Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Từ làng Gôi Vị đến kinh thành Paris

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2222 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Từ làng Gôi Vị đến kinh thành Paris
Nguyễn Khắc Viện

Phần I

Tôi là kẻ giác ngộ chính trị rất chậm. Anh em thì 15-16 tuổi đã tham gia hoạt động. Tôi thì mãi gần 30 tuổi mới có một ít nhận thức về chính trị. Có lẽ tại vì cái thành phần như vậy sống từ bé không có vấn đề gì.

Nhưng tôi đã được sống qua nhiều chế độ khác nhau: Thứ nhất, thuở bé sống trong chế độ xã hội phong kiến trong xóm trong làng quê kiểu quan lại, về sau sống trong những thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội, dưới chế độ thực dân (thực dân là cái đuôi, là cái ngoặt của chủ nghĩa tư bản). Sau đó lại sống 25 năm ở Pháp, một nước tư bản phát triển. Nước tư bản này cũng qua nhiều giai đoạn khác nhau: Giai đoạn cách mạng khoa học kỹ thuật ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, và từ 1945 trở đi thì cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thứ hai, tức là thời hiện đại cuộc sống hoàn toàn thay đổi. Sau đó lại về Hà Nội, qua chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng là bước đầu quá độ xã hội chủ nghĩa, mà thực chất là bao cấp.

Những kinh nghiệm sống qua các chế độ xã hội khác nhau đó chính là nền tảng của những nhận thức về chính trị sau này.

Tôi sinh ra trong một gia đình phong kiến, tại một làng xa xôi ở Hà Tĩnh, một vùng đất vốn có truyền thống cần cù chịu khó, hiếu học. Trong nhà thường gọi bố là Thầy, mẹ là Chị. Tại sao lại gọi là Thầy? Có lẽ ông cụ nhà bước đầu đi dạy học là chính, sau mới làm quan. Ông cụ nhà tôi xuất thân là một nho sĩ, có trí nhớ rất đặc biệt, nổi tiếng học giỏi. Tiếng tăm của ông chính là thi đỗ Hoàng Giáp(1) rất sớm, lúc mới 19 tuổi (1907).

Ông cụ tôi lúc đầu làm đốc học tỉnh Nghệ An (tương đương Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo bây giờ), vừa làm giám đốc vừa dạy. Sau làm tư nghiệp, làm phó hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám - là trường của đội quân chuẩn bị ra làm quan. Khi Pháp bỏ học chữ nho, tất cả cái hệ thống đó bị đóng cửa, nên ông cụ chuyển ra làm quan, quan hành chính.

Trong điều kiện sinh hoạt của nhà quan, ông cụ ở trong phòng riêng, con cái ở phòng riêng, ít khi được nói chuyện với bố. Chúng tôi nhờ được tính di truyền của bố nên học hành lên lớp dễ dàng, ông không phải hỏi han. Sau này, khi tôi ra Hà Nội học trung học rồi đại học, mỗi lần về ông cũng không trao đổi gì cả, nhất là về chính trị xã hội.

Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của Thầy tôi đối với tôi là tác phong, lối sống của con người. Đây là con người nhà nho, ra vào, ăn nói, đi đứng rất nghiêm túc. Ví dụ chúng tôi nói đồng hồ chết rồi, ông bảo: "Không ăn nói thô tục, tại sao không nói đồng hồ đứng rồi". Khi ra công đường khăn áo đàng hoàng. Lúc tế thần, cúng tổ tiên, trông nét mặt và cách hành lễ của Thầy tôi thì rất rõ, đúng như câu của Khổng tử: "Tế thần như thần tại" (Lúc tế thì coi như đang có thần linh ở đó), lúc cúng tổ tiên coi như tổ tiên có mặt trên bàn thờ. Chúng tôi lúc bấy giờ chỉ đứng cúng lạy cho có chuyện, chứ nhìn nét mặt và cách đi đứng của Thầy tôi hồi đó thì đúng như có tổ tiên về thật.

Đến lúc mẹ tôi mất, thì tôi mới hiểu thấm thía lễ nghi là như thế nào. Tôi là con trai cả, lúc đó mới khoảng tám tuổi. Trong những ngày tang lễ, tất cả những việc hành lễ tôi phải đứng ra thực hiện. Đi từ nhà đến chỗ chôn cất khoảng 2 km, tôi phải mặc áo dài lụng thụng, chống gậy đi lùi. Tiếp đó, liên tục trong ba tháng 10 ngày, mỗi ngày hai lần cúng cơm. Rồi đến những ngày lễ lớn, ít nhất cũng cả tiếng đồng hồ lạy, đứng lên, quỳ xuống, có người hô bằng chữ Hán, thuộc cho hết lời hô đó mà làm cho đúng. Lúc đọc văn tế bằng chữ Hán, tôi chẳng hiểu gì mà phải quỳ xuống đứng lên lạy cả buổi. Rồi khách đến viếng rất đông, ngoài làng xóm, còn không biết bao nhiêu học trò của Thầy tôi ở khắp nơi đều đến viếng. Họ lạy bao nhiêu, tôi phải lạy đáp lại bấy nhiêu. Cứ như thế kéo dài cả tháng. Trong tháng đó, áo quần không được giặt. Thật là lễ nghi vô cùng phiền toái, phức tạp. Vì thế mà cho đến bây giờ, mỗi lần có tang ma, tôi như có dị ứng đặc biệt, không muốn đi nữa.

Sau này, đọc thêm sách Khổng giáo và đi sâu về tâm lý xã hội, mới thấy đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa của lễ.

Một xã hội văn minh lúc nào cũng có lễ, một xã hội vô lễ tức là đang còn ở trình độ thú vật. Một xã hội mà lễ nghi tan rã, mất hết kỷ cương, thì trở lại tính thú vật. Cũng vì thế, hãy hiểu hết câu "Tiên học lễ, hậu học văn". Văn là kiến thức, dạy trẻ con trước hết là cho đi vào lễ nghi - xã hội.

Đứng về tâm lý học mà nói, lễ là một sự điều kiện hóa cho con người, đặc biệt là lúc còn nhỏ. Cách ăn nói, cách đứng ngồi... sau này thành một cái nếp và nhờ thế nó ổn định trật tự trong xã hội, nhưng cũng ràng buộc con người, ràng buộc một cách vô thức, lúc ấy con người đã nhiễm, đã bị điều kiện hóa, thành ra không có ý thức, tự nhiên cứ làm như thế.

Mặt hay của nó là tạo ra xã hội có quy củ trật tự, nhưng mặt dở của nó là ràng buộc con người vào một nếp khó tháo gỡ. Lễ làm cho nhiễm, thành ra một thói quen, một nếp sống, người ta không có ý thức nữa. Vì vậy, có chủ trương lễ trị, dùng cái lễ để mà yên dân, ít nổi loạn, đấy là một chính sách tiết kiệm hơn là pháp luật. Cách lễ nghi từ bé đẻ ra những người dân không bao giờ phạm thượng. Lễ nghi là con dao hai lưỡi, trong xã hội truyền thống ngày xưa, Phương Đông cũng như Phương Tây, bao giờ lễ nghi cũng chặt chẽ.

Trong xã hội hiện đại, lễ nghi cao độ nhất là trong quân đội. Quân đội nào cũng có những nghi thức rất chặt chẽ, để con người lúc nào cấp trên hô một tiếng thì không còn suy nghĩ nữa, cứ theo một động tác máy móc như thế, khi tiến công, không còn sợ nguy hiểm nữa.

Xã hội phong kiến là xã hội dùng động cơ chính làm tác động trực tiếp con người này đối với con người khác, cấp trên hay cấp dưới, bằng cái oai nghiêm của lễ nghi, không phải bằng pháp luật, càng không phải bằng hợp đồng của xã hội tư bản. Vì thế ở các nước tư bản, khi xóa bỏ lễ nghi thì mối quan hệ xã hội thông qua hợp đồng kinh tế là chính.

