Gần ba giờ chiều.
Trời còn nắng chang chang, nhưng vì đường Faucault hẹp nhỏ, mà lại nhà, phố cất liên tiếp hai bên, nên hễ mặt trời trịch bóng, thì ánh sáng bị nhà phố cản hết, làm cho trên đường mát rượi.
Giờ này thầy thợ đều đi vô sở làm hết rồi, nên ngoài đường bớt náo nhiệt, chỉ có con nít đứng chơi trước cửa, đờn bà đi lơ thơ ít người, xe kéo hạ giọng ngồi nói khào, đầu trên xe cà rem đi rung chuông leng keng, đầu dưới chệt để gánh mì gõ sanh cắc cụp.
Có một dãy phố mười hai căn ở về phía mặt trời lặn, dựa đường có làm hàng rào cây, trong cửa lại có gắn hai cánh cửa nhỏ để áng gió, nên đi ngoài đường khó thấy người trong nhà.
Thầy Bính mướn căn số 415 trong dãy phố đó mà ở với "cô Hai Cần Giuộc".
Cô Hai ngủ trưa mới thức dậy, nên cô ngồi sật sừ trên cái divan. Cô mặc bộ đồ pyjama bằng lụa xanh, cổ viền lụa màu bông hường, áo lật bâu để lồi cổ và ngực của cô trắng nõn. Hai bàn tay của cô ngón nhỏ mức, hai bàn chưn của cô thịt vun chùn. Cô xả tóc rồi đưa tay lên gãi đầu, mái tóc phủ hết nửa cái mặt của cô, làm cho dung nhan coi càng thêm đẹp.
Trong nhà chỉ có một tên bồi chừng hai mươi tuổi, nó lãnh sát về làm bồi về nấu ăn một tay nó. Vì chưa tới giờ nấu cơm, nên nó đi ra đứng tại cửa rào mà chơi.
Ba Lân cũng còn mặt bộ đồ kaki vàng như lúc kiếm chị hồi sớm mơi. Anh ngồi xe kéo ở phía dưới Đakao chạy lên, cứ day mặt vô phố mà coi số. Tới căn số 415, anh biểu xa phu dừng lại, thấy có người bồi đứng trong cửa rào thì men lại gần mà hỏi:
- Xin lỗi anh, không biết có phải căn nhà này là nhà của thầy Hai Bính làm việc trong hãng rượu dưới đường Catinat hay không?
- Phải. Anh hỏi chi vậy?
- Không biết có phải thầy Hai đó bây giờ làm bạn với cô Hai Cần Giuộc hay không?
- Phải. Mà anh hỏi làm chi vậy kìa?
- Tôi là người bán ngựa. Tôi nghe nói thầy với cô ưa đi trường đua, nên tôi đến hỏi coi như thầy với cô muốn nuôi ngựa đua để đua chơi, thì tôi sẽ bán cho. Ngựa của tôi hay lắm. Không biết có thầy ở nhà hay không?
- Trời ơi! Anh này bấp trầm quá! Giờ này là giờ làm việc, làm sao mà thầy có ở nhà được.
- Còn cô có ở nhà hay không?
- Cô thì có. Cô ngủ trưa mới thức dậy.
Ba Lân móc túi lấy một đồng bạc đưa cho người bồi mà nói: "Anh lấy đồng bạc đây mà uống nước. Anh làm ơn vô thưa với cô rằng có người ở Tà Keo bán ngựa đua, muốn xin phép nói chuyện với cô một chút. Anh làm ơn đi mau mau. Nếu tôi bán ngựa được, tôi sẽ cho anh thêm nữa."
Người bồi chưa có công lao, mà đã được một đồng bạc, thì lấy làm đắc ý, nên tay mở cửa rào, miệng chúm chím cười và nói: "Anh bước vô đây. Anh vô đứng đây, để tôi vô tôi thưa liền với cô tôi giùm cho."
Người bồi trở vô nhà chừng một lát rồi xô cánh cửa gió bét ra mà kêu Ba Lân và nói: "Ê! Anh. Cô tôi biểu anh vô."
Ba Lân thủng thẳng bước lên thềm. Chừng vô tới cửa, anh lột cái nón trắng xuống mà cầm trong tay, rồi mới bước vô nhà.
Cô Hai Cần Giuộc đang ngồi tại divan cầm lược gỡ tóc. Cô vừa thấy Ba Lân thì cô hỏi: "Anh bán ngựa gì?"
Ba Lân cúi đầu mà chào. Anh ngó cô, té ra"cô Hai Cần Giuộc" này là cô Thinh, tình nhơn của mình hồi trước, bởi vậy anh chưng hửng, biến sắc, nghẹn cổ, đứng ngẩn ngơ, nói không được.
Cô Hai hỏi nữa: "Anh bán ngựa đua hay là ngựa xe?"
Ba Lân ú ớ đáp rằng:
- Thưa, ngựa đua.
- Ai nói với anh tôi muốn mua ngựa đua, nên anh lại đây mà hỏi?
- Thưa, tôi hỏi thăm rồi họ chỉ.
- Buồn nên chúa nhựt tôi hay lên trường đua chơi, mà tôi có tính mua ngựa đua nuôi bao giờ đâu. Ở có một căn phố, nuôi ngựa sao được.
Ba Lân bối rối quá, nên đứng trân trân, kiếm không được lời đáp.
Cô Hai thấy bộ của anh như vậy, tưởng anh quê mùa nên lù khù, bởi vậy cô cười và hỏi:
- Anh ở đâu mà đi bán ngựa đua?
- Sao hồi nãy anh nói với thằng bồi, anh ở Tà Keo.
- Thưa, Tà Keo.
- Ở Nam Vang hay là ở Tà Keo? Ở chỗ nào một chỗ mà thôi, chớ không lẽ anh ở hết hai chỗ.
- Thưa, nhà tôi ở Nam Vang, con ngựa của tôi thì tôi nuôi tại Tà Keo.
- À, vậy hả? Ngựa anh hay hôn?
- Thưa, hay.
- Anh đem xuống đây mấy con?
- Thưa, tôi chưa đem xuống.
- Ủa! Ngựa anh để trển mà anh bán nỗi gì! Muốn bán thì phải đem xuống đây cho người ta coi rồi người ta mới mua chớ.
- Thưa, tôi xuống dọ trước coi ai mua mấy con rồi tôi sẽ trở xuống.
- Mua ngựa vẽ bóng như vậy, ai mua cho được. Không, tôi không mua đâu. Anh đi kiếm chỗ khác mà bán.
Ba Lân cúi đầu chào cô rồi riu ríu bước ra. Người bồi đứng ngoài cửa, thấy anh trở ra thì cười mà nói: "Anh đem ngựa xuống đây cho cô tôi coi, rồi tôi đốc cô tôi mua cho."
Ba Lân đứng ngẫm nghĩ rồi nói:
- Tôi sẽ đem xuống. Không biết thầy chịu mua hay không?
- Mua hay không tại cô tôi, chớ phải tại thầy tôi đâu mà anh hỏi.
- Cũng phải có thầy chịu mới được chớ. Không biết thầy đi làm việc chừng nào thầy về anh hả?
- Ngoài sáu giờ tối mới về.
Ba Lân móc đồng hồ nhỏ trong túi ra mà coi rồi nói: "Tôi cám ơn anh. Thôi, tôi đi". Anh ta mở cửa rào và bước ra lộ rồi lên xe kéo mà chạy qua phía chợ Tân Định.
Người bồi trở vô rồi đi thẳng ra nhà sau.
Cách chừng nữa giờ đồng hồ, thầy Bính cưỡi xe máy về tới. Thầy mở cửa rào dắt xe vô dựng tại hàng ba rồi xô cánh cửa gió mà vô nhà. Thầy thấy cô Hai ngồi tại bàn rửa mặt, tóc đã bới vẻn vang, phấn đã dồi sắc lẻm, chơn mày đã vẽ nhỏ rức, bấy giờ cô đương cầm cây son mà thoa vô môi, thì thầy châu mày, để cái nón trên bàn, rồi trở ra xe máy lấy cái cặp da mà ôm vô. Thầy ngồi một cái ghế tại bộ salon, rồi mở cặp da ra soạn giấy tờ.
Cô Hai day lại, miệng cười rất hữu duyên rồi hỏi:
- Sao bữa nay về sớm vậy? Mới ba giờ rưỡi mà về. Chắc là về rình coi ở nhà tôi có rướt khách nào hay không chớ gì. Phải vậy hôn?
- Tôi đi đòi tiền trên Phú Nhuận về, thừa dịp đi ngang qua đây nên tôi ghé nghỉ một chút.
- Phải thầy về sớm chừng nữa giờ đồng hồ thì thầy gặp khách ngộ lắm.
- Khách nào.
- Khách ở trên Nam Vang.
- Mình có quen tới trên Nam Vang lận sao?
- Ở đâu mà tôi lại không quen.
Cô thoa son rồi, cô đứng dậy đi lại đứng trước tấm kiếng lớn mà soi cả cái mình; cô nhắm nhía một lát rồi bước lại ngồi trên cái ghế của thầy ngồi, choàng tay ôm cổ thầy và cười và nói: "Nói chơi với thầy, chớ có quen với ai trên Nam Vang đâu. Hồi nãy có một anh lại hỏi có muốn mua ngựa đua hay không. Ảnh nói ảnh ở trên Nam Vang. Chớ chi có thầy ở nhà, tôi đốc thầy mua vài con cho tôi nuôi chơi. Ngựa miệt trển hay lắm. Mùa năm ngoái xuống mấy con đều ăn toàn hết!
Thầy xụ mặt đáp rằng:
- Cha chả! Mình bày tới cái đồ tôi càng chết mau hơn nữa!
- Giống gì mà chết?
