Trần Bá Vạn lúc còn trai thì làm thầy giáo dạy trường tổng tại Ba Kè, thuộc trong tỉnh Vĩnh Long, mồ côi cha mẹ, có một người chị tên là Trần Thị Lành, lấy Tây sắm vòng chuyền nhổn nhan, áo quần lòe loẹt, song chẳng hề giúp đỡ cho em một đồng nào. Bá Vạn học ít lại nhà nghèo, làm thầy giáo tổng chẳng thấy có cái chi hơn mấy thầy giáo khác. Chẳng hiểu vì cớ nào mà ông Huyện hàm Đỗ Thanh Nhàn là người sang trọng giàu có lại kêu mà gả con. Lúc ấy kẻ thì nói ông Huyện hàm thấy Bá Vạn tánh nết mềm mỏng ông thương, người thì đồn tại Đỗ Thị Đào mất tiết hư danh rồi, nên ông Huyện hàm mới kêu Bá Vạn mà gả, bởi vậy không ai biết lời nào phải mà tin. Có một điều này ai cũng biết rõ, là Bá Vạn cưới vợ rồi, liền xin thôi làm thầy giáo tổng và dắt vợ lên Sài Gòn kiếm việc trong hãng buôn mà làm.
Bá Vạn tánh cần kiệm, mà chí lại bền bỉ, nên chắt lót vài năm trong nhà có dư được chút đỉnh, rồi cho vay đặt nợ, góp gió thành bão, lần lần hóa ra một số bạc lớn. Khi ông Huyện hàm Nhàn chết, tưởng là lãnh được gia tài sẽ làm giàu to, chẳng dè ông Huyện hàm nhắm mắt rồi, thì chủ nợ ó lên kiện mà tịch hết sự nghiệp, vợ chồng Bá Vạn khỏi trả nợ ấy là may, chớ không hưởng được đồng nào hết.
Vợ chồng Bá Vạn hụt ăn thì phiền lắm, song phiền thì vợ chồng nói với nhau trong nhà mà thôi, chớ không thổ lộ cho người ngoài biết, vì sợ thiên hạ thấy bụng tham của mình, rồi họ chê cười. Vợ chồng mới quyết chí làm ăn nữa, cho vay ăn lời quá độ, thấy ai làm lợi cho mình được mới chịu làm quen.
Đến lúc khởi đầu thuật truyện này, thì Bá Vạn đã có một miếng đất với một cái nhà lầu, ở tại Tân Định, giá đáng tám ngàn đồng, xe hơi, bàn ghế trong nhà, và hột xoàn của vợ con đeo, giá đáng chừng sáu ngàn, lại có gần một muôn đồng bạc mặt để làm vốn cho vay nữa.
Người đời hễ giàu rồi thì thường hay muốn sang. Đỗ Thị nghĩ mình đã có tiền rồi, nếu không có chức phận chút đỉnh với người ta thì họ khi dễ, nên hằng ngày thỏ thẻ khuyên chồng hoặc xuất tiền mua chức Huyện hàm, hoặc ra tranh cử Hội đồng Quản hạt, đặng đi ra thiên hạ kính nhường bẩm dạ.
Thiệt Bá Vạn bổn tính không chịu se sua, thường nói đời này hễ có tiền nhiều thì mạnh, làm ông lớn mà hụt tiền, đến vay của dân thường cũng phải sợ nó nữa. Tuy ý như vậy, mà vì bà vợ có máu háo danh, cứ theo nói hoài, lâu ngày chầy tháng, rồi Bá Vạn cũng nhiễm theo ý kiến của vợ, nên mới quyết kỳ tuyển cử gần tới đây sẽ ra tranh cử Hội đồng Quản hạt.