Tôi có viết những bài bình luận về lễ nghĩa bằng tiếng Việt đăng báo Tổ Quốc, sau đó in lại trong quyển "Bàn và luận", bản tiếng Pháp trong tạp chí Etudes Vietnamiennes số 70 (Nghiên cứu Việt Nam).

Nét ảnh hưởng thứ hai của ông cụ tôi đối với tôi là cuộc sống đơn giản của gia đình. Làm quan cũng được tiếng là thanh liêm. Nhà đông con, sau khi mẹ tôi mất thì có mẹ kế (gọi là Mự). Hai bà 14 con. Tuy làm quan lương to nhưng vẫn sống đạm bạc. Ông cụ theo đạo Nho, người quân tử ăn chẳng cần ngon; mặt khác, hai ông bà muốn dành tiền khi về hưu tậu ruộng, xây nhà. Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ, buổi sáng ăn cháo trắng với một tý cá kho mặn. Học đến 10 giờ thì đói meo. Khi ăn cơm, chúng tôi kêu: "Cá kho mặn quá", bà Mự tôi nói: "Cá mặn thì ăn nhiều cơm vào". Lúc tôi ra học trường Bưởi, ăn mặc sơ sài, anh em cứ nói đùa là ông Gandhi.

Sau này, suy nghĩ lại thì thấy, quen sống đơn giản cũng có cái hay. Khi chiến tranh nổ ra, tiền trong nước không gửi sang được nữa, tất cả sinh viên Việt Nam đứng trước sự lựa chọn, hoặc cố gắng tìm việc làm, hoặc phải xin trợ cấp của Ban thuộc địa. Tự nhiên chia ra làm hai: Số sinh viên quen ăn sung mặc sướng thì cúi đầu đi xin trợ cấp; số sinh viên quen chịu khổ thì tự trọng và tìm cách xoay kiếm sống. Sự phân chia lúc đó không có tính chất chính trị gì cả, thực chất là sự lựa chọn về đạo lý.

Về những suy nghĩ của Thầy tôi thì tôi không biết rõ. Chỉ có một lần, tôi đoán được phần nào, lúc tôi đỗ tú tài rồi, vấn đề đặt ra là tôi sẽ theo học trường đại học nào. ở Hà Nội lúc đó chỉ có ba trường đại học: Y dược, Luật và Nghệ thuật. Nghệ thuật thì tôi là anh tịt mù. Học Luật thì đa số học xong ra làm tri huyện. Thầy tôi bảo: "Con muốn học trường nào tùy con, đừng học nghề làm quan như thầy". Do đó, tôi học nghề thuốc.

Đầu năm 1942, Thầy tôi nghỉ hưu trước tuổi, lúc mới 53 tuổi và về quê ở. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tích cực tham gia nhiều công tác ở địa phương và được cử vào ủy ban Liên Việt khu Bốn.

Hồi ấy bác Kim Cương với ông Tôn Quang Phiệt vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, được cử sang Trung Quốc học lớp Nguyễn ái Quốc. Đến biên giới bị bắt, nếu xử theo luật của Pháp, thì việc vượt biên không có giấy tờ chỉ là tội nhẹ, cho nên Pháp giao lại cho Nam Triều xử, theo luật nhà vua thì đấy là tội nặng về hình sự. Hai ông là người Nghệ An nên bị giải về Nghệ An, giao lại cho án sát Nghệ An xét xử, án sát lúc ấy chính là Thầy tôi. Thầy tôi nhất định không chịu nhận xử, nói Pháp bắt thì Pháp xử, vụ việc xảy ra không phải ở Nghệ An. Sau hai ông do Pháp xử, nên bị kết án nhẹ, cứ cảm ơn mãi. Bác Kim Cương còn kể lại trong lúc bị giam ở Vinh, một đêm thấy một người lính cầm gói bánh kẹo, thuốc lào đưa cho bảo là quan án gửi tặng.

Qua thái độ và một số sự việc, thấy rõ Thầy tôi cũng có một ý thức nào đó về dân tộc, nhưng không đủ gan làm cách mạng. Đạo Nho cùng đường, Văn Thân hết thời, Phan Bội Châu thất bại, tưởng đi dạy học là yên thân, không ngờ trường chữ Nho bị bỏ, nhà đông con, phải chuyển sang làm quan chứ không vui vẻ gì.

Mẹ kế tôi cũng là mẫu người của xã hội xưa, không được đi học, sau này chúng tôi mới dạy bà học chữ quốc ngữ, nhưng thực chất có trình độ văn hóa nhất định. Vốn xuất thân từ gia đình nhà nho, từ bé đến lớn nghe các bác, các chú, các anh học hành, thành ra bà thuộc lòng khá nhiều văn thơ. Đặc biệt là truyện Kiều, bà nhớ không sót một câu nào. Kể cả văn thơ chữ Hán, bà cũng thuộc nhiều. Có lần, khi có dịch thổ tả, bà con nhờ Thầy tôi chép lại bài Chính khí ca để dán lên nhà. Thầy tôi không có bản gốc, mà cũng quên, thế mà mự tôi đọc cho ông chép lại cả bài.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, nên tất cả anh chị em chúng tôi, trừ hai người mất sớm trước năm 1955, đến nay còn 12 người, thì tất cả đều thành đạt. Trải qua bao sóng gió của những biến động chính trị - xã hội chung cũng như riêng của gia đình, trong gần nửa thế kỷ qua, có lúc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng rồi tất cả đều đứng vững, hăng hái tham gia hai cuộc kháng chiến, có những cống hiến đáng kể trong các ngành Y tế, Giáo dục, Văn hóa, trong công tác đoàn thể, trong hoạt động dịch vụ. Tuy hoàn cảnh từng người và từng giai đoạn có khác nhau, kể cả lúc đói nghèo hoặc gặp nỗi oan khiên, nhưng chúng tôi đều chịu đựng, sống tự trọng, trung thực, ham học hỏi, làm việc tích cực, chăm lo cho tập thể và gia đình.

Tôi nghĩ rằng, môi trường văn hóa ở gia đình, nếp sống của gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc đến con người và cuộc sống của anh chị em chúng tôi.

Môi trường làng quê, họ hàng cũng để lại trong tôi những ký ức khó quên.

Quê tôi ở làng Gôi Vị nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Các chú, các bác, các cô, các cậu đều ở các làng gần đó, chúng tôi thường đến thăm luôn. Đây là một khu vực gần như bán sơn địa, bên bờ sông Ngàn Phố. Không xa lắm, đi qua một cái hỏi, là một dãy đồi, gọi là rú, nơi có các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà và bà con trong họ.

Đất Hương Sơn là đất vườn, đặc sản là cau, bưởi, mít. Cau bổ ra từng miếng sấy khô gửi xuống Vinh bán. Năm ngày một lần, có chuyến đò ngược xuôi chở mít, bưởi... xuống bán ở chợ Vinh. Chiều ra đò, ngủ một đêm, sáng ra đến Vinh. Đêm nằm trên đò nghe tiếng chống đò (vì sông cạn) xen lẫn tiếng ngân nga những câu Kiều hòa với tiếng nước rào rạt bên mạn thuyền. Về mùa bổ cau, cả nhà cùng với những người đến giúp việc, quây quần dưới những ngọn đèn dầu lạc, ngồi bổ cau suốt đêm để kịp thời vụ. Đêm khuya, vãn câu chuyện, khi mọi người thiu thiu buồn ngủ, Ông Cháu (người giúp) liền ngâm lên những đoạn Kiều. Vì thế, chúng tôi đã thuộc và thấm truyện Kiều từ tấm bé.

