Sở dĩ tôi nghĩ “cửa cha” như vậy là vì chưa có bận bịu, vướng víu gì đến thân: cơm ăn, áo mặc đã có mẹ lo cho, thỉnh thoảng lại “làm một mẻ” ở nhà đi ăn, đi chơi, đi hát. Thực quả là tôi chưa cần tiền, chưa phải nhọc óc vì chuyện xoay tiền... nên ngoài những giờ trác táng ra, tôi chỉ đọc sách, viết văn, viết báo. Lúc nào cũng nghĩ một tứ lạ, lúc nào cũng nhằm tìm một đề hay cho nên văn chương, lúc đó, đẽo gọt hơn cả luận thi Tú tài.
Hồi ấy, tôi hãy còn đi học, nhưng một tư tưởng đã manh nha trong trí óc: ai đời viết báo lại đi học bao giờ? Y định bỏ trường học phát sanh ra từ đó; nhưng phải đợi đến một trường hợp đặc biệt sẽ xảy ra, tôi mới nhất định thi hành. Giữa lúc đó, một sự việc khá quan trọng xảy ra thực: tờ tuần báo Đông Tây đổi ra báo hàng ngày.
Làm tạp chí, chưa phải là làm báo; làm tuần báo, chưa phải làm báo. Muốn xứng đáng với danh nghĩa nhà báo, phải làm “bỉnh bút” cho một tờ báo hàng ngày. Cờ đã đến tay rồi, phải phất! Tôi viết lia viết lịa, không quản ngày đêm. Có bài đăng lên, có bài cho vào sọt rác. Không kỳ quản, tôi cứ viết. Thế rồi một hôm, tôi nhận được một tấm các của Hoàng Tích Chu, như đã nói ở đoạn trên. Giờ quyết định đã tới. Tôi cứ đinh ninh là Hoàng Tích Chu mời tôi cộng sự hẳn với tờ Đông Tây. Không hiểu cái óc người thiếu niên nó ra sao mà cầm cái các mời, tôi lại có thể yên trí ngay như vậy. Tôi mơ, mai đây mốt nọ tôi cộng sự hẳn với nhà báo, ngày ngày đến nhà báo viết, gọi điện thoại ầm lên, rồi đến giờ thì ôm một tập báo “dầy tổ bố” ra về, gọi một cái xe kéo nhảy lên ngồi chễm chệ, đúng một anh nhà báo: oai biết mấy, danh giá bao nhiêu! Cô Sâm ở trước cửa, cô con gái ông Hàn Đắc ở Hàng Khay và cả cô Điển ở nhà Gô Đa nữa, phen này cho mà “bở vía”!
Thôi, chỉ nói bấy nhiêu thôi, đủ rồi. Tất cả điều tôi có thể nói ra lời là lúc ấy cả người tôi căng lên một trời hy vọng. Để mãi như thế, chịu làm sao nổi: tôi điên lên, tôi không thể hy vọng giữ nguyên trạng lâu hơn nữa, tôi bỏ học.
TỪ HOÀNG TÍCH CHU QUA NGUYỄN KHẮC HIẾU ĐẾN TRÚC ĐỲNH, NGHIÊM XUÂN HUYẾN
Bỏ học, tôi giấu mẹ tôi cho đến giờ chót để làm “việc đã rồi”. Bao nhiêu hy vọng đặt vào “thằng ba”, tâm tâm niệm niệm cho nó đỗ tú tài rồi đi học thuốc, hay lấy cái bằng luật ra làm tri huyện còm, mộng ấy bây giờ “đổ cái rụp”: ai mà không ngán! Nhưng ngán mấy đi nữa cũng không bằng cái ngán của mẹ tôi khi thấy thằng con mất dạy trắng trợn tuyên bố công khai rằng tôi bỏ học để đi làm báo! Trời ơi là trời, làm cái nghề gì, chớ lại đi làm báo: điều ấy mẹ tôi, anh chị tôi, em tôi, không thể nào quan niệm nổi. Riêng đối với mẹ tôi thì nếu ơœ đời có cái nghề gì xấu nhất, tồi bại nhất, bất thân bạc ác nhất thì nhất định đó là nghề làm báo. Mẹ tôi bảo:
- Tôi xin anh thương tôi, đừng có bao giờ làm nghề ấy, vì phúc đức nhà ta không được bao nhiêu đâu... Anh trông thì biết: tôi bán giấy, các ông nhà báo đến mua hàng ngày đấy, có người nào khá không? Ông Thực Nghiệp mua giấy in, chịu ba tháng không có một đồng xu để trả; ông Khai Hóa méo mặt đi vì tiền; lại còn cái ông Bạn Dân Mi Xen đó, anh có thấy là người ta đi ăn mày vì làm báo không?