Bá Kỳ đi học ở Hà Nội rồi, thì vợ chồng Bá Vạn lo kết vi kiến, đặng chừng tranh cử Hội đồng có đông người tâm phúc mà cậy họ lo giùm. Nay mời ông này đến nhà ăn cơm, mai đi viếng thăm ông nọ; hễ có dịp làm phước thì không nệ tốn kém, xuất tiền cho nhiều hơn thiên hạ, để các nhật báo bia danh mà ngợi khen; nghe có đám xác nào lớn, dầu không thân thiết cho lắm cũng đi đưa, đặng gặp người tử tế mà làm quen; gặp điều chi bất bình thì viết bài rồi mướn nhật báo ấn hành, để cho công chúng biết mình là người ham lo việc công ích.
Trước kia đã nói Bá Vạn có một người chị tên là Trần Thị Lành. Tưởng cũng nên nhắc sơ chuyện người ấy ra đây luôn thể. Thị Lành lúc mười bảy, mười tám tuổi, tuy nhan sắc tầm thường chớ không phải mình hạc xương mai, mày tầm mắt phụng chi đó, song tính tình gian dối, ăn nói khôn lanh, ban đầu ở trong xóm thì làm lừng lẫy tiếng gái hư, rồi sau mới ra chợ mà lấy Tây cho sung sướng. Trước kết bạn với ông Cò tàu, ông Dây thép, sau sánh đôi với quan Kinh lý, quan Trường tiền, vài ba năm thì thấy thay chồng một lần, và mỗi lần thay chồng, thì cô có vàng bạc thêm một mớ, chớ cô không thiệt hại chút nào.
Người ta nói cục đá lăn hoài không thể đóng rong được, mà cô Lành lăn tròn từ mười tám đến ba mươi hai tuổi, là lúc gặp quan Phủ Lê Khánh Long ở Trà Vinh, thì cô đã sắm nữ trang đủ hết chẳng thiếu vật gì, lại có vốn hơn hai ngàn đồng bạc nữa. Quan Phủ Khánh Long nhờ có một nghề làm quan mà dựng nên sự nghiệp đáng giá mười muôn; ngài góa vợ, song có đông con, nên không tính tục huyền, vì sợ mẹ ghẻ con chồng hay sinh việc xích mích. Chẳng hiểu cô Lành có cái thuật chi hay, mà quan Phủ Khánh Long mới gặp cô một lần thì đã mê man hồn phách, lững đững tinh thần, theo năn nỉ khuyên cô dứt quan Trường tiền rồi ngài rước đem về nhà giao các việc nhà cho cô điều đình, lại giao luôn tới chìa khóa tủ sắt nữa.
Mấy đứa con thấy ngài yêu cô Lành thái quá thảy đều phiền muộn, nên cậy bà con cô bác lén dứt bẩn ngài. Không rõ là tại bà con nói hay là tại cô Lành làm thế nào, mà quan Phủ càng ngày càng yêu mến tin cậy thêm, đến nỗi kêu Chánh lục bộ đến nhà làm hôn thú hạng nhứt đủ phép. Từ đây người xa kẻ gần chẳng ai dám kêu "Cô Hai Lành" nữa, thảy đều kêu là "Bà Phủ Khánh Long", làm cho người lương thiện chơn chánh, ai cũng lắc đầu, ai cũng trách thói văn minh tà mị dị thường, mới hôm qua còn bán phấn mua son, mà bữa nay lại làm bà Huyện, bà Phủ.
Cô Hai Lành hóa ra bà Phủ Khánh Long thiệt là kỳ! Mà còn một điều này thêm kỳ dị hơn nữa, là quan Phủ cưới vợ chưa đầy một năm, mà hai đứa con trai của ngài chết hết, chỉ còn có ba đứa con gái nhỏ mà thôi. Đã vậy mà cách có một năm nữa quan Phủ cũng chết theo hai đứa con trai, bà Phủ trình tờ chúc ngôn ra thì quan Phủ đã có định chia cho bà phân nửa gia tài, chia bạc tiền mà cũng chia ruộng đất nữa. Tờ chúc ngôn làm trước mặt Nô-te đủ phép, bởi vậy tuy bà con ai cũng nghi cho bà Phủ dùng thuốc độc mà giết cha con quan Phủ đặng đoạt gia tài, song biết thì ức trong lòng mà thôi, chứ không có bằng cớ chút nào, nên không kiện thưa chi được.
