Phó Nhòm vuốt cằm, mặt trang trọng:
- Ông bạn mà hiểu được, thì còn gì là mới. Hình tam giác lộn ngược, với kẽ trống ở giữa, là tượng trưng cho bản năng gốc của tôi. Nó cũng là mũi tên, tượng trưng cho Thần Ái Tình. Đây là loại thơ cụ thể, đập ngay vào mắt người đọc. Tiếng Anh gọi là concrete poetry. Còn ngôn ngữ tôi dùng là để thể hiện cái ẩn ức, rạo rực, cái ngập ngừng, mung lung, cái hỗn tạp, mờ ám trong cõi vô thức của tôi. Ông bạn đọc không hiểu là đương nhiên. Phải có một chìa khóa giải mã mới có thể thấu đạt được. Mới là ở chỗ đó! Thơ văn bây giờ là phải siêu hóa, vươn tới cái trừu tượng, siêu hình, chặt đứt mọi hệ lụy với cuộc sống nhàm chán, ước lệ, với thực tế xã hội tầm thường, tủn mủn, tù đọng...
- Thế anh giải mã đi, để tôi có thể hiểu.
Phó Nhòm bối rối. Có lẽ gã chưa có chìa khóa!
Lão thương hại:
- Tôi hỏi thật anh. Anh có quan niệm về cái mới này từ bao giờ?
- Từ hồi tôi sang Singapour mua một số máy móc. Tôi tình cờ kiếm được mấy cuốn lý luận văn học của mấy học giả Pháp, Mỹ. Tôi giấu mang về. Tiếng Anh, tiếng Pháp tôi đọc được. Tuy phải tra tự điển khá vất vả. Đấy là tôi nói thực với ông bạn. Chứ nhiều người, nhất là lớp trẻ, thấy tôi trích dẫn các tác giả Anh, Pháp, Mỹ, tưởng là tôi uyên bác lắm. Đôi khi tôi còn cóp nhặt, trích dẫn cả chữ Hy-Lạp, La-Tinh, chữ Hán. Dù những ngôn ngữ đó, một chữ bẻ làm đôi, tôi cũng không biết. Cũng phải lòe đời một tị chứ!
Phó Nhòm cười khanh khách, rất là hồn nhiên.
Lão cũng bật cười:
- Tóm lại, anh chỉ lập lại cái của người khác. Như thế sao gọi là mới được. Chỉ là cũ người, mới ta thôi. Anh thức cả đêm, mà chỉ vẽ được cái hình tam giác lộn ngược, viết được mấy câu tối mù, tôi không hiểu, anh không giải thích được. Vậy anh đưa cho cô buôn đô la làm gì? Nhìn cái hình này, cô ấy sẽ tưởng anh là thằng vô giáo dục. Mục đích của anh là chinh phục cô ấy. Đâu có phải là cho cô ấy thưởng thức cái mới của thơ anh. Cứ viết một bức thư tình bình thường đi. Chỉ mất độ nửa giờ, mà đạt yêu cầu hơn. Chuyện cách mạng thơ, để sau.
Phó Nhòm tỉnh ngộ:
- Ông bạn nói chí phải. Thế là phí mẹ nó mảnh giấy!
- Không phí đâu. Dùng cuộn thuốc lào. Sắp sáng rồi, chúng ta làm một hơi cho tỉnh táo.
Sau khi hút một hơi say mềm, Phó Nhòm bảo lão đứng ngó ra sân canh chừng. Gã dùng ni-lông đun nước pha trà. Ba phút sau, hai người đã ngồi nhâm nhi ly trà trong sương sớm.
Cầm chiếc ly con bằng nhựa trên tay, lão tâm sự:
- Trong đời tù, tôi có may mắn được sống với nhiều nhà văn, nhà thơ. Tôi thấy ông nào cũng muốn tạo ra cái mới. Đó là một hiểu biết vỡ lòng của mọi nghệ sĩ. Một yêu cầu bắt buộc. Bản thân hai chữ “sáng tác” đã hàm chứa yêu cầu đó. Chẳng cần phải mấy ông Tây, ông Mỹ ồn ào rao giảng. Một tác phẩm đáng gọi là tác phẩm phải có cái gì mới, nghĩa là cái đóng góp riêng của tác giả. Nhưng mới không, chưa đủ. Mới phải cộng với hay. Ở thế kỷ trước, nhà soạn nhạc Franz Liszt, một hôm nhận được một sáng tác của một anh bạn trẻ. Xem xong, ông nói: “Nhạc anh vừa mới vừa hay.” Anh bạn trẻ vui mừng tột độ. Nhưng ông nói tiếp: “Tiếc rằng cái hay thì không mới. Cái mới lại không hay”. Thế kỷ 18, Voltaire cũng nhận được một tác phẩm của một nhà văn trẻ. Anh nhà văn trẻ coi tác phẩm của mình là cực mới. Mới tới độ anh ta cho rằng người đương thời không thể hiểu nổi, nên anh ta đặt tên quyển sách của mình là “Gửi Người Mai Hậu”. Voltaire xem xong, đùa: “Tôi sợ quyển sách của anh không tới địa chỉ”. Anh phải thừa nhận rằng mới, đẹp, cao, sâu, tới đâu chăng nữa, cũng đều bắt nguồn từ cuộc sống. Không có cuộc sống, là không có gì cả. Cuộc sống là bà mẹ đẻ ra mọi thứ. Nhà văn, nhà thơ không có cuộc sống thực tế, không từng trải, mà muốn sáng tác, chẳng khác gì người đàn bà không chửa, mà lại muốn sinh nở, cứ cố rặn, cố rặn. Nếu có phọt ra chăng nữa, thì cái gì sẽ phọt ra, chắc anh hiểu. Anh thức cả đêm uổng công. Vì anh đã tự tách ra khỏi mạch sống thực, để đi tìm cái mới. Cuối cùng anh nặn ra một thứ mà chính anh cũng không hiểu là cái gì. Cuộc sống không bao giờ chấp nhận những thứ không xuất phát từ nó, và trở về phục vụ nó. Nó liên tục đào thải những thứ vô tác dụng, nguy hại. Nó trân quý mọi cái đẹp. Vì nó rất cần cái đẹp. Trừ những cái đẹp gieo tai, rắc họa. Chúng tôi ở rừng nhiều. Chúng tôi biết đủ loại nấm độc. Màu sắc của chúng đều tươi tắn, rực rỡ, mùi vị lại thơm ngọt. Nhưng các loài vật, kể cả rắn rết đều sợ, tránh xa. Gặp chúng, là chúng tôi phải hủy, để tránh họa cho kẻ khác. Giống như vậy, những bài thơ, bài nhạc ca ngợi Hít-Le, Stalin, Mao-Trạch-đông v v... Công bằng mà nói, cũng có một số bài nghệ thuật cao. Nhưng cuộc sống không dung nạp thứ nghệ thuật đó. Vì nó chống lại cuộc sống, lăng nhục cái Thiện, cái Mỹ, tán dương cái Ác, cái Xấu.
Phó Nhòm gật gù, ngẫm nghĩ:
- Theo ông bạn, thì cái đẹp, cái mới phải tìm ngay trong cuộc sống hàng ngày xung quanh ta?
- Đúng thế. Tôi mới vào xà lim này chưa được 24 tiếng. Tôi đã phát hiện nhiều cái đẹp, cái mới. Tôi hỏi anh, trên đời này, ở đâu có buổi mừng sinh nhật, tặng quà, ca hát, đối với một người không quen biết là tôi, như tối hôm qua không? Cái đó không mới sao? Không đẹp sao? Nếu anh có trái tim hòa nhịp với cuộc sống, anh nắm bắt được nhiều cái mới lạ, mà chỉ vô tình một chút thôi, là chúng trượt mất. Khúc gỗ nó cũng nói. Nó nói với ai biết nghe nó. Một túp lều cỏ cũng phô vẻ đẹp. Nó phô với ai biết nhìn nó.
- Thừa nhận là ông bạn nói đúng. Nhưng có nhà lý luận tây phương coi thơ chỉ thuần túy là kỹ thuật bài binh bố trận từ ngữ mà thôi.
- Đó là chủ nghĩa hình thức, coi nhà thơ như kẻ tung hứng với chữ nghĩa. Hạ thấp thơ xuống thành một trò làm xiếc, một trò ảo thuật. Anh muốn tự dưng sáng tạo ra một hình thức mới? Uổng công thôi. Chỉ có nội dung tạo ra nổi hình thức. Khi chất lượng nội dung thay đổi, thì hình thức cũng buộc phải thay đổi theo, để có thể chứa đựng được nội dung mới. Nghĩa là khi nhà văn, nhà thơ chưa có đề tài mới, tình mới, ý mới, sự việc mới, thì đừng mong gì tạo ra hình thức mới. Ở Âu-Mỹ, một số khiên cưỡng, cố tạo ra. Họ cũng chỉ tạo ra những dị hình, dị dạng. Và dán nhãn hiệu cho những quái tượng đó là cái mới. Chính họ đã giết chết thơ văn, dập tắt niềm khao khát đọc của độc giả, kể cả độc giả trí thức. Cuộc sống đã lần lượt phế thải tất cả những vị tài bé tị, mà chí to đùng, nuôi mộng phất lớn, trở thành trưởng môn nọ, trưởng môn kia. Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm, có vị trong trường phái “Tiểu thuyết mới” huênh hoang một tấc đến trời rằng nếu viết tầm thường như Balzac, thì có thể ngoáy bút một tháng một quyển. Bây giờ cuộc sống đã đẩy các vị đó vào lãng quên.
Phó Nhòm uống cạn ly trà, khà một tiếng:
- Ông bạn biết nhiều nhỉ.
Lão cười:
- Nghe lỏm mấy ông văn sĩ, thi sĩ tù nói, rồi nhắc lại với anh thôi. Tôi võ biền, biết gì mấy.
- Thế các ông ấy có bàn gì về chuyện sử dụng chữ nghĩa, nhạc điệu không?
- Họ không theo chủ nghĩa hình thức. Nhưng đó là việc hàng đầu của họ. Họ đọc cho nhau, góp ý, sửa đi sửa lại từng li, từng tí. Công phu lắm. Một buổi chiều, có gã lưu manh hát câu hát: “Mẹ già nước mắt long lanh. Dòng sông Thao vẫn chảy quanh đôi bờ”. Một ông nhà thơ sửa ngay thành “Dòng sông thao thức chảy quanh đôi bờ”. Ông ấy bảo hai chữ “thao thức” khiến dòng sông có linh hồn. Có ông sửa cả Tiến Quân Ca. Ông ấy nói câu “Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước” không sống động, không mạnh, phải đổi là “Cờ pha máu chiến thắng Vang hồn nước” mới hùng. Họ còn sửa cả thơ của Vũ-Hoàng-Chương. Để tôi nhớ lại đã. Ờ, câu “Đời tàn trong ngõ hẹp. Gió lùa trong gác xép”. Họ sửa thành “Gió lùa qua gác xép”. Như thế tránh lập lại chữ “Trong” và sống động hơn. Còn câu “Men đã ngấm, bọn ta chờ nắng tắt. Treo buồm cao, cùng cao tiếng hò khoan”. Họ sửa thành “Theo buồm cao, cùng cao tiếng hò khoan”. Họ bảo chữ “Theo” nó nhịp nhàng hơn, khí thế hơn. Họ khen Vũ-Hoàng-Chương đã chế biến ý hai câu thơ Đường rất hay thành một câu khác, rất sáng tạo, mang một mầu sắc, tâm trạng khác. Đó là câu “Phòng xuân còn bỏ ngỏ. Khóm trúc đợi, xanh mầu”. Nguyên câu thơ Đường là:
Cảm thương khóm trúc bên khe núi,
Vẫn đứng trong mưa đợi chủ về.
Vũ-Hoàng-Chương bệ câu “Khóm trúc đợi”, thêm vào hai chữ “Xanh mầu” rất thơ, rất đẹp. Các ông ấy còn bàn luận nhiều. Tôi không nhớ hết nổi.
- Còn vấn đề nghệ thuật vị nghệ thuật, với nghệ thuật vị nhân sinh. Họ có bàn tới không?
- Quan điểm của họ rất đơn giản, rộng rãi. Họ cho rằng nếu dở, không đẹp, thì không thể gọi là nghệ thuật. Nghệ thuật chính là cái đẹp. Một bài thơ dù tả đôi mắt giai nhân, hay tả bộ xương người chết đói, nếu tồi, đều không gọi là nghệ thuật được. Mọi nghệ thuật, tức mọi cái đẹp, đều phục vụ nhân sinh, đều làm cho tình cảm, trí tuệ thêm phong phú, tinh tế, sâu sắc, nâng con người lên cao. Trừ thứ nghệ thuật gây hại như đã nói với anh lúc nẫy. Sở dĩ có cuộc tranh luận kéo dài từ lâu lắm rồi, cơ bản là do những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật có cái nhìn hẹp hòi, sai lạc, coi những vấn đề xã hội, chính trị, không đáng đưa vào nghệ thuật. Victor Hugo đã trả lời đại ý rằng “Phục vụ việc giải phóng con người khỏi áp bức, việc cải thiện số phận đau khổ của quần chúng, không hề làm xuống cấp cái đẹp, không tước mất của thi ca tí gì”. George Sand, Tolstoi, Dostoievski, Goethe, Réné Char cũng nghĩ như vậy. Họ vẫn thường đọc cho nhau nghe những bài thơ hay. Dù chỉ là thơ uống rượu. Thí dụ như mấy câu thơ này. Họ đọc nhiều, đâm ra tôi cũng thuộc:
Ta rót một mình, ta uống một mình.
Say chưa bén đài cô đơn chót vót.
Ta cứ uống và ta cứ rót
Những Kình Nghê uống sông lớn vào lòng.
Phó Nhòm vỗ đùi:
- Hay, thơ hay. Ngang tàng thực! Ông bạn có biết của ai không?
- Hình như của Hoàng-Công-Khanh, trước tù với tôi ở Yên-Bái. Ông ta ở Toán Văn Nghệ.
Phó Nhòm phát khùng:
- Về, tôi sẽ vứt mẹ nó mấy quyển sách của mấy tên đại bịp kia đi.
Lão can:
- Đọc để biết về các trào lưu văn học, về đủ thứ “Siêu”, thứ “Hậu”, thứ “Tiền”. Có sao đâu. Miễn là đừng nhai lại những thứ người ta đã nhổ đi rồi, mà cứ nghĩ là mới. Bây giờ còn sớm. Anh có thể viết thư cho “Em” còn kịp.
- Làm gì có giấy nữa. Phải đợi tối nay, xin mụ Sài-Gòn. Tôi tập thể dục đây. Sáng nào cũng phải tập nửa giờ. Nếu không, nằm nhiều, teo hết cơ bắp.
- Trên trại, đi lao động, không cần thể dục. Tôi chỉ luyện khí công, cho tinh thần thanh thản thôi.
Lão ngồi thẳng người, xoa bóp toàn thân một lúc, rồi nhắm mắt, hít thở đều đều, từng hơi rất sâu. Sàn bên cạnh, Phó Nhòm chạy tại chỗ, chân nhấc rất cao, miệng thở phì phò. Chạy xong, gã nhảy như con choi choi, cố chạm tay lên trần buồng cao vút, nhưng không nổi, còn cách những mấy chục phân. Gã thở hổn hển.
- Tôi luyện mãi mà không nhẩy tới trần được. Tôi đố ông bạn nhẩy được.
Lão đứng dậy:
- Để tôi thử xem.
Rất nhẹ nhàng, lão vút người lên, đặt cả bàn tay lên trần. Rồi lão lộn người, đi bằng hai tay thoăn thoắt. Phó Nhòm kinh ngạc:
- Ông bạn xương bọc da, mà vừa nhanh, vừa khỏe. Lạ thật.
- Tôi biểu diễn quyền thuật cho anh xem.
Lão đi những đường quyền điêu luyện. Đòn ra nhanh, gọn. Chân đá, tay đấm, tới tấp như vũ bão. Biểu diễn khoảng mươi phút, lão ngồi xuống, mặt không biến sắc, hơi thở bình thường.
Lão tươi cười nói:
- Anh muốn học, tôi dạy cho. Nhưng phải luyện ý trước. Rồi luyện khí. Sau mới luyện đến quyền. Đây là phương pháp đặc biệt để duy trì sinh lực trong hoàn cảnh đói rét. Hồi tôi còn ở Cổng Trời, Hà-Giang, một vị sư già đã truyền cho tôi.
