Biển xưa chiều kỷ niệm
Thiên Minh
Có lẽ, qua hai ngày đi chơi vẫn chưa đủ để Tony giới thiệu hết những thắng cảnh ở đây cùng Cindy, nhất là về thành phố nơi “him” đang cư ngụ. Ngày đầu tiên họ đến ăn trưa tại khu China Town, ở một nhà hàng có khung cảnh thanh-lịch ấm cúng, cùng nhiều món điểm-tâm ngon miệng. Sau đó họ cùng dạo bước về khu vực Darling Harbour nổi tiếng để hòa nhập vào dòng người du khách đến tham quan. Họ đã dừng chân lại nhiều lần để chụp hình và để nghe Tony giới thiệu đôi điều về cảnh vật ở đây, nhất là về mùa giáng sinh đang gần đến. Nhìn gương mặt rạng rỡ hồn nhiên của Cindy, đã làm Tony cảm thấy vui theo. Sau đó họ tiếp tục lang thang trên những con đường với nhiều shopping có đông người qua lại. Họ rẽ qua công viên Hyde Park rộng lớn rồi tiếp tục hướng về khu vực nhà Con Sò (tức là Hí viện Opera House), kế bên là cây cầu Harbour hùng vĩ. Ðây chính là hai biểu tượng nổi tiếng của nước Úc nói chung, hay đúng hơn là của thành phố Sydney (nói riêng), nơi mà du khách từ khắp nơi đến rất thường xuyên để mà chiêm ngưỡng. Hàng năm vào đêm 31 tháng 12 tại những nơi này đều có hàng 5-7 trăm ngàn người tụ họp để xem đốt pháo bông, và để “count down” đón mừng năm mới.
Ngay buổi chiều ngày hôm đó họ còn đi vào công viên Botany Gardens để tiếp tục dạo chơi, chụp thêm hình và thấy nhiều hoa tươi, cũng như được nghe chim hót líu lo trên các cành cây… rất là rộn rã. Chính những phong cảnh “hữu tình” trong công viên rộng lớn này, đã làm họ quên hẳn thời gian. Bởi vì mãi đến khi màn đêm sắp sửa buông xuống cũng là lúc mọi người cảm thấy đói và họ vội vả ra xe để tìm về một khu phố Việt Nam cho bữa cơm chiều ngày hôm đó.
oOo
Ðến ngày hôm sau họ lại tiếp tục đi chơi, nhưng lần này là những bờ biển mênh mông, cách xa trung tâm thành phố Sydney khoảng chừng 20 cây số. Ðầu tiên là vùng Manly ở phía Bắc Sydney, bờ biển này có nhiều tàng cây và bóng mát, nơi thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Ở đây trong lúc lang thang dọc theo bờ biển, để nhìn sóng nước bao la, họ còn thấy nhiều du khách đang nằm phơi mình (đó đây) trên bờ cát mịn. Sau lúc ăn trưa Cindy không quên dành lại những miếng “chip” (khoai lang tây chiên) để tặng cho bầy chim lúc nào cũng “friendly” đến gần du khách. Nhìn chúng thân thiện làm cho mọi người cảm thấy hân hoan thích thú, nhưng lại không biết tên gọi của chúng là chi? Có người gọi chúng là bồ-câu, nhưng cũng có người gọi chúng là chim hải-âu thường thấy tập trung dọc theo những vùng bờ biển du lịch.
Tony cười và nói thêm:
- Chúng là… loài “Hải âu phi xứ” đó!?
Lúc này Cindy đang sánh bước bên cạnh Tony nên hỏi rằng:
- Có phải đó là tên một tác phẩm của Quỳnh Dao không?
Tony gật đầu và hỏi lại:
- Vâng, đúng thế! Chắc là Cindy đã đọc qua rồi chứ?