Bà Phủ xin Tòa lên án sang tên cho bà đứng bộ gần một trăm mẫu ruộng thượng hạng tại Trà Vinh, huê lợi mỗi năm góp hơn bốn ngàn giạ lúa, và bà lãnh phần bạc mặt là mười lăm ngàn đồng, nhập với số bạc của bà để riêng thành tới bốn mươi lăm ngàn, rồi bà lên Chợ Lớn mua một tòa nhà lầu ở dựa đường Bình Hòa mà ở, sắm xe hơi để đi chơi, mướn người đấm bóp cho bà ngủ, an hưởng thanh nhàn phú quý, chê thiên hạ ngu si, cười thế tình khờ dại, không thèm lấy chồng nữa, mà cũng không thèm buôn bán hoặc cho vay, cứ thâu huê lợi ruộng mà xài, dầu xài không hết thì để dành, chớ không bố thí cho kẻ nghèo như mấy tay nhà giàu lương thiện kia, mà cũng không lập miễu cúng chùa như các ỷ khắc bạc ăn năn nọ.
Bà Phủ với Bá Vạn tuy là chị em ruột. song tánh ý không giống nhau. Bà Phủ thường khinh khi Bá Vạn là thằng ngu, còn Bá Vạn thường ghét thầm bà Phủ lòng độc ác, bởi vậy chị em ở gần nhà mà ít hay tới lui.
Trót mấy năm Đỗ Thị Đào mỗi tháng thường dắt hai đứa con gái lớn vô Chợ Lớn thăm bà Phủ một lần và lâu lâu hễ bà Phủ có dịp đi Sài Gòn thì bà cũng lên Tân Định mà thăm lại. Trong ba đứa cháu, coi ý bà thương Thanh Kiều nhiều hơn hết, song thương thì thương chứ chưa thấy bà mua cho vật chi.
Vợ chồng Bá Vạn đương lo lắng về cuộc tranh cử Hội đồng, bữa nọ có cô Năm Liêu là người quen với Đỗ Thị thuở nay, dắt bà Phán Quý ở Cầu Kho đến nhà thăm. Đỗ Thị ra tiếp khách, trầu nước hẳn hòi, chuyện vãn vui vẻ.
Thanh Kiều lăng xăng sau lưng mẹ, bửa rau, cắt trầu, mở tủ lấy gối thêu cho khách nằm, sai trẻ chùi ống nhổ cho sạch sẽ. Bà Phán Quý ngồi nói chuyện mà mắt liếc ngó Thanh Kiều luôn luôn, rồi bà lại hỏi thăm tuổi và kiếm chuyện nói với cô.
Cách vài bữa, cô Năm Liêu tới nhà thăm Đỗ Thị nữa, mà chuyến này cô đi có một mình. Cô ngồi nói chuyện dông dài một hồi, rồi cô tỏ thiệt với Đỗ Thị rằng bà Phán Quý có một người con trai, hai mươi bốn tuổi, tên là Hà Thái Thường, học ngoài Hà Nội, thi đậu thầy thuốc, quan trên mới bổ đi trị bịnh trong nhà thương Chợ Rẫy. Bà Phán góa chồng, có ba người con mà thôi: con gái lớn có chồng làm việc ở hãng Nam Vang; con giữa là ông thầy thuốc đó; còn con trai út còn học trong trường Bổn quốc. Bởi hôm nọ bà Phán ghé chơi ngó thấy Thanh Kiều đi đứng yểu điệu, văn nói dịu dàng, bà đem lòng thương, nên muốn cậy mai đến nói mà cưới cho ông thầy thuốc, nếu vợ chồng Bá Vạn sẵn lòng, thì bà sẽ dắt ông thầy thuốc đến nhà cho vợ chồng Bá Vạn biết mặt và cho hai trẻ thấy nhau luôn thể.