Theo nhận thức của mẹ tôi, nghề báo là một nghề bạc bẽo, không nuôi sống được người làm nghề; nhưng cái đó cũng chưa quan hệ bằng sự kiện này: làm báo là chửi bới người ta, là đào cha bới ông người ta lên và làm một cái gì rất tổn âm đức của ông cha mình. Ac lắm, không thể nào chịu được.
Tôi nghe tất cả những lời mẹ nói bằng hai lỗ tai lơ đễnh. Tôi phải thú nhận là lúc nhỏ tôi mất dạy không chê vào đâu được; ai nói, tôi cũng cho là hủ hậu; mình tự cho mình là siêu nhân, không ai hiểu nổi mình, và từ cử chỉ đến giọng nói, tôi cố làm ra phớt tỉnh, khinh khỉnh và coi thiên hạ không có kí lô nào hết. Vì thế mẹ nói mặc mẹ, tôi cứ đường tôi tôi đi. Tôi đi đến cái mục tiêu đã vạch sẵn là quyết xây dựng danh dự và tương lai trên nghề báo.
Và tôi bị một búa vào đầu ngay lúc định bước vào nghề: không có hy vọng vào tờ Đông Tây giúp việc - sau cuộc hội kiến với Hoàng Tích Chu.
Vừa đi bước một ở ven hồ Hoàn Kiếm, tôi vừa suy nghĩ. Tôi nhớ lại đã có một lần, không cách đó bao xa, tôi cũng được “chơi trèo” hội kiến với một nhà văn tên tuổi là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông Vũ Hùng Toán, lấy tư cách là quản lý báo, mời tôi là một nhà bỉnh bút của Tạp chí An Nam đến thăm ông chủ bút. Cuộc diện kiến diễn vào buổi tối một mùa đông lất phất mấy hạt mưa phùn. Lần đó, tôi cũng thất vọng như lần này: Tản Đà, thấy tôi vào, cứ ngồi ì ra không thèm đứng dậy; một lúc lâu, mới nhìn tôi một hồi như thể nhìn thằng ăn cắp, rồi “à” một tiếng và bảo tôi ngồi xuống ghế. Thì ra ông ta đang say. Bên cạnh ông là một cái hỏa lò than cháy râm râm, trước mặt là một cái mâm nhỏ trên bầy thức ăn bừa bãi. Ông ta uống một tợp, gắp một miếng, khà một cái, hơ tay vào lò than rồi... ngồi rung đùi ngâm, với một giọng khê nằng nặc:
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi.Rồi ông day cái mặt tròn, đỏ như trái bồ quân, trên cắm một cái mũi tròn xoe có hàng ngàn vạn đường gân máu chạy ngang chạy dọc như các con kinh đào vẽ trên bức địa đồ quân sự, ông nhe răng ra (tôi không biết ông cười hay mếu) nói một cách dõng dạc:
- À, ông Bằng, ông có thấy không? Chữ “vèo” ấy có cho mấy khuyên son cũng chưa đủ! “Vèo trông lá rụng”, hay lắm chớ, hay lắm chớ!
Theo lời ông Vũ Hùng Toán nói với tôi sau này, ông Hiếu suốt ngày cứ tự khen mình như thế, một tí phản đối cũng làm cho ông không bằng lòng.
Vừa ngã vào làng báo, tôi gặp hai nhân vật điển hình: một công tử bột, đánh phấn bôi môi làm cách mạng văn chương với một giọng văn cụt lủn, có khi không “suy dê”, không “véc bờ” và nổi tiếng làm tiền của gái, và một ông hủ “mớ đời”, làm báo mà chỉ lo trau chuốt một chữ trong thơ, cả ngày say rượu, không thèm biết một tí gì về tình hình quốc nội và quốc tế!
