Ở thôn cái thôn Đông này, tính cho đến giờ, họ Nguyễn nhà tôi vẫn là dòng họ lớn nhất, bề thế nhất. Cả họ lớn tất thảy có sáu chi, đại đa số sống quây quần với nhau trong thôn. Những kẻ bỏ thôn ra đi đều bị coi là "quân bỏ làng", "hạng vong bản", "ngữ ba vạ ngoài đường" ... và đương nhiên là đắc tội với dòng tộc, không ai còn muốn nhắc đến nữa. Tội là tội ít coi sóc mồ mả tổ tiên; Tội là tội bêu riếu dòng họ, làm ăn không nên, đến nỗi phải bỏ ra ngoài đường mà kiếm sống, ngụ cư vật vờ. Hiện nay, tình hình đã có khác, bởi, nghĩ cho cùng, trong thâm tâm, có ai là người muốn sống lay lắt mãi ? Nhất là từ khi ông Nguyễn Văn Linh khuyên quốc dân đồng bào hãy tự cứu lấy mình ! Và, muốn nói sao thì nói, cuối cùng cũng phải thừa nhận phần lớn trong số họ đều là người có tâm, nặng lòng với xóm với làng. Họ đi ra ngoài đường, lao động, vật lộn, vất vả chắt bóp và khá dần lên. Có được chút dư dật, lại đua nhau gửi tiền về làng, những mong cho những người thân cũng đỡ phần vất vả. Vậy mà, không hiểu tại sao, những người quen hành động theo trái tim cứ thường bị người đời coi là yếu đuối, không làm được việc nhớn. Cha tôi là bậc trưởng họ lão thành, đứng đầu chi trưởng và do đó, lãnh đạo cả sáu chi. Trên thực tế, trong phạm vi họ tộc, cũng có thể coi ông là người đã thành danh và có một ảnh hưởng sâu rộng trong họ. Có lẽ do ông là người nặng lòng với họ mạc, luôn kiên định với những giáo lý Nho gia và có một cách sống gương mẫu, khắc khổ đến khô cứng. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng lòng thành luôn là thứ dung môi tốt để có thể hoà tan bất cứ loại ý chí kiên định nào; Tính kiên định của ông, cuối cùng, cũng bị đạo lý này chi phối và phải mềm đi trước tấm lòng, tấm tình trong suốt của những con cháu họ tộc xa quê. Tôi là con trưởng của một gia đình lớn, là anh của tám chú em và ba cô em nên, theo truyền thống, đương nhiên là người tập vị hợp thức và chính đáng của cha tôi. Các em tôi đều đã lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái đề huề. Một số vẫn ở lại quê cha đất tổ, nhưng phần lớn trong số này đều bật ra ngoài làng, khai khẩn thêm đất đai, làm thành cái xóm trại. Cuộc sống ở xóm trại, không hiểu sao, thường cao hơn trong làng. Số kkác, người thì ra sống ngoài tỉnh, kẻ thì định cư ở các tỉnh khác. Trước kia cha tôi thường không hài lòng về họ. Vào những kỳ có việc họ, vào những ngày giỗ mẹ chúng tôi, do bận bịu hoặc khó khăn, những gia đình ở xa về chậm trễ hoặc không về được, ông thường lắc đầu lẩm bẩm: "Mất gốc ! hỏng ! hỏng ! Vì lý do ông là người đức cao, vọng trọng, con cháu trong họ mới gửi "tấm lòng" của họ về quê cho ông mặc lòng quản lý và sử dụng. Dù là con người của Nho gia, cũng phải thừa nhận rằng ông có chịu ảnh hưởng ít nhiều từ làn gió dân chủ tiến bộ tân thời. Mỗi khi cần làm một việc hoặc một công trình gì đó cho họ, ông mời các bậc cao niên và những thành viên có tâm với họ đến để bàn bạc. Trong những lần như thế, ông thường