Đỗ Thị suy nghĩ một hồi, nếu có rể làm thầy thuốc thì đáng mừng, song không biết bà sui giàu hay là nghèo, nên nói phân hai rằng:
- Con nhỏ tôi xưa rày họ đi nói hai ba chỗ rồi, mà cha nó lúc này mắc tranh cử Hội đồng, lại thấy nó còn nhỏ quá, nên ổng chưa chịu gả chỗ nào hết.
Năm Liêu nói rằng bà Phán Quý là người hiền đức, chồng chết để lại cho bà một ngôi nhà tốt với năm bảy ngàn đồng bạc. Bà có hột xoàn cũng nhiều, bà hứa nếu chịu gả thì bà đi hỏi một đôi bông xoàn năm trăm, rồi chừng cưới bà đi thêm một bộ dây chuyền nhận hột xoàn nữa.
Đỗ Thị nghe nói bà Phán Quý có vốn năm bảy ngàn và hứa đi hỏi và cưới đều cho hột xoàn, thì chẳng còn chi giục giặc nữa, mới biểu Năm Liêu chờ ít ngày đặng cô bàn tính với chồng và dọ ý con rồi sẽ hay.
Vợ chồng Bá Vạn bàn tính với nhau, rồi cho phép bà Phán Quý dắt thầy thuốc Thái Thường đến coi Thanh Kiều. Khách đã tới rồi mà Thanh Kiều không chịu thay áo gỡ đầu, cứ nằm trong phòng hoài. Đỗ Thị phải vô mà thôi thúc nữa. Thanh Kiều không dám trái ý mẹ, nên cực chẳng đã bới đầu sơ sài cho có chừng, thay áo tím mà không chịu thay quần trắng, chơn đi dép chớ không chịu đi giày, ở trong bước ra chào khách mà cặp mắt ướt rượt, đi không muốn bước, ngó không thấy người, chẳng khác nào tội nhơn ra pháp trường mà thọ tử.
Thanh Kiều chào khách rồi, liền quày quả trở vào phòng, nằm úp mặt trên gối mà khóc.
Mẹ con bà Phán Quý ngồi chơi hơn một giờ đồng hồ, Đỗ Thị thì khoe tiền bạc, bà Phán thì khoe tài con rồi bà Phán mới từ mà về. Vợ chồng Bá Vạn đưa khách ra khỏi cửa rồi, thì bảo đem xe hơi ra và đi với Thanh Huê vô Chợ Lớn mua thêm quần áo.
Thanh Kiều ở nhà một mình, chẳng hiểu trí cô nghĩ việc gì mà cô nằm co, nước mắt cứ tuôn dầm dề. Đến chiều cha mẹ với chị đã về rồi mà cô cũng còn nằm trong mùng không chịu bước ra. Đỗ Thị thấy gia dịch dọn cơm mới kêu Thanh Kiều ra ăn. Thanh Kiều lau nước mắt tuy sạch rồi, nhưng vì khóc lâu quá nên mí con mắt có dạng sưng, bởi vậy khi cô ngồi lại ăn cơm thì Thanh Huê ngó cô rồi nói rằng:
- Làm con gái chồng đi coi mà khóc nỗi gì! Mày bây giờ được chồng làm thầy thuốc sang trọng quá còn làm bộ nữa, vậy chớ tao đây tao đụng ông chồng làm Ký lục, lãnh lương không đủ đi xe, thấy ai cũng sợ hết thảy, tao mang lỡ nó chẳng khác nào như mang cái gông đây sao.