Lúc nhỏ ở quê, sau lớn lên, dù học ở đâu, cứ đến hè là được về quê chơi. Nhóm chúng tôi, anh em con chú con bác, tha hồ chạy nhảy, bôi nhựa mít đưa lên cao để bắt ve sầu. Chiều chiều rủ nhau đi tắm sông, nước sông Ngàn Phố trong suốt nhìn thấy tận đáy. Lúc học ở Pháp, mấy anh em người Hà Tĩnh cùng nhau trò chuyện, nao nao nhớ cảnh quê nhà:


Nước sông Ngàn Phố trong veo
Chiếc đò xuôi ngược mái chèo thảnh thơi
Khi mô lặng gió yên trời
Ta về Thịnh Xá(2) tắm nơi Bãi Bè(3).
Chiếc đò Ông Cháu xuôi Vinh
Bưởi, bòng, chuối, mít, lênh lênh một đò
Đêm khuya nghe giọng ai hò
Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ Phiên.


Họ ngoại tôi ở làng Thịnh Xá, cách làng tôi khoảng hơn 1 km. Ông ngoại tôi đỗ Cử nhân, không làm quan, chỉ ở nhà. Cậu tôi là em mẹ tôi cũng đỗ tiến sĩ, nhưng không làm quan, học quốc ngữ, tiếng Pháp đến Thành chung, sau đi dạy, là một giáo viên có uy tín.

Các O tôi đều lấy chồng ở các làng lân cận, chúng tôi thường đến thăm, ở lại chơi với các anh chị con các O, có khi đến vài ba ngày. Có O lấy chồng là dòng dõi Lê Hữu Trác, tức Hải Thượng Lãn Ông, quê ở Hưng Yên, đỗ quan võ. Không muốn làm quan thời vua Lê, chúa Trịnh, ông bỏ quan vào ở một cái ấp vùng bán sơn địa ở Hương Sơn, làm thuốc rất nổi tiếng. Những tác phẩm ông để lại có giá trị lớn còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Kế tục truyền thống của cha ông, người em con O tôi là Lê Hữu Hà sớm tham gia cách mạng, làm đến Vụ trưởng, chán cảnh "triều đình" xin về hưu non. Anh học Đông y, làm thuốc, ra một tờ tập san về Y học dân tộc. Sau khi anh vào Bà Rịa, nghĩ đến bà con ở quê thiếu ruộng, anh cùng người anh cả kiếm đất ở Xuyên Mộc, lập một cái ấp, rủ bà con ở Sơn Hòa vào làm ăn. Đến nay đã có khoảng trên 50 hộ, gần 300 người ổn định cuộc sống.

Nói đến làng quê, cũng là nói đến sự quyến luyến với thiên nhiên, với cảnh những lũy tre, những đồng ruộng, những vườn cây mùa này mùa khác đủ màu sắc. Đặc biệt, ký ức của tôi đậm nét hình ảnh cây đa. Trước xóm, có một cây đa, không biết mấy trăm năm rồi. Hồi ở Pháp, khoảng năm 1960, được tin người ta đã đốn mất cây đa, tôi giật thót mình và cảm thấy đau xót vô cùng. Thời thơ ấu chiều chiều, khi trời nhạt nắng, chúng tôi rủ nhau ngồi gốc cây đa, nhìn ra cánh đồng. Tôi viết một bài bằng tiếng Pháp về cây đa xưa, đăng ở một tạp chí. Bài viết nêu lên được tình cảm của người Việt Nam đối với quê hương, làng xóm, gây ấn tượng sâu sắc với độc giả nước ngoài. Bài ấy, sau viết lại bằng tiếng Việt được NXB Giáo dục trích một đoạn đưa vào sách lớp ba gọi là "Cây đa quê hương". Về việc này, nảy ra một chuyện nho nhỏ nói lên quan điểm văn học hồi đó. Trong bài có câu: "Chúng tôi ngồi dưới gốc cây đa mà thoáng nghe được từ trên ngọn cao nhất trong vòm lá, gió thổi vi vu, chim kêu, có những tiếng như cười như khóc...". Thế là Tòa soạn Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị bỏ chữ "như khóc", với lý do là không nên gây cho các em tư tưởng bi quan. Tôi nói mãi không được, sách giáo khoa vẫn bỏ từ "như khóc". Tất cả câu đó không thành câu văn nữa!

Nói đến quê hương là nói đến cảnh sống chung, cảnh sống cộng đồng, họ hàng gắn bó thân thiết. Mỗi gia đình tuy có nhà riêng, vườn riêng, nhưng ngày giỗ, ngày tết, lúc làm cửa, làm nhà, lúc ốm đau, tang ma, cưới xin... đều có sự giúp đỡ của chú, bác, cô, cậu... Dù đi xa cũng vẫn nhớ về quê hương, họ hàng. Tôi có ông bác, vào Sài Gòn đã mấy chục năm, sau ở Thủ Đức, trước khi mất, ông làm một cái nhà thờ, tuy không lớn, nhưng cũng là nơi bà con tụ tập lại hàng năm một, hai lần. Tết năm 1993, hơn 20 người bà con nội ngoại họ Nguyễn Khắc gặp nhau tại đây đón năm mới, trong đó có một bà đi từ Năm Căn, Cà Mau cũng đến họp họ.

Nói đến quê nhà, không thể quên các nhà thờ họ, nơi họp mặt bà con đông vui những ngày giỗ, tết. Thường khi, bà con còn cử đoàn đại biểu sang Nam Đàn (Nghệ An) dự giỗ tổ. Bên đó có nhà thờ Tổ, là một ông quan to từ thời nhà Lê, lúc đầu vào Nghệ An, sinh con cháu, sau di cư sang Hà Tĩnh, thành một chi của họ Nguyễn Khắc ở Hương Sơn.

Nhà thờ họ ở làng tôi cách nhà tôi khoảng non nửa km. Nhân dịp sửa chữa lại trước cổng có hai cái cột, bà con muốn để một đôi câu đối chữ nôm. Anh em ra Hà Nội bàn với tôi về nội dung câu đối. Lúc đầu có ý vế đầu nhắc lại công ơn tổ tiên cho con cháu nhớ, vế sau nói lên sự đóng góp của dòng họ đối với đất nước. Tôi góp ý là như vậy xa xôi quá và hơi huênh hoang, vì trong làng còn có những dòng họ khác nữa, người ta nhìn vào không hay lắm. Sau đồng ý để hai câu như sau:


"Công đức tổ tiên dựng nên dòng nên họ
Nghĩa tình con cháu tô đẹp xóm đẹp làng"


Bà con Nguyễn Khắc sau cách mạng rời bỏ quê hương, phần lớn tập trung ở Hà Nội, từng đợt đều có đóng góp sửa sang nhà thờ, mộ tổ. Nhờ có chú Giang là người rất tích cực, làm như con thoi liên lạc giữa bộ phận ở Hà Nội với bà con trong quê, nên tình cảm họ hàng đã dần dần được khôi phục lại, nhà thờ họ cũng được giữ gìn tốt.

Đối với thế hệ chúng tôi, tình cảm quê hương họ hàng sâu sắc như vậy. Sau khi thế hệ này qua đi, thế hệ trẻ lớn lên, tình cảm quê hương họ hàng này có còn hay không? Và có nên chủ trương cố gắng giữ lại hay không? Đây là một câu hỏi đặt ra đối với các nhà sử học, xã hội học...

Theo kinh nghiệm các nước Tây Âu đã công nghiệp hóa, như ở Pháp chẳng hạn, tình cảm họ hàng đã tan rã hết. 85% ra ở thành phố, làng còn rất ít người, hầu hết là người già. Nếu còn một số ít thanh niên ở lại, thì cũng đầy đủ phương tiện để đến vui chơi, giải trí ở thị trấn gần đó. Cộng đồng trong làng xóm coi như không còn.

