Chương bốn ở Tokyo
Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền
Tràng pháo tay đuổi theo bước chân Chương khi anh trở về chỗ ngồi dành cho các nhà văn dự hội thảo văn hóa châu Á. “Bài thuyết trình của ông ấn tượng lắm, xin chúc mừng...”. Ruu Hisori trao anh bó hoa cẩm chướng bọc giấy trong màu tím nhạt. Chương nói cám ơn. Ruu giải thích: “Của một thính giả nhờ chuyển đến ông...”. Nụ cười của cô giảng viên đại học quan hệ quốc tế Tokyo được phân công “kèm cặp” anh trong thời gian hội thảo cho biết cô cũng vui mừng, nỗi mừng riêng, vì cô vừa trút được gánh nặng trách nhiệm. Không có gì căng thẳng hoặc lúng túng xảy ra trong phần thảo luận vì Chương và Ruu đã tiên liệu các tình huống có thể xảy ra. Cô thừa biết anh là “con mồi” cho những nhà báo theo dõi hội thảo với những câu hỏi muôn thuở về “tự do sáng tác”, vì anh đến từ...Việt Nam.
Khi băng qua hoa viên để ra cổng nhà văn hoá quốc tế, Ruu hỏi: “Ngày mai ông về rồi, ông có người thân ở Tokyo không? Nếu muốn thăm viếng ai, tôi sẽ sắp xếp...”. Câu hỏi chân tình lại làm Chương bối rối hơn những câu hỏi mang tính chất vấn, thách thức chính trị trong hội trường. “Cám ơn, tôi tự lo được...Ruu đã vất vả vì tôi lắm rồi!”.
Ruu không nhận ra tâm trạng của Chương, hứng thú trở lại câu chuyện về hội thảo. Chương vừa nghe Ruu vừa nghĩ đến Diễm. Thực ra, khi nhận lời mời sang Tokyo, anh đã nghĩ ngay đến Diễm. Trong bốn ngày ở đây, sau những lúc bận rộn, anh càng nghĩ đến Diễm. Đã có lúc ngồi trong toa tàu điện ngầm hay dạo phố anh bần thần nhìn đám đông vô tâm lướt qua trước mắt với những câu hỏi: Liệu anh có tình cờ trông thấy Diễm? Nàng ra sao sau sáu năm làm dâu xứ Phù Tang? Nhưng lúc này anh không thể coi Diễm là người thân để nhờ Ruu dẫn đường đến thăm. Lòng Chương nhói đau khi tự xác định điều đó. Anh xoa dịu vết thương này bằng chính vết thương khác, bằng cách tự nhủ rằng anh không có địa chỉ của Diễm ở Tokyo...
Đi bên anh, Ruu tiếp tục câu chuyện. Cô nhận xét khá sắc sảo các bản thuyết trình của các nhà văn đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc.... Bỗng Ruu chững lại: “Thính giả đã tặng hoa cho ông kìa!”. Chương nhìn theo hướng nhìn của Ruu. Diễm đứng đấy, dưới gốc tùng cổ thụ, mỉm cười nhìn anh. Nàng chờ ở đây khá lâu, trong thời gian anh dự tiệc nhẹ của ban tổ chức sau khi cuộc hội thảo kết thúc. Chương không ngờ mình có thể bình thản như thế, dù chỉ là bên ngoài: “Cám ơn... cẩm chướng!”. Diễm cũng thế. Nàng đã chủ động gặp anh kia mà. Dẫu sao Ruu cũng mơ hồ nhận ra mối quan hệ giữa hai người đồng hương này có điều gì phức tạp hơn là “thính giả” và nhà văn. Cô tế nhị tách khỏi họ sau những dặn dò về chương trình của Chương từ nay cho đến khi phải có mặt đúng giờ ở phi trường Hanedan.
Hai người đứng lặng hồi lâu dưới gốc tùng khi Ruu đi khuất. Mắt nhìn vào mắt, long lanh. Diễm lên tiếng trước: “Đi anh...”. Chương lắc đầu: “Hai đầu gối anh tự nhiên bủn rủn khi gặp em quá bất ngờ...Anh muốn biết chắc đây không phải là giấc mơ!”. Diễm bật cười trước kiểu nói đùa quen thuộc của Chương, cô trách: “Giá như truyện của anh viết như anh nói, anh sống thì thú vị biết mấy? Cứ viết toàn những chuyện chiến tranh nặng nề, khó đọc!”. Nhưng Chương là người rời khỏi gốc tùng trước. Và anh đi thật thong thả bên Diễm vì chỉ biết anh có thể sánh vai với nàng một cung đường khoảng vài chục mét, từ gốc tùng ra đến cổng chính nhà văn hóa quốc tế thôi. Sau đó điều gì sẽ xảy ra thì không biết và cũng không muốn “hư cấu”. Anh bồng bềnh chếnh choáng vì Diễm đẹp hơn nhiều so với hình ảnh lưu giữ trong ký ức. Tròn trĩnh. Trắng hồng. Mắt môi đa tình...
