Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Một phi vụ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 604 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một phi vụ
Nguyễn Hoài Phương

"Người người đánh quả, nhà nhà đánh quả"
(Thành ngữ mới)


Hạnh Híp và Tiến Chuột là hai thằng bạn nối khố, cả hai đều cầm tinh con chó, và đều sinh vào mùa chó dại, trước sau hơn kém nhau có không đầy một tháng. Gọi là Tiến Chuột vì nó có cái mặt giống hệt mặt chuột cống với cặp mắt màu đồng thau, liếc ngang, liếc dọc nhoay nhoáy, cái mõm
chu chu lúc nào cũng như muốn huýt sáo và hai hàm răng vừa nhọn, vừa thưa, vàng khè khói thuốc lào. Còn Hạnh Híp thì đặc trưng bởi cặp mắt, bình thường đã chỉ mở he hé, đến lúc cười như nhắm tịt lại, chẳng thấy trời đâu, đất đâu nữa. Nhà hai thằng ở phía cuối thành phố, ngay trên bờ hồ chứa nước thải. Cũng như phần đông cư dân sống trên bờ hồ, người ngợm hai đứa lúc nào có mùi tanh tanh, khăn khẳn, do ám phải không khí từ mặt hồ bốn mùa bốc lên.
Ngay từ dạo mới bảy tám tuổi cả hai đã biết ngụp lặn dưới làn nước đen ngòm của cái hồ ấy, lúc để vơ bao bèo tấm hoặc bao rong đuôi chó mang bán cho mấy nhà nuôi lợn trong thành phố, khi thì móc bùn thuê cho một bà, một cô nào đó trồng rau muống để kiếm mấy hào... Lúc lớn lên, có chút sức lực, chúng rủ nhau sắm một cái thuyền nan, quét thêm mấy lớp hắc ín cho thật chắc chắn, kín đáo, lại thửa
hai cái kéo cắt đất cực tốt, khung bằng gỗ lim, dây bằng ruột phanh Trung Quốc rồi đứng ra cai việc khai khẩn mặt hồ. Dân từ các vùng dưới nhà quê lên hoặc trong thành phố vì chật chội quá phải bò ra, muốn lấn chiếm lòng hồ để có mảnh đất cắm túp lều là phải gọi đến hai thằng. Chúng phi thuyền ra giữa hồ, nơi đáy còn tương đối nông nông, hụp xuống lấy kéo cắt từng tảng đất to như những cái cối đá vất lên thuyền rồi hì hục đẩy vào. Tùy túi tiền của từng người mà chúng cân tất, từ một mảnh đất ngang, dọc mỗi chiều bẩy, tám mét, đến những mảnh có chiều dài, chiều rộng chiều nào cũng hơn chục mét. Mảnh nào bé, đắp trong
vòng năm, sáu ngày, một tuần là xong, những mảnh lớn có khi phải thi công đến hàng tháng. Ngâm người trong nước bùn trường kỳ như vậy nên hai thằng có nước da cũng đen kịt hệt như màu bùn đen... gặp những hôm trời rét mướt, nước da vốn đã đen đủi ấy tái bợt đi, nhăn nhúm lại trông
mới thật kinh khủng. Cả Hạnh Híp lẫn Tiến Chuột đều suy nghĩ, rằng nếu chỉ có hai thằng thì chúng đã có thể ăn đời ở kiếp với cái nghề vét bùn, moi đất đắp nền nhà ven bờ hồ này rồi, nếu như dân trong làng, đừng có thuộc một loại cùng đinh hoặc sắp sửa cùng đinh, thấy có việc gì kiếm được mấy hào là háo hức, sáng hết cả mắt lên, và đặc biệt là lớp trẻ trẻ xấp xỉ tuổi bọn hắn thì đừng có gồm rặt một lũ gớm ghiếc, hơi một tí là sôi me, sẵn sàng xin nhau tí huyết.
Đánh hơi thấy công việc tuy có hôi hám, vất vả, bẩn thỉu... nhưng lại có thể kiếm ra tiền, khả dĩ cải thiện được nồi cơm, dân cả làng như bảo nhau cùng ùa vào làm. Nhiều bù ít, cứ hai ba nhà chung vốn nhau mua một cái thuyền nan hoặc thuyền tôn, ba bốn gã thanh niên lập thành một nhóm, lấy dây chuối căng ra rồi bắt thăm chia nhau canh tác từng khu vực mặt hồ. Có nhiều nhóm gồm toàn một lũ con gái mười tám, mười chín đến hai nhăm, ba mươi tuổi, vì không xin được việc gì làm ở đâu nên đành về đây, cũng móc bùn, xắn đất, đẩy thuyền ầm ầm, mặc kệ nước bẩn, nước thỉu chui hết vào mọi ngõ ngách, hang hốc, bất kể
đến mấy chữ vệ sinh, vệ tử là gì. Nghề khai thác bùn đất dưới lòng hồ của dân làng rộ lên được một dạo. Cho đến khi toàn bộ đáy hồ chỗ nào cũng như chỗ nào đều đã sâu ngập lút đầu của cả những gã trai cao to nhất, thì cũng là lúc
mấy ông bà trên ủy ban nhân dân thành phát hiện ra là mặt hồ bị lấn chiếm trái phép một cách tàn bạo. Các vị cử ngay đến làng mấy chú cảnh sát khu vực. Ngoài việc kiểm tra giấy tờ, hộ khẩu, xem ai đi, ai đến, các chú còn một nhiệm vụ nữa là luôn luôn phải trông chừng cái hồ, giờ chỉ còn độ dăm, bảy mẫu, nếu bị lấp hết thì nước thải của cả thành phố chẳng biết chứa vào đâu nữa. Những ngày đầu tiên, lúc mặt hồ mới bị phong tỏa còn một vài vụ vi phạm lẻ tẻ. Lợi dụng những đêm tối trời, một vài cái thuyền lại bí mật ì oạp, khe khẽ bươn ra định tranh thủ làm ít chuyến... Nhưng
lực lượng cảnh sát nhân dân của ta rất tinh. Chỉ chuyến trước, chuyến sau của các vị là các chú đã biết, hết chiếu đèn pha loang loáng lại rút súng bắn veo véo xuống mặt nước cảnh cáo. Đến lúc có vài cái thuyền xơi đạn vỡ toang bị lật úp giữa dòng thì dân làng hoảng. Thôi thì, bỏ của chạy lấy người, bảo tồn lực lượng, an toàn là trên hết.
Hạnh Híp và Tiến Chuột chưa kịp xoay sang nghề khác thì đã
bị gọi vào lính. Hai thằng ở với nhau suốt, h ết đánh nhau tơi bời với quân bành trướng ở biên giới phía Bắc, lại quay vào Biên giới phía Tây Nam, vọt sang cả Cam Pu Chia nện nhau với quân của Pôn Pốt. Hình như bom, đạn của Tầu khựa cũng ngán hai cái cơ thể đen đủi, sần sùi và tanh ngòm mùi nước bùn nước đất ấy mà tránh xa. Nhiều trận cả trung đội, đại đội hầu như bị xóa sổ, thì cuối cùng hai
thằng vẫn lóp ngóp bò về trước cặp mắt kinh dị của những người ở hậu phương, cứ như là có một phép lạ xảy ra với chúng nó vậy. Cả hai được phục viên về làng cùng một ngày. Để hai thằng yên ổn một vài tuần. Một hôm, thấy Tiến Chuột còn ngồi mãi bên nhà Hạnh Híp hai ông già, bà già nhà nó mới lò dò theo sang. Ngồi một lúc cơ chừng nhai dập cái bã trầu, hai cụ nhà này mới phối hợp với hai cụ nhà kia, khẽ khàng thúc dục bảo hai thằng lấy vợ đi. Nhưng vừa được câu trước, câu sau, chúng đã nhăn mặt, cáu kỉnh cãi lại:
- Lấy vợ... Lấy vợ... Các cụ lúc nào cũng lấy vợ... lấy vợ... Không có việc gì làm, lấy về rồi múc nước cống lên mà ăn với nhau à ? Các cụ cũng tức lắm, chửi cho luôn:
- Tiên sư hai thằng dở hơi. Sao không mở mắt ra mà nhìn trai gái trong làng này những đứa bằng tuổi chúng mày có đứa nào còn không vợ, chồng, con cái không ? Mà có đứa nào có nghề, có nghiệp gì? Đứa nào đã phải múc nước cống lên mà ăn?
Đến thế mà chúng vẫn không chuyển, một mực giữ ý kiến dở
như cám hấp của mình:
- Kệ chúng nó chứ. Chúng nó khác. Chúng tôi khác. Bao giờ bọn tôi cảm thấy tự lo được cho vợ, cho con thì tôi mới lấy.
Đến nước ấy thì các cụ chịu:
- Trách nhiệm của chúng tao phải nói thì chúng tao phải nói. Thôi thì từ nay mặc kệ chúng mày nhé. Muốn ở vậy đến già thì ở, sau này đừng có kêu chúng tao. Đã bảo trời sinh voi, sinh cỏ...
Hai thằng truyền cho nhau cái điếu cày. Chúng vê những điếu thật to, châm lửa, tọp má rít những hơi dài rồi ngửa mặt lên nhìn nhau cười. Tiến Chuột giao hẹn với Hạnh Híp:
- Có quyết tâm như thế không mày ?
- Quyết thì quyết.
Ở đầu xóm có một cái loa công cộng mỗi ngày mở ông ổng mấy
lần. Bốn cụ của hai nhà này đã quá quen nghe những câu khẩu hiệu có mấy cái chữ quyết tâm suông ấy, giờ lại thấy hai ông con cũng lảm nhảm như vậy thì chán... Một cụ nóng mặt lên, chửi đổng:
- Quyết... Quyết cái mả ông, mả bà nhà chúng mày. Ngồi đấy
mà quyết. Hai thằng không chịu ngồi, chúng bảo nhau ngày mai mang cái giấy ra quân đi xin việc. Nhưng mấy mảnh giấy lộn ấy của bọn chúng không đắt, xông vào cửa nào hai cựu quân nhân cũng bị đánh bật ra ngay.
Các ông cán bộ tổ chức cầm lên chưa đọc hết một lần đã lắc đầu quầy quậy quẳng trả lại:
- Cơ quan của chúng tôi đã đủ hết chỗ làm rồi. Mong các đồng chí thông cảm.
Nhưng có lần vừa bước chân ra khỏi cửa chúng đã nghe mấy
ông nói cười hô hố phía sau lưng:
- Giời đất ơi, thời buổi này mà con có thằng mang mang giấy xuất ngũ đi xin việc nữa chứ.
- Ưu tiên cho bộ đội ra quân thì có mà ưu tiên cho cả nước à?
- Mà hai thằng cũng khéo bảo nhau, lững thững vào người
không, một ấm chè, một điếu thuốc cũng không chịu mất... Thế mà cũng đòi đi xin việc. Một lần khác, chúng gõ cửa xí nghiệp sản xuất thương binh. Gặp được một ông ra vẻ tử tế, nhưng hai thằng nghe hết câu mới biết là ông nói xỏ:
- Chỗ chúng tôi chỉ nhận thương binh, bệnh binh thôi... mà
trông các đồng chí thấy vẫn còn lành lặn quá.
Rồi nhìn chằm chằm vào mấy đôi chân, đôi tay còn nguyên vẹn của chúng nó, ông tỏ ý tiếc rẻ:
- Giá mà...
Cả hai thằng to đầu rồi mà còn ngây thơ, không biết rằng thời buổi ấy muốn xin được việc gì làm cho có tí biên chế của nhà nước, thì dù có tẹp nhẹp đến đâu cũng phải tốn kém, ít ra cũng nửa chỉ, một chỉ. Vậy mà đi đến đâu chúng cũng chỉ có độc mấy cái cát tút dưới cạp quần. Hạnh Híp và Tiến Chuột mỗi thằng đều có một con em làm ở tổ hợp tác đan len. Hai đứa suốt ngày ngồi xỏ xiên và buôn chuyện
thiên hạ nên cũng biết được nhiều điều. Để cho hai ông anh đã chạy long tóc gáy lên mà vẫn xôi hỏng bỏng không hai cô em mới quyết định ra tay. Biết bà tổ trưởng có ông anh họ xa làm trưởng phòng tổ chức công ty xây dựng thành phố, chúng mua cho bà một lạng mì chính để nhờ dẫn đến ra mắt. Rồi mặc dù chưa bao giờ trông thấy biển là gì cũng cứ mua đứa thì mấy xóc cua bể thật bự, đứa thì một xâu cá thu
rõ béo... nói là có tí quà ở quê để biếu ông. Đơn giản, tế nhị như vậy mà xong việc. Trước ngày hai thằng được chính thức đi làm phụ nề, hai cô em lại bỏ tiền túi ra chi mấy
mâm cơm rau mời mấy vị đại diện công ty, phòng, ban, làm một bữa đến nơi đến chốn nữa cho thêm phần chắc chắn, yên ổn. Sau lúc công việc đã đâu vào đấy, ngồi tính toán lại từng khoản thấy mất già một chỉ, hai đứa mới nửa đùa, nửa thật mà giao hẹn với hai ông anh:
- Đấy là chúng tôi cho các ông tạm vay. Đến ngày bọn tôi lấy chồng thì nhớ mà trả. Của hồi môn của bọn tôi đấy.
Hai thằng lại giơ điếu cày lên, bắn mỗi thằng một tràng dài, xong mới lờ đờ nói:
- Các cô yên tâm đi, thế nào rồi bọn anh cũng tìm cách trả lại đủ, cả vốn lẫn lãi.