chú ý lắng nghe, khuyến khích những ý kiến mà ông cho là hợp lý, rồi đưa ra kết luận cuối cùng. Và cái đức cả của ông đã là một đảm bảo đầy sức thuyết phục, khiến mọi người đều vui vẻ trao gửi niềm tin của họ và bằng lòng với mọi ý kiến của ông. Tất nhiên, không phải ông làm gì cũng đúng; đã là người, chẳng có ai là hoàn hảo cả, "ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ?". Khi đã được tin yêu thì cái sự thô lỗ liền được đặt tên là phong cách bình dân. Vì là con trưởng nên việc tôi ở với cha là hoàn toàn tự nhiên. Chỉ có điều, dinh cơ của cha tôi chỉ là một ngôi nhà gianh. Biết tả thế nào cho các quý vị tuổi trẻ thời tin học có thể mường tượng một cách gần đầy đủ về nó đây ? Lúng túng quá ... thật xấu hổ khi phải thú thực điều này: khi còn học phổ thông, tôi vốn là một trò đặc biệt dốt nát về môn văn, câu chữ cục mịch, ý tứ thô lậu, văn khí xiêu vẹo như kẻ say rượu di chuyển theo lối vắt sổ. Có lẽ vỏ não của tôi nhẵn lắm, nên không có "độ" nhớ và tất yếu thường viết ra những điều ngô nghê, không giống những gì thầy giảng trên lớp. Tuy vậy, tôi cũng cọc cạch phấn đấu được cái bằng 10+3 [1], về làm anh giáo làng dạy môn kỹ thuật nông nghiệp cho học trò cấp hai trong xã. So với bầu bạn cùng tốt nghiệp lớp 10 thì vào hàng áp bét. Nhưng cha tôi bảo: dạy học là một nghề vinh dự, anh phải cố gắng thật nhiều lên mới được ! Thế là, cám ơn cha, lúc cầm phấn, khi cầm cày, tôi đã định chí lạc nghiệp ! Trở lại vấn đề căn nhà gianh. Để có được cái nhìn chung về cái dinh cơ khốn khổ đó, xin quý vị làm ơn nhớ lại những đoạn mô tả căn nhà anh Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố, sau đó nhân chất lượng và kích thước căn nhà đó với hệ số 1,5 là có được chân dung hoàn thiện về căn nhà của chúng tôi. Về mùa hạ, gặp lúc cơn giông kéo đến, căn nhà cứ như một người già ốm lâu ngày, mộng mẹo của các vì kèo cứ nghiến vào nhau trèo trẹo, nghe mà không khỏi nổi da gà khắp lưng. Vợ tôi, hai tay vòng lấy ba đứa con như một mẹ gà, ngước cặp mắt lo lắng nhìn mãi lên mái nhà, khuôn mặt tái nhợt, lầm rầm khấn khứa mãi điều gì không rõ. Gió mạnh, hắt đẫm nước mưa vào vách đất. Vách đất trộn rơm khô rang trong tiết nắng nóng mà gặp nước thì cứ cư xử như kiểu vợ chồng nhà Ngâu vậy. Tôi thì tâm thần hồi hộp, tinh thần lang bang, nghĩ quẩn nghĩ dại. Còn cha thì vẫn ngồi thản nhiên như tượng trên chiếc chõng tre, bên cái đèn hoa kỳ và chiếc điếu bát có cái nõ đồng sáng bóng. Thỉnh thoảng, cái nõ điếu ấy lại réo lên một hồi sọc sọc giòn giã và cái chuỗi âm thanh quen thuộc thường ngày ấy thường an thần chúng tôi hơn bất cứ lời giải thích, an ủi nào. Người ta bảo những vật dụng ở bên ta lâu ngày cũng có hồn là thế chăng ? Nhà thì thấp, nền bằng đất nện, sân cũng bằng đất nện; mùa hè thì nóng bí, mùa đông thì cái rét theo các kẽ ngạch và các khe hở mà rò rẫm vào đến tận giường nằm. Hơn nữa, nền nhà cũng chỉ cao hơn mặt sân có khoảng già một gang tay nên không khí trong nhà càng ẩm thấp