Thanh Huê nói như vậy, mà vợ chồng Bá Vạn ngồi ăn tự nhiên, lại coi bộ đắc ý lắm. Đỗ Thị cứ theo khen ông thầy thuốc Thái Thường hoài, khen ông mặt mày sáng láng, đi đứng nghiêm trang, khen ông cặp mắt có tinh thần, văn nói đủ lễ phép. Bá Vạn tuy không khen song hễ vợ nói thì ông gặc đầu và miệng chúm chím cười hoài. Thanh Kiều không cãi mà cũng không nói tiếng chi hết, ngồi ráng ăn hết chén cơm rồi thì đi xuống nhà bếp đứng mà ngó mông ra vườn.
Sáng bữa sau, cô Năm Liêu đến nhà dọ ý vợ chồng Bá Vạn, tưởng là Đỗ Thị giục giặc không chịu gả, chẳng dè cô chưa dám mở hơi mà Đỗ Thị đã khởi đầu khen ông thầy thuốc Thái Thường và biểu cô vô Cầu Kho nói cho bà Phán Quý hay rằng Bá Vạn thấy mặt ông thầy thuốc thì thương quá, nên bà Phán muốn đi lễ hỏi ngày nào cũng được, song lễ cưới phải chờ tuyển cử Hội đồng xong rồi sẽ định ngày.
Cô Năm Liêu vô Cầu Kho thuật mấy lời ấy lại thì bà Phán với ông thầy thuốc đều vui mừng, nhứt là bà Phán nghe cô khoe Bá Vạn giàu lớn, đương sửa soạn tranh cử Hội đồng Quản hạt thì bà lại càng mừng nhiều hơn nữa.
Hai bên hiệp ý nhau mà định một tháng nữa, trùng nhằm ngày lễ đình chiến, sẽ làm lễ hỏi.
Bữa nọ, lối một giờ chiều, Bá Vạn đương nằm trên ghế xích-đu mà đọc nhựt báo, còn vợ thì ngồi trên bộ ván ngang đó mà ăn trầu. Thình lình Đỗ Thị nói với chồng rằng:
- Mình bậy quá, hổm nay mình đi Chợ Lớn hoài mà không ghé thăm chị Phủ, rồi luôn dịp thưa cho chị hay sự mình tính ra tranh cử Hội đồng và sự gả con nhỏ. Như việc tranh cử Hội đồng dầu mình không thưa trước cho chỉ hay cũng không mấy hại, chớ việc mình gả con nếu không thưa trước chắc là chỉ hờn.
Bá Vạn và xếp tờ nhựt báo và nói rằng:
- Ối! Thưa hay là không thưa cũng vậy!
- Sao mình lại nói vậy? Chỉ là chị, mà chỉ lại giàu có lớn, bề nào mình cũng phải uật hạ chỉ chớ.
- Chỉ giàu thì chỉ ăn, chớ mình ăn được sao mà uật hạ cho uổng công. Bây giờ chỉ thấy tôi giàu rồi chỉ mới tới lui chị chị em em, chớ hồi trước tôi nghèo, làm thầy giáo tổng ăn lương mỗi tháng có mười sáu đồng bạc, khi đau ốm hoặc sắm quần áo hụt tiền, gởi thơ xin chỉ chút đỉnh, chỉ mắng vãi trên đầu, nói theo báo chỉ, mà rồi cũng không gửi cho một đồng xu nhỏ nào.
- Chuyện cũ hơi nào mà nhắc lại. Chị em không mấy người, thuận hòa với nhau đặng nưng đỡ nhau không tốt hơn hay sao. Để tôi nói chuyện này cho mình nghe: chị Phủ năm nay đã trên năm mươi tuổi rồi. Chỉ có sự nghiệp lớn mà không có con; không phải là rủa chỉ, song ví dụ mà nghe, một ngày kia chỉ theo ông theo bà rồi gia tài của chỉ đó ai ăn? Không phải về con mình ăn hay sao? Vậy thì mình nên chìu lòn chỉ chớ nghịch ý chỉ làm gì.