Ở ta, không nói đến thời kỳ đảo lộn của những năm chiến tranh, mấy năm cải cách ruộng đất đã phá hoại rất nhiều tình cảm nên thơ này. Bây giờ hòa bình rồi. Đảng và Nhà nước ta đã sửa sai từ lâu quan hệ tình cảm họ hàng đang có chiều hướng khôi phục. Nhưng chiều hướng này sẽ như thế nào là vấn đề nên nghiên cứu để biết hướng đi của xã hội sau này.

... Nhưng thôn quê cũng có những cảnh rất ngột ngạt mà tôi đã được chứng kiến từ lúc còn bé và vẫn nhớ mãi. Cảnh người chị con bác tôi phải ép buộc lấy người chồng mình không muốn, chuyện ông chú tôi lấy người vợ Huế cũng xôn xao, cảnh mất vệ sinh, ao tù nước đọng, cúng tế cầu mưa, trị bệnh, v.v. Những điều lạc hậu này làm cho tôi rất băn khoăn.

Năm 1963, lần đầu tiên trở lại quê hương sau 26 năm trời xa cách, tôi vô cùng xúc động và xót xa trước tình cảnh cơ sở vật chất trong làng xã chưa thay đổi gì. Đường sá vẫn ngoằn ngoèo chật hẹp. Rồi năm 1981, về một lần nữa cũng thế. Hôm ấy trời mưa nhỏ. Con đường ngang nối tiếp giữa Sơn Hòa và Thịnh Xá qua 40 năm trời vẫn lầy lội như cũ, phải xắn quần lên cao mới đi được, làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau này, tuổi già không thể về quê được nữa, cũng được tin là đã có một cái cầu qua sông, xe ô-tô có đường đến tận làng, một số nơi điện đã vào từng nhà. Nhưng dẫu sao vẫn là sự thay đổi quá ít. Điều quan trọng nhất là bây giờ số đông họ hàng không còn ở quê nữa mà đã ra thành phố. Không hiểu quá trình đô thị hóa có cho phép cái họ hàng này tồn tại nữa không?

Tôi đến tuổi đi học thì việc thi chữ Nho đã bị bãi bỏ, nên thầy tôi cho đi học chữ quốc ngữ và trường Pháp - Việt. Điều lạ là thầy tôi rất giỏi chữ Nho nhưng lại không dạy chữ Nho cho tôi. Chỉ một lần, khi tôi đã 15, 16 tuổi gì đó, ông có cho tôi học một bài thơ Đường mà ông cũng thích, đến nay tôi còn nhớ:


Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thang
Hoa lạc tri đà thiểu


Tản Đà dịch:


Đêm xuân một giấc còn mê
Tiếng chim đâu đã bốn bề xôn xao
Hồi hôm gió táp mưa rào
Chỉ e hoa rụng biết bao nhiêu cành


Sau này ngẫm lại thấy bài dịch của Tản Đà thật hay, nhưng không đúng "tứ" của bài thơ gốc. Tứ của bài gốc là trí tuệ - triết lý, của bài dịch là trữ tình - lãng mạn. ở trường Pháp-Việt, tiếng Pháp được học rất kỹ, vì tiếng Pháp hồi đó là chìa khóa mở đường. Qua sáu năm tiểu học đỗ bằng Rime (Primaire), được coi là hạng có học, về làng không phải đắp đường, đắp đê. Sau bằng Rime mới thi vào trường Thành chung (collège). Muốn thi đỗ bằng Rime phải viết đúng chính tả một bài tiếng Pháp rất dài và làm một bài văn tiếng Pháp ít lỗi chính tả. Viết tiếng Pháp đúng chính tả rất khó, vì số ít, số nhiều viết khác nhau, lại có chữ giống cái giống đực, mà không rõ lý do, khó hiểu quá. Về giống đực, giống cái có một chuyện nhỏ tôi nhắc lại cho vui: Năm 1992, có bà Bộ trưởng của Chính phủ Pháp phụ trách việc phát triển ngôn ngữ Pháp trên thế giới sang Hà Nội làm việc. Theo đề nghị của Sứ quán Pháp, tôi đến cuộc họp có vài chục anh em dự và được mời phát biểu ý kiến. Tôi nói nghiêm túc đâu vào đó. Theo thói quen truyền thống, sau lúc nói nghiêm túc rồi tôi nói: "Nếu bà Bộ trưởng cho phép, tôi xin kể chuyện tiếu lâm cho vui". Bà Bộ trưởng nói: "Vâng, xin ông cứ thoải mái thôi, chả có gì cả". Tôi nêu vấn đề là tôi học tiếng Pháp rất khó về giống đực giống cái. Bà cũng biết là con trai hay tò mò, thầy giáo cấm thì chúng tôi giở từ điển ra để tìm. Chúng tôi rất tức giận là tại sao cái bộ phận của đàn ông mà chúng tôi tự hào lại là giống cái, mà bộ phận của đàn bà lại được mang giống đực. Hồi ấy, tôi không dám hỏi thầy giáo, vì nếu hỏi như vậy thì thế nào cũng bị đuổi học, đành phải ôm cái thắc mắc hơn 70 năm nay. Nay tôi gần 80 tuổi rồi, may mà được gặp bà Bộ trưởng, tôi xin đặt câu hỏi này. Thế là cả phòng cười ồ lên vui vẻ.

Tôi học ở trưởng collège Vinh, một trường có tiếng nhiều học sinh giỏi. Trên lớp chúng tôi có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh)... Cả tuần học tiếng Pháp, chỉ có hai giờ tiếng Việt, một giờ chữ Hán, sách in từ bên Pháp như cho học sinh Tây, không có gì là Việt Nam cả.

Câu đầu tiên của sách sử ký là: "Tổ tiên chúng ta là người Gaulois...". Câu này là điển hình thể hiện chính sách của thực dân Pháp muốn đồng hóa lớp trí thức các thuộc địa để cai trị. Tôi thích nhất là sách địa lý, địa lý nước Pháp, địa lý thế giới, có nhiều bản đồ nhiều mầu, in đẹp, nhìn vào là nảy mơ tưởng đi xa. Có quyển sách kể một chuyến đi vòng quanh nước Pháp của hai đứa trẻ con sau khi Pháp thua Đức năm 1870, phải nhượng lại cho Đức hai tỉnh Alsace, Lorraine. Quyển này cùng quyển "Không gia đình" đã khơi gợi trong tôi những cảm xúc sâu sắc đến mãi sau này, khi sang Pháp học, tới kỳ nghỉ hè, tôi xách xe đạp đi suốt một vòng qua nhiều nơi mà hai đứa trẻ đã đi qua.

Trong thời gian học collège Vinh, ngoài việc học bài ở lớp, tôi say mê hai việc: Đọc sách truyện bằng tiếng Pháp, việc này có lợi là giúp luyện tiếng Pháp; việc thứ hai là đá bóng.

Trong các thầy giáo người Việt, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là thầy Trần Đình Đàn. Thầy dạy Pháp văn rất giỏi và đặc biệt là thầy làm cho chúng tôi say mê cách mạng Pháp, dạy văn của các lãnh tụ cách mạng Pháp, thực chất là thầy muốn truyền lòng yêu nước cho chúng tôi. Sau này, năm 1992, lúc được gặp lại thầy ở Đà Nẵng, thầy đã 90 tuổi, tôi vô cùng xúc động.