lắm. Cũng vì thế, bệnh thấp khớp của cha đã trở thành mãn tính, các con tôi cũng đâm mắc các chứng viêm phế quản kinh niên, tình hình hô hấp của vợ tôi thời gian ấy cũng không được tốt lắm; Nhìn cả nhà, cấm thấy ai có nước da săn khoẻ. Họ mạc và những bà con trong làng thấy thế lấy làm ái ngại, đã nhiều lần khuyên tôi nên làm lại ngôi nhà. Hình như, từ lâu, vợ tôi cũng ước ao có một ngôi nhà mới, thoáng đãng, khô ráo. Có lần, cô ấy bảo tôi: hiện giờ nhà mình tích cóp được ... ngần này tiền. Tôi nhẩm tính, nếu công xá nhờ họ mạc, bà con thì cũng gần đủ. Thấy tôi ngồi im, không nói gì, cô ấy khẽ thở dài, lẳng lặng buông màn đi nằm. Nhưng, trên còn có cha tôi, mà cha tôi đã có ý kiến gì đâu. Vả lại, tôi đã quen vâng lời cha, cái nếp gia đình tôi nó như thế, con cái đều thấm nhuần và từ lâu, coi cái việc "vô chuyên dụng chi đạo" của phận làm con là mặc nhiên, là một điều không phải bàn cãi. Một lần, tôi đánh bạo nói với cha về việc làm lại ngôi nhà. Ông lắng nghe, im lặng hồi lâu, rồi từ từ nói: "Không phải là ta không biết, nhưng anh thấy đấy ... ta và mẹ anh đã làm ra căn nhà này, đã cố gắng, vất vả chạy ăn lần hồi từng ngày, nuôi các anh các chị khôn lớn từ cái nhà gianh này. Căn nhà này là cái tự hào của chúng ta, mọi cái buồn vui đều diễn ra ở đây, các anh chị đều ra đời ở đây, mẹ anh cũng từ đây mà đi theo ông bà và các cụ; phá bỏ căn nhà là việc làm quá sức chịu đựng của ta. Vả lại, chừng nào nó còn thì còn tốt cho các anh các chị, tốt cho cả họ mạc. Nó là một vật chứng để răn dạy, để nhắc nhở các lớp con cháu cái đức thanh khiêm dè sẻn, cái chí phấn đấu của thế hệ trước. Lớp các anh và con cái các anh bây giờ gay go lắm, có thiết tha gì với quê cha đất tổ, vong bản như chơi, có lúc còn lấy chúng tôi ra làm trò đùa nhờn nhã, anh tưởng người già chúng tôi không biết sao ?" Thực tế đã như thế "thế thời phải thế" vậy. Tôi bắt đầu yên tâm, tu bổ lại căn nhà để giữ đúng tinh thần của cha. Những khúc đòn tay, những đoạn cột bị mọt đục ruỗng đều được thay thế bằng những khúc tre mới chắc nịch. Những tiếng cọt kẹt, những âm thanh trèo trẹo phát ra từ các mối giằng những khi trời có gió to đã giảm hẳn. Tôi nhẩm tính, cứ đà này, nếu dần dần thay thế thì chỉ trong vòng vài ba năm, toàn bộ rường cột căn nhà này sẽ mới hết, và hiển nhiên, quy mô tuy là không có gì khá hơn, nhưng sẽ có một ngôi nhà khoẻ mà vẫn đảm bảo được tính truyền thống, tính giáo dục theo ý của cha tôi. Vợ tôi, tuy kém vui, nhưng rồi cũng phải bằng lòng và, dần dà, chí thú tu bổ không kém gì chồng. Chỉ có các con tôi là hay so sánh, suy bì với những nhà khác; Chúng hồn nhiên an ủi vợ chồng tôi: Bố mẹ đừng buồn, mấy năm nữa chúng con lớn, sẽ xông pha ra ngoài đường (tức là ra ngoài xã hội - cách nói ở quê tôi) tìm cách kiếm đủ tiền xây cho bố mẹ cái nhà giống như của chú thím Ba ngoài xóm trại. Thế nhưng, oái oăm thay, dường như ông Trời vẫn quyết hành tội gia đình tôi: Cứ mỗi khi chuẩn bị thay thế một vài cái đòn