Một vụ bắt cóc
Khuyết Danh
Thế giới hiện đại trở thành một thế giới vật dụng. Chúng ta bị vật dụng bao quanh. Không còn là vật dụng để sống nữa mà là những phương tiện thực dụng, tiện nghi, nhanh chóng, dễ thực hiện. Chúng thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng cũng thay đổi tội ác và sự điên khùng của một số người.
Một chiếc máy điện thoại chẳng hạn. Một vật màu đen trên bàn giấy bác sỹ Enjo Limiti ở Niu Oóc. Một vật dụng thường dùng, cần thiết, mang lại những tin tức, thông báo nhưng cũng có thể trở thành một vật dụng của lo âu, đưa tới bất hạnh.
Tất cả phụ thuộc vào người đầu dây bên kia. Vô danh.
- Alô! Bác sỹ Limiti?
Một tiếng nói nhanh của đàn ông, chỉ chờ tiếng "Vâng" của bác sỹ.
- Ông đừng bỏ máy.
Enjo Limiti là bác sỹ gây mê. Sau buổi làm việc, đã tám giờ tối, giờ mà ở Niu Oóc những người đàn ông tạm thời sống một mình như ông đang tự hỏi nên đặt một chiếc bánh Pitda qua điện thoại hoặc ra nhà hàng hoặc nữa hâm nóng lại món ăn trong tủ lạnh?
Bà Limiti sáng nay lên máy bay đi Chicago thăm mẹ, cô giúp việc đưa con trai họ, Jiji, năm tuổi đến nhà ông anh vợ. Enjo ở nhà một mình. Ông là người Mỹ gốc ý, khoảng bốn mươi tuổi, tóc muối tiêu, răng trắng, da ngăm và má lõm. Một người chồng và người bố không có vấn đề gì quá đáng.
Qua điện thoại, ông nghe tiếng người đàn ông nói và hơi lánh sang bên cạnh:
- Nói đi... bố cháu đấy.
Ống nghe chuyển tay nắm và bác sỹ nghe tiếng nói nhỏ, rõ ràng của con ông:
- Alô! Bố? Con chào bố...
Cách nói trước của người lạ: "Ông đừng bỏ máy" bỗng làm ông bố xanh mắt.
- Jiji đấy à? Con ở đâu thế?
- Bố nghe con nói chứ?
Điện thoại đối với một đứa trẻ năm tuổi thời nay là một vật dụng quen thuộc và Jiji, cũng như những em bé cùng tuổi, đã biết sử dụng dễ dàng miễn người ta gọi giúp.
- Con chào bố... bố nghe con nói chứ?
- Ờ, bố đang nghe. Jiji, con trả lời bố đi, con ở đâu?
Ống nghe lại chuyển tay, giọng người đàn ông, bình tĩnh, lạnh lùng, hơi kéo dài, lại nói:
- Bác sỹ, ông đừng lo. Trong lúc này, con trai ông đang ở chỗ chúng tôi, trong tay những người tử tế...
Một chút yên lặng để nhấn mạnh ý tứ "những người tử tế".
- Cháu sẽ được nhanh chóng trả lại cho ông nếu ông làm theo bài yêu cầu của chúng tôi.
Bác sỹ Limiti đã hiểu. Một vụ bắt cóc. Điều này luôn xảy ra với người khác, bây giờ đến với ông. Ông đã hiểu nhưng chưa phân tích kỹ.
Sự kinh ngạc, lo lắng, nghi ngờ lẫn lộn trong đầu óc ông. Không tiếng nói nào thốt ra khỏi miệng ông.
- Alô! Ông vẫn ở đấy chứ, bác sỹ?
- Vâng, tôi vẫn đây... Tôi vẫn đây, tôi nghe.
- Tốt. Này ông, hiện nay ông Braixơ Hamintơn đang nằm trong bệnh viện ông chứ?
- Vâng.
- Ngày mai ông ấy được mổ phải không?
- Vâng.
- Ông làm thế nào cho ông ấy chết và con trai ông sẽ được trả về.
Một tiếng kịch, mấy giây yên lặng rồi bác sỹ nghe tiếng rền của máy. Người ta đã bỏ máy không thêm chi tiết gì khác. Trước yêu cầu đột ngột và điên rồ đó, Enjo Limiti sau một lúc mới bỏ ống nghe và máy móc nhìn vào chiếc máy đen như nó có thể cho ông biết rõ hơn. Tiếng gọi đó từ đâu đến? Người đàn ông là ai? Con trai ông ở đâu?... Than ôi, những đồ vật không có linh hồn và hạn chế trong chức năng. Chiếc máy điện thoại đen chuyển lời, thế thôi.