Nhưng đấy là chúng nói thế, cả chục năm sau khi hai cô em đã về nhà chồng, con cái đã tay bế, tay mang, bản thân hai thằng cũng đã chuyển đi, chuyển lại hàng chục chỗ làm, hết công ty xây dựng thủy lợi đến xí nghiệp sửa chữa cầu đường, hết ở lò vôi, lại chuyển sang lò gạch, lò gốm, rồi đi đập đá, moi cát... mà chẳng thằng nào trả nợ được em gái lấy một xu nhỏ, thỉnh thoảng lại còn gấu vào tháng này một chục ngàn tháng sau hai chục ngàn.
Đến lúc nhà nước xóa bỏ ba cấp, hầu hết những nhà máy, xí
nghiệp, công ty trong thành phố vì kinh doanh thua lỗ mà phai giải thể thì hai thằng Hạnh Híp và Tiến Chuột vẫn là dân vô sản như những ngày đầu tiên. Mỗi thằng chẳng có gì ngoài một chiếc xe đạp tòng tọc, cà khổ với vài bộ quần áo bạc phếch, xơ xác . Chúng vẫn chưa lấy được vợ. Với cái tuổi đã băm một vài nhát và tài sản như vậy thì tính chuyện ấy thật là khó nên chúng làm như không nghĩ đến nữa. Những lúc cấn cá quá, con lợn lòng nổi lên không thể nào chịu nổi nữa, hai thằng rủ nhau ra bờ hồ La Két hoặc ra ga hay bến xe ô tô... vơ đại một con bớp, bất kể gày, béo, xấu, đẹp, già, trẻ như thế nào cũng kéo phứa ra bờ đê, gầm cầu treo, góc chợ hay một xó xỉnh nào đó quần cho tơi tả rồi sau đó lại coi như là không có gì.
Chúng cũng xoay đủ mọi nghề khác. Chịu khó dậy sớm đứng
chầu chực ở đầu mấy con đường từ ngoại ô vào, tranh giành, mua rẻ của mấy bà, mấy ông nhà quê lúc vác mía, vác củi, lúc gánh rau, sọt dưa mang vào bán lại cho mấy bà buôn ở chợ trong thành phố. Hoặc là xông thẳng lên tầu, rông hẳn lên mạn ngược khi bao chè tươi, lúc bao sắn, bao măng khô, có lúc bạo phổi lên còn dám đánh cả những quả quốc cấm như hoa hồi, thảo quả, quế chi... Vất vả thế, nhưng vẫn chẳng ra đâu vào với đâu. Thường là mỗi chuyến như vậy, trừ vốn liếng đi, lời lãi cũng chỉ đủ đút vừa mồm ăn trong mấy ngày. Nhiều hôm, gặp mưa gió, cầu hỏng, đường sạt, tàu trật bánh, không đi tới, đi lui được ngồi nhìn những bao sắn, bao măng, sọt cà chua, khoai tây... bị ẩm, mốc, nóng rực, bốc hơi hầm hập thì mặt mày còn nhăn nhó hơn mặt khỉ. Cũng có khi được vài chuyến ngon lành, tưởng có thể để ra được chút đỉnh thì tự nhiên lại gặp mấy thằng phòng thuế, công an hay kiểm lâm khó tính, chưa kịp đấm mõm hay đấm chưa đủ đô, lúc tầu đang vào cầu nó cáu sườn lên cho vài đá vào đống đồ hàng thì cả chì cả chì lẫn chài theo nhau xuống chầu Hà Bá hết.
Có một dạo, chẳng biết là thực hiện nghị quyết hay chỉ thị số bao nhiêu mà bọn thuế vụ, công an, kiểm lâm, kết hợp với bọn quản lý chợ kiểm ông, kiểm cha thật ráo riết. Không làm ăn gì nổi, Hạnh Híp và Tiến Chuột đành nằm nhà. Chờ một thời gian sau, thấy tình hình có vẻ tạm yên ắng, chúng lại tính kế tiếp. Hôm ấy, bên nhà chồng của con em gái Tiến Chuột có đám ăn hỏi, hai ông bà già cũng được mời sang dự. Còn một mình ở nhà, nó ới Hạnh Híp sang. Hai thằng vét thùng mì sợi được một bát, mới hái ít rau muống độn thêm vào rồi cho nước lã, muối, ớt vào nấu một xoong
đầy. Chúng ních cho õng bụng, làm vài khói thuốc lào nữa rồi lên võng nằm đung đưa, mỗi thằng một đầu, chân thằng nọ gần thọc vào nách thằng kia. Lúc Hạnh Híp đã thiu thiu ngủ thì Tiến Chuột chợt vỗ bộp vào đầu gối làm nó giật nẩy mình:
- Mày làm cái gì vậy ?
