Philip Roth (sinh năm 1933) Nhà văn có những tác phẩm đặc trưng với đối thoại sắc bén, mối quan tâm đến đời sống của người Do Thái trung lưu, và những quan hệ bi đát giữa tình yêu trai gái và tình yêu gia đình. Roth tốt nghiệp Đại học Chicago và bắt đầu nổi tiếng với Goodbye Columbus ( Chia tay thôi, Columbus , 1959; giải National Book Award 1960). Tiểu thuyết đầu tiên của ông, Letting Go ( Buông thả, 1962), và cuốn kế, When She Was Good ( Khi nàng còn tốt , 1967) đều không thành công lắm cho đến khi ông viết Portnoy’s Complaint ( Lời khiếu nại của Portnoy, 1969). Cuốn này được xếp vào loại kinh điển của văn học Mỹ gốc Do Thái, mô tả những đau khổ và thiệt hại mà bối cảnh văn hóa đã gây ra cho nhân vật Portnoy. Mấy tác phẩm đáng kể khác của ông là The Ghost Writer ( Kẻ viết thuê , 1979), Zuckerman Unbound ( Zuckerman vô hạn định , 1981), Anatomy Lesson ( Bài học giải phẫu , 1983), The Counterlife ( Phản sinh , 1986) và American Pastoral ( Điền dã Hoa-kỳ , 1997; giải Pulitzer 1998). Goodbye Columbus gồm tám chương, kể về một mối tình ngắn ngủi – chỉ một mùa hè – giữa một chàng trai Do Thái nghèo sống tự lập và con gái một gia đình thị dân Do Thái trung lưu. Chàng trai luôn cảm thấy một tương lai tan vỡ cho mối tình của họ, nhưng thực ra trở ngại với anh chính là lối sống thực dụng và các thành kiến của gia đình cô gái.
1
Lần đầu tiên tôi gặp Brenda nàng nhờ tôi giữ giùm cặp kiếng. Rồi nàng bước tới mép tấm ván nhún và nhìn mơ màng xuống hồ; có thể nước đã bị tháo sạch, và Brenda cận thị chắc không hề biết điều đó. Nàng lao xuống rất đẹp, và giây lát sau đã bơi trở lại mé hồ, mái tóc hung đỏ cắt ngắn của nàng cất cao, vươn tới trước, cứ như đóa hồng trên một cuống dài. Nàng lướt tới mép hồ và thế là đến cạnh tôi. “Cám ơn nghe,” nàng nói, đôi mắt long lanh tuy không phải do nước. Nàng chìa tay nhận cặp kiếng nhưng không đeo lên cho đến khi quay lưng và bỏ đi chỗ khác. Tôi nhìn nàng xa dần. Đột nhiên nàng thò tay ra sau, bằng ngón trỏ và ngón cái, nàng kéo đũng quần và đẩy phần da thịt lộ ra trở về đúng chỗ của nó. Máu me tôi nhảy tưng một nhịp. Tối đó, trước bữa ăn, tôi gọi cho nàng. “Mày gọi ai vậy?” Dì Gladys của tôi hỏi. “Cô bạn mới gặp bữa nay.” “Doris giới thiệu hả?” “Doris không chịu giới thiệu con với cái thằng tháo nước hồ đâu, Dì Gladys.” “Mày đừng có lúc nào cũng chỉ trích thế. Bà con vẫn là bà con. Sao mày quen được nó?” “Thực ra con đâu quen cô ấy. Con chỉ thấy thôi.” “Đứa nào vậy?” “Họ cô ta là Patimkin.” “Patimkin tao không biết,” Dì Gladys nói, cứ như bà biết bất cứ ai trong Câu lạc bộ Green Lane Country vậy. “Mày tính gọi mà không quen biết trước gì cả à?” “Vâng,” tôi giải thích. “Con sẽ tự giới thiệu.” “Đồ Casanova,”[1] dì ấy phán rồi tiếp tục chuẩn bị bữa