Đàn bà, con gái Việt Nam từ ngày rời xa quê nhà, sang xứ lạ thật đã chịu nhiều thay đổi, gần như toàn diện. Rất ít người được giữ nguyên bản chất ngày xưa của mình. Địa vị trong gia đình được nâng lên ngang với chồng, vốn luôn luôn là chủ gia đình. Được tham gia vào đời sống xã hội như tất cả mọi người…đàn ông. Trong gia đình, được chồng cho tham dự vào liên hệ kinh tế, được cùng chồng tham khảo, bàn tính về những dự tính làm ăn lớn, nhỏ hay những thay đổi nơi ăn, chốn ở. Được phép có ý kiến với chồng về việc giáo dục con cái. Đàn bà vẫn là …đàn bà. Nhưng không bị đè bẹp bởi người chồng với cái thành kiến trọng nam khinh nữ của người Việt Nam và đàn bà không đã không còn đơn thuần là một cái …máy đẻ, một vú em, một con sen.
Được như vậy sau một cuộc đổi đời, kể ra cũng mãn nguyện lắm rồi. Riêng tôi, không còn một đòi hỏi nào. Song những thay đổi đó có tính cách …quốc gia đại sự. Cạnh đó là hằng hà sa số những thay đổi rất ….đàn bà mà cũng coi như rất là quan trọng. Đàn bà là một sinh vật được sinh ra để làm …đẹp cho cuộc đời, để an ủi người Adam, để sinh con đẻ cái gìn giữ cái …giống nòi. Người đàn bà là bóng dáng của hạnh phúc mà trong đó ấn chứa những …rắc rối của cuộc đời. Một ông Tây đã làm phim “Et Dieu créa la femme” (và Chúa đã sinh ra đàn bà). Rồi các ông Tây lại suy diễn thêm từ đó “Et la femme créa la salade” (và người đàn bà đã …làm ra đĩa salade). Loại salade mix. Tùm lum thứ ở trỏng.
Người Mỹ luận về đàn bà ra sao, tôi không biết chứ ông Lâu thỉnh thoảng lại chép miệng. Đàn bà…rắc rối bỏ mẹ. Ông Thiện nhẹ nhàng…không biết được các bà ra làm sao. Ông Thiêng lắc đầu…đàn bà là một …thứ…tàn nhẫn nhất. Ông Lâu ơi, đàn bà không rắc rối không phải là …đàn bà, mà đàn ông các ông cũng chưa chắc không rắc rối như…đàn bà, có khi còn hơn …đàn bà nữa. Ông Thiện làm sao biết, làm sao hiểu được đàn bà. Nếu ông biết, nếu ông hiểu thì ông đã chỉ yêu ngựa mà thôi chứ ông đâu có yêu vòng vòng cái kiểu…one way street như ông đã yêu. Còn ông Thiêng, tôi không thấy ai tàn nhẫn với ông, chỉ thấy ông dứt là dứt, hết là hết. Thấy cần, thấy nên là chấm dứt. Thế thì ông tàn nhẫn với đàn bà chứ đừng đổ thừa nghe ông thầy.
Tôi đồng ý hoàn toàn về nhận xét của 3 ông, kể cả của thầy Thiêng vì nói thì nói chứ tôi cũng biết đàn bà lúc cần xuống tay là xuống đẹp. Không thương tiếc. Song dù gì đi nữa tôi vẫn bênh vực đàn bà bởi đàn bà …nhỏ bé, mong manh đáng yêu và đáng được …tha thứ mọi lỗi lầm rắc rối…nếu có.
Trong khi các ông lo việc …quốc gia đại sự, giải phóng quê hương, bù đầu vì họp hành bầu bán thì đàn bà chúng tôi cũng có những mối lo phải …lo, phải sợ. Sợ mập, sợ xấu, sợ già, sợ chửa đẻ, nuôi con ở xứ này sợ cao máu, sợ cancer và sợ …rụng tóc. Trong tất cả các mối lo này. Tôi sợ nhất là …mập và …rụng tóc.
Thời con gái, nghĩa là cách đây …30 năm, tóc tôi đẹp lắm. Dầy, đen và mượt. Nhìn vào chả được cái gì ngoài mái tóc rất dài. Lúc di tản tôi mới ngoài 30, tóc vẫn còn dầy, còn đẹp, đó là nhờ gội đầu bằng chùm kết, chanh và nước mưa, nước giếng. Mỹ là gì có chùm kết, có giếng, mưa thì một năm được một ngày, mưa lún phún đến bực mình, hứng không đầy một thau. Nhập gia tuỳ …thủ tục, ai sao mình vậy. Thuốc gội đầu đủ mọi hiệu bán đầy chợ, hiệu nào cũng quảng cáo là nuôi tóc, là mọc tóc. Mua đại, gội đại chứ biết tin vào loại nào bây giờ. Và kết quả là tóc cứ dần dần rơi rụng theo ngày tháng. Đổi cả chục loại thuốc mà mỗi lần gội đầu tôi muốn khóc. Gội cũng rụng, chải cũng rớt cả nắm… Uốn quăn cho nó có vẻ nhiều. Đoan không chịu, Misa không chịu và khổ nhất là đối với khán thính giả, tôi không thể thiếu cái tóc quen thuộc. Tóc và tôi từ bao năm nay đã là một.
Đội tóc giả chụp một cái hình cũng đã gây bàn tán suýt xoa. Trẻ thì có trẻ ra nhưng không còn là …tôi nữa. Bà con không chịu. Lại cậy cục đi tìm hỏi thuốc …bôi đâu mọc đấy, kẻo cái …phi đạo trên đường ngôi đã rõ nét quá. Ai chỉ thứ gì mua thứ đó. Mua gội rồi đổi mua thứ khác. Mỗi loại 2, 3 chai, để đầy cả phòng tắm. Cũng không …ăn thua gì cả. Tiền cứ tốn mà tóc cứ rụng như thường. Phải nói là tôi quý , tôi thương mái tóc của tôi nhất vì như đã nói, ngoài mái tóc ra, tôi không có gì đẹp cả, và ngày nào tôi còn được đứng trên sân khấu, tôi còn phải giữ mái tóc rất …old fashion này, mái tóc rất nhà quê mà tôi rất yêu.
Tuy nhiên tôi cũng hiểu là khi tuổi đã lớn, không có gì bỗ dưỡng (vì tôi diet tối đa) thì từ da mặt đến tóc cũng không thể nào tốt tươi như thời con gái. Mỹ phẩm tôi không xài. Mỹ viện tôi không tới. Thuốc bổ tôi không uống. Ăn toàn thứ độc hại như …cà, sầu riêng, hồng. Toàn những thứ để lại trên da mặt tôi những tàn phá. Da mặt …Đoan tốt hơn tôi. Tóc Đoan dầy không tưởng được. Cứ phải vuốt cho …rụng bớt vì nhiều tóc, nhiều tội. Và Đoan chỉ gội đầu bằng …baby shampoo trong khi tôi tốn biết bao công sức đi tìm thuốc mọc tóc.
Bây giờ, lần này là lần chót, tôi vào ngay tiệm thuốc Tây của người Việt Nam và hỏi mua thuốc gội đầu. Được hay không được như ý tôi cũng không bao giờ nghe ai để phải …tốn tiền nữa. Kỳ rồi hát San Jose, Hà Cẩm Tú cho tôi một bộ tóc giả. Đội vào coi ngộ lắm. Lúc nào cần sẽ xài. Tuy vậy trong thâm tâm tôi vẫn mong là không đến nỗi và sẽ có một lúc nào đó. Mọi người cho phép tôi đổi kiểu tóc vì chẳng lẽ đã gần năm bó rồi mà từ năm đến sáu bó không lâu lắm đâu, tôi cứ để tóc thề hoài.