- Chưa có ngựa mà tuần nào mình cũng thua đôi ba chục luôn luôn. Mình làm chủ ngựa, mình đánh cá bạc ngàn, tôi biết đâu mà chạy tiền cho mình đánh.
- Làm chủ ngựa mình đánh cá mình mới chắc ăn chớ.
- Đánh bạc mà chắc ăn giống gì không biết! Phải chắc như vậy thì họ khỏi thắt cổ, khỏi uống thuốc độc!
- Thôi, tôi không mua ngựa đua đâu mà sợ. Mà tôi xin thầy hai trăm đồng bạc, thầy có hay chưa? Như có thì đưa cho tôi đặng chiều nay tôi đi lấy áo. Tôi hẹn với tiệm may tôi lấy bữa hôm qua lận.
Thầy Bính mở cặp ra lấy một tờ giấy bạc hai mươi đồng mà đưa cho cô và nói với giọng buồn rằng: "Từ hồi sớm mơi tới giờ, đi đòi mới được có hai mươi đây."
Cô cầm tấm giấy bạc, cô châu mày ủ mặt mà nói rằng: "Có hai mươi đồng bạc mà làm giống gì! Tôi đặt bốn bộ đồ hết tám mươi mấy đồng, có hai mươi thì lấy đồ sao được. Tôi biết thầy không thương tôi nữa! Tôi khốn nạn lắm! Tôi không dè ngày nay thân tôi làm ăn mày như vầy, mà ăn mày vô duyên mới khổ chớ!"
Cô bùng thụng gương mặt, rồi ngoe ngỏay bỏ đi lại đứng soi kiếng mà uốn mái tóc.
Thầy ngó theo cô, sắc mặt càng buồn hơn nữa, ngó một hồi rồi thở ra mà nói: "Sao mình lại nói như vậy? Tôi không thương mình, mà tôi bỏ vợ con theo ở với mình!"
Cô không thèm day lại, cứ đứng uốn tóc mà đáp:
- Tôi thường khuyên thầy hãy trở về nhà, đừng có bỏ vợ con thầy đói rách bơ vơ tội nghiệp. Tại thầy cứ đeo theo tôi, chớ phải tại tôi ép thầy phải bỏ vợ con mà ở với tôi hay sao, nên bây giờ thầy trách tôi.
- Không phải tôi trách mình. Tại mình nói tôi không thương mình, nên tôi mới nói như vậy chớ. Mình cũng dư biết tôi thương mình lung lắm, thương đến nỗi mình muốn thứ gì tôi cũng ráng làm cho vui lòng mình luôn luôn. Vì thương mình mà tôi không kể chi hết, không sợ tù, không sợ chết, thương như vậy chớ còn sao nữa.
Thầy nói tới đó, thì thầy cảm quá, nên rưng rưng nước mắt, nói không được nữa.
Cô day lại cô cười và hỏi:
- Thầy thương tôi rồi bây giờ thầy ăn năn hay sao?
- Nói chuyện mà nghe, chớ ăn năn giống gì.
- Thầy nói, tôi nghe hơi như thầy ăn năn ít nhiều chớ. Thầy nhớ lại mà coi, hồi thầy mới gặp tôi, thì tôi đã có nói trước. Tôi nói tôi ăn xài lung lắm, thầy làm việc lương bổng không bao nhiêu, lại có vợ con, tôi sợ thầy làm bạn với tôi, thầy chịu không nổi. Thầy nói bốc thầy đủ sức nuôi tôi, thầy dọn nhà cho tôi ở. Thầy nhớ coi có phải như vậy hay không?
- Phải.
- Ừ, phải, mà sao bây giờ thầy than?
- Tôi có biết lúc nào thầy kiếm được tiền, còn lúc nào thầy kiếm không được đâu. Lúc này thầy kiếm tiền không được, sao bữa hổm tôi xin hai trăm, thầy ừ bướng làm cho tôi đặt may đồ lỡ rồi, bây giờ tôi biết làm sao mà lấy.
- Để thủng thẳng ít bữa coi.
- Thủng thẳng sao được. Tôi hẹn với người ta hôm qua đó tôi lấy đồ. Nếu để trễ, họ còn tôi ra ai nữa!
Cô nói chưa dứt lời thì cô bỏ đi vô buồng.
Thầy sắp giấy tờ bỏ vô cặp da, ngồi chống tay mà suy nghĩ một hồi rất lâu, rồi thủng thẳng đứng dậy đội nón, ôm cặp, ra cửa dắt xe máy mà đi, châu mày ủ mặt, bộ buồn nghiến.
Thầy Bính đi được một lát, thì cô hai ở trong buồng bước ra. Cô thay đồ rồi, nên bây giờ cô mặc một bộ đồ hàng màu xám tro may thiệt khéo, chơn mang một đôi giày cao gót cũng màu đó, y phục hạp với nước da của cô, nên làm cho sắc của cô coi càng thêm đẹp.
Cô đi ngay lại bàn rửa mặt, cô để cái bóp lại một bên rồi cô lấy ve dầu thơm mà xịt trên đầu, xịt vô khăn. Cô đương trang điểm lại, bỗng nghe có tiếng xe hơi ngừng ngay ngoài cửa. Cô lấy làm lạ, nên buông ve dầu, rồi cúi đầu mà dòm ra thấy mấy cái lỗ của hai cánh cửa gió. Cô thấy trên xe hơi có một người đờn ông leo xuống rồi mở cửa rào xăm xăm đi vô, người ấy mặc bộ đồ Tây may bằng nỉ đen, chơn mang giày da cũng đen, y phục đàng hoàng, tướng đi chẫm chẫm lắm.
Cô không hiểu là ai, nên đứng ngó trân trân.
Người ấy vô tới cửa, rồi đứng lại gõ cửa cộp cộp.
Cô hỏi rằng: "Ai đó? Xin mời vô."
Người ấy xô cánh cửa gió mà bước vô gọn gàng, vừa thấy cô Hai thì kêu: "Em!" rồi chạy a lại, hai tay nắm chặt tay cô, mắt ngó ngay mặt cô mà nói: "Dữ quá! Cách mặt nhau mười hai năm, bây giờ mới gặp đây! Lời qua thề với em trước miễu Bà Cần Giuộc, bây giờ qua mới làm tròn theo lời thề ấy được đây!"
Nãy giờ cô không biết người ấy là ai, mà vì chạy lại nắm tay cô thình lình quá, cô không kịp tính giãy giụa chống cự. Chừng cô nghe nói mấy tiếng "Lời thề trước miễu bà Cần Giuộc" thì cô chưng hửng, nhìn người ấy rồi la lên: "Ủa! Anh! Anh Lân!"
Ba Lân buông tay cô ra, và cười và nói: "Phải Lân đây, qua đây,em quên qua hay sao?"
Cô Hai liền đưa tay ra mà ôm Ba Lân chặt cứng, rồi úp mặt trong ngực Lân mà khóc.
Ba Lân lấy làm đắt ý, nên miệng chúm chím cười, cứ đứng im, để cho cô Hai khóc thong thả. Chừng cô hỏi: "Anh đi đâu mà biệt mất vậy hử?", thì Ba Lân mới nói: "Em tạm ngồi ghế đây, rồi sẽ nói chuyện."
Cô Hai nắm tay dắt Ba Lân đi lại cái divan rồi mới ngồi.
Ba Lân dụ dự nói rằng:
- Qua nghe em có chồng mà. Ngồi đây sợ không tiện.
- Ối! Thứ chồng ngày chồng bữa mà kể gì!
- Dầu chồng gì cũng là chồng chớ qua muốn mời em đi chơi với qua đặng nói chuyện cho thong thả. Qua có mướn xe hơi sẵn rồi, xe còn đậu chờ trước kia.
- Đi rồi thủng thẳng sẽ đi. Em gấp nghe anh nói chuyện lắm. Để em hỏi anh ít đều rồi sẽ đi.
- Ngồi đây nói chuyện rủi, chồng em về gặp qua, thì khó cho qua lắm.
- Thường thường ngoài sáu giờ mới về; mà bữa nay mắc đi kiếm tiền, nên chắc sáu giờ rưỡi cũng chưa về đâu. Bây giờ mới bốn giờ rưỡi mà về giống gì. Anh hứa với em, hễ anh đi kiếm được chỗ làm ăn, thì anh về rước em, mà sao anh đi biệt mất, anh phải nói cho em nghe một chút.
Cô Hai nài nỉ cho Ba Lân ngồi tại cái divan, rồi cô ngồi một bên, tay nắm tay chàng mà nói:
- Hồi nãy anh nói mười hai năm. Thiệt phải mười hai năm chẳng chòi. Hồi anh đi thì em mới mười bảy tuổi. Bây giờ em hai mươi chín tuổi. Em trông đợi hết sức mà không thấy anh trở về, em chắc anh đã nuốt lời thề, anh cưới vợ khác, anh bỏ em, nên anh không trở về làm chi.
- Làm sao qua quên lời qua thề với em trước miễu bà đó cho được.
- Té ra mười hai năm nay anh chưa cưới vợ hay sao?
- Qua đã có vợ là em đây rồi, qua còn cưới vợ nào nữa làm chi.
Cô Hai ngồi ngẩn ngơ và nước mắt tuôn ra nữa.
Ba Lân lấy khăn lau nước mắt cho cô và nói:
- Em khóc làm chi. Bây giờ gặp nhau, sự buồn đã dứt, sự vui tới rồi, em cười mới phải, chớ sao lại khóc.
- Em hổ thẹn quá, em còn mặt mũi nào mà dám ngó anh.
- Sao vậy.
- Anh thề với em, anh giữ trọn lời thề; còn em hứa chờ anh, mà em thất ước làm sao mà không hổ thẹn.