Phó Nhòm sốt sắng:
- Nhất định tôi phải học, để khỏe, để phục vụ các em! Bắt đầu từ hôm nay, ông bạn giúp tôi.
- Được, nhưng nhớ là phải kiên nhẫn. Nóng vội không được. Dục tốc bất đạt. Thôi, chúng ta làm một hơi, để tôi còn giấu thuốc đi.
Trà thuốc xong, Phó Nhòm moi ở khe cùm ra một lưỡi dao cạo. Gã ngồi cạo râu, cắt tóc mai, nhổ lông mũi, sửa lông mày. Mất đến nửa tiếng.
Gã cười hỏi:
- Ông bạn trông tôi có già so với tuổi năm nhăm của tôi không. Tôi nói với em là tôi bốn tám.
- Anh có nước da trắng mịn, nên trông trẻ hơn nhiều. Nếu anh không nói, tôi yên trí là anh ít tuổi hơn tôi.
- Ông bạn tù đầy mấy chục năm. Lại râu ria, hom hem, khắc khổ. Trông tưởng tới bảy mươi. Cạo bộ râu đi, cho nó vui vẻ, trẻ trung.
Lão cười:
- Râu này là râu trốn lao động. Cạo đi thế nào được. Hơn nữa, nếu bộ râu tôi biến mất, Ngưu-Ma-Vương sẽ hỏi dao cạo đâu, thì anh lấy gì để sửa sang sắc đẹp?
- Ừ, tôi không nghĩ ra.
- Giấu lưỡi dao cạo đi. Tôi nghe thấy tiếng giầy. Có lẽ Ngưu-Ma-Vương tới đấy.
- Không ngại. Còn mệt nó mới mở tới buồng mình. Bao giờ buồng mấy bà nhiều tiếp tế cũng được ưu tiên ra trước.
Quả nhiên, Ngưu-Ma-Vương vào mở buồng bà Sài-Gòn đầu tiên. Rồi hắn ra bàn ngồi, cắm điện đun nước, uống trà. Tiếng điếu cầy rít lên sòng sọc, rất kêu.
Phó Nhòm nói khẽ:
- Ông bạn đứng lên xem mặt mụ ta đi. Ngót nghét ngũ tuần rồi, mà trông còn “dùng tốt” lắm.
Lão đứng lên cùm, nhìn ra hành lang. Một bà tóc phi-dê, trắng trẻo, mảnh mai, trông phúc hậu, khá đẹp, tay cầm bô, tay xách một sô nhựa lớn, đi ra. Tới cửa buồng lão, bà ta ngước mắt nhìn lên, mỉm cười chào lão. Lão giơ tay đáp lại, rồi ngồi xuống sàn.
Phó Nhòm thì thầm:
- Ông bạn có thấy một gói lớn ở trong sô không? Ngưu-Ma-Vương lại xin cái gì đấy. Còn hai mụ nữa không xộp bằng, nhưng cũng hay đấm mõm nó lắm.
Lão hỏi:
- Tại sao lại phải thế? Nó giúp các bà ấy được cái gì?
- Chẳng được cái gì cả. Ngoài cái được ra làm vệ sinh lâu, tắm giặt, ung dung, được cắm nước sôi, pha trà, pha mì tôm. Thế thôi. Lương thượng úy 80 đồng một tháng của nó không bằng mấy mụ ấy cho đâu. Nhưng họ có của.Thí cho nó một tí, để thoải mái đôi chút, cũng được.
Bà Sài-Gòn tắm giặt rất lâu, đến gần nửa tiếng. Bà ta ra sân phơi quần áo, rồi vào phòng lấy ca, bát, ra đun nước sôi pha trà, pha mì tôm.
- Báo cáo cán bộ, hôm nay bể đầy nước, tôi muốn rửa buồng cho đỡ hôi.
- Được, được.
Ngưu-Ma-Vương đứng dậy, vào mở cửa buồng gã đầu gấu:
- Múc nước rửa buồng 11.
Gã đầu gấu “Vâng” một tiếng to, rồi uỳnh uỵch chạy vào buồng tắm lấy chổi, lấy sô nhựa xách nước, cọ rửa ào ào.
Phó Nhòm lo lắng:
- Mình mà ra sau cùng, có khi hết nước rửa.
- Tôi định tắm mà cạn nước, thì ngán quá.
- Còn nước, cũng không tắm hôm nay được. Một tuần tắm có một lần, vào ngày thứ tư. Ngày khác mà tắm, nó vớ được, nó cắt không cho ra vệ sinh.
Lão đứng lên xem mặt gã đầu gấu. Đó là một thanh niên cao, gầy, đầu tóc bù xù, có đôi mắt to, tinh nhanh. Gã vừa xách nước chạy, vừa vẫy tay chào lão. Lão mỉm cười, gật đầu. Một lúc sau, gã đầu gấu cọ buồng, làm vệ sinh cá nhân xong, vào buồng. Bà Sài-Gòn cũng bê ca trà, ca mì tôm vào. Ngưu-Ma-Vương mở buồng 10, cho hai chị tuổi chừng ngót bốn mươi ra.
Phó Nhòm chỉ:
- Mụ đi trước, tối qua, cũng cho quà mừng sinh nhật ông bạn đấy. Cả hai đều là cán bộ tham ô, thụt két gì đó.
Lão giơ tay chào, hai chị mỉm cười đáp lại. Hai mươi phút sau, đến lượt buồng 9 ra.
- Buồng em buôn đô la và em tây đen đó.
Lão cũng giơ tay chào hai người. Họ gật đầu chào lại. Phó Nhòm đưa tay lên miệng hôn. Cô buôn đô la ngước mắt cười.
- Ông bạn thấy em thế nào, trông “ngon” không. Ba mươi ba cái xuân xanh rồi đó.
- Còn tươi mát lắm. Nhưng cô ca sĩ da đen, mẹ Việt-Nam, mà không có một nét nào Việt-Nam cả. Giống Châu-Phi nó mạnh. Nó át mất giống mình.
- Con này dại trai lắm. Cách đây mấy tháng, yêu một thằng lưu manh. Có cái nhẫn vàng, cái quần bò, cũng đem cho nó. Thằng ấy đi trại rồi.
Phó Nhòm đợi tới lúc cô đô la vào buồng, đi qua, gã hôn gió một cái nữa, mới chịu ngồi xuống. Tiếp tới buồng giặc lái, buồng tên thượng úy bộ đội, bốn năm buồng nam nữa. Lão lần lượt giơ tay chào tất cả.
Phó Nhòm ngồi bất động trên sàn, cằn nhằn:
- Mình ra sau chót, nước cạn, đục lắm. Ngưu-Ma-Vương vẫn trù buồng này.
- Tại sao nó lại trù?
- Tôi không kêu nó bằng Ban, xưng cháu. Nó ghét. Mấy thằng kia ở ngoài là cán bộ trưởng, phó phòng cả, mà cứ mở miệng là cháu cháu, Ban Ban. Không biết nhục.
Tiếng Ngưu-Ma-Vương quát:
- Gõ cửa buồng người ta làm gì!
- Thưa Ban, cháu có gõ đâu.
- Muốn chối hả? Chính mắt tôi nhìn thấy! Vào tù rồi còn giở lối chim chuột, giăng hoa. No cơm ấm cật, rồi dậm dật hử! Người ta đã có chồng, có con. Chỉ được cái bố láo. Vào, cắt tiếp tế bốn tháng, cho nhăn răng ra. Xem còn đĩ bợm được nữa không.
Tiếng cửa đóng xầm lại.
- Thằng trưởng phòng công ty hóa chất đấy. Nó chớp chới mụ Sài-Gòn. Nhưng có nước non mẹ gì đâu. Cắt tiếp tế bốn tháng thì người bằng cái que. Trở thành “đầu lâu chân tay” ( tù gọi bọn quá gầy). Tới buồng người yêu gã đầu gấu đấy. Đứng lên xem mặt đi. Con bé này không đẹp, nhưng hiền lành, tốt bụng, ai cũng mến. Tối qua, nó cũng cho ông bạn quà đấy. Ở cùng buồng với nó là một con trong đoàn kịch nói Hà-Nội. Con này nói năng tục tĩu, lưu manh còn phải chạy dài.
