Khát
Nguyễn Thị Thu Hiền
Làng Vạn năm ấy hạn lớn. Người già trong làng bảo lâu lắm mới như thế, chắc tại con cháu đứa nào làm gì bậy bạ khiến cho trời đất trừng phạt đây.
Họ nói vậy vì mấy mươi năm về trước có một đôi trai gái đã phạm vào điều cấm kị của làng, lấy nhau bất chấp sự dè bỉu, khiến cho cùng năm ấy hạn rất lớn, người ốm đau bệnh tật nhiều vô kể.
Đình làng nghi ngút khói hương trong khi ngoài đồng đất vẫn nứt nẻ khô trắng.
Lúa đang kỳ nghén cũng không trổ đòng được vì gặp hạn; ngọn xanh sắt lại, loe hoe trong cái nóng hầm hập từ mặt đất bốc lên và từ ánh nắng mặt trời chiếu xuống như thiêu đốt. Cả làng như bốc hỏa.
Thao cũng không ngủ được. Chị nằm trằn trọc mãi. Trăng sáng quá. Trăng sáng thế này thì không biết đến bao giờ mới có mưa. Ngoài vườn không có một cơn gió nào.
Thao thấy nóng đến bực bội cả người. ở chái bên kia, bà Cảo hình như cũng không ngủ được. Chị nghe thấy có tiếng trở mình và tiếng chiếc quạt lá cọ trẽo trẹt…
Bà Cảo là mẹ chồng Thao. Bà là người phụ nữ thuộc loại bất hạnh. Thấy bảo ngày xưa bà đẹp và hát chèo hay nhất làng này. Đẹp thì Thao không rõ vì đến bây giờ hình như những nét đẹp đó giữ lại không được bao nhiêu.
Trên khuôn mặt khắc khổ của bà Cảo chỉ có đôi mắt là vẫn còn sáng rõ và ánh lên vẻ tinh anh. Giọng hát cũng vậy. Nhưng riêng Thao thì tin là bà đã từng hát rất hay vì cho đến giờ những âm sắc vang rõ đó vẫn còn.
Nhưng lại nghe nói đã từ rất lâu rồi người ta không còn thấy bà hát nữa; mà lâu đến bao nhiêu thì đến bây giờ người ta vẫn đang còn tranh cãi nhau. Có người bảo bà thôi hát từ khi ông Chỉnh bỏ làng ra đi.
Ông Chỉnh là một kép hát nổi tiếng trong đội văn nghệ của làng Vạn. Nổi tiếng sang cả xã bên khiến nhiều cô thầm thương trộm nhớ. Sánh vai với ông Chỉnh ngày ấy là bà Cảo.
Bà thường đóng những vai đào thương bên cạnh ông. Họ là một đôi rất đẹp. Mến tài mộ sắc, họ đã thầm yêu thương nhau nhưng mối tình đó không được chấp nhận bởi vì một nguyên do rất vô lý là hai người có cùng họ với nhau.
Từ rất xưa rồi, người làng Vạn đã có một điều cấm kị, một tục lệ bất di bất dịch rất ác nghiệt như thế, dù cho những con người khốn khổ đó chỉ có họ giống nhau mà chẳng có một chút máu mủ thân thích gì.
Kẻ nào muốn chống đối lại điều cấm kị đó chỉ còn cách bỏ làng ra đi, sống như những kẻ tha hương cho đến chết mà không dám vác mặt về làng.
Còn nếu cứ ở lại, họ sẽ sống như những kẻ ngoài lề xã hội, bị nguyền rủa như là những căn nguyên gây nên tai họa cho làng nước; con cái họ sẽ lớn lên như những đứa trẻ vô thừa nhận, bị khinh rẻ coi thường, mãi mãi không ngóc đầu lên được.