Phải công tâm mà nói, tôi là cái …rắc rối nhất trong gia đình. Đoan, Misa, Cu đều công nhận. Nội cái vụ rụng tóc của tôi cũng đã làm khổ chồng, con. Tóc rụng cùng khắp mọi nơi. Tóc làm hư luôn máy hút bụi và mỗi lần gửi băng đi, Đoan cứ cằn nhằn tóc tôi dính đầy băng keo dán trên thùng băng. Phải gỡ ra dán lại vì trông rất là …quái đản và bất lịch sự.
Khi nấu cơm, tôi bới hoặc cột ngược lên như mấy bà ….đánh ghen để mọi người khỏi ăn phải tóc tôi. Có lẽ đây là nỗi khổ tâm nhất của tôi từ mười mấy năm qua và các ông cho là …rắc rối.
Một trong những yếu điểm của đàn bà là hay lo. Lo cả những chuyện không đáng lo. Rồi từ chỗ đó làm khổ chồng con và khổ chính mình. Tôi lo cho các con tôi …lấy Mỹ. Lại ông Lâu. Các bà cứ lo con bò trắng răng, tụi nó yêu ai thì cho nó lấy, có gì đâu, chứ bộ Mỹ nó không phải là …người à. Đồng ý nhưng giá mà tụi nó lấy …mình thì …được hơn. Vẽ. Người mình thì đã chắc vì hay, Mỹ thì đã chắc gì xấu. Ừ…nhưng…không nhưng không nhị gì cả, tụi nó lớn, nó ưng ai là quyền tụi nó, ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, giờ tụi nó đặt đâu mình ngồi đó. Tôi nghe mà cay đắng trong lòng. Đoan cũng phải chịu điều ông Lâu nói là đúng. Nhưng con tôi mà, núm ruột của tôi mà. Con tôi mà lấy chồng, lấy vợ Mỹ, Mễ, Tây, Tầu chắc chắn là tôi phải buồn. Cái này thì các ông không thể cấm chúng tôi được.
Hãy tưởng tượng trong nhà có ông rể Mỹ. Ra nó …vỗ đít bố vợ một cái Hi Dad, vào, nó vỗ vai mẹ vợ Hi Mom thì chỉ …có thác. Mỹ nó tự nhiên mà, tụi nó coi chuyện đó là thường, với người mình thì không được. Đó là chưa kể tới cái màn trưa hè nóng nực, thằng rể chỉ trần xì một cái quần đùi nhỏ xíu, phơi nguyên bộ ngực lông lá như đười ươi trước mặt bố mẹ vợ. Chuyện đó cũng thường đối với Mỹ. Và nếu ở chung một nhà thì không thể không …điên lên được. Hoặc một cô con dâu Mỹ, đeo lấy bố chồng hôn chùn chụt good morning, xem mẹ chồng như người ở. Buồn buồn nàng …chơi một bộ bikini nhỏ bằng …nửa bàn tay, nằm chần dần giữa vườn phơi nắng. Phơi hết cả sự đời ra trước mắt bố mẹ chồng.
Ôi chỉ mới tưởng tượng thôi mà tóc tôi dù đã rất thưa, cũng dựng lên như gặp ma ấy thôi. Tôi là loại người không đến nỗi cổ lỗ sỉ. Trái lại là khác nhưng ở một điểm nào đó trong tình yêu của tôi dành cho các con tôi. Ước mơ của tôi là được ôm những đứa cháu nội, cháu ngoại cùng màu da. Tôi vẫn thấy “cái” tình nghĩa vợ chồng “nó” đằm thắm, thủy chung hơn. Tình yêu nếu chỉ đơn thuần là cái giường và kiểu tiền anh, tiền tôi thì đó chỉ là tình dục mà thôi. Như 2 con thú tìm đến nhau. Mà Mỹ hình như đa số sống theo cái lối đó, đến với nhau theo lối đó. Đông và Tây muôn đời không bao giờ gặp nhau ở điểm này.