Nghĩ vậy, nhưng trong thâm tâm, tôi phục sát đất cả hai ông, bởi vì thơ của một ông rung động, còn văn của một ông có tính cách cách mạng, trẻ trung, chứ không già khụ như Hoàng Tăng Bí hay Dương Bá Trạc. Tôi phục Tản Đà đã đem một cái đẹp cao siêu vào mục thi ca cho làng báo, còn Hoàng Tích Chu thì đã làm “cách mạng thực sự” trong nghề báo, dám đưa ra những cải cách mà lúc đó ai cũng cho là quá ngổ.
Cả hai đặc điểm đó, tôi tự xét không thể nào theo nổi, nhưng sau khi gặp Hoàng Tích Chu, điều hợp, mổ xẻ và học tập hai buổi tiếp xúc lịch sử, tôi rút được một đặc điểm thứ ba, mà đặc điểm này chung cho cả hai người: đó là tính tự phụ, coi thiên hạ như cỏ rác. Vì lẽ tôi không bắt chước được hai bậc đàn anh về những cái gì cao siêu, tôi bắt chước cái gì dễ theo nhất, dễ làm nhất, để ra cái vẻ “ta đây cũng là một thứ đàn anh”. Sửa một bộ mặt lạnh lùng, khinh khỉnh, tôi mặc “ba đờ
suy”, quàng “ca rê”, đi “ghệt đờ vin”, cầm ba toong gỗ ép ngồi chồm chỗm trên xe tay, làm mặt chán chường một cây, không thiết sống, không buồn nhìn chung quanh. Ai nói chuyện, tôi cũng nghe bằng lỗ tai lơ đãng, ra cái vẻ “mình đã biết cả rồi”.
Giữa lúc mình tự phong cho mình cái chức vị ông cha như thế, một sự kiện xảy đến làm cho tôi yên trí tôi thuộc vào loại “ông cha chính cống bà lang trọc”. Nguyễn Doãn Vượng, hiện giờ là giám đốc kỹ thuật nhà in Kim Lai, vốn là bạn học từ lúc hai thằng còn là tiểu yêu mài đũng quần trên ghế trường Hàng Vôi, Hàng Kèn, một hôm “chồm” đến nhà tôi và bảo:
- Tao vừa gặp thằng Nghiêm Xuân Huyến, chủ nhiệm
“Bắc Kỳ Thể Thao”. Nó định ra tờ “Rạng Đông”, tuần lễ xuất bản hai kỳ. Tao giới thiệu mày. Nó chịu liền và nó muốn gặp mày. Mày nghĩ sao?
Còn nghĩ sao nữa! Tôi được cái bé người mà “hợm” một cây. Tôi không chịu cùng đi với Vượng đến Nghiêm Xuân Huyến, nhưng điều đình riêng với Vượng sắp xếp một cuộc gặp gỡ tay ba: Nghiêm Xuân Huyến, Nguyễn Doãn Vượng và tôi. Hình như đã thành một công lệ khi người ta nói chuyện làm báo làm bổ, tổ chức tòa soạn, trị sự với nhau thì thể nào cũng phải đi ăn, đi hút. Sau một cuộc đớp hít sáng đêm, tôi và Nghiêm Xuân Huyến đã thành đôi bạn “làm như thể quen nhau từ tiền kiếp”: Huyến thì chửi thề văng tục, tôi thì làm ra vẻ hiền lành, dớ dẩn, nhưng thỉnh thoảng lại xen vào câu chuyện một vài trường hợp “nói phét đâu ra đấy”. Bấy giờ, Nghiêm Xuân Huyến - sước hiệu là Voi Đen, về sau này lại tự phong cho mình là bố Việt Minh (vì là bố vợ nhạc sĩ Văn Cao) - Nghiêm Xuân Huyến giờ đã ra người thiên cổ, nhưng mỗi khi mưa xanh gió tím, chợt có gì nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, tôi vẫn thấy rõ ràng trước mặt một “khