Mười hai bến nước
Lê Phúc Lữ
Con nhỏ đó tên là Mây, và hai bạn gái của nó cũng tên là Mây, nên để phân biệt tôi gọi nó là Mây "lang thang". Ở thành phố biển này rất ít trẻ bụi đời lang thang vờ kiếm sống nhưng thực chất là để xin "đểu", ăn cắp hoặc cướp giật như ở một số thành phố khác. Mây "lang thang" thực sự có một nghề để kiếm sống, đó là đi bán báo rong và bán vé số.
Lần đầu tôi gặp Mây ở vườn hoa trung tâm thành phố. Mây trạc tuổi trăng tròn, có thể nhận biết rõ ràng nó mới ở nông thôn vào thành phố kiếm sống.
Nhìn kỹ một chút thì đó là một thiếu nữ khá xinh đẹp, còn mang chút hương đồng gió nội.
Lần đầu gặp tôi, con Mây niềm nở mời chào:
- Chào chú! Chú mua giúp con tờ báo.
Tôi cũng vui vẻ đón nhận:
- Để chú xem nào - Tôi lật qua cả xấp báo của nó rồi đưa cho nó hai ngàn đồng mà không lấy tờ nào.
- Sao vậy hả chú? Ít ra chú cũng phải chọn lấy một tờ báo con mới dám lấy tiền của chú.
- Ơ hay con bé này, chú cho con mà. Không chỉ hôm nay thôi, ngày nào cũng vậy, vào giờ này chú gặp con ở đây chỉ xem qua thôi và sẽ cho con hai ngàn đồng.
Con Mây vui vẻ nhận lấy cả xấp báo rồi lặng lẽ ngồi vào ghế đá bên cạnh tôi. Tôi vờ lơ đãng nhìn dòng người hối hả trên đường phố nhưng thật ra chú ý quan sát nó. Nó có một cái dáng vẻ học đòi trang điểm chứ không giống những đứa trẻ bán báo khác. Từ mái tóc thề của nó tỏa ra mùi thơm của một loại nước hoa rẻ tiền. Nó đánh môi đỏ, má hồng, may thay là nó chưa sơn đỏ các móng tay, móng chân ...
Tôi có kinh nghiệm rằng, thường thì những đứa con gái sớm trang điểm dễ sa vào số phận đào hoa và bất hạnh. Tôi tin rằng con Mây này trước sau cũng vậy thôi.
Cái Mây vui vẻ cầm hai ngàn đồng tôi cho nó. Nó cảm ơn tôi rồi lại cắp xấp báo lang thang trên đường phố. Có lần con Mây băn khoăn và mạnh dạn hỏi tôi: "Chú ơi, sao chú kỳ vậy? Chú chẳng cần xem bất cứ tờ báo nào mà cứ mất tiền hoài với con…".
- Ơ hay con bé này! Chú muốn giúp con mà. À! Mây này, chú hỏi thật con nhé! Thế ba má con đâu mà con lang thang đi bán báo thế này?
Cái Mây không trả lời tôi ngay, nó táp cả xấp báo vào ngực và lặng lẽ cúi xuống! Cái mũ lưỡi trai trên đầu đã che kín nửa khuôn mặt của nó. Giá tôi nhìn được vào mắt nó, ắt là tôi cũng đoán ra tâm trạng của nó lúc này. Tôi thấy cái Mây sụt sùi khóc. Tôi để mặc cho nó khóc vì chắc rằng nước mắt sẽ làm cho nó vơi đi nỗi buồn tủi. Lát sau cái Mây chậm rãi kể:
- Chú ơi! Con khổ tâm lắm! Con đâu muốn đi bán báo như thế này, nhưng con chưa tìm được việc nào khác mà con thì rất cần có tiền. Ba má con đã ly hôn, ba con lấy vợ khác và đã có con; má con cũng đi lấy chồng nhưng con không chịu ở với dượng, con về quê ở với bà ngoại. Ngoại của con năm nay đã ngoài bảy mươi, không làm được gì nữa. Con ra thành phố bán báo và cố gắng mỗi tháng gửi về cho ngoại một trăm ngàn đồng. Dẫu chẳng đủ nuôi ngoại nhưng ngoại có thêm quà.