Thế là họ có đề tài để trao đổi cùng nhau. Cindy cho biết là nàng thường mang theo truyện để đọc, nhất là mỗi khi dừng chân ở những thành phố lạ. Ðối với nàng, đọc sách đã trở thành một thú tiêu khiển. Ðặc biệt là sau những chuyến bay đến các thành phố như Singapore, Tokyo, Seoul, Taipei, Auckland, Melbourne… hay là Sydney này chẳng hạn. Là một người “air hostess” (chiêu đãi viên hàng không) Cindy ít khi đi ra ngoài cùng chúng bạn, thường thì nàng ở lại hotel để nghỉ ngơi và đọc sách. Nhân nói đến Quỳnh Dao, Tony đã kể cho Cindy nghe một tác phẩm khác của nữ sĩ này, có tên là “Song Ngoại”. Ðây là chuyện tình về một cô học trò tên Giang Nhạn Dung yêu người thầy là Khang Nam lớn tuổi hơn cô. Tác phẩm đã được dựng thành phim trước đây, và được nhiều người xem ưa thích. Mối tình chênh lệch tuổi tác này về sau không trọn vẹn, vì những khắc khe của xã hội thời đó, nhưng đã để lại trong lòng người xem một niềm thương cảm. Vì không lấy được người yêu, nên Giang Nhạn Dung đã chọn con đường quyên sinh để nói lên tình yêu bất diệt của nàng. Trong lá thư tuyệt mệnh gởi lại cho Khang Nam, Giang Nhạn Dung đã viết:
“… Anh đã mang đến cho em niềm vui cũng như sự đau khổ. Cũng như anh đã mang đến cho em lòng hy vọng cùng lúc với nỗi tuyệt vọng. Giờ em mang theo tất cả những gì anh đã cho em…
Anh còn nhớ chăng? Có lần anh bảo với em kiếp này vô duyên đối mặt, lo gì kiếp sau chẳng gặp nhau! Em cũng mong thế và sẽ chờ đợi anh. Chỉ xin anh đừng đến muộn hai mươi năm như hiện tại.
Xin vĩnh biệt Thầy! Hãy cho tôi nói lời cuối cùng: Em yêu Anh!”.
Vừa đi, Tony vừa kể tiếp câu chuyện cho Cindy nghe, cuối cùng Tony mỉm cười và nói tiếp…. May mắn thay, là Giang Nhạn Dung được cứu sống và lập gia đình sau đó, dĩ nhiên là với một người khác rồi. Nhưng trong lòng thì vẫn nhớ đến Khang Nam. Riêng Khang Nam thì tiếp tục dạy học và xin đổi đi thật xa, mà trong lòng thì vẫn mang theo một mối tình vô vọng. Chàng tìm quên bằng rượu chè và thuốc lá để cuối cùng thì cuộc đời… “tuột dốc” một cách thảm thương. Hình ảnh của Khang Nam (5 năm sau) thật là thê thảm. Ðó là ngày Giang Nhạn Dung vì không tìm được hạnh phúc bên chồng và luôn nhớ về mối tình đầu dang dở. Nên nàng đã quyết định tìm đến thăm (nơi chàng đang dạy học). Nhưng cuối cùng thì nàng cũng không có can đảm bỏ chồng để trở lại với Khang Nam: “Tay xách valise, Dung bước về phía cổng trường, chiếc valise càng lúc càng nặng thêm. Dung chậm rãi bước đi, đầu óc hôn mê rỗng tuếch. Dung bỗng giựt mình, tia nhìn của nàng như bị thu hút bởi hình ảnh một người đang bước đến - Trời! Khang Nam đó chăng? Một người đàn ông tóc bạc rối bù, tay ôm chồng vở học sinh, đang lom khom đi đến. Gần đến chỗ Dung bỗng ông ta đứng lại. Dung tưởng Nam đã nhận ra nàng, nhưng tuyệt vọng thay không thế, Nam không nhìn về phía Dung, chàng để chồng vở qua một bên, một tay cho vào túi lục lạo, và lấy ra một nùi giấy nhầu nát và một điếu thuốc gãy. Dung thấy Nam vui sướng hẳn, chàng lại cho vào túi tìm hộp diêm, đôi tay run run đang cố gắng quẹt diêm, điếu thuốc vừa quẹt xong, thì chồng vở lại rơi xuống đất, Nam cố gắng chụp lấy, điếu thuốc lại rơi ra, chàng khom người xuống tìm thuốc, tiếng ho hún hắng vang lên. Sau cùng Nam đứng dậy, lặng lẽ bước đi trong cơn ho…
Cuối cùng nàng vội bước nhanh ra cổng tựa lưng vào tường. Anh Nam ơi, anh Nam. Nước mắt đổ xuống, anh đã đi rồi hở Nam? Chàng Khang Nam chung tình ngày nào đã đi đâu? Không lẽ mình đang nằm mơ thật sao? Không lẽ sự thật phù du như vậy sao? Trời ơi, sự thật sao ghê tởm như vậy? Phải chi ta đừng đến, đừng gặp Nam, để mãi ghi hình bóng Khang Nam trong mộng ngày nào thì đẹp biết bao?