Năm 1930-1931, khi Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, Pháp rất chú ý đến trường collège Vinh. Nơi đây thỉnh thoảng có truyền đơn xuất hiện, nơi đây tập trung con em nhà khá giả, có học thức. Pháp nghi học sinh rải truyền đơn và cắm cờ búa liềm trên tháp nước là chỗ cao nhất của thành phố. Để uy hiếp tinh thần, Pháp đưa Cụ Ngáo là đao phủ của triều đình Huế ra chém hai người cộng sản trong sân trường, ngay trước mắt học sinh. Sau đó, trường bị đóng cửa. Chúng tôi cũng được nghe tin đồn về vụ đàn áp cuộc biểu tình rầm rộ ở Bến Thủy. Tuy không hiểu cộng sản là gì cả, nhưng cũng có một tinh thần thấy người cộng sản chống Pháp là tốt, thế thôi.

Sau khi chuyển vào Huế học và đỗ Thành chung, năm 1931, tôi ra Hà Nội học lớp tú tài trường Bưởi (tức trường Chu Văn An bây giờ), ở nội trú, vào ăn cũng xếp hàng, đi ngủ cũng xếp hàng... tôi chưa quen, viết thư về cho thầy, tôi kể: Trường này khó chịu lắm. Cụ trả lời: "Khó chịu thì chịu khó đi cho nó quen". Trường Bưởi có điều rất thích thú là ở sát ngay Hồ Tây, chiều chiều gió mát rượi. Sân thể thao rất rộng. Học xong ra sân tập chạy, đá cầu, chơi bóng rổ, bóng đá rất thú vị. Tôi là vận động viên của nhà trường, hăng hái tham gia các đội thi đấu. ở đây, hiệu trưởng, tổng giám thị và giáo viên phần lớn đều là người Pháp. Trong số ít giáo viên người Việt, tôi nhớ nhất là thầy Dương Quảng Hàm. Chính nhờ thầy Hàm mà chúng tôi được học hầu hết các bài văn xưa của Việt Nam, thưởng thức văn chương Việt Nam, nếu không sẽ bị văn chương Pháp lôi cuốn hết. Tôi còn nhớ bài của Lê Quý Đôn có câu:


Mẹ ơi con muốn lấy chồng
Con ơi mẹ cũng một lòng như con"


Thầy cũng giảng cho học sinh nghe, chứ không tránh né. Lớp trẻ sau này, chương trình học bị cắt xén nhiều, "Cung oán ngâm khúc", "Chu Mạnh Trinh" đều không được học.

Sau khi đỗ tú tài rồi, chúng tôi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. Điều làm tôi thích thú là ở đây, ngay từ năm đầu học cơ bản đã được đi vào bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, khám lâm sàng rồi chẩn đoán cho ra bệnh. Đó là cả một quy trình suy luận rất phức tạp. Nhờ đó mà biết được tình trạng bệnh lý ở nước ta (ở Pháp thì khác, sinh viên năm thứ nhất không được sờ mó gì đến bệnh nhân). Nhưng đến năm thứ tư, đòi hỏi kiến thức mở rộng ở tầm nghiên cứu cao hơn thì học ở trong nước không được thỏa mãn, vì Pháp chỉ cử những giáo viên trình độ trung bình sang trường y của thuộc địa. Vì vậy, anh em ai cũng muốn những năm sau cố gắng sang Pháp học cho được, dù phải tốn kém nhiều.

Thời đó, Đại học Y khoa Hà Nội thuộc phạm vi hành chính của Đại học Y khoa Paris, nên từ Đại học Y khoa Hà Nội chuyển sang Đại học Y khoa Paris không khó khăn gì. Nhờ gia đình thông cảm và cố gắng tạo điều kiện, năm 1937, hết năm thứ hai, tôi được sang Pháp học.

Lúc về quê chào bà con trước lúc ra đi tôi còn nhớ các cô, các cậu, các dì cùng bạn bè ra Bãi Bè đưa tiễn rất đông. Một cô nói đùa: "Khi mô về thì phải mang một cô đầm tóc vàng nha!". Một cô khác hỏi, bây giờ đi Pháp nhà phải gửi cho cháu bao nhiêu tiền? ở nhà đã tính rồi, gia đình sẽ phải gửi cho tôi 100 đồng mà lương thầy tôi lúc đó là 200 đồng, tức là một mình tôi ở Pháp tiêu một nửa số tiền lương thầy tôi, bằng cả mười mấy người ở nhà. Vì vậy tôi không dám trả lời, đành lờ đi.

Lên đường đi Pháp học, tôi rất hào hứng, thế là sẽ được toại nguyện. Mơ ước lớn nhất là học để đạt cho được cái học vị cao nhất đối với người Việt Nam lúc đó, cũng như sinh viên Pháp, là Nội trú các bệnh viện Paris.

Từ Vinh vào Huế ghé qua Đà Lạt rồi vào Sài Gòn, tôi ra đi theo chuyến tàu thủy của hãng Nhà Rồng (hồi ấy chưa có máy bay). Nhà mua cho vé hạng ba, nhưng tôi đổi sang hạng bốn cho rẻ, dành tiền mang sang Pháp. Do đó, có dịp ngủ cùng chỗ với hành khách hạng nghèo, như lính Pháp sang Đông Dương làm nghĩa vụ hồi hương về nước.

Qua bốn tuần lênh đênh trên biển, đến cảng Marseille, một cảng lớn nhất châu Âu hồi đó. Lần đầu tiên được thấy một cảng công nghiệp lớn, nhìn ngắm hàng trăm chiếc tàu thủy, hàng chục km đường, xe cộ, tàu hỏa đi lại tấp nập, tôi bâng khuâng nghĩ đến nước mình không biết bao giờ mới có được cảnh hiện đại này.

Đến Paris, tôi vào ngay cư xá của sinh viên. Đây là một khu vực khá rộng, có hàng chục nhà cho sinh viên ở. Mỗi nước có một nhà riêng, từ 100 đến hơn 200 người ở. Nhà Đông Dương từ cửa đi vào có cái đầu rồng, mái chùa, cột sơn son thiếp vàng, có khoảng 100 sinh viên, một nửa là sinh viên Việt Nam, còn lại là sinh viên Pháp, con em quan chức Pháp ở Đông Dương.

Cư xá sinh viên ở một cửa ô Paris, có vườn, có sân bãi rất đẹp. Sáng đi học, chiều về tự học, không có sinh hoạt chung. Tôi sang đến nơi đã cuối tháng tám, phải chuẩn bị để đầu tháng 10 thi ngoại trú ở các bệnh viện. Sinh viên chia thành ba cấp. Sinh viên ưu tú năm thứ nhất đến năm thứ hai được thi ngoại trú, năm sinh viên tuyển lựa một ngoại trú. Đỗ ngoại trú xong, học thêm hai năm nữa được thi nội trú. Thi nội trú rất khó, 8 đến 10 người mới tuyển được một người nội trú.

Đỗ ngoại trú xong, tôi đi xuống bệnh viện để thực tập. ở trường Đại học Y Hà Nội, tôi đã được đọc sách tham khảo nhiều. Đến đây, quan trọng nhất là trong lúc thực tập làm sao tiếp xúc được với một giáo sư giỏi nổi tiếng về lâm sàng. Bao giờ tôi cũng đến rất sớm, y tá trưởng cho là nghiêm túc và giúp đỡ cho làm. Nhờ đã quen việc khám lâm sàng trong hai năm ở Đại học Y khoa Hà Nội, tôi dần dần quen việc. Một thời gian ngắn, các anh nội trú giao cho tôi theo dõi một bệnh nhân, trình bày bệnh án để thảo luận ở giảng đường. Có hàng chục người dự và có cả giáo sư. Giáo sư thường hay hỏi vặn lại để dạy thêm cho mình. Hôm đó tôi trình bày mạch lạc, được giáo sư khen là trình bày rất tốt, không ngờ là người nước ngoài mà biết tiếng Pháp lưu loát như vậy.

Việc chuẩn bị thi nội trú là một quá trình hết sức công phu. Sau kỳ thi viết khá chặt chẽ, việc thi nói cũng rất đặc biệt. Phải nói hai đề tài chỉ trong 10 phút trước một ban giám khảo 6, 7 người, có một vị giáo sư tóc râu bạc phơ trông rất đáng sợ, trước hàng mấy trăm sinh viên. Có những người học giỏi, khám bệnh tốt nhưng thiếu bình tĩnh vững vàng, sắp xếp không gọn, quá 10 phút mà không xong coi như hỏng. Sau này nghĩ lại thấy đây là một kiểu thi nhằm tạo ra những con người có tư duy nhanh, khái quát nhanh.

Hồi đó có 3 ngành Y: Nội khoa, Ngoại khoa và Sản khoa. Thường những sinh viên giỏi đi khoa nội. Tôi cũng tự hào nên chọn khoa nội. Trong nội khoa, cao nhất, khó nhất là bệnh trẻ con. Tôi quyết định đi vào Nhi khoa.

Trong hai năm 1937 - 1939, cuộc sống của tôi rất đều đặn, sáng đi bệnh viện làm lâm sàng, một rưỡi chiều vào thư viện đọc sách tham khảo, từ bốn giờ chiều đến bảy giờ tối đi nghe bài giảng ở các giảng đường, tối còn học thêm với anh em cùng nhóm. Chỉ có chủ nhật và một tháng nghỉ hè là đi chơi thoải mải.

Nhờ có tiền vé tàu để dành lại, tôi mua một chiếc xe đạp và bộ đồ cắm trại. Hồi đó là 1938, Mặt Trận Bình Dân Pháp lớn mạnh, công nhân được nghỉ hè. Chưa có nhiều ô-tô, họ tổ chức đi xe đạp từng đoàn. Một màng lưới chỗ nghỉ gọi là Quán trọ thanh niên được tổ chức khắp nước Pháp, cứ cách khoảng 50km có một quán, tại địa điểm các trường học, trang trại hoặc lâu đài cũ bỏ trống. Phòng ngủ sáu, bảy giường, giá rẻ, sẵn bếp, nồi niêu xoong chảo, mỗi người tự mua thịt, cá, bánh mì về ăn, khỏi phải vào khách sạn tốn tiền. Sinh viên Việt Nam cũng như Pháp không có ai đi, đến các quán trọ tôi làm quen ngay với anh em công nhân, giáo viên nghỉ hè đi chơi.

Hè đầu tiên, tôi đi từ Paris đến Chartres qua Bordeaux đi vòng vèo đến vùng núi Pyrénées vòng lên Auvergne quay về Paris, tất cả khoảng 2.000 km. Mỗi ngày chỉ đi từ sáng đến trưa, chừng 100km, chiều du lịch tham quan vùng đấy. Gặp ai đi cùng đường, mình đi theo, đi khác đường đến chỗ rẽ là chia tay nhau, quen được rất nhiều người, đi được nhiều nơi, lưu giữ nhiều kỷ niệm thú vị. Đi xe đạp như vậy được ngắm đồng ruộng, núi rừng, phong cảnh rất đẹp, có dịp gặp gỡ nhiều tầng lớp, hiểu thêm xã hội, văn hóa nước ngoài. Anh em sinh viên mình sang bên đó không bao giờ tiếp xúc được với người nông dân, ngay công nhân ở thành phố cũng khó. Tôi còn nhớ có lần ở vùng Auvergne, rất xa xôi hẻo lánh, tối rồi mà quán trọ còn xa, xin ngủ nhờ ở nhà một người nông dân, họ cho ngủ ở góc nhà. Hỏi hố xí đâu, họ chỉ ngay chuồng bò, mình cứ vào đấy, phân bò phân người lẫn lộn. Người nông dân Pháp trước năm 39 cũng rất ít máy móc, đa số cày bằng ngựa, đến năm 1950, cơ giới hóa mạnh mới thấy được bước tiến nhảy vọt của xã hội Pháp từ năm 37, 38 đến năm 50. Năm 1960 có dịp trở lại một vài vùng, thấy đã có sự thay đổi hoàn toàn khác trước.

Đến năm 1939 là lần cuối cùng tôi đi nghỉ hè ở nước Pháp. 2-9-1939, chiến tranh bùng nổ, toàn bộ việc học của tôi bị đảo lộn hết. Tuy được chỉ định làm nội trú ở bệnh viện Trousseau (Bệnh viện trẻ em lớn ở Paris), không phải lo về công việc và cuộc sống hàng ngày, nhưng chiến tranh là một cái đột xuất, tôi không hiểu gì hết. Tôi gần như hoang mang. Tình hình trong nước như thế nào, vị trí chỗ đứng của mình ở Việt Nam sẽ như thế nào. Từ trước đến lúc bấy giờ, tôi chưa bao giờ suy nghĩ gì đến vấn đề chính trị cả. Suốt từ nhỏ cho đến lúc học Pháp, tôi chỉ lấy hai việc làm vui là học tập và thể dục thể thao. Hồi đó chưa có ti-vi nhưng năm 1937, tôi thấy có mấy người bạn Pháp (mà sau tôi mới biết là Do Thái) đón nghe tin ở Đức một cách lo lắng, lại thấy nhiều người từ Tây Ban Nha sang Pháp rất đông và xin cư trú. Tôi cũng chẳng biết Tây Ban Nha là như thế nào? Franco, Hitler là như thế nào?

Cuộc chiến tranh Pháp - Đức, dân Pháp gọi là "chiến tranh buồn cười". Sau này tôi mới hiểu là Pháp muốn thúc đẩy Hitler đánh về phía đông rồi tiến đánh Liên Xô. Trong giai cấp thống trị Pháp, bên chính quyền cũng như quân đội, Hitler có nhiều nội ứng bên trong, nên khi Đức quay sang đánh Pháp, chỉ cần ba tuần xong. Sau đình chiến, tình hình ổn định rất nhanh vì Đức đến đâu đã có nội ứng sắp xếp bộ máy hành chính ở đấy. Chính phủ Pháp bị giải tán. Thống soái Pétain đứng lên ký với Đức. Pétain quản lý vùng phía nam nhưng dưới quyền của quân Đức.

Khi trở về Paris, nghe hai vị giáo sư Pháp trao đổi với nhau, một vị nói: "Dù sao Mặt Trận Bình Dân cũng là người Pháp với nhau, Đức chiếm là quân ngoại xâm". Vị kia trả lời: "Tôi thì không chắc, chưa biết bên nào hơn". Tôi rất ngạc nhiên. Tại sao một người Pháp lại muốn quân đội nước ngoài chiếm thủ đô của mình? Đấy là câu hỏi chính trị đầu tiên trong đầu óc tôi.

Đến năm 1941, sau lúc bảo vệ thành công luận án bác sĩ, kết thúc bảy năm Đại học Y khoa, tôi chuẩn bị về nước, nhưng quân Đồng Minh chặn hết tàu thủy, không có tàu thủy về Việt Nam, đành phải mắc kẹt ở lại, tiếp tục làm việc ở bệnh viện Trousseau, và bị mắc bệnh lao năm 1942.

Từ năm 1942 đến năm 1947, trong các đợt chữa bệnh, tôi được ở Sana Saint-Hilaire du Touvet trong một thời gian khá dài. Viện điều dưỡng này là một môi trường văn hóa rất tốt. Ngoài việc đọc nhiều sách, còn được trao đổi với nhiều trí thức, giáo sư về nhiều vấn đề chính trị - xã hội, về những sự kiện nổi bật ở Pháp và trên thế giới, nên hiểu biết chính trị được mở rộng.

