Hạnh Phúc Được Làm Mẹ
Lê thị Bích Hồng
Tôi sinh ra ở miền quê gió Lào cát trắng trong một gia đình nông dân. Bố mẹ tôi quanh năm ngày tháng quần quật bán lưng cho đất , bán mặt cho trời với mảnh đất cát bỏng , ràn rạt vị nóng của cát cháy mà cơm vẫn bữa no , bữa đói. Chưa đầy 6 tuổi , mẹ tôi mất trong một cuộc " vượt cạn ". Cứu được cô em gái , mẹ kiệt sức vì băng huyết. Hơn 10 năm sau đó , cha tôi đi biển không về. Bà con làng xóm vớt được xác cha dạt vào bờ cát. Mộ ông nằm nép mình dưới chân núi cùng biết bao người đi biển xấu số không về , không tên tuổi. Bà con trong vùng dựng một chiếc miếu nhỏ , ai đi qua đều thắp một nén hương cho những ngư dân bất hạnh mát mẻ , phù hộ cho họ mạnh khoẻ , đi biển bình an. Ông bà nội ngoại đều mất cả , ba anh em càm cắp rau cháo nuôi nhau. Ngày ngày tôi bế em đi bú rình các cô các bác trong làng , còn anh trai bỏ học đi làm thuê , làm mướn. Hơn 1 tuổi mà em gái vẫn èo uột , lấy bấy như cái dãi khoai. Chiến tranh ác liệt , anh trai tôi xung phong ra trận. Anh căn dặn tôi nhờ bà con lối xóm giúp đỡ. 14- 15 tuổi , tôi trở thành trụ cột cho gia đình bé bỏng , gia tài không có gì đáng giá ngoài chiếc lều ọp ẹp , nằm nép mình dưới rặng phi lao , mỗi khi trời trở gió thốc tháo cái nóng hun người như nằm trong chảo lửa , rặng cây oằn mình kêu răng rắc. Tôi lầm lũi trong tuổi thơ dữ dội , cứ phải gồng lên để chống chọi so với tuổi của mình. Rồi anh trai hy sinh trong trận đánh mở màn , tôi khuỵu xuống trước cái tin dữ ấy , không còn nước mắt để khóc. Không thể gục ngã. Lời mẹ ru như găm sâu trong ký ức của tôi ,tôi phải vội lớn hơn so với tuổi của mình , mặc dù trông bề ngoài vẫn nhỏ thó , gầy guộc " Chớ có than phận khó ai ơi - con da lông mọc còn chồi nảy cây ". Không còn cách nào khác , tôi đành phải nghỉ học để em tôi tới trường và chẳng nề hà việc gì miễn kiếm đủ rau cháo qua ngày. Cuộc chiến tranh này một dữ dội. Tôi không kịp nhận ra mình đã là một thiếu nữ nếu không có đơn vị bộ đội đóng quân trong làng đang mải miết luyện tập cho chiến dịch lớn. Một anh lính trẻ măng đến xin nước. Tôi đỏ mặt ,lúng túng khi gầu nước đưa lên chạm phải tay anh. Chiều ấy , tôi cứ thẩn thờ và lén soi mình trong bể nước vừa gánh đầy. Từ hôm ấy , trong căn lều tuềnh toàng của chị em tôi thường trực một người lính trẻ ấy. hơn một tháng sau, đơn vị của anh được lệnh lên đường. Một cái gì đó chợt vỡ vụn và hụt hẫng trong tôi. Vẫn biết điều đó ắt xảy ra nhưng tôi không thể chống đỡ nổi sức mạnh của tình yêu. Trái tim lần đầu tiên run rẩy , thổn thức. Tôi chỉ kịp gói chiếc khăn tay cũ một chùm phi lao xanh còn ngai ngái vừa thơm , vừa hăng hắc. Anh nhìn tôi đăm đăm với một lời hứa hẹn :" Em nên tiếp tục học , không có văn hóa thì cực lắm. Nếu anh sẽ trở lại tìm em... ". Rồi anh mải miết theo đơn vị. Lời hẹn ấy như một lời thề vàng đá găm sâu trong trái tim tôi. Anh là người đàn ông đầu tiên giữ hộ tôi nhiều điều bí mật. Anh giúp tôi hiểu rằng trong cuộc đời này không có con đường cùng. Muốn chiến thắng phải vượt qua chính nó. Niềm tin trong anh thắp sáng trong tôi , tiếp cho tôi nghị lực sống. Tôi đã học tiếp và thi vào trường trung cấp Ngân hàng. Chị em lại bồng bế nhau lên tỉnh học. Nhà trường biết hoàn cảnh đã bố trí cho hai chị em ở trong một căn phòng nhỏ. Hằng ngày tôi nhận thêm phần dọn dẹp vệ sinh để thêm tiền nuôi em ăn học. Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp loại khá. Tôi được nhận công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp của tỉnh. Đi làm , có lương cuộc sống dễ chịu hơn. Không phỉ lòng mong mỏi của tôi cô em gái thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Sau ba năm học , em được giữ lại trường và kết hôn với một đồng nghiệp. Đến lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đất nước giải phóng , tôi trông chờ tin tức của anh. Lời thề hẹn vàng đá đã không nguôi ngoai trong trái tim tôi. Tôi bỏ qua nhiều cơ hội để lựa chọn hạnh phúc cho mình vì vẫn tin một ngày nào đó chàng lính trẻ của tôi sẽ quay trở lại. 1 năm, 2 năm , 5 năm vùn vụt trôi qua...Tôi thật sự hoảng sợ. Thời gian đã phôi phai đi nhiều thứ , búi tóc căng tròn đã lỏng dần , xơ xác , trút đi nhiều sợi , khoé mắt hằn lên những vết chân chim nhưng trái tim vẫn nguyên vẹn như buổi đầu gặp gỡ. Thỉnh thoảng trở về quê , tôi thẩn thờ bên những kỷ niêm ngắn ngủi nhưng với tôi , không có gì có thể sánh được , tưởng như anh quanh quất đâu đây bên rặng cây phi lao hai đứa đã ngắm vầng trăng tròn vành vạch. Anh ngắt lá phi lao đố tôi vết đứt , mặt giếng loang loang như có bóng hình anh...Cô em gái luôn giục giã , thậm chí còn làm mai thầy giáo dạy cùng trường , tôi chỉ biết cười. Nhân một chuyến công tác Hà Nội , tôi tìm đến nhà anh - vùng ven đô Hà Nội bạt ngàn những vườn hồng xiêm trĩu quả. Tôi như muốn khuỵu xuống khi nhìn thấy hình anh đặt trong tấm Bằng Tổ quốc ghi công. Anh đã hy sinh vào đúng ngày giải phóng tại cữa ngõ Sài Gòn. Mẹ anh xúc động ôm tôi vào lòng khóc nức nở. Từ hôm đó tôi trở thành con gái cụ. Cụ khuyên tôi hãy nghĩ đến tương lai của mình , người chết thiệt phận đã đành , người sống không vì ám ảnh mà quên đi hạnh phúc riêng của mình. Nhưng hình như trái tim của tôi nguội lạnh và khép kín. Có một vài người đến , tôi đã thử cảm xúc yêu như buổi đầu gặp gỡ ấy , nhưng cuối cùng không làm như thế được , người ta sẽ khổ vì tôi. Tình yêu đầu đời tôi dành trọn cho anh. Tôi dành hết thời gian cho học tập , rồi hoàn thành lớp hàm thụ đại học và thỉnh thoảng đón con cô em gái chăm nom vì bố mẹ nó bận. Trong cơ quan tôi có một chị người Hà Nội theo chồng vào đây. Chị em quý nhau nên tôi trở thành khách thường xuyên nhà chị. Hơn một năm sau chị mắc bệnh nan y. Trước khi nhắm mắt , chị cầm chặt tay tôi như một lời nhắn nhủ " Hãy thay chị chăm sóc các cháu. Chúng nó còn nhỏ quá ". Thương chị và thương cả thân mình. Chưa một lần có hạnh phúc làm mẹ nhưng đã hơn hai lần biết bận mải khi có con mọn là như thế nào. Các con chị bơ vơ như gà lạc mẹ , anh Tùng - bố của các cháu thì bận mải công việc quản lý. Ngẩm tự thân mình sớm côi cút bơ vơ , nên tôi thương các cháu đến oặn lòng. Sau khi " thay áo " cho chị , cơ quan tác thành cho tôi với anh Tùng . Lần đầu tiên cầm bó hoa cô dâu , tôi chỉ muốn òa khóc khi hạnh phúc mới mẻ đang đến. Anh Tùng rất hiểu hoàn cảnh của tôi. Làm vợ chưa trọn một tuần , anh bị tai biến mạch máu não liệt cả người , hàm cứng lại , không nói năng được. Thế là một lần nữa bất hạnh lại giáng xuống đầu tôi . Nỗi đau trong tôi dường như hóa đá. Tôi có thể chối bỏ trách nhiệm này. Lời của chàng lính năm xưa vẫn văng vẳng bên tôi rằng không có con đường cùng. Một lần nữa người phụ nữ gầy gò chưa đủ 40 cân với gánh gia đình trĩu nặng lại phải gồng mình. Các con đang độ tuổi đi học , sự đầu hàng trốn chạy của tôi sẽ khiến chúng tổn thương , sẽ chẳng ai cưu mang , chăm sóc chúng khi mà bên nội bên ngoại không còn ai thân thích. Tôi trở thành mẹ của 3 đứa trẻ và là bảo mẫu cho một ông chồng xấu số. Mọi sinh hoạt hằng ngày của anh đều phải có người giúp đỡ. Tôi không dám nhờ các con những việc khó như tắm rửa , đi vệ sinh. Khi xúc cơm cho anh ăn , tôi nhìn thấy những giọt nước mắt chỉ chực trào ra nơi khoé mắt.Các con đều quý tôi nhưng chúng chỉ gọi tôi bằng mợ. Tôi không để ý lắm điều đó chỉ biết rằng tôi đang gánh vai trò của mẹ các cháu đang làm dở. Không phụ công tôi các con đều học hành giỏi giang và rất thương bố mợ. Cả ba cô con gái của chúng tôi đều thi đỗ đại học. Sự cố gắng của các con luôn dành được học bổng và cơ quan trợ cấp thường xuyên nên sinh hoạt của gia đình bớt đi nhiều khó khăn. Hai con lớn đã tốt nghiệp đại học và cơ quan tôi đều bố trí ngay công việc. Còn cô gái út tiếp tục đi du học tại Mỹ. Nhờ bác hàng xóm trông coi giúp anh Tùng mấy hôm ,tôi cùng hai con ra Hà Nội tiễn cô út lên đường và cho các con về thăm quê ngoại luôn thể. Sân bay mở cửa cho hành khách , tôi thấy lòng mình nao nao. Chưa phải xa nhà bao giờ cô gái út cứ ôm chặt tôi nức nở khóc , cả ba đứa gục đầu vào lòng tôi " Mẹ , mẹ khổ vì chúng con quá... " Ôm chặt các con vào lòng , một cảm giác thân thương thật lạ , tôi hiểu mình đã là mẹ của các con từ lâu rồi. Hạnh phúc của tôi là hạnh phúc được làm mẹ