Xe đò dừng lại, nàng bước lên. Xe đã bắt đầu chạy, đám bụi mù cũng vừa che khuất ở đằng sau…”
Cindy đi bên cạnh lắng nghe những lời Tony vừa kể. Hình như trong tâm trí của hai người, họ cũng đang suy nghĩ về một điều gì đó mơ hồ, và cũng rất đỗi… “xa xăm”…
oOo
Rồi như để đáp lại, Cindy cũng chia xẻ cùng Tony tác phẩm “The Da Vinci Code” (mật mã Da Vinci) của Dan Brown mà nàng vừa mới đọc xong. Trong đó có một mối tình khá lãng mạng giữa một vị giáo sư đại học là Robert Langdon và nhân viên giải mã Sophie Neveu. Mối tình này nảy sinh sau khi họ cùng trải qua một thời gian điều tra căng thẳng và… đặc biệt là họ đã “sát cánh” bên nhau. Ðêm cuối cùng sắp sửa chia tay tác giả Dan Brown đã viết: “Ðêm trở nên lạnh hơn, một làn gió khô lạnh cuộn lên từ mặt đất. Langdon nhìn sang Sophie. Ðôi mắt cô nhắm lại, đôi môi thư thái nở một nụ cười mãn nguyện. Langdon cảm thấy mắt mình nặng trĩu. Miễn cưỡng ông bóp mạnh tay cô: “Sophie?”. Cô từ từ mở mắt và quay sang ông. Dưới ánh trăng, mặt cô thật đẹp. Cô mỉm cười với ông… và cuối cùng Sophie ngả người ra trước và hôn lại ông, lần này lên môi. Thân thể họ hòa nhau, đầu tiên là nhẹ nhàng, rồi sau đó là trọn vẹn. Khi buông ra, đôi mắt cô như tràn đầy lời hứa hẹn với ông…”
oOo
Cả Cindy và Tony đều đồng ý là những tác phẩm ngoại quốc được dịch sang Việt ngữ thì đa số là rất hay và rất là… tình cảm. Cuối cùng Cindy nhìn Tony mỉm cười và dí dỏm thốt lên:
- Theo Cindy nhận thấy thì hình như những ai yêu văn học, và thích đọc truyện tình cảm lãng mạng thì đa số họ đều là những người… lương thiện, có phải vậy hay không?
Tony nhìn nàng mỉm cười và gật đầu đồng ý. Trong lòng, “him” cảm thấy vui và có vẻ cảm kích “cô bé” này, vì những suy nghĩ rất “đặc biệt” của cô. Nhất là cái tính trẻ con dí dỏm, nhưng có đôi lúc lại thông minh và tỏ ra hiểu biết nữa. Chẳng hạn như khi đề cập đến một thằng cháu của Tony rất “có duyên” trong chuyện… tán gái, thì Cindy đã ví von rằng:
- Nói chuyện như thế thì cua ở trong hang còn phải bò ra, chứ đừng nói chi là… con gái!
oOo
Trước khi rời khỏi Manly họ không quên chạy một vòng lên đỉnh cao của vùng North Head, nơi có thể nhìn thấy thành phố Sydney, mặc dù từ xa nhưng mà rất đẹp. Rồi trên đường trở xuống họ không quên ghé vào nhà thờ Manly Roman Catholic, nơi mà cách đây không bao lâu diễn viên màn bạc Nicole Kidman đã kết hôn (lần thứ 2) cùng anh chàng ca sĩ nhạc đồng quê (Keith Urban) rất là long trọng. Tại đây Tony đã chụp hình cho Cindy cùng các bạn để làm kỷ niệm, cũng như tấm hình hai người chụp chung (tựa lưng nhau) trông rất là… “tương đắc”.