- Em đừng ngại sự đó. Qua về dưới Cần Giuộc mà kiếm em, qua kiếm không được, song qua có nghe công chuyện của em được chút đỉnh. Lỗi tại nơi qua, chớ không phải tại nơi em. Phận em là gái, mù chờ qua cho tới mười hai năm thì chờ sao được.
- Em hư nhiều lắm anh ôi! Anh còn kiếm em làm chi! Em có xứng đáng với làm vợ anh nữa đâu mà kiếm.
- Bao nhiêu chuyện của em trong khoảng mười hai năm nay, qua chẳng cần biết làm chi. Qua hứa với em chừng nào qua làm ăn khá, thì qua về cưới em. Nay qua làn ăn khá rồi, qua đủ sức nuôi em sung sướng, nên qua về mà rước em.
- Anh nói chừng nào, em càng thêm hổ chứng nấy. Để em thuật sơ chuyện của em cho anh nghe, rồi anh mới hiểu. Anh đi đâu được vài năm, tía má em ép gả em cho chú chệt Cựng bán tiệm trà tại chợ Cần Giuộc. Em không ưng. Tía má em mới nổi giận đánh em sưng đầu sưng mình hết. Em phiền quá, phần thì thương nhớ anh, nên em cuồng trí, em lén ăn cắp bốn mươi đồng bạc mà chốn. Em lên Sài Gòn quyết kiếm anh, chẳng dè kiếm không được, mà lại bị người ta gạt, người ta làm bộ thương yêu phận em, té ra ngườ ta dụ dỗ cho em làm sự quấy. Lỡ bước rồi, trở lui không được, nên em đành nhắm mắt mà sấn tới hoài, tuy thấy cái đường dơ dáy, song phải bịt mắt bụm mũi mà đi tới. Trót mười năm nay, bướm ong rần rật, trăng gió ê hề, cái thân của em bây giờ còn quý báu gì nữa đâu, mà anh nhắc lời thề, anh mong cưới hỏi!
- Cha mẹ ép gả em cho chệt, em không chịu, em muốn chốn đi kiếm qua, bao nhiêu đó cũng đủ chứng cho em không phụ qua. Còn sự em lưu lạc mười năm ở đất Sài Gòn, ấy là cái đường đi chung của nhiều đờn bà con gái vì vận hội chẳng may nên sa chơn lỡ bước, nghĩ chẳng lạ gì. Mà em lỡ bước rồi em biết hổ thẹn, em biết buồn rầu, chớ em không vui nơi cái đường dơ dáy em đi đó, ấy thì đủ chỉ rõ em có liêm sỉ hơn nhiều người khác lắm.
- Chớ chi anh đi mà anh có vợ khác, rồi bây giờ anh gặp em, thì em ít hổ.
- Em nói một chút đó cũng đủ cho qua hiểu hết ý của em rồi. Em chẳng cần phải nói thêm nữa. Qua đã nói qua nhất định kéo tấm màng mà che hết những việc của em trong khoảng mười hai năm trước, vậy thì em còn ái ngại nỗi gì. Còn em tính cho qua có vợ khác, có vợ nào mà khác em cho được? Ngày qua xuất thân đi làm ăn, trong lưng qua có ba bốn cắc bạc mà thôi. Em cho qua ba đồng mấy bạc, lại cho một chiếc vòng đồng để hộ thân, ơn ấy làm sao qua quên được mà đi cưới vợ khác. Nhờ trời phật giúp qua, nên qua còn giữ được chiếc đồng của em đây.
Ba Lân nói tới đó rồi móc túi lấy chiếc đồng mà chao cho cô Hai và nói: "Em coi phải chiếc đồng của em hay không?"
Cô lấy chiếc đồng mà đeo vô tay, tuy bây giờ cô lớn tuổi, song tay cô ốm, nên đeo cũng vừa. Cô đeo rồi cô ngó chàng mà nói: "Tình anh đối với em với em thiệt nặng như non, sâu như biển!" Cô nói rồi cô ôm chàng mà hun, hai người tình đồng lai láng, nghĩa đồng chập chồng.
Ba Lân gỡ tay cô đứng dậy mà nói:
- Không nên ngồi đây lâu nữa. Qua xin mời em đi chơi với qua rồi mình sẽ tính chuyện tương lai của mình.
- Anh thề chừng nào anh giàu anh sẽ về rước em. Bây giờ anh giàu lắm hay sao, nên anh về đây?
- Giàu bao nhiêu chừng về ở với nhau rời em sẽ biết. Song qua không nghèo đâu, xin em đừng lo.
- Bây giờ nhà anh ở đâu?
- Để lên xe rồi qua nói. Qua còn một chuyện kín mà ngộ lắm, nói ra cho em biết chắc em cười nôn ruột.
- Chuyện gì đó?
- Ậy! Để đi rồi qua sẽ nói.
- Em khóc nãy giờ, nước mắt làm trôi phấn hết. Để em dồi lại một chút rồi sẽ đi.
- Dồi riết rồi đi kẻo trễ. Gần năm giờ rưỡi rồi.
Cô bước lại bàn rửa mặt ngồi mà trang điểm lại. Chàng đi qua đi lại mà chờ, dòm thấy mặt cô trong tấm kiếng, chàng đứng ngẩn ngơ. Cô thấy như vậy, cô chúm chím cười, sắc mặt còn đẹp hơn bội phần.
Cô vụt hỏi chàng:
- Tại sao anh cứ ngó mặt em, mà anh không nói chuyện chi hết vậy?
- Qua không thấy mặt em trọn mười hai năm nay, qua nhớ em hết sức. Bây giờ được gặp nhau, qua ngó mặt em thì qua sung sướng quá, cần gì phải hỏi chuyện.
- Đa tình quá! Anh bước xê lại đây một chút cho em nói chuyện.
Ba Lân bước lại gần. Cô hai kéo chàng, rồi ôm mặt chàng kề với mặt cô, hai mặt dọi vô kiếng đều cười hết. Ba Lân nói: "Em cười như vậy mới phải, chớ sao lại khóc". Cô Hai nói nho nhỏ: "Anh đừng bỏ em mà đi nữa, nghe hôn? Mà như anh có đi, thì phải dắt em theo, chớ em không chịu anh đi nữa đâu."
Ba Lần nói lớn: "Qua thề từ rày đến chốt qua chẳng rời nữa đâu mà em sợ."
Cô Hai trang điểm rồi, cô bèn đứng dậy kêu bồi.
Người bồi ở sau chạy ra, vừa thấy Ba Lân thì đứng khựng lại và ngó và nói: "Ủa! Anh... Bán ngựa..."
Cô Hai nạt rằng: "Ê! Anh nào? Bán ngựa gì? Đừng có nói bậy! Nghe qua dặn đây..."
Ba Lân vừa cười vừa lấy ra một đồng bạc trong túi mà đưa cho người bồi và nói rằng: "Phải, tôi bán ngựa được rồi, nên cho anh tiền thêm đây, theo như lời tôi hứa".
Cô Hai chưng hửng, cô ngó Ba Lân mà hỏi:
- Sao anh biết bồi của em? Anh bán ngựa hồi nào đâu?
- Qua lại đây hỏi mà bán ngựa đua hồi xế đó.
- Hả? Người hồi nãy lại hỏi em mua ngựa đua hay không đó là anh hay sao?
- Phải. Qua đó đa.
Cô Hai ngó Ba Lân trân trân mà nói: "Trời đất ôi! Em vô ý quá, em có dè đâu! Sao hồi nãy anh không nói thiệt cho em biết?"
Ba Lân cười ngất mà đáp:
- Qua vô đây hỏi mà bán ngựa, qua cũng không dè gặp em. Chừng thấy em, qua bối rối quá, sợ mặc đồ dơ dáy em không nhìn, nên qua về thay đồ cho sạch sẽ rồi mới trở vô đây.
- Anh nói như vậy em phiền lắm. Té ra anh giàu em mới nhìn, anh còn nghèo em không nhìn hay sao? Em không phải như vậy đâu.
- Em đừng có phiền. Hồi nãy thấy em không biết qua, nên qua mới không dám nói thiệt liền chớ.
- Tại em sơ ý, mà em cũng không ngó anh cho chán chường.
- Thôi, mời em lên xe rồi nói chuyện nữa.
Cô Hai day lại nói với người bồi:
- Nè, tối thầy về thì dọn cơm cho thầy ăn đi nghe hôn, đừng có chờ qua.
- Như thầy hỏi cô đi đâu thì tôi phải trả lời thế nào?
- Em cứ nói thiệt có khách lại rước qua đi chơi, hay là em nói thế nào cũng được, sự ấy không quan hệ gì mà lo.
Ba Lân nắm tay cô Hai mà dắt ra lộ rồi leo lên xe hơi mà chạy liền.
Người bồi đóng cửa rào rối trở vô nhà, lấy đồng bạc mới cho mà nhập với đồng bạc cho hồi xế xếp lại bỏ hết vô túi, miệng cười ngỏn ngoẻn.
Người bồi vừa muốn đóng cửa trước lại đặng đi nấu cơm, thì thầy Bính cỡi xe máy về nữa. Thầy kêu bồi biểu dắt xe vô trong mà cất rồi thầy ôm cặp ra đi vô nhà. Thầy dòm trước ra sau không thấy cô Hai thì thầy kêu bồi mà hỏi:
- Cô mày đi đâu?
- Cô đi chơi.
- Đi hồi nào?
- Mới đi tức thì đây, đi xe hơi. Chớ chi thầy về trước chừng năm phút đồng hồ thì thầy gặp cô còn ở nhà.
- Xe hơi đâu mà đi?
- Xe hơi của khách lại nhà thăm rồi rước cô đi.
- Khách nào ở đâu vậy? Đờn ông hay đờn bà?
- Đờn ông. Người đó ở đâu trên Tà Keo xuống bán ngựa đua, hồi xế có lại một lần rồi hồi nãy lại nữa mà rước cô đi.
- Người đó chừng bao lớn, ăn mặc tử tế hay không?
- Tôi coi bộ chừng ba mươi tuổi. Lại hồi xế thì ăn mặc xập xệ lắm; còn hồi chiều thì bận đồ nỉ đen coi đàng hoàng.
- Thôi, mày đi làm công chuyện đi.
- Thưa thầy, cô có dặn tối thầy về thì dọn cơm cho thầy ăn, chớ đừng có chờ cô. Vậy để tôi đi nấu cơm. Chừng nào thầy muốn ăn thầy nói, thì tôi dọn cho.
Thầy Bính gặc đầu. Người bồi đi ra sau bếp.
Thầy kéo một cái ghế lại khít bàn mà ngồi, mở cặp da mà rút hết những toa dòi tiền ra, rồi đếm từ tờ. Đếm xong rồi, thầy móc túi lấy ra một cuốn sổ nhỏ với một cây viết chì. Thầy dò toa mà ghi trong sổ rồi ngồi chăm chỉ mà viết và tính. Thầy tính một hồi, không hiểu trúng trật lẻ nào, mà thầy thở ra, rồi mặt thầy buồn hiu. Thầy vùng đứng dậy gãi đầu, rồi đi qua đi lại nước mắt chảy rưng rưng.
Người bồi đi ra ngoài trước hồi nào không hay mà đương lúc thầy buồn đó nó trở vô nói rằng: "Bẩm thầy, có một thầy Đội sở cảnh sát lại hỏi có thầy ở nhà hay không."
Thầy Bính nghe nói như vậy thì biến sắc, lật đật hốt giấy tờ thồn vô cặp da rồi ôm mà chạy vô buồn.
Người bồi nói tiếp: "Bẩm thầy có sao đâu mà thầy sợ. Tôi nghe thầy Đội hỏi như vậy, tôi không hiểu có việc chi quan hệ hay không, nên tui nói bướng rằng thầy đi làm việc chưa về. Tôi lại hỏi kiếm thầy làm chi, thì thầy Đội nói ông cò biểu đòi thầy xuống bót có việc chi đó không biết. Tôi nói có bữa thầy về đây, còn có bữa thầy về nhà dưới chợ Đủi, nên không chắc chiều nay thầy về đây hay không. Thầy Đội nói thôi để thầy về nói lại với ông Cò viết trát mà đòi tiện hơn, rồi thầy về đi."
Thầy Bính nói: "Cám ơn em. Đâu em bước ra coi lại coi thiệt thầy Đội đã đi hay chưa".
Người bồi xây lưng đi ra ngoài thì thầy Bính mới mở cặp da mà sắp giấy tờ lại có thứ tự, bỏ cuốn sổ nhỏ với cây viết chì vô túi, rồi bước vô buồng mở tủ áo mà cất cái cặp da. Người bồi trở vô nói:
- Đi mất rồi.
- Thiệt hôn?
- Bẩm, thiệt chớ. Không thấy tăm dạng gì hết.
- Thôi, em ở nhà coi nhà. Ai có hỏi qua thì em cứ nói qua không có về đây.
- Thầy đi đâu? Thầy không ăn cơm hay sao?
- Không. Thôi, em đừng có lo dọn cơm.
Thầy Bính lấy nón nỉ xám đội lên đầu rồi bước ra cửa đứng dòm hai đầu. Đèn khí ngoài đường đả cháy sáng trưng. Thầy dòm một hồi rồi đi xuống miệt Đakao, thầy cứ cúi mặt xuống đất mà đi, xe kéo kêu mời, thầy không thèm trả lời.
Lối mười giờ tối, trong nhà hàng Trường Lạc khách còn đông dày dày, tiếng nhạc rập rình không dứt. Những nam thanh nữ tú tựu lại đó, tốp thì ngồi uống rượu nghe đờn, tốp thì ôm nhau nhảy múa, mà người nào sắc mặt cũng hớn hở vui cười.
Tại một cái bàn gần cửa, Ba Lân đương ngồi uống nước cam với cô Hai Thinh, hai người cứ nói chuyện nho nhỏ với nhau, không để ý đến khách ngồi mấy bàn chung quanh, mà cũng không thèm ngó những người khiêu vũ.
Ba Lân ngó cô Hai rất hữu tình mà nói:
- Trên Lèo thì có non cao rừng rậm, có sông cho mình câu cá, có trăng cho mình chồng rau, chớ không có những chỗ vui chơi như vầy, bởi vậy qua lo cho em lên trển em buồn lắm.
- Có anh thì đủ cho em vui rồi, em có cần cuộc vui nào khác nữa đâu. Anh đừng có lo sự ấy.
- Qua không dè em thương qua đến thế. Nếu được như vậy thì cái hạnh phước của qua lớn chẳng có chi bằng.
- Từ ngày anh đi mất rồi thì em coi cái đời của em đã hỏng, em coi sự sống của em không có nghĩa. Em phải vùi thân lăn lộn với thiên hạ trong những cuộc vui, ấy là em kiếm thế mà chôn sự buồn rầu của em, chớ có phải em ham theo cái thú vô tình vô vị đó đâu. Nay đôi ta gặp nhau, mà anh không gớm cái thân em đương loi nhoi dưới bùn, anh quyết vớt em lên để chỗ cao ráo, có lẽ nào em còn tiếc cái vũng bùn ngày xưa. Huống chi đôi ta đã có thề nguyền với nhau, dầu anh dắt em lên ở trên đầu non, em cũng vui mà đi theo chẳng luận lên xứ Lèo.
- Cám ơn em. Từ nhỏ cho tới bây giờ lòng qua mới biết vui sướng, trí qua mới được thơi thới lần này là lần đầu hết. Qua nói thiệt với em, hôm qua về dưới Cần Giuộc, qua kiếm má qua thì má qua đã chết rồi, qua hỏi thăm em thì em cũng đã xiêu lạc hơn mười năm rồi, lúc ấy qua muốn chết phứt cho rảnh. Trót mười hai năm cực thân nhọc trí không biết bao nhiêu, mà qua không nản lòng thối chí, là vì qua quyết làm cho có tiền đặng qua rước ba người thương của qua về chung hưởng với qua. Nay trong ba người ấy đã mất hết hai người thì cái công phu cực khổ của qua nghĩ không có ích chi cho lắm. Hổm nay qua còn sống mà gặp em đây, là vì qua còn phải đi tìm chị Hai của qua, mà qua cũng có ý muốn đi tìm em nữa hoặc may có gặp được em hay không. Việc tình cờ mà qua được gặp em, thì rõ ràng đôi ta có duyên nợ với nhau nên Trời Phật mới khiến như vậy.
- Ờ, từ hồi chiều đến bây giờ em quên hỏi coi tại sao anh biết em ở đó nên anh lại anh kiếm.
- Qua đã nói việc tình cờ qua có biết trước đâu.
- Mà tại sao anh bày đặt bán ngựa đua đặng vô nhà em chi vậy?
- Việc đó khó nói quá.
- Với em mà anh giấu nữa sao? À, hồi chiều anh nói có một chuyện kín mà ngộ lắm, hễ anh nói ra thì em cười môn ruột.
- Chuyện gì vậy?
Ba Lân ngồi ngẫm nghĩ một chút rồi cười mà hỏi lại:
- Em có biết thầy Bính là ai hay không?
- Sao lại không biết. Hồi em còn nhỏ thì thầy dạy học tại trường Cần Giuộc, sau thầy đổi xuống dạy đâu miệt chợ Trạm, Cần Đước gì đó.
- Phải. Mà có em biết thầy đối với qua có tình bà con gì hay không chớ?
- Cái đó em không hiểu. Có bà con với anh hay sao?
- Thẩy là anh rể của qua.
- Trời đất ơi! Thiệt như vậy hay sao?
- Thiệt.
Cô Hai Thinh sửng sốt, cô lắc đầu mà nói nhỏ nhỏ, giọng ăn năn lắm: "Em có dè đâu. Hồi ban đầu em dục dặc, em không chịu làm bạn với thẩy, tại thẩy theo năn nỉ hoài! Té ra mấy tháng nay em làm buồn cho chị của anh lung lắm!"
Ba Lân gặc đầu mà đáp:
- Phải. Vì em mà chị Hai của qua buồn lung lắm.
- Vậy anh phải dắt em lại nhà chị Hai đặng em xin lỗi chị mới được. Cái đó là em lầm, chớ nếu em biết thì em đâu có làm bậy như vậy. Tuy em sẩy bước trong chốn giang hồ, song em cũng còn biết chỗ phải chỗ quấy chớ.
- Không được. Em tính như vậy không tiện. Chị Hai qua không biết em, còn anh Hai qua không biết qua là ai. Thôi, mình giấu luôn cho nhẹm thì hay hơn. Em đừng có về nhà em nữa, theo qua lại khách sạn mà nghỉ. Để sáng mai qua vô hỏi gắt chị qua lại coi chị chịu đi theo qua hay không. Như chị chịu đi thì mình dắt chị đi với mình, còn như chị không chịu thì qua từ giã chị rồi hai đứa mình đi. Hễ mình đi tuốt rồi thì xong chuyện hết thảy, chị Hai không hiểu nên khỏi phiền em, còn anh Hai không hiểu thì cũng khỏi oán qua.
- Em phải trở về nhà mà lấy áo quần rồi đi mới được chớ.
- Ối! Có cần gì. Lên Nam Vang rồi em mua hàng mà mướn họ may cũng được mà.
- Ý! Mà em có đặt may bốn bộ đồ, em hẹn lấy hôm qua, mà em chưa lấy. Thôi, để sáng mai anh cho em tiền lấy đồ ấy mà đi cũng được.
- Nếu có vậy thì càng tốt. Em nhớ hôn, ngày qua từ giã em mà đi làm ăn, em nói hễ chừng nào qua giàu qua phải cất nhà cho em ở, phải sắm hột xoàn cho em đeo phải mua xe hơi cho em đi. Nhà lầu thì có rồi, hột xoàn thì sáng mai rồi qua sẽ mua, duy có xe hơi sắm thì không tiện, bởi trên Lèo chưa có đường cho xe hơi chạy được.
- Hồi đó em nói chơi với anh, chớ đôi ta được gần nhau, dầu ở lều tranh, mặc áo rách, em cũng vui lắm vậy.
Hai người nói chuyện tới đó, kế thầy Bính đội nón nỉ sùm sụp, xăm xăm đi vô nhà hàng. Cô Hai Thinh ngó thấy thầy bèn nói nhỏ rằng: "Ý! Thầy Hai Bính vô kìa, làm sao?"
Ba Lân ngó thầy Bính rồi day vô đáp rằng: "Em đừng chào hỏi chi hết, làm bộ thuở nay không biết ảnh vậy. Năm nay ảnh trọng tuổi rồi nên coi lạ hoắc, nếu em không nói thì chắc qua không biết."
Thầy Bính bước vô ngó cô Hai rồi ngó Ba Lân, cặp mắt thầy lườm lườm. Hai người làm lơ cứ nói chuyện với nhau, và nói và cười, bộ vui vẻ như thường.
Thầy Bính thấy dựa bên đó có một cái bàn trống, thầy quàng cái nón trên bàn, kéo ghế rột rạt mà ngồi rồi kêu bồi biểu lấy rượu la ve.
Cô Hai Thinh cứ nói chuyện tiếp, cô hỏi Ba Lân:
- Té ra anh đi kiếm thầy nên tình cờ anh gặp em đó hay sao?
- Phải.
- Mà kiếm thì kiếm, sao lại bày đặt nói bán ngựa chi vậy?
- Trước khi qua chường mặc, qua muốn dọ coi ảnh với tình nhơn của ảnh là người thế nào. Vì vậy nên qua phải dối một chút.
- Hèn chi thấy em rồi anh bối rối, nên em hỏi anh nói lính quýnh nghe không thông.
- Tình cờ quá, nên phải bối rối chớ sao.
- Em nghĩ lại em giận em quá. Thấy anh mà em không nhìn ra, làm cho em thành người vô tình với anh, thiệt em nghĩ em thẹn hết sức.
- Thôi, hiệp nhau được thì thôi, để trí mà vui với nhau đặng bồi thường cái công anh thương nhớ mười hai năm dài quá.
Nãy giờ thầy Bính ngồi ngó lườm lườm, đến bây giờ nóc giận tràn trề trong lòng, thầy dằn nữa không được, nên thầy kêu mà hỏi lớn rằng: "Cô Hai, cô không thấy tôi hay sao?"
Cô Hai Thinh giả không nghe, nên không ngó tới thầy, mà cũng không đáp.
Thầy Bính bèn xô ghế một cái rột rồi bước lại đứng ngang mặt cô mà hỏi nữa: "Cô Hai, tôi hỏi, cô không nghe hay sao?"
Bây giờ cô mới ngó thầy mà hỏi lại:
- Thầy muốn cái gì?
- Tôi hỏi cô không thấy tôi hay sao nên tôi vô cô không chào tôi?
- Thầy không biết lễ phép mà thầy trở lại bắt lỗi tôi chớ. Thầy là đờn ông, tôi là đàn bà, vô nhà hàng thầy thấy tôi thầy phải chào tôi, chớ sao thầy lại buộc tôi phải kiếm mà chào thầy?
- Cô về nhà rồi tôi sẽ cắt nghĩa lễ phép cho cô nghe. Cô xin phép ai mà cô đi từ hồi chiều đến bây giờ, lại đi với đờn ông?
- Cái trí của tôi nó làm chủ cái xác của tôi, chớ tôi không biết chủ nào khác. Trí tôi muốn đi đâu thì tôi đi đó, tôi chẳng cần xin phép ai.
- Cô muốn đi đâu hay là đi với ai, cô phải xin phép tôi.
- Thầy chẳng có quyền gì mà được nói câu ấy, nhứt là nói trước mặt công chúng. Thầy hãy đi chỗ khác, tôi không muốn thầy chàng ràng trước mắt tôi nữa.
Thầy Bính nghe mấy lời sau đó thì thầy tức giận cành hông, chịu không nổi nữa nên thầy chỉ tay ngay trước mặt cô Hai mà nói lớn rằng: "Bây giờ tôi mới rõ cô là một con khốn nạn, một con Võ Hậu thời nay!"
Ba Lân liền đứng dậy hất tay thầy Bính mà nói: "Thầy không được phép sỉ nhục một người đờn bà yếu đuối."
Thầy Bính trợn mắt ngó Ba Lân mà nói:
- Tôi không thèm nói tới thầy là may cho thầy lắm. Sao thầy còn bắt lỗi tôi?
- Thầy vô lễ với người đờn bà đương ngồi uống rượu với tôi thì cũng như vô lễ với tôi, bởi vậy tôi cũng có quyền trừng trị thầy mà dạy thầy một bài học ở đời.
Ông chủ nhà hàng và khách thấy hai đàng cãi lẫy chắc sẽ đánh lộn, nên ai nấy đều chạy lại đứng chung quanh mà can.
Ông chủ nhà hàng cao lớn mạnh mẽ, ông nắm cánh tay thầy Bính mà kéo và nói rằng: "Thầy có say thì về mà nghỉ, không nên làm rầy rà trong nhà hàng."
Thầy Bính đương giận, không kể ai hết nên xô ông chủ nhà hàng mà nạt rằng:
- Ông biết chuyện gì mà xía miệng vô!
- Tuy tôi không biết chuyện gì, xong tôi biết tôi làm chủ trong nhà hàng này, tôi không bằng lòng cho thầy động đến khách của tôi, thầy hiểu hay không?
- Tôi cũng là khách vậy chớ.
- Phải. Thầy cũng là khách mà thầy làm náo động trong nhà hàng của tôi, nên tôi phải can thiệp. Tôi mời thầy đi ra lộ ngay lập tức, nếu thầy còn cượng thì tôi sẽ kêu lính cảnh sát dắt thầy xuống bót liền bây giờ đây. Thầy hiểu chưa?
Thầy Bính nghe nói kêu lính dắt xuống bót thì thầy biến sắc, thầy không còn nóng như hồi nãy nữa, thầy móc túi lấy hai cắc bạc quăng trên bàn mà trả tiền ly la ve thầy đội nón lên rồi thầy ríu ríu đi ra cửa.
Nhạc trỗi lên lại, khách ráp khiêu vũ nữa.
Ba Lân nói với cô Hai rằng: "Hồi nãy ảnh vô thình lình, qua dặn em không kịp. Em nói đoản quá qua sợ ảnh thất chí rồi ảnh tự vận thì mình có lỗi nhiều lắm."
Cô Hai Thinh cười và đáp rằng: "Không có tự vận đâu mà anh lo. Thầy Hai không phải ở về hạ lưu, mà cũng không phải thuộc hạng thượng trí; nên thầy thất tình mình sợ thầy sát nhơn hoặc tự sát. Thầy thuộc về hạng trung lưu, tính thấp thỏi, ham sống, sợ chết, chẳng bao giờ dám sống chết với người thầy yêu đâu mà sợ. Em biết thầy lắm, nên em mới ở đoản với thầy đặng trừ phứt cái bịnh ham mèo chó của thầy một lần cho tuyệt. Có vậy thầy mới biết thương chị Hai, từ rày sắp lên thầy không bỏ chị Hai nữa."
Ba Lân cười, kêu bồi biểu tính tiền rượu rồi dắt cô Hai Thinh đi ra, chàng nghiêm nghị vững vàng, cô vui cười hớn hở.
Lúc tảng sáng, hạng lao động tốp đi chợ, tốp đi làm, qua lại dập dều các nẻo đường. Những xa phu, nghỉ từ hồi khuya đã khoẻ chơn, nên kéo xe nghễu nghện đi kiếm mối.
Trong cái đường hẻm chỗ cô Đào ở, người ta đã rải rác thức dậy, nên căn thì con nít ngồi sật sừ trước thềm, căn thì kẻ lớn mở cửa quét nhà chộn rộn.
Bữa nay nhằm thứ năm, không có học, nên thằng Khoa xin xu của má nó rồi dắt con Lý ra đầu đường hẻm đứng đón chị bán xôi mà mua ăn. Thình lình hai đứa nhỏ thấy Ba Lân đi vô đường hẻm thì lật đật chấp tay cuối đầu mà xá.
Ba Lân nhìn biết cháu thì cười và hỏi: "Má thức dậy hay chưa?"
Thằng Khoa nói má nó đã dậy rồi. Nó nói dứt lời liền chạy trước về nhà mà cho má nó hay.
Cô Đào vừa bước ra khỏi cửa thì Ba Lân đã vô tới, cô mừng em rồi mời vô nhà.
Ba Lân kéo ghế mà ngồi rồi hỏi chị rằng:
- Chị nhứt định rồi hay chưa?
- Nhứt định việc gì?
Việc em nói với chị hôm qua đó. Em muốn chị dắt sắp nhỏ đi theo em lên Lèo mà ở với em, chị bằng lòng đi hay không?
- Khó quá.
- Có khó chi đâu.
- Sắp nhỏ nó trí cha nó lắm; đi xa sợ nó nhớ tội nghiệp.