Mối tình giữa bà Cảo và ông Chỉnh đã không vượt qua được những điều đó. Ông Chỉnh rủ bà Cảo bỏ làng đi trong một đêm trăng rười rượi sáng nhưng vì gia đình cấm cản, canh giữ bà rất ráo riết nên bà đã không đến được chỗ hẹn. Từ đó, cứ mỗi dịp làng có hội hè, người ta không còn được thấy bà trên chiếu chèo nữa.
Cũng có người bảo không phải như thế. Bà Cảo vẫn hát cho đến tận ngày đi lấy chồng, chỉ có điều bà chuyển sang đóng những vai hề gậy, hề mồi trong những vở diễn của làng.
Có người bảo bà rất yêu sân khấu, mê hát từ nhỏ nên không dễ rời bỏ được nó, nhưng cũng không thể đóng những vai đào thương được nữa, đành giấu khuôn mặt u sầu của mình trong những vai hề cho lòng khuây khỏa.
Còn người làng thì ai cũng vẫn thương tiếc hình ảnh cô đào tung tẩy trên chiếu chèo khi xưa. Bà lấy một người con trai cùng làng theo lời bố mẹ.
Người này không mê hát cũng không thích xem hát, chỉ tối ngày quần quật ngoài đồng, thô lậu và cục mịch như những củ khoai hà sượng. Từ khi bà sinh Thịnh - đứa con trai đầu lòng và là chồng Thao sau này, thì ông ta cấm bà đi hát.
Nhưng cũng chỉ khoảng ba năm sau thì ông ta mất. Bà ở vậy, một mình nuôi Thịnh cho đến ngày lớn khôn. Năm mười bảy tuổi, Thịnh theo lời rủ rê của một nhóm bạn đi lên thành phố kiếm ăn.
Bà khóc hết nước mắt khuyên can không được, lúc nào cũng âu sầu, rầu rĩ. Có người bảo, đấy, vì thế bà mới thôi hát, chứ trước đó bà vẫn hát và đóng những vai lão trên sân khấu. Thực hư thế nào chẳng rõ, chỉ biết từ khi Thao về nhà này thì tịnh không thấy bà hát bao giờ…
Vậy mà cũng đã gần chục năm rồi kể từ khi Thao về làm dâu nhà bà Cảo. Đó như là một định mệnh. Số là, đi được hai, ba năm thì bỗng đâu Thịnh trở về.
Xác xơ, mệt mỏi, dặt dẹo và đầy bất mãn. Thịnh bảo với bà Cảo là sẽ tu chí làm ăn ở nhà. Bà Cảo vui mừng ra mặt, những nếp nhăn giãn bớt ra khiến khuôn mặt bớt vẻ nhàu nhĩ.
Và một hôm, bà Cảo mang trầu cau đến nhà hỏi Thao về làm vợ cho Thịnh. Thao khi ấy mới đôi mươi, tuy không đẹp nhưng duyên ngầm, hát chèo rất hay, cũng chưa hề biết yêu.
Thao thường đóng những vai đào lệch, đào lẳng khiến cho nhiều chàng trai để ý nhưng họ thường ngại cảnh nhà Thao. Nhà Thao neo người, bố mất, mẹ ốm yếu bệnh tật, lũ em sau Thao còn nhỏ dại. Nên khi đồng ý lấy Thịnh, Thao cũng không nghĩ ngợi gì nhiều.
Nhưng cuộc sống của vợ chồng Thao rất tẻ nhạt và miễn cưỡng. Ăn ở với nhau được hơn một năm, chưa có con thì Thịnh lại lặng lẽ đi. Cũng trong một đêm trăng rười rượi sáng, rất nhiều gió nhưng lại không mưa nổi một hạt nào. Chẳng biết Thịnh đi đâu.
Có người bảo gặp Thịnh trên mạn ngược, có người lại bảo Thịnh vào Nam. Thịnh cũng không hề báo tin gì về nhà. Bà Cảo lần này thì không còn nước mắt để khóc nữa, cứ ngồi lặng lẽ rồi nhìn trân trối lên tấm ảnh thờ chồng đầy vẻ trách móc. Chẳng biết bà nghĩ gì nữa.