Tôi phàn nàn:
- Nhưng con cứ lang thang bán báo như thế này, chú e không đủ sống chứ đừng nói đến có tiền gửi về quê cho ngoại.
- Con cũng sắp thôi bán báo rồi chú ạ. Con có con bạn ở Nha Trang rủ con vào đó bán hàng cho quán giải khát ở bãi biển, mỗi tháng cũng có dư đến triệu đồng.
Tôi vội can ngăn:
- Sao con dễ tin bạn thế. Làm gì có chuyện bà chủ quán trả con tiền công cao như vậy. Chú thừa biết rằng phần lớn các chủ quán chỉ nuôi ăn ba bữa, còn thảng hoặc cho thêm vài ba trăm ngàn đồng là cùng. Con đừng ngây thơ, cả tin làm vậy.
- Chú ơi! Sao chú thực thà thế! Tiền công thì đúng là như vậy, nhưng tiền khách cho thêm là chủ yếu. Con bạn con nó kể rằng có hôm khách rủ nó đi chơi ngoài bãi biển rồi cho nó tới vài trăm ngàn đồng, nhưng khi về quán chỉ phải đưa cho bà chủ có ba mươi ngàn đồng.
- Vậy là con đã quyết định?
- Vâng! Chú ơi! Còn do dự nỗi gì. Con chỉ cần có tiền, có tiền là hạnh phúc rồi, có tiền là có tất cả…!.
- Chú khuyên con nên suy nghĩ lại! Đồng tiền là con dao hai lưỡi, có người vì chạy theo đồng tiền mà đã đánh mất chính mình!
Cái Mây không giải thích gì thêm với tôi, nó chào tôi rồi lại cắp xấp báo đi...
Tôi nhìn theo con Mây, lòng đầy ái ngại.
Đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được, tôi ngồi viết phần mở đầu cho một thiên truyện ngắn. Tôi thao thức vì biết trước là thân phận của con Mây đã bắt đầu bước vào thời kỳ đầy bất hạnh. Biết lấy gì để cứu giúp nó khi tôi chỉ là một nhà báo quèn chuyên viết về đề tài chống tệ nạn xã hội mà chẳng đề xuất được biện pháp nào hữu hiệu...
Đã hai tuần lễ trôi qua, tôi không gặp cái Mây đi bán báo dọc theo đường phố nữa để có dịp cho nó hai ngàn đồng mỗi ngày. Tôi ngồi lặng đi trên ghế đá ở công viên thành phố, nơi tôi đã từng ngồi với nó mỗi buổi chiều. Có lần cái Mây kể với tôi rất thảm: "Chú ơi! Hai ngàn chú cho con là đủ để con kiếm bữa rồi đó!". Tôi bỗng thấy lòng mình thắt lại: Vậy thì nó ăn thứ gì mà chỉ có hai ngàn đồng một bữa? Có chăng là cơm trắng với mắm tép hoặc là nhai cái bánh mỳ không có nhân. Thế mà cái Mây vẫn khỏe mạnh, nó vẫn đủ sức để suốt ngày lang thang trên hè phố.
Cái Mây không còn ở thành phố này nữa, vậy là nó đã vào thành phố Nha Trang thật rồi.
Thành phố Nha Trang đẹp nhất là tuyến đường chạy dọc theo bờ biển. Nha Trang vào hè đường phố dọc biển nhộn nhịp khác thường. Chiều nào cũng vậy, khách thập phương và dân thành phố đổ ra biển rất đông. ở bãi biển Nha Trang có đủ đồ ăn, thức uống phục vụ mọi yêu cầu của khách. Tôi đi dọc theo bãi tắm của thành phố dài tới bảy cây số để tìm cái Mây mà chẳng gặp được nó. Tới bờ biển vắng, tôi dừng chân, vào một quán giải khát thì bất chợt lại gặp Mây.