Bác sỹ như bị sét đánh. Rồi một tràng lời rủa làm ông giãn ra một tí. Trong một lúc ông gắng tin vào một chuyện đùa: chuyện đùa ngu ngốc, tàn khốc. Nhưng tôi tay ông nhớp nháp, một cục nổi lên trong bụng ông. Người ông râm ran, đầu óc ông lại hiểu rõ: không phải là ột chuyện đùa. Người ta không đòi tiền chỉ buộc ông giết một bệnh nhân, Braixơ Hamintơn. Tại sao lại bệnh nhân này? Làm sao người ta dám sử dụng một đứa bé năm tuổi để buộc gây ra một vụ án mạng? Người nào gọi đó? Một kẻ điên chăng?
Và làm thế nào? Người ta là thế nào trong những trường hợp này? Gọi cảnh sát chăng? Không, phải xác định lại đã. Phải điện thoại cho ông anh vợ đã. Ông này có hai đứa con trai suốt đời dán mắt vào vô tuyến truyền hình và phim ảnh, chúng có thể đã sáng tạo ra chuyện đùa bỡn này... Nhưng ông không nhận ra giọng nói của chúng.
Enjo Limiti còn ngần ngại mấy giây trước cái vật dụng đen để lấy lại bình tĩnh thì tiếng chuông điện thoại làm ông giật mình. Ông vội vàng nhấc ống nghe:
- Ai đấy?
- Bác sỹ Limiti?
- Chính tôi, vâng, vâng...
Ông nhận ra giọng nói lạnh lùng, hơi kéo dài.
- Xin lỗi, vì chúng tôi phải thay đổi chờ gọi. Nhưng tôi không có gì nói thêm. Tôi đã nói rõ rồi chứ?
Nhiều ý nghĩ quay cuồng trong đầu bác sỹ. Phải nói gì đây? Nên hành động ra sao? Giữ bình tĩnh hay làm toáng lên? Đe doạ hay cầu xin?
- Ông nghe tôi nói chứ bác sỹ?
- Vâng, tôi đang nghe. Ông là ai?
Có tiếng cười trong máy.
- Đừng dại dột, bác sỹ. Và đừng bận tâm biết tôi là ai. Ông chỉ nên làm theo điều người ta yêu cầu ông. Đối với ông dễ thôi. Rất dễ. Ngày mai, Braixơ Hamintơn phải phẫu thuật một tiểu mạch bị tắc... Ông thấy đấy, tôi biết sẽ chẩn đoán... Chính ông là người gây mê. Ông ta không được... tỉnh dậy nữa. Dễ, đơn giản thôi. Và thế là xong.
Bác sỹ Limiti tìm cách nhận ra giọng nói, hình dung ra một khuôn mặt hay một tên người nhưng vô vọng. Điều người ta đòi hỏi ông thật ngớ ngẩn. Giọng nói hoàn toàn xa lạ đối với ông. Người kia thậm chí không làm biến đổi giọng bằng cách nói qua một chiếc khắn hay bịt mũi lại.
- Chỉ có vậy thôi, bác sỹ Limiti.
- Điều ông đòi hỏi không làm được! Tôi không thể.
Tiếng nói kéo dài ra vẻ nhân nghĩa, bóng gió:
- Chắc chắn ông có thể... Hoàn toàn làm được. Loại sự cố đó hàng ngày vẫn xảy ra, đúng không?
- Ông nghe này, nếu là một trò đùa bỡn... thì thật vô nghĩa. Ông muốn tôi nói điều gì? Ông là nhà báo? Tôi, tôi không biết... chuyện này kỳ cục lắm, người ta không buộc một bác sỹ giết chết bệnh nhân!
- Có thể đấy. Nếu có trong tay một đứa trẻ. Và không phải đùa bỡn đâu, thưa bác sỹ. Việc vừa xảy ra không đầy một giờ. Người giúp việc của ông dẫn con trai ông đến nhà bác. Một... cho là "cộng tác viên nữ" đón đường, xưng là người hầu mới của anh vợ ông. Và con trai ông ngoan ngoãn đi theo chúng tôi. Chúng tôi hứa đưa cháu đi xem một sưu tập về đồ chơi người máy, con trai ông rất thích loại đó. Tôi bảo cháu sẽ có một đồ chơi thật đẹp, siêu hạng... nếu bố cháu làm theo yêu cầu của người ta...
