Đã từ lâu rồi, cư dân Sài Gòn, không kể Bắc, Trung, Nam, lâu ngày bỗng nhiên gặp nhau. Thế rồi tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, cuối cùng phải có sự hỏi han về chính thân phận của nhau:
-Thế nào lâu nay ông làm gì?
Tức là một câu hỏi dành riêng cho công ăn việc làm của anh. Câu trả lời của người hóm hỉnh, thất nghiệp kinh niên rất tiêu cực:
- Làm thinh?
Chỉ một chúi sững sờ, nhưng rồi sẽ hiểu ngay thôi, người bạn được trả lời bèn cười xòa, sự đời cay cú thế đó. Động từ làm thinh được coi như là công việc nghề nghiệp, danh từ. Nghề gì lại là nghề làm thinh. Làm thinh để mà sống. Anh sống thế nào thì mặc kệ anh, sự sống quí giá như thế đấy Ngược lại câu khẩu hiệu mà người dân Sài Gòn nào cũng được nghe từ hơn hai mươi năm trước: Lao động là vinh quang, Lang thang là chết đói. Hai chữ làm thinh phản bác thẳng vào câu khẩu hiệu có tính cách đe dọa kia. Như một câu gắt gỏng quen thuộc của cụ cố trong tác phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Biết rồi khổ lắm nói mãi! Người nhận được câu trả lời chẳng thèm bực mình khi được người bạn trả lời như thế còn lấy làm thú vị khoái trí. Hiểu hoàn cảnh bạn rất rõ, vặn vẹo bạn theo kiểu tam đoạn luận chỉ vô ích mà thôi, chỉ cần hai chữ đã nói lên tất cả, có biết bao nhiêu người làm thinh mà sống mãi. Chẳng chết thằng Tây nào suất cả. Người kia bèn hỏi bạn:
- Còn anh?
- Cũng làm thinh như anh.
- Bậy nào!
- Tôi có là nhà giáo thật, nhưng mất dậy rồi nên vô lương. Hớp không khí mà sống. Chúng ta đồng hội đồng thuyền hiểu nhau quá mà.
Hai nhà trí thức hết thời, đồng nghiệp làm thinh chơi chữ với nhau một lát rồi "giung giăng giung giẻ " dắt nhau đi. Cái lắt léo của ngôn ngữ Việt Nam nó thế đấy!
Tôi tiếc là hai chục năm qua tôi không ghi lại được biết bao nhiêu bài đồng dao, bao nhiêu là từ quái dị, bao nhiêu câu vè câu thơ, những chuyện tiếu lâm thời đại, truyền tụng trong dân gian. Đó là sở trường của người Việt Nam. Chính tôi cũng bị nhiễm những từ ấy mà không biết. Tôi từng dùng hàng ngày. Có thể đột xuất hoặc cố ý. Tôi đã từng trả lời ai đó hỏi tôi làm nghề gì. Tôi trả lời làm thinh cho yên. Cho đỡ sốt ruột, đỡ phải nói quanh co mất thì giờ, sự thành thật là đáng quí: "Báo cáo anh lâu nay tôi làm thinh. ". Thế có phải là ngắn gọn không nào. Con người tôi vốn dĩ đã nhiều sai trái rồi, mà càng nói thì càng sai. Tốt hơn hết dù có không câm cũng nên nói ít đi. Tôi có thú vui riêng của tôi, đời sống riêng, cứ việc tưng tưng giữa cuộc đời.
Tôi đang ở trong cuộc đời mà nhớ Sài Gòn da diết. Nhớ từng góc phố, từng con đường, nhở hình bóng từng người bạn đi qua trong đời tôi. Người tình xa, người tình gần, nhớ tuốt luốt. Người còn sống và người đã chết. Dĩ nhiên phải có giới hạn với tôi, tôi không thù không ghét ai cả. Anh em như thể tay chân. Những kỷ niệm đó giúp tôi có thể viết hồi ký được. Tôi nhạy cảm nên dễ đau xót, khi nghe tin một người bạn tôi ở nơi xa nằm xuống vì chứng bệnh nan y. Mừng vui khi nghe bạn thành công, dù tôi chẳng ăn cái giải gì.