Lão đứng lên cùm, giơ tay chào hai cô gái, rồi ngồi xuống:
- Như thế là sáng nay, tôi đã duyệt binh xong. Coi như biết mặt cả xà lim. Lão Ngưu-Ma-Vương này rông rỡ thực. Ăn nói hết sức thô lỗ. Tên thượng úy bộ đội trông tội nghiệp, gầy còm quá.
- Ai bảo cáo cò! Chết không đáng thương. Ở các buồng chung, nhiều đứa còn gầy hơn nó nhiều. Chỉ sống bằng tiêu chuẩn nhà nước nuôi, thì máu thịt nào không teo, không cạn. Ông bạn cũng có béo tốt gì hơn nó đâu. Sống được hai mươi năm trong tù. Phép lạ đấy. Chúng ta chuẩn bị ra. Buồng mình là cuối cùng rồi.
Ngưu-Ma-Vương mở cửa buồng, giơ tay xem đồng hồ:
- Khẩn trương lên. Tôi phải đi họp ban giám thị.
Phó Nhòm và lão vội xách bô, xách sô, đi như chạy vào nhà vệ sinh.
- Nhanh lên, vào buồng đánh răng cũng được. Rửa mặt, lau người, qua loa thôi.
Phó Nhòm miệng nói, tay đổ bô, tráng bô. Gã đã quen với sự vội vã, nên chỉ dăm phút sau, gã đã rửa mặt, lau người, xách bô, xách sô đầy nước vào buồng. Lão còn đương vò cái quần, thì Ngưu-Ma-Vương đã quát, giục. Một phút sau, lão ra sân, phơi cái quần đùi lên dây thép, rồi trở vào.
Ngưu-Ma-Vương trợn mắt:
- Bận sau mà còn dềnh dàng, tôi cho vài cái bạt tai.
Nghe thấy hai chữ bạt tai, lão quay người lại, nghiêm nghị:
- Ông ăn nói thận trọng. Ông nhớ rằng đứng trước mặt ông là một người có danh dự.
Ngưu-Ma-Vương sững sờ một giây, rồi quát:
- Láo xược! Một tên phản động mà cũng đòi có danh dự. Tôi đã xem hồ sơ anh ở trại gửi về. Anh chuyên chửi Đảng, chửi lãnh tụ.
Hắn hầm hầm rút súng ra, thị uy:
- Anh có giỏi chửi Đảng, chửi lãnh tụ. Tôi bắn chết tươi ngay.
Lão cười ầm lên:
- Ông chỉ dọa nổi những kẻ tham sống, sợ chết thôi. Cả xà lim hãy làm chứng. Hôm nay, sáng 11-8-1983, ông quản giáo phụ trách xà lim 1, đã kích động tôi chửi Đảng, chửi lãnh tụ. Ông đưa ngay tôi lên gặp chánh giám thị để giải quyết vụ này.
Hắn hơi bối rối:
- Ai kích động anh? Không được vu cáo.
- Tôi đề nghị ông đưa tôi lên gặp ông chánh giám thị.
- Ông chánh giám thị đi vắng.
- Vậy ông đưa giấy bút để tôi làm đơn trình bày sáng tỏ sự việc này. Trách nhiệm của ông là phải cho phạm nhân làm đơn, và chuyển đơn của phạm nhân.
- Tôi không có giấy bút. Vào buồng!
- Tôi nói để ông biết, những việc lèm nhèm của ông, tôi không để ý tới. Nhưng nếu ông không biết điều với tôi, tôi sẽ nói rõ tất cả với chánh giám thị, với giám đốc sở. Hỏa-Lò không phải là một hoang đảo, để ông muốn làm gì thì làm. Trên ông, còn có sự kiểm tra của Đảng, của nhà nước. Chắc ông cũng biết, có những quản giáo đã phải vào tù.
Lão đi vào buồng.
Ngưu-Ma-Vương đóng xầm cửa lại:
- Được, tôi sẽ nói chuyện với anh sau.
Hắn khoá cửa khu xà lim, hậm hực bỏ đi.
Gã đầu gấu kêu lớn:
- Ông chú chơi hay quá. Lần đầu tiên Ngưu-Ma-Vương bị một bữa bẽ mặt. Công nhận ông chú anh hùng thật.
Lão đứng lên nói:
- Anh hùng gì ở cái xó Hỏa-Lò này. Nhiều anh hùng vào tù cộng sản thì trở thành anh hèn hoặc anh hề. Tao có một nhược điểm là không chịu nhục nổi. Hơn nữa, tao cũng quá chán đời, nên không sợ chết nữa.
Tiếng anh trưởng phòng công ty hoá chất nói sang:
- Dù sao, ông anh cũng giúp chúng tôi cho nó một bài học đích đáng.
- Tính tôi vốn dĩ hoà vi quý. Nhưng nó quá đáng quá. Không thể để thế được. Hôm qua, nó trỏ tay vào mặt tôi đe dọa, tôi đã không chấp rồi.
Tiếng bà Sài-Gòn:
- Anh Hai làm cho em phục quá đấy.
- Chuyện vặt, có gì đáng phục đâu chị. Tôi chẳng qua là đã tới đường cùng, nên không cần gì nữa.
- Anh Hai khiêm tốn, em càng phục hơn.
- Không, tôi chỉ nói sự thực. Tôi không bao giờ đóng vai khiêm tốn. Cũng không bao giờ tự cao. Nếu tôi thông minh một chút, tôi đã chẳng phải nằm tù mấy chục năm.
Gã đầu gấu cười hô hố, rồi nhại giọng miền Nam:
- Anh Hai, làm em phục quá đấy. Anh em thân ái thế, ông chú phải cảm động đi chứ.
- Anh chỉ được cái ăn nói bừa bãi.
Tiếng người yêu của gã cự gã.
- Thế em không muốn ông chú với bà cô giống như anh với em sao? Sao em ích kỷ thế, không muốn cô chú có hạnh phúc à?
- Thôi đừng đùa nữa. Cô chú không bằng lòng đâu.
Phó Nhòm hứng khởi:
- Ông bạn trúng số rồi. Mụ xưng em ngọt ngào quá.
Lão ngồi xuống, lắc đầu.
- Anh đúng là một thi sĩ. Giầu tưởng tượng thực.
- Không, khoản tình yêu này, tôi kinh nghiệm hơn ông bạn nhiều. Rồi thời gian sẽ trả lời. Bây giờ, tôi muốn hỏi ông bạn chuyện quan trọng hơn. Liệu Ngưu-Ma-Vương có kiếm chuyện với ông bạn không?
- Không ngại. Nó có tật, giật mình. Thái độ của nó, chứng tỏ nó đã chờn. Anh phải biết dưới chế độ ta, Đảng đã thành công ở điểm làm cho mọi người khiếp sợ. Nhân dân khiếp sợ Đảng đã đành. Nhưng cán bộ, đảng viên còn khiếp sợ hơn nhân dân. Sợ lẫn nhau. Sợ cấp trên. Lúc nào cũng phải giữ võ. Hai lưỡi dao đói rét và tù đày, luôn treo lơ lửng trên đầu. Sự khiếp sợ dẫn tới sự khuất phục, biến con người thành tôi tớ ngoan ngoãn, thành công cụ Đảng tùy ý xử dụng. Sự khiếp sợ của dân chính là sức mạnh của Đảng. Khi nào dân hết sợ, là Đảng hết thở.
Một lúc sau, Ngưu-Ma-Vương mở cửa cho các buồng ra lấy cơm. Cả xà lim phấn khởi khi thấy mỗi suất được đầy một bát rau muống. Giữa mùa rau muống, mà Hỏa-Lò họa hoằn mới được ăn. Những người có tiếp tế vắt chanh, trộn muối vừng, trộn ớt, làm thành một món nộm tuyệt vời.
Ngưu-Ma-Vương bảo lão:
- Anh ra ngoài, cắt tóc, cạo râu cho gọn.
Lão ngồi xuống chiếc ghế đẩu ở giữa sân. Một tên tù tự giác dùng kéo cắt tóc, cắt râu một cách chớp nhoáng. Độ bốn, năm phút đã xong.
- Cho anh tắm rửa.