- Chị đó tánh ý khó chịu lắm mà, ai mà thuận với chỉ cho được.
- Đã biết tánh chỉ khó mặc dầu, song phải ráng mà chịu chớ.
- Ngồi nói chuyện với chỉ thì chỉ coi mình như rơm như rác, ai mà chịu cho nổi.
- Chỉ là chị, mình là em, dầu chỉ có mắng nhiếc mình đi nữa, thì mình nhịn thua, ai lại cười chê gì hay sao? Phận tôi đây, tôi không cần, ai giỏi cười thì cười, miễn là có tiền nhiều thì thôi.
Có lẽ Bá Vạn cho lời của vợ nói đó là phải nên ngồi lặng thinh không cãi nữa. Đỗ Thị thấy vậy mới nói tiếp rằng:
- Mình phải nghe lời tôi. Mai mốt có rảnh vô mà thăm chỉ một chút, đặng thưa việc nhà cho chỉ hay. Nầy, tôi coi ý chỉ thương con Thanh Kiều lắm, nếu mình gả nó mà không thưa trước với chỉ chắc chỉ giận đa. Mình gả được nó cho ông thầy thuốc thì có phước quá, chớ phải gả chỗ hư hèn gì hay sao, nên sợ không dám thưa cho chỉ hay. Không chừng biết mình thưa cho chỉ hay đây chỉ mua hột xoàn mà cho nó nữa chớ.
Đỗ Thị nói vừa dứt lời, kế nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa, dòm ra thấy bà Phủ Khánh Long, thì hối thúc chồng mau mau chạy ra tiếp rước. Vợ chồng Bá Vạn dắt nhau ra tới ngoài đường mà chào. Bà Phủ không thèm ngó tới, cứ ngồi trên xe mà mắng tên sốp-phơ rằng:
- Quân mày thiệt là không có tâm để gì hết! Tao dặn có bao nhiêu đó mà quên hoài: tao biểu hễ tao đi chơi thì phải đem đồ theo cho đủ, có một cái ống nhổ mà mày quên. Thế khi mày để ở nhà mà thờ cha mày phải hôn?
Tên sốp-phơ vừa bước xuống xe vừa bẩm rằng:
- Bẩm bà lớn, hồi nãy tôi có nhắc con Lại đem mà tại nó quên...
Bà Phủ nạt rằng:
- Nín! Đồ chó! Không nên thân rồi còn nói giống gì nữa.
Bá Vạn thò tay mở cửa xe, còn Đỗ Thị mời bà Phủ vô nhà.
Bà Phủ trên xe bước xuống rồi thủng thẳng đi trước, vợ chồng Bá Vạn theo sau. Vô tới sân, Đỗ Thị ngó trong nhà kêu lớn rằng:
- Thanh Kiều a, có cô con ra đây, con đi đâu sao không ra mà mừng cô vậy con?
Thanh Kiều bước xuống thềm nhà, chắp tay xá bà Phủ, rồi đứng nép lại một bên. Bà Phủ liếc ngó Thanh Kiều và nói rằng:
- Mẹ kiếp, nó đợi tôi ra thăm nó, chớ đời nào nó thèm ra thăm tôi.
Thanh Kiều ú ớ không biết tiếng chi mà đáp, Đỗ Thị thấy vậy mới hớt mà trả lời rằng:
- Bẩm chị, mấy tháng nay việc nhà lộn xộn quá, mẹ con tôi không đi đâu được hết. Hai vợ chồng tôi mới bàn tính với nhau hồi nãy đây, tính vô bẩm việc nhà cho chị hay.
- Bẩm việc gì?
- Việc thiếu gì, mà việc cũng là lớn lắm. Xin chị vô nhà rồi tôi sẽ bẩm cho chị nghe.