Tôi may mắn đã có cháu nội tóc đen, da vàng. Song còn 2 trự nhỏ. Biết ra sao ngày sau. Tụi nó còn nhỏ nhưng rồi sẽ lớn, sẽ phải dựng vợ gả chồng. Biết có được như điều mình mong không. Nếu bảo rằng tôi quá lo hay quá sớm để mà suy nghĩ thì điều đó không đúng. Bởi tôi yêu con và dù tôi không được quyền tham dự vào gia đình hạnh phúc của con nhưng rủi mà có đứa khổ, bộ tôi vui được sao, tôi ngồi yên được sao. Có thể là khi con tôi đã có vợ có chồng, không cần đến mẹ nữa. Tôi chấp nhận mà vẫn nghĩ đến con.
Cái vấn đề là làm sao cắt nghĩa cho con hiểu điều mình mơ ước, làm sao hướng dẫ con trở về nguồn. Không dễ như có người đã nghĩ. Hoặc vả thôi thì nó yêu thương ai nó lấy người đó cũng như mình ngày xưa vậy. Khi yêu rồi, có ai nói mà nghe.Thời nàuy không còn ai mỉa mai người lấy Tây lấy Mỹ nữa. Nhưng phải lấy những người tử lịch sự kìa. Thì cũng chỉ cầu mong co niênu Đời nó lấy cho nó chứ phải cho mình đâu mà …rắc rối.
Thế rồi cuối cùng những lo lắn của tôi và của các bạn tôi vẫn cứ …dậm chưn tạo chỗ. Chịu Tụi nhỏ sinh và lớn lên ở đây nước này, chịu ảnh hưởng nhiều nền giáo dục ở đây. Đa số đã bị Mỹ hoá. Đó là điều không thể tránh. Vả lại, bíêt đâu mình chẳng ..sai. Đã có những cặp vợ chồng Mỹ Việt sống rất hạnh phúc, rất nề nếp, đâu ra đó. Có thấy ai than phiền về dâu, rể Mỹ đâu. Xem ra người Mỹ lại có vẻ lấy làm hân hạnh được suôi gia với Mít. Các anh chị Mỹ coi các đấng chồng, vợ Mít như thần tượng hầu hạ kỹ lưỡng, thêm phần ga lăng hơn cái ông Mít.
Ai đúng ai sao? Ôi người lớn có cái đúng cái sai của người lớn. Tuổi trẻ có cái đúng cái sai của tuôi trẻ. Phải chăng tôi càng lớn, cái óc càng nhỏ lại nên mới có những suy nghĩ quá sức rắc rối về từng sợi tóc rơi rớt theo tuổi đời đến hạnh phúc của một thế hệ… không cần đến sự quan tâm của người như tôi. Bác Lâu nói đúng. Các bà chỉ lo con bò trắng răng. Tôi chưa bao giờ thấy răng con bò nhưng nhìn vào gương, cười với mình. Tôi nghĩ có lẽ răng con bò trắng thật. Ít ra cũng …hơn tôi.
Thời báo số 27, ngày 29-12-91
Bên Ðời Hiu Quạnh (92 - 31/3)
Viết. Với tôi, nghĩa là ghi lại những sự việc mắt thấy tai nghe. Vui, buồn, sướng, khổ, giàu, nghèo. Tất cả đều là sự thật từ trái tim, tự đáy lòng tôi. Ðó là vì trách nhiệm. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm ….với tôi. Chỉ là những chuyện lẩm cẩm, nhỏ nhặt của một người đàn bà bình thường. Và tôi tránh tuyệt đối cái việc được viết của mình, làm tổn hại cho người khác.
Sở dĩ tôi chỉ thích viết về những gì tầm thường nhất mà lại hay xảy ra nhất ở bất cứ gia đình Việt Nam nào, là bởi vì khả năng của một người …vô học như tôi, chỉ cho phép tôi làm được đến như thế mà thôi. Mà quả tình thật, tôi cũng không muốn, không dám sờ mó tới đời tư của ai. Tôi có hơn gì ai đâu? Ðôi khi còn tệ hơn người khác nữa ấy chứ. Thế cho nên, tôi chỉ thích ghi nhận lên trên giấy những điều tôi biết rất rõ về tôi, nghĩa là những cái xấu nhất của mình, để …may ra nó bớt xấu đi chăng.
Người đời thường hay thích đề cập tới những điều ngoài tầm với, những chuyện “đội đá, vá trời”. Nên hay bỏ quên hoặc khinh thường những gì họ cho là nhỏ nhặt không đáng nói đến. Song cái gần chúng ta nhiều nhất, trói buột chúng ta nhiều nhất, làm phiền, làm khổ chúng ta nhiều nhất mà chúng ta phải nghĩ đến nhiều nhất. Hỡi ơi, lại chính là những cái nhỏ nhất. Thế mới biết ..nói là một chuyện, ai nói thánh, ai nói tướng gì cũng được. Làm, lại là chuyện khác.
Tôi vốn hèn mọn như cỏ dại, chữ nghĩa không đầy một cái lá. Nhưng …bia đá còn biết đau thì cho dù là cỏ dại. Tôi cũng có những niềm vui, nỗi buồn riêng của tôi. Hát một tình khúc, làm một bài thơ . Trước hết là để giải tỏa bớt nỗi thống khổ của chính mình, sau nữa là để tìm, để tặng người …tri kỷ . Vô lý trời đất rộng bao la, bao nhiêu tỉ người, không có lấy một người cùng cảnh ngộ để chia sớt với mình ? Dù là những điều hèn mọn nhất?
Ðời sống ở đây dễ làm cho tôi …điên. Hoặc trở thành bệnh hoạn. Cả hai điều, tôi đều không muốn. Chúa cho tôi một giọng hát, dù không ra gì . Ðó là một …Ân Sủng. Bạn bè cho tôi một cơ hội, mảnh đất nhỏ nhoi trên báo, để tôi có dịp ghi lại những gì đến và đi trong đời sống tôi. Ðó là một hạnh phúc. Dĩ nhiên, không phải bất cứ bài nào tôi hát, cũng được mọi người thích. Không phải bất cứ bài viết nào của tôi, cũng được mọi người khen. Tuy vậy tôi không thể làm khác hơn được là bởi vì …con người tôi nhu thế . Tôi hay mọi người, đều có những cái tốt hay xấu. Ðều có đầy đủ. Hỉ - Nộ - Ái - Ố - Ai - Lạc -Dục. Có điều, nói rất thật thà, tôi sợ làm điều xấu, tôi sợ xấu hổ khi nhìn mặt mình trong gương. Ðôi khi tôi nghĩ: Ðó cũng chưa hẳn là điều tốt. Nhưng tôi vẫn sợ và vẫn tránh, cố sức tránh để khỏi phải ân hận, để không phải né tránh cái nhìn của người đối diện.
Tôi là một người có nhiều khuyết điểm. Không thù, giận ai, không dám hại ai (dù chỉ là ý nghĩ trong đầu) . Không dám mong sự dữ cho bất cứ ai. Khi không làm được điều gì cho ai, tôi áy náy không yên đến độ quay ra giận chính mình. Tôi chưa bao giờ hơn thua với bạn bè. Ai muốn hơn, cứ tự nhiên . Ai muốn chửi, cũng cứ tự nhiên. Chẳng bao giờ tôi có ý kiến. Tôi nghe nhiều, rất nhiều nhưng hình như những điều đó không liên quan gì đến tôi. Bởi tôi chỉ được nghe qua người này hay người nọ. Thế thì tại sao tôi phải để ý. Sự im lặng cũng dễ gây ngộ nhận. Nhưng con người tôi vốn như thế. Như cuộc đời vốn không thể khác. Ðó là những khuyết điểm của tôi, làm tôi luôn luôn bị thiệt thòi.
Mà tôi cũng …lạ thậ . Có nhiều người chửi tôi, ngồi đâu chửi đó, cái gì cũng mang tôi ra, như một bằng cớ để mọi người tin. Nhưng rồi sau đó lại gặp tôi sau điện thoại rất âu yếm, rất ngọt ngào, rất tay bắt mặt mừng. Tôi cũng cười. Tôi ngu chăng? Không. Tôi không ngu tí nào cả. Chỉ vì những điều đó, những người đó đã vốn như thế. Tôi biết hết nhưng không bao giờ nói ra. Tại tôi …muốn ngu mà thôi. Ngu để được bình an vì không có gì hạnh phúc cho bằng một con người được sống trong sự bình an. Tôi ăn cái gì, tôi được cái gì khi hơn thua với người khác . Ai ghét tôi, người đó khổ chứ tôi không khổ. Vì ghét, nên họ cứ phải nghĩ đến tôi hoài, phải tìm trăm mưu ngàn kế để hạ tôi . Do đó , họ khổ, cái tâm họ khổ vì cứ phải nghĩ đến người họ …không yêu. Trong khi đó, tôi rất … nhẹ nhàng vì tôi ..không biết. Và tôi …chưa bao giờ cần biết.
Tôi sống rất là ..hồn nhiên. Hồn nhiên đến độ làm nhiều người bực mình. Thì tôi vốn thế mà. Lòng tôi như chiếc bánh, đã bóc ra cho mọi người thấy hết rồi, không có gì phải che đậy, dấu diếm. Trong gia đình, với chồng. Ngoài xã hội, với bạn bè, với khán thính giả, tôi sống hết lòng. Người cho tôi một. Tôi trả lại mười. Từ 32 năm qua, tôi sống như thế. Tôi chỉ duy nhất …phụ một người. Người đó đã chết.
Tôi không được gần giới trí thức hay những người thường tự vỗ ngực khoe mình. Tôi không được gần những người giàu có, danh vọng. Bởi tôi sống giang hồ từ nhỏ. Tôi thường hãnh diện với chính mình về điều đó. Sống gần giới giang hồ nên tôi không thích những người …chơi bẩn. Và bạn tôi toàn những người chạy gạo từng ngày. Nhưng tôi kính phục và quý mến họ.
Mẹ tôi thường phàn nàn về cách ăn mặc giản dị của tôi. 32 năm tôi không thay đổi. Mẹ tôi lại phàn nàn tiếp, vì sao tôi thương bạn hơn anh em ruột thịt? Lúc tôi khổ sở, không tiền trả tiền nhà, tôi có thấy anh trên, em dưới nào đâu? Làm sao mẹ tôi biết và hiểu được nỗi cơ cực của vợ chồng tôi? Nhưng tôi biết nói thế nào cho mẹ tôi hiểu? Tôi không nói gì cả. Tôi vốn thế.
Mẹ tôi, người sinh ra tôi còn không bắt tôi …sống khác đi được, huống chi là ai. Thì thế đấy, tôi có sao nói vậy nhưng không bao giờ nói bậy . Không nói bậy thì không làm bậy. Tôi cũng chưa bao giờ tự nhận mình là người …lịch sự, chính vì thế trên sân khấu, hay trong các bài viết trên báo, tôi đã nói rõ rằng tôi là một người vô học và ăn nói đôi khi rất là …cà chớn. Có điều gì lỗi lầm, xin bà con, cô bác bỏ lỗi cho.
Nhưng mà những điều tôi nói hay viết dù không phải ai cũng thích, song cũng có người ..không ghét. Ðó là những người thích ..có sao nói vậy, những người không hề đòi hỏi những điềiu quá khả năng của tôi. Bởi đời sống ở đây quá nặng nề với những … ý đồ vĩ đại, nên đôi lúc, cái lẩm cẩm, đàn bà, cà chớn của tôi đem đến ít phút thoải mái trong ..phòng tắm .