Lão chạy vào buồng lấy khăn mặt. Phó Nhòm đưa cho lão một miếng xà phòng. Kỳ cọ thoải mái xong, lão vào buồng. Ngưu-Ma-Vương bỏ đi.
Phó Nhòm vui mừng:
- Mềm nắn, dắn buông. Đúng là nó sợ ông bạn rồi. Từ xưa tới nay, nó chưa ưu tiên cho ai như vậy. Cắt tóc mấy tháng một lần. Cả xà lim cùng cắt trong giờ vệ sinh. Thái độ của nó cũng khác hẳn.
Gã đầu gấu gọi to:
- Bà cô ơi, ông chú cắt tóc, cạo râu, trông trẻ ra đến hai mươi tuổi đấy.
- Cô thấy rồi.
Phó Nhòm đắc ý:
- Thấy chưa. Mụ ta vẫn theo rõi ông bạn đó. Tốc chiến, tốc thắng đi!
- Nhưng để làm gì mới được?
- Để giải trí, tiêu sầu, quên đi phần nào cảnh tù tội.
- Tình yêu không phải là thứ mang ra đùa cợt, giải trí. Đó là quan niệm của tôi. Thôi, chúng ta ăn.
Thấy lão gắp một gắp rau muống đưa lên miệng, gã ngăn lại:
- Ấy chết, bẩn lắm. Phải nhặt vất những lá úa, lá thối đi. Có khi có cả sâu bọ, cả đỉa. Ông bạn có biết nhà bếp nó luộc rau thế nào không? Rau đưa về bếp là nó quẳng ngay vào chảo, không thèm cởi cả lạt buộc, chứ đừng nói tới rửa ráy. Luộc xong một chảo, nó rải ra bệ xi măng, xếp những bó sống lên. Rồi luộc tiếp, lại chồng lên những bó sống đó. Một lớp chín, một lớp sống như vậy. Hấp hơi thành chín tuốt. Không phải chúng nó lười, hoặc vô lương tâm. Tám, chín thằng nhà bếp mà phục vụ gần ba nghìn tù. Không làm thế, sao kịp.
Cơm nước, thuốc lào xong, Phó Nhòm hỏi:
- Ông bạn có chơi cờ tướng không? Tôi có một bộ quân bằng giấy. Bàn cờ đứa nào đã gạch sẵn lên sàn nằm của tôi đây này. Nếu không ngủ trưa, làm vài ván cho qua thời giờ.
- Ừ thì chơi. Nhưng cờ tôi thấp lắm.
- Tôi cũng chẳng cao gì.
Hai người tập trung vào bàn cờ. Phó Nhòm rất hiếu thắng. Mỗi khi ăn được của lão một quân, gã đắc ý, rung đùi, mặt hớn hở. Lão đưa tốt vượt hà. Gã cho pháo nổ giết ngay. Rồi ngâm nga:
Đáng thương chỉ có dăm thằng tốt
Bị thúc qua sông mấy kẻ về.
Thua liền ba ván, lão nói:
- Cờ tôi thấp như vịt. Không đánh lại anh. Tôi nằm nghỉ một chút.
- Phải giải chiếu ra. Nằm ngay trên sàn xi măng tuy mát, nhưng không hiểu sao, dậy mệt lắm. Có lẽ xi măng nó hút hơi người. Cái chiếu đó của một lão hắc lào đầy mình nằm. Tôi đã giặt phơi cẩn thận rồi.
Lão giải chiếu ra nằm, quay mặt vào tường. Trên tường, lấm tấm những vệt máu thâm xì. Chắc những người nằm trước giết rệp, bôi lên. Lão giở mình nằm ngửa, nhìn lên trần. Lão cố suy đoán xem vì lý do gì, lão đang ở trại, lại chuyển về Hỏa-Lò. Họ định thả lão chăng? Không phải. Thả từ trại cũng được. Việc gì mất công chuyển về đây, mới thả. Chịu không lý giải nổi.
Tiếng trẻ em nô đùa ầm ĩ từ trường Tân-Trào vọng vào. Chỉ bên kia bức tường thôi, là phố Hàng-Bông-Thợ-Nhuộm. Đi bộ độ hai mươi phút, là tới nhà em gái lão. Thế mà ngàn trùng cách biệt. Đột nhiên, lão thấy thân phận mình thua con chuồn chuồn, con chim sẻ. Chúng bay nhẩy tự do quá. Không bị cái gì kiềm tỏa. Nhưng bức tường cao sáu thước kia, với mảnh chai, với dây điện, nghĩa lý gì, so với thiên la, địa võng vô hình trùng trùng giăng mắc trên đất nước lão. Năm 61, lão đi tù. Con trai lão mới tám tuổi. Nó đang học lớp hai. Vợ chồng lão cưng nó lắm. Hai người nhịn ăn, nhịn mặc. Tất cả dồn cho nó. Lão sợ trẻ thơ thiếu dinh dưỡng, sau này, óc sẽ kém phát triển, cơ thể sẽ còi chột. Phiếu thịt, phiếu đường, đều để con dùng. Thằng bé nó giống bố ở đôi mắt, cái mũi. Giống mẹ ở nụ cười, cái tai. Nhiều lúc để con ngồi trong lòng, ngắm nó, lão nghĩ con người thực ra không bao giờ chết. Nếu lão có chết, thời một phần máu thịt lão, một phần tâm linh lão, vẫn tiếp tục sống trong thằng con. Cũng như bố mẹ lão tuy chết, nhưng thực tế, hai người vẫn sống trong lão. Cứ như thế, đời này sang đời khác, bất tận. Lão lập gia đình năm mới hai mươi hai tuổi, do bố mẹ sắp đặt. Hai cụ muốn có cháu nội để bế. Tuy nên vợ, nên chồng, theo lối cổ điển, nhưng vợ chồng lão sống với nhau hạnh phúc. Nàng là cô giáo tiểu học. Nhan sắc trung bình. Nhưng tính nết dịu dàng, đoan trang, chiều chồng, thương con, hiếu thảo, tề gia, nội trợ khéo. Đi tù, lão nhiều đêm ân hận, vì trong chín năm chung sống, lão đã không yêu thương vợ nhiều hơn nữa. Đôi lúc, lão nóng nẩy, quát mắng, khiến nàng phải khóc. Nàng hiền quá. Chẳng bao giờ cãi lại lão cả. Năm 77, tù về, được biết nàng ở Sài-Gòn, có ba con với gã quản lý thị trường. Lão bảo em gái đừng báo tin. Để cho nàng khỏi bận tâm. Yên với cuộc sống đang sống. Năm 80, gia đình nàng vượt biển. Tới nay, đã ba năm trôi qua, em gái lão vẫn không được tin tức gì. Rất có thể đã chìm đắm dưới lòng đại dương, làm mồi cho cá biển, như ngàn vạn gia đình bất hạnh khác. Lão thở dài.
Phó Nhòm đương đi đi, lại lại trên sàn, dừng lại hỏi:
- Có gì mà ông bạn thở dài vậy?
- Nằm không ngủ được. Nghĩ ngợi linh tinh. Buồn.
Lão ngồi dậy, giở thuốc ra, chuẩn bị hút.
- Chính vì vậy, tôi sợ nằm lắm. Cứ đi lại trên sàn thế này, cho đầu óc giải tỏa. Mệt lắm mới nằm. Tôi coi như mình đi dạo chơi trên “Đại lộ Hoàng Hôn”. Mỗi ngày tôi đi ít nhất mười cây số. Mười sáu tháng nằm xà lim, tính ra tôi đã đi được một phần tám vòng trái đất rồi đó.
Nhả khói ra đầy buồng, lão nói:
- Ở trên trại, tôi sống như cây cỏ, quên hết. Về đây, lại đâm nghĩ ngợi. Tôi không để ý tới chuyện về, ở. Nhưng không hiểu sao chiến tranh Việt-Trung không xảy ra, mà họ cứ giam tôi mãi. Vô lý quá.
- Có cái lý nào ở cái xã hội này! Không có thằng Nga, thì thằng Tầu nó choảng cho bỏ mẹ rồi. Tình hữu nghị đời đời bền chặt, bây giờ thành ra đời đời lỏng lẻo. Thằng em út tôi ngỏm củ tỏi trong trận biên giới năm 79. Nó đóng ở Lào-Cai. Xe tăng Tầu sơn cờ đỏ sao vàng bò vào tới tận nơi, vẫn tưởng là xe tăng của mình. Toi mạng sạch.