Thao cũng dần trở nên mòn mỏi hơn. Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt u tối của Thao, bà Cảo lại giật mình như bắt gặp phiên bản của chính mình trong gương. Những lúc như vậy, bà bèn quay vội mặt đi và nói xa xôi: “Chẳng biết đến bao giờ tôi mới được đi theo bố thằng Thịnh…”.
Nghĩ lan man về những chuyện đã qua, những chuyện mà Thao chưa một lần dám hỏi bà Cảo, khiến Thao càng thêm khó ngủ. Nghe tiếng trẽo trẹt đều đều của chiếc quạt, Thao lại càng thấy khó chịu.
Mặt chiếu dấp dính mồ hôi. Chiếc giường này là chiếc giường hạnh phúc của vợ chồng Thao. Thật chua chát. Thao ngồi dậy, nhìn trăng chiếu chênh chếch vào mặt chiếc gối cưới đã ố vàng vì nước mắt bao đêm mà thấy ngực tưng tức. Dạo này đến việc khóc, Thao cũng còn cảm thấy khó khăn.
Thao mở cửa ra ngoài sân sau một thoáng bần thần. Trăng con gái chảy tràn trên mặt sân một màu lơ đễnh. Thao thấy người như bốc hỏa, khát kinh khủng, lưỡi khô bỏng lên.
Thao chạy lại chum nước mưa bên gốc cau và uống từng ngụm to một. Nước chảy tràn qua khóe miệng ngày xưa rất duyên của chị, chảy xuống cổ một cảm giác lành lạnh.
Thao càng thấy khát hơn, dường như uống cũng không thể làm dịu đi được. Chị vục cả gáo nước lên người và thấy mình như lên cơn sốt. Nước chảy tràn xuống ngực.
Qua làn áo mỏng, Thao đau đớn nhận ra những đường nét con gái đã không còn được như xưa nữa. Tất cả chỉ còn lại sự khô héo đến tàn nhẫn của thời gian. Trăng vẫn rười rượi sáng. Thao bất giác rùng mình khi nghe tiếng trẻ con khóc ở một nhà kế bên.
Vào buồng, Thao vẫn không ngủ được. Cái nóng đã dịu đi. Nghe xao xác đã có tiếng gà gáy. Bất giác nhìn ra ngoài cửa sổ, Thao thấy giàn mướp đã rạc khô.
Dưới ánh trăng, những dây mướp nghều ngoào đen xạm lại. Vài quả mướp còng queo chẳng rõ hình thù gì. Thao chợt nhớ đến câu hát mà thời trước mẹ chị thường hát: “Con gái như trái mướp non…”.
Thao trở mình làm chiếc giường kêu cọt kẹt. Có tiếng bà Cảo vọng vào nghe thật mơ hồ: “Mai còn phải ra đồng sớm đấy…”. Thao không nói gì, tay giữ ngực để khỏi trào ra tiếng thở dài.
Rồi cứ như thế, Thao trân trối nhìn lên trần nhà… lùng nhùng tiếng quạt trẽo trẹt… tiếng chim kêu như ngái ngủ đằng xa…
Vừa mới sáng trời đã nóng hầm hập. Tiếng bầy ong vo vo nghe càng khó chịu. Bà Cảo đang nấu cơm trong bếp. Làn khói xanh dường như cũng bị bốc hơi dưới ánh mặt trời.
Thao đang xem xét mấy cái cuốc và xẻng ở trước sân. Trán chị nhíu lại khi thấy cái thì long cán, cái thì mẻ cùn. Bà Cảo quay đi, không dám nhìn con dâu.
Đã lâu lắm bà không dám nhìn thẳng vào mặt Thao. Bà vừa sợ, vừa e dè vừa thương hại. Bà nhận ra Thao đã khác rất nhiều lúc mới về nhà bà. Trong mắt Thao, cái ánh vui tươi đã mất đi, thay vào là một cái gì đó như chịu đựng.
