Chim sâm cầm chưa về
lưu sơn minh
"Cô vọng ngôn chi, cô thính chi" (1)
Thái sư Lê Văn Thịnh tỉnh dậy đã lâu nhưng còn nằm yên trên sập. Bao lâu nay ông mới lại được hưởng cái tĩnh mịch của buổi sáng sớm. Trời ngoài kia tối mờ. Qua cánh màn, ông vẫn nhận ra chút hương ẩm ẩm của cơn mưa bụi đầu xuân. Hình như có hai ả thị nữ đang thì thầm trò chuyện "Này, năm nay sâm cầm bay đi sớm nhỉ!". Thế đấy, nửa năm nữa, sâm cầm mới lại bay về... Đã bao lần Lê Văn Thịnh định viết một bài thơ về loại chim quý ấy và về sương khói hồ Dâm Đàm nhưng chẳng bao giờ ông làm được, ngay cả thú vui ngâm ngợi ngày xưa cũng không còn. Ông tự hứa với mình sẽ viết bài thơ ấy trong mùa sâm cầm năm nay,... nhất định thế.
Sử chép rằng, kể từ ngày đức Ngô Vương xây nghiệp lớn, năm ất Mão nước Nam mới có một khoa thi chọn người tài. Sĩ tử bốn phương hăm hở ra đi. Thi để hiển lộ tài năng của mình, để cho người phương Bắc hiểu rằng, nước Nam này thiếu gì tuấn kiệt.
Thế rồi ngày truyền lô đã đến. Khắp thiên hạ đồn rằng Lê Văn Thịnh đỗ Minh kinh bác học (2). Làng trên xóm dưới đến chúc mừng rồi lại tiễn chàng trai trẻ lên đường về Kinh nhậm lấy việc dạy đức ấu quân học hành. Người thầy già chỉ nắm lấy tay Lê Văn Thịnh dặn mỗi một câu: "Con ơi, cố mà nhớ lấy gương Phạm Lãi làm răn". Người ra đi ôm nặng mối ưu tư về lời dặn của thầy tới tận Thăng Long. Nhưng những lo ngại thoắt tan biến ngay khi Lê Văn Thịnh đặt chân tới điện Thiên An. Đức vua trẻ con thân bước xuống để xem mặt và đón vị Minh kinh bác học. Tiêu thiều nhã nhạc tấu lên suốt buổi nhà vua đãi yến người học giỏi. Khi ấy, đức Thái hậu có lời ban khen rằng: "Nhà ngươi còn trẻ mà có công học hành chăm chỉ, vậy ta nhờ nhà ngươi dạy con ta thành một minh quân, liệu có làm nổi không?". Thịnh dập đầu binh binh, tâu: "Thần tài hèn sức mọn nay thọ ân đức triều đình, dẫu tan xương nát thịt chẳng dám chối từ". Thái hậu cười phất tay áo bỏ đi. Thịnh khẽ liếc mắt lên thì chỉ thoáng thấy bóng người tha thướt khuất trong điện, dáng nhẹ nhàng dẫu cung nữ 14, 15 cũng phải thua, Thịnh chỉ biết ngẩn người trông theo.
*
Năm ấy, Lý Thường Kiệt đem quân sang tận Khâm Châu, Ung Châu đánh Tống. Khải hoàn trở về, Lý Thường Kiệt được vua và Thái hậu dẫn bá quan ra đón. Đức ông Thái úy tâu rằng: "Nay thần đem quân sang mà đánh trước cho bớt cái nhuệ khí của giặc. Nhưng chẳng bao lâu giặc ắt lại sang, xin bệ hạ phủ dụ muôn dân lo về sự đánh giữ...". Thái hậu phán: "Việc giữ yên bờ cõi ta cũng xin nhờ cả vào Thái úy thôi. Mong Thái úy chớ quên lời Tiên đế ủy thác". Lý Thường Kiệt lạy tạ thì đám quan láo nháo xung quanh tung hô ầm ĩ, rồi lại nịnh bợ nhặng lên như bầy quạ. Lê Văn Thịnh đứng giữa trăm quan mà lòng ngao ngán. Ngày trước, chúng đã từng tâng bốc Thái sư Lý Đạo Thành. Thế mà sau sự biến năm Quí Sửu, Thái sư phải ra trấn tận châu Nghệ An vì can vua, lại chính chúng hùa vào ca ngợi đức Thái hậu nhân từ...