tay thì lại phát hiện ra những cái thay lần trước đã bị mọt ở những bộ phận khác ăn lan sang, mục ruỗng đến non nửa. Nhìn người cha hom hem, những đứa con nước da xanh rớt, người vợ tao khang đang có cơ bị suy hô hấp, tôi thấy vô cùng chán nản. Không ngừng lao động, nhịn ăn nhịn mặc, chắt bóp tiết kiệm để rồi cuối cùng bị lũ mọt nhâng nháo, khốn nạn kia hồn nhiên xơi hết thành quả thế ư ?! Cha tôi cũng buồn lắm, ông hỏi tôi: - Có cách nào không ? - Lấy giẻ tẩm đẫm thuốc diệt mọt rồi cuốn vào các đòn các cột. - Không được, mùi lắm ! Đài báo đã nói rồi: Con người ta, nếu ngưỉ những thứ thuốc diệt mối diệt mọt lâu ngày, tất sinh ung thư mà chết ! Chỉ còn một cách: Phá bỏ căn nhà cũ, đem những thứ dỡ ra để mục làm phân bón ruộng cho đỡ uổng và làm mới hoàn toàn căn nhà. Nhưng tôi không dám nói, bởi, trong gia đình tôi, một khi cha còn sống, đấy là điều cấm kỵ. Nếu lại nói ra lần nữa, tình cảm thiêng liêng cha con sẽ được đánh một cái dấu chấm hết. Mà tôi thì vốn ghét cái dấu ấy lắm; đã nói rồi: tôi dốt văn lắm ! Nhưng, chả nhẽ cứ để cái nguy cơ nhà sập lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu sinh mạng của cả gia đình ? Không làm không được, vẫn phải tiếp tục thay thế các đòn các cột bị mọt ruỗng, mặc dù vẫn biết là cái lối dọn quanh ấy sẽ không đi đến đâu cả. Và, thế là, bao nhiêu tiền lẻ ky cóp được vẫn cứ tiếp tục lần lượt biến thành xen lu lô để rồi chui tọt vào bụng cái giống ký sinh to mồm kẽo kẹt suốt năm suốt tháng trên cái mái nhà ọp ẹp bệnh hoạn ấy. Trên tôi còn có cha tôi. Cha tôi là một "già họ" có tâm và mẫu mực. Tôi là đứa con có hiếu, toả sáng lấp lánh trong dòng văn hoá Nho gia. Tôi đang gồng mình vô vọng trong một cái đường hầm hun hút, không chút ánh sáng. Có lẽ kiếp trước tôi đã trót mang trọng tội ! Mà "Đã mang lấy nghiệp vào thân" thì "cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa" ! Xin cảm ơn cụ Nguyễn Du ! Cuộc vật lộn của chúng tôi cứ diễn ra như thế cho đến một hôm, đúng ra là vào cái ngày có một cuộc họp các trưởng chi họ. Bình thường, việc họp này vẫn làm ở nhà tôi, nhưng hôm ấy ông chú trưởng chi hai lại đề nghị họp tại nhà ông. Lý do rất đơn giản và vui: ông có con chó mực đang độ "sáu bát" [2], nhân tiện buổi họp đó ông muốn mời các trưởng chi cùng thưởng thức cho vui. Ông chú ấy lại rất quý gia đình tôi, nên bảo vợ chồng con cái cùng sang một thể cho nó khí thế. Ba đứa con tôi thích chí lắm, chúng nhẩy cẫng, vỗ tay reo ầm lên, khiến ông, bậc cha chú ông bà, không thể đừng được một nụ cười ấm áp, bao dung trên khuôn mặt nhăn nheo từng trải. Đấy là một buổi họp định kỳ theo lịch đã thống nhất của họ lớn. Các cụ thông báo cho nhau tình hình của chi họ mình và bàn về các việc cần làm, cần giải quyết trong họ. Sau khi kết luận về những việc hệ trọng, cha tôi thông báo tình hình tài chính của Quỹ gia tộc: tính đến lúc ấy, sau khi xây nhà thờ họ và xây mộ tổ, coi như đã hết. Việc khuyến học cho những cháu khá giỏi chắc phải chờ đến kỳ đóng góp quỹ vào cữ gặt mùa. Trời đất bỗng tối sầm, mây đen từ phía tây đã kéo đến từ lúc nào không hay. Cũng may, cái oi nồng đã bị những cơn gió giông mùa hè mang theo làn hơi nước xua đi nhanh chóng. Kết thúc cuộc họp, các cụ cùng chuyển sang mâm rượu. Uống rượu, nhắm thịt chó trong bầu không khí dịu mát, se lạnh thì hỏi còn gì bằng ? Mới được tuần rượu thứ nhất, những cơn gió dường như có vẻ mạnh lên. Mà mạnh lên thật; mười mấy năm nay chưa thấy có gió mạnh đến thế. Tôi chột dạ, lắng nghe tiếng gió và nhìn ra ngoài quan sát độ cong của các ngọn cây to đang vật vã, cố vươn thẳng trong cái bể gíó tai ác ấy. Thế này thì nguy rồi ... - tôi nghĩ rất nhanh, vội vã nói lời cáo lỗi với các cụ, rồi, cứ thế mà đội trời đội gió, chạy thẳng một mạch về nhà. Quả nhiên, cảnh tượng thật tang thương: căn nhà gianh đã bị đổ sập hoàn toàn. - Mẹ em ơi ! ... Nhẫn ơi ! Không có tiếng trả lời. Tôi quýnh lên, gọi tên người vợ trong cơn thảng thốt. Vẫn không có tiếng đáp. Trong đầu tôi thoáng hiện hình ảnh người vợ hiền thảo lam lũ của mình đang bị đè lấp trong đống gianh tre hỗn độn dọc ngang ấy. Tôi liền nhào thẳng đến vị trí cái buồng trái nhà và bắt đầu điên cuồng gạt, bới ... Hình như có tiếng người ... tôi quay lại và nhận ra cái bà" váy mốc chân lấm" yêu quý của tôi đang run lập cập, nước mắt chảy vòng, toàn thân dúm lại, hai tay bắt chéo vai, đứng ngay ở cửa bếp. May quá, tôi trút được quả núi đang đè trên đầu: - Mình có làm sao không ? - Không, em đang nấu cám lợn ... - Thế thì tốt rồi - tôi vỗ về, an ủi bà xã. - Còn vại gạo với ... - Nhẫn chỉ tay về phía cái đống đổ nát. Tôi quay lại cái đống đổ nát, thong thả bới, gạt ... Chết rồi ! Tôi nhớ ra và quay sang bới ở chỗ có cái bàn thờ. Đây rồi, tôi tìm thấy cái bát hương lớn đang nằm nghiêng bên cạnh cái mâm bồng, cũng nằm nghiêng và chính nhờ cái mâm bồng đã che chở nên nó vẫn còn nguyên vẹn. May quá ! Tôi cúi xuống, định cầm cái bát hương lên thì chợt nhận ra, bên cạnh nó, lẫn trong đám tro và chân hương ướt nhoét, có một cái túi nhỏ khâu bằng thứ vải thô nhuộm củ nâu và ngâm bùn cẩn thận. Tôi cầm chiếc túi lên, mở ra và thấy trong đó lủng củng các thứ kim loại màu vàng. Tôi nhặt ra một chiếc nhẫn, đưa lên miệng, cắn thử ... mềm lắm, có lẽ là vàng thật. Tôi vội thít miệng túi lại, chạy vào cửa bếp, đưa cho vợ và dặn: Tuyệt đối giữ kín việc này ! Đúng lúc ấy, cha tôi, cùng mấy đứa em trai, con ông chú vừa chạy về đến nhà. Nhìn cảnh tượng điêu tàn thảm khốc, cha tôi khựng lại, há hốc mồm, và cứ thế ngất đi. Đêm hôm ấy, trong bệnh viện tỉnh, trước mặt mấy ông chú và những người họ hàng, cha vẫy tôi lại bên giường, nói gì đấy. Nhưng nghe không được, tôi bèn ghé sát tai mình vào miệng cha và nghe tiếng được tiếng chăng, thì thào yếu ớt: bát hương ... cái túi ... Tôi chợt hiểu ra, trả lời: Dạ, đã chu toàn ! Cha gật nhẹ, khuôn mặt dãn ra, có vẻ mãn nguyện. Rồi ông khó nhọc đưa một tay lên, huơ nhẹ, dường như muốn chào tất cả mọi người