Bước vào năm 1988 này, có hai sự kiện làm cho tôi phải có những thay đổi mạnh mẽ trong cảm súc và sáng tác.
Trước hết, tôi luôn luôn cho rằng chiến tranh lạnh xẩy ra giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản là đầu dây mối rợ của cuộc chia đôi nước Việt Nam và là mầm mống của chiến tranh hay hoà bình giữa hai miền đất nước. Cho tới năm 1988 này, khối Cộng Sản đã tỏ ra thua cuộc trong cuộc chiến tranh lạnh đó rồi ! Sự thất bại về nông nghiệp và gia cư cùng với cuộc chiến tranh A Phú Hãn đã khiến cho Nga Sô kiệt quệ và làm cho ông trùm đỏ Gorbachef thấy rằng bây giờ mà không chấm dứt cuộc thi đua vũ khí với Hoa Kỳ... không cải tổ và cởi mở (glasnost) thì chết ! Chiến tranh lạnh đã tới lúc phải cáo chung.
Hãy ôn lại lịch sử của cuộc chiến tranh lạnh dài gần 50 năm này và nhìn vào sự chi phối của nó đối với Việt Nam :
Thế Quốc Cộng đã có từ 1943 và ngay khi cuộc Thế Chiến Hai chưa tới hồi kết thúc, trong hai hội nghị Yalta và Postdam (1945) để chia vùng ảnh hưởng, các cường quốc - đúng hơn là hai phe Tư Bản và Cộng Sản - đã đồng ý với nhau, chia hai nước Cao Ly và Việt Nam ra làm đôi - và sau đó là sự chia bốn của thủ đô Berlin, Đức Quốc.
Chia vùng ra để cai trị thế giới, nhưng đế quốc đỏ không lúc nào bỏ ý đồ bành chướng, còn đế quốc xanh thì phải luôn luôn đề phòng, chống giữ cho nên cả hai đều duy trì và phát triển bộ máy chiến tranh. Nhưng cả hai đều không muốn có chiến tranh, vì nếu Thế Chiến Ba xẩy ra thì vũ khí nguyên tử mà hai bên đem ra sử dụng, sẽ tiêu diệt loài người.
Rồi vì đã không muốn có chiến tranh nóng thì phải làm cuộc chiến tranh lạnh. Chiến tranh này cũng chia ra nhiều thời kỳ lạnh và nóng :
- Từ 1945 cho tới 1954, nó còn là chiến tranh nóng với việc trở lại thuộc địa ở Đông Dương cũ của Thực Dân Pháp, cụ thể là cuộc chiến tranh mà sử gia thường gọi là The First Vietnam War.
- Từ 1954 tới 1960, sau khi Hội Nghị Geneva bắt cuộc chiến tranh Việt-Pháp phải chấm dứt, hai phe Nga-Mỹ lại trở về cuộc chiến tranh lạnh, nước Việt Nam - lúc đó đã bị chia hai - được khá yên ổn trong một thời gian 4, 5 năm...
- Từ 1961 tới 1968, sau khi Mỹ ngăn không cho Nga đem hoả tiễn vào Cuba thì chiến tranh nóng hẳn lên, Việt Nam lại là nơi thử thách. Mỹ leo thang chiến tranh, đổ bộ vào Đà Nẵng cho tới sau Tết Mậu Thân, 1968, mới chuẩn bị xuống thang dần dần. Mỹ vào Việt Nam làm gì, nếu không phải là để bao vây Trung Cộng ? The Second Vietnam War do đó phải có.
- Từ 1969 trở đi là cuộc xuống thang chiến tranh của Mỹ, sau khi khối Cộng đã bị chia đôi vì Trung Cộng và Nga Sô đánh nhau ở biên giới (1970) cho tới ngày Nga Sô (1990) suy sụp vì kinh tế sau suốt 4 thời kỳ thi đua võ khí với Mỹ mà phải hoàn toàn thay đổi chế độ.
Mặt khác, sau khi Kissinger dàn xếp được cuộc gặp gỡ Mao-Nixon, Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Có thể nói rằng Mỹ đã thua trận ở Việt Nam nhưng vào lúc này, khối Cộng Sản đã yếu đi vì có sự chia rẽ trầm trọng giữa hai nước Nga Sô và Trung Cộng. Cuối cùng khi các chế độ ở Nga Sô và Đông Âu tan rã thì cuộc chiến tranh lạnh sẽ kết thúc với phần thắng về phe Tư Bản.
Nhưng ở Việt Nam, sau khi Mỹ rút hết quân, vào năm 1975, phần thua lại về phe quốc gia. Rồi 15 năm sau, khi chiến tranh lạnh trên thế giới hoàn toàn kết thúc thì chiến tranh lạnh (hay nội chiến lạnh ?) sẽ vẫn cứ còn ở Việt Nam khi con số hai triệu người Việt tản cư ra nước ngoài, trở thành đối trọng với một Việt Nam (dù sao cũng là) chính quốc...
Việc thứ hai làm tôi thay đổi tâm lý là vì cuộc di cư (exodus) của người Việt Nam đã tới một giai đoạn mới. Hãy nhìn vào tiến trình từ đầu của cuộc di cư này cho tới nay :
- Từ 1975 cho tới 1979, trong đợt đầu của cuộc di tản, 120.000 người Việt đột khởi ra đi, đa số là thị dân và trí thức được Âu hóa không ít thì nhiều. Họ là những người tốt số nhất trong toàn thể nạn nhân của cuộc chiến tranh nóng và lạnh do hai đế quốc đem vào thực nghiệm ở Việt Nam. Không ai trong họ hiểu biết kỹ càng về một chế độ làm cho họ phải di cư, nhưng ai cũng sợ Cộng Sản và đều thấy mình là những người may mắn được đem đi tị nạn. Trong những năm đầu, họ còn rất lưu luyến với Việt Nam nhưng khi đã an cư lạc nghiệp, con cái thành tài và thành nhân, tuổi họ cao dần... thì họ ít băn khoăn, ít ưu tư về những gì xẩy ra nơi cố quốc. Khi Việt Nam bị thảm bại về kinh tế mà phải đi vào thị trường tự do với chính sách cởi mở thì họ là thành phần về thăm quê cũ trước tiên và nhiều nhất.
- Từ 1979 tới 1985, là cuộc ra đi của những thuyền nhân. Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Cộng đã khiến cho chính quyền Hà Nội muốn trục xuất những người Việt gốc Hoa ra khỏi Việt Nam. Nhà Nước bèn khuyến khích hay cưỡng chế họ ra đi sau khi đóng tiền cho cán bộ. Đợt người tị nạn bằng thuyền này nên được gọi là thuyền nhân có tổ chức. Còn có thêm con số khổng lồ của những thuyền nhân bột phát là những người, từ 1975, đã tìm đủ mọi cách để ra khỏi Việt Nam, lợi dụng cuộc ra đi của người Việt gốc Hoa để vượt biên, tị nạn. Đó là những người đã sống 4, 5 năm dưới chế độ Cộng Sản, với thành phần xã hội khá phức tạp, không thuần nhất như đợt di tản đầu tiên.
- Từ 1985 tới 1992, là chương trình ODP với diện con lai và đoàn tụ gia đình.
- Từ 1992 trở đi là sự xuất cảnh của những người đi theo diện HO. Đây là thành phần mang trong lòng sự căm thù Cộng Sản dữ dội nhất vì đa số đã bị giam giữ quá lâu trong các trại cảo tạo.