tối cho chú tôi. Nhà chúng tôi không dùng bữa với nhau: dì Gladys ăn lúc năm giờ, cô em họ Susan của tôi lúc năm rưỡi, tôi sáu giờ, còn chú tôi sáu rưỡi. Chẳng có gì giải thích được chuyện này hơn cách kết luận rằng bà dì tôi khùng. “Danh bạ điện thoại ngoại ô đâu rồi?” Tôi hỏi sau khi lôi hết mọi cuốn sách dưới gầm bàn điện thoại ra. “Cái gì?” “Danh bạ điện thoại ngoại ô. Con muốn gọi tới Short Hills.” “Cuốn mỏng teng đó hả? Ôi, bộ tao phải chứa trong nhà cái thứ đó sao, tao có bao giờ xài tới nó đâu?” “Nó đâu rồi?” “Dưới tủ chén chỗ chân tủ bị sút ra đó.” “Lạy chúa tôi,” tôi kêu lên. “Gọi cho tổng đài thì hơn. Mày vào bếp moi móc trong đó rồi làm lộn tung mấy ngăn kéo của tao cho coi. Đừng quấy tao nữa, mày biết chú mày sắp về tới mà. Tao cũng chưa cho mày ăn được nữa.” “Dì Gladys, coi như tối nay nhà mình dùng bữa chung nghe. Trời nóng mà, vậy tiện cho dì hơn.” “Hay dữ, tao sẽ phải dọn bốn phần ăn khác nhau một lượt. Mày ăn thịt chiên tảng, Susan ăn pho mát trắng, ông Max ăn bipstếch. Tối thứ Sáu là ăn bipstếch mà, tao không cấm ông ấy được. Còn tao thì thịt gà nguội. Tao phải tưng lên tưng xuống cả hai chục lần sao? Tao là cái gì, con ngựa cày chắc?” “Sao cả nhà mình không cùng ăn bipstếch, hay gà nguội…” “Tao coi sóc cái nhà này hai chục năm rồi. Đi gọi điện cho con bạn mày đi.” Nhưng khi tôi gọi, Brenda Patimkin không có nhà. Cô nàng ăn tối ở câu lạc bộ, một giọng phụ nữ cho tôi biết như thế. Rồi cô ấy có về nhà không (giọng tôi lúc đó cao hơn giọng một cậu trong dàn đồng ca tới hai quãng tám)? Tôi không biết, giọng đó đáp, có thể nó sẽ đi chơi golf. Ai đầu dây vậy? Tôi lắp bắp vài lời… chẳng là gì cả cô ấy không biết đâu tôi sẽ gọi lại không nhắn gì đâu ạ cám ơn xin lỗi đã quấy rầy… tôi gác máy trong khi còn dang dở chuỗi lảm nhảm ấy. Rồi bà dì gọi và tôi gồng mình chuẩn bị vào bữa tối. Bà đẩy cái quạt máy rù rì đen thui lên tốc độ cao và như thế nó làm chao đảo cả sợi dây điện lòng thòng từ cái đèn bếp. “Mày muốn uống gì? Tao có bia gừng, nước khoáng, dâu đen, và một chai soda kem có thể khui được.” “Không uống đâu, cám ơn.” “Mày uống nước lạnh hả?” “Con không uống trong bữa ăn. Dì Gladys, con đã nói với dì mỗi ngày suốt một năm nay rồi…” “Ông Max uống được cả két chỉ với món gan bằm thôi. Ông ấy lao động cực nhọc cả ngày. Nếu mày lao động nặng thì chắc uống nhiều hơn.” Ở chỗ lò bà chất một đĩa đầy món thịt chiên tảng, khoai tây luộc, nước chiên thịt, và đậu với cà rốt. Bà đặt đĩa trước mặt tôi và tôi có thể cảm thấy hơi nóng của thức ăn tỏa lên mặt. Rồi bà cắt hai miếng bánh mì và đặt kế bên tôi, trên bàn. Tôi dùng nĩa tách một củ khoai tây làm hai và ăn, trong khi Dì Gladys, ngồi đối diện bên kia bàn, quan sát tôi. “Mày không thích bánh mì,” dì nói, “tao không