Lão lắc đầu:
- Hai bên cùng khoe là đại thắng. Chẳng biết đâu mà lường.
- Chúng nó cùng một lò nói phét cả. Lính Tầu ngỏm nhiều. Nhưng lính mình cũng không kém.
Được cái hai thằng cùng coi mạng người như ngóe. Nói thực với ông bạn, tôi chưa bao giờ thấy mấy ông lãnh tụ Đảng hoảng sợ tới như vậy. Đánh Pháp, đánh Mỹ, các ông ấy vẫn ung dung. Đằng này, vừa bị tấn công, báo Nhân-Dân đã đăng tít lớn trên trang nhất, kêu gọi sự can thiệp khẩn cấp của Liên-Xô. Brê-giơ-nép cảnh cáo rất đanh thép: “Trung-Quốc nên rút quân ngay khỏi Việt-Nam, khi còn chưa muộn”. Bao nhiêu người bị huy động đi xây dựng phòng tuyến Sông-Cầu, để bảo vệ thủ đô. Chuẩn bị dùng cả võ khí hóa học ở Yên-Bái. Không vận cấp tốc mang quân tinh nhuệ từ Cam-pu-chia về. Địa hình biên giới là nơi phòng thủ lý tưởng, mà mới mười mấy ngày, bọn Tầu đã tiến sâu tới ba bốn chục cây số. Tuyến Lạng-Sơn chỉ còn cách hơn một trăm cây là tới Hà-Nội. Hoảng là phải. Mấy lãnh tụ đã chuẩn bị di tản vào Thanh-Hóa. Dân tộc thiểu số theo Tầu hết, ông bạn ạ. Hôm mùng năm tháng ba, Đặng-Tiểu-Bình tuyên bố rút quân và đe dọa: “Nếu lợi dụng việc rút quân mà tấn công, thì đừng hối hận”. Phía Việt-Nam không dám nổ một phát súng. Bọn Tầu nó dùng thủ đoạn mua chuộc nhân tâm. Nó phát cho dân lương thực, quần áo. Nhưng tất cả nhà máy, hầm mỏ, cầu cống, cơ quan công cộng, nó phá sạch. Hang Pắc-Bó nó cũng cho tan. Mấy chục vạn quân đương đánh nhau ở Căm-pu-chia, không có bố Nga đứng cạnh, thì Tầu nó nuốt chửng. Hoàng-Văn-Hoan, tay sai hiến cả linh hồn cho Tầu mà thống trị, thì dân mình sẽ khốn nạn gấp mấy. Tay sai Nga cai trị còn đỡ hơn ít nhiều. Trong trận chiến mười mấy ngày ở biên giới, ngoài thằng chết, thằng bị thương tàn phế ra, thằng dân chạy loạn là thằng thua đau nhất. Khi họ trở về, gà, lợn, trâu, bò của họ đã bị bộ đội tới trước thịt sạch.
- Tôi còn gặp rất nhiều người thiểu số vùng biên giới trong tù. Họ nói họ đi tù là may. Vô số kẻ ủng hộ Tầu bị hạ sát, xác quăng xuống vực. Anh nói đúng. Nếu không có Liên-Xô thì nguy. Đánh nhau với Tầu, Việt-Nam bị bất lợi nhiều mặt lắm. Quân Tầu đã từng đóng ở miền Bắc nhiều năm. Địa hình, nó thuộc như lòng bàn tay. Hơn nữa, khi tình nghĩa anh em còn thắm thiết, Bộ Quốc-Phòng Việt-Nam còn đưa cả bản đồ quân sự sang in ở Trung-Quốc. Trong Đảng, trong quân đội không thiếu gì người thân Tầu. Sức dân thì kiệt lắm rồi. Lại đang mắc kẹt ở Căm-pu-chia. Lực lượng quân sự Tầu gấp mười Việt-Nam. Chúng ở sát cạnh, hậu cần thuận lợi...
- Ngưu-Ma-Vương vào đấy! Chúng ta tạm ngừng.
Hắn mở khóa cho các buồng ra lấy cơm, rồi bảo lão:
- Anh đi cung.
Thấy hắn nhìn mình có vẻ lo ngại, lão nói nhỏ:
- Ông an tâm.
Rồi đi theo tên quản giáo thường trực. Lão được dẫn vào một phòng khá rộng, bàn ghế lịch sự, quạt trần chạy vù vù. Có cả một bức tranh sơn dầu lớn trên tường. Không phải là phòng hỏi cung. Một người đứng tuổi béo lùn, đầu húi cua, sơ mi trắng cộc tay, đồng hồ vàng, kính lão, tự giới thiệu là người của Bộ. Ngồi bên y là hai thanh niên, tuổi chừng ba mươi, cũng mặc thường phục. Nhìn thái độ kính cẩn của họ đối với y, lão đoán y là một cán bộ cao cấp. Một thanh niên rót trà ra mấy cái tách. Y chỉ tay vào bao Thăng-Long trên bàn, tươi cười:
- Anh hút thuốc, uống trà đi. Sức khỏe anh tốt chứ? Chúng tôi đưa anh về đây là muốn mở cho anh một lối thoát. Anh tù tất cả bao năm rồi?
- Lần thứ nhất, mười sáu năm. Lần này, từ khi nổ ra chiến tranh biên giới, hơn bốn năm.
Y gật gù:
- Đúng là một thiệt thòi cho anh. Nhưng thời chiến nước nào cũng phải làm vậy. Hồi thế chiến thứ hai, Mỹ cũng tập trung tất cả người Nhật trên đất Mỹ. Khi bọn bành trướng Trung-Quốc tràn qua, đám ngụy quân, ngụy quyền được tha về ở sáu tỉnh biên giới đều theo Trung-Quốc. Họ bị xử tử lập tức theo kỷ luật chiến trường. Anh ở Hà-Nội là may đó. Tôi đã xem hồ sơ anh. Từ năm 77 đến năm 79, gần hai năm ở ngoài, anh không chịu làm ăn gì, chỉ buôn bán bất hợp pháp.
- Tôi không có nghề ngỗng gì. Chỉ biết cắt tóc, do tự học trong trại. Nhưng công an phường cấm tôi làm nghề đó. Họ bảo cắt tóc rong, giao thiệp với nhiều người, không được. Tôi đứng đường bơm xe, cũng bị đuổi. Đi gánh gạch, xách vữa một thời gian cũng bị sa thải, do lý lịch tù tội. Vì vậy, tôi phải đi buôn trà, buôn mật ong từ Phú-Thọ, Lạng-Sơn. Mỗi chuyến buôn dăm cân trà, hoặc dăm lít mật ong. Chỉ tạm đủ sống. Nhiều khi bị tịch thu, mất cả vốn. Có nhiều ngày, tôi phải nhịn đói.
- Sao anh không lấy vợ? Anh muốn rảnh rang để hoạt động?
- Ông nghĩ xem, lấy vợ cũng phải gặp người hợp với mình, bằng lòng lấy mình. Tôi ra tù, vợ đã bỏ đi lấy chồng. Con đi bộ đội chết trong rừng Trường-Sơn mất xác. Lòng buồn rầu, chưa nghĩ tới việc lấy vợ. Hơn nữa, cuộc sống bấp bênh, nuôi thân còn chưa xong. Ông bảo tôi cố ý sống độc thân để hoạt động. Chết đói dở, hoạt động cái gì? Các ông cách mạng ngày trước, đa phần đều vợ con cả. Đâu cứ phải không vợ, không con mới làm cách mạng.
- Thôi được. Tôi biết cuộc đời anh có nhiều đau khổ. Bây giờ chúng tôi muốn tạo điều kiện cho anh làm lại cuộc đời. Anh mới năm mươi ba tuổi. Kém tôi bẩy tuổi. Còn sớm chán. Tôi hỏi thực anh. Anh có muốn ra tù không?
- Con chó nằm trong cũi, còn mong được xổng. Huống hồ con người. Đó là nói chung. Riêng đối với tôi, thực lòng nói với ông, tôi chán chường lắm. Tù lâu đã thành chai rồi. Ra tù, ở tù, cũng vậy thôi. Mỗi thứ có cái khổ của nó. Ở ngoài, tôi biết làm gì để đổ vào mồm ngày hai bữa? Lại lên đồn, xuống sở, hạch hỏi. Quá chết!