- Híp ! Tiến Chuột gọi rồi hỏi lại: - Mày có biết thằng Dũng Sứt nhà ở đầu xóm, có cái Babetta màu cá ươn không?
- Biết chứ. Sao? Hạnh Híp cũng hỏi lại:- Mày định luộc cái xe ghẻ ấy của nó à? Có mà bán cho ma nó mua.
- Không! Ai bảo mày luộc? Nó canh như canh chằng làm sao
mà lấy nổi? Tao nói là, dạo này thằng ấy buôn thịt lợn, thấy bảo cũng kiếm được. Nó có ông chú ở quê, dưới Nam Ninh. Mạn ấy, dạo này đói nên thịt lợn rẻ. Mấy chú cháu nó kết hợp làm ăn. Đêm, bố con ông chú giết lợn, làm lòng, pha thịt, tang tảng sáng nó về thồ lên mang đổ cho mấy phản thịt ở chợ Cửa Trường, chợ Mỹ Tho, ăn đến ba bốn giá đấy. Một con sáu bảy chục cân hơi, chú cháu nó cũng kiếm được gần trăm tì. Hay là tao với mày cũng đánh
quả thịt lợn đi? Hạnh Híp nằm im suy nghĩ, lúc lâu sau nó mới thở ra một cái dài đến thượt mà rằng:
- Không được đâu mày ạ.
- Sao? Tiến Chuột vặn lại.
Hạnh Híp giải thích:
- Phải có phương tiện. Với hai cái xe đạp cà khổ của mày với tao, hì hục thồ được mấy cân thịt lên đến chợ thì trời đã trưa. Gặp hôm trời nóng ba chín, bốn mươi độ, lòng, ruột, xương xẩu... ôi hết có mà đổ cho chó. Đấy là chưa kể đến chuyện thằng Dũng Sứt còn có bố con ông chú mua lợn, làm lợn trước cho, còn mày với tao thì nhờ ai ? Đi thuê à ? Mỗi thằng nó chỉ cần ăn cắp vài ba lạng, nửa cân thì cũng hết cả lờ với lãi.
Tiến Chuột thấy bạn nói có lý thì năm im, nhưng chỉ một lúc sau thì Hạnh Híp đã gọi nó:
- Tao có quả này, hay lắm.
- Quả gì?
- Quả đồ cổ.
Hạnh Híp kể tiếp:
- Tao biết một thằng ở dưới chợ Ngõ Ngang. Nó có ông anh họ làm phiên dịch cho bọn chuyên gia. Thằng anh ấy lại có cầu buôn bán đồ cổ. Trúng lắm. Tao thấy nó nói bọn ấy chỉ thanh toán với nhau bằng vàng với đô la thôi.
Tiến Chuột nói:
- Mày kể làm tao phát thèm. Nhưng buôn bán những cái của
quí ấy thì phải trường vốn lắm. Đô la với vàng thì tao với mày đào đâu ra. Mấy đồng bọ mua cái xe chở lợn còn không kiếm nổi nữa là ?
Hạnh Híp cười tít mắt, ngồi hẳn dậy, lấy hai tay xoa xoa vào hai đầu gối của thằng bạn thân:
- Thế mới lên chuyện. Nước lã mà vã nên hồ được mới giỏi chứ.
Rồi nó kể tiếp:
- Tao có ông bác họ ở nhà quê. Ông ấy làm trưởng họ. Dạo sắp đi lính, tao theo ông già về quê chào bà con, họ hàng. Đến nhà ông ấy. Ông già vào nhà từ l tổ. Tao cũng theo vào. Thấy trên bàn thờ đầy những lư hương, đỉnh trầm với những long, ly, qui, phượng, cò, hạc bằng đồng đỏ, đồng đen. Còn bát, đĩa, độc bình, nậm rượu, chén tống, chén con, ấm pha chè... vẽ hoa lá, phong cảnh, sự tích ta, sự tích Tầu, thấy bảo từ đời nảo đời nào thì nhiều lắm. Nay mình về cuỗm một mẻ thì đời ra vấn đề...
Chưa nghe hết câu, Tiến Chuột đã cắt lời:
- Thôi mày hãy từ từ hãy nói đến đoạn đời ra vấn đề như thế nào. Vấn đề là làm sao lấy được cái mớ đồ cổ ấy đã. Tao nghĩ rằng, với những của quí, hiếm như vậy, vào thời buổi này ông bác họ nhà mày lại chẳng hết sức đề phòng, canh giữ cẩn thận, gì mà đụng vào được.
- Thì tất nhiên rồi. Nhưng đấy là đối với người ngoài. Còn tao đường đường là con, là cháu cơ mà. Mày có biết câu: Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Cực chẳng đã thì mình mới phải làm ong, làm cáo một phen thôi.
Tạm bằng lòng với cách giải thích ấy, nhưng Tiến Chuột vẫn
chưa hết phân vân:
- Vậy mày làm cách nào để lấy được? Tao thấy khó lắm đấy.
Hạnh Híp lại phải giảng giải tiếp, chứng tỏ nó đã nghĩ về
phương án này đến nát nước ra rồi:
- Có gì mà khó, mày ? Cứ cho một liều thuốc mê nhè nhẹ,
khoảng năm sáu tiếng... Đợi đến lúc các vị ngủ biến đi rồi thì mình muốn làm cái gì mà chẳng được.
- Nhà các cụ ấy có đông người không? - Tiến chuột vẫn thắc
mắc.
- Không đông lắm đâu. Chỉ hai ông bà già, vợ chồng ông trưởng nam với hai đứa cháu thôi.
- Vừa một mâm?
- Ừ. Vừa một mâm.
Mấy hôm sau, Hạnh Híp và Tiến Chuột rủ nhau ra phố mua
mấy gói kẹo gia công, ba bốn cái bánh mỳ và một bịch thuốc lá cuộn gọi là mang về quê làm quà.
Hai thằng đạp được nửa đường thì mặt trời đã lên đến đỉnh
đầu. Trời nắng chang chang, nóng hầm hập, con đường gập ghềnh đầy ổ gà, ổ chó, nhưng không có lấy một bóng cây. Chúng đang vừa thở hồng hộc vừa đạp thì chợt bánh sau của Tiến Chuột xì ra một tiếng dài rồi bẹp dí. Nó nhảy xuống xe, nắn cái bánh nóng bỏng không còn một tí hơi nào rồi ngửa mặt lên, thở than:
- Chắc là lại mấy miếng vá bị bong ra đây mà...
Nhìn trước, nhìn sau thấy hai ben đường toàn đồng không,
mông quạnh, chẳng có nhà cửa, quán xá gì, Hạnh Híp mới nói:
- Thôi mày dắt xe rồi ngồi lên đây tao đèo.
Tiến Chuột nhìn cái bánh xe nứt nẻ của bạn, ái ngại:
- Tao sợ mày chở nặng quá, rồi nổ lốp thì sao ?
Hạnh Híp gạt đi. Nó vừa dục thằng bạn ngồi lên sau xe, vừa
nói:
- Thì cứ đi đi đã... Đến lúc nào nổ hẵng hay.
Nhưng nó vừa mắm môi, mắm lợi đạp chưa được chục mét thì
đã nghe có tiếng lẹt xẹt phía bánh sau. Hai thằng hấp tấp nhảy ngay xuống, chúng thấy ở chỗ lốp bị nứt, một bong bóng cao su mỏng dính đang phình ra mỗi lúc một to
thêm. Tiến Chuột quẳng ngay cái xe của mình xuống đất, xông đến định mở van xả bớt hơi. Nó lóng ngóng mãi đến lúc cái ruột xe phình to như quả bóng đá rồi nổ đến bình một tiếng mà vẫn chưa tháo được cái nắp van.
Hai thằng dắt xe đi bộ hàng năm cây số mới gặp một cái quán của hai vợ chồng thương binh, vừa sửa chữa xe đạp, vá xăm lốp, vừa bán nước.
Chúng quẳng hai cái xe cho ông chồng què một tay, cụt một
chân rồi xà xuống chõng hàng của bà vợ vừa lệch một bên miệng, lại hỏng một bên mắt, gọi hai cốc chè tươi, mượn mấy cái quạt vừa xì xụp uống vừa quạt phành phạch.
Ông chồng tháo tung hai cái bánh xe ra để giải phẫu. Ông
tuyên bố, chỗ nổ ở xe Hạnh Híp, lốp phải vá chín xăm phải măng xông một đoạn dài, cũng phải măng xông chín, còn mấy chỗ bong miếng vá ở xe Tiến Chuột thì nhẹ hơn, muốn vá sống, vá chín thế nào, tùy. Hai thằng bảo ông cứ vá chín đi cho chắc chắn, còn chờ lâu và đắt tí cũng được rồi ngồi vừa tán chuyện vừa xem ông làm. Trong lúc ông chồng chăm sóc cái lốp thì bà vợ cũng lôi bàn chải
ra, vừa cạo xăm bà vừa hỏi hai ông khách:
- Các chú về đâu mà nắng nôi vất vả thế này?