Là người nghệ sĩ mà cha mẹ sinh ra rồi ban phát ngay cho một cảm tính là rất nhạy cảm... trong quá trình sáng tác, do trực giác nhanh nhẹn, tôi dễ dàng bị rung động bởi bất cứ một biến cố to nhỏ nào và đem ngay trực giác đó vào cảm giác. Tôi phát triển tâm ảnh đó bằng cách soạn ra, trước hết là những đoản khúc rồi tới những chương khúc với nhiều bài, thường là 10 bài - theo tôi, con số 10 là toàn vẹn nhất - như Mười Bài Tâm Ca, Mười Bài Tục Ca, Mười Bài Đạo Ca, Mười Bài Bé Ca, Mười Bài Nữ Ca v.v...
Sau khi phát triển xong một đề tài nào rồi thì nó được giải phóng ra khỏi tâm trí tôi ngay. Đó là cái chìa khoá để tôi mở ra những chu kỳ sáng tác. Nó cắt nghĩa vì sao tôi luôn luôn thay đổi cảm hứng và đề tài, tôi hay phản bác lại chính tôi (theo nhận định của nhà phê bình Đặng Tiến). Cũng vì vậy, ít khi tôi mang nhiều lưu luyến với những tác phẩm cũ rích, đôi khi có người tốt bụng nhắc lại những bài hát xa xưa với lời khen tặng thì miệng tôi nồng nàn cám ơn nhưng lòng tôi lại rất dửng dưng. Từ lâu rồi, tôi là người nuôi tính dễ quên : cái gì đã qua, cho đi qua luôn !
Bây giờ nói tới chuyện thay đổi trong tôi.
Cuộc đời đã đẩy đưa tôi tới sống tại Thị Trấn Giữa Đàng đúng 12 năm rồi. Vào năm 1988 này, sau hai năm ngồi thanh toán 10 năm sáng tác để in ra nhạc tập Thấm Thoát Mười Năm và ngồi thu xếp lại cái gọi là sự nghiệp - cho tới nay sấp sỉ là - 500 hay 700 ca khúc để in ra tập Ngàn Lời Ca... tôi nhìn ra cuộc đời đã có nhiều thay đổi, tôi nhìn vào bản thân mình, nhờ có sự tổng kết cái gọi là sự nghiệp. tôi thấy rằng nếu tôi đã có loại :
a) nhạc hứng khởi của thời kháng chiến hứng khởi và oai hùng,
Nếu có thêm :
b) nhạc xưng tụng quê hương dân tộc ngọt ngào và hàn gắn của thời Việt Nam bị phân chia hai miền...
Thì tôi cũng có những :
c) bài ca ai oán, uất hận hay những bài hát ảo ảnh quê hương trong hơn 10 năm sống đời di cư mê sảng, lưu vong tủi nhục. Trước những biến chuyển của lịch sử, nếu tôi còn muốn tiếp tục làm người hát rong thì từ nay trở đi tôi phải làm cái gì khác.
Lúc này, nhìn vào thế giới, đối với tôi, cuộc chiến tranh lạnh đã sắp tàn, tôi biết trước rằng Nga Sô sẽ phải thay đổi, tôi đoán già đoán non là Việt Nam cũng sẽ phải đổi thay.
Còn nhìn vào người Việt hải ngoại, tôi thấy nhạc Việt Nam, dù là loại nhạc đứng đắn với đề tài quê hương vang bóng một thời hay quê hương một thời đau khổ... chỉ còn làm cho một số ít người rung động. Trong đa số người bỏ nước ra đi, sau 10 năm bị cắt đứt với quê cũ hay sống rời rạc nơi quê mới, mối dây liên lạc giữa người ra đi và đất nước, giữa đồng hương với nhau không còn chặt chẽ như xưa nữa.
Nhạc quê hương dân tộc soạn ra bây giờ giống như chuyện khôi hài của một anh hề. Đã nhiều lúc tôi chua sót trong lòng khi tiếp bạn bè hay khách lạ, trong câu chuyện tầm phơ hay thân tình ở hải ngoại, có ai đó thốt ra bốn chữ tình nghĩa lưu vong, thì đối với tôi, dù thấy nó là vô nghĩa đấy nhưng nó lại thật nhiều ý nghĩa !
Như đã nói ở một chương trước, nghề phát hành băng nhạc hiện giờ nằm trong tay những ông hay bà chủ nhân chỉ chú trọng đến thương mại hơn là văn hóa, văn nghệ. Nhạc được phổ biến mạnh mẽ ở hải ngoại đã mất dần tính chất quốc gia, dân tộc để chỉ còn là nhạc lai căng, nhạc kích động. Âm nhạc không đánh vào con tim hay khối óc nữa mà chỉ đánh vào bản năng, vào thú tính của con người.
Tôi còn thấy rõ ràng là thế hệ thứ hai (second generation) - đặc biệt là ở Hoa Kỳ - tức là lớp tuổi hai mươi, coi nhạc Việt là một sản phẩm văn hoá rất xa lạ. Chúng không như các bậc cha mẹ để có ít nhiều kỷ niệm êm đềm hay xót xa về nước Việt Nam cả. Và ngay cả cha mẹ chúng cũng còn muốn quên dĩ vãng nữa là...
Tôi đã nói : trước những biến chuyển của lịch sử, nếu tôi còn muốn tiếp tục làm người hát rong thì từ nay trở đi tôi phải làm cái gì khác. Làm cái gì bây giờ ? ? ?
Thế rồi trong vài chuyến đi chơi ở Cựu Kim Sơn vào đầu năm 1988, tôi bỗng nhìn thấy chỉ còn 12 năm nữa là tới thế kỷ thứ 21. Tôi bèn nghĩ ngay tới việc soạn ra những bài hát cho năm 2000. Chọn đề tài này, tôi không còn chạy theo cái nhất thời mà đi tìm cái vĩnh cửu. Dù rằng trước đây những xu hướng trở về nội tâm cũng đã ló ra trong những bài hát soạn cho ngoại vật. Từ nay trở đi, đối với tôi, có lẽ tôi phải bỏ quên các loại nhạc tình cảm và nhạc xã hội để đi tới nhạc tâm linh.
Tôi lại làm công việc soạn đủ 10 bài cho một thứ chương khúc nữa, bây giờ được gọi là Mười Bài Rong Ca với đầu đề Người Tình Già Trên Đầu Non hay là Hát Cho Năm 2000.
Khi tung ra Mười Bài Rong Ca, vì muốn nó mang tính chất nhạc không gian cho nên tôi và con tôi là Duy Cường thử đi theo trường phái nhạc new age, sử dụng nhạc electro-acoustic để diễn tả nhạc vũ trụ (cosmic).
New Age Music là gì ? Trước hết, tôi thấy nó rất phù hợp với nhạc ngũ cung, nghĩa là rất phù hợp với lối soạn nhạc của tôi. Còn theo tự điển thì nhạc new age xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 80, dùng nhạc cổ Á Đông với nhiều tùy hứng (improvisations) trong giai điệu, nhưng không chú ý tới tiết điệu. Giai điệu phần nhiều là êm ả, chậm và buồn... với hoà âm dễ nghe, thỉnh thoảng dùng luôn cả những tiếng động thật như tiếng sóng vỗ, tiếng chim hải âu v.v... Trong việc phối khí, người ta hay dùng đàn synthesiser với nhiều tiếng vang. Câu nhạc thường được lập lại (répetition), tạo cho người nghe một cảm xúc u buồn tê tái, rối dần dần biến mất. Những người tiên phong trong nhạc new age là : Deuter, Kitaro, Harold Budd... Đây là loại nhạc suy tư (méditatif), có vẻ như lạc trong không gian (perdu dans l espace), nghe gần giống như loại nhạc huyễn ảo (psychedelique) của thời 60. Nghiên cứu một cách kỹ càng hơn, ta thấy nhạc new age đứng giữa nhạc cổ điển và nhạc rock, giữa nhạc dân tộc và nhạc jazz, giữa nhạc Phương Đông và Phương Tây, giữa nhạc tự nhiên và nhạc điện tử.
Ở đầu chương, tôi đã nói tới sự thanh toán trong tôi, trong tư duy và trong sáng tác, khi nhìn vào thế sự và nhất là vào vấn đề Việt Nam, khi cuộc chiến tranh lạnh ở trên thế giới đã tàn.
Tôi bèn thử dùng chương trình nhạc soạn theo trường phái thời mới này để thanh toán tất cả những lỗi lầm của thế kỷ 20 sắp qua ngõ hầu thênh thang bước vào thế kỷ 21 đang tới.
Mười Bài Rong Ca là sự tái nhập thế hay tái hạ sơn của Người Tình Già Trên Đầu Non; là sự hứa hẹn gặp lại cố nhân trong tình khúc Hẹn Em Năm 2000; là việc nhặt xác thời qua, với bài Mộ Phần Thế Kỷ, vùi sâu lấp kín nó đi để làm phân bón cho hoa cỏ tốt tươi mọc lên trong bách niên tới; là sự giải hoá các chuyện mù, câm, điếc (hay giả mù, giả câm, giả điếc) trong thế kỷ qua bằng Ngụ Ngôn Mùa Xuân; đặt vấn đề nuôi dạy các bà Mẹ Việt Nam tương lai cho thế kỷ mới trong Mẹ Năm 2000, dành chút nắng chiều của đời mình trong buổi hoàng hôn của thế kỷ cho cuộc tình sẽ hoá sinh trong tình khúc Nắng Chiều Rực Rỡ...
Rong Ca còn bao hàm các mối quan hệ giữa Người với Trời (Phật, Chúa), giữa Người với cõi Không (Lão), giữa Người với Người (Khổng) trong xã hội (Chính Trị), giữa Người với Thiên Nhiên, Vạn Vật (Trang) với những bài Nghìn Thu hay Vô Hư, Ngựa Hồng và Trăng Già. Cuối cùng tôi ôn lại đời mình rồi sẵn sàng giã từ trái đất để đi vào cõi lớn với bài Rong Khúc.
Phải kể ra đây phần đóng góp rất lớn của con tôi, Duy Cường, vào lúc này, đã thạo dùng máy vi tính để làm công việc hoà âm phối khí và để áp dụng vào sự chuyển hoá đầu tiên của tôi ở hải ngoại là Mười Bài Rong Ca. Sau đó là những công trình khác mang tính chất nhạc đa điệu (polyphonic) như Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ và Hồi Xứ, Mười Bài Thiền Ca Trường Ca Hàn Mặc Tử, và nhất là những bức Minh Hoạ Truyện Kiều.
Tôi hân hạnh được Đài VOA giới thiệu ngay chương khúc Mười Bài Rong Ca, sau khi vừa soạn xong nhạc phẩm này. Bài do Bùi Bảo Trúc viết :
Việc đem hình ảnh con tằm nhả tơ ví với cuộc đời nghệ sĩ đã trở thành quá nhàm và có lẽ không còn ai muốn dùng lối so sánh đó nữa. Nhưng ở trường hợp Phạm Duy, với những bài hát mới nhất của ông được viết ra sau sinh nhật thứ 65, ở cái tuổi ông có thể ung dung nhìn lại những việc làm trong đời, thảnh thơi nhớ lại những đóng góp của ông cho đời, cho mấy thế hệ người Việt, cho quê hương đất nước, Phạm Duy vẫn lại ngồi xuống với cây đàn để viết thêm 10 ca khúc mới, không phải về những năm tháng cũ, mà cho một thế hệ mới khác, cho một thế kỷ sắp bắt đầu, thì người ta không thể không nghĩ tới con tằm trong thơ Lý Thương †n, trong Kiều của Nguyễn Du, con tằm đến thác vẫn còn vương tơ để nói về người nhạc sĩ với mái tóc bạc trắng mà trái tim vẫn còn đầy tuổi trẻ đó.
Phạm Duy, người tình nhân của nhiều thế hệ, đã viết về hình ảnh của một người tình già trên đỉnh non cao, ngó những đám mây buồn bã, những tảng tuyết lớn đã tan trên đôi vai, nhìn hoàng hôn thoi thóp, bỗng nghe tiếng gọi của người yêu dấu vọng lên từ dưới thế gian. Người tình già bỏ đỉnh non cao, đi xuống gặp người yêu cũ để sống lại bốn mùa của cuộc đời và hẹn nhau cứ sau một thế kỷ lại cùng tái sinh. Nhưng thông điệp của bài HOÁ SINH là sự trở về cội nguồn của những chiếc lá chết lại không quan trọng bằng việc làm thế nào những nụ hoa vẫn nở trên những cành khô. Những người của thế kỷ 20 sắp chấm dứt là những lá khô sắp rơi rụng, và người tình của thế kỷ thứ 21 là những nụ hoa đang hé.
Bài rong ca đầu tiên đưa ra hình ảnh một người tình già đứng trên đỉnh núi hoàng hôn chợt nghe thấy tiếng EM từ dưới thế gian vọng lên vời vợi. EM đây là một người tình có thật hay là một người tình tưởng tượng. Cũng có thể là M‰ VIET NAM chăng ? Người tình lững thững xuống núi để gặp Nàng, cùng Nàng sống lại bốn mùa của một cuộc đời và bốn mùa của một cuộc tình. Rồi hẹn nhau sẽ cứ sau một trăm năm lại tái sinh.
Người Tình Già Trên Đầu Non
(Hoá Sinh)
(Cựu Kim Sơn-Tháng Giêng 88)
Người tình già trên đầu non
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn
Giữa đám mây xanh xao chập chờn
Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Người tình già trên đỉnh khơi
Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng dưới thế gian mông mênh vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi.
Điệp Khúc
Người tình già trong lẻ loi
Có nhớ thương.... ai ?
Người tình già nghe lời kêu
Lững thững đi trên con đường chiều
Xuống lũng sâu, leo qua ngọn đèo
Về một miền phơn phớt cỏ nâu
Người tình còn nhớ tuổi son
Cúi xuống hôn bông hoa thật gần
Nghe suối vẫn reo trong hang rì rầm
Người tưởng nghe tiếng em thì thầm...
Điệp Khúc
Đợi người tình đã từ lâu
Vẫn khát khao... nhau
Người từng là nắng mùa Xuân
Đã dắt em đi trên đường trần
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm
Rồi lạnh lùng Thu đến... lìa em
Người trở thành cây mùa Đông
Lá úa rơi vun cao cội nguồn
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần
Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn
Điệp Khúc
Người tình vào cuộc tử sinh
Sống chết lung... linh.
Thành người tình đang trẻ ngây
Sẽ đứng lên mê say từng ngày
Cất bước Xuân đi qua Hạ dài,
Người hẹn người leo thế kỷ chơi
Một đời người trong tầm tay
Sống với nhau hơn ba vạn ngày
Xin cố gắng nuôi sao cho tình đầy
Chẳng vì Thu với Đông, ngần ngại
Điệp Khúc
Và người tình ngoảnh về non
Hát khúc Xuân... sang.
