nhau, ngay cả lúc chơi bi da và lúc uống cà phê thiếu nợ. Bây giờ gia đìnhem đầy quyền lực và tôi cũng đầy tiếng tăm, nhưng tôi vẫn là tôi muôn đời, tôi là tôi lúc ăn mày cũng như lúc thừa kế gia tài một bà già ích kỷ mà anh Hai em đoán là đồ sộ.
- Anh sử dụng tiền đó như thế nào?
- Thế nào ư?
Chàng móc trong túi một xấp giấy 50.000 đồng ra và định đốt nhưng Nhung kịp ngăn lại, cái bật lữa gaz đã không làm tròn trách nhiệm của nó .
- Thế đó!
Chàng hỏi:
- Tôi có bịnh hoạn không em?
Tự nhiên Nhung cúi đầu xuống, đây là cảm xúc xảy ra lần thứ hai sau khi nghe Ðế chơi đàn. Nàng chán làm công chúa lắm rồi, tạm thời là lúc này.
- Tại sao anh không mời em đi đâu?
Chỉ chờ có vậy, Ðế tiến lại cha nàng:
- Cháu xin phép đưa cô bé đi dạo thành phố, khoảng nửa tiếng thôi.
Quay qua người đàn bà, chàng trân trọng.
- Bác giữ giùm cháu cây đàn, đôi khi bác phải trở thành thiếu nữ một chút với bác trai chứ!
Người đàn ông mập béo cười ha hả, ông tự mãn xoa đầu chàng nhạc sĩ, rồi sau đó khoác vai người đàn bà, họ đi ngược lại hướng hai người tuổi trẻ, họ cần về biệt thự để xoa bóp lưng nhau.
3.
- Em lại sang trọng như công chúa.
Khi hai người ngồi xuống ghế, chàng nói trước. Cái quán ăn nằm khuất sau những ngọn phi lao, ấm cúng và kín đáo nhờ những chụp đèn lạ mắt, nhạc tương đối chọn lọc và quan trọng hơn hết là không có du đảng. Những cặp tình nhân qua một ngày hứng biển đã bắt đầu phơi sương. Ðêm xuống lẹ làng như sóc.
- Anh nói đúng, hồi nãy em làm con người một cách thứ dân, con người dưới đáy. Anh hiểu em như một đứa bạn gái em.
- Cô ấy tên gì?
- Lụa.
- Còn em?
- Nhung.
Chàng xoa tay.
- Nhung và Lụa, các loại vải đắt tiền.
- Không, bạn em rất nghèo.
Ðế không nói gì nữa, chàng im lặng, chàng muốn được làm tri âm của Nhung đêm nay, chàng sẽ ngồi im lặng như vậy mãi nếu Nhung cũng im lặng. Nhưng Nhung không im lặng:
- Anh nghĩ sao về Vũng Tàu?
- Tôi không ưa nó, tôi chỉ ưa biển mà là biển không có người. Biển Duyên Hải chẳng hạn, nó như một cô gái trinh bạch, còn Vũng Tàu bị tha hoá như môt mụ nạ dòng. Em hiểu nạ dòng là gì không, là người đàn bà ái tình sành sỏi, nó đón đủ loại đàn ông vào lòng. Hư quá. Cũng may còn có em, tôi nói thật, tôi cầu cứu đến biển trong một phút yếu lòng ở Sài Gòn. Ai ngờ cái bãi biển ô hợp lại tặng một nàng thánh nữ cho tôi. Tôi nói có quá lời không?
Nhung bình tĩnh, nàng đã qua cơn choáng váng đột ngột.
- Anh không nói quá lời bởi vì anh đang quá chén, phải chưa?
Lần này thì Ðế cười, chàng cũng đã qua cơn mặc cảm thất bại của kẻ đi chinh phục. Như sực nhớ điều gì, chàng lục soát trong túi áo.
- Hãy cầm lấy tấm giấy này, tôi muốn gặp lại em qua một người bạn trai độc đáo.
- Cái gì vậy?
Nhung đưa mắt nhìn qua nội dung. Một hàng chữ vỏn vẹn “Tao sẽ đọc thơ ở nhà văn hoá, quyết định này đối với tao rất bất ngờ. Nhớ đến, Vũ Vương”. Phía dưới là ngày, giờ và một ký hiệu gì coi bụi đời hết sức. Nhung đưa mảnh giấy lại cho người nhạc sĩ.
- Em giữ làm gì bút tích của bạn anh. Em sẽ ghi ngày, giờ và nhận lời đến.