“Chương một” bắt đầu. Chương thầm nghĩ khi Diễm mở cửa ô tô cho anh bước vào. Xe chạy chầm chậm qua những đường phố lạ làm Chương thu người lại trong ghế da. Nhìn Diễm im lặng tập trung lái xe anh thấy mình vừa rất gần vừa rất xa với nàng trong một không gian chật hẹp của chiếc ô tô. Bài hát do một nam ca sĩ Nhật nào đó trình bày phát ra dìu dịu từ ổ đĩa CD càng cho anh cảm giác lạc lỏng. Chương cố thoát trạng thái bồn chồn bằng câu hỏi tầm thường mà anh đã không sử dụng khi gặp Diễm: “Làm sao em biết anh ở hội thảo?”. “Em đọc tin trên báo, choáng người khi thấy tên anh, đến bây giờ em vẫn không tin được!”. Sắc giọng của Diễm rung cảm và đuối dần ở cuối câu. Rồi lại im lặng.
Dẫu biết im lặng lúc này là phù hợp nhất nhưng Chương không thể chịu đựng. Anh phải mở ra “Chương hai”: “Tụi mình đi ăn tối nhé? Anh mới lĩnh nhuận bút. Nguyệt san Sekai trích đăng mấy chương tiểu thuyết của anh…”. Diễm nhìn sang anh, mỉm cười rạng rỡ: “Anh làm em nhớ lần đầu tiên tụi mình gặp nhau…”. Cả hai cùng cười về một kỷ niệm xảy ra vào đầu những năm 80, khi Diễm còn thực tập kế toán ở một nhà xuất bản ở Hà Nội. Trong bản kê nhuận bút cô lưu tâm đến một tập truyện đã hai năm chưa chi trả. Hỏi thì biên tập viên trả lời: “Sách xuất bản trước năm 1975 ở Sài Gòn, thấy nội dung tập truyện “tiến bộ”, cho tái bản trong series giới thiệu văn học yêu nước đô thị miền Nam, nhưng không liên lạc được với tác giả, hắn chết rủ trong tù hay vù sang Mỹ rồi cũng nên!”. Nhưng Diễm không quên được vụ này, chẳng phải vì công việc, mà vì thỉnh thoảng vẫn nghĩ ngợi vô cớ về những mảnh đời trong tập truyện “hữu danh vô chủ”… Cho tới một lần công đoàn nhà xuất bản tổ chức tham quan cố đô Huế, qua chuyện trò với các nhà văn là cộng tác viên của nhà xuất bản, thì tình cờ cô biết được tông tích tác giả. Diễm một mình tìm đến nhà nhà văn. Đó là một biệt thự gần như bỏ hoang bên bờ sông Hương. Rõ ràng chủ nhân là một gã “phá gia chi tử”, không đủ khả năng kinh tế giữ gìn nguyên trạng tài sản của cha ông để lại. Khi gặp Chương, Diễm nảy ra ý nghĩ tinh nghịch. Cô nói với Chương rằng đã nhiều năm muốn gặp gỡ nhà văn mình yêu thích sau khi đọc tập truyện xuất bản trước 1975 tại Sài Gòn và hôm nay mới toại nguyện…Hóa ra anh chàng chưa biết sách mình được tái bản đã hai năm! Diễm hoàn toàn im lặng về mục đích đi tìm nhà văn của mình. Chiếc phong bì đựng nhuận bút mà cô thay mặt nhà xuất bản tạm ứng bằng tiền túi của mình cũng tạm nằm yên trong túi xách. Sự xuất hiện một bạn đọc “tri kỷ”, lại là một cô gái Hà Nội trẻ trung xinh đẹp, làm Chương bối rối vì hạnh phúc quá lớn lao, lại ập đến như cơn bão không điềm báo. Khi Diễm đòi cụng ly với nhà văn, vì “vô tửu bất thành lễ”, Chương chiều ngay. Lục lọi một hồi, không còn ly nào, đành ra quán. Nhưng khi đến trước cửa một quán rượu, anh có phần lúng túng: “Diễm ơi, quán này bình dân nhưng “hay” lắm, mà tôi nói trước, mụ chủ quán…hỗn lắm đó!”. Rồi anh chép miệng: “Thời buổi…đạo đức suy đồi…!”. Diễm cười thầm. Làm ở nhà xuất bản, giao du với nhiều nhà văn, cô thừa biết chủ quán hỗn chỉ vì mấy ông ký sổ nợ dài bằng sớ Táo quân! Có điều, chỉ có Chương mới lo lắng như thế, chứ không như các ông văn sĩ Bắc hà xem đấy chỉ là “chuyện vặt”. Không nỡ để Chương ái ngại vì phải tiếp tục ký sổ trước mặt một “em” Hà Nội, Diễm nói thật là sách Chương đã được tái bản và mình có mang tiền nhuận bút đến cho anh. Lập tức, Chương đổi giọng: “Nhuận bút hả? Lâu lắm mới nghe hai tiếng hay như thế! Thế thì đi quán khác “hay” hơn, Diễm à!”. Anh chọn một nhà hàng sang trọng, chỉ ngồi nhấp rượu Tây nhập khẩu để ngắm Diễm vừa thưởng thức đặc sản Huế vừa nghe nhã nhạc cung đình. Tối đó Chương uống hết...cuốn sách! Tháng sau Chương đùng đùng ra Hà Nội tìm Diễm và ở lại với Diễm…Có lần Diễm đùa: “Em ăn phải một bữa cơm Huế nên phải nuôi cơm anh...một năm!”. Linh thật, đúng một sau Diễm lấy chồng.