đứng xung quanh: Đoàn kết ... Chỉ nói được hai tiếng ấy rồi ông lịm dần, lịm dần rồi tắt nghỉ. Làm ma cho cha xong, anh em chúng tôi ngồi lại với nhau. Tất cả cùng nghị quyết: Tuỳ theo lực và tâm, tất cả sẽ đóng góp để bác trưởng làm lại ngôi nhà mới. Vậy là, với số tiền các em "viện trợ không hoàn lại và không điều kiện", cộng với vốn liếng tích cóp được từ trước, trên vị trí cái nền nhà cũ, vợ chồng tôi đã xây được ngôi nhà mái bằng cao hơn bốn mét dài, rộng hơn sáu chục mét vuông, có cửa ra vào và các cửa sổ rộng thoáng. Tôi được tập vị Trưởng họ của cha tôi. Vợ chồng tôi quyết định: Không nói với ai về chuyện cái túi và sẽ từ từ dùng nó thêm vào để làm các việc của họ. Đối với Nhẫn, đó là một quyết định vô cùng khó nhăn, nhưng cô ấy đã làm được. Từ đấy, tôi lại càng kính trọng và yêu quý cái "bà già váy mốc chân lấm" của tôi hơn. Trong nhà tôi, chẳng ai bảo ai, cứ tự nhiên hình thành một bầu không khí thoải mái: Ai có ý kiến gì thì cứ thoải mái bày tỏ ra; chưa đồng ý thì tranh luận; tranh luận cho đến thống nhất thì thôi; sai thì cùng bỏ, đúng thì cùng làm. Tiêu chí hoạt động của gia đình tôi là: Thoải mái bày tỏ ý kiến cá nhân, phát triển sản xuất, bồi bổ sức khoẻ cho mọi thành viên và ưu tiên về giáo dục cho các con. Và tôi, vốn lười nghĩ ngợi, bèn đem mô hình của nhà mình áp dụng trong toàn họ và đưa ra đề xuất: Huỷ bỏ tục tập vị cha truyền con nối; Trưởng họ sẽ do tất cả mọi người trong họ bầu ra, hai năm một lần. Việc này cũng gây ra nhiều cái trục trặc nhưng, nhờ phúc ấm của các cụ để lại, cuối cùng cũng được cả họ phấn khởi đồng tình. Chỉ trong vòng chưa đến một năm, các gia đình trong làng đang có cơ đuổi kịp các gia đình ngoài xóm trại, quỹ gia tộc đã có thêm phần dự trữ đáng kể và phấn khởi nhất là xuất hiện nhiều thanh niên giỏi giang. Sống trong ngôi nhà mới thoáng gió và tràn đầy ánh sáng, cả nhà tôi phấn chấn hẳn lên. Vợ tôi da dẻ trở nên hồng hào, hô hấp thông suốt. Các con tôi đều chia tay với các bệnh phế quản và hai đứa lớn đều đã vào đại học. Con chị chọn ngành sư phạm, nói là để nối nghiệp bố; thằng em chọn ngành nông nghiệp, nói là để nối nghiệp mẹ; còn thằng út, đang học phổ thông, cũng tuyên bố: Con sẽ học luật, để cãi cho những người bị oan. - Còn gì nữa ? - Tôi nheo mắt, cười khuyến khích. Nghĩ ngợi một lát, nó có vẻ chịu thua. Tôi nói gỡ bí cho "cậu ấm": - Hướng dẫn cho những người chưa thạo về luật sống theo luật ! - Đúng rồi ! Thế mà con không nghĩ ra ! Bố con tôi cùng cười. Ngoài sân, mấy con gà đang tranh nhau đám thóc vãi, đuổi nhau quang quác. Dạo ấy, thỉnh thoảng đi ra ngoài, gặp người trong làng, tôi hay nhận được lời khen: Dạo này trông cô chú và các cháu khá lắm, chắc được ông cụ phù hộ cho đấy ! Còn tôi thì mỉm cười, cảm ơn và rất tin là như thế.
Tháng 9 năm 2005
Chú thích:
[1] Học hết chương trình phổ thông, học thêm ba tháng về sư phạm để trở thành giáo viên.
[2] Chó sáu bát, gà lọt dậu (Tục ngữ) đều là đương độ ăn thịt rất ngon.