cắt ra sợ nó mất ngon.” “Con thích bánh mì chứ,” tôi nói. “Mày không thích ăn chung với hạt phải không?” Tôi xé một miếng bánh mì làm hai và ăn. “Còn thịt thế nào?” “Ồ, ngon.” “Mày sẽ ngốn cả đống khoai tây với bánh mì rồi bỏ dư thịt làm tao phải đổ đi.” Đột nhiên bà đứng bật khỏi ghế. “Muối!” Khi trở lại bàn bà dằn một lọ muối xuống trước mặt tôi – không bao giờ có tiêu trên bàn ăn trong nhà bà: bà nghe được trên chương trình của Galen Drake rằng cơ thể không hấp thụ được thứ đó và thật phiền cho Dì Gladys khi phải nghĩ rằng món gì đó do bà dọn lên lại chỉ đi qua thực quản, dạ dày và bộ ruột chỉ như đi du hành cho vui thôi. “Mày sẽ nhặt hết đậu ra hả? Mày nói với tao vậy mà, tao không ưa nổi thứ cà rốt.” “Con thích cà rốt,” tôi nói, “Con thích cả lũ cà rốt.” Và để chứng minh, tôi lùa cả đống cà rốt vào họng và lùa một nửa mớ đó nữa xuống quần dài. “Heo,” dì ấy nói. Tuy tôi rất khoái đồ tráng miệng, nhất là trái cây, nhưng tôi quyết định không ăn tí nào cả. Trong buổi tối nóng nực này, tôi muốn tránh bàn cãi việc tôi thích trái cây tươi hơn trái cây đóng hộp, hay trái cây đóng hộp hơn trái cây tươi; dù tôi thích thứ nào hơn thì Dì Gladys cũng có cả đống thứ ngược lại chất trong tủ lạnh cứ như kim cương đánh cắp vậy. “Nó thích táo đóng hộp mà tôi có đầy nguyên một tủ lạnh nho phải vứt bỏ…” Cuộc đời chỉ là việc vứt bỏ đối với Dì Gladys tội nghiệp, những niềm vui lớn nhất của dì là moi rác ra, dọn sạch tủ nhà bếp, và soạn những túi đồ cũ xì cho cái mà dì vẫn gọi là những người Do Thái tội nghiệp ở Palestine. Tôi chỉ mong dì qua đời khi tủ lạnh trống rỗng, nếu không dì sẽ phá hủy cõi vĩnh hằng của mọi người khác, dù đó là bất cứ gì, với món nho mốc xanh, và những trái cam trổ lông nấm bên dưới. Chú Max của tôi về đến và trong khi tôi gọi số của Brenda lần nữa, tôi còn nghe được tiếng bật nút chai soda trong bếp. Lần này giọng trả lời điện thoại nghe cao, cụt lủn và mệt mỏi. “Alô.” Tôi lao ngay vào bài diễn thuyết. “Alô-Brenda-Brenda cô không biết tôi tức là cô không biết tên tôi nhưng tôi đã giữ kiếng giùm cô chiều nay ở câu lạc bộ… Cô đã nhờ tôi làm thế tôi không phải hội viên nhưng em họ tôi Doris là hội viên ở đó Doris Klugman tôi đã hỏi cô là ai…” Tôi thở một phát, để cho nàng có cơ hội lên tiếng, và rồi nói tiếp khi thấy đầu dây bên kia vẫn im re. “Doris hả? Nó là đứa lúc nào cũng thấy đọc Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhờ thế mà tôi biết đã tới mùa hè, mỗi khi thấy Doris đọc Chiến Tranh và Hòa Bình.” Brenda không cười; ngay từ đầu tôi đã thấy nàng là loại thực tế. “Anh tên gì?” nàng nói. “Neil Klugman. Tôi giữ kiếng cho cô ở chỗ cầu nhảy, nhớ hông?” Nàng trả lời bằng một câu hỏi theo kiểu của nàng, một lối hỏi mà tôi dám chắc sẽ gây bối rối cho cả