Ðế hoan hỉ ra mặt, chàng bộc lộ tất cả niềm vui của mình.
- Cảm ơn em vô cùng, em biết không, đây là một nhà thơ cực kỳ giang hồ.
- Có giang hồ giống cây đàn của anh không?
Ðế cau mặt.
- Em đã hiểu sai về bạn anh, nó “đàn ông” hơn anh nhiều, muốn là làm, làm không được thì làm lại, không công danh, không địa vị, không tham vọng, nó muốn và nó đau đớn.
- Anh cũng gần như vậy.
- Khác chứ, anh có tiền, còn nó chỉ có đời. Hai cái chưa biết cái nào thắng. Nhưng anh và nó đều thiếu một thứ là... tình nhân loại.
- Ðược rồi, em sẽ đến.
Nhung nói lúc nàng đứng lên.
Họ chia tay ngay trước cửa ngôi biệt thự, cây đàn của chàng nhạc sĩ đã bị bỏ quên như lời của một bài hát. Chàng thì thầm:
- Anh chính là Chú Lùn.
Nhung như muốn ngất xỉu, không lẽ những gì đùa nghịch bằng tưởng tượng giữa nàng và Len đã trở thàng sự thật sao, phải một lúc lâu lắm nàng mới nói được, nàng nói như rên rỉ:
- Ðừng đùa với em. Nguyễn Hoàng Ðế, anh cao lớn như vầy mà...
- Không, anh không đùa, anh còn hai người bạn trai nữa, Thi sĩ là một, Hoàng tử là hai, tụi nó đều cao một mét tám mươi, tụi nó đều gọi anh là Chú Lùn.
- Trời ơi!
Thi sĩ thì chắc là Vũ Vương rồi, còn Hoàng tử, gã là ai vậy?
Chú Lùn bóp chặt bàn tay nàng rồi biến mất trong bóng tối. Nỗi nghi ngờ của Nhung chưa có dịp chấm dứt. Nàng định bước vào phòng riêng thì bị tò mò bởi một giọng đàn ông lạ, một giọng của một kẻ lớn tuổi mà có vẻ quen thuộc.
- Tôi định nói với anh chuyện này anh Bảy!
Ðúng là tiếng chú Tám, Nhung suýt reo lên và tự bụm miệng mình lại.
- Chuyện làm ăn ra sao chú Tám?
Tiếng của cha nàng:
- Tao chỉ có mỗi mày là ruột thịt, nhưng tao không yên tâm chút nào. Cái chi nhánh du lịch tao giao cho chú mày làm ăn ra sao?
- Thì tôi định nói với anh mà anh cứ ngắt lời, tôi sẽ phát triển nó thêm ở Ðà Lạt, tôi xuống Vũng Tàu gặp anh là vì vậy.
Giọng người đàn ông tên Tám nhỏ dần:
- Tôi mới tuyển hai nhân viên nữ “chiến” lắm. Ðứa hai mươi đứa mười bảy.
- Nữa, cũng cái tật đó. Bỏ bớt đi chú Tám, nếu chú còn muốn kinh doanh.
- Thì kinh doanh là phải vậy chứ sao anh Bảy, một đứa rất bảnh chỉ bằng tuổi con Nhung nhà này, nó có vẻ bất cần đời.
- Ai lại sử dụng đứa bất cần đời.
- Bậy, nó có học lại giỏi sinh ngữ tên là Leng Keng gì đó, tôi chỉ tiếc cái con bé kia...
- Cái gì nữa, tuyển đủ hai cô mà.
- Ừ, nhưng cái con bé mặc áo dài trắng bỏ về còn hay hơn nữa, nó như Claudia Cardinal...
Tiếng cha Nhung cười phá lên:
- Ðồ thứ già mất nết, ngủ đi, sớm mai bàn.
N Nhung chặn trái tim mình cho bớt đập. Tại sao có một cô bé nào tên Leng Keng gì đó phải đi xin việc? Còn lâu Phù Thủy mới giở đến trò này, nhưng biết đâu đó, Phù Thủy có bao giờ ghé thăm nhà cô đâu, thôi đừng nghỉ bậy bạ nữa. Nhung ơi, chắc là một sự trùng tên ngẫu nhiên, giờ này hẳn Phù Thủy đang phóng Cub như bay trên đường phố, đừng tìm kiếm người mợ vô vọng nữa. Chú Lùn của nhà ngươi đang ở trong giấc mơ ta đêm nay. Và Công chúa ngủ dễ dàng như một đứa trẻ con no sữa, nàng mơ thấy mình là một cành hoa huệ trắng muốt.