- Em biết chị còn thương anh Hai lung lắm, nên chị không nỡ rứt mà theo em. Em không dám dứt tình vợ chồng của chị. Huống chi mà chị nói lúc đau ảnh lo thuốc men, lúc má mất ảnh lo chôn cất, nếu bây giờ em khuyên chị phải bỏ ảnh, thì em là đứa bất nghĩa. Vậy chị đi theo hay không đều tự ý chị, chớ em không dám ép.
- Đi khó quá. Mà em tính lên trên Lèo hay sao, nên trở vô đây hỏi gắt như vậy?
- Phải, em tính về gấp.
- Chừng nào về?
- Khuya nay em đi xe hơi lên Nam Vang rồi đi tàu mà về trển.
- Chị em xa nhau mười mấy năm, em không thể vắng mặt lâu được.
- Hôm qua em nói em phải kiếm con của ông Ba Liềm, sao em ở thêm ít ngày mà kiếm, lại bỏ đi về đi.
- Em kiếm được rồi.
- Húy chà! Ở đâu mà em kiếm được mau dữ vậy?
- Em đi tình cờ em gặp.
- Em gặp rồi sao em không ở mà tính công chuyện cho xong, em lại về đi?
- Em tính công chuyện cũng xong rồi hết. Khuya nay vợ em cũng đi theo mà lên Lèo.
- Nó chịu đi hay sao?
- Chịu. Bởi vậy em không còn công chuyện gì nữa mà ở đây, nên trở vô hỏi lại chị coi như chị chịu đi thì đi với em.
- Cha mẹ sanh có hai chị em; nay cha mẹ đã khoãn hết rồi, trong thân tộc chỉ có một mình em. Nếu chị không thương em thì thương ai? Chị cũng muốn đi theo em lắm, ngặt vì chị có con lòng thòng, chị nghĩ bỏ chồng mà theo em thì không tiện. Xin em xét lại mà thương phận chị chớ đừng có phiền.
Ba Lân dòm coi hai đứa nhỏ đã dắt nhau đi chơi, chàng mới thò tay vô túi áo trong móc ra một bó giấy bạc, đếm lấy mười tấm giấy xăng rồi xếp lại mà trao cho chị và nói rằng: "Chị không đành bỏ chồng mà đi theo em đi lên Lèo mà ở cho em nuôi, thôi em cho chị một ngàn đồng bạc đây. Chị phải giấu, đừng cho anh Hai biết, phải cất để dành mà nuôi con. Em cũng để lại cho chị một tấm danh thiệp đây, nếu có việc chi phải cần dùng em, hoặc đau ốm, hoặc nghèo khổ, thì coi đó mà gởi thơ hoặc đánh dây thép cho em. Chị đừng ngại gì hết, dầu chị cần dùng việc gì, em cũng sẵn lòng giúp chị luôn luôn".
Cô Đào lấy một ngàn đồng bạc với tấm danh thiệp mà bỏ túi, cô cảm tình em lung quá, nên nước mắt chảy ròng ròng, không biết nói sao được.
Ba Lân nói: "Chị em xa cách nhau tới mười hai năm, nay gặp nhau mà em vội về thì dường như em vô tình lắm vậy. Ngặt vì việc làm ăn đa đoan, em không thể ở lâu nữa được. Vậy em xin chị ở lại dưới này mạnh giỏi, để qua sang năm, đến Thanh minh, thợ khép mả cho cha mẹ xong, em về cúng mả rồi chị em sẽ gặp nhau nữa."
Cô Đào nói: "Em có việc nhà nên phải về gấp, chị không dám cầm. Mà bề nào khuya này em mới đi. Vậy chị xin em trước khi về, em dắt con Ba vô đây cho chị em biết nhau một chút rồi sẽ đi".
Ba Lân lặng suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng:
- Em mắc lo mua đồ đạc chút đỉnh, nên sợ không rảnh mà vô nữa được.
- Dữ hôn! Em nhơn chừng một giờ đồng hồ, em dắt con Ba vô đây cho chị biết nó một chút có lẽ nào không rảnh. Em đi mua đồ tới tối ngày nay lận hay sao?
- Vợ em nó cũng phải mua đồ mà đem theo.
- Thôi, ngày nay mua đồ đạc gì đó thì mua đi. Chiều dắt nhau vô đây mà ăn cơm với chị, được hôn?
- Em không dám hứa chắc. Thôi chị đừng lo cơm nước chi hết. Để tối chư có rảnh thì em dắt vợ em vô thăm chị một chút đặng hai chị em biết mặt nhau.
Ba Lân đứng dậy từ chị mà đi. Chừng ra cửa chàng còn dặn cô Đào phải dấu bạc mình vừa mới cho để dành mà nuôi con, chẳng nên cho chồng biết. Ra đường hẻm gặp hai cháu đương chơi tại đó, chàng lại lấy một đồng bạc mà cho chúng nó, rồi mới kêu xe kéo mà đi.
Mấy bữa trước cô Đào buồn rần hết sức, không tiền trả tiền phố mà ở, không tiền mua cơm cho con ăn, không biết rồi đây tấm thân phải đến như thế nào. Thình lình gặp em thì cô đã bớt buồn, mà em lại cho họ về trước về sau tới một ngàn một trăm đồng bạc, là một số tiền lớn lao thuở nay cô chưa thấy lần nào, bởi vậy Ba Lân đi rồi, thì cô khoăn khoái trong lòng, nhớ tới chồng thì cô chúm chím cười, trông mau tối đặng coi con em dâu ra thể nào cho biết. Cô ra sau bếp mà đếm bạc lại, tính để riêng một trăm hôm qua đặng mua hàng mua vải may quần áo cho con, còn một ngàn mới được thì cô lấy giấy nhựt trình mà gói lại kỹ lưỡng rồi bỏ vô túi, lấy kim nhíp mà ghim miệng túi chặt chịa.
Đến trưa thầy Bính về nữa. Hôm qua hai đứa nhỏ mừng cha, chúng nó đã bị nộ nạt, nên bữa nay chúng nó không dám léo lại gần nữa, cứ đứng xa mà ngó. Cô Đào thấy chồng mà cô cũng không lộ sắc buồn hay là vui.
Thầy Bính dựng xe máy dựa cửa như hôm qua, rồi lấy cặp da mà ôm vô nhà để trên bàn. Thầy ngồi dựa bên đó, cánh tay chống trên bàn, mắt ngó ra cửa, khí sắc coi buồn bực lắm.
Cô Đào ngồi tại bộ ván ngang đó, cứ chăm chỉ may, cô không nói một tiếng chi hết.
Hai đứa nhỏ ngồi chơi ngoài hiên. Thầy Bính ngó con một hồi rồi kêu mà nói: "Vô cho ba biểu chút con."
Thằng Khoa với con Lý nghe cha kêu mà không biết kêu đứa nào, nên cả hai đều đi vô.
Thầy Bính đưa hết hai tay ra mà nắm hai đứa nhỏ, kéo lại đứng sát bên mình, rồi ôm hun từng đứa. Cô Đào liếc mắt thấy như vậy thì cô lấy làm kỳ, mà hai đứa nhỏ đã mấy tháng rồi mới được nựng nệu, nên chúng nó cũng chưng hửng.
Thầy Bính ứa nước mắt mà hỏi rằng: "Mấy tháng nay ba bỏ hai con. Vậy mà hai con giận ba hay không?"
Hai đứa nhỏ đầu lắc đầu.
Thầy nói tiếp: "Ừ, hai con đừng có giận ba. Tại số mạng của ba đã gần hết rồi, nên Trời mới khiến như vậy. Hai con phải nhớ kỹ cái mặt của ba đây; có lẽ hai con không còn thấy ba nữa, nên phải ngó cho kỹ mà nhớ mặt ba".
Hai đứa nhỏ đứng ngó cha trân trân, song không hiểu ý tứ trong mấy lời cha nói.
Cô Đào chúm chím cười mà hỏi: "bây giờ tính bỏ dứt mẹ con tôi mà đi xứ khác hay sao, nên nói như vậy?"
Thầy Bính ngồi lặng thinh, không ngó vợ, hai tay ôm hai đứa con trong lòng, nước mắt chảy ròng ròng. Cô Đào thấy vậy, cô không nở nói xóc trước chồng nữa, nên cô làm lơ mà may.
Cách một hồi lâu, thầy khóc và nói rằng: "Phải. Tôi sẽ bỏ đứt mình với hai đứa nhỏ mà đi xa lắm, đi ra khỏi cõi thế gian này. Bữa nay tôi về đây, là về đặng từ biệt mình và thấy mặt hai đứa nhỏ một lần chót hết. Tôi còn giáp mặt với mình một lần này mà thôi, vậy tôi xin mình nghĩ tình nghĩa vợ chồng mười hai năm mà tha cái lỗi tôi làm buồn cho mình mấy tháng nay. Cái mạng tôi đến đây là cùng rồi. Vậy tôi xin gởi hai đứa nhỏ lại cho mình. Tôi không dám xin mình thương nhớ tôi, vì tôi không đáng cho mình thương nhớ nữa. Tôi chỉ xin mình nuôi hai đứa nhỏ, mình đừng dạy nó oán tôi, được như vậy thì ở dưới cửu tuyền tôi bớt buồn, bớt hổ".
Cô Đào nghe nói vậy thì cô chưng hửng, buông đồ may mà hỏi:
- Nói cái gì vậy? Thế khí điên rồi hay sao?
- Không. Tôi tỉnh lắm, chớ có điên đâu.
- Không điên sao mà nói hơi như muốn chết vậy?
- Phải. Tôi muốn chết. Tôi không thể sống nữa được.
- Chuyện gì mà phải chết!
- Nếu tôi sống thì tôi phải chịu nhục nhã cực khổ lắm, bởi vậy thà là chết cho khỏe tấm thân.