đứa xoàng xĩnh lẫn đứa điển trai. “Trông anh ra làm sao?” “Tôi… da sậm.” “Anh dân da đen hả?” “Không,” tôi đáp. “Vậy trông anh ra sao?” “Tối nay tôi ghé chơi cho cô thấy tôi ra sao được không?” “Hay lắm,” nàng bật cười. “Tối nay tôi chơi tennis.” “Tôi tưởng cô đang chơi golf chứ.” “Tôi chơi xong rồi.” “Còn sau cữ tennis thì sao?” “Sau cữ tennis chắc tôi mồ hôi mồ kê dữ lắm,” Brenda nói. Câu này không phải để cảnh báo tôi hãy bịt mũi lại và chạy cho xa; mà đó là một dữ kiện, rõ ràng nó chẳng làm Brenda bối rối, nhưng nàng muốn tôi ghi nhớ. “Đâu hề gì,” tôi nói, hy vọng rằng cái giọng đó giúp tôi chiếm được một vị trí đâu đó lưng chừng giữa bọn ở dơ và bọn câu nệ. “Tôi đón cô được không?” Nàng im lặng một lát; tôi nghe nàng lẩm nhẩm, “Doris Klugman, Doris Klugman…” Rồi nàng nói, “Được, ở Briarpath, tám giờ mười lăm.” “Tôi sẽ chạy cái xe…” tôi làm lơ không nói xe sản xuất năm nào, “Plymouth nâu. Vậy là cô sẽ nhận ra tôi. Còn tôi làm sao nhận ra cô?” Tôi nói với tiếng cười tinh quái xỏ lá. “Thấy ai đang đổ mồ hôi thì biết chứ sao,” nàng nói và gác máy. * * * Khi lái xe ra khỏi Newark, qua Irvington và những ngã tư rối rắm nghẹt xe cộ, những khu lụp xụp của nhân viên đường sắt, những bãi gỗ súc, và những bãi xe cũ, thì trời đêm mát mẻ hơn. Làm như những ngoại ô vượt cao hơn Newark cả năm chục mét này đem người ta tới gần thượng giới hơn, vì mặt trời coi bộ cũng bự hơn, thấp hơn, và tròn hơn, và rồi tôi lái xe dọc những bãi cỏ dài làm như đang tự rưới nước vòng vòng lên chính chúng nó, và qua những ngôi nhà chẳng có ai ngồi ngoài hàng hiên, bên trong sáng đèn nhưng chẳng cửa sổ nào mở, vì những người trong đó, vốn không chịu chia sẻ kiểu sống với bọn bên ngoài chúng tôi, đã có một đồng hồ điều tiết lượng hơi ẩm được phép tiếp cận lớp da của họ. Mới tám giờ, và tôi không muốn tới sớm, nên tôi lái xe lòng vòng các con phố mang tên các đại học miền đông, tuy rằng thị trấn này, nhiều năm xưa, khi đặt tên các thứ này, đã hoạch định số phận cho con cháu các công dân của nó.[2] Tôi nghĩ đến chuyện dì Gladys và chú Max của tôi chia nhau một thanh kẹo Mound trong bóng tối ám khói của ngõ hẻm nhà họ, trên những cái ghế băng, mỗi cơn gió mát ngọt ngào đối với họ cứ như lời hứa hẹn về một kiếp sau, và lát sau tôi đã lái xe vào những con đường trải sỏi của công viên nhỏ nơi Brenda đang chơi tennis. Trong hộc đựng găng tay trên xe tôi tấm bản đồ Các đường phố Newark làm như đã biến thành những con dế, vì những con đường tráng nhựa dài hàng dặm không còn tồn tại với tôi nữa, và những âm thanh của đêm ồn hẳn lên khi máu chạy rần rần trên thái dương của tôi. Tôi đậu xe dưới đưới bóng xanh đen của ba cây sồi, rồi thả bộ về phía có tiếng banh tennis. Tôi nghe một giọng cáu kỉnh kêu lên, “Huề