Khuôn Mặt Tình Yêu
Tăng Văn Chung
1. Xe lại “banh”. Dừng. Cằn nhằn. Nhàu nhĩ. Nửa đường. Người bán quà vặt tràn lên. Tự dưng tôi ghét gã đàn ông bán bắp nấu kia. Một em bé rách rưới nhìn tôi. Cũng bắp nấu. “Chú ơi mua giùm”. Không định mua, nhưng lại mua. Tôi mệt mỏi bảo nó cất tiền đi, khỏi thối. Gã đàn ông dúi đầu con bé: “Cút mẹ mày xuống đi”.
Nửa đường. Từ đây rẽ xuống tay phải mười cây là thành phố, nơi tôi vui buồn bốn năm đại học. Dễ đến mười năm, hay lâu hơn cũng không biết chừng. Thời gian vón thành cục than hồng thiêu trong nháy mắt quãng thanh xuân đầy trễ nải và bốc đồng của tôi. Công việc, không thể không có. Lúc có rồi thì như một ma trận, không thể thoát ra, dù rằng những lúc chán. Thèm ngủ đến đờ người nhưng phải vật lộn cùng chữ nghĩa. Rồi nhận lương. Rồi bạn bè, cười nói. Rồi hết. Cũng là phù du, nhưng ai cũng lao vào ma trận ấy, nếu không có nó, dễ thành phù du hơn chăng? Bao nhiêu dự định ấp ủ chưa làm “Ngồi bên em anh buồn phải không ?”. Lệ vén tóc nhìn tôi. Lệ mới hăm ba. Lệ có gương mặt đá vọng phu - gương mặt mà thơ văn tranh nhau ca ngợi. May, Lệ mới hăm ba nên gương mặt đá vọng phu của Lệ chưa lên meo mốc. Tôi biết Lệ yêu tôi và đang chờ đợi. “Anh không đi tham quan nữa đâu. Luôn tiện anh rẽ xuống thành phố này”. Đá vọng phu như chìm trong mưa. “Anh điên lắm”. “Mẹ anh bảo anh điên từ khi nằm trong bọc ối, di truyền cha anh. Em đừng buồn, anh đã nói nhiều rồi, đời anh chưa có miền xác định đâu”. “Anh ác lắm”. Tôi thở dài: “Để anh nhờ Khánh chăm sóc em”. Khánh là đồng nghiệp. Khánh có răng khểnh và đôi chân ngựa. Đang chạy nước kiệu theo Lệ. “Anh tầm thường lắm”. Tôi cười. Tầm thường lắm. Và xách vali xuống. Đồng nghiệp ngơ ngác nhìn, ngơ ngác quan tâm.
2. Thành phố chớm đông. Gió loằng ngoằng chạy rông trên phố. Nhưng tôi biết cánh đồng đời tôi đã không còn gió, cả mưa bụi mùa xuân. Đời tôi nhiều bất trắc. Làm gì cũng không biết trước làm gì. Đôi khi đứng trên đỉnh dốc cuộc đời thấy mình còn biến thiên đến vô cùng - chỉ đôi khi thôi. Tôi nghĩ mình là con người duy lý. Nếu vì thế mà tôi từ chối Lệ thì tôi cao thượng quá. Tôi không yêu Lệ. Nhưng lại nhớ. Nhớ chưa hẳn yêu. Tôi là người duy lý.
Tôi về đây, chẳng biết để làm gì. Muốn gọi điện cho Lệ rằng không phải chạy trốn Lệ. Lại thôi. Biết mình đã tin mình chưa huống hồ Lệ. Những lúc cô đơn, nhớ quay quắt tháng ngày ký túc xá. Hết bốn năm, trường giữ lại mà không có tiền học tiếp, thầy chủ nhiệm cầm tay bảo: “Cậu có năng lực, tiếc lắm. Ra đời ráng mà sống. Có khi nào cậu quay lại đây không?”. Tôi hỏi: “Nếu không thì có lỗi hả thầy?”.
Tôi vào ký túc xá tìm thằng cháu ở trọ. Vẫn như xưa. Trường có nhiều lao công nên thời gian chẳng thể làm cho xanh rêu. Bố Hai bảo vệ ký túc xá ngày xưa đã nghỉ. Bố ngày xưa biết tôi không có tiền, có khi đưa về nhà ăn cơm hằng tháng. Tôi nợ bố nhiều, chưa trả từ dạo ấy dù chỉ một lá thư.
Bố ngày nay: “Nhà báo à, nhà báo viết đơn tạm trú đi. Để cả thẻ đây nữa. Gì? Không mất đâu mà sợ”. Tôi mời bố hút thuốc. “Cảm ơn, tôi kiêng. Anh đợi chứ thằng Tú đi học chưa về. Mà anh là gì của nó nhỉ? À, bà con à. Anh bêu nó lên báo là vừa rồi. Nó ăn cắp đến cái quần lót của bạn bè. Một lần nữa là chúng tôi đuổi thẳng”. Tôi xin phép về phòng thằng Tú. Cửa khóa. Nhận ra mình đang buồn kinh khủng. Hoa sứ nở như mây. Dưới những gốc sứ này, ngày xưa, tụi tôi thường ngồi nghêu ngao: “Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp...”.
Hoa sứ nở như mây. Hồi đó sinh nhật My, tôi không có tiền, đành tặng chùm hoa sứ. Tặng rồi thấy nhục. Tự xỉ vả mình nghèo mà làm bộ lãng mạn không ai bằng. My ép sâu nhành hoa vào tim. Ba ngày sau, My khoe tôi, sứ vẫn còn trinh nguyên đến nức lòng. Tôi ngốc nghếch nghĩ rằng, dễ đến mười năm sau hay lâu hơn nữa cũng không biết chừng, sứ vẫn làm nức lòng người như thế.
3. Tôi không chờ thằng Tú nữa. Nơi ở ngày xưa bỗng quen bỗng lạ thế nào. Tôi gởi bố ký túc xá cho thằng Tú hai trăm ngàn, nhắn nó rằng hành trình đi đến con người khổ thì có, chứ nhục thì không.
Trời chiều, cái lạnh xuống dần. Lạnh đầu đông nhè nhẹ buồn buồn, phố hoang hiu. Tôi lang thang khắp nẻo đường. Này là đường Trưng Vương, này là đường Hoa Phượng Đỏ... vẫn như xưa. Mười năm sau hay lâu hơn nữa cũng không biết chừng đường có thay đổi không?
Tôi rẽ vào con đường không tên, trước mắt là nhà thầy chủ nhiệm. Vẫn như xưa, khác chăng là hoa leo phủ đầy mảnh sân bên hông nhà. Ngày xưa thầy nghèo. Thầy là người cha thứ hai của tôi sau bố, bố Hai. Còn cha đẻ tôi ư? Mẹ tôi ướm thử bàn chân vào dấu chân trên cánh đồng mà sinh ra tôi. Nhưng dấu chân bà ướm là dấu chân của kẻ lãng du vô danh.
Ngày xưa thầy nghèo, phải nuôi vợ học cao học. Thầy không tiếc gì với tôi. Có lẽ tôi không thể học hết bốn năm nếu không có thầy. Trong tôi luôn đau nỗi đau hoài niệm về hai người cha. Nhà thầy phủ đầy hoa leo, gió chiều xào xạc nghe tĩnh lặng đến nao lòng. Trước mặt tôi là một ông già gầy guộc, ngồi xa xăm: “Anh tìm ai thế?”. “Thầy không nhận ra em sao?”. Lạnh nhè nhẹ. Gió khua xào xạc. “A! Đồng chí ở binh đoàn (...) phải không? Trời, vậy mà tôi tưởng đồng chí đã đi trong trận đó. May quá, vào đây”. Sao thế này? Tôi nghe nghèn nghẹn. Thầy dạy văn học Việt Nam 1945-1975, thầy giảng tinh thần yêu nước, học trò ngồi cười khúc khích. Một thế hệ không phải hít khói chiến tranh, nghĩ chiến tranh là phim ảnh. Thầy dạy hay có lẽ trong lời giảng có một phần tuổi trẻ của thầy mang hào khí Trường Sơn chăng?
Vợ thầy bảo thầy là một minh dụ cho di chứng chiến tranh! Nỗi ám ảnh chiến tranh. Mảnh đạn trong đầu bây giờ phát huy tác dụng. Một tiến sĩ không còn nhớ hiện thực. Chỉ còn quá khứ đứt đoạn.
Nói chuyện với cô đến chập tối, cô giữ lại chơi nhưng tôi vẫn xin phép đi.
4. Tôi gõ cửa nhà bố Hai. Nhà không còn tạm bợ nữa. Có cửa kính, có mấy lồng chim véo von làm vui trong phạm vi tự giam mình. Con bé hé cửa gật đầu chào. “Nhà này ông Hai bán lại cho nhà cháu. Vợ chồng ông về Bắc hồi năm ngoái”.
Thế đấy! Tôi lại lang thang. Tự hỏi rằng bao giờ cho đến bao giờ...
Bảy giờ tối tôi mới thuê được nhà trọ. Lưng nhà hướng ra biển, nghe biển vọng ầm ào. Phòng tôi thuê cuối dãy, bà chủ khoe nhà sạch, phòng bên có hai sinh viên thuê vui lắm. Tôi bảo không ở nhiều đâu, bà chủ đi rồi tôi đóng cửa để nguyên quần áo đổ vật xuống giường. Có cảm giác mình đang rơi từ máy bay, bao nhiêu chuyện đã qua là những đám mây đang lơ lửng...
Tiếng cãi nhau. Tôi không quan tâm. Rồi loảng xoảng, gào thét ở phòng bên. Phòng một chàng và một nàng sinh viên.
Nàng: Cút đi, đồ ăn thịt người.
Chàng: Khôn hồn thì dẹp thói ghen bậy đi. Mày xem tao đi làm như con chó chứ phải ở không như mày mà đú đởn.
Tiếng khóc lóc, tiếng dắt xe đạp. Hình như chàng đi. Không buồn, không vui, tôi nằm nhìn ra phía biển đen thẳm, biển vọng ầm ào.
Điện thoại reo. Một đồng nghiệp gọi về từ nơi đang tham quan. “Lệ bị tai nạn”. Tôi thảng thốt: “Tại sao?”. “Lệ đi chơi với Khánh bị xe tông... Lỗi tại mày đó”. “Lỗi à”. Rồi không nghe được gì nữa.
Đêm ấy tôi ra biển.
Ngoài đảo kia là tượng đá vọng phu sừng sững. Ánh sáng từ tàu thuyền rọi hình đá lúc mờ lúc tỏ như ma. Từ Bắc đến Nam vùng nào cũng có đá vọng phu. Tôi nhớ Lệ. Tôi nhớ lời người đồng nghiệp gọi vào. Tôi không hiểu nổi mình.
Biển mùa đông lạnh và vắng. Nếu có rượu lúc này tôi sẽ uống hết cả chai. Một con bé mười lăm mười sáu, mặt đầy phấn sà xuống bên cạnh “Sao anh buồn dữ? Em ngồi với anh nghe”. Tôi gào “Cút đi”. Con bé giật mình rồi ôm mặt khóc. Tiếng khóc còn trong lắm. Cá sấu không thể khóc được như thế. Sao mà giống tiếng khóc của My ngày xưa. My khóc ướt vai tôi ngày em theo gia đình sang Mỹ định cư. My tốt với tôi vô cùng trong khi tôi nghèo rớt. My nói rằng tôi cố đợi, giá nào mình cũng lấy nhau. Tôi đợi. Một tượng đá chờ đợi nhưng là giống đá đực. Và từ ngày My đi coi như là My đã đi, không một lần nhìn lại. Cũng không biết bên Mỹ có hoa sứ làm nức lòng người hay không. Chuyện này tôi chưa kể cho Lệ nghe.
Tôi không thể nói được chuyện gì với con bé mặt đầy phấn, tôi không thể cho tiền nó, vì rằng nó biết khóc là biết nhục rồi. Tôi bảo nó để tôi yên.
5. Khuya.
Tôi về nhà trọ. Phố đã ngủ. Phố lạnh hoang hiu. Tôi không bật đèn nữa, nằm trong bóng tối để nghe biển. Phòng bên tiếng thở, tiếng thì thầm.
Nàng: Động đến là uống rượu.
Chàng: Uống cho biết tay. Từ nay đừng lắm chuyện nữa.
Trở mình.
Nàng: Buông ra, hôi rượu lắm... Ngủ đi, mai còn đi học.
Chàng: Hai tiết đầu ngày mai chán bỏ mẹ. Ước gì học ngày hai buổi, hết năm nay ra trường quách.
Nàng: Mong ra làm gì? Ra rồi mà vù với con khác à?
Chàng: Không nói trước được.
Nàng: Khốn nạn nhé . Tôi...
Tiếng nàng tắt. Lại thở.
Chàng: Khốn nạn này, khốn nạn này ...
Nàng: Á... á... Đồ hiếp...
Tôi hoảng hốt trùm chăn kín đầu. Ngoài kia gió lồng lên hoang dại. Tình yêu mang những khuôn mặt nào? Bao nhiêu kỷ niệm ùa về, bao nhiêu chuyện chồng chéo nhau từng mảng. Nghe gió, nghe biển, nghe chạnh lòng. Mình lạc loài quá.
Không ngủ được. Tôi vùng dậy bật đèn, viết:
“Tôi vẽ gương mặt tôi buồn/ Như mùa xuân đến muộn/ Nỗi buồn chưa ai gọi tên/ Tôi vẽ mối tình đã quen/ Ngô nghê đến tội/ Xa nhau rồi chẳng hiểu tại sao...”.
Câu thơ gãy chừng ở đó. Tôi thường làm thơ, chuyên viết thơ tình, tình đã vỡ. Có thể mới được đăng báo. Tôi trùm chăn kín đầu. Đồng hồ gõ nhịp. Đã sang một ngày mới. Mai sẽ là một ngày mới. Không nghe đài dự báo nên chẳng biết ngày mai có nắng lên không, hay là vẫn âm u như những ngày này. Ngày mai tôi lại lên xe rời thành phố. Còn hai ngày nghỉ nữa. Bây giờ cũng chưa biết ghé chỗ Lệ hay về cơ quan với ma trận công việc. Nhưng ngày mai tôi lại lên xe rời thành phố, mang theo một nỗi buồn, ngoài ra chẳng có gì thêm.