Chú Mai Thảo của tôi bảo viết một bài trên báo Văn. Tôi dạ nhưng ..vờ quên. Ông Nguyễn Xuân Hoàng kêu viết, cũng một bài ở Thế Kỷ 21. Tôi cũng dạ rồi thôi luôn. Lý do, tôi không dám, tôi không xứng đáng được chen chân, góp mặt. Cũng bởi tôi kính trọng và quí mến những người nghĩ đến tôi, cho nên không dám đưa cái văn bằng duy nhất của tôi ra (bằng quốc tịch ấy mà). Sợ làm 2 ông mất mặt và những người khác không vui khi có tên tôi bên cạnh. Như thế cũng có thể gọi là biết điều đấy chứ.
Thường thường, ở những nước văn minh, người ta thường hay khuyến khích những …mầm non, ở bất cứ lãnh vực nào. Riêng tôi, tôi thấy người mình hơi …khắc khe, hơi .. ác với nhau đó. Ác nhiều hơn là khắc khe. Vì ác khác mà khắc khe khác. Dĩ nhiên là không phải mọi người ở đây đều như thế. Song người ác nhiều hơn và hay ..khoe cái ác của mình, một cách hãnh diện. Ðó chính là nỗi khổ tâm của họ bởi những người có cái tâm ác độc ác, sẽ không bao giờ sung sướng, hạnh phúc cả. Nếu không thế, chẳng hoá ra ông Trời bất công lắm ru.
Chính vì nhiều người không sống với nhau bằng sự tử tế, ngày về mới ..bóng chim tăm cá …Phải chi. Ừ phải chi .. Ôi nói ra thì vô cùng, mà lại bị …chửi là …ca sĩ mà cũng bày đặt nói chuyện nước non. Nhiều khi tôi có cảm tưởng mình là người …ngoại quốc xa lạ trong cộng đồng mình. Là sao? Rất nhiều lần, trên tàu bay, tôi bị hỏi: “Mày là người ở đâu đến …”. Lúc đầu tôi hùng dũng trả lời “Tao từ Nam Việt Nam, qua đây trốn Cộng sản ..”. “Thế sao bây giờ tụi mày không về đi, nước mày thống nhất rồi đó …” Ðau gà không. Bèn gân cổ lên cãi. Cãi đã rồi …chửi luôn, bao nhiêu vốn liếng tiếng Mỹ …ăn đong mang ra xài hết. Kệ mẹ nó có hiểu hay không. Nhưng rồi tôi bỗng …sợ. Mình chửi nó hăng quá, nó mà nổi điên lên, nó dám xách cổ mình, liệng mẹ nó ra ngoài tàu bay thì chỉ có nước ngủ ..với giun. Từ đó mỗi lần .. được hỏi thăm, tôi bèn trả lời. Ú ớ trả lời, ra cái điều không biết, không hiểu … “Tao ..Cambốt …”. Bèn được yên ngay.
Nếu bây giờ tôi nói tôi là …người Mỹ. Cũng đúng thôi. Vì tôi đang mang quốc tịch Mỹ. Nhưng nói thế chẳng thà tôi tự lấy dao đâm mình còn sướng hơn. Tôi nhớ là tôi đã khóc rất lớn, khóc một cách tận tình, làm mọi người ngạc nhiên, khi giơ tay tuyên thệ, thề bảo vệ xứ sở này. Tôi đã từ bỏ, chối bỏ nguồn gốc của mình. Bài quốc ca Mỹ vang lên như những mũi đinh nhọn hoắt đâm thẳng vào tim tôi.
Tôi muốn được mãi mãi làm một người VIỆT NAM …NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI ..trong cái cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Một cộng đồng biết thương nhau bằng trái tim Việt Nam, thì tôi cũng sẽ không phải, không đến nỗi phải yêu thương cuộc đời này bằng chính trái tim …của tôi … “ MỖI NGÀY TÔI CHỌN NGỒI THẬT YÊN . NHÌN RÕ QUÊ HƯƠNG NGỒI NGHĨ LẠI MÌNH . TÔI CHỢT BIẾT RẰNG VÌ SAO TÔI SỐNG. VÌ ÐẤT NƯỚC CẦN MỘT TRÁI TIM” Tôi ở đây và tôi cũng cần một trái tim ./.
Khánh Ly
(trích Thời Báo số 39 ngày 31-3-1992)