- Ông hoàn toàn điên rồi! Đây là một vụ bắt cóc trẻ em! Ông có biết sẽ có nguy cơ như thế nào không?
- Tôi ấy à? Chẳng sao cả. Chính Braixơ Hamintơn, ngày mai phải chết trên bàn mổ. Sáng mai, chóng lắm bác sỹ ạ.
- Không thể được, những cộng sự theo dõi sự gây mê, người làm phẫu thuật cũng thế...
- Ông biết rõ nghề nghiệp của ông để tìm được cách hành động mà cộng sự không nhận biết được.
- Và sau đó? Sẽ có một cuộc điều tra, bao giờ cũng phải làm về trường hợp tử vong sau phẫu thuật.
- Thì sao? Một biến cố... tệ nhất là một lỗi lầm về nghề nghiệp... tất nhiên hơi phiền cho ông, nhưng phải lựa chọn thôi. Ông yêu nghề nghiệp của mình hay con minh hơn?
- Ông thật quái gở và hoàn toàn điên rồ!
- Nếu ngày mai Braixơ Hamintơn còn sống sót sau ca mổ, ông sẽ không thấy con trai ông nữa, bác sỹ... bé Jiji của ông... Hết đời Jiji... Không còn Jiji nữa... Ông hiểu chứ?
Enjo Limiti tìm một lập luận mà không ra. Ông có thể nói gì hơn với kẻ điên này?
- Bác sỹ hiểu chứ? Nói tôi nghe xem...
- Hiểu rồi.
Trong ngôi nhà vắng lặng, lại một tiếng kich dội vào tai bác sỹ. Lại im lặng và tiếng máy rền ngốc nghếch...
Ống nghe điện thoại trong tay, Enjo Limiti nhắm mắt lại bất lực, thất vọng, giận dữ. Ông muốn lấy lại sự tự chủ, bình tĩnh suy nghĩ. Làm cách nào đây? Cảnh sát chăng? Làm thế nào họ tìm được con trai ông ở đâu đó trong thành phố từ bây giờ đến sáng mai? Niu Oóc sáng trưng ban đêm, khu rừng bao la đáng sợ đã nuốt chửng Jiji. Jiji bé bỏng trong tay một kẻ điên. Phải tranh thủ thời gian với bọn điên. Phải gọi cho ai đó nhưng chưa phải lúc báo cảnh sát. Ai? Đu, bệnh viện trưởng. Phải nói chuyện ngay với ông ấy để tìm ra một ý. Nhưng không được để Jiji gặp nguy hiểm...
Cầm máy trong tay, bác sỹ Limiti bây giờ suy nghĩ rất nhanh... tranh thủ thời gian là lối thoát trước mắt.
Tiếng máy vẫn rền. Bác sỹ bỏ máy, hai giây đủ để gọi số máy ông Đu. Chuông lại reo lên.
- Alô bác sỹ? Ông gọi điện thoại... như vậy thiếu thông minh. Ai đó cũng thế, ông sẽ gọi lại để nói chuyện đó trừ sự thật... Đồng ý chứ? Không được nói với ai cả... Bản thân ông đã hiểu điều đó, đúng không? Tôi quên nói cụ thể với ông như vậy.
- Nhưng tôi có gọi ai đâu... Tôi quên bỏ máy thôi...
- Tôi mong thế. Rồi chúng ta sẽ xem. Ông nên biết tôi được thông báo từng giờ, tôi sẽ biết rõ mọi cử chỉ của ông.
Giọng nói kéo dài sắp bỏ máy, bác sỹ cảm thấy vậy, rất sợ. Mất liên lạc, có lẽ ông để tuột một dịp may.
- Chờ đã... đừng bỏ máy vội... hoặc gọi lại cho tôi ngay...
Nếu người kia sợ bị phát hiện, nếu mỗi lần muốn thay đỏi chỗ gọi, anh ta phải nhìn đồng hồ. Và thế là dại dột vì Enjo Limiti không đủ thì giờ báo cảnh sát, và nếu ông làm việc đó trong mấy phút thì khoog bàn máy nào bố trí được nhanh như vậy. Người ấy có vẻ là một kẻ bắt cóc chuyên nghiệp.
Giọng nói lạnh lùng và kéo dài, hơi kiêu kỳ chấp nhận:
- Chúng ta có thể nói thêm mấy giây...