nữa.” Đó là giọng Brenda và tiếng của nàng nghe cứ như đang đổ mồ hôi tùm lum. Tôi bước lạo xạo chậm rãi trên sỏi và lại nghe tiếng Brenda. “Tôi lợi giao,” và ngay khi tôi vòng theo lối đi, nghe tiếng banh veo véo rồi tiếng Brenda, “Ăn rồi!” Cây vợt của nàng bay lộn lộn trên cao và nàng bắt lấy nó rất gọn khi tôi ló mặt tới. “Chào,” tôi kêu. “Chào Neil. Một ván nữa nghe,” nàng hô lên. Lời lẽ của Brenda làm như khiến đối thủ phát cáu, đó là một cô tóc nâu xinh xắn, không cao bằng Brenda, cô ta thôi không tìm trái banh đã đánh qua chỗ cô ta nữa và ban cho cả tôi lẫn Brenda một cái nhìn bực bội. Trong giây lát tôi hiểu ra lý do liền: Brenda đang dẫn trước năm bốn, và cái kiểu nàng đắc chí về việc chỉ còn một ván nữa là xong đã khơi dậy một đống bực tức ở đối thủ đủ cho cả hai chúng tôi chia nhau mà vác. Quả nhiên Brenda thắng ván đấu đó, tuy phải đấu nhiều lượt hơn dự tính. Cô bạn kia, có tên nghe từa tựa như Simp, có vẻ khoái chí khi gỡ được sáu đều, nhưng Brenda, di chuyển, chạy, nhảy rướn lên, không chịu dừng lại, và sau cùng tôi chỉ nhìn thấy di động trong bóng tối là đôi kiếng của nàng, một ánh lấp lánh của nó, cái khoá thắt lưng, đôi vớ, đôi giày thể thao của nàng, và, thỉnh thoảng, thấy được trái banh. Trời càng tối Brenda càng điên cuồng lên lưới, vụ này coi bộ kỳ, vì tôi nhận ra lúc nãy, khi còn sáng, nàng vẫn thủ cuối sân, và ngay cả khi nàng phải chạy lên lưới, sau khi đỡ trả một cú lốp bóng, nàng trông cũng không khoái chí như thế khi tiến tới gần cây vợt của đối thủ như vậy. Niềm đam mê muốn giành được một điểm của nàng coi bộ còn thua xa niềm đam mê muốn giữ nguyên nhan sắc của nàng. Tô e rằng vết đỏ của trái banh tennis in trên má còn làm nàng đau khổ hơn cả việc mất đi mọi điểm số trên đời này. Tuy nhiên, trời tối khiến nàng cứ xông tới, và đánh dữ dội hơn, và sau cùng có vẻ như Simp bị đau cổ chân. Khi xong ván đấu, Simp khước từ đề nghị của tôi muốn cho cô quá giang về và nói rõ bằng cái giọng vay mượn từ một phim cũ xì nào đó của Katherine Hepburn rằng cô tự thu xếp được; rõ ràng tòa biệt thự của cô nàng chẳng xa quá đám cây tầm xuân gần nhất kia. Cô nàng chẳng ưa tôi và tôi cũng chẳng ưa cô ta, tuy tôi biết chắc mình có ưu tư chuyện đó nhiều hơn cô ta chút đỉnh. “Ai vậy?” “Laura Simpson Stolowitch.” “Sao cô không gọi cô ấy là Stolo?” tôi hỏi. “Simp là tên của nó ở Bennington. Thứ ngốc.” “Cô cũng học ở đó hả?” tôi hỏi. Nàng đang vuốt áo thun sát vào da cho khô mồ hôi. “Không. Tôi học ở Boston.” Tôi không khoái nàng vì câu trả lời này. Mỗi khi có ai hỏi tôi học ở đâu là tôi nói ngay Đại học Rutgers, cơ sở Newark. Có thể tôi nói tên đó ra quá rổn rảng, quá nhanh, quá ngần ngừ, nhưng tôi có nói ra. Trong thoáng chốc Brenda làm tôi nhớ lại mấy thằng cà chớn mũi