Sau khi nước Pháp được giải phóng, các tổ chức chính trị hoạt động sôi nổi. Tuy có một chính phủ chung, nhưng sự tranh chấp chính trị giữa hai phe rất căng thẳng, một phe cộng sản tiến bộ bên tả, một phe bên hữu, trước kia đi với Đức, thân với Mỹ. Trong kháng chiến chống Đức, Đảng cộng sản Pháp là những người cầm đầu. Sau khi Liên Xô đánh thắng Đức, uy tín của Liên Xô và của Đảng cộng sản Pháp lên cao, không chỉ trong giai cấp công nhân, mà nhiều nhà trí thức lớn cũng vào Đảng cộng sản Pháp. Điển hình như ông Pierre Curie (người được Giải thưởng Nobel về vật lý), họa sĩ nổi tiếng Picasso, nhà văn vào tầm cỡ bậc nhất Aragon.

Thông qua một số hoạt động trong phong trào Việt kiều hướng về Tổ quốc và giải quyết mù chữ cho anh em ở các trại, tôi thấy Đảng cộng sản Pháp chính là người giúp đỡ tạo điều kiện cho phong trào trong bước đầu nhen nhóm này. Tôi lại có dịp gần gũi những đảng viên Đảng cộng sản Pháp nên được theo dõi sát cuộc đấu tranh giữa tả và hữu ở Pháp trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất, trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, quyền lợi của nhân dân Pháp. Có thể nói là năm 1945-1946, Đảng cộng sản và giai cấp công nhân Pháp đã giành thắng lợi lớn về nhiều mặt: Quyền dân chủ, đạo luật về Công đoàn, về cải cách giáo dục, về bảo hiểm xã hội, an toàn xã hội... Cụ thể như tôi chẳng hạn, bị bệnh lao phải chữa rất lâu dài, tốn kém, nhưng vì tôi đã làm việc ở các bệnh viện, nên được quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ toàn bộ cho đến khi lành.

Thứ hai, trên trường quốc tế, sau khi Hitler thua, Âu châu chia làm hai bên, một bên chịu ảnh hưởng của Liên Xô như Ba Lan, Tiệp, Đông Đức, Hungari, Bungari... dần dần theo con đường xã hội chủ nghĩa trong đó Đảng cộng sản lãnh đạo. Bên các nước Tây Âu, ở nhiều nước phái hữu nắm quyền. ở Pháp phái hữu là Đảng gọi là MRMT, có hậu thuẫn quần chúng khá mạnh. Do ảnh hưởng của Mỹ ngày càng mạnh, nên Đảng xã hội thiên về hữu, tách bỏ Cộng sản, kết hợp với đảng MRMT. Đảng cộng sản bị cô lập. Cũng vì thế mà đầu năm 1946, còn có khả năng điều đình, Pháp và Việt Nam nhượng bộ nhau, dẫn đến Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và hội nghị Fontainebleau. Dần dần khi chính phủ Pháp thiên về hữu thì cuộc điều đình này thất bại, đến cuối năm 1946 thì ngã ngũ hẳn, bước sang một giai đoạn mới, Pháp trở lại đánh chiếm Việt Nam và cả Đông Dương. Mỹ ủng hộ Pháp trong việc đánh Đông Dương nhằm tranh thủ Pháp ủng hộ Mỹ trong việc thành lập riêng khối Đại Tây Dương, chuẩn bị đánh Liên Xô. Đến đầu năm 1947 thì lập trường các phe phái đã rõ ràng: Đảng cộng sản Pháp vừa chống Mỹ vừa chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, vừa bảo vệ quyền phúc lợi của nhân dân trong nước.

Thực tiễn trên đây là cơ sở quan trọng giúp tôi xác định lập trường dứt khoát sau mấy năm đọc sách vở và suy nghĩ. Qua năm 1947, tuy chưa vào Đảng, nhưng tư tưởng lập trường của tôi đã nghiêng hẳn về học thuyết Mác Lê-nin, xuất phát từ ba cơ sở.

Đầu tiên là con đường chính trị, từ lập trường yêu nước đến lập trường Mác-xít cộng sản.

Cơ sở thứ hai là khoa học. Sau tám năm học ngành Y không hành nghề mà lại đi làm chính trị, vậy tám năm học có vô ích không? Pháp có câu châm ngôn: "Vốn văn hóa của con người là cái gì còn lại sau khi kiến thức đã quên hết". Những kiến thức y học đã để lại cho tôi cái vốn văn hóa Y khoa. Cái vốn văn hóa đó là con đường tốt nhất dẫn tôi đến học thuyết Mác. Quá trình từ khi khám lâm sàng, tiếp xúc người bệnh, thăm hỏi bệnh tình, đến khi thầy thuốc trực tiếp nhìn da, mắt, nghe tim, phổi, sờ gan... của người bệnh rồi tiếp tục làm các xét nghiệm về sinh, hóa, tế bào, v.v. cuối cùng mới tổng hợp lại, tìm căn nguyên sinh ra bệnh là cả một quy trình rất biện chứng, kết hợp cả chủ quan của bác sĩ, chủ quan của người bệnh với khách quan của xét nghiệm bằng khoa học cơ bản. Tư duy biện chứng nằm trong y học duy vật biện chứng làm cho tôi chấp nhận dễ dàng Chủ nghĩa Mác.

Thực tế cuộc sống qua các chế độ xã hội khác nhau, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái trong nội bộ nước Pháp, v.v. làm sáng tỏ lịch sử, soi sáng một số vấn đề trong những sách về duy vật lịch sử mà tôi đã đọc. Học thuyết Mác đối với tôi là tư duy khoa học, không phải là một cái khẳng định một lập trường nhất định. Vì thế, sau này dù có đi vào chính trị dù có vì đơn giản hóa mà chấp nhận Stalin đi chăng nữa, thì cũng xuất phát từ thực tế mà nói chuyện chính trị, chứ không phải xuất phát từ một khẳng định, một lý thuyết nào.

Cơ sở thứ ba là ngoài tình cảm dân tộc, vấn đề khoa học, có tình cảm quốc tế, là vì qua hoạt động trong phong trào Việt kiều, xóa bỏ được nhận thức về Pháp chung chung như trước, mà phân biệt được rõ Pháp nào, giai cấp nào, xu hướng nào, chính trị nào...

Từ lúc chiến tranh nổ ra năm 1939 cho đến năm 1947, qua tám năm học hỏi suy ngẫm, tìm tòi, tôi đã xác định dứt khoát được chỗ đứng trong cuộc sống, thái độ đối với đất nước, đối với thế giới, chấm dứt được một thời gian phân vân bế tắc khá dài.

Cũng trong thời gian ấy, tôi cũng phải trải qua một giai đoạn trăn trở dai dẳng thậm chí bế tắc về tâm tư tình cảm. Nhắc lại là hồi ở bệnh viện, một hôm sau khi tôi trình bày bệnh án được giáo sư khen, lúc ra về có một cô sinh viên Pháp chạy lại bảo: "Này anh ạ, cho tôi mượn cái bệnh án của anh hôm qua ấy, hay quá, có vài điểm tôi chưa hiểu rõ, để tôi xem lại và nhờ anh giải thích cho". Cô ta kéo tôi lại ngồi ghế trong vườn bệnh viện. Chúng tôi ngồi với nhau hơn 15 phút nói về cái bệnh án ấy. Lúc đầu tôi giật mình vì đây là cô Monique, là hoa khôi của đám nữ sinh viên thực tập tại bệnh viện ấy, được nhiều bạn trai trầm trồ. Nói thật, lâu lâu tôi cũng có để ý một chút, rồi lại thôi, nghĩ rằng đâu đến phần mình, vả lại mình sang đây để đi học. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi ngồi gần một người con gái. Ngày xưa, theo quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân", hai mấy tuổi đầu rồi, tôi chưa bao giờ ngồi gần một cô con gái Việt Nam nào cả. Học tiểu học, trung học thì con trai một trường, con gái một trường; lên đại học thì hồi đó chưa có con gái Việt Nam học Y khoa.