Cái Mây sửng sốt nhìn tôi rồi chào:
- Con chào chú! Sao chú lại biết con ở đây mà tới?
- Tình cờ thôi con ạ! Ta đâu có ý định tìm con làm gì. Nhưng cứ như có ông trời xui khiến nên ta gặp được con là lẽ đương nhiên...
Tôi bảo cái Mây vào trong quán lấy hai ly nước dừa và dặn cái Mây xin phép chủ quán được ngồi nói chuyện với tôi với lời nói dối là có ông chú ở quê ra gặp cháu. Cái Mây bưng một cái khay có hai ly nước dừa đặt xuống bàn trước mặt tôi và nói: "Chú ơi! Hai ly nước dừa này là hai mươi ngàn đồng đó".
- Ủa! Sao ở đây giá đắt thế con?
- Không đắt đâu chú à! Khách ở đây vẫn thường chấp nhận vậy thôi. Chú có biết không, ở đây bà chủ tính cả tiền công của con ngồi tiếp chú đó.
- À! Chú hiểu rồi. Thôi con ngồi đây uống nước với chú, chú muốn hỏi chuyện con.
Cái Mây lặng lẽ ngồi xuống ghế đối diện với tôi. Nó thu mình lại có vẻ ngại ngần. Lúc này tôi mới nhìn kỹ nó. Trước mắt tôi là một thiếu nữ xinh xắn, ăn mặc cũng rất đúng mốt. Khác với hồi nó đi bán báo rong đường phố, cái Mây bây giờ đã biết trang điểm, đã có giọng nói khá hấp dẫn. Tôi ngắm nhìn nó thay đổi khá nhanh chóng và lòng tôi bỗng thổn thức.
- Thế mỗi lần con ngồi tiếp khách như thế này thì bà chủ cho con bao nhiêu tiền?
- Đâu có, tiếp khách là công việc bà chủ giao, mỗi ngày con tiếp vài ba lượt khách, vị chi như vậy con đã có tới trăm ngàn đồng. Tiền khách cho thêm con mà.
- Thảo nào chú thấy con thay đổi hẳn so với thời con bán báo rong. Mây này, chú hỏi thật nhé! Dây chuyền con đeo ở cổ và hai chiếc nhẫn ở tay con là vàng thật hay vàng giả.
- Ồ! Sao chú ngộ thế! Vàng thật chứ con đeo vàng giả làm gì?
- Không ngộ đâu con ạ! Con mới vào Nha Trang được ba tuần lễ thì sao kiếm được số tiền lớn như vậy? Hay là con…
Cái Mây khá thông minh, nó chợt nhớ ra điều gì làm nó chột dạ, nó nhìn chằm chằm vào mặt tôi và căn vặn: "Chú là công an phải không? Chú điều tra con phải không?".
- Bình tĩnh nào con. Chú không phải công an hình sự điều tra, chú là người làm báo, người viết văn… Đây là thẻ phóng viên của chú, con xem có đúng không nào?
- Thế chú cứ hỏi mãi chuyện con để làm gì?
- Để chú nghiên cứu, chú đề xuất cho nhà nước tìm cách làm cho đời các con bớt khổ.
- Con chẳng thể tin lời chú nói. Ai có thân người ấy lo. Mà con đã lo được đó. Chú xem con bây giờ có khá không?
- Chú công nhận. Nhưng chú hỏi thật con nhé: Con bằng cách nào mà có nhiều tiền như vậy?
Cái Mây không trả lời câu hỏi của tôi, nó cúi xuống và khóc. Lại một lần nữa tôi để mặc cho cái Mây khóc. Tôi thật sự mong cho nó khóc thật nhiều, và chỉ có nước mắt mới làm cho nó vơi dần nỗi đau đời.
- Chú ơi! Chú là một nhà báo tốt bụng, chú đã giúp đỡ con vô tư… Chú đã đến đây gặp con thì con cũng chẳng giấu chú làm gì. Con coi chú như cha bởi lẽ ba má con giờ đây đâu có thèm đoái hoài gì đến con. Nhưng chú phải hứa với con nếu chú viết báo xin chớ nêu tên thật của con.
Tôi vội nói với nó:
- Chú xin hứa với con, và hơn thế nữa, nếu chú có thể làm được việc gì tốt cho con thì chú sẵn lòng giúp con.
Cái Mây không còn nước mắt để mà khóc nữa, mắt nó ráo hoảnh, nó nhìn tôi trân trân mà kể không chút ngượng ngùng:
- "… Con vào Nha Trang được ba ngày thì có một lần bà chủ bảo con tiếp một ông khách người Hàn Quốc ở ngoài bãi biển kia. Ông người Hàn Quốc biết nói tiếng Việt, tuy nói chưa thạo nhưng con nghe con hiểu được. Cuối buổi đó ông người Hàn Quốc cho con năm trăm ngàn đồng và ông ấy hẹn gặp lại con.
Tối hôm sau bà chủ bảo con phải đi với một người lái xe ôm để đến khách sạn Hoàng Hôn có việc giúp bà chủ. Khi đến khách sạn con được một người đàn ông to lớn đưa con lên lầu ba rồi đẩy con vào một phòng và khóa trái cửa lại. Từ trong phòng tắm, một người đàn ông bước ra, đó chính là ông khách người Hàn Quốc đã ngồi với con hôm trước ngoài bãi biển.
Ông người Hàn Quốc nói với con: "Xin chào người đẹp! Tôi rất sung sướng được gặp người đẹp ở đây". Lúc ấy con mới biết là bà chủ đã lừa con, con biết là việc gì sẽ xảy ra với con, thế là con đập cửa và la hét ầm ĩ. Ông người Hàn Quốc đã lấy khăn bông bịt vào miệng con và nói: "Vô ích em ơi! Ta đã đưa cho bà chủ của em mười triệu đồng để có giờ phút ái ân này. Bây giờ người đẹp thuộc về ta…".
Con chống trả ông ấy kịch liệt nhưng không sao thoát khỏi và con đã ngất đi không biết gì nữa. Sáng hôm sau tỉnh dậy, con trơ trọi một mình và nhìn thấy một xấp giấy năm mươi nghìn đồng vứt lại trên giường đệm. Con khóc cạn khô nước mắt cho đến lúc nhân viên khách sạn xốc con dậy, dìu con xuống đường và đẩy con vào trong xe taxi, thế là con lại phải trở về hầu hạ bà chủ…".
- Thế bà chủ có cho con nhiều tiền không?
- Có chứ, bà ấy cho con ba triệu đồng, đó là số tiền lớn nhất mà con thấy cả đời ba má con chưa bao giờ có được. Con định gửi về quê biếu ngoại một triệu, còn hai triệu mua vàng đeo làm "kỷ niệm" đây này.
Cái Mây kể chuyện với tôi, mắt nó ráo hoảnh và tôi còn cảm thấy nó có vẻ phấn chấn. Có lẽ nó đã có nhiều tiền nên nó an tâm hơn về cuộc sống. Riêng tôi, tôi cảm thấy đau xót thay cho nó vô cùng. Nó đã cầm lấy ba triệu đồng để mất đi cả cuộc đời thanh xuân của nó, để biến nó thành một người đàn bà khi nó vừa tròn mười sáu tuổi.
- Thế sau lần ấy con còn phải đến khách sạn tiếp khách bao nhiêu lần nữa?
- Con cũng chẳng cần nhớ làm gì. Cứ có khách cần đến, bà chủ lại bảo con đi. Có ngày con phải đi khách đến năm hoặc mười lần. Con nghĩ là con mất một lần cũng như mất trăm lần, có thế thôi. Con mất cái này thì con có thứ khác, đó là tiền. Bây giờ con có nhiều tiền, con muốn gửi về quê biếu ngoại, biếu má con. Con nhờ chú cầm tiền về quê giúp con được không?
Ôi! Cay đắng quá! Tôi là một nhà báo sao lại có thể cầm hộ những đồng tiền nhơ nhớp ấy. Nhưng vì muốn cứu nó khỏi vòng tội lỗi nên tôi nhận lời giúp nó liên lạc với gia đình. Hẳn là má nó phải có trách nhiệm...! Nghĩ vậy nên tôi nói với cái Mây:
- Chú chỉ có thể giúp con là về báo tin cho má con biết, là hiện giờ con đang ở đây, con bằng lòng chứ!? Má con sẽ đón con về...
- Con xin cảm ơn chú! Con rất muốn tin cho má con, dù rằng chẳng bao giờ má nghĩ tới con...!
Theo lời cái Mây nói với tôi thì má nó hiện lấy một ông chủ lò gốm ở Thanh Hà. Thật là dễ dàng khi tôi đã đến được nơi cần tìm, và cũng may hôm ấy ông chủ nhà lại có công chuyện vô Sài Gòn. Má cái Mây tiếp một người khách lạ nên có vẻ lúng túng không biết mời chào thế nào, tôi buộc lòng phải chủ động:
- Xin chị cứ cho tôi được tự nhiên. Tôi là một người làm báo, nhân có dịp vào Nha Trang công tác, tình cờ tôi có gặp con Mây, nó nhờ tôi đến báo tin cho chị...
- Xin lỗi! Có lẽ ông nhầm rồi, đúng là tôi có đứa con gái tên Mây, nhưng con tôi hiện ở với ngoại ở Quế Sơn chứ đâu có ở Nha Trang.
- Tôi không nhầm. Con Mây có trao cho tôi một tấm ảnh nó chụp hồi còn nhỏ cùng với ba má nó.
Tôi lặng lẽ mở cặp lấy ra tấm ảnh để trên bàn và thăm dò từng cử chỉ của má con Mây. Cầm được tấm ảnh trên tay, má con Mây bỗng òa khóc.
- Trời ơi con tôi! Con ơi sao con nỡ gạt má! Má cứ tin là con vẫn đang ở với ngoại...
- Chị Hà! Bây giờ chị tin tôi rồi chứ? Còn đây nữa, thư của con Mây gửi cho chị...
"Má yêu quý! Xin má hãy tha thứ cho con về tội để ngoại sống ở quê một mình, con đã ra thành phố tìm việc làm mà chưa xin phép má. Những ngày con lang thang trên đường phố đông người để bán báo, con đã gặp chú Long là nhà báo đang ngồi trước má đó. Chú Long thương con như người thân, mỗi ngày chú giúp con hai ngàn đồng để thêm một bữa ăn. Con không thể kiếm được nhiều tiền để gửi về quê biếu ngoại, như lòng con đã nhủ. Con yêu ngoại, thương ngoại vô cùng, vì có ngoại nên mới có má, vì có má nên mới có con. Con phải làm được việc gì đó để có thể trả ơn ngoại, trả ơn má. Con nông nổi bước vào đời với thiển nghĩ là có nhiều tiền sẽ có tất cả. Vì vậy con đã rời nơi ở ban đầu đến với thành phố Nha Trang.
Bây giờ con đã có nhiều tiền, con chỉ muốn gửi về quê biếu ngoại và biếu má nhưng chú Long không nhận cầm giúp. Chú Long bảo con chỉ vì đồng tiền đã đánh mất tất cả...!
Nhiều đêm con khóc hết nước mắt và chỉ ao ước được ở bên má. Nhưng tất cả bây giờ đã muộn! Ba đã có hạnh phúc riêng; má đã có hạnh phúc riêng, còn con thì đầy bất hạnh. Con không cầu xin gì ở ba má, con chỉ thương ngoại, ngoại đã hy sinh cả đời người để tần tảo nuôi má, vậy mà giờ đây ngoại phải đơn côi. Bây giờ con chẳng còn gì để mất! Con đã mất tất cả, kể cả lòng yêu thương của má...
Khi má đọc được thư của con thì con sẽ không còn ở thành phố Nha Trang nữa. Má đừng tìm con vô ích, và má cũng đừng khóc làm gì! Những giọt nước mắt muộn mằn của má đâu có dễ làm con mủi lòng... Vĩnh biệt má! Con - Mây".
Chị Hà đọc xong thư của con Mây đã từ từ gục xuống. Người thân xúm lại vực chị ra xe cấp cứu. Tôi tự hiểu là tôi đã giúp được con Mây một việc nhỏ. Tạm biệt mọi người, tôi lại trở về với thành phố Nha Trang. Về đây để tìm lại xem còn bao nhiêu thân phận bọt bèo như con Mây mà tôi đã chứng kiến.
Nha Trang đã vào hè, chiều chiều người dân ở thành phố chảy ra bãi biển mỗi lúc một đông hơn. Tôi đi như người lãng du hòa vào dòng người đang nô nức đón một ngày hè mới.
Tôi phải đến ngay quán giải khát ở ngoài bãi biển để tìm con Mây. Tôi hiểu rằng dù chỉ là một công dân bình thường nhưng biết được con Mây sa ngã tôi phải có trách nhiệm vực nó dậy. Tôi gọi hai ly nước dừa và yêu cầu chủ quán cho con Mây ra tiếp tôi. Bà chủ dáng người phây phây bỗng nổi giận:
- Ông không phải là chú con Mây, ông là một nhà báo, điều đó tôi đã biết rõ. Ông là một con rắn độc! Ông đến đây với mục đích làm cho tôi sập tiệm! Đồ quỷ dữ! Ông hãy mau đi khỏi nơi đây, nếu bọn đàn em của tôi tới, ông đừng có trách!
Tôi giả bộ sợ hãi và cầu khẩn:
- Tôi sẽ đi ngay thôi, chỉ xin chị nói cho tôi một điều là con Mây giờ này ở đâu?
- Ông vô Sài Gòn mà tìm nó. Ngay từ sau buổi ông ngồi nói chuyện với nó, nó đã trốn tôi đi Sài Gòn cùng với con nhỏ ở đây. Ông đi đi, đừng để tôi phải gọi đàn em đến đây tiếp ông...
Tôi vội vàng rời khỏi quán giải khát và đi nhanh về phía bãi biển Nha Trang.
Thành phố Nha Trang chiều hè rộn rã nhưng lòng tôi thì trĩu nặng. Tôi leo lên đỉnh Hòn Chồng để thư giãn cho lòng bớt bồi hồi. Người Nha Trang gọi danh thắng này là Hòn Chồng, nhưng thực tế đó là hai khóm đá lớn, khóm đá ở bên bờ gọi là Hòn Chồng, còn khóm đá ở dưới biển gọi là Hòn Vợ. Bất giác tôi thầm trách ba má con Mây; chẳng biết giờ đây và cả sau này nữa, ba má nó sẽ phải nghĩ gì và làm gì với thân phận bèo bọt của con gái mình.
Từ ngoài biển, từng đợt sóng lớn đánh vào Hòn Vợ bật lên những cột nước trắng phau.
Tôi lơ đãng nhìn lên bầu trời trong xanh của thành phố Nha Trang và chợt thấy một vầng mây trắng đang bay lơ lửng giữa bầu trời. Người người, lớp lớp vẫn vô tư ào ra bãi biển. Từng đợt sóng biển vẫn nối tiếp nhau vỗ vào bờ đá và nơi mặt biển hiền hòa phẳng lặng kia, hàng ngàn người vẫn đang nhấp nhô trên sóng.
Tôi giơ cả hai tay về phía biển và thầm gọi: "Mây ơi! giờ này con ở đâu? Dù con có đi cả mười hai bến nước chắc chi con đã được hạnh phúc. Con hãy về đi, ở quê bà ngoại đang mong con đó!".
Trả lời tôi chỉ là tiếng sóng biển rì rào giữa hoàng hôn biển đẹp và ảm đạm...