hếch trường Montclair vào thư viện trong những kỳ nghỉ, và trong khi tôi đóng dấu cho mượn sách, chúng nó đứng sớ rớ kéo kéo những khăn quàng cổ to xù của chúng cho đến khi nó thoòng xuống tận cổ chân, suốt từ đầu tới cuối cứ hàm ý chuyện “Boston” với “New Haven.” “Đại học Boston hả?” tôi hỏi, mắt ngó mông lên hàng cây. “Radcliffe.” Chúng tôi vẫn đứng trên sân, chung quanh đầy những đường vạch trắng. Quanh những bụi cây cuối sân, những con đom đóm đang vẽ những hình số tám trong không gian có mùi gai góc và rồi, khi trời đêm bất ngờ tràn tới, những lá cây sáng lên trong giây lát, cứ như vừa được tưới một cơn mưa. Brenda ra khỏi sân, có tôi theo sau một bước. Bây giờ tôi đã quen với bóng tối, và khi nàng thôi tồn tại như một giọng nói và đã trở thành một hình ảnh rõ rệt, ít nhiều nỗi bực bội của tôi về câu trả lời “Boston” của nàng đã bay đi và tôi cho phép mình ngắm nghía nàng. Tay nàng không ngoéo vào mông nữa, nhưng hình vóc vẫn lộ ra, dù được che kín hay không, dưới cái quần kaki Bermuda bó sát của nàng. Có hai hình tam giác đẫm mồ hôi trên lưng áo thun trắng của nàng, ngay chỗ hai cái cánh sẽ mọc ra nếu nàng có cánh. Nàng còn có, cho trọn bộ, một thắt lưng kẻ ca rô, vớ trắng và đôi giày tennis trắng. Nàng vừa đi vừa kéo dây kéo cái bao đựng vợt lại. “Cô có gấp về nhà không?” tôi hỏi. “Không.” “Vậy ngồi lại đây đi. Chỗ này dễ chịu.” “OK.” Chúng tôi ngồi xuống một bờ cỏ đủ nghiêng để tựa lưng mà không ngả hẳn ra; ở một góc nhìn nào đó thì có vẻ như bọn tôi đang chuẩn bị theo dõi một biến cố nào đó trên trời, như lễ đặt tên cho một vì sao mới chẳng hạn, trăng còn một nửa sắp phình lên tròn đầy. Brenda cứ đóng mở dây kéo bao vợt trong khi nói chuyện; lần đầu tiên trông nàng có vẻ bồn chồn. Nỗi bồn chồn của nàng khiến tôi dịu đi, và một cách kỳ diệu, chúng tôi giờ đã sẵn sàng cho một điều mà tụi tôi có thể có được mà không biết: một cuộc gặp gỡ. “Cô em Doris của anh trông thế nào?” nàng hỏi. “Nó da sậm…” “Cô ấy dân…” “Không,” tôi nói. “Nó có tàn nhang, tóc đen và cao ráo lắm.” “Cô ấy học ở đâu?” “Northampton.” Nàng không nói gì và tôi không rõ nàng đã hiểu được bao nhiêu phần trăm hàm ý của tôi. “Chắc tôi không quen cô ấy,” lát sau nàng nói. “Cô ấy là hội viên mới hả?” “Chắc vậy. Nhà nó mới dọn tới Livingston hai ba năm nay.” “Ồ.” Không có ngôi sao mới nào xuất hiện, ít nhất là trong vòng năm phút kế đó. “Cô có nhớ tôi đã giữ kiếng cho cô không?” tôi hỏi. “Bây giờ nhớ rồi,” nàng nói. “Anh cũng sống ở Livingston hả?” “Không. Ở Newark.” “Nhà tôi cũng sống ở Newark hồi tôi còn nhỏ.” nàng nói. “Cô muốn về nhà chưa?” đột nhiên tôi thấy bực bội. “Chưa. Cứ đi loanh quanh đã.” Brenda đá một viên đá và đi trước tôi một bước. “Tại sao cô chỉ xông lên lưới sau khi trời tối?” tôi