Chiều tối hôm sau Cúc Thu bỗng nhận được một bưu phẩm được gói rất đẹp từ một địa chỉ nặc danh. Không nói hẳn bạn đọc cũng đoán biết, bên trong gói bưu phẩm chính là chiếc linh vật mà nàng hằng ao ước. Mãi đến tận sau này Cúc Thu vẫn không thể hiểu nổi kẻ đại hào phóng điên rồ nào đã gửi tặng cho nàng món quà vô giá. Một chủ tịch tập đoàn thành viên vốn ngưỡng vọng sắc thiên phú tài ngữ ngôn, hay một tỷ phú dầu mỏ tình cờ quan sát được hứng khởi của nàng đối với linh vật, hay chính khí cụ đã tự chủ động tìm đến, như thiên lý mã leo đèo vượt dốc tìm đến chủ tốt. Dầu sao, điều quan trọng là nàng đã sở hữu được vật quí.
Linh vật được Cúc Thu nâng niu lắm. Thường ngày nàng đặt linh vật lên táp-đờ-nuy màu cẩm thạch kê sát đầu giường, dưới ngọn đèn bàn sang trọng, với hình dáng vươn lên kiêu hãnh trong ánh đèn mờ ảo hắt lên làm nổi bật các nét điêu khắc trạm trổ khiến khí cụ trông thật như một kiệt tác bất hủ thời phục hưng. Mỗi khi sử dụng xong nàng lại nhẹ nhàng lau rửa sạch sẽ và đặt linh vật lại chỗ cũ. Đó quả là một báu vật của đời - như cách gọi của Mạc Ngôn, bởi nó vừa có công năng quan trọng để sử dụng trong nhu cầu sống thường nhật, vừa có giá trị thẩm mỹ và trưng bày tuyệt đích, lại vừa có ý nghĩa lịch sử và văn hoá cao.
2. Đại Đồn
Tạm dừng câu chuyện về Cấn Cúc Thu với linh vật mà nói tới huyện Cơ Lương tỉnh Sơn Tây cách Hà Nội chừng ba mươi dặm về phía tây nam, nơi đây có anh học trò nhà nghèo họ Lâm. Hồi mẹ Lâm mang bầu sinh nở, làng xóm cứ kháo nhau mà đồn đại rằng Lâm không phải con bố Lâm, mà lại là con bố Lâm, khiến bố Lâm cả giận mà đặt tên con là Đại Đồn, mong lấy đó như một lời nhắc nhở bà con lối xóm đừng có đồn đại quá đà, và như một lời cảnh báo xã hội về tật xấu ngồi lê đôi mách vô văn hoá đã có nguy cơ trở thành quốc nạn. Lâm Đại Đồn là anh em dị bào khác cha khác mẹ với Lâm Đại Phì, một danh sĩ đương thời hiện vẫn đang ngọa hổ tàng long trong một Trung tâm đào tạo tin học nhỏ bé, và nghe đâu còn là hậu duệ nhánh thứ hai mươi tám của chị dâu em bà cô họ nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng ở tận bên Trung Quốc.
Lâm thủa bé thông minh sáng dạ, học một biết mười, nhưng phải cái tính nết vô cùng nhút nhát. Từ xa nhác thấy đám đông là Lâm như con thỏ rừng lao ngay vào bụi rậm gần đó mà trốn tránh, mặc cho gai nhọn cắm khắp người . Có người hỏi: "Đông thì vui, cớ sao phải sợ hãi thế?". Lâm không ngần ngại đáp: "Đám đông như hổ dữ, ác tựa giặc bên Ngô, thà rằng chịu gai cắm, còn hơn bị hổ vồ". Đại để bản tính của Lâm là như vậy.
Thói đời vốn ghét của nào trời trao của ấy. Năm mười ba tuổi, phát hiện thấy Lâm có tham vọng tìm cách chứng minh định lý Fi-bô-zit lớn, thầy chủ nhiệm bèn cử chàng ra Hà Nội dự thi học sinh giỏi toán cấp quận. Khi một mình cắp sách ngang qua phố Hàng Bún, Lâm đột nhiên bị một đám lâu nhâu trẻ con quân khu gần đó chạy ra tấn công nhằm trấn lột. Sự sợ hãi mãn tính đã khiến chàng tè ướt sũng cả chiếc quần mẹ mới may. Thấy Lâm khiếp đảm quá, thằng thủ lĩnh đám trẻ mới nảy ra trò đùa ác, hét với đám lâu la: "Đ' hiểu trai hay gái, chưa gì đã vãi đái, bay lột quần nó ra, ta kiểm tra hòn dái!". Bon trẻ ùa vào Lâm, thằng tóm đũng, thằng nắm cạp, thằng giật ống. Lâm nước mắt vòng quanh kinh hãi túm chặt quần, nhưng sức lực một chọi mười mấy quả nhiên không đặng. Đến khi đám trẻ lột được quần Lâm ra thì cũng là lúc chàng miệng sùi bọt mép, mắt mũi tai đều trào máu, nấc khan mấy cái rồi ngã lăn ra ngất lịm trên bãi nước.
Tất nhiên năm đó Lâm không có tên trong danh sách giải nhất giải nhì quận, bởi khi bác xích lô tốt bụng phát hiện ra Lâm đang lâm nạn và đưa chàng đi cấp cứu thì cũng là lúc trống thu bài đã điểm. Lâm lặng lẽ về quê. Cơn sốc tụt quần đã trở thành một vết thương không thể kín miệng ẩn sâu trong tiềm thức, khiến chàng luôn luôn phải cảnh giác đề phòng. Lâm thậm chí không dám cởi quần dài kể cả khi đi ngủ, và cứ mỗi lần ai đó định tụt quần Lâm xuống là chàng lại chống cự quyết liệt, nước mắt chảy ròng ròng.
Lâm Đại Đồn có người chú họ ở Ý đại lợi. Một lần về thăm quê, ông chú bảo Lâm: "Mày có cốt cách tốt, học ở nhà phí đi". Lâm cười: "Nếu con có cơ hội hẳn không làm hổ danh chú". Tốt nghiệp trung học chàng bèn theo ông chú sang Ý học nghề tư pháp. Vốn bản tính thông minh sáng dạ, tư chất lại mẫn tiệp nhạy bén nên Lâm học hành rất tấn tới. Đám bạn đồng học vẫn thường phải qua lại mượn bài vở hoặc hỏi han thêm Lâm về kiến thức chuyên ngành. Ngoài thời gian học văn hoá Lâm còn tham gia đều đặn câu lạc bộ Karate của trường, trình độ đã đến thất đẳng huyền đai.