Thời tiết Sài Gòn mùa mưa mùa nắng đều gợi nhớ đến những kỷ niệm, xót xa có, mừng vui cũng có vậy. Nhiều khi tôi lẩn thẩn tự đếm xem những người bạn của mình ở Sài Gòn đã bao nhiêu người nằm xuống bao nhiêu người đã ra đi, bao nhiêu người còn phải bon chen trong đời sống. Mỗi bước chân di chuyển là mỗi kỷ niệm. Những kỷ niệm đó trong sáng thôi, chẳng hại ai, nói chung là vô hại. Mỗi bước chân đi là gợi nhớ dĩ vãng. Bước chân càng chậm chạp càng gợi nhở sâu đậm hơn. Tôi đã có những bước chân như thế trong hai mươi năm qua. Vâng, từng góc phố, từng con đường. Nhớ những người quen, những người bạn, những người thoắt hiện và thoắt biến khỏi cuộc đời, những người đi xa rồi lại trở về
Trong ngày đưa đám Trần Lê Nguyễn, tôi gặp lại họa sĩ Hồ Thành Đức, sau đó gặp lại họa sĩ Bé Ký, vợ anh Đức. Lại có dịp đi lên trung tâm Sài Gòn nghĩ đến chị Bé Ký trên những con đường tôi đã đi qua trước đây. Con đường Tự Do xưa, đường Lê Lợi, hai con đường ở trung tâm thành phố Sài Gòn, khách nước ngoài ở nhiều. Sau những năm di cư 1954. Một hình ảnh đập vào mắt tôi nhiều nhất là hình ảnh nữ họa sĩ Bé Ký. Khi ấy chị chưa được gọi là họa sĩ mà chỉ là một thiếu nữ còn ít tuổi, sống bằng nghề bán tranh, những bức tranh "hàng chợ", cũng vẽ trên lụa trên nhung, bàng phấn tiên hay sơn dầu, nhưng quả thật không mấy có tính cách nghệ thuật. Những đường nét vụng về của các tay thợ vẽ vẽ cảnh chiều tà, con đò lênh đênh giữa dòng. Mái tranh nghèo tỏa khói lam có mục đông cưới trâu trở về làng, cánh đồng và cánh cò bay, đại khái như thế, v.v...và v. v....
Bé Ký ngày đó còn rất trẻ, có lẽ tuổi chỉ trên dưới hai mươi, nhưng người chị nhỏ bé, tóc bỏ xõa, quần áo bà ba giản dị, tay ôm xấp tranh đi bán dạo trên những đường phố quen thuộc. Chị trông thật đơn giản, như những cô gái bán tranh, bán đồ lưu niệm khác ở Sài Gòn thuở ấy. Thu nhập kinh tế chắc cũng không nhiều. Nhưng những ghi nhận của chị trên đường phố chắc hẳn phải phong phú lắm cho sự nghiệp hội họa của chị sau này. Tôi là người yêu hội họa, đã từng mơ ước đeo đuổi hội họa, nhưng không thành công, nên không dám lạm bàn sâu. Ngắm tranh của Bé Ký chỉ biết tranh chị đẹp, đường nét đơn sơ và rất sống động, gần gũi với những cảnh diễn ra hằng ngày trên đường phố. Một chút đòi thường được ghi nhận qua hội họa, mà ai cũng nhìn ra ngay qua tranh của chị.
Tôi chưa từng biết tên thật của chị, cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi chỉ biết họa sĩ Bé Ký chính là cô gái bán tranh dạo trên đường phố. Lần đầu tiên tôi xem chị triển lãm tranh ở Alliance Francaise. Bé Ký, nữ họa sĩ Bé Ký. Vẫn con người đơn giản như thế, có hơn chút xíu chăng là chiếc áo dài Việt Nam, một chút phấn thoa mặt, khi chị đứng ở phòng triển lãm cùng với quan khách, người xem tranh. Báo chí khi đó nói về tài năng hội họa của chị nhiều, như một hiện tượng. Tôi chỉ nhớ được chừng đó thôi, thành ra nói về chị cũng thật đơn giản. Tôi không thể có cái sâu sắc của người trong nghề hay chú tâm theo dõi, nghiên cứu. Một thời gian sau, tôi nghe tin chị Bé Ký và họa sĩ Hồ Thành Đức kết hôn, tấm thiệp hồng của đôi vợ chồng ấy chỉ có tên họa sĩ này tự thành hôn với họa sĩ kia, không có tên bố mẹ, hoặc bậc bề trên nào của hai người làm chủ hôn. Thật đơn giản hơi có chút sách mé của người nghệ sĩ.
Thời tôi làm xuất bản ở Sài Gòn, đúng ra là tự in lấy sách của mình. Tôi đến nhà đôi vợ chồng Bé Ký, Hồ Thành Đức nhờ vẽ bìa. Căn nhà đó tôi nhớ là trong con hẻm đường Trường Tấn Bửu, nhà cửa còn lụp xụp lẩm. Cũng là xưởng vẽ của vợ chồng Hồ Thành Đức - Bé Ký. Chị luôn luôn say mê với nghiệp hội họa của mình. Tôi nhớ câu chị nói:
- Tôi nhìn đâu cũng thấy những đường nét biến thành những bức tranh, miếng giẻ rách vứt ở cuối nhà kia hoặc khoảng vôi quét nham nhở trên tường tôi cũng nhìn thấy có những đường nét của một bức tranh. Tôi muốn vẽ, nó có hình tượng...
Bây giờ tôi nhớ và ghi lại những lời này, tôi tin rằng mình không nhớ sai.
