Tương đương
Dino Buzzati
Dino Buzzati sinh ngày 16 tháng 10 năm 1906 tại Belluno. Cha la giáo sư Luật. Sau khi học xong Luật tại Milan, ông theo đuổi sự nghiệp văn chương. Ông đã bắt đầu từ sớm với thi ca. Năm 1928 ông tham gia Ban biên tập Corriere della Serra và làm việc cho tờ báo này đến tận những năm tháng cuối đời. Công việc cuối cùng của ông ở đó là giữ mục phê bình văn học. Năm 1936 ông làm phóng viên chiến trường tại Ethiopie một năm.
Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Ông được biết đến từ lúc tác phẩm Désert des Tartares tái bản lần thứ hai năm 1945. Vở diễn Un cas intéressant được Albert Camus dàn dựng và diễn ở Paris năm 1956.
Năm 1971, Dino Buzzati biết mình sắp chết. Ông lui về nơi đã chào đời để viết những tác phẩm cuối cùng về nơi mà ông sẽ an nghỉ vĩnh hằng, đề tài vốn đã từng được ông đề cập. Ngày 28 tháng 1 năm 1972 ông mất vì một căn bệnh ung thư.
Vào một lúc nào đó, vị bác sĩ danh tiếng, trong phòng bệnh nhân, khẽ ra dấu bằng đầu cho vợ người bệnh, và với nụ cười dịu dàng, ông tiến ra phía cửa. Người phụ nữ lao theo.
Khi họ đã ra ngoài hành lang, vị bác sĩ cố tạo một gương mặt thích hợp, đầy nhân ái và thông cảm. Ông hắng giọng.
“ Thưa bà,” ông nói “ thật là một nghĩa vụ bất khả kháng đối với tôi, chao ôi! phải báo cho bà được biết…Ông nhà…
- Nặng lắm, phải không ạ?
- Thưa bà, không may…Đó là hoàn cảnh…Chúng ta nên biết là…
- Không, không thể như thế được…Bác sĩ muốn nói là…
- Đúng vậy, thưa bà…Không nên, hoàn toàn không nên vội vàng… nhưng mà có thể nói… có thể nói…trong vòng 3 tháng…vâng, vâng, chúng tôi có thể nói 3 tháng…
- Nhà tôi hết phương cứu chữa rồi sao?
- Lạy Chúa lòng lành, thưa bà kính mến. Nhưng trong khả năng nghèo nàn mà nền khoa học của chúng ta cho phép…tôi xin nhắc lại…tối đa là 3 tháng…3 tháng…
Một cơn chấn động dữ dội lay chuyển người phụ nữ. Bà gần như co quắp người lại. Bà lấy hai tay che mặt. Tiếng khóc nức nở làm toàn thân bà rung lên.
“ Trời ơi, Trời, tội cho Giulio của em! “
Rồi nhà danh y, nãy giờ đứng ở đầu giường, đề nghị vợ bệnh nhân ra ngoài bằng một cái nháy mắt. Và cô hiểu ý.
Khi họ đã ra ngoài, ông bác sĩ từ tốn khép cánh cửa phòng lại. Rồi bằng một giọng êm ái dùng trong những dịp long trọng, ông nói với cô:
“ Thưa bà, đối với một y sĩ, đó là những phần việc vô cùng bạc bẽo. Tuy nhiên, tôi phải thành thật… chồng bà…
- Trầm trọng lắm ạ?
- Thưa bà, hạ thấp giọng, đó là lý do làm tôi rất bối rối…nhưng mà bà cần phải biết …
- Vậy thì, tôi đoán là tôi đã hiểu...
- Đồng ý là thật không phải lúc để tiên đoán mọi sự…Tôi nghĩ, chúng ta chỉ còn trong phạm vi… như thế này…1 năm…ít ra là 1 năm…
- Thế, chồng tôi không thể chữa khỏi sao?
- Không gì là không có thể, thưa bà, kể cả phép mầu. Nhưng trong giới hạn mà nền khoa học cho phép tôi hiểu…Tôi có thể nói đích xác 1 năm…
Người phụ nữ đáng thương rùng mình, cúi đầu xuống, úp mặt vào lòng bàn tay và bật lên tiếng khóc tuyệt vọng: “ Ôi! khốn nạn cho chồng tôi! “
Nhưng có một lúc ánh mắt của vị y sĩ vĩ đại và người đàn bà vợ bệnh nhân gặp nhau. Và bà lập tức hiểu bà được mời ra ngoài.
Họ để người bệnh nằm một mình. Ở bên ngoài, sau khi đã đóng cửa, vị giáo sư, bằng một giọng trầm và nhiều cảm xúc, nói thầm:
“ Hãy tin tôi đi, đối với một người thầy thuốc không gì buồn bằng phải thực hiện một số nghĩa vụ khó khăn…Đây, thưa bà, tôi buộc lòng phải báo cho bà biết là…chồng bà…
- Đang nguy kịch phải không?
Viên bác sĩ điều trị trả lời:
“ Trong những trường hợp như thế này, nói dối, thưa bà, có thể là một hành vi tồi tệ…tôi không thể dấu bà là…
- Thưa giáo sư, giáo sư, xin ông hãy nói bằng tất cả sự thành thật, nói với tôi tất cả…
- Chúng ta nên đồng ý với nhau là, thưa bà…Không được đặt con trâu đi trước cái cày…Đó không phải là việc một sớm một chiều…tôi không thể nói được một điều gì chính xác… nhưng mà tối thiểu…chúng ta còn cầm cự được đến 3 năm…
- Như thế là không thể hy vọng gì hơn được nữa?