- Vì thế chúng tôi mới tạo điều kiện cho anh, bù đắp lại những thiệt thòi anh đã phải chịu. Chúng tôi sẽ bố trí cho anh ở thành phố Hồ-Chí-Minh. Việc ăn ở, anh khỏi lo. Có thể còn kiếm người chung sống với anh, cho tuổi già đỡ cô đơn. Nhưng với điều kiện là anh phải giúp cách mạng một số việc. Chúng tôi không thiếu người. Nhưng dùng anh, thuận lợi cho công việc hơn. Và chủ yếu cũng để bù đắp lại cho anh. Anh nghĩ sao?
- Ông có thể cho tôi biết cụ thể là tôi phải làm gì?
- Cái đó sau. Phục vụ cách mạng là vô điều kiện. Cách mạng giao cho việc gì là phải hoàn thành việc đó. Tất nhiên, công việc sẽ không vượt quá khả năng của anh. Bây giờ, tôi cần biết là anh có chấp nhận không?
- Khi tôi chưa biết cụ thể, tôi không chấp nhận được.
- Không sao. Chúng tôi không vội. Chúng tôi để thời giờ cho anh suy nghĩ. Khi nào bằng lòng, anh báo cho giám thị trại, xin gặp tôi. Hôm nay, tôi nói thế là rõ ràng lắm rồi. Phải cân nhắc hơn thiệt. Đừng đánh mất cơ hội. Anh có muốn viết thư cho em gái anh không? Chúng tôi chuyển hộ.
Lão xin giấy bút, viết vắn tắt mấy hàng cho em lão, rồi đưa cho một thanh niên. Tên công an cao cấp đứng dậy. Lão cũng đứng dậy.
Một thanh niên đưa cho lão một túi ni-lông, trong đựng một gói đường, hai hộp sữa, một gói trà, một tút Điện-Biên, một bật lửa hơi.
- Thủ trưởng chúng tôi biếu anh đó.
- Ở Hỏa-Lò cấm hút thuốc. Không có nước sôi pha trà. Tôi mang những thứ này vào, có thể bị tịch thu.
Tên thủ trưởng cười:
- Anh an tâm. Tôi sẽ bảo họ. Hãy suy nghĩ kỹ điều tôi nói với anh hôm nay. Tôi đợi câu trả lời của anh.
Tên quản giáo thường trực dẫn lão về xà lim, nói với Ngưu-Ma-Vương:
- Đồng chí thiếu tướng Cục trưởng nói cho phép nó hút thuốc, uống trà.
Ngưu-Ma-Vương nể lão ra mặt. Hắn không khám gì, mở cửa buồng, bảo:
- Anh lấy ca ra mà đun nước sôi.
Lão cảm ơn, mang ca nước của Phó Nhòm ra. Chỉ hai phút, xong việc. Lão bê ca trà vào buồng, lấy chiếc áo bông ra ủ lại.
Phó Nhòm hỏi:
- Thế nào, triển vọng tốt chứ?
Lão lắc đầu:
- Không có gì tốt lành cả. Ăn cơm xong, tôi sẽ nói cho anh nghe.
Tiếng khóa cửa khu xà lim loảng xoảng. Ngưu-Ma-Vương rít một điếu thuốc lào, rồi bỏ đi. Năm, sáu người trong xà lim chúc mừng lão sắp về. Họ nghĩ được chấp pháp cho quà là dấu hiệu đáng mừng.
Gã đầu gấu toang toác:
- Ông chú với bà cô sắp thoát ngục rồi. Ra ngoài gặp nhau, tha hồ vi vu. Đừng quên thằng cháu bất hạnh này nhá.
Tiếng bà Sài-Gòn vui vẻ:
- Về, cô sẽ gửi quà cho cháu.
Có tiếng ai hỏi gì, lão không nghe rõ.
Phó Nhòm đứng dậy nói:
- Giặc lái cùm, không đứng lên được. Ngồi nói, phải nói to mới nghe nổi.
- Ông anh tù lâu, kinh nghiệm. Muốn hỏi ông anh, liệu em có được chủ tịch Trường-Chinh ân xá, tha chết không? Có hai mươi tám tấn thóc thôi mà. Đâu đáng tội chết.
Lão an ủi:
- Sống chết có số. Lo nghĩ nhiều, vô ích. Tôi không dám khẳng định cái gì cả. Nhưng cứ hy vọng. Biết đâu, ông trời thương.
Phó Nhòm nói với lão:
- Kể cũng thương hại. Thằng này chết là cái chắc. Lão Trường-Chinh có tha ai bao giờ đâu. Còn việc ông bạn thế nào? Đừng nhìn đời bằng con mắt bi quan quá.
Lão kể hết cho Phó Nhòm nghe, rồi buồn rầu:
- Tôi thừa hiểu nó muốn dùng tôi để hại người khác. Tôi nguyên là đại úy quân đội quốc gia, lại tù đày suốt hai mươi năm. Dễ được những người chống đối tin tưởng. Nó muốn sử dụng tôi như một cái bẫy. Việc khốn nạn ấy, đời nào tôi chấp nhận. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao tôi lại chuyển về Hỏa-Lò.
Phó nhòm thán phục, giơ tay, bắt tay lão:
- Ông bạn đúng là bậc trượng phu. Hoàn toàn đồng ý với ông bạn. Để ra tù, mà phải phản phúc, hại người, cái giá đó ô nhục quá. Tôi có nhiều tật xấu. Nhưng lừa thầy, phản bạn, vong ân, bội nghĩa thì không. Tôi có yêu nhiều em thực. Nhưng tôi không phụ em nào cả. Tôi chỉ đa tình, mà không bạc tình. Những thằng sở khanh là tôi chúa ghét.
- Khi nó cho quà, tôi định không nhận. Sau, tôi nghĩ những thứ đó đâu phải của chúng nó. Chúng nó cướp của dân. Mình cứ dùng, mà chẳng chịu ơn nghĩa gì với chúng.
- Khi ăn cắp của công, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng mua chuộc không nổi, chắc chúng lại tống ông bạn đi trại.
- Đời tôi đã tan nát rồi. Có tan nát nữa, cũng thế thôi.
Ngày hôm đó, hai người ngồi trò chuyện với nhau suốt. Mới gặp nhau có một ngày, mà hai người, một “Đại úy ngụy”, một Đảng viên, đã trở thành đôi bạn tâm đắc.
Buổi tối, xà lim sôi nổi, nhộn nhịp. Nam nữ đùa bỡn nhau. Tuy hơi tục tĩu, nhưng vui vẻ. Những cái lược, những cái bàn chải lao từ buồng nọ sang buồng kia, vun vút. Họ trao đổi quà với nhau, cho những người không tiếp tế đôi chút. Tuy không no lòng, nhưng cũng đỡ tủi. Phó Nhòm đứng ngó canh chừng bọn võ trang đi tuần vào.
Lão nói với gã:
- Tôi cũng đã từng ở xà lim. Nhưng những người ở xà lim này tốt thật. Họ cho cả những người không có tiếp tế. Có thể vì họ mới tù, lại có của. Thằng thượng úy bộ đội không ai cho nó cả. Tội thật.
- Nó hay sớ bẩm, ai cũng ghét. Hơn nữa, nó ở tận buồng 1, sát nhà vệ sinh. Xa thế, làm sao chuyển quà được. Muốn chuyển, phải qua buồng mình.
- Từ khi nó bị rạch mặt, anh bảo nó đã chừa rồi. Hay mình cho nó một tí.
Phó Nhòm cũng động lòng:
- Ông bạn nghĩ phải. Nên an ủi nó một chút. Để tôi lái xe sang buồng nó.
Lão xếp hai cái bánh khảo, ít kẹo mè xửng vào túi ni-lông.
Lần đầu tiên có người cho quà, gã cảm động.
- Con cảm ơn bố đã thương tới con.
Gã đầu gấu mắng:
- Loại như mày, tao đã gặp nhiều. Cho ăn thì “bố bố con con”, không cho thì “Đ... mẹ thằng già”. Hết “tự hào cách mạng” chưa? Nếu còn bệnh xì xọt, tao sẽ rạch mép. Chứ không rạch mặt nữa.