CODA
Rồi hẹn rằng sẽ về thăm
Lúc đã trăm... năm
Và người tình sẽ từ khơi
Xuống núi vui... chơi
Rồi lại từng thế kỷ sau
Cứ hoá sinh... theo.
Bài ca thứ hai trong loạt 10 bài Rong Ca nói về thân phận nước Việt trong 100 năm qua, với nửa đầu thế kỷ đầy hy sinh, đấu tranh cho độc lập, tự do, nửa sau tưởng được sống yên vui nhưng những chia rẽ, oán thù đã đầy đọa người dân Việt ở cả hai miền, khiến hạnh phúc và tình yêu vẫn còn ở quá xa tay người. Bài hát có tựa là H‰N EM NĂM 2000 với những câu kết : Được gọi tên thế kỷ nào đây ? Trăm năm tình ái hay trăm năm ngậm ngùi ? ... như một dấu hỏi lớn của thắc mắc liệu một trăm năm lầm lỗi sắp qua có thể là bài học tốt cho trăm năm sắp tới của chúng ta hay không ?
Hẹn Em Năm 2000
(CaLi nắng ấm, 1988)
Hẹn em nhé, năm 2000 sẽ
Hai bên cửa hé, cho anh trở về
Từ ngày đi, theo cuộc tỉnh mê
Trăm năm nhỏ bé, trăm năm bộn bề
Hẹn em nhé
Kể chuyện nghe, những thoáng chia ly
Ngày xưa đó, chia tay vội vã
Trăm năm rộn rã, say sưa một mùa
Nào ngờ đâu, trong cuộc được thua
Trăm năm vật vã, trăm năm hận thù
Đời băng giá
Thì tình ta cũng thoáng như mơ
Thời tìm tự do, nửa đời sương gió
Nên mau tóc ngà, con tim sớm già
Một nửa đời sau, tưởng là châu báu
Nhưng xương máu nhiều, bao vây sớm chiều
Còn gì đâu cho một tình yêu
Còn gì nhau cho một đời sau.
Hẹn nhau sẽ nâng niu ngày tới
Năm 2000 với trăm năm thật dài
Được gọi tên : thế kỷ nào đây ?
Trăm năm tình ái hay trăm ngậm ngùi ?
Hỏi em nhé :
Cuộc tình ta mãi mãi đơn côi
Hay cuộc tình đôi mãi mãi yên vui ?
Bài thứ ba cũng được viết bằng thể ballade kể lể có nhan đề : M‰ NĂM 2000. Mẹ Việt Nam của năm 2000 là những em gái sống trong cảnh khốn cùng trong nước, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành, thiếu tình thương, thiếu tương lai là những em gái sống lạc loài trên khắp năm châu, thay tên đổi họ, quên tiếng nói quê hương. Bài hát hỏi chúng ta phải làm gì để cứu những người mẹ Việt Nam của những năm 2.000 sắp tới ? 1
Mẹ Năm 2000
(Cựu Kim Sơn-Tháng Hai, năm 88)
Mẹ đâu còn là Mẹ Ta xưa đó
Là Tiên của Rồng, Mẹ Chúa Âu Cơ
Mẹ Tô hoá đá hay Mẹ Châu Long
Cứu nước thù chồng, Mẹ, đấng anh hùng
Mẹ không còn là Mẹ trong tranh vẽ
Hiện thân Phật Bà, Mẹ Đức Maria
Mẹ nuôi chiến sĩ hay Mẹ Phù Sa
Cuối thế kỷ này, Mẹ mới lên ba
Mẹ bây giờ là trẻ thơ, em gái
Thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học hành
Đời thiếu an ninh, tình yêu cũng thiếu
Mở mắt nhìn nhau, chẳng thấy mai sau
Mẹ bây giờ ở miền quê oan trái
Trẻ thơ vào đời chỉ thấy đơn côi
Tuổi xanh hung dữ nên tuổi mau phai
Cuối thế kỷ này, Mẹ đã lên mười
Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới
Việt Nam là gì, giảng nghĩa cho coi
Mẹ quên tiếng nói, tên họ đổi thay
Cuối thế kỷ này, Mẹ sẽ hai mươi
Mẹ đang trên bờ vực sâu tăm tối
Bước đi có thể về phía suy đồi
Nhìn kỹ đi coi : Một trăm năm tới
Mẹ nước Việt Nam : Vượt mãi ? Hay lui ?
Trẻ thơ là Mẹ cuộc đời đang tới
Việt Nam ngày nào rạng rỡ, yên vui
Nhờ trong quá khứ, có Mẹ lên ngôi
Thắm thiết tình người, gửi tới nhân loại
Nào ai đang nhìn Mẹ Ta hấp hối
Mẹ đau, Mẹ nghèo, Mẹ yếu, không vui
Nhìn nhau bối rối, ta cùng hối lỗi
Xúm xít lại rồi, giải cứu cho Người
CODA
Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới
Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai
Sinh con anh hùng, người hiền nhân ái ?
Hay sinh kẻ hèn, bạo chúa vô loài ?
Bài thứ tư có tựa là MỘ PHẦN THẾ Kỷ, người viết muốn lên đường đi nhặt những xác của thời qua để chôn đi cùng với những đớn đau của thế kỷ này, chôn đi các chủ nghĩa, các ác chúa đang được ướp xác trong những nhà mồ để trên ngôi mộ của thế kỷ, người ta sẽ nghe tiếng đàn trẻ nhỏ hát vui trên lưng trâu bên những nụ hoa thơm ngát.
Mộ Phần Thế Kỷ
(Thị Trấn Giữa Đàng - 1988)
Người đi trong mùa Đông
Lòng bâng khuâng như làn sương
Theo người phu đi dọn xác chiến trường
Người phu sau thời gian
Một trăm năm đã gần xong
Anh bình tâm đi lượm xác trên đường
Những xác úa một thời
Có bóng dáng triệu người
Phiêu diêu nơi Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai
Hết Thế Chiến, lại là
Anh em trong một nhà
Lấy chém giết để giải hoà trong quốc gia
Người đi trong mùa Đông
Đội khăn tang, mang tình thương
Theo người phu đi đào lỗ bên tường
Người phu trong chiều buông
Lòng hân hoan, chôn mộ xong,
Nghe mùa Xuân đang rộn rã tới gần
Điệp Khúc
Nghe bên nấm mồ
Có tiếng đàn trẻ nhỏ
Lưng trâu bé ngồi
Đang cùng nhau hát chơi
Mai đây, nấm mồ
Một nụ vàng sẽ hé
- Hoa ơi, tên gì ?
Có phải hoa hướng dương ?
Vùi sâu trong mộ chung
Hoặc vùi nông trong mộ hoang
Anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường
Vùi chôn bao lầm than
Một trăm năm, bao trẻ em
Mang bộ xương, theo Thần Đói lên đường
Những ác chúa từng miền
Những xác ướp bạo quyền
Chôn ngay đi, vứt chúng vào hố lãng quên
Vứt Phát Xít vào mồ
Ném Mác Xít vào mộ
Hãy lấp kỹ cả tội hèn trong chúng ta
Người đi trong mùa Đông
Đội khăn tang, mang tình thương
Theo người phu đi vùi hết mộ phần
Rồi tan trong mộ sâu
Một thây ma mang buồn đau
Thế kỷ sau, sẽ dùng bón hoa mầu
Điệp Khúc
Đi qua nấm mồ, sẽ thấy ngọn cỏ mềm
Cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên
Khi trên nấm mồ còn nở rộ bông hoa mới
- Hoa ơi, tên gì ?