- Tại sao mà phải chết kìa? Chắc là con quỷ đó nó đạp đít mình nó lấy thằng khác rồi, nên mình mới thất tình muốn chết đây chớ gì. Phải như vậy hay không?
- Ơ...ơ... phải. Con quỷ đó bỏ tôi mà theo thằng khác rồi. Mà việc đó bất quá làm cho tôi giận mà thôi, chớ không có hại tôi nên tôi phải chết. Còn một việc khác nguy lắm, nó có thể làm cho tôi bị đày, nên tôi tính chết phứt cho yên thân.
- Việc gì mà tới bị đày lận? Mình ghen mình giết người ta hay sao?
- Không phải. Để tôi tỏ thiệt cho mình nghe. Mấy tháng nay tôi mê say con quỷ đó, nó ăn xài tốn hao lung quá. Số tiền lương tôi xài không đủ, tôi phải xài thâm tới tiền của hãng.
- Trời đất ơi! Ở tù chết còn gì!
- Bởi vậy mới nguy.
- Làm sao mình lấy tiền của hãng được mà mình xài?
- Tôi ôm toa đi đòi tiền. Như đòi được năm trăm tôi đóng cho hãng bốn trăm năm mươi, chận bớt năm mươi mà xài. Toa này chuyền qua toa kia, hãng chưa tính sổ, nên chưa thấy chỗ tôi gian lận được.
- Thôi chết rồi! Còn gì kể nữa! Chừng nào hãng mới tính sổ?
- Cuối tháng này hãng lập sổ trung niên, tự nhiên tôi phải nộp toa còn đọng lại đặng tính coi hãng đưa toa cho tôi bao nhiêu, tôi đòi tiền được bao nhiêu, tôi đóng cho hãng bấy nhiêu. Hễ tính ra thì lòi liền.
Thầy Bính nói tới đó thì thầy khóc nữa. Cô Đào khoanh tay ngồi thở ra. Tuy hai đứa nhỏ không hiểu cái hại ra thế nào, song chúng nó dòm thấy cha mẹ bi lụy, thì chúng nó cũng buồn, nên leo lên ván mà ngồi, không dám nói chi hết.
Cô Đào chắc lưỡi lắc đầu mà nói: "Mình thấy hay chưa hử? Mấy năm nay lo làm ăn, tuy không giàu, song trong nhà thong thả vui vẻ biết chừng nào. Tại sanh chứng mê mèo chó, nên mới ra nông nổi như vậy đó!"
Thầy Bính đáp: "Bây giờ mình mắng nhiếc bao nhiêu tôi cũng chịu hết. Tôi đã lỡ dạy rồi, tôi còn nói gì nữa được. Thôi, lửa đã lưng lên cháy mái nhà rồi, mà nước thì không có, dầu có chộn rộn lắm cũng vô ích. Tôi nói thiệt với mình, tôi tính tôi chết trước khi hãng tính sổ thì xong hơn. Tôi cầu chúc mình ở lại mạnh giỏi mà nuôi con, đừng có kể đến tôi nữa. Tôi vay thì tôi phải trả".
Thầy Bính nói dứt lời rồi thủng thẳng đứng dậy ôm cái cặp da.
Cô Đào chau mài hỏi: "Bây giờ mình đi đâu? Thủng thẳng để cho tôi hỏi thăm một chút coi".
Thầy đứng ngó vợ, ngó con, rồi lấy khăn trong túi ra mà lao nước mắt.
Cô Đào hỏi nữa:
- Mà mình có tính thử coi mình xài thâm của hãng chừng bao nhiêu hây không?
- Tôi tính rồi! Tôi xài thâm của hãng hết tám trăm đồng.
- Quá chừng rồi! Mình tính kỹ hôn?
- Mỗi lần tôi chận tiền bao nhiêu, tôi đều có biên trong sổ riêng của tôi. Mà trọn một đêm nay tôi cộng toa, tôi tính đi tính lại mấy lần, thì thiệt cũng có tám trăm mà thôi. Mà dầu năm trăm, hay tám trăm, hay là một ngàn, cũng chết. Thôi, để tôi đi.
- Bây giờ mình đi đâu?
- Tôi đi bậy đi bạ, ở đây thì hại lây cho vợ con chớ có ích gì.
- Khoan đi đã. Ngồi đó rồi tôi nói chuyện cho mà nghe.
Cô Đào đứng dậy đi vô trong buồng.
Thầy Bính ngồi lại, gục mặt xuống đất, sắc diện coi hết thần.
Cách một lát cô Đào trở ra, tay cầm một xấp giấy xăng mà đưa cho chồng rồi nói: "Đây nè, lấy tám trăm đồng bạc đây mà đóng phức cho hãng đi; để dây dưa hãng tính sổ rồi ở tù chết cho coi".
Thầy Bính chung hửng, vùng đứng dậy, ngó xấp giấy bạc rồi ngó vợ, không dám lấy bạc, bộ lơ láo như người mất trí.
Cô Đào cười và nói nữa:
- Lấy đặng đi đóng cho hãng đi.
- Mình làm sao có tới tám trăm đồng bạc mà cứu mạng tôi như vậy?
- Của thằng em tôi nó mới cho tôi hồi sớm mơi đó.
Thầy Bính ngồi ngó trân trân trên ghế, chống tay lên bàn mà khóc nữa.
Cô Đào để sấp giấy bạc trên bàn rồi têm trầu mà ăn, cô làm được một đại nghĩa, nên khí sắc coi hân hoan lắm.
Thầy Bính nói: "Sách xưa có câu: nhà có nghèo mới biết con thảo, nước có loạn mới biết tôi ngay. Tôi lấy làm tiếc sao Thánh hiền không nói thêm: chồng gặp cơn nguy mới biết lòng vợ."
Cô Đào cười mà đáp:
- Tại tôi thấy hai đứa nhỏ tôi thương, nên tôi mới cứu mình đó chớ.
- Dầu tại cớ nào đi nữa, tôi cũng thấy rõ lòng dạ của mình đối với tôi, tôi cũng chẳng hề quên cái ơn của mình làm cho tôi sống lại mà nuôi con.
- Cứu mình thì tôi phải cứu, chớ tôi đâu dám chắc mình không bỏ mẹ con tôi nữa.
- Tôi hứa chắc từ rày cho đến ngày tôi chết, tôi chẳng dám làm cho mình buồn nữa đâu.
- Thằng Ba nó cho tôi tiền, mà nó theo căn dặn phải cất để dành nuôi con. Nay tôi đưa cho mình đặng thường cho hãng, thì mình phải nuôi con, chớ đừng có bỏ nó đói rách nữa đó.
- Tôi thề tôi chẳng rời con tôi nữa đâu. Mình nói tiền của người em mình cho. Em là ai, ở đâu?
- Thì tôi có một thằng em thức ba đó mà thôi, chớ có ai nữa đâu.
- Người đi biệt mất từ hồi nhỏ đó phải hôn?
- Nó đó.
- Bây giờ cậu ở đâu?
- Nó ở trên Lèo.
- Thế khi cậu giàu lắm hay sao nên cho mình tiền nhiều như vậy?
- Nó nói nó làm ăn khá.
- Cậu cho mình tiền hồi nào?
- Mới hồi sớm mơi này. Nó biểu mấy mẹ con tôi đi theo nó lên Lèo ở cho nó nuôi. Tôi không chịu đi, nên nó mới cho tôi tiền mà nuôi con đó.
- Té ra có cậu về dưới này hay sao?
- Có. Nó về hổm nay, khuya này nó trở lên trển.
- Bây giờ cậu ở đây, mình nói cho tôi biết đặng tôi kiếm mà tạ ơn cậu.
- Nó nói nó ở ngoài khách sạn mà tôi quên hỏi coi ở khách sạn nào.
- Cậu chưa biết tôi, mà cậu cứu tôi khỏi chết như vầy, thiệt ơn nghĩa nặng lắm. Tôi phải kiếm mà tạ ơn cậu.
- Thôi, biết đâu mà kiếm. Nó có hứa tối nó sẽ dắt vợ nó vò thăm tôi đặng từ giã mà về trên Lèo. Như mình muốn gặp nó, thì tối nay mình ở nhà, chắc mình sẽ gặp.
- Tôi sẽ ở nhà mà chờ cậu đặng anh em biết nhau.
- Ý! Mà không được. Mình gặp nó mình đừng có nói lời chuyện tôi đưa bạc cho mình thường cho hãng nghe hôn.
- Sao vậy?
- Nó đưa tiền nó dặn phải dấu để dành nuôi con. Nếu nó hay tôi đưa lại cho mình, tôi sợ nó hờn chớ. Tiền đó là tiền của sắp nhỏ đa, mình hiểu hay không?
- Tôi hiểu lắm. Tôi phu bạc vợ con, mà bây giờ vợ con cứu tôi khỏi chết, sao tôi lại không hiểu.
- Không. Tôi muốn biểu mình nếu có gặp thằng Ba thì đừng có nói tới việc tiền bạc kia chớ.
- Thôi. Tôi không nói đâu. Nếu cậu vô đây thì tôi mừng cậu vậy thôi..Bây giờ hãng đóng cửa rồi. Vậy mình cất số bạc đó đi, để ba giờ chiều hãng mở cửa rồi tôi sẽ lấy tôi đi đóng.
Cô Đào lấy sắp giấy bạc mà bỏ vô túi.
Thầy Bính đứng dậy cởi áo, rồi đi vô trong mà rửa mặt. Cô mở tủ lấy khăn mà đưa cho thầy. Thầy nói: "Từ hồi trưa hôm qua cho tới bây giờ, tôi buồn rầu quá, nên không có ăn cơm. Mình coi còn cơm còn đồ gì đó dọn sơ sịa cho tôi ăn đỡ."