- Nếu tôi khiến bà tin vào những điều hão huyền thì tôi quá nông cạn…Tiếc thay, tình cảnh đã rõ ràng…trong 3 năm…
Người phụ nữ khốn khổ không thể kiềm chế. Bà phát ra một tiếng rên não lòng, rồi đổ gục xuống nức nở khóc:
“ A! chồng em… người chồng đáng thương của em!”
Trong phòng bệnh nhân, im lặng bao trùm. Lúc đó, như thể có một mối thần giao cách cảm, người vợ hiểu ra vị lương y muốn cô cùng đi ra ngoài với ông ta.
Rồi họ bước ra. Và khi đã chắc chắn là người bệnh không thể nào nghe thấy, nhà bệnh lý trị liệu, nghiêng người về phía cô, nói thầm vào lỗ tai:
“ Chao ôi! thưa bà, đây là giây phút khó khăn của tôi…Tôi buộc lòng phải báo cho bà biết…ông nhà…
- Không còn chút hy vọng nào nữa sao?
- Thưa bà, có thể là ngu ngốc và không có đạo đức nếu tôi cố tìm cách nói ví von…
- Khổ thân tôi chưa…tôi cứ mơ tưởng hão huyền…khổ thân tôi!
- Ồ không, thưa bà, chính bởi vì tôi không muốn dấu bà bất cứ điều gì và tôi cũng không muốn ngay từ bây giờ bà đã đau khổ quá sớm… Tôi đã nhìn thấy giây phút định mệnh đó…nhưng không trước…không trước 20 năm…
- Không còn cách nào cứu chữa ông ấy được sao?
- Ở một khía cạnh nào đó thì đúng vậy…Nhưng tôi không thể dấu bà, thưa bà, sự thật cay đắng là…20 năm tối đa…sau 20 năm tôi không thể bảo đảm …
Điều đó vượt quá sức chịu đựng của cô. Cô phải dựa vào tường để không bị ngã; cô khóc ngất. Rồi cô rên rỉ: “ Không, không, không thể tin được, Giulio đáng thương của em! “
Lúc ấy, ông bác sĩ vừa kín đáo ho khe khẽ vừa đưa mắt nhìn một cách đầy ngụ ý về phía vợ bệnh nhân, lúc ấy đứng đối diện, phía bên kia giường: hiển nhiên đấy là một lời mời cùng đi ra ngoài với ông.
Vừa bước ra ngoài phòng đợi, nàng liền chộp lấy cánh tay nhà chuyên gia lừng danh và hỏi với vẻ đầy lo lắng: “ Sao rồi ạ? “
Câu hỏi được ông đáp lại bằng một giọng mang sự phán xét cuối cùng: “ Nghĩa là tôi có bổn phận phải thành thật…Thưa bà, chồng bà…
- Tôi buộc phải chấp nhận sao?
Ông bác sĩ nói:
“ Tôi hứa với bà là nếu có một mảy may hy vọng nào…nhưng đáng tiếc…
- Trời ơi, thật khủng khiếp…Trời ơi!
- Tôi thông cảm, thưa bà…Xin hãy tin là tôi chia xẻ nỗi đau này của bà…Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp khẩn cấp. Tôi cho là phải mất…phải mất khoảng 50 năm số phận mới được định đoạt.
- Làm sao? Bộ không thể cứu vãn được sao?
- Không, thưa bà, không…tôi nói với tất cả tấm lòng, xin bà hãy tin tôi…Có một khoảng thời gian, nhưng không quá 50 năm…
Im lặng đột ngột. Rồi sau đó là tiếng kêu xé nát ruột gan của người đàn bà:
“ Ốiốiốiiii! Ốiốiốiiii! Không, không!...chồng tôi…anh yêu quý của em!
Bất chợt nàng nín bặt. Nàng nhìn thẳng vào mắt của nhà thông thái. Nàng siết cổ tay của ông.
“ Thưa giáo sư, nhưng đến lúc đó…Ông đã cho tôi biết một việc khủng khiếp. Nhưng nghĩ đến điều đó, 50 năm nữa, tức là… nửa thế kỷ…50 năm, tôi và cả ông nữa…Suy cho cùng, đó không phải là một bản án dành cho tất cả chúng ta hay sao?
- Đúng thế, thưa bà… 50 năm nữa, chúng ta đều sẽ xuống mồ, đó là việc có thể đoan chắc. Nhưng có một sự khác biệt, sự khác biệt đã cứu thoát chúng ta, hai chúng ta và ngược lại nó đã kết án chồng bà. Đối với hai chúng ta, căn cứ những gì được biết, thì chưa có cái gì được quyết định cả…Chúng ta còn có thể sống một cách hồn nhiên khờ dại như khi mới lên 10 hay 12 tuổi. Có thể chúng ta sẽ chết trong một giờ nữa, trong 10 ngày hay trong một tháng, điều đó không quan trọng, đó là một chuyện khác. Còn đối với ông nhà thì không. Đối với ông ấy, bản án đã được tuyên xử. Xét cho cùng, cái chết tự bản thân nó có thể không phải là một cái gì quá hãi hùng. Tất cả chúng ta đều phải chết. Nhưng sẽ là bất hạnh cho chúng ta nếu chúng ta biết chính xác thời điểm mà nó sẽ đến, cho dù đó có là 1 thế kỷ hay 2 thế kỷ đi nữa.
VŨ THÀNH SƠN dịch
Nguyên tác “ Équivalence “ trong tuyển tập truyện ngắn Les Nuits Difficiles, Robert Laffont, 1972.