Đôi khi bà thảng thốt nhận ra nó lại thoáng có một chút gì đầy hờn tủi, tàn nhẫn, bất mãn khi bà vui miệng kể về một đám cưới nào đấy, về một nhà nào đấy vừa có cháu.
Những lúc ấy, gương mặt Thao trở nên u ám như vừa nãy chị nhìn mấy cái cuốc hỏng… Ngoài ngõ đã có tiếng người lao xao. Thao vác cuốc lên vai, đội nón lên đầu rồi đi ra; trước khi đi còn quay lại dặn với bà Cảo vài câu.
Ngoài đồng hôm nay rất đông người. Cả làng Thao cùng với các làng khác trong xã tham gia đào kênh mương dẫn nước từ hồ Bấc ở xã bên về để cứu hạn. Thao cũng có mặt trong lực lượng ấy.
Nhìn đám thanh niên mặc trời nắng gắt, vẫn vừa làm, vừa hát, vừa trêu ghẹo nhau khiến lòng Thao như trẻ lại. Những nỗi ấm ức, chua xót và ghen tỵ như cũng dịu đi.
Chị bất giác mỉm cười và tham gia vào màn hát đối lúc nào không hay. Thao cũng không thể ngờ được là mình vẫn còn có thể hát hay và sôi nổi đến như thế.
Chị bỗng cảm thấy hình như có một ánh mắt khác lạ nào đó đang nhìn mình chăm chú. Mồ hôi rơi trên má Thao đỏ lựng. Những sợi tóc mai bết lại nhưng đôi mắt chị thì sáng bừng lên.
Đôi tay như dẻo hơn, chân như vững hơn. Ngắm nhìn mặt hồ, tự dưng chị lại thấy khát, chỉ muốn được ngụp lặn trong màu xanh thuê thỏa của nước, của cây…
Bỗng Thao thấy hai mắt hoa lên; không gian xung quanh quay cuồng trong một màu vàng nhờ nhờ như thể trước những cơn giông. Tai chị ù đi, không nghe rõ gì nữa, chỉ thấy mình như đang rơi tự do từ đỉnh trời xuống, mơ hồ có tiếng những bước chân dồn dập, tiếng người lao xao, lao xao…
Tỉnh lại, Thao thấy mình đang nằm trong một cái lều canh ngô; đầu nặng như đúc chì, hai thái dương đau nhói, chân tay bải hoải, miệng lưỡi tê đắng lại và có hai người đang ngồi cạnh mình.
Một người là Lý – người cùng làng với Thao, còn người kia là một người đàn ông có gương mặt cương nghị, rắn rỏi. Cả hai người cùng lo lắng nhìn Thao.
“Tốt rồi! Chị đã tỉnh lại! Chị cố gắng nghỉ ngơi đi nhé!” – người đàn ông cất giọng trầm ấm nói với Thao và quay sang chào Lý đi ra. Thao hỏi Lý xem chuyện gì xảy ra với mình thì được biết là chị bị cảm nắng.
Người đàn ông vừa rồi là Sang, đội trưởng đội sản xuất của xã bên, người đã bế Thao đưa vào đây khi chị bị ngất ngoài đồng. Anh đã gần bốn mươi tuổi, nghe đâu vì chuyện tình thời cắp sách không thành mà vẫn một mình cho đến giờ.
Thao đã gặp anh vài lần trong những đợt tập huấn về kinh nghiệm sản xuất ở trên huyện. Và có một lần, hai người còn hát chung một làn điệu chèo trong buổi giao lưu với trung tâm khuyến nông huyện nữa.