Bà Phủ vô nhà, kéo ghế ngồi tại bàn giữa. Đỗ Thị lăng xăng lít xít, hối gia dịch xúc bình bỏ trà ngon rồi chế nước cho mau; hối Thanh Kiều rọc trầu, bửa cau tươi, lấy ống nhổ đồng bạch.
Bà Phủ ngó Bá Vạn mà hỏi rằng:
- Hai vợ chồng con Thanh Huê nó có hay về nhà hay không?
- Dạ thưa nó về hoài.
- Nó làm việc đủ ăn hay không?
- Ối! Nó hụt tiền tháng nào cũng về xin mãi.
- Hễ có vợ có chồng rồi thì phải lo làm ăn chứ xin nỗi gì.
- Nó nghèo bây giờ mình nỡ bỏ nó hay sao?
- Mày dại lắm! Ai biểu hồi đó gả nó cho con nhà nghèo làm chi!
Bá Vạn day mặt ra cửa không trả lời. Bà Phủ mới nói tiếp rằng:
- Có vậy cho bây tởn đặng sau có gả con Thanh Kiều đừng có gả cho quân nghèo nữa.
Đỗ Thị kéo ghế ngồi gần bà Phủ, têm một miếng trầu rồi cầm hai tay mà đưa và nói rằng:
- Bẩm chị ăn trầu đây. Hồi sớm mơi bầy trẻ ở nhà đi chợ Tân Định nên mua cau không được ngon. Tôi không dè chị ra chơi, chớ phải tôi hay trước thì tôi đã sai bầy trẻ đi xuống chợ Bến Thành nó mua mới có cau tốt.
Bà Phủ lấy miếng trầu và đút vô miệng và hỏi rằng:
- Hồi nãy bây nói muốn vô bẩm việc nhà cho tao hay, vậy chớ việc gì đó?
Đỗ Thị liếc mắt nháy chồng, có ý muốn cho chồng khởi đầu mà nói. Bá Vạn chúm chím cười và nói rằng:
- Tôi tính kỳ này tôi ra tranh cử Hội đồng.
- Hội đồng gì?
- Hội đồng Quản hạt.
- Mày mà làm Hội đồng nỗi gì?
- Ủa! Vậy chớ họ đó, họ lại hơn gì tôi, mà họ cũng làm được vậy sao!
Đỗ Thị xen vô mà nói rằng:
- Bẩm chị, ba nó nghĩ bây giờ làm ăn khá rồi, trong nhà có năm bảy muôn, nếu không có quyền tước chút đỉnh, thì thiên hạ họ khi, nên mới tính ra làm Hội đồng Quản hạt một khóa chơi với người ta vậy mà, dầu có tốn hao chút đỉnh cũng không sá gì.
Bà Phủ cười gằn và đáp rằng:
- Ra tranh cử phải tốn hao nhiều; mà làm được thì họ kêu "ông Hội đồng" vậy thôi, chớ có ích lợi gì đâu.
Bá Vạn chau mày đáp rằng:
- Chị mà biết giống gì! Chị đợi tôi làm được Hội đồng rồi chị coi tôi có làm giàu lớn hơn nữa hay không mà.
- Mày làm sao mà làm giàu?
- Chị không hiểu, chớ đời bây giờ làm nghề nào lợi cho bằng làm Hội đồng; ai muốn làm Huyện hàm, Phủ hàm mình đi lo giùm, kiếm ít nào cũng năm bảy ngàn, ai muốn sắm súng mình đi nói giùm, kiếm mạt lắm cũng năm sáu trăm; Phủ Huyện và mấy thầy muốn lên chức hoặc đổi đi chỗ tốt, mình giúp lời tự nhiên họ phải đền ơn; chỗ nào có cử Cai tổng mình xía vô càng no hơn nữa. Đã vậy mình còn có thể khẩn ruộng đất khỏi tốn tiền, lại hễ mình biết cách làm cho quan trên vừa lòng, mình còn được mề-đay nữa, không khoái hay sao?