- Hoa Tình Yêu đó em !
Bài NGỤ NGÔN MÙA XUÂN là một bài hát vui, nhưng hình ảnh lại rất ngậm ngùi như thân phận của những người dân nhược tiểu. Bài ngụ ngôn kể chuyên hai người mù đánh nhau, hai người câm cãi nhau, hai người điếc ngồi nghe những bản nhạc ngoại lai, hai người khỏe mạnh, mập mạp biết rằng đánh nhau thì chết nên cất vũ khí đi, xúi hai người gầy còm ốm yếu đánh nhau hộ mình... Tác giả hy vọng trong trăm năm sắp tới, người mù sẽ thấy được sự thực của nhân loại, của Việt Nam, người điếc được nghe tiếng nói của lương tâm và ngưòi câm hát lên được tiếng hát đưa con người vào những thế kỷ tới.
Ngụ Ngôn Mùa Xuân
(Tết Mậu Thìn-Tháng 2, 1988)
Có hai thằng mù đánh nhau ngoài ngõ
Cả hai thằng đều sứt trán, sứt tai
Có hai thằng câm cãi nhau giữa chợ
Cả hai thằng đều rát lưỡi, bỏng môi
Có hai thằng mù đã câm, lại điếc
Có hai thằng điếc ngồi nghe nhạc Tầu
Nhạc Tây, nhạc Mỹ, nhạc Nga
Có hai thằng mập đánh nhau thì chết
Cả hai thằng bèn cất võ khí đi
Có hai thằng kia gờm nhau quá độ
Cả hai thằng bàn ký kết làm ngơ
Bắt hai thằng gầy đánh nhau hộ nó
Bắt hai thằng yếu cùng nhau giải hoà
Bằng xương, bằng máu, thịt, da
Có khi mù này đánh lui mù đó
Hả hê về nhà, mắt ốc ngước lên
Có khi thằng câm thắng cơn cãi lộn
Hả hê về nhà ú ớ, mừng rên
Có khi thằng mù, gã câm, thằng điếc
Gác chân, tự đắc, ngồi trong chòi nghèo
Buồn thiu, mà ngỡ lầu cao
Có nghe gì chuyện nước tan, nhà nát
Chẳng nghe được gì tiếng khóc, tiếng than
Có đâu nhìn ra mầu khăn goá phụ
Làm sao nhìn được mắt bé mồ côi
Có đâu giọng ngọt, hiến dâng tình với
Những hoa cỏ mới, mọc trong điêu tàn
Bịt tai, bịt mắt, (chúng) lặng câm
Bỗng đâu Người Tình ghé chơi một chuyến
Vào khi tàn rồi, cái cũ bách niên
Bỗng đâu nửa đêm ánh dương chói rạng
Làm cho người mù mắt sáng bừng lên
Bỗng đâu Người Tình ghé tai người điếc
Nói chi chẳng biết, mà nghe dịu dàng
Đời hai nghìn đã vừa sang.
Đã trông được thời bách niên đổi mới
Đã nghe được lời sáng suốt bên tai
Đã không còn câm và im tiếng gọi
Đã nói được lời vói tới tương lai
Đã ra được ngoài cõi tim tù tối
Đã trông được những đường đi, nẻo về
Đường đưa người tới nghìn thu.
Phạm Duy vẫn thấy được hy vọng, được cái khía cạnh tươi đẹp của cuộc đời ngay cả ở buổi hoàng hôn. Ông cho chính cái nắng hoàng hôn là cái nắng đẹp nhất chứ không phải cái nắng của buổi trưa hay nắng của buổi bình minh. Bài N�NG CHI‹U RỰC RỠ là tình khúc duy nhất trong loạt Rong Ca của ông. Ông mong nuôi thật dài hoàng hôn ái ân, vì những vạt nắng chói chan vẫn còn là bao ước nguyện, và khi nắng còn nắng bao la, thì đêm xin đợi chờ...
Nắng Chiều Rực Rỡ
(Bãi Biển Hoàng Hôn San Francisco - Mùa Xuân 88)
Chớ buồn gì, trong giây phút chia lìa
Khi chiều về, lung lay trúc tre
Chớ buồn gì, khi tan nắng, đêm về
Cho thuận đường âm dương bước đi
Từng vạt nắng chói chan
Còn chảy loang trước hiên
Từng vạt nắng ấm êm
Còn là bao ước nguyện
Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa.
Điệp Khúc
Em có thấy không nắng chiều rực rỡ
Em có thấy không nắng đẹp còn đó
Nắng còn nắng lê thê
Thì đêm ơi, vội gì ?
Nắng còn nắng bao la
Thì xin đêm đợi chờ !
Chớ lịm người, nghe anh sắp qua đời
Anh chỉ còn bên em chút thôi
Nếu phải lìa xa nơi thế gian này
Còn một ngày, vui muôn nỗi vui
Cuộc tình anh với em
Chỉ còn giây phút thôi
Thì tình, xin cứ coi
Là nghìn tia nắng rọi
Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau
Trước cửa vào trăm năm rất xa vời
Trong chiều đời, yêu nhau rất lâu.
Điệp Khúc
Em có thấy không nắng chiều rực rỡ
Em có thấy không nắng đẹp còn đó
Nắng còn nắng lê thê
Thì đêm ơi, vội gì
Nắng còn nắng bao la
Thì xin đêm đợi chờ !
Ca khúc thứ bảy nhan đề BÀI HÁT NGHÌN THU là một bài hát với những lời ca tuyệt đẹp tạo một không khí siêu thoát như những trang kinh Dịch :
Bài Hát Nghìn Thu
(Vô Hư)
(Thị Trấn Giữa Đàng -1988)
Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn Thu, em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi
Không bao giờ biển vơi
Em là cõi trống
Cho tình đong vào
Anh là nơi vắng
Cho tình căng đầy
Cuộc tình đi vào cõi Thiên Thu
Em là cơn gió
Anh là mây dài
Đi về bên nớ
Đi về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa
Nghìn Thu, em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai, không ai biết
Em âm thầm nở hoa
Nghìn Thu, trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im, anh lên xuống
Không ai ngờ, hiển nhiên
Tình ta biến hoá
Trong từng sát na
Tình luôn lai vãng
Đi, về cõi chung
Tình vô hư đó
Nên gần với xa.
Tình ra ánh sáng
Tình về tối đen
Nghìn Thu, anh là đã em rồi
Và em, trong muôn kiếp
Em đã ngồi ở anh
Nghìn Thu, ta bù đắp không ngừng
Tình âm dương chan chứa
Xoay trong vùng tử sinh.
Bài rong ca số tám với cái tên TRĂNG GIÀ mang âm hưởng dân ca lấy ý từ câu ca dao Trăng bao nhiêu tuổi trăng già - Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non... Trăng trong bài hát này của Phạm Duy là người tình, là cuộc tình vĩnh cửu mãi mãi không có tuổi, là tình yêu muôn đời trong cái hữu hạn của cuộc sống nhân sinh, cho nên những lời tình tự của tác giả cũng ở lại mãi cuộc đời để ngợi ca người tình đó.
