Bùi Thị Xuân (? – 1802) không rõ năm sinh, quê xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nữ tướng thời Tây Sơn, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu. Thuở nhỏ, học võ với Đô thống Ngô Mạnh. Khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra (1771), Bùi Thị Xuân cùng Trần Quang Diệu gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Năm 1789, tham gia đánh quân xâm lược nhà Thanh ở trận Ngọc Hồi (Thăng Long).
Triều Tây Sơn sụp đổ, Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Ánh, bà theo vua Cảnh Thịnh chạy ra Nghệ An, chỉ huy 5.000 quân chặn đánh kịch liệt quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình). Tháng 2-1802, quân Nguyễn vượt qua Nhật Lệ (Quảng Bình), đánh bại đội quân phòng ngự của Tây Sơn ở đây.
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bỏ Quy Nhơn, theo ngõ thượng đạo ra miền Tây Nghệ An, gặp bà. Hai vợ chồng xuống đến huyện Thanh Chương thì bị quân Nguyễn Ánh bắt đem về Phú Xuân hành hình.
Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De La Bissachère – người có dịp chứng kiến cuộc hành hình – đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: “Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống, nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi voi, con vật mới lấy vòi quặp bà tung lên trời…”.