Sang có đôi mắt rất ấn tượng và nhạy cảm… Thao nhìn quanh căn lều tuềnh toàng và cảm nhận được một mùi vị gì đó đầm đầm ấm ấm vừa quen lại vừa lạ, vừa gần gũi lại vừa xa xôi, vừa mơ hồ lại vừa ám ảnh… Chị nhắm mắt lại và trôi đi trong trạng thái bồng bềnh, chơi vơi…
… Đã lại hơn một tháng rồi mà trời vẫn chưa mưa. Hồ Bấc chỉ còn bằng cái nong. Cánh đồng ưỡn mình khao khát chờ mưa để được hồi sinh. Đêm nay, trăng lại sáng vằng vặc.
Thao không ngủ được, bèn ngồi dậy, tựa lưng vào tường, hít thở thật sâu để cố nén những bồn chồn, xao xuyến đang chực trào ra. Sang đã hẹn với Thao đêm nay hai người sẽ rời làng ra đi để tìm cho mình một miền hạnh phúc mới.
Sang hẹn Thao ở gốc đa đầu làng sát bên bờ sông, khi trăng lên đến đỉnh trời. Đã sắp đến giờ hẹn… Vài tiếng chó sủa vu vơ cũng khiến Thao hơi giật mình, lòng càng thêm lưỡng lự.
Mấy hôm nay, bà Cảo tự dưng lại hơi mệt. Chiều nay xông, bà đã thấy khá hơn nhưng đến bây giờ Thao vẫn nghe thấy tiếng bà thở khò khè, thỉnh thoảng lại húng hoắng ho.
Căn nhà càng thêm u tịch trong bầu không khí ngột ngạt. Thao nhắm mắt, cố ru lòng trấn tĩnh lại mà không được vì hình ảnh đôi mắt Sang đầy mong đợi, hy vọng cứ hiện lên ám ảnh.
Thao quyết định cầm cái túi nhỏ và nhẹ nhàng theo cửa ngách đi ra. Gần đến cổng, Thao còn ngoái lại nhìn ngôi nhà - nơi chị đã sống bao năm tuổi trẻ.
Cái mái ngói cũ nát, những bức tường lở lói; bậc thềm nhẵn mòn bước chân… tất cả đều quen thuộc. Con Vện kêu ư ử chạy đến bên, liếm liếm bàn chân Thao và vẫy đuôi rối rít. Nó đưa Thao ra đến tận cổng.
Thao đang định quay đi thì bỗng nghe tiếng cốc chén vỡ và tiếng người ngã. Thao vội chạy trở vào thì đã thấy bà Cảo nằm run rẩy dưới chân giường, bên cạnh là cái cốc nước, mọi hôm vẫn để trên chiếc ghế con ở đầu giường, đã vỡ tan. Bàn tay của bà bị thuỷ tinh đâm chảy máu.
Thao vội vàng đỡ bà lên giường và đi tìm bông băng cầm máu cho bà. Chợt chị buột miệng thốt ra lời trách móc: “Sao mẹ không gọi con?” – một lời trách mà ngay lập tức khiến Thao tự cảm thấy xấu hổ và trơ trẽn.
Bà Cảo dường như không để ý lắm đến câu nói đó, lặng lẽ nhìn Thao dọn dẹp với ánh nhìn xa xót. Bất chợt, Thao nghe giọng bà run run: “Sao con không đi đi? Sao còn quay lại làm gì? Phải tự tìm hạnh phúc cho mình chứ?”.
Thao ngồi chết lặng, không nói được gì, một lúc lâu rồi nước mắt ứa ra xót mặn: “Xin mẹ tha thứ… tha thứ…”. Thao không nói được gì nữa mà chỉ ngồi nấc nghẹn.
Bà Cảo cũng khóc sụt sùi rồi bảo con dâu đi lấy cho bà cái hộp gỗ nhỏ phía sau ban thờ. Thao đi ra gian ngoài, cúi gằm mặt xuống để tránh không nhìn những tấm ảnh trên ban thờ.