- Ông bảo được thông báo, vậy ông phải biết là phẫu thuật của Braixơ Hamintơn không nhất thiết là ngày mai.
- Ông nói gì lạ vậy? Phòng mổ đã được chuẩn bị và nhân viên đã được triệu tập!
- Đúng, nhưng tôi sợ tất cả những xét nghiệm chưa xong. Tôi chỉ chắc chắn vào hai mươi giờ, bác sỹ phẫu thuật phải gọi tôi.
- Bác sỹ... nếu ông muốn tranh thủ thời gian thì vụng về đấy...
- Tôi cam đoan là không. Chúng tôi đôi khi gặp loại vấn đề đó...
- Ông có thể gặp nguy cơ lớn đấy, bác sỹ. Tôi sẽ hỏi xem!
Tiếng kịch, im lặng, tiếng máy rền... lần này bác sỹ Limiti không để mất một giây. Ngón tay ông lướt nhanh trên phím:
- Đu? Alô! Anh Đu? Tôi đây, Enjo. Anh nghe cho, phẫu thuật sáng ngày mai, giải phẫu tiểu mạch... nhất định phải hoãn lại.
- Có việc gì xảy ra vậy?
- Tôi xin anh, đừng hỏi nữa. Đây là vấn đề sống chết... nhất là đừng nói với ai cả... Không, không tôi không thể nói gì với anh, Đu... Tôi sẽ giải thích cho anh sau. Anh báo trước cho bệnh viện ngay bây giờ, quyết định có vẻ như là do một mình anh. Nhờ anh làm thế vì tôi, Đu, tôi van anh, tôi bỏ máy đây... Được chứ?
- Được.
- Cám ơn.
Kịch. Trán đẫm mồ hôi, Enjo Limiti bấm chiếc máy đen. Vật dụng đáng nguyền rủa, đồ quỷ sứ. Nó trở thành vật ám ảnh đối với ông. Phải nhanh chóng, chiếc máy thô bỉ này phải theo lời ông, tìm những người ông cần tìm.
- Alô! Tôi muốn nói chuyện với trung uý Giung, Alexăng Giung, rất gấp, bác sỹ Limiti đang gọi.
Giung... ông mới quen biết mấy năm nay, trong một vụ điều tra ở bệnh viện ông đi cùng cảnh sát trưởng. Một loại người lạnh lùng, lịch thiệp, đầu hói, lịch sự, khá giàu... có những nguồn thu hơi mờ ám, tính thô lỗ thường gây khó chịu.
Enjo Limiti và vợ gọi ông là "con người thối tha". Lúc đầu họ không thích ông. Enjo thường nói "con người thối tha làm việc này" hoặc "Con người thối tha nói thế này..." và rồi họ kết bạn với ông. Cuối cùng, "con người thối tha" không đến nỗi nào. Ông là người cảnh sát hết mình, láu lỉnh, đa nghi và nhanh nhạy. Nghề nghiệp từ máu thịt. Tính thô lỗ của ông đôi khi kỳ cục, tàn ác nhưng thường chính xác. Và đêm nay "con người thối tha" có thể giúp được ông. Bạn bè có thể cầu cứu nhau.
- Alexăng? Enjo Limiti đây...
"Con người thối tha vừa rời khỏi những khoái cảm của một bữa tiệc xã giao thời thượng, ở đó ông nghe một kẻ vô lại trở thành nhà văn nói dông dài và một bà tỷ phú đã già bảo trợ văn nghệ. Ông ngạc nhiên vì giọng nói của bác sỹ.
- Có điều gì vậy? Người ta cho là anh vừa bước trên cung trăng.
- Alexăng, tôi phải gặp anh ngay bây giờ. Đừng để mất một giây. Không gặp ở nhà anh hay ở nhà tôi. Anh biết địa chỉ ông anh vợ tôi chứ?
- Có. Không có thì giờ nói trước à?
- Không. Đề nghị anh... Chúng ta chỉ có mười lăm phút, tối đa là nửa giờ.
- Tôi đến ngay.
Kịch. Máy điện thoại trở lại im lặng. Vật dụng không hồn. Nhưng luôn luôn đe doạ. Phải bỏ nó, vắng mặt đi để hành động. Và thật kinh hãi đối với người bố phải cắt đứt sợi dây liên lạc duy nhất với con mình.
Enjo Limiti lấy nhanh chiếc áo khoác và chạy xuống nhà xe. Ngôi nhà càng trống vắng hơn, có đủ những đồ vật đang chờ. Những đồ chơi của Jiji trong phòng, chiếc giường, người máy trên tủ. Chiếc áo choàng nhỏ bé trong phòng tắm, màu xanh, có thêu một con thỏ.
Và chiếc máy điện thoại đen, câm lặng trên bàn giấy.
Đang chờ giờ gọi.
Bác sỹ đến nhà anh vợ trước viên trung uý hai phút. Ông này nghe trình bày, chăm chú, không hỏi lại. Rồi ông nhận xét: Tôi khâm phục sự tỉnh táo của anh. Thực vậy, tranh thủ thời gian là vấn đề quan trọng nhất.
- Tôi làm như quyết định hoãn ca phẫu thuật là do Đu, dó chính ban giám đốc bệnh viện nhưng tôi có cảm giác kẻ bắt cóc biết được những gì xảy ra trong bệnh viện.
- Có thể nó làm ở đấy chăng?
- Không có vẻ là bác sỹ, y tá cũng không. Theo tôi nó không thuộc trong hàng ngũ cán bộ bệnh viện nhưng được một người ở đó cho biết tin.
- Thông tin quý giá đấy. Có gì nữa không?
- Chẳng có gì cả ngoài ý nghĩ tên ấy điên.
- Mọi kẻ bắt cóc đều hơi điên. Nó không nói vì sao lại muốn để Hamintơn chết?
- Tôi không nghĩ đến hỏi nó điều đó. Ngốc thật.
- Có lẽ nó không trả lời đâu nhưng nếu nó gọi lại, và nó sẽ gọi lại thôi, anh cố gắng khai thác điều đó. Tất nhiên giữ chân nó lại càng lâu càng tốt.
- Không được đâu. Nó thay đổi chỗ gọi. Nó đã gọi ba lần và mỗi lần không quá hai phút.
- Cứ thử xem, đôi khi chỉ một giây mà phát hiện được chỗ gọi hoặc ít nhất xác định được một khi vực. Tôi, tôi đi xem phiếu nhân viên bệnh viện.
- Nếu anh không tìm được gì thì sao?
- Lại phải hoãn ca phẫu thuật.
- Không thể cứ lùi mãi được... Nêu ra lý do gì? Nhất là đối với người bệnh, với nhân viên?
- Phải tìm ra một lý do bác sỹ ạ... bất cứ điều gì, nếu cần đến phút chót anh bị tai nạn ô tô chẳng hạn, được chứ?
- Được.
- Anh về nhà đi.
New York ban đêm. Hàng tỷ ngọn đèn chiếu sáng, hàng tỷ vùng bóng tối. Jiji đang ở đâu đó. Xe bác sỹ Limiti về lại nhà xe. Ông lên thang máy bước ra hành lang, mở cửa căn nhà vắng lặng có chiếc máy điện thoại đen. Câm lặng.
Ông thức suốt đêm. Đen tối, câm lặng và đờ đẫn.
Do nhìn mãi vật dụng ngốc nghếch ấy, Enjo đâm bệnh vì nó. Một ý nghĩ muốn đập vỡ nó, nghiền ra thành từng mảnh nhỏ. Phá huỷ biểu tượng lo âu đó. Chưa bao giờ ông có thể nhìn một chiếc máy điện thoại theo cách đó.
Trước đến nay ông chưa bao giờ nhìn ngắm một chiếc điện thoại. Ông sử dụng nó, ít nhiều khinh thị nó.
Và thế là vật dụng này có quyền im lặng hoặc lên tiếng. Quyền sống và chết. Chiếc hộp kỳ cục, nhãn hiệu cầu kỳ, sơn đen. Nó ngự trị trong lúc này, nó thật quan trọng.
Nó im lặng đến mười giờ ba giờ rưỡi ngày hôm sau.
- Bác sỹ Limiti?
Giọng nói kéo dài, luôn bình tĩnh, lạnh lùng.
- Ca phẫu thuật không được tiến hành...
- Không, tôi đã báo trước với ông. Chiều hôm qua bác sỹ phẫu thuật đã hủy bỏ.
- Vì sao?
- Ông ấy cần một máy kiểm tra, hôm trước chưa có, và...
Giọng nói hằn học ngắt lời bác sỹ:
- Tôi không thích như vậy và đừng nói nhiều. Tôi biết ca mổ hoãn lại đến mai. Tô hy vọng sẽ được thực hiện. Vì ông, vì Jiji... nếu không hết đời Jiji. Không còn Jiji nữa...