Tony còn nói thêm, là mai mốt… “cưới vợ” thì nhất định “him” cũng sẽ đến nhà thờ này bấm vài bô hình làm kỷ niệm. Nghe thế Cindy mỉm cười và dí dỏm hỏi lại Tony:
- Thật à…. chừng nào và có thiệt vậy hay không?
Tony cũng không chịu thua, nên nhìn lại Cindy rồi với dáng điệu tinh nghịch và nói tỉnh queo:
- Sao lại không, dĩ nhiên rồi, chừng nào có ai chịu…“chụp chung” thì ngu gì mà… “không thiệt” chớ !?
oOo
Buổi chiều hôm đó họ còn tiếp tục chạy xe dọc theo bờ biển để đến Harbord rồi North Curl Curl, nơi có một bờ cát dài rất nên thơ và lãng mạng, nhất là qua hình ảnh của vài đôi nhân tình đang dìu bước bên nhau. Còn phía ngoài khơi là những cơn sóng to tiếp theo nhau… uốn lượn, nên lúc nào cũng có nhiều người trượt sóng. Họ đang đón chờ những màn ngoạn mục với sóng nước bao la. Cindy thích thú tháo giầy (đi chân không) và chạy dọc theo bờ cát vàng nô đùa với sóng nước. Tony vừa đi, vừa nhìn theo và không quên chụp cho nàng thêm vài ba bô hình nữa...
Cuối cùng thì Tony cũng không quên đưa nàng và các bạn đến vùng Dee Why gần đó. Nơi đây là một bờ biển du lịch nổi tiếng được nhiều người biết tới. Tony đã từng sống ở vùng bờ biển này rất nhiều năm, nên không biết bao nhiêu là kỷ niệm gợi nhớ trong đầu. Nhớ lại ngày xưa vào những dịp cuối tuần Tony thường cùng các bạn đi bộ ra đây để tắm biển, hoặc để ngồi hóng gió vào những ngày hè oi bức. Hoặc là những đêm buồn, nhớ nhà Tony có thói quen hay lái xe ra đây nằm nghe sóng biển vỗ vào bờ đá. Bởi vậy có nhiều đêm Tony đã ngủ quên trên xe, mãi đến khi giựt mình tỉnh giấc, thì cũng là lúc bình minh của ngày hôm sau đang từ từ ló dạng….
Lần này trở lại vùng bờ biển đã từng gắn bó với Tony một thời gian dài, nên “him” cảm thấy vừa nôn nao, vừa vui mừng hãnh diện. Trước mắt là những cánh chim hải âu đang thả đàn theo từng nhóm. Chúng được tự do và đang bay lượn giữa bầu trời cao mênh mông, bên dưới là bờ cát vàng, với biển rộng, cùng trời nước bao la có nhiều sóng vổ… Nhìn chúng, đầu óc Tony chợt nhớ đến câu chuyện “Hải âu phi xứ” vừa rồi, và cả chuyện tình lãng mạn của cô học trò Giang Nhạn Dung và người thầy Khang Nam mà Quỳnh Dao đã viết. Bất chợt Tony quay sang Cindy đang đi bên cạnh, mỉm cười rồi hỏi nhỏ ở bên tai:
- Hình như mẹ Cindy ngày xưa là… “cô nuôi dạy trẻ” ?
- Dạ vâng… không những mẹ của Cindy mà cả hai Dì cũng đều là cô giáo… như mong ước của họ từ rất lâu!
Cindy ngẩng lên nhìn Tony và trả lời từ tốn, trong lúc họ đi chậm lại… gần nhau. Lúc này trời đã tối dần, và những cơn gió biển thổi vào bờ cũng bắt đầu se lạnh. Tony choàng áo khoác cho Cindy, nàng đứng lại không nói gì thêm.
Trên trời, đàn hải âu đang quấn quít bên nhau để cùng quay lượn vào bờ. Chắc là chúng cũng muốn tìm một nơi nào ấm êm để dừng cánh…?!
Thiên Minh