hỏi. Nàng quay lại phía tôi và mỉm cười. “Anh nhận ra rồi hả? Con Simp thì không.” “Tại sao vậy?” “Tôi không thích lên quá sát, trừ khi tôi biết chắc nó sẽ không trả đòn.” “Sao vậy?” “Tại cái mũi của tôi.” “Cái gì?” “Tôi mới đi chữa mũi.” “Nó bị gì vậy?” “Nó nổi mụn.” “Nhiều lắm hả?” “Không,” nàng nói, “Tôi đẹp rồi. Bây giờ còn đẹp hơn. Thằng em tôi cũng đi chữa mũi hồi mùa thu.” “Nó cũng muốn đẹp hơn sao?” Nàng không trả lời và tiếp tục đi đàng trước tôi. “Tôi không có ý cười cợt. Tôi chỉ định hỏi tại sao cậu ta làm vậy.” “Nó muốn làm… trừ khi nó trở thành giáo viên thể dục… nhưng không được đâu,” nàng nói. “Tụi tôi đứa nào cũng giống bố.” “Ông ấy cũng chữa mũi hả?” “Sao anh khó chịu thế?” “Đâu có. Xin lỗi nghe.” Câu hỏi kế đó của tôi xuất phát từ ý muốn tỏ ra quan tâm hơn và nhờ đó lấy lại được vẻ lịch sự; nhưng nó không xảy ra như mong đợi – tôi hỏi thành tiếng hơi lớn. “Tốn hết bao nhiêu vậy?” Brenda sựng lại một lát nhưng rồi nàng cũng đáp. “Ngàn đô. Nếu anh không muốn thuê một tay bán thịt.” “Để tôi coi nó đáng đồng tiền bát gạo không?” Nàng quay lại; nàng đứng cạnh một băng ghế và đặt vợt xuống đó. “Nếu tôi để anh hôn thì anh có dẹp màn ăn nói khó chịu như thế đi không?” Chúng tôi đã phải tiến hành quá nhiều bước để giữ cho sự tiếp cận không quá lôm côm, nhưng chúng tôi cứ trôi xuôi theo ngẫu hứng và hôn nhau. Tôi cảm thấy bàn tay nàng trên gáy và do đó tôi kéo nàng về phía mình, có lẽ cũng hơi mạnh, và vuốt hai bàn tay dọc bên sườn của nàng và vòng ra sau lưng. Tôi sờ vào chỗ đẫm mồ hôi trên bả vai nàng, và bên dưới lớp da thịt ấy, tôi nhận thấy rõ, một xao động mơ hồ, làm như có gì đó dậy lên rất sâu trong ngực nàng, tuốt trong sâu đến độ có thể cảm thấy nó xuyên qua lớp áo. Nó giống như sự xao động của những cái cánh, những cái cánh nhỏ xíu không lớn hơn bộ ngực nàng. Tầm cỡ nhỏ bé của đôi cánh không làm tôi phiền lòng – chẳng cần đến một con đại bàng mới mang nổi tôi vượt lên năm chục thước thối tha này vốn từng làm những đêm mùa hè ở Short Hills đây mát mẻ hơn nhiều so với ở dưới Newark. _________________________ [1]Casanova, Giovanni Jacopo (1725-1798) Một tay phóng đãng phiêu lưu nổi tiếng người Ý, lưu lạc khắp châu Âu, vào tù ra khám, vượt ngục, đổi tên, tổ chức cờ bạc, làm gián điệp, chen vào xã hội thượng lưu, đủ cả. Ông ta có làm thơ, viết bộ hồi ký 12 tập rất được chú ý vì nó mô tả chi tiết xã hội thượng lưu thời đó. Tên ông ta ngày nay trở thành đồng nghĩa với “phóng đãng.” [2]Các đại học miền đông, lãnh thổ 13 bang đầu tiên của Mỹ, mặc nhiên được coi là đại học xịn, vượt xa đại học ở các tiểu bang khác vốn chỉ được coi như tỉnh lẻ. Ohio, bối cảnh của truyện này, là một bang miền trung tây, cũng mang số phận tỉnh lẻ đó. Neil không ưa kiểu phân biệt này.