Trăng Già
(Cựu Kim Sơn, tháng Hai, 1988)
Trăng bao nhiêu tuổi á a, ới a trăng già
Mà sao ta thấy ý a ới a ta già, ta già như trăng
Ta già như trăng, ta già như em
Hỡi em trăng già, em vẫn sáng êm
Trăng ơi, trăng ở à ơ trăng ở một mình
Thì ta cũng sống ơ a, ới a một mình như trăng
Một mình như trăng, cô quạnh như em
Hỡi em trăng tình, em sáng lung linh.
Đá bao nhiêu tuổi a a, ới a đá mòn
Mà sao ta thấy ý a, ới a đá buồn, đá long lanh buồn
Đá buồn như ta, đá buồn sâu xa
Đá ơi, tuy buồn, đá vẫn nguy nga.
Đá, trăng bao tuổi y ý, đá, trăng mới già
Mà sao ta thấy ơi a trăng tà, cũng như đá già
Vẫn còn đương tơ, vẫn còn trơ trơ
Giữa nơi ta bà hay đối với ta.
Trăng ơi, im lặng à a ới a suốt đời,
Mà sao ta cứ ý a ới a đứng ngồi, đứng ngồi không yên
Suốt đời lăn quanh, suốt đời lang thang
Hát ca êm đềm hay hát vang vang
Trăng ơi, sống cả a a sống cả muôn đời
Còn ta sống chết y a ới a không ngoài
Chẳng ngoài trăm năm
Không ngoài trăm năm, nên phải lênh đênh
Hát ca một mình thay tiếng đá, trăng
Kiếp xưa cây ở ờ ơ ới a dưới rừng
Hoả Sơn đi xuống y a ới a đốt từng núi non cây rừng
Cây còn tươi xanh hay già trăm năm
Hoá sinh ra thành tảng đá im lìm
Đá, trăng không tuổi y ý đá, trăng ít lời
Dù ta sống chết ới a cũng gợi tiếng ca cho đời
Đá nằm nghe ta hát vọng trăng cao
Hát trong kiếp này hay hát trong kiếp sau.
Bản NGỰA HỒNG kể chuyện một con chiến mã từng in vó khắp vùng chiến địa nay phải cong lưng kéo một chiếc xe thổ mộ, một kiếp nô lệ khổ nhọc. Đó là nước Việt mà ông mong một ngày sẽ chui lọt qua lỗ kim để bay vào cõi không mênh mông vô hạn.
Ngựa Hồng
(Thị Trấn Giữa Đàng - Xuân 1988)
Ngựa Hồng xưa kia cùng bậc chinh nhân
Bách chiến nơi sa trường đời
Ngựa Hồng hôm nay cột vào yên cương
Cong lưng kéo chiếc xe thôi
Đường đời quanh co chật chội
Bui bờ quanh năm lầy lội
Cỏ hèn đã úa từng cội
Ngựa Hồng đi quanh thành cổ tan hoang
Đi quanh miếu cũ rêu phong.
Ngựa Hồng khiêng bao nặng nề trên lưng
Vó bước phong sương ngập ngừng
Ngựa Hồng long đong, trụi bờm, se lông
Cong lưng, vó bước mông lung
Từng ngọn roi đau tàn bạo
Từng gò dây cương nghẹn ngào
Một hàm thiếc khoá miệng vào
Cuộc đời lao đao của kẻ vong thân
Khiêng voi, cõng rắn trên lưng.
Điệp Khúc
Ngựa Hồng xưa kia oai phong tuấn mã
Đi trong vinh quang sa trường dấn thân
Bờm ngựa tung bay trong cơn gió sớm
Đuôi cong vung lên trong chiều khói lam
Ngựa dù hôm nay đeo yên gấm vóc
Hay đưa xe loan cũng là kiếp nô
Kiệu vàng trên lưng, nhưng đôi mắt đã che ngang
Bơ vơ trên đường nhấp nhô.
Ngựa Hồng xưa kia cùng bậc chinh nhân
Bách chiến nơi sa trường đời
Ngựa Hồng hôm nay cột vào yên cương
Cong lưng kéo chiếc xe thôi
Đường đời quanh co chật chội
Bụi bờ quanh năm lầy lội
Cỏ hèn đã úa từng cội
Ngựa Hồng đi quanh thành cổ tan hoang
Đi quanh miếu cũ rêu phong.
Ngựa Hồng đi trong buổi chiều trăm năm
Bỗng thấy xa xăm Ngựa Rừng
Ngựa Thần không yên, Ngựa Hùng không cương
Oai linh cất vó trong sương
Động lòng thương cho đồng loại
Ngựa Rừng phi qua ngọn đồi
Nồng nàn hí tiếng mời gọi
Ngựa Hồng ơi ! Tung xiềng để ra đi
Thênh thang khắp cõi tang thương.
Điệp Khúc
Ngựa Hồng quay lưng đưa chân đá vỡ yên cương
Thong dong lên đường thoát thân
Cỏ nội xanh tươi thơm tho đón gió
Sương rơi trên muôn hoa ngàn ngát hương
Ngựa Hồng không ai che đôi mắt nữa
Trông ra hai bên con đường rất xa
Ngựa Hồng vươn lên phi qua lỗ bé trôn kim
Thong dong đi vào cõi không !
Bài Rong Ca cuối cùng là RONG KHÚC nói về chuyến đi cuối về miền an tĩnh sau khi đã đưa người tình tới nguồn yêu dấu, dẫn dắt người đi vào chốn khổ đau để đi vào ngàn mai, ngàn xưa vang vọng tiếng gọi càn khôn.
Rong Khúc
(Trong hay ngoài không gian, không thời gian)
Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới
Anh đã đi theo nắng từ trời vui
Anh xuống nơi chơi lúc Người mới tới
Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời
Cuộc đời trần gian
Chỉ có 100 năm
Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã
Anh đã đi qua bốn bể gần xa,
Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá
Hay cuốn bay theo gió sa mạc già
Ở nơi dương thế... mặn mà.
Điệp Khúc
Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần
Anh đã quên đi những nẻo đường tiên
Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời
Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi.
Đã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu
Anh cũng theo Em bước vào khổ đau
Khi thấy ai trong cõi trần khô héo
Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu
Đời mà chìm sâu
Cũng muốn leo cao
Anh bước khoan thai lối rừng hun hút
Đưa đón chân Anh có lửa hoàng hôn
Anh dẫn Em vươn tới miền an tĩnh
Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn
Ở nhịp trần gian...quay cuồng.
Điệp Khúc
Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình
Anh đã theo Em đi gặp bình minh.
Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều
Như đã đưa Em tới đỉnh tình yêu
Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn
Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường
Một đường hành tinh
Đi thăm những Thái Dương
Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai
Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có Ta nơi này
Và lộ trình Ta... miệt mài.
Điệp Khúc
Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.
Nguyễn Mộng Giác gọi Phạm Duy là một nhà tiên tri. Ông thấy trước được lịch sử. Ông nhìn thấu được tương lai. Những bài Rong Ca của ông là những thông điệp gửi cho thế kỷ tới chỉ còn cách chúng ta có 12 năm. Ông vẫn nói bằng ngôn ngữ của đam mê, của say sưa. Ông vẫn dùng tình yêu để chuyên chở những sứ điệp đó. Ông vẫn dịu dàng, trìu mến như những lời tình tự với mối tình đầu tiên. Ông như ngọn núi vẫn chỉ là núi non. Phạm Duy với tấm lòng như tơ trời, một làn gió nhẹ cũng đủ lay động mạnh mẽ, làm bật lên những lời ca xót thương như Nguyễn Mộng Giác đã viết cách đây không lâu. Những sợi tơ của một con tằm vẫn rút ruột nhả hoài nhả mãi...