Thao vừa cầm vào cái hộp thì bát hương trước mặt ông bố chồng bỗng bốc cháy đùng đùng. Ánh sáng đỏ rực soi tỏ những đôi mắt nghiêm nghị khiến chân Thao như nhũn ra, chỉ chực khuỵu xuống. Phải một lúc, Thao mới lê được trở vào chỗ bà Cảo.
Bà Cảo lấy từ trong chiếc hộp ra một bức thư và một mảnh giấy đưa cho Thao. Thao ngây dại đánh rơi bức thư khi đọc xong. Đó là thư của Thịnh gửi cho mẹ từ mấy tháng trước.
Trong thư viết rằng Thịnh đã vào Đắc Lắc sống và đã có gia đình ở trong đó. Thịnh xin được đón mẹ vào ở cùng và cũng gửi lời tạ lỗi với Thao, trả lại tự do cho Thao bằng một lá đơn xin ly hôn đã có sẵn chữ kí của Thịnh được gửi kèm theo bức thư.
Thao mở lá đơn, mắt tối sầm lại khi nhìn thấy chữ ký ngạo nghễ của Thịnh. Thao gục xuống giường khóc rưng rức, đôi vai gầy guộc khẽ rung lên theo tiếng nấc. Bà Cảo cuống quýt: “Con ơi… Con đừng trách mẹ…”.
Một lúc lâu sau, Thao đã bình tâm trở lại và hỏi bà Cảo xem bà định thế nào. Bà nói rằng bà không thể bỏ quê hương, mồ mả cha ông mà đi được, hơn nữa ông ấy đã trở về, lại đang bệnh rất nặng. “Ông ấy? Mẹ nói ai kia?”.
“Ông ấy… ông Chỉnh đã về, vẫn một mình, đang ở nhờ nhà một người bạn trên huyện…”. Bà phải chuộc lỗi. Bà xin Thao hãy ở lại làm con gái bà và bà cũng rất quý mến Sang. “Con đi đi… và hãy bảo nó ở lại… Quá nhiều người đã ra đi rồi…”.
Thao bỗng giật mình nhớ ra thì trăng đã quá đỉnh trời rồi. Thao lao ra cổng, chạy líu ríu trên bờ đê. Từ lúc nào và từ đâu gió bỗng thổi về lồng lộng, xô giạt những đám mây hình thù kì dị lao đi trên nền trời.
Mặt trăng bỗng biến đâu mất. Chó sủa nhặng lên trong làng. Những ánh chớp rạch trên trời, sáng lòa, đầy hăm dọa. Thao chợt cảm thấy sợ. Mồ hôi túa ra lạnh toát sống lưng, ngực nghẹn thắt lại.
Không biết Sang còn đợi chị không hay đã đi rồi? Nếu Sang đi rồi thì sao? Gió quất lên mặt Thao rát bỏng hay là những giọt nước mắt đang rơi? Rồi Thao cũng đã đến nơi… không thấy ai!
Thao hốt hoảng, nghẹn ngào, ngồi gục xuống trên một cái rễ đa xù xì, đau đớn đến không thể khóc lên thành tiếng được nữa. Có tiếng chim non kêu thảng thốt trên một cành cao. Con chim mẹ đập cánh loạn xạ, vừa bay vòng quanh tổ vừa kêu lên những âm thanh hoảng loạn. Gió vẫn thổi điên cuồng.
Bỗng… Sang hiện ra từ sau gốc đa, vững chãi dưới ánh chớp xanh chói. Thao lao vào ngực anh tức tưởi: “Em tưởng không bao giờ được gặp lại anh nữa!”. “Sao anh có thể đi được? Anh vẫn chờ em, đến suốt đời…”.
Hình như gió đã dịu đi. Và đúng lúc ấy, sau một tiếng sấm tưởng vỡ cả trời đêm, mưa bỗng tuôn xuống ào ạt… Có lẽ chưa bao giờ người làng Vạn lại thấy mưa nhiều đến thế!