Kịch.
Suốt một buổi chiều. Suốt một đêm trước chiếc máy, ngoài tiếng kịch ấy không còn gì nữa.
Sáng thứ ba, bảy giờ. Trong căn nhà vắng lặng, một bữa ăn đồ hộp trong bếp. Một chiếc giường mà bác sỹ không kéo tấm phủ. Ông ngủ được một ít, từng lúc trên chiếc ghế bọc da dài gần chiếc bàn thấp mà ông đã đặt chiếc điện thoại đen.
Enjo Limiti đau ở cổ, ở lưng, đôi chân tê bại. Ông bận quần áo, với chiếc túi da, mở cửa, xuống thang máy, ra nhà xe lên xe và khởi động. Tất cả những việc đó đều máy móc, ông sử dụng những đồ vật mà không thấy gì. Ông lái xe đi, dừng lại trước một cửa hàng, đi bộ qua đường mua thuốc lá, châm một điếu, qua đường trở lại và một chiếc xe máy hãm phanh chậm trước người, ông ngã xuống. Người ta đưa ông về nhà, đặt nằm lên ghế dài. Một vết bong gân không quan trọng lắm. Ông nằm trước chiếc điện thoại đen.
Buổi sáng còn lại trong im lặng đen tối. Cả buổi chiều. Và buổi tối. Với chiếc băng ngu ngốc từ khuỷu đến bàn tay.
Sáng thứ tư, tám giờ.
- Bác sỹ Limiti... tôi để con trai ông nói chuyện với ông.
- Alô! Bố? Bố có nghe con nói không thưa bố? Jiji đây, bố...
- Bố nghe đây, con trai của bố... con thế nào? Khoẻ chứ?
Giọng nói hơi khàn của bác sỹ Limiti cố gắng không làm đứa bé lo sợ.
- Con rất khoẻ, thưa bố... Con buồn lắm... Ông ấy bảo bố phải làm điều ông ấy yêu cầu. Ông ấy nói đây là lần cuối cùng. Bố vẫn nghe chứ bố?Ống nói thay sang tay người khác trước khi bác sỹ có thể trả lời con mình. Giọng nói kéo dài đe doạ:
- Đây là lần cuối cùng. Tôi không tin vào tai nạn của ông. Ông coi chừng, nếu ngày mai Braixơ Hamintơn chết, sẽ tìm thấy Jiji đâu đó vào buổi trưa. Nhưng nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc ông ta sống sót, ông sẽ tìm thấy Jiji ở một đoạn sông nào đó. Tôi không gọi nữa đâu.
Kịch.
Vật dụng đen trở thành vô ích. Bác sỹ Enjo Limiti không còn thời hạn nữa. Bệnh viện đặt kế hoạch mổ vào sáng mai. Ông phải nghỉ ngơi, ngủ, tự chủ, thư giãn. Ngày mai sẽ là ngày khó khăn nhất trong đời ông. Dài nhất, ngày mà ông sẽ không bao giờ quên. Tiếng nói nhỏ nhẹ của Jiji còn vang trong tai ông: "Ông ấy nói đây là lần cuối cùng, bố vẫn nghe chứ, bố?".
- Anh đấy à, anh yêu?
Vợ ông từ Chicago gọi về. Bà chẳng biết gì cả. Chiếc máy điện thoại tệ hại lại xen vào cuộc sống con người.
- Mọi việc tốt đẹp chứ anh? Đêm qua khuya quá em không kịp gọi về... Jiji thế nào?
- Tốt, mọi việc đều tốt... Em yêu, tha lỗi cho anh, sáng nay muộn quá...
- Chắc chắn yên ổn chứ? Anh có vẻ bị cảm à?
- Tí thôi, không có gì nghiêm trọng... Em này, anh có công việc rất bận cho đến tối mai... và đêm nay phải trực thay...
- Có gì nữa không?
- Tối mai gọi lại, đồng ý chứ? Anh phải đi ngay...
Kịch.
Tối mai gọi lại. Cuộc đời tối mai sẽ ra sao?
Bác sỹ Limiti uống một viên thuốc, một cốc nước.
Ông nằm dài ra. Phải bình tĩnh cho đến sáng mai...
Và sáng mai cũng vậy. Ông lặp lại trong đầu những cử chỉ, các loại thuốc. Ông phải thành công. Mọi việc phải hoàn hảo. Một trò chơi nguy hiểm.