- Tao thấy họ làm Hội đồng rồi họ cãi lẽ sao đó mà dân nó chửi quá, như vậy mà khoái nỗi gì.
- Cần gì miệng thiên hạ, miễn mình được giàu sang thì thôi mà.
- Tao có biết đâu. Mày làm thế nào được thì mày làm, tốn tiền của mày, chớ có phải tốn hao gì của tao đó hay sao mà tao cản.
- Tôi tranh cử chắc được lắm, bởi vì anh em ai cũng hứa giúp cho tôi hết thảy. Tôi liều tốn chừng một muôn, sau tôi gỡ lại mười muôn cho chị coi.
- Cái đó tự ý mày.
Đỗ Thị thấy bà Phủ không muốn dự vào cuộc tranh cử, thì có sắc buồn, nên bỏ qua chuyện đó mà nói rằng:
- Còn con nhỏ hôm nay có ông thầy thuốc làm trong nhà thương Chợ Rẫy ổng coi và nói đó, vợ chồng tôi cũng tính vô bẩm cho chị hay đặng gả nó cho rồi, vì nó đã lớn mà chỗ đó cũng là xứng đáng.
- Thầy thuốc đó tên gì?
- Tên Thái Thường!
- Con của ai ở đâu vậy?
- Bẩm con của bà Phán Quý ở trong Cầu Kho.
- Bà Phán Quý nào kia? ... Giàu hay nghèo?
- Bả không giàu, song cũng đủ ăn, chồng chết để lại một cái nhà với năm bảy ngàn đồng bạc.
- Phải coi chừng, hỏi dọ lại cho chắc, chớ đời này họ yêu ma lắm; họ dọn bề ngoài hực hở coi cho rôm còn bề trong họ trống bộc.
- Bẩm chị, bà Phán này tính tình chơn chất thiệt thà lắm mà. Ối! Mà mình gả con kể thằng rể thì thôi chớ kể gì thứ chị sui. Mình gả được nó cho ông thầy thuốc, đi ra họ kêu nó bằng "cô thầy thuốc" thì đủ vui rồi, dầu nghèo cũng chẳng hại gì.
Bà Phủ biểu Thanh Kiều rót cho bà một tách nước bà uống, rồi đứng dậy đi về, không tỏ ý coi bà có đành gả Thanh Kiều cho Thái Thường hay không. Vợ chồng Bá Vạn đưa ra xe. Khi bà Phủ lên xe thì Đỗ Thị nói rằng:
- Bẩm chị, vợ chồng tôi tính định ngày mười một tháng mười một Tây cho đi lễ hỏi con nhỏ. Tôi bẩm cho chị hay trước, rồi chừng gần tới vợ chồng tôi sẽ vô thỉnh chị.
Bà Phủ gật đầu, rồi day lại nói với thằng sốp-phơ rằng:
- Thôi, về. Nầy, đi chậm chậm vậy nghe hôn, mày còn chạy mau nữa tao đuổi mày đa, nói cho mày biết.
Xe chạy rồi, Đỗ Thị dòm thấy chồng không vui bèn nói rằng:
- Chị Phủ tánh ý khó thiệt! Không có con mà hà tiện để của làm gì không biết! Tưởng là nói chuyện tranh cử Hội đồng chỉ phụ giúp năm ba ngàn, còn nói chuyện gả con Thanh Kiều chỉ mua cho đồ đạc chút đỉnh gì, té ra nói chuyện nào chỉ cũng xuội lơ. Mà không hại gì: Bây giờ chỉ hà tiện không chịu lọi đồng tiền ra, chừng chị chết rồi thì sự nghiệp của chỉ đó cũng về tay mình hết, trước hay sao gì mình cũng nhờ chớ không mất đâu mà sợ.
Bá Vạn rùn vai, rồi bỏ đi vô nhà.