Linh Mục Người Là Ai 2
lãmộngthường
Linh Mục Người Là Ai 2
.
LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? 2
Thay lời tựa
CHIẾC ÁO NHÀ TU DƯỚI MẮT MỘT NGƯỜI NGOẠI ĐẠO
Trong cuộc đời cầm bút, chúng tôi đã nhiều lần nhận được những tác phẩm văn chương, văn học nghệ thuật và chính trị từ các văn hữu, thân hữu quen biết gửi tặng sau khi sách vừa in xong đem phát hành với lời yêu cầu chúng tôi viết giới thiệu ấn phẩm trước bạn đọc bốn phương. Đôi khi cũng có một số tác giả, qua mối giao tình sẵn có lâu ngày, đặc biệt tín nhiệm, trao bản thảo cho đọc trước và muốn chúng tôi nêu ra những nhận định về nội dung tác phẩm.
Nhưng trường hợp của lần này lại không hẳn là như vậy. Trước nay chúng tôi chưa từng có cái cơ may được trùng phùng với tác giả Lã Mộng Thường, cho dù chỉ một lần. Ông là một nhà văn trên ngôn đàn Việt Nam hải ngoại, từng xuất bản nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang rộng rãi. Còn chúng tôi chỉ là một nhà báo tầm thường đã tàn theo dòng thời gian từ sau ngày Miền Nam không còn là Miền Nam của chúng ta nữa!
Vào một ngày cuối thu 1993, sống thân tầm gửi nơi phương trời Luân Đôn, Anh quốc, tình cờ chúng tôi nhận được cuốn Hương Hoa Dân Việt đặt bên bút hiệu Lã Mộng Thường, từ tay một người bạn trao lại. Có lẽ tiết trời giá lạnh, gió mưa và sương mù giăng tỏa mịt mờ nên lòng kẻ tha hương lưu lạc cũng vì thế mà thêm ngậm ngùi, khiến tựa đề sách ấy đã là một nguồn hấp dẫn thu hút mảnh hồn riêng. Chỉ mới lần giở qua vài trang đầu, từ đọc... để mà đọc, đến... phải mải mê đọc, đã khiến cho chính cá nhân chúng tôi bỗng ngạc nhiên trước trạng thái tâm lý diễn ra ở mình. Cuốn sách quả là một công trình lý luận sắc bén, gọn gàng, chứng tỏ người viết đã đạt đến một khả năng nhận xét tinh tế về những người đồng chủng máu đỏ đầu đen Việt Nam. Và phải là kẻ mang nặng hồn dân tộc, thiết tha với giang sơn nòi giống mới có thể xúc cảm dựa vào những câu ca dao tục ngữ của quê hương xứ sở để diễn tả thật phong phú, thật linh động về những nét văn hóa, văn hiến, phong tục, đạo lý, gia đình huyết thống... đất Việt ngàn xưa. Thật vậy, chưa bao giờ người đọc lại đã bắt gặp hàng trăm câu ca dao xúc tích được sưu tầm công phu, được gói ghém trong cùng một tác phẩm - nếu đem so sánh với những cuốn sách được mệnh danh là nguồn gốc "Văn chương bình dân" hay "tinh hoa ngôn ngữ Việt" đã xuất bản trong nhiều thập niên qua.
Chúng tôi không dấu được niềm mến mộ tác phẩm, và qua tác phẩm, là người, là tác giả.
Chính vì lẽ đó, chúng tôi nẩy ý tìm đọc tiếp những sách khác của cùng một người viết. Trong đó, cuốn Linh Mục, Người Là Ai? (quyển thượng) đã khiến chúng tôi một phần nào vì tò mò mà cứ muốn phải đọc đến trước! Khi trang sách cuối cùng được khép lại, kẻ cầm bút xưa kia nay là độc giả - như chúng tôi - không ngăn được niềm rung động khắc khoải, vô cùng cảm thông với tác giả, đã vội lượm bút lên viết đôi lời trao đổi với nhà văn Lã Mộng Thường. Đúng ra ông là một nhà tu hành ở ngoài đời - linh mục Trần Đoàn, cha phó xứ một họ đạo người Mỹ ở vùng Biloxi, Hoa Kỳ. Song để cho được chính danh, cứ phải đặt ông vào vị thế đúng nghĩa hơn: "một linh mục văn nghệ sĩ"!
Mối duyên văn nghệ quả là ghê gớm thật!
Đời đáng chán hay không đáng chán thì chưa hẳn biết.
Chỉ biết rằng, từ lâu rồi chúng tôi chôn bút, nay cứ phải đào lên. Cứ như các vị đồng hương ta ngày trước giồng thuốc lào trên mảnh đất Cái Sắn ấy mà. Từ trồng tỉa đến... bắt say khói thuốc, để rồi, năm lần bẩy lượt, hết chôn điếu lần này lại đào điếu lên lần khác, tìm lại chút hương khói... Yên sĩ phi lý thuần! Khói thuốc hay... khói văn chương thì cũng thế, sao nó có mãnh lực kinh thiên quyện hồn người ta về với nhau, làm cho say, cho trời đất lăn quay, cho quên nỗi nhà tan nước mất, cho quên nghịch cảnh người Việt lần rơi cội nguồn, quên đi tình đời bạc bẽo, chán ngán. Có điều... say văn chương lại phức tạp, phiền lụy bội phần. Tác dụng cao điểm ở nó không cho phép người cầm bút lang thang vất vưởng như người tráng sĩ đất Tiêu Sơn, Phạm Thái ôm bầu rượu, say khướt, toan đi tìm lại bằng được nàng Trương Quỳnh Như dưới đáy mồ thuở nhà Tây Sơn còn hưng thịnh. Tác dụng say của văn chương dục dã người ta nối lại giao tình. Xa ngàn dặm vẫn trong gang tấc, buộc người ta phụ họa, tiếp tay nhau, kể cả phải lên tiếng cổ võ, nếu cần. Nó không còn là một lời khen tặng xã giao tầm thường. Nó thực là tình cảm, tình nghĩa, chất phác, hồn nhiên và tuyệt đỉnh chân thành. Muốn hình dung rõ hơn, cái say của văn chương biểu lộ thắm thiết ý chí đoàn kết mà không cần rêu rao giữa những người làm văn nghệ có tâm hồn. Nó hòa hợp giới cầm bút thành một khối mà không bao giờ cần phải biết đến hòa giải - như thường nghe, thấy, từ những kẻ đàng điếm ồn ào hô hào ở địa hạt chính trị!
Trong rung động ấy, chúng tôi tự coi như có bổn phận tìm đến với tác giả Lã Mộng Thường. Và khi cuốn Linh Mục, Người Là Ai? tập II này được nhà xuất bản danh tiếng Xuân Thu chuẩn bị lên khuôn, nhà văn nghệ sĩ LMT từ Mỹ quốc đã gửi bản thảo sang Luân Đôn cho chúng tôi đọc. Vì với tập đầu đã in, người đọc cảm thấy vẫn chưa đủ, chưa thỏa mãn mối tò mò muốn biết, chưa nói hết nỗi lòng của đa số những nhà truyền giáo - con yêu của Chúa, trong đó, đặc biệt nổi bật khuôn mặt của linh mục tác giả.
Suốt 252 trang sách của cuốn Thượng và có lẽ cùng một số lượng hơn kém tương tự của tập bản thảo cuốn Hạ, tác giả đã phơi bầy nỗi niềm chứa chất trong lòng một tu sĩ có thiên chức rao giảng và truyền bá đức tin vào Thiên Chúa đến các tín đồ Ky-Tô giáo, và rộng hơn thế nữa. Xưa nay, nếu không nhắc ra, người đời cứ lầm nghĩ đằng sau giáo đường là cả một sự yên lặng tuyệt đối. Các tu sĩ chỉ có một số bổn phận mục vụ hạn hẹp, dung dị, ngoài việc "thưa kinh" và dốc lòng kính yêu Chúa. Khi đôi cánh cửa nhà thờ khép kín thì vạn vật đắm chìm trong im lìm, không có đến cả một tiếng động nhỏ. Mọi sự đều cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Sự thật, lại không phải thế!
Giữa linh mục và giáo dân luôn luôn gắn bó như hình với bóng trong đời sống hàng ngày. Linh mục không chỉ là vị thừa sai của Chúa mà còn là một thừa sai của giới con chiên. Một "đầu sai" thì đúng hơn. Khi bóng hạnh phúc tỏa được dưới mái gia đình giáo dân thì không sao. Nhược bằng hễ hơi có một chút bất hạnh nhỏ nhoi nào, chẳng hạn cơm không lành canh không ngọt hay có chuyện lục đục giữa cha mẹ và đám con cái hư hỏng, ngỗ ngược, hoặc tật bệnh, tai nạn giáng họa lẫn thần chết sập đến thì linh mục bỗng trở thành mục tiêu tối cần thiết, trọng yếu nhất để giáo dân tìm đến như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc. Ngày lẫn đêm, những linh mục chánh xứ, phó xứ thật khó được nghỉ ngơi trọn vẹn. Suốt 24 tiếng của thời gian trong ngày, linh mục không khác một người lính trấn thủ lưu đồn: Tiếng điện thoại reo vang giữa đêm trường khuya khoắc buốt lạnh thay cho tiếng súng địch quân khai hỏa - từ một bệnh viện gọi tới như một mệnh lệnh vô hình buộc linh mục choàng dậy, tức tốc lái xe đến nơi cầu cứu, vì tại đây một con bệnh thập tử nhất sinh trước phút lìa trần đã có một ước nguyện cuối đời được nhận phép bí tích để linh hồn có thể thanh thoát trở về nước Chúa! Lại có trường hợp éo le, nữ bệnh nhân tâm thần vì thất tình, nửa hôm nửa khuya khóc vùi ai oán, một hai đòi đập đầu tự tử, và lại quyết liệt kháng cự, không cho phép bác sĩ cùng y tá lại gần, khiến chẳng còn cách nào tốt hơn là cứ phải triệu thỉnh linh mục đến. Những lời khuyên giải của người đời vào những lúc này còn chẳng ăn ai huống hồ là... linh mục! Thế nhưng, người ta phải ghi nhận rằng, trong rất nhiều trường hợp tương tự không ai hoàn thành êm đềm sứ mệnh tốt hơn là các nhà tu hành dù các vị ấy đã thực sự lìa bỏ tình trường, không có lấy một mảy may kinh nghiệm. Thì ra tình yêu cao cả ở Thiên Chúa đối với nhân loại đã bao trùm trên mọi thứ tình yêu của loài người. Thấm nhuần Lời Chúa, với đức tin ngời sáng, linh mục vẫn có thể đóng trọn thiên chức của mình trong vấn đề gỡ rối tơ lòng và chận đứng cái chết.
Nhưng ngao ngán thay, chính vì cái tuyệt vời, cái huyền diệu ở người tu sĩ sứ giả mà vì sức người có hạn cùng thời giờ eo hẹp đã không cho phép cùng lúc đến với đại thể đông đảo giáo dân vốn có quá nhiều vấn đề phức tạp nên từ đó cũng thật khó tránh miệng tiếng của người đời lắm chuyện! Và một khi... thân này ví xẻ làm đôi được, không là điều có thể thực hiện trong thực tế, thì cảnh hờn lẫy ganh tị cũng bắt nguồn từ đấy. Cuộc đời đã rắc rối càng thêm rắc rối hơn. Chuyện thị phi yêu nên tốt, không vừa lòng thì trở thành xấu, dệt thành điều kia tiếng nọ - đã làm khổ tâm biết bao tâm hồn linh mục! Có ai ngờ chuyện "nàng dâu mẹ chồng" chỉ xẩy ra dưới mái gia đình người đời đã là một đầu đề... cười ra nước mắt nơi chốn giáo đường tôn nghiêm! Có điều, ở nơi kia, giỏi lắm, nàng dâu chỉ có một mẹ chồng khó tính để phục dịch, hầu hạ; còn linh mục lại có đến hằng hà sa số "những bà mẹ chồng" thuộc mọi lứa tuổi, đẳng cấp, và tính tình!
Hầu hết, xưa nay, các nhà tu sĩ chỉ biết cúi đầu quỳ dưới chân Chúa và cầu nguyện. Ước mong được soi sáng, mạnh dạn và kiên trì làm rạng rỡ đức tin nơi Ngài bởi dù sao linh mục cũng chỉ là người. Song, nhờ vào đức tin kỳ diệu, linh mục thoát ra khỏi bản ngã thông thường và tầm thường của con người để đứng trên thế nhân!
Tuyệt đại đa số các linh mục không bao giờ lên tiếng giải thích, minh xác. Nhưng bây giờ linh mục Trần Đoàn, tức tác giả Lã Mộng Thường, với nét nhìn riêng biệt ở ông trước thực tế xã hội Tây Phương ngày nay mà mọi người chúng ta đang buộc lòng hòa vào để sống, để hành đạo - ông thành thực, can đảm nêu ra.
Theo dõi tác phẩm ông viết với cơ man tình tiết dẫn chứng lâm ly, kể đến cả những nỗi niềm quái dị của ngọn triều dân chủ, bình đẳng đòi quyền cho người đàn bà được trở thành linh mục như phái nam, chắc chắn không một bạn đọc nào, cho dù thuộc tôn giáo nào, lại không cảm thấy thích thú như đang đọc một trường thiên tiểu thuyết xã hội! Với một bút pháp vững vàng, một lý luận đanh thép mà nhẹ nhàng lại sở trường áp dụng các lời ca dao, tục ngữ mộc mạc - người tác giả ấy đã thành công duyên dáng khi đề cập đến một vấn đề hết sức tâm lý, khó ăn khó nói.
Vâng, chẳng thế mà khi ghi lại đôi giòng giới thiệu cho cuốn Linh Mục, Người Là Aĩ? (tập đầu), nữ văn sĩ Lê Thao Chuyên đã mượn lời thiên hạ (hay của chính nhà văn?) thường gọi Lã Mộng Thường là "cha cao bồi"! Chỉ vì tác giả linh mục văn nghệ sĩ ấy đã dám sống thật, nói thật và viết thật!
Chúng tôi không dám luận bàn thêm về sự đùa cợt thật dễ mến ấy về mặt văn nghệ - có nhiều phần pha mầu cay đắng của tình đời. Chỉ xin giản dị thưa rằng, làm người Việt Nam khó thật; làm linh mục càng thập phần khó hơn. Biết sao cho vừa lòng người!? Thôi thì, xin cứ nhìn vào hình ảnh nhiệm mầu của Đức Phật và Thiên Chúa để suy gẫm việc đời. Các Ngài đã có 2.000 năm (Ky-Tô giáo) và 2.500 năm (Phật giáo) truyền đạo. Thế nhưng trong nhân loại vẫn chia thành tỉ người này theo hướng này và tỉ người kia theo hướng khác; hà huống là người thế tục đặt vấn đề với người thế tục!
Vậy thì mong rằng cái biệt danh gán ghép cho linh mục Trần Đoàn không vì thế mà làm chùn ngòi bút trong tay linh mục tác giả Lã Mộng Thường.
Bằng chứng là, giờ đây, nhà văn đã vừa đạt được một giấc mộng đẹp tuyệt vời: viết ra những điều chân thật, nghiêm chỉnh - ngân vang như tiếng chuông nhà thờ, mà xưa nay chưa từng ai dám dấn bước vào.
Giấc MỘNG ấy không THƯỜNG nữa như ông đã khiêm nhường chọn làm bút hiệu cho cuộc đời cầm bút của ông!
Luân Đôn, một ngày cuối thu 1993
MẠC KINH
(Chủ nhiệm, chủ bút Nhật Báo Dân Chúng, Sàigòn, VN; 1957-1970)