Sáng thứ năm, tám giờ.
Braixơ Hamintơn được khiêng trên cáng tới phòng mổ. Bác sỹ Enjo Limiti, áo blu xanh, mũ xanh, đo huyết áp của bệnh nhân. Ba điện cực nối từ điện tâm đồ để sẵn từ hôm trước, một cắm vào lưng bệnh nhân, hai trên ngực. Mọi việc đã sẵn sàng. Bác sỹ phẫu thuật đang chờ, hai tay giơ ra phía người bệnh, trong những chiếc găng cao su mỏng đến mức thấy cả lông đốt ngón tay. Những người trợ lý im lặng. Bác sỹ gây mê bắt tay vào việc chính xác, bình tĩnh và nhanh nhẹn.
Bệnh nhân đã ngấm thuốc thiếp đi. Ông Braixơ Hamintơn này là ai?
Người ta nói ông rất giàu, có khách sạn gần như khắp nơi trong nước, nhưng ở đây mọi người chẳng ai quan tâm. Đây chỉ là một người đàn ông béo, lắm lông, da trắng trên một thân hình rừng, lực lưỡng. Một người phải phẫu thuật vì hẹp van tim, thế thôi. Một vấn đề về kỹ thuật và hiệu quả.
Trong phòng mổ im lặng, người ta chỉ nghe tiếng máy móc, dụng cụ va chạm nhau. Những dụng cụ của y học tiến bộ. Đỉnh cao của sự nghiên cứu.
Enjo Limiti cầm chiếc ống tiêm ven cho vào một chiếc mặt nạ Oxy, thêm oxit nitơ, thêm phluyôtan, nổi mặt nạ với máy gây mê bằng một ống cao su đen và mềm. Ông cầm một ống tiêm khác đầy chất gây mê. ống tiêm là một vật đáng lo, một vật sống chết.
Bác sỹ Limiti đưa kim tiêm vào cùng mạch máu dùng cho mặt nạ oxy. Ông tiêm thuốc. Hiệu quả cảm thấy gần như tức khác. Bệnh nhân ngừng thở. Gân cốt bại liệt. Người gây mê mở miệng người bệnh đưa sâu vào cuống họng một ống thở. Ông dùng ống nghe kiểm tra lại vị trí ống rồi nối với ống cao su đen, mềm, sau khi lấy mặt nạ đi. Ông lùi ra.
- Bây giờ đến lượt anh... - Ông nói với bác sỹ phẫu thuật.
Công việc của ông không đến năm phút.
Phẫu thuật viên làm việc và người gây mê thường xuyên kiểm tra dụng cụ. Trí óc tập trung, không nghĩ đến những gì không liên quan trực tiếp đến công việc mình. Mọi việc tiến hành tốt. Ca mổ xong, trưởng ca phẫu thuật vươn vai, lùi ra, để người trợ lý thứ nhất may lại vết mổ ở ngực. Rồi ông đi ra.
Trong hành lang, Alexăng Giung, viên trung uý "thối tha" nói đơn giản:
- Vẫn chưa thấy gì. Cần thêm nửa ngày nữa.
Trong phòng mổ bỗng nhiên tim bệnh nhân bắt đầu có biến chứng. Tiếng nhịp đập bình thường, đều đặn chuyển thành một tiếng yếu ớt, kéo rê. Trên màn hình có một vạch ngang kéo dài. Tim ngừng đập.
Cả kíp mổ bắt tay ngay vào việc. Bác sỹ Limiti đặt ngay một máy rung điện, trợ lý làm một số động tác ban đầu. Người Braixơ co giật một lần, hai lần rồi thôi. Người ta chờ. Làm lại. Lại tác động, lại chờ. Không có gì. Vẫn và luôn luôn không có gì.
- Không thở nữa! - Một trợ lý nói.
Bác sỹ Limiti tiêm một mũi khác, thử một phương pháp hồi sức khác. Không có gì.
Sau đó ông vươn đôi vai mệt mỏi trong chiếc áo blu xanh, mặt ông xanh tái, thở ra. Ông thông báo:
- Ông ấy chết rồi.
Các trợ lý sửng sốt, y tá lùi lại trước thân hình bất động đó. Enjo Limiti giọng thất vọng, khàn khàn đề nghị:
- Một người đi báo với nhà xác đi.