Dần dần Thịnh mới hiểu rằng sống ở đời không biết uốn không xong. Chẳng phải ai cũng được cương trực như Đức ông Lý Thường Kiệt. Vậy mà người nghĩa đệ của Tiên đế gánh vác sự an nguy của xã tắc trên vai vẫn phải sợ những quyết định của bà Thái hậu thứ hai. Thịnh biết, quan Thái úy đành im lặng mà trông Thái hậu Thượng Dương bị giam rồi chết. Có đâu như Đức ông Đạo Thành là Thái sư thân trải mấy triều, đầu bạc phơ phơ lại phải vào tận Nghệ An trấn giữ... Cứ lẽ ấy mà sống, Thịnh luôn miệng khen với Thái hậu về sự thông minh của ông vua trẻ. Chỉ cần biết thế thôi, đường công danh của kẻ vừa có tài vừa biết uốn cũng lên nhanh chóng.
Tháng ba năm ấy, giữa ban ngày trời tối sầm xuống, ngửa bàn tay trước mặt mà không trông thấy, phải lúc lâu mới hết...
*
Đánh tan giặc Tống, Lý Thường Kiệt trở thành bậc đệ nhất công thần không cần bàn cãi. Bài thơ Thần truyền trong dân chúng lại được đám nho sĩ tán ầm lên hóa linh thiêng ghê gớm. Ngôi đền trên bờ sông Như Nguyệt hương khói ngày đêm không tắt. Có kẻ rỉ tai Lê Văn Thịnh: "Bẩm ân công, kẻ hèn này nghe rằng bài thơ ấy của Đức ông Thái úy". Thịnh bật cười: "Nhà ngươi liệu mà giữ mồm, giữ miệng!". Lại có vị khách lặn lội từ phủ Lạng Giang về thì thầm với Thịnh rằng bài thơ ấy chẳng phải của Đức ông Thường Kiệt. Thịnh mắng: "Nhà ngươi chỉ là người trần mắt thịt, chớ có dại dột mà bàn việc trên mây...".
Cả hai người ấy đều được Thịnh xếp vào hạng tân khách, đối đãi tử tế vô cùng.
Năm Bính Thìn, dân dã thấy đức Vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng thì hả lòng hả dạ. Bèn rủ nhau tâu lên rằng: "Non sông yên bình, dân an cư lạc nghiệp ấy là ơn đức Vua và Thái hậu...". Người khác vì thế chẳng dám nói gì nữa...
*
Ra làm quan được chín năm, phù tá ông vua trẻ 23 tuổi, Thịnh đã leo lên tới chức Binh bộ Thị lang. Danh tiếng trùm thiên hạ. Lại có kẻ nói rằng: "Bẩm ân công, nghe đâu Đức ông Thái úy bảo: "Thằng trẻ con măng sữa ấy biết gì đến sự đánh giặc mà lại lạm coi việc binh, mong ân công cẩn trọng". Thịnh lừ mắt nói: "Ta thương ngươi tận tụy đã lâu, bằng không sẽ bắt sang dinh Thái úy mà hành tội". Kẻ kia kinh hãi, từ đó không dám bép xép gì nữa.
Thịnh nuôi một gia nô người nước Đại Lý. Thường sai múa võ trước sân để xem. Lại khi buồn, bắt phải nói tiếng Đại Lý líu lô để mua vui. Thường vỗ vai mà khen rằng: "Đây là hổ tướng của ta!".