Washington D.C. - 1988
Bùi Bảo Trúc
Ngay từ khi Mười Bài Rong Ca vừa ra mắt quần chúng là đã có nhiều bài viết về nó, như bài của Bác sĩ Bùi Duy Tâm - đa số rong ca được soạn ngay trong nhà anh chị Tâm ở San Francisco - trong đó anh mở đầu bằng những câu :
... Nhạc Phạm Duy, tự nó đã có âm điệu rung động và lời ca gợi cảm đến độ như soáy vào lòng người, không cần bình giải, không cần tô son điểm phấn. Nhưng tới rong ca, suối nhạc Phạm Duy đã thoát ra tới biển khơi nên đã mông lung vời vợi. Không biết Phạm Duy sáng tác rong ca với ý thức hay tiềm thức, với kiến thức suy tư hay với cảm xúc mặc khải mà rong ca đã bao hàm các mối quan hệ giữa Người với Trời (Phật, Chúa), giữa Người với cõi Không (Lão), giữa Người với Người (Khổng) trong xã hội (Chính Trị), giữa Người với Thiên Nhiên, Vạn Vật (Trang). Rong Ca đã xúc tích đến độ nếu chỉ nghe thoảng qua âm điệu và lời ca, không thể thấu triệt ngay được ý nhạc tuyệt vời của thiên tài Phạm Duy, một quốc bảo của Việt Nam, một nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ 20. Bài viết quê mùa này chỉ coi như một trong muôn ngàn tiếng vọng lại để diễn ý bức thông điệp thế kỷ của nhạc sĩ-triết-gia Phạm Duy, hay như một chén trà khai vị cho những ai muốn thưởng thức rong ca.
Bài viết của Lê Uyên Phương thì được đăng trên báo NGƯỜI VIÊT (1988) ngay khi Rong Ca vừa ra đời :
...Người ta có thể tưởng tượng mọi điều, nhưng không một ai có thể đặt giả thiết là họ đã ngừng thở một lúc nào đó trong quá khứ. Âm nhạc của Phạm Duy cũng vậy, người ta không thể giả thiết rằng một người Việt Nam nào đã chưa từng nghe một bài hát nào của Phạm Duy trong suốt cuộc đời của họ. Một ca khúc khi được tiếp thu bởi não bộ, ngừng một lúc ở con tim của một người rồi tuôn ra từ chiếc lưỡi của người đó thì dù muốn dù không, anh ta cũng bị nhiễm bởi chính ca khúc đó rồi. Nói như thế để thấy cái chỗ thực sự của Phạm Duy trong mỗi tâm hồn Việt Nam.
Bao giờ nghe những ca khúc mới của Phạm Duy, tôi cũng vô cùng xúc động và cảm khoái. Xúc động bởi cái tình hàm chứa trong đó và cảm khoái bởi sự sáng tạo bừng lên từ đó. Lần này khi nghe tập rong ca Người tình già trên đầu non , không những tôi đã xúc động, đã cảm khoái mà còn cảm nhận được trong sâu thẳm của tâm hồn tôi một ước muốn được chia xẻ với nhạc sĩ Phạm Duy, chia xẻ niềm mơ ước được bước ra khỏi chính bản ngã của mình để hòa nhập vào một vũ trụ chưa từng thấy, kể cả trong trí não của con người - một thế giới chưa biết từ cái đã biết, một thế giới chưa có từ cái đã có.
Hát cho năm 2,000 hay hát cho năm 20,000 không có sự khác biệt nào từ bản chất, nó có sự cách biệt về thời gian, nhưng thời gian thực sự không bao giờ đủ, cũng không bao giờ thiếu để bước từ cái không đến cái có, từ cái đúng đến cái sai, từ cái đã biết rồi đến cái chưa từng biết.
Những bài rong ca của Phạm Duy, mở ra cho người nghe những con đường không phải ở trên mặt đất, chúng rất gần với những con đường trong trí não con người nhưng chúng còn gần hơn với những con đường bên kia của trí não đó. Phạm Duy rong ca về những con đường, ông không rong ca trên những con đường đó, và đó chính là điều tôi muốn được chia xẻ cùng ông. Sự trói buộc của thòi gian và không gian trong kiếp người làm bung lên trong tác phẩm nghệ thuật những ảo giác về một thế giới không biên cương, một thiên đường, một niết bàn, một Tây Phương Cực Lạc... nhưng thế giới không biên cương đó thực sự không ở ngoài mặt đất của chúng ta, sự trói buộc của thời gian là sản phẩm của tư tưởng con người, chính cái muốn đóng khung đời sống của chúng ta lại, chính cái yêu, cái ghét, cái sai, cái đúng tạo những giới hạn cho đời sống của chúng ta. Khi một người phá vỡ đựơc bản ngã của hắn thì thế giới giới hạn không còn nữa, lúc đó hắn thực sự rong ca trên mọi điều của kiếp sống, lúc đó là nghìn thu, lúc đó là nắng chiều rực rỡ, lúc đó là ngựa hồng vượt qua trôn kim, lúc đó là Phạm Duy Người tình già trên đồi non...
Điều làm tôi hài lòng là trong phần kết, Lê Uyên Phương đã nói hộ tôi rằng : bây giờ với RONG CA, tôi soạn nhạc cho tôi, tôi đi tìm cái tôi :
... Phạm Duy đang ở trong chính Phạm Duy, ông đang từng bước đi sâu vào nội tâm ông, ông đang khám phá chính ông. Không còn ai là kẻ đồng hành với ông trên đoạn đường nầy nữa, vì thế mà những ca khúc trong tập nhạc này bàng bạc một cái gì hết sức cô đơn, hết sức lặng lẽ. Mỗi âm thanh đã đến với tôi như những lời mời gọi âm thầm của trời chiều, ánh sáng bừng lên ở cuối chân trời, rực rỡ như hào quang. Người nghe cảm nhận ở nơi đó một cái gì, vừa thực, vừa giả, vừa như ngắn ngủi, vừa như thiên thu, vẻ đẹp thật là kỳ quái, nếu người nghe bước qua khỏi được những giới hạn của chủ quan, hẳn sẽ cảm thấy được sự kỳ diệu của một đời người sáng tạo, hẳn sẽ thấy được cái chung trong cái riêng của Phạm Duy, cái riêng trong cái chung của Phạm Duy và hôm nay cái riêng trong cái riêng của Phạm Duy.
Rồi cho tới khi máy vi tính được phát minh và sau một thời gian không lâu, Mạng lưới quốc tế (Internet) được thành lập. Nhiều diễn đàn xuất hiện và vấn đề âm nhạc thưòng xuyên được bàn cãi giữa đám trẻ. Tôi không ngờ rằng gần 20 năm sau khi Rong Ca ra đời, tuổi trẻ vẫn còn nói tới nó, như trong bài viết ngắn ngủi của Nguyễn Phước Nguyên ở Houston TEXAS, USA mà tình cờ tôi đọc được trên WEB (mạng lưới) vào ngày 23 tháng 1, năm 1996. Trong bài của Nguyễn Phước Nguyên này, MƯỜI BÀI RONG CA đã được nhìn nhận : đây là một tác phẩm Phạm-Duy nhất của Phạm Duy, là một quay lưng không bận bịu, là một trở về rất vô tư :
... Bạn hãy cùng tôi một chuyến đi tâm tưởng. Chuyến đi đời người trên giòng nhạc tư duy. Hành lý là con tim mở ngõ, chốn đến là tự thức an nhiên. Lên non, xuống núi, vượt suối, băng rừng. Trên lộ trình, tình cờ một đồng hành tóc bạc. Đã có một đời thăng trầm cùng lịch sử non sông. Đã có thời gian với cưu mang thân phận con người. Và tâm sự. Thật nhiều tâm sự. Phạm Duy, với tôi, là người đồng hành tóc bạc đó, qua những giòng nhạc cuối một đời người. Đã ghi lại. Từ con tim mình. Cho chính mình. Như một lần sau cùng nhìn lại. Và một lần sau cùng trao đi. Người nhạc sĩ đồng hành tóc bạc đó đã tự vẽ mình khi cuối đời là một...