Hạnh Híp thay mặt thằng bạn trả lời:
- Bọn em về dưới H. thăm ông bác. Ông ấy bị ốm mệt.
Bà khen hai thằng hiếu nghĩa quá, rồi lại rót nước nữa cho
chúng uống. Lúc ông chủ thử xong mấy cái xăm vào chậu nước, thấy không còn chỗ nào rò rỉ nữa mới tính tiền từng khoản. Vốn liếng của hai thằng còn dăm chục nghìn, mấy miếng vá và vài cốc nước chè tươi ấy đã xơi tái mất quá nửa. Hai thằng lóc cóc đạp xe về đến H. thì trời đã nhá nhem. Nhà ông bà bác của Hạnh Híp đang chuẩn bị nấu cơm tối. Ông anh với mấy đứa nhóc còn tắm ngoài bờ ao, bà chị dâu đang đóng cửa chuồng gà.
Thấy thằng cháu dẫn bạn vào, ông bác bảo chúng rửa chân tay ngồi nghỉ, chờ ăn cơm đã rồi tí nữa sẽ nói chuyện sau. Hạnh Híp ra vẻ lanh chanh chạy lên, chạy xuống, lúc giúp việc này, lúc làm việc khác, lăng xa lăng xăng cứ như là vốn dĩ đã siêng năng lắm vậy. Ông anh, bà chị thấy thằng em chẳng nề hà gì thì cất tiếng khen:
- Cái thằng... Chăm chỉ cứ như là con gái ấy.
Hạnh Híp không nói gì, chỉ cười, hai mắt tít lại bé như hai sợi chỉ, rồi lại tiếp tục làm nữa. Trong lúc bê cơm, canh dưới bếp lên, nó bí mật thả vào xoong canh một búng thuốc mê, rồi cứ thế múc ra bát.
Xong việc, nó nhấp nháy với Tiến Chuột:
- Mày muốn ăn gì thì ăn... Nhưng min là đừng có đụng vào mấy bát canh mà nhỡ hết việc.
Như mọi khi, hôm nào nhà có khách, mà lại là khách ở tỉnh về, cả nhà ông bác họ của Hạnh Híp phải thức khuya lắm. Chuyện gì các cụ cũng muốn hỏi, muốn biết. Nhưng hôm nay chẳng hiểu sao, chưa xong bữa mà mắt người nào, người ấy đã díp hết cả lại. Cả bốn người gia đình nhà ông anh, bà chị đều nghĩ là tại mấy bữa nay ăn nhiều món canh rau lạc tiên nên d buồn ngủ, xin lỗi các chú ngay lúc vừa xong bữa. Còn ông bác thì lại cho là do mấy chén rượu. Ông bảo bà bác, mà cũng là nói với hai thằng cháu luôn:
- Có lẽ tại lâu rồi không uống gì nên tối nay vừa làm tí đã chếch choáng. Thôi tí nữa bác nó làm giường chiếu cho hai cháu ngủ. Tôi đi nằm trước đây.
Nhưng vì vừa nãy, lúc thu dọn mâm bát, đã trót uống nốt mấy chỗ canh dở nên bà lại còn mệt hơn cả ông. Chưa kịp làm gì bà đã nằm lăn ra giường cất tiếng ngáy vang. Trong lúc đó, ông cố gượng gật gật thêm vài cái nữa rồi cũng đặt mình xuống chiếu ngủ nốt. Thấy mưu kế đã đạt, Hạnh Híp và Tiến Chuột lấy hai cái vỏ chăn mỏng phủ lên từng người từ ông lão bà lão , ông anh, bà chị, đến hai đứa cháu cho các vị đỡ lạnh, khỏi đi tầu suốt luôn, lại thả màn xuống tử tế rồi mới bắt đầu ra tay. Chúng đi đến chỗ bàn thờ, khấn khứa vài câu, đại để, vì hoàn cảnh, túng nên phải liều, mong các cụ xá tội chết cho rồi mới nhấc mấy cái đỉnh đồng, lư hương, và mấy chồng bát, đĩa, vài cái chai lọ cổ nhét đầy hai cái tay nải. Hạnh Híp và Tiến Chuột mới có khôn mà chưa có ngoan. Hai thằng không thể nào biết được là ngay từ lúc mới lạch xạch dắt xe trên con đường làng, bộ dạng của chúng đã khiến ông trưởng công an
xóm nghi ngờ. Lập tức, ông triệu tập bọn công an viên, vốn là con cháu trong nhà lại, giao nhiệm vụ:
- Mấy thằng chúng mày nghe đây: Đêm nay chia nhau canh
thật kỹ mấy con đường vào xóm cho tao. Thấy gì khả nghi thì phải giữ lại ngay. Thế nào cũng vớ món bẫm đấy.
