Một người rơi xuống hồ
Vũ Bằng
Rượu mãi về sau mới ngấm. Y ngà ngà. Đến lúc ăn đồ nước, y loáng choáng. Nhà cửa quay đi nhè nhẹ. Đến bắt tay mấy "chị em" để ra về, y say thực thà.
Khuya lắm. Ngoài phố không có cái xe nào cả.
Y húc đầu vào quãng không, đi về.
Chuông nhà thờ thủng thẳng điểm ba tiếng.
Y loạng choạng đi giữa đường. Bụng no nhưng người nhẹ, y tưởng mình sắp có cánh bay. Thú quá. Y chạy nhanh rồi đứng lại, hát khẽ một câu. Nhưng lúc này cần phải hoạt động mới thực sướng. Y lại đi. Nhưng sự nhẹ nhàng rồi làm cho y khó chịu. Người y mất thăng bằng. Y đi bên nọ, dọ bên kia như người rồ.
Thế là y vấp phải một hòn đá. Trán y đập vào cái biển xanh kẻ chữ "Rue barrée", tay y định víu lấy cái hàng rào không được, y rơi xuống một cái hố người ta vừa đào lúc trưa.
Lúc y mở mắt, thấy mình nằm thẳng cẳng ở dưới hố, y hơi ngạc nhiên một chút. Người ê ẩm, y chẳng buồn đứng dậy, cứ nằm im mơ màng.
Đêm khuya ngấm vào người y, chậm chạp và dễ chịu. Y thấy mình tỉnh lắm và có những cảm giác rất hay về cuộc đời.
Thoạt tiên, y thấy ngay ở trên đầu, hàng vạn ngôi sao. Thuở bé, y đã trông thấy những ngôi sao, ở nhà quê. Nhưng từ khi lớn lên, ra tỉnh, đi làm, lấy vợ, có con, y không trông thấy nữa; bây giờ, lại có dịp được thấy, y có ngay cái cảm giác là mình bé nhỏ quá, cô độc quá ở trong vũ trụ xanh xanh này.
Sau, y thấy ở xung quanh có tiếng xì xào. Y hếch một tai lên để nghe cho kỹ: đó là tiếng cây reo như sóng bể; gió thổi sà sà mặt đất như một tiếng thở dài; một cái ô tô chạy ở đằng xa làm rung động mặt đất. Tiếng sột soạt, tiếng dế kêu, tiếng nước sông khẽ đập vào bờ. Y tưởng tượng đến một cuộc đời vô hình. Bỗng có tiếng người nói ở phía xa, ở phía sau.
Người trai trẻ nghe thực kỹ. Y lấy làm lạ sao ở chung quanh mình "lại có lắm người thế, mà vừa lúc nãy đây, sao quái quỉ! lại không có người nào cả" để cho y phải còm cọm đi một mình - đi một mình với cái say!
Y bực lắm. Những việc đã qua lại tỉnh giấc trong người y, rung động ở tim, đi qua ngực, đứng ở cuống họng và khẽ kêu bằng tiếng thở mạnh. Giờ nọ nối giờ kia tiến lại. Y thấy bao nhiêu việc não nùng khi trước bao bọc lấy y ở trong hố. Y thấy nhà y, quét vôi trắng, lù lù ở giữa tỉnh thành. Y thấy người vợ xinh xẻo của y đứng tựa cửa như một cái cây có bóng mát. Y thấy hai đứa con gái của y nhíu những đôi mắt đẹp, để trông xa vời.
Ý nghĩ lan man quá. Nhưng đêm khuya đi nhẹ nhàng như mây khói. Róc... rách, róc rách... tiếng hát của con sông Hồng Hà, y đương nghe thì sình sịch có tiếng người đi lại.
Người trẻ tuổi kêu lên: "Tôi rơi xuống hố rồi!".
Người khách đi đường thứ nhất là một con chó cắm đầu đi theo một ông to lớn và một cái bót xì gà đồ sộ. Người to lớn nói: "Ê! Nếu anh không say rượu thì việc gì đến nỗi này...". Một ngọn khói xanh bay ra cuồn cuộn và theo gió tan đi dần.
Người khách đi đường thứ nhì là một nhà báo đứng về mặt quốc gia. Nghe thấy người ngã xuống hố nói chuyện với kẻ đi trước mình như thế, người ấy quát: "Anh trông mong hắn cứu thế nào được? Nam quốc Nam nhân mới thương nhau thôi. Hắn khác máu tanh lòng, thấy mình ngã xuống hố, có khi lại thích, nghĩ mà đau đớn. Bao giờ ta mới thoát khỏi vòng nô lệ để mở mày, mở mặt với đời? Nước ta, than ôi, nào có phải hèn kém gì đâu! Bốn nghìn năm văn hiến! Mà dân ta, một thủa, có lẽ đã tiến hóa bằng mười nước Nhật và nước Xiêm bây giờ.
Cũng tai mắt, cũng thịt da,
Cũng dòng máu đỏ, con nhà Lạc Long...
(à, ông nhà báo lại là một nhà thi sĩ!). Nhưng người tuổi trẻ kêu lên:
- Tôi xin ông hãy cứu tôi ra khỏi hố!
- Ra khỏi hố làm gì? Anh phải biết: chúng mình nô lệ thì ở đâu cũng thế. Trừ khi nào có một cuộc đổi thay...
Và khách rảo cẳng đi. Có lẽ để tìm sự đổi thay đó ở trong... điếu thuốc phiện hay căn phòng cho thuê.
- Tại làm sao anh lại thở than như vậy?
Người khách thứ ba hỏi thế.
Đó là một vị tu hành. Đầu nhẵn như chùi, môi đỏ, con mắt đa tình như ngôi sao. "Người ta ở đời có số cả. Không có gì thoát tay.Trời. Cái nhân có tốt thì cái quả mới tốt. Cái nhân đã xấu thì cái quả phải xấu. Không có cái quả tốt nào ở cái nhân xấu mà ra. Không có cái nhân tốt nào ở cái quả xấu mà ra. Kiếp luân hồi, mình không nên oán tức điều gì cả. Ta phải diệt dục. Ta phải chịu đựng đau khổ và cho đó là quả báo hay một cuộc thí nghiệm của Hóa công. Nếu là sự quả báo, Người nên biết rằng sau này Người sẽ thanh cao hơn và được tha thứ. Nếu là cuộc thí nghiệm, Người sẽ mạnh gấp bội lên. ở đời, không có một thánh nhân nào, không có tác phẩm vĩ đại nào không có bàn tay của Qủy Sứ mó vào. Hiểu chưa?
Người khách thứ ba nói thế, người khách thứ tư nghe thấy, tiếp rằng:
- Chính vậy. Đem khoa học mà cố sức giảng giải cuộc đời là vô lý. Ta phải sống cái cuộc đời mà hóa công đã định sẵn. Không có gì là quan hệ cả. Chỉ có tâm hồn là quan hệ mà thôi. Điều cần nhất là ta phải sống thực mạnh mẽ. Anh lấy làm khổ vì bị rơi xuống hố. Tại sao? Thế anh không thấy thế là sống à? Anh đau khổ: chính đau khổ là sống một cách mạnh mẽ đó. Chỉ có hai điều mà người đời nên tránh thôi: lười biếng và buồn bã.
Người ấy (à! ra là một nhà thông thái!) ngừng lại một lát để đọc câu văn của André Gide:
Nước tù hãm có chất độc và khoanh tay vào mạng mỡ, nói tiếp: "Anh tưởng rằng anh lên bờ thì sung sướng hơn ở trong hố à? Chỉ cần biết một điều: anh biết rằng anh đau khổ. Và thế là đẹp đẽ lắm rồi. Anh làm động đến thần cảm của chúng tôi một cách mãnh liệt. Anh hơn chúng tôi chỗ đó.
Anh ơi, nên biết rằng có nhiều người hiện đương lo nghĩ băn khoăn vì anh. Đẹp thay mà nên thơ thay! Anh thử nghĩ đến con anh đương khóc. Anh thử nghĩ đến vợ anh ở nhà đương mong - và có lẽ tưởng anh chết rồi, đã định "bước đi bước nữa". Ôi! Anh có thấy tim anh đập mạnh không? Và nghĩ rằng không bao giờ ra được khỏi hố, anh có thấy những cái động lòng mãnh liệt không?
- Thưa ông, tôi chỉ muốn ra khỏi hố.
"Tôi chỉ muốn ra khỏi hố", mấy tiếng này lọt đến tai người khách đi đường thứ năm.
Cứ trông cái đầu, đôi mắt kèm nhèm, bộ quần áo xanh và cái dáng đi chắc chắn của ông khách này, cứ trông cái vẻ quả quyết, cái nhìn xót xa và hai bàn tay xương xẩu giơ ra như chực ôm lấy mình, cứ trông thế cũng đủ biết khách là một kẻ lao khổ biết thương người như anh em một nhà.
Khách nghe thấy tiếng người tuổi trẻ kêu, hộc tốc chạy ngay lại, giơ nắm tay lên chào.
Khách hỏi: "Anh làm sao thế, anh bạn?".
- Tôi rơi xuống hố từ ban đêm.
- Rõ khổ! Từ ban đêm? Mà, đến bây giờ, vẫn nằm im như thế trong khi bọn phú hào ở trên phố ăn uống nô đùa với nhau? Cái xã hội này mục nát quá lắm: một bên thì vui vẻ với cuộc đời trưởng giả, một bên thì là một kẻ vô sản rơi xuống hố từ ban đêm. Chao ôi! Giai cấp... phải có chiến tranh giai cấp! Thôi, anh đừng sợ nữa. Có tôi đây. Sự đau khổ của anh là của tôi. Anh có thấy thế không? Anh có thể thấy thế không?
Sự đau khổ của anh em bị bóc lột, anh em bị bóc lột, anh xem, tôi hít vào cùng với khí trời và nó chảy ở các mạch máu của tôi. Nó thấm nhuần vào da thịt tôi. Thành thử cái giọng tôi thành thực nhất, chua chát nhất, và mọi người đều phải cảm động khi tôi lên tiếng.
Bây giờ tôi định thế này: lập tức, tôi đi tìm bọn phú hào mà kêu rõ to vào lỗ tai họ. Tôi kêu: "Các anh sung sướng, các anh bóc lột quần chúng để có nhà lầu, ô tô, thế mà... thế mà ở đường Bờ Sông có người rơi xuống hố...". Anh bạn phải biết tôi sẽ nói hùng hồn như thế nào. Giọng tôi sẽ át cả giọng họ. Tôi sẽ hết sức tranh đấu nữa và những tư tưởng của tôi sẽ lọt đến những nhà lầu êm đềm. Ôi anh bạn ơi! Để rồi anh xem họ sẽ run sợ như thế nào! Để rồi anh bạn xem cái hình ảnh thảm đạm của anh bạn sẽ khuấy rối cuộc đời yên tĩnh của họ như thế nào!
Khách giơ nắm tay lên lượt nữa:
- Chào anh bạn ở lại nhé. Tôi, tôi phải đi ngay để tranh đấu cho tới cùng.
Và khách đi tranh đấu cho tới cùng. Bóng khách mờ dần ở trong cảnh tranh tối tranh sáng. Khách để lại đằng sau một tấm lòng nhân đạo hùng hồn và có mồ hôi.
Người trẻ tuổi thấy một sự thất vọng mông mênh cất tiếng khóc ở trong tim óc. Y định thần lại: gió thổi hiu hiu, nước sông lạnh vẫn đập vào bờ róc rách. Chung quanh, chỉ còn trơ lại con đường trắng và mấy khóm cây rung rinh vài hạt sương.
Y bèn ngửng đầu dậy, chống một tay, quả quyết đứng lên. Cái hố không lấy gì làm sâu cho lắm. Y ghếch một chân lên bờ, hai tay để hai bên, đánh đu một cái mạnh, cho nốt chân kia lên mặt đất, đứng thẳng dậy, phủi quần áo... rồi đi về nhà.