... Người tình già trên đầu non,
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn...
. . . . .
Người tình vào cuộc tử sinh, sống chết lung linh...
Là chứng nhân của lịch sử, Phạm Duy cũng đã dùng âm nhạc để ghi lại những hình ảnh hào hùng hay đau thương của chiến tranh - Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc, Kỷ Vật Cho Em... Nhưng trong năm tháng gần đây ông nhìn chiến tranh qua một nụ cười ý nhị mà cay đắng, buồn bã nhưng bao dung.
Có hai thằng mập đánh nhau thì chết,
Cả hai thằng bèn cất vũ khí đi...
. . . . .
Người đi trong mùa đông,
Lòng bâng khuâng như làn sương,
. . . . . .
Nghe bên nấm mộ có tiếng đàn trẻ nhỏ
Lưng trâu bé ngồi đang cùng nhau hát vang...
. . . . . . . .
Đi qua nấm mộ sẽ thấy ngọn cỏ mềm
Cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên...
Tình yêu trong nhạc của Phạm Duy cũng vậy. Cũng thay đổi theo chiều nhìn của tuổi tác. Tôi trước nay vẫn thích nhạc tình yêu của Phạm Duy khi ông phổ thơ người khác - Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Phạm Văn Bình v.v... Nhưng so với những bài hát xưa do chính ông đặt lời, tình yêu trong nhạc Phạm Duy hôm nay thăng hoa và vời vợi lắm.
... Nghìn thu anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống anh tuôn tràn biển mơ...
. . . . .
Nghìn thu anh là đã em rồi
Và em, trong muôn kiếp, em đã ngồi ở anh...
Một đời người, trong tầm tay, sống với nhau hơn ba vạn ngày, xin cố gắng nuôi sao cho tình đầy, chẳng vì thu với đông ngần ngại - Phạm Duy đã ghi nhận một đời người như vậy. Gom hết cả một cuộc đời đã sống vào một bản nhạc, nào phải dễ. Nhưng Phạm Duy đã làm được điều đó. Ông xem đời mình như một hành trình, ba vạn ngày thăng trầm cùng nhịp đời luân chuyển. Rong Khúc là phản ảnh trọn vẹn của chuyến đi đó. Của thăng trầm đó. Của một đời người nghệ sĩ.
Từ cõi xa xôi muôn nghìn thế giới,
Anh đã đi theo nắng từ trời vui...
. . . . . . .
Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau ai gọi người tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh...
Điều kiện căn bản của thưởng thức một cuốn băng là nghe nó. Trong chu vi hạn hẹp của giấy mực, tôi chỉ mong chia xẻ cùng bạn những cảm nhận khi nghe một cuốn băng.
Phạm Duy ngày xưa, với tôi, là phản ảnh của sự ghi nhận những điều chung quanh cuộc sống ông - những cảm nhận được tạo ra bởi bối cảnh bên ngoài. Phạm Duy của ngày nay, của cuối một đời người, của Người Tình Già Trong Đầu Non, là những chắt chiu từ chính cuộc đời và con tim ông. Cho chính cá nhân ông. †n trong trối trăn, là tái ngộ. Dấu sau nước mắt, là nụ cười. Có ngạo mạn. Có khiêm nhường.
Cuộc đời sáng tạo của Phạm Duy chắc chắn có nhiều tác phẩm cần phải nhắc đến. Nhưng tôi tha thiết với Người Tình Già Trên Đầu Non. Với tôi, đây là một tác phẩm Phạm-Duy nhất của Phạm Duy. Là một quay lưng không bận bịu. Là một trở về rất vô tư. Chúng ta ai cũng có những lúc ngồi nghiêng tai nghe lại cuộc đời . Những lúc như thế, nếu ta ghi lại được đời mình, cho chính mình, như Phạm Duy đã - với Người Tình Già Trên Đầu Non, hẳn chắc là hạnh phúc lắm. Đây là ý tưởng lúc nào cũng còn lưu lại trong tôi khi nghe cuốn băng này, sau khi những cảm giác khác đã phai đi.
Tôi mang ơn những vị yêu nhạc kể trên, đã thưởng thức rong ca một cách rất sâu sắc, và đã ban cho tôi những lời lẽ đẹp đẽ hơn cả vàng ngọc. Nhưng còn có một điểm - tôi cho là - cần thiết mà quý vị chưa nói ra : Đó là trên lộ trình lên non, xuống núi, vượt suối, băng rừng, Người Tình Già gặp gỡ đầy đủ những người phu chôn xác chiến trường, người mẹ tương lai, đôi tình nhân bên nấm mộ, người mù, người câm, người điếc, con tuấn mã hay con ngựa kéo xe của thế kỷ qua. Và Người Tình đã leo lên thế kỷ mới rồi thì người biến vào cõi ngàn mai, cõi ngàn xưa, vang vọng tiếng gọi càn khôn ... Nhưng Người Tình vẫn không quên mình là người Việt Nam, với tinh thần quốc gia dân tộc không thể nào phai nhạt.
Vì lẽ đó, câu cuối cùng của Rong Ca, là nếu...
... mai sau, ai gọi Người Tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.
Viết thêm : MỘT CHÚT TÂM SỰ
Sau khi Trịnh Công Sơn đã qua đời, tôi xin được kể ra đây một chuyện về RONG CA :
Từ trước tới nay, "người ta" thường dùng đủ mọi cách để chia rẽ tôi và Trịnh Công Sơn. Nhưng không ai ngăn được tình đồng nghiệp giữa chúng tôi, dù có khi hai ngưỡi không có chung một quan điểm. Năm1988, ngẫu nhiên tôi gặp Trịnh Công Sơn ở Paris. Cùng Đặng Tiến, chúng tôi rong chơi trên vỉa hè hay ngồi quán café tán gẫu. Tuyệt nhiên chúng tôi không nói chuyện chính trị chính em, văn nghệ văn gừng gì cả... nhưng khi tôi nhờ "người tình trẻ" mang về Việt Nam một cassette Mười Bài Rong Ca tôi vừa thực hiện xong, thì Sơn OK ngay. Do đó tâm sự "người tình già" đã được phổ biến ở trong nước. Mùa Hè 2001, tôi có việc phải về Saigon, vài ngày sau đám tang Sơn, tôi rủ Trần Văn Khê tới thắp hương trước ban thờ anh, riêng tôi đã khấn ơn anh ngày nào, thay mặt tôi, đem Rong Ca về tới quê hương.
--------------------------------
1Có thể khi soạn ra bài này (1988), tôi có cái nhìn bi đát như thế... nhưng vào lúc tôi đang hoàn tất HỒI KÝ này (1998), tình trạng người mẹ tương lai đã đổi khác rồi ? (PD)