Ông nói không sai tí nào. vào khoảng bốn, năm giờ sáng, lúc dân làng đang ngủ say, Hạnh Híp và Tiến Chuột lọ mọ dắt xe ra khỏi nhà ông bác, vừa đi được một đoạn thì gặp hai anh công an xóm đang đi tuần. Lấy cớ là hai thằng không mang theo giấy tờ tùy thân, bọn này bèn giải ngay chúng về trụ sở. Ông trưởng công an xóm bắt hai thằng mở tay nải ra, thấy bên trong toàn đồ cổ. Chúng đã tưởng ông làm um lên, sẽ trói giật cẳng tay ra đằng sau rồi giải lên huyện, nhưng lại không phải vậy. Ông xử rất mềm:
- Của đồng chia ba, của nhà chia đôi. Tao biết những của này lấy từ trong nhà thờ họ chúng mày. Nếu không muốn lôi thôi thì chia ra, bọn mày nửa, chúng tao nửa.
Tất nhiên là bọn chúng không muốn. Mất một nửa còn hơn là
không được tí gì... Với lại ai mà biết được cái lôi thôi của các ông nó như thế nào. Chia chác xong thì đã tang tảng sáng. Ông trưởng công an xóm sai người dẫn hai thằng ra khỏi làng, đưa ra tận đường cái. Chúng lên xe đạp đi, đến gần chỗ sửa xe hôm qua thì chẳng hiểu sao xe hai thằng đều hết hơi, lại phải dẫn vào nhờ hai vợ chồng ông thương binh sửa.
Vừa giúp hai thằng cởi bỏ hai cái tay nải từ trên boocbaga
xuống, ông thương binh vừa sờ sờ, nắn nắn, vừa bảo vợ, bằng một giọng rất đặc biệt:
- Có ấm chè ngon mới pha đấy. Bu nó rót ra mời các chú ấy
uống giải nhiệt.
Bà vợ cũng đáp lại bằng những lời có cánh hiếm thấy:
- Vâng! Có chè ngon đây. Mời các chú sang uống cho đỡ khát. Nhìn hai thằng cầm hai chén nước chè, vừa thổi vừa uống, nét mặt ông bà chủ quán thật hân hoan. Bởi chỉ một lát sau, vừa đặt hai cái chén không xuống mặt chõng thì chúng cũng gục xuống, vì một liều thuốc mê vừa đủ độ.
Ông chủ quán mở hai cái tay nải, lấy ra những lư, đỉnh, chén, đĩa, cò, hạc bảo vợ cất kỹ đi, xong lấy một lô những chén, bát, chai, lọ, toàn một loại gia công dày trùng trục, tối tăm, bở như đất, mấy cái đèn dầu hỏa han rỉ, chiếc mấy quai, chiếc thủng đáy, cả một mớ những đùi, đĩa, xích líp hỏng... cho vào buộc lại như cũ rồi mới ngồi
xuống giở mấy cái lốp xì hơi ra xem.
Khoảng một giờ sau Hạnh Híp và Tiến Chuột tỉnh dậy. Ông
chủ cũng vừa vá xong mấy cái xăm. Thấy chúng kêu đau đầu, ông chỉ vại nước bảo ra rửa mặt cho mát. Rồi vừa giúp hai thằng buộc mấy cái tay nải lên boocbaga, ông vừa làm bộ bỗ bã hỏi:
- Các chú chở những cái gì mà lỉnh kỉnh thế này ?
Hạnh Híp có vẻ ma cô hơn tranh trả lòi:
- Có gì đâu, toàn bát đĩa cũ với mấy thứ đồng nát vất đi ấy mà.
Hai vợ chồng ông thương binh nhìn nhau cười. Hạnh Híp và
Tiến Chuột trả tiền xong lên xe cắm cổ đạp về thành phố. Chúng dấu thật kỹ hai cái tay nải vào gầm giường, đợi đến hôm cả nhà đi vắng hết mới mở ra xem lại trước khi gọi ông phiên dịch cho đoàn chuyên gia đến ăn giá. Cả hai thằng đều vò đầu bứt tai không hiểu tại sao trước mắt chúng lại toàn một thứ mảnh sành, đồng nát. Của này có gọi ai mà biếu không, chắc người ta cũng ngỡ là mình không điên thì cũng hâm mà chửi hay đánh cho, chứ lại còn dám nghĩ đến chuyện đô la với vàng.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 807

Return to top