Giữa mùa oi bức, Lê Văn Thịnh vâng chiếu lên bàn việc cương giới nhà Tống. Vào gặp sứ Tống, Thịnh chỉ dẫn theo gã gia nô là yên lòng như đem quân trăm vạn. Mấy tháng trời bàn đi tính lại, nhà Tống chịu trả sáu huyện ba động. Sứ Tống hạ bút ghi tên mình rồi mới biết là dại bèn ngửa mặt lên trời than: "Ta thua trí phiên bang rồi". Sứ về Kinh phục chỉ nghe con trẻ hát rằng: "Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên" thì uất quá ốm mấy phen tưởng chết... Thịnh trở về, chỉ một năm sau lên tới chức Thái sư. Hôm mừng quan tân Thái sư, có một vị khách tóc bạc phơ mà mặt trẻ như hai mươi tuổi rỉ tai Thịnh: "Mong Đức ông nhớ lấy gương Đức ông Đạo Thành mà tính sự tiến lui". Thịnh quát: "Nhà ngươi già mà nói năng như trẻ con. Ta nay sự nghiệp hiển vinh, lại là thầy dạy Đức vua, há phải lo việc ấy sao?". Người kia nói mấy câu điên dại rồi bỏ đi, Thịnh cũng chẳng thèm để ý. Lũ lính thì thào rằng, người ấy ra cửa phủ thì biến mất. Nhưng chẳng ai dám kể với Thịnh như thế cả.
*
Trong dân có cáo thị của triều đình về việc dâng những vật quái lạ để đổi lấy quan tước. Người thì vì thế mà giàu sang phú quý, người lại bỏ xác rừng sâu núi thẳm hay đáy biển mịt mùng. Đám nho sĩ đặt ra câu hát cho trẻ chăn trâu rằng:
"Voi gì sắc trắng
Hổ gì sắc xanh
Trời sinh quái lạ
Hóa báu liên thành
Xe xe ngựa ngựa
Võng lọng uy linh
Thái sư há kể
Thấu oan dân lành..."
Gia nhân hát lại cho Lê Văn Thịnh nghe. Chỉ thấy Thịnh cười lạnh mà rằng: "Vậy có ai thấu được cái oan của Thái sư không?". Gia nhân ra đến ngoài sân vẫn còn dựng tóc gáy.
*
Hai chục năm, Lê Văn Thịnh quyền hành nghiêng nước. Những tân khách ngày xưa chẳng còn thấy mặt đâu nữa. Tâm phúc bây giờ còn mỗi gã gia nô Đại Lý lầm lì cả ngày chẳng nói. Quan lại trong triều do Thịnh đích thân chọn lấy.
Vua đã lớn mà không có thực quyền, mới tâu với Thái hậu mà hỏi mưu lược. Từ ấy Vua chuyên lo vào sự cắt bớt vây cánh của Thịnh. Chẳng hóa ra mắc vòng kiềm tỏa, Thịnh nổi giận đùng đùng. Vì thế thường trút cơn bực tức vào đám gia nô vô phúc cho hả. Đức Vua và Thái hậu ngoài mặt vẫn lắng nghe nhưng xuống chiếu vào ý chỉ trái ngược với Thịnh. Thịnh biết ấy là mưu của Thái hậu mà không làm gì được. Đức độ của Thái hậu đã được dân gian truyền tụng từ ngày bà còn là Nguyên phi nhiếp chính. Có lần, Thịnh đập bàn mắng: "Mụ già luôn miệng nói giáo lý nhà Phật cao xa. Vậy mà giết đức Thượng Dương với đám cung nữ thì biện hộ là gì?". Nói xong mới thấy dại, Thịnh nháo nhác dòm các cửa xem có kẻ nào nghe trộm không. Chẳng thấy có ai nhưng Thịnh vẫn còn lo lắng lắm...
Tự nghĩ chưa làm được lợi cho dân chúng bèn dâng sớ can vua việc xây thêm chùa chiền mới. Chẳng có ích gì lại còn chuốc thêm mối thù của Thái hậu vào thân...