Sau 30-4-75, tôi gặp lại vợ chồng Hồ Thành Đức, Bé Ký. Tôi lại đến thăm vợ chồng nhà ấy, nhưng ở một căn nhà khác trên đường Phan Thanh Giản cũ ở Dakao, nay là đường Điện Biên Phủ. Vẫn là để xem những bức họa và hỏi thăm nhau.
Khi ấy vợ chồng Hồ Thành Đức mới đi thăm miền Bắc về. Chị Bé Ký vẽ một bức tranh thật to rộng, có lẽ bức phác họa cho tranh sơn mài. Tôi nhớ nội dung bức tranh là đám cưới ở thôn quê Việt Nam thuở xa xưa. Có những đứa trẻ tóc để trái đào giăng dây ngang đường cô dâu chú rể đi qua. Tinh thần phong tục rất Việt Nam, có chút phiền nhiễu đó, nhưng chẳng ai buồn lòng. Cái phiền nhiễu cần có trong tình nghĩa lứa đôi tôi nhìn thấy nụ cười ở cô dâu chú rể và tất cả mọi người. Ngọt ngào như khi đọc một bài về phong tục Việt Nam của Toan ánh. Vì là bức phác họa nên chưa có màu sắc. Khi có màu sắc rồi tôi nghĩ cũng rất đơn giản như những bức tranh khác của chị đã từng sáng tác.
Nói về tranh Bé Ký, tôi hoàn toàn nói trong trí nhớ từ hơn hai mươi năm trước, thực tình cho đến nay tôi chưa được xem thêm một bức tranh nào của người họa sĩ đường phố ấy. Hai vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức - Bé Ký lên đường sang Hoa Kỳ rồi.
Tôi gặp lại họ trước ngày lên đường được một buổi, không có dịp hàn huyên nhiều. Tôi chỉ biết chúc các bạn tôi thành công trong nghiệp hội họa. Khối người mơ ước trong ngành nghề mình từng đeo đuổi mà không được thành công đấy. Sự xót xa ấy mới cay đắng làm sao. Biết nói gì đây, coi như không nói gì hết, làm thinh. Nhưng khổ lắm, tôi làm sao làm thinh được
Tôi còn thấy quá nhiều, quá nhiều kỷ niệm chưa nói tới, ở thân phận tôi, thân phận bằng hữu ở khắp mọi nơi, những người bạn đã nằm xuống trên quê hương mà số phận đã an bài, ở ngay trong thành phố này. Những người vẫn còn sống, họ sống thế nào, ra sao? Tôi biết khá rõ đấy ở từng góc phố, từng con đường. Ra khỏi nhà là gặp dĩ vãng, gặp kỷ niệm, ai cũng vậy cả thôi chẳng riêng mình tôi. Chỉ khác nhau là làm thinh và không làm thinh thôi.
Thú vui của người lớn tuổi là nhớ lại kỷ niệm, dĩ vãng. Tôi cũng vậy và còn bày đặt viết hồi ký, dù tôi chẳng là cái thá gì, cũng chẳng một chút mưu đồ gì. Chiếc xe đạp và chiếc xe solex vẫn cứ đưa tôi đi. Tốc lực càng chậm tôi càng nhớ nhiều. Kìa, tôi nhìn thấy hình ảnh đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh. Cơn khùng điên bất thường của thi sĩ Bùi Giáng trên đường phố. Những người đó đã nầm xuống rồi.
Quán rượu Mười Hai Bến Nước ở đường Trương Minh Giảng, bạn tôi, nhà văn Dương Hùng Cường ngồi ngất ngưởng ly rượu thuốc khề khà chuyện trời đất. Anh đã "đút bóng " trong nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu, tức Chi Lăng xưa. ở góc đường Ngô Quyền, Vĩnh Viễn miệt Chợ Lớn kia, nhà văn Lê Xuyên đã ngồi bán thuốc lá lẻ suốt hai mươi năm trời. Người ta đã quên anh, nhưng cũng có người chưa quên anh.
Khi gặp anh, anh nói với tôi được một câu, nghe mà chán chường:
- Gặp cậu, tớ mới nhớ ra mình là Lê Xuyên. Nhớ anh em gọi mình là chú Tư Cầu.
Tôi đã toan ngừng viết hồi ký sau hai tập hồi ký đã viết rồi. Nhưng tôi như cái xe bị đứt thắng cứ tuồn tuột trôi đi, lại đang đổ dốc, con dốc dài...
Ngày mai tôi đi xe đò lên Bảo Lộc, thăm bạn thi sĩ Tú Kều. Tôi ngồi trước người bạn bị bệnh quên, bệnh Alzheimer, đến độ không còn nhớ mình là ai. Nhưng có điều duy nhất anh không quên anh là thi sĩ. Theo như chị Phượng, vợ anh, nói lại như thế.
Đó là điều mừng, tôi phải tới thăm anh xem thực hư ra sao. Buổi tiếp xúc này tôi phải đế ngấu trong tôi, lên men rồi tôi mới viết được.