Một giờ sau, khoảng mười hai giờ rưỡi trưa, trong tiếng ồn ào của một đường phố New York, một chiếc tắc xi đang chờ gần ga tàu điện ngầm, có một người đàn ông bận áo mưa, tóc dài và ướt át đến hỏi thuê. Ông ta đeo kính đen, nhìn không rõ mặt, đặt một em bé trai năm tuổi ngồi vào ghế sau xe. Đứa trẻ ôm một đồ chơi người máy rất lớn, đỏ rực. Người đàn ông đưa tiền cho lái xe. Anh này hỏi:
- Tôi đưa cháu đến chỗ nào?
- Địa chỉ có trong mảnh giấy.
Và người bạn áo mưa biến ngay xuống thang tàu điện ngầm.
Đứa trẻ cười với lái xe, anh ta đang xem địa chỉ và đếm tiền.
- Chú thấy đồ chơi của cháu chứ, đẹp không?
Ngày thứ năm. Mười bảy giờ.
Bác sỹ Enjo Limiti nhìn con trai mình, Jiji đang chơi với người máy của nó... Nó có vẻ không đau ốm gì trong lúc bị giữ. Ông kia giữ nó trong lúc mẹ nó đang Chicago. Bây giờ không nên làm nó chấn động vì những câu hỏi. Dù nó có tả chính xác được kẻ bắt cóc thì cảnh sát cũng không cần đến nó nữa.
Trung uý Giung "người thối tha" cùng người của ông đã tìm được căn nhà của Phrăng Nin. Một anh chàng có giọng nói kéo dài, tóc nhớp nháp và quá dài. Con hoang của Braixơ Hamintơn không được thừa nhận, bị bệnh tâm thần, nhiều lần bị giam giữ, anh ta căm thù bố mình. Một mối thù cô đọng lại từ khi mẹ anh ta tự tử, mối thù anh không thú nhận với người em khác mẹ là Mari, y tá trong bệnh viện. Cô thật thà thông báo với anh tình hình bệnh nhân: chẩn đoán, phẫu thuật... hàng ngày hàng giờ.
Sau ca mổ, cô đi tìm người anh để cùng ăn tối như đã thoả thuận.
Mari - con hợp pháp, thương hại người anh con hoang.
Cô đoán biết ám ảnh làm day dứt anh nhưng không nghĩ anh đi xa đến vậy. Như vậy, cô báo với Phrăng Nin:
- Chúc anh được an tâm. Bố chết rồi.
Phrăng đứng ngay dậy, đi giải phóng Jiji bị nhốt trong một căn gác xép trên mái tầng nhà.
"Người thối tha" tuyên bố với anh:
- Bố anh chưa chết, đồ rác rưởi. Nhưng anh không phải con nên anh đánh ông ta, phải không? Người ta đã dành cho anh một phòng giam đẹp... êm ả lắm... rồi anh xem.
Ngay chiều hôm đó, trước mặt các nhà báo, bác sỹ Enjo Limiti tuyên bố như sau:
- Sau phẫu thuật, đợi khâu vết mổ xong, tôi tiêm cho bệnh nhân một mũi thuốc là tê liệt. Ông ta bề ngoài xem ra ngừng thở. Tôi rút điện cực ở lưng ông ra. Không ai thấy gì. Đây là lúc nguy cơ của tôi. Điện tâm đồ vạch thẳng như quả tim đã ngừng đập. Sau đó tôi áp dụng một kỹ thuật gọi là "ADO" bơm oxy trong lúc ngừng thở: nếu đưa oxy vào bằng sức ép đủ mạnh, nó sẽ vào dòng máu qua phổi, dù phổi không hô hấp. Có nghĩa là bề ngoài bệnh nhân không hoạt động gì. Nhìn bề ngoài là thế nhưng tim vẫn đập và máu chứa oxy vẫn cung cấp cho não. Chỉ còn chờ bệnh nhân tỉnh lại. Chúng tôi cách ly ông ấy cho đến khi con trai tôi được thả ra. Những việc làm này chỉ làm được với sự giúp đỡ của trung uý Giung. Ông ấy cần có thời gian để xác định người báo tin cho kẻ bắt cóc ở ngoài.
Chấm dứt cơn ác mộng.
Bà mẹ gọi từ Chicago, sợ hãi, được bình tâm lại. Căng thẳng thần kinh bà chồng chất vào chiếc điện thoại đen hàng lô câu hỏi về Jiji.
Jiji đang ngủ với đồ chơi người máy của nó.