Sau bữa ăn tối, hai người lại lên xe chạy lòng vòng. Diễm đỗ xe trong sân một chung cư: “Em ở đây, lên chơi một lát nhé?”. Chương ngoan ngoãn theo chân nàng, không biết là nên hay không nên gặp chồng Diễm. Anh nói một mình, có phần căng thẳng: “Chương ba”. Như đọc được suy nghĩ của Chương, Diễm nói khi đang ở trong thang máy: “Chồng em lại đi Việt Nam tuần trước. Bây giờ anh ấy giỏi tiếng Việt lắm, không cần em phiên dịch nữa”. Chương nhói lòng khi nhớ đến thành ngữ: muốn giỏi tiếng nước nào, cách hay nhất là hãy sống chung với một phụ nữ của nước đó.
Chương lần đầu tiên giống ngày xưa khi anh nghiêm giọng với Diễm vừa từ phòng ngủ bước ra phòng khách: “Bỏ thứ kimono luộm thuộm đó giùm. Còn bộ bà ba mô không?”. Diễm đỏ mặt nhưng cười thật hiền, ngoan ngoãn quay trở vào thay áo. Hai người ngồi bệt trên sàn, cách nhau bởi một cái bàn gỗ chân quỳ lùn tịt, uống cà phê và ôn chuyện cũ. Nhưng cả hai đều tránh “chuyện cũ” của hai người...Bỗng Chương nhận ra Diễm như thoát khỏi câu chuyện, lắng nghe một cái gì đó thật xa xôi. Nàng nhìn quanh, gương mặt thoáng vẻ bồn chồn. “Kia rồi!”, Diễm kêu lên mừng rỡ. Nàng đến góc phòng khách, nơi có hình elip âm xuống chừng năm phân rải sỏi trắng, trên đấy là một chậu đá đặt dưới vòi nước được ngụy trang rất khéo bằng khóm trúc xanh. Vòi nước bị tắc. Diễm quỳ mọp trên sàn mở vòi, thận trọng điều chỉnh để những giọt nước thong thả rơi xuống chậu đá với một khoảng cách như ý. Âm thanh tong tỏng ngân dài như phát ra từ một nhạc cụ tinh tế... Chương chợt hiểu ra, âm thanh ấy như một phần của không gian sống của Diễm và nàng đã bồn chồn khi thiếu vắng nó mà chưa rõ nguyên nhân...Sáu năm đã kịp hình thành một thói quen. Chương bỗng nhớ căn phòng chín mét vuông của Diễm ở Hà Nội mà anh từng sống bám gần một năm để viết tiểu thuyết. Cái vòi nước hoen gỉ chỉ cách giường ngủ có sải tay. Bao giờ Diễm cũng cẩn thận đặt cái chậu nhôm hứng sẵn vì chỉ cần siết không kỹ là nó giỏ giọt tong tỏng...Chương nhớ những đêm đông hai đứa rúc vào nhau ngủ, cứ đùn đẩy nhau nhiệm vụ siết lại cái vòi nước chết tiệt lì lợm làm reo giữa khuya vắng. Và bao giờ cũng thế, đã không đứa nào chịu ló ra khỏi chăn ấm. Chiến tranh bắt đầu cho đến khi chăn ấm cũng tuột xuống sàn...
Cắt ngang dòng hồi ức đang nhuốm màu xót xa, Chương bảo: “Khuya rồi, anh về đây...”. Từ góc phòng, Diễm vẫn quỳ mọp trên sàn chỉnh tốc độ vòi nước. Nàng nói gì đó nghe không rõ nhưng bằng chất giọng giận lẫy...Chương tự hỏi không biết có phải là “Chương bốn” đã bắt đầu không. Những giọt nước từ khóm trúc xanh đã đều đặn đếm nhịp thời gian như thể muốn nhắc nhở với Chương rằng Tokyo không phải là Hà Nội.