Từ sau hôm đó rồi quen, có gì khó cô lại đến hỏi tôi. Sau khi gặp nhau nói chuyện nhiều lần trong thư viện theo đề nghị của cô, tôi tham gia nhóm học tập của các cô, cứ hai tuần lại gặp nhau vào một buổi tối ở lớp học. Lúc ra về lại cùng đi tàu điện, mỗi người xuống một ga khác nhau. Có hôm trời mát mẻ, chúng tôi đi bộ đến bờ sông Seine, cùng đi dạo khoảng hai tiếng đồng hồ.

Cứ thế quan hệ ngày càng thân thiết. Gia đình cô mời tôi đến chơi ăn cơm nhiều lần. Ông cụ thân sinh là bác sĩ, có tuổi. Nhà thuộc hạng trung lưu khá giả. Ông bà chỉ có hai con gái. Monique là chị. Tôi nói chuyện với cụ rất thoải mái, trao đổi về y học, văn học cũng thú vị. Đây là một gia đình rất ngoan đạo, có nề nếp. Monique thường nhắc: "Ông cụ, Bà cụ tôi mê anh lắm". Không biết ông cụ bà cụ mê hay cô mê tôi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi học với nhau như thế.

Cho đến lúc chiến tranh xảy ra, tôi giật mình, tôi định đến 1941 thi đỗ xong rồi về nước, Monique không thể cùng về được (vì thời đó chuyện "giao lưu quốc tế", như vậy là không thể được), không thể kéo dài chuyện với Monique được nữa, phải dứt khoát tách rời thôi.

Nói thế nhưng cũng không phải dễ. Tôi vào nội trú ở bệnh viện Trousseau, không có việc gặp nhau một tuần vài lần nữa. Tưởng thế là xuôi. Không biết duyên trời run rủi hay sao mà cô ta lại được chuyển làm ngoại trú ở bệnh viện tôi trực, nên hằng ngày lại gặp nhau. Một hôm trời mưa, làm việc xong, tôi mượn ô của cô y tá đưa cô ra tàu điện ngầm, bà y tá đùa: Ôi hai cô cậu này đẹp đôi đẹp lứa quá! Chúng tôi nhìn nhau cười, nhưng tôi suy nghĩ chưa biết tính sao. Một hôm sau đó, nhân giờ rảnh trong một ca trực đêm, chúng tôi lên sân thượng ngồi chơi. Trời tối, lặng lẽ, khuya rồi tôi mới nói: Bây giờ thế nào Monique nhỉ? Cô im lặng một hồi. Tôi thì biết rõ thế nào rồi. Ngoài trở ngại là Monique không thể theo tôi về Việt Nam, vấn đề lớn nữa là gia đình cô ấy theo đạo. Monique nói: "Ông cụ em có nói với em là không lấy chồng xa, không lấy chồng ngoại đạo". Mà bảo theo đạo thì tôi không thể chấp nhận. Lúc ấy tôi lại sực nhớ trước lúc lên tàu thủy sang Pháp, Thầy tôi trao cho một bức thư dặn: "Khi nào ra đến ngoài biển con hãy mở thư ra". Tôi làm đúng như vậy. Thư Thầy tôi chỉ có mấy dòng: "Thầy biết con sang bên Pháp học hành, chắc Thầy không phải dặn, biết thế nào con cũng thành công, Thầy tin con. Thầy chỉ dặn một điều là nhất định đừng lấy vợ đầm". Giữa chúng tôi có một sự ngăn cách là hai cái bóng của hai ông bố mà thực chất là hai đạo lý, một bên là đạo Khổng, một bên là Thiên Chúa giáo. Đó chính là bức tường ngăn cách. Sau khi Monique nói ý của ông cụ, tôi cũng suy nghĩ và im lặng. Cuối cùng tôi nói: "Bây giờ tôi định thi xong là về nước ngay. Monique lấy chồng đi có mấy người bạn Pháp thích Monique đấy". Cô lắc đầu không trả lời.

Từ đó, cho đến hết nhiệm kỳ Monique chuyển sang bệnh viện khác, bề ngoài tưởng như không có vấn đề gì. Đầu năm 42, khi tôi bị lao phổi thì cô chạy đến thăm ngay. Khi tôi chuyển đến Sana vùng phía nam cách xa Paris, vùng đấy cũng bị Đức chiếm đóng, nên không được viết thư gửi phong bì dán kín mà chỉ được viết vài dòng một mặt, mặt kia đề địa chỉ. Dù hạn chế như vậy chúng tôi vẫn viết thư cho nhau, mặc dù lúc tôi ra đi đã dặn Monique quên đi, quên luôn đi, tôi bị bệnh mặc tôi, Monique lấy chồng đi. Năm 45, sau khi nước Pháp được giải phóng, Monique mới có điều kiện đến thăm tôi. Tôi nói bệnh tình tôi khá nặng, khó sống nổi, mà tuổi của Monique cũng lớn rồi phải dứt khoát đi, đừng thăm viếng gì, Monique về lấy chồng đi. Monique cũng lắc đầu. Đầu năm 1947, Monique đến thăm, tôi nhờ bác sĩ Viện trưởng giới thiệu hồ sơ bệnh án của tôi rất kỹ, cho biết tất cả bệnh tình của tôi để cô ấy không còn hy vọng gì, đừng chờ đợi mất công.

Tình trạng không dứt khoát này kéo dài mãi cho đến năm 1947, lúc sức khỏe khá lên chút ít, tôi về Paris, Monique nhắn tôi lại chơi. Hôm đó, tôi nghỉ tại nhà Monique. Lần đầu tiên chúng tôi ăn nằm với nhau sau hơn tám năm trời bị một ngăn cách lạ lùng. Sáng hôm sau dậy, hai đứa chúng tôi có một sự thanh thản rất lạ lùng. Mấy năm trước, lúc tôi nói Monique đi lấy chồng thì tôi biết tôi tự dối lòng. Hôm ấy, lúc tôi nói: "Giờ Monique đi lấy chồng nhá", tôi nói rất dễ dàng, thốt ra một cách bình thản và Monique cũng chấp nhận. Thực ra ở đây chúng tôi đã trả cho nhau được một cái nợ thành ra bây giờ có thể dứt khoát mỗi người đi một đường được.

Sau này nhớ lại, tôi mới thấy rõ ràng, năm 1942 sở dĩ tôi bị bệnh lao, ngoài khó khăn vật chất (ăn uống thiếu thốn, làm việc nhiều) thì nguyên nhân rất quan trọng là sự bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống về tình cảm cá nhân, về mặt vị trí, chỗ đứng sự nghiệp của mình.



--------------------------------------------

(1) Ngày xưa, đầu tiên là thi Hương để chọn Tú tài, Cử nhân. Người đỗ thi Hương được thi Hội ở kinh đô. Thi Hội để chọn tiến sĩ, (có khoa sau thi Hội, phải thi Đình, tức là vào thi ở cung vua, vua trực tiếp ra bài và chấm). Tiến sĩ chia làm 3 hạng. Hạng nhì là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, tức là Hoàng giáp. Nhiều khoa thi không có hạng nhất (như khoa thi năm 1907 có 4 vị Hoàng giáp).

(2) Làng Thịnh Xá, quê ngoại tôi.

(3) Bãi Bè: Bãi sông để tre, nứa, gỗ

Phần II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 619

Return to top