*
Sau Tết Bính Tý, gần ba tháng trời vua không cho Lê Văn Thịnh vào gặp. Biểu, sớ dâng lên đều bị đám cận thần lờ đi. Thịnh nhân thế thường ra hồ Dâm Đàm chơi. Lòng nhớ lời thầy dặn ngày xưa mới quyết ý từ quan theo gương Phạm Lãi. Chợt một hôm được gia nhân báo rằng vua đi thuyền nhỏ ra chơi hồ, bèn mặc phẩm phục chỉnh tề rồi sai gã gia nô Đại Lý chở ra để gặp riêng vua. Cạnh thuyền ngự lại còn một chiếc thúng nhỏ, hình như của dân chài lưới. Bỗng đâu thuyền vua tròng trành như trong cơn gió xoáy, Thịnh đốc thúc gã gia nô chèo thật nhanh để ra cứu giá. Tới giữa hồ, Thịnh vội vã nhảy qua thuyền vua. Chợt thấy cung nữ hô: "Thích khách". Thịnh giật mình thì đã nằm gọn trong lưới sắt. Gã gia nô gầm lên lao sang cứu cũng bị chụp luôn vào lưới. Vua từ trong thuyền bước ra thì tên chài đã tâu rằng: "Có kẻ hóa hổ định làm hại đức vua". Thịnh nghe xong choáng váng, thấy sương hồ Dâm Đàm giăng kín như bức trường thành khôn thoát...
Vua sai đóng cũi Thịnh trong sân rồng như loài ác thú. Lũ trẻ lại hát:
"Thái sư hóa hổ
Hổ hóa cá người
Mắc vào lưới nghiệt
Tan tành như chơi..."
Nằm trong cũi, Lê Văn Thịnh nghĩ miên man, lo cho gia đình vì mình mắc họa bèn gọi một người lính canh để hỏi han tin tức. Lính canh quát: "Anh tôi hỏi thẳng với ông về cái vạ sát thân rồi chẳng còn ai được gặp mặt. Lẽ nào tôi lại mắc vào cái lỗi ấy hóa ra phụ vong linh anh tôi sao?", đoạn không nói gì thêm nữa. Ngờ đâu có người mang sẵn hiềm khích trông thấy mới tâu lên Đức vua. Tên lính bị khép vào tội tư thông gian tặc phải chém đầu. Trước khi chết tên lính mắng rằng: "Cái vật bất tường này thật gây hại cho người ta quá lắm"...
Đức vua nghĩ đến công lao Thịnh dạy dỗ mình bèn xuống chiếu tha cho tội chết, đày cả nhà lên xứ Thao Giang. Bầu đoàn thê tử kéo đi xa rồi, Thịnh còn tần ngần nhìn về hướng kinh thành. Chỉ thấy phía ấy mây trắng trôi... trôi... Bèn than rằng: "Vậy là chẳng còn được trông sâm cầm bay về nữa...". Lính áp giải kể rằng giữa đường Thịnh làm lễ khóc những người nói thật ngày xưa. Sau rồi chẳng còn thấy ai kể về Thịnh cả. Chỉ biết rằng gã chài tên Mục Thận được phong quan cao chức trọng thường bảo con trai rằng: "Con phải hiểu thế nào là thuật chài lưới. Ta quăng lưới có khi chỉ được tép tôm mà có khi nên công nghiệp. Duy là phải biết nghe mà thuận, con ạ"...
Chuyện có lẽ chỉ nên dừng ở đây. Chỉ cần kể thêm rằng sau này, Lý Nhân Tông không con phải lập cháu lên kế vị. Nhà Lý từ ấy mà suy...
Tháng Ba, Giáp Tuất
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Nói láo mà chơi, nghe láo chơi. (Đề từ của Liêu trai chí dị).
(2) Minh kinh bác học: Như Trạng nguyên sau này.