Lão nhờ Phó Nhòm phân phối thuốc lá cho các buồng. Mỗi người ba điếu.
Lão đứng lên hỏi:
- Các chị, các cháu có hút không?
Cô trong đoàn kịch nói, cười khúc khích:
- Cháu hút được cả thuốc lào. Cả xì gà gộc.
Cả xà lim cười ồ.
Bà Sài-Gòn vui vẻ:
- Em không ghiền. Nhưng em phải hút để chia vui với anh Hai. Anh Hai sắp về rồi mà.
- Không có chuyện về đâu, chị ơi. Còn nữ ca sĩ nữa, có hút không?
- Cháu hút, để lấy giọng hát cho hay, phục vụ xà lim.
- Phái đẹp chỉ có ba người hút thôi à?
Các chị, các cô cảm ơn, không hút.
Chương trình ca nhạc thứ bẩy kéo dài tới mười giờ tối. Tất cả mọi người đều phải hát, dù không biết hát. Mấy bà bị ép mãi, không khước từ được, đành đứng lên hát mấy bài ca ru con. Có bà hát cả bài “Bé bé bồng bông, bé đi sơ tán. Má đi lấy chồng” làm cả xà lim vỗ tay, cười sặc sụa.
Gã đầu gấu động viên:
- Không cần hát hay, chỉ cần hay hát thôi. Hoan hô các bà cô!
Cô ca sĩ, cô diễn viên kịch nói hát nhiều nhất. Mỗi người tới hơn chục bài. Toàn loại nhạc vàng.
Phó Nhòm nói với lão:
- Đang lúc cần dũng mãnh chiến đấu, mà toàn là ẻo lả, sướt mướt, rã rời tinh thần. Thua là phải. Đúng là thứ nhạc mất nước, mất nhà, mất vợ. “Lênh đênh đài cao chiến hạm, anh ngồi nhìn sao rơi nhớ tới mắt em” thì còn đánh chác mẹ gì nữa.
Lão thở dài:
- “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái-Thanh ca biệt ly” thì bây giờ được biệt ly thật, được lao động khổ sai, nghe quản giáo nó sỉ nhục. “Súng gươm từ đây sẽ thôi cách trở tình này” thì bây giờ có trại tập trung nó cách trở hữu hiệu hơn nhiều. Chưa nói tới ý chí. Đa số, ý thức chính trị cũng không có làm sao có thể chống được với cộng sản. Phải trách mình trước. Trách Mỹ sau. Thôi, chuyện đã rồi. Không bàn tới nữa. Đi ngủ.
- Ông bạn ngủ đi. Tôi còn viết thư cho “em”. Có giấy rồi.
Lão buông màn, ngủ tới khoảng bốn giờ sáng. Rồi tháo màn, ngồi luyện khí công như thường lệ. Một lúc, Phó Nhòm thức giấc. Gã đun nước pha trà. Mọi người có lẽ còn ngủ cả. Hai người ngồi uống trà, thuốc lá phì phèo. Lão thưởng thức hương trà thơm ngọt, thấm thía, tinh thần sảng khoái.
- Trong tù mà được những phút như thế này, thật là hãn hữu. Ở ngoài cũng chẳng mấy khi có.
Lo kiếm sống tối mày, tối mặt. Có lúc nào thư thái. Ngồi đối ẩm với người tâm sự được, đáng quý lắm. Các cụ ngày xưa nói “Đối diện ẩm trà tất ngã thê” là vậy. Tôi nhận thấy, nếu không quá thiếu thốn, nhà tù chính là nơi gần gũi nhau hơn, đối xử với nhau tốt đẹp hơn. Người nào mới vào, cũng được coi như khách quý. Tôi ở đây chưa được hai hôm, mà cảm thấy thân thiết với mọi người. Ở ngoài xã hội, muốn thân với nhau, còn lâu. Ở buồng chung, ở trên trại, giành giật sự sống khiếp lắm. Do quá đói khổ, mất hết tình người. Xà lim ở các trại cũng vậy. Đúng là những nấm mồ câm lặng. Ai cũng đói rũ, cũng cùm kẹp đau đớn. Không ai buồn nói với ai.
- Cùng hoạn nạn, nên thương nhau. Đồng cam khó hơn cộng khổ nhiều. Nhưng khổ quá, thì con người thành con thú, cắn xé nhau. Ở đây, ngoài mụ Sài-Gòn, tất cả chỉ một tháng tiếp tế một lần. Ăn dè, cũng không đủ. Nhưng cũng không đến nỗi quá đói. Do vậy, tình người chưa mất. Rệp cắn ông bạn mẩn cả vai lên kìa.
- Rận, rệp là bạn đồng hành của tù. Không cách nào trừ nổi. Viết xong thư cho em chưa?
- Xong rồi. Yêu đương trong này chỉ để tiêu sầu thôi. Rồi ra, mỗi người một ngả. Họ dậy cả rồi. Chúng ta tập thể dục đi. Ở xà lim, ai cũng phải tập cả.
Gã đầu gấu hát ong ỏng:
Ngày chủ nhật buồn, còn ai, còn ai. Môi em nồng nàn...
Phó Nhòm chửi:
- Đ... mẹ chúng nó. Đương lúc chiến tranh chết chóc như thế mà lúc nào cũng môi em với vai em. Đúng là nhạc phản chiến ! Không hiểu chúng nó là cái giống gì?
Có tiếng giầy đi vào. Gã ra nghé, rồi mừng rỡ:
- Hôm nay, Ngưu-Ma-Vương nghỉ. Ông quản giáo người miền Nam coi thay. Ông này hiền như đất thó. Không hiểu sao chưa bị đuổi ra khỏi cái nghề cần độc ác, vô lương tâm này. Sớm muộn gì cũng bị chuyển ngành thôi.
Ông quản giáo đã nhiều tuổi, gầy xọm, vào mở cửa buồng lão trước tiên.
Phó Nhòm nói nhỏ:
- Hôm nay có thể tắm giặt được. Có gì mang tất cả ra giặt đi.
Hai người vào phòng vệ sinh độ hai mươi phút. Họ vẫn hà tiện, không lãng phí nước. Còn dành cho người khác dùng. Họ định vào buồng, thì ông quản giáo bảo:
- Các anh cứ ở ngoài sân một lúc cho thoáng.
Rồi ông vào mở cửa buồng bà Sài-Gòn.
Mấy khi được thoải mái như vậy. Phó Nhòm hứng khởi, chạy vòng quanh sân, trông rất thanh niên. Còn lão giơ tay, hít thở không khí ban mai tươi mát.
Ông quản giáo già ngồi vào bàn, hút liền hai điếu thuốc lào.
Nhìn ra cửa sân, ông nói với lão:
- Anh ra khép cái cửa lại. Họ nhìn thấy, bất tiện.
Phó Nhòm nhanh nhẩu chạy ra khép cửa.
Thấy ông quản giáo không uống trà, lão hỏi:
- Báo cáo cán bộ. Tôi có trà, có thể pha mời cán bộ được chứ ạ?
- Sáng nay, tôi quên không mang theo. Anh pha uống cho vui.
Lão vào lấy gói trà Ba-Đình, cắm nước sôi.
- Anh mới tới xà lim này à?
- Tôi mới tới hôm kia.
- Trông anh gầy lắm. Chắc tù lâu rồi?
- Tất cả hai mươi năm.
- Tội gì mà tù nhiều thế?
Lão kể đầu đuôi về lý do đi tù của lão.
Ông quản giáo già chép miệng:
- Anh thì ở lại miền Bắc năm 54. Tôi thì ra Bắc tập kết. Anh vợ bỏ. Tôi vợ chết năm 1969. Mãi tới thống nhất, tôi mới biết tin. Anh, con chết trong rừng Trường-Sơn. Tôi, con chết bên Căm-pu-chia. Tôi cũng sống một mình như anh. Tôi còn một năm nữa là về hưu.
- Cán bộ uống đi cho nóng.
- Cảm ơn. Anh uống đi. Mỗi người một số phận, anh ạ. Buồn phiền cũng vậy. Không giải quyết được gì. Tôi có người em là thiếu tá ngụy, hiện ở trại Tân-Lập. Nó cũng gầy như anh ấy. Anh chẳng muốn ở tù. Tôi chẳng muốn làm nghề coi tù. Nhưng vẫn phải làm.