Cô Đào cười và đáp: "Đồ ăn đâu mà còn được. Còn cơm thì nguội lạnh mà ăn giống gì. Thôi, để tôi đi mua bánh mì với thịt đặng ăn đỡ."
Cô liền lấy khăn đội lên mà đi. Cách chẳng bao lâu cô trở về, một tay cầm hai ổ bánh mì lớn, còn một tay cầm một gói thịt xá xiếu. Cô lấy dĩa mà đựng thịt rồi bưng lên cho chồng ăn. Thầy kêu hai đứa nhỏ biểu lại ăn với thầy, cha con ngồi ăn với nhau coi vui vẻ lắm.
Gần ba giờ chiều cô Đào mới đưa tám trăm đồng bạc cho chồng đem đóng cho hãng. Đến sáu giờ thầy Bính mới trở về. Thầy bước vô nhà mặt mày tươi rói, vừa thấy vợ thì hỏi:
- Cậu Ba nó vô hay chưa?
- Chưa, nó nói tối nó mới vô.
- Sao mình không mời vợ chồng cậu vô ăn cơm nói chuyện chơi?
- Tôi có mời chớ, mà nó nói mắc đi mua đồ, nó vô ăn cơm không tiện, để tối có rảnh rồi nó sẽ dắt cỏn vô một lát. Mình đóng bạc cho hãng rồi chưa?
- Đóng rồi. Tôi lại có nài người thân tiền tính sổ sách rành rẽ rồi hết. Bây giờ đâu đó minh bạch, trong trí tôi nhẹ phơi phới.
- Ít ngày rồi làm nữa đi. Mình còn làm nữa thì mình phải chết, tôi không biết làm sao mà cứu nữa được.
- Thôi, lỡ một lần tôi thất kinh rồi. Lạy ông lạy cha tôi không dám nữa đâu.
Cô Đào lo dọn cơm. Thầy Bính thay áo quần và lau ống khói mà đốt đèn. Dọn cơm lên bàn, vợ chồng ngồi lại ăn với hai đứa con, vợ chồng cha con nói chuyện vui cười, quên hết cái hồi rẽ phân, phụ bạc.
Cơm nước xong rồi hai vợ chồng với con Lý nằm tại bộ ván mà chơi, còn thằng Khoa thì ngồi bên bàn mà học.
Lối tám giờ rưỡi, Ba Lân với cô Hai Thinh vô tới chàng mặc một bộ đồ nỉ xám, còn cô mặc một bộ đồ màu nước biển, tai cô đeo một đôi bông nhận hột xoàn tay mặc đeo một chiếc đồng bánh ú, tay trái lại có đeo một chiếc vòng nhận hột xoàn, mặt cô dồi phấn đã khéo, mà nhờ xoàn chói thêm nữa, nên coi thiệt là xinh đẹp.
Cô Đào vừa ngó thấy thì lồm cồm ngồi dậy nói rằng: "Hai vợ chồng thằng Ba vô kia!"
Thầy Bính cũng lật đật ngồi dậy.
Thầy thấy Ba Lân với cô Hai Thinh thì thấy chưng hửng, đứng ngó trân trân, không kiếm được một lời nào mà nói.
Ba Lân hỏi cô Đào:
- Anh Hai đây, phải hôn chị Hai?
- Ừ, anh Hai của em đó. Nghe nói có em về, nên đợi từ hồi trưa tới giờ, đặng anh em gặp nhau cho biết.
Ba Lân liền đưa tay mà bắt tay thầy Bính và nói rằng: "Em lưu lạc mười mấy năm nay, em về em nghe chị Hai em nói lúc má đau anh hết lòng lo thuốc men, chừng má mất một tay anh lo tống táng. Em nghe như vậy thiệt em cám ơn anh hết sức. Ơn ấy ngàn ngày em cũng chẳng quên. Cái nghĩa anh làm đó, em sẽ lo mà đáp lại; mà dầu em đền đáp không được, thì Phật trời cũng chứng kiến cho anh, chẳng bao giờ mất đâu."
Thầy Bính gượng mà đáp: "Việc tôi làm đó là phận sự của tôi, có ơn nghĩa chi đâu."
Cô Đào kéo ghế mời cô Hai Thinh ngồi, hai đứa nhỏ đứng xớ rớ gần đó. Cô Hai Thinh làm như thuở nay không quen biết thầy Bính, cô ngồi rồi hỏi cô Đào:
- Anh Hai chị Hai được mấy người con?
- Có hai đứa đó.
Cô Hai Thinh ngó hai đứa nhỏ rồi nói: "Một trai một gái, vậy cũng đủ rồi. Đâu hai cháu lại đây cho mợ hỏi một chút."
Hai đưa nhỏ bước lại gần. Cô ôm mỗi đứa một tay rồi ngó cô Đào mà nói: "Hai cháu mặt mày sáng láng, dễ thương quá". Cô nói rồi ôm chặt mỗi đứa mà hun một cái. Cô lại hỏi thằng Khoa:
- Cháu có đi học hay không?
- Thưa có.
- Học lớp nào?
- Thưa, lớp nhì.
- Giỏi lắm! Ráng mà học nghe hôn cháu. Học cho giỏi, sau cậu mợ có về cậu mợ sẽ thưởng.
Cô Hai Thinh lại qua mà nói với Ba Lân:
- Hai đứa nhỏ dễ thương quá. Phải anh Hai chị Hai cho mình đem lên trển mình nuôi.
- Anh Hai chị Hai dễ cho hôn.
- Tôi thấy trẻ nhỏ tôi thương quá. Nếu tôi được hai đứa con như vầy, chắc tôi vui lắm.
Cô Đào cười và nói: "Thì thủng thẳng rồi có con chớ gì. Tôi sợ rồi đây đẻ cả chục nuôi không nổi chớ."
Cô Hai Thinh móc túi lấy ra một xấp giấy bạc, rút cho thằng Khoa một tấm giấy năm đồng bạc để dành mua bánh mà ăn nghe hôn. Học cho giỏi rồi chừng mợ về mợ cho nữa."
Cô Đào hỏi cô Thinh:
- Con Ba gốc em ở Cần Giuộc phải hôn?
- Thưa, phải. Em là con Ba Liềm.
- Hồi nhỏ qua bán bánh trên chợ, qua thấy em hoài. Không gặp nhau lâu, phần bây giờ em lớn, nên nếu không nói trước, thì gặp chắc qua không biết.
- Thiệt như vậy. Đến anh Ba đây mà em gặp ảnh em nhìn còn không ra thay.
- Hai vợ chồng nhứt định khuya này đi hay sao?
- Thưa, phải. Vợ chồng em vô thăm và từ giã anh chị một chút rồi trở về đem đồ lên xe. Mười hai giờ khuya xe chạy.
- Qua muốn hai vợ chồng ở chơi vài bữa rồi sẽ đi.
- Không được đâu chị Hai. Ở chơi thì vui, mà hại cho công việc làm ăn của anh Ba lung lắm. Để Thanh minh vợ chồng em về ăn tạ mả cho cha với má rồi chị em sẽ gần nhau lâu.
Ba Lân hỏi thầy Bính:
- Anh Hai làm việc xin phép nghỉ dễ hay không?
- Xin nghỉ một vài bữa thì được, chớ nghỉ lâu không được.
- Chớ chi anh xin nghỉ chừng một tháng, mời anh chị lên Lèo chơi. Lúc này nước nổi nên dễ đi lắm.
- Xa quá, đi không tiện.
Cô Hai Thinh nói: "Có xa gì lắm đâu anh Hai. Anh Ba nói tháng này đi chừng mười bữa thì tới trển."
Thầy Bính làm lơ, không muốn cãi.
Ba Lân ngó vợ, rồi chồng vợ đứng dậy từ giã anh chị. Cô Hai Thinh hun con Lý với thằng Khoa một lần nữa, rồi tay vịn tay chồng mà đi ra cửa, mùi dầu thơm bay bát ngát.
Vợ chồng thầy Bính đưa ra tới đường lớn rồi mới từ biệt nhau. Chừng trở vô nhà, thầy Bính thở dài, sắc mặt không được vui.
Cô Đào không để ý đến sự chồng gặp em thì bợ ngợ lợt lại, cô lại nói: "Hai vợ chồng thằng Ba xứng với nhau dữ. Cỏn có sắc đẹp mà tánh lại vui vẻ. Hèn chi mười mấy năm nay thẳng không chịu cưới vợ nào khác cũng phải".
Thầy Bính cười gằn mà nói:
- Mình đừng có khen vội. Tôi sợ cậu Ba mang họa chớ.
- Họa gì?
- Tôi coi bộ tướng mợ Ba không vừa đâu. Gương mặt đó ít trung tín, mà lại phá của nữa.
- Người ta như vậy mà mình chê chớ! Thua con quỷ của mình đó hả?
- Nói chuyện mà nghe chớ khen chê giống gì. Tôi sợ là sợ cho cậu Ba, cậu mê sa người đó rồi hư nhà hại cửa đi chớ.
- Mình lo cho phận mình mà thôi, không cần gì phải lo cho nó. Hồi nhỏ nó đi ra, trong lưng có mất cắc bạc, bây giờ nó có bạc ngàn bạc muôn, nó không dại đâu mà sợ.
Thầy Bính vùn vai bỏ đi vô buồng mà nằm, không dám bàn luận với vợ nữa.
Đến chúa nhựt thầy dọn hết đồ đạc lên căn phố 415 đường Faucautl, đem vợ con lên trển mà ở cho rộng rãi thong thả. Thầy xin cho thằng Khoa và con Lý vô học trường Dakao, ban ngày đi làm việc, tối ở nhà dạy con, không chịu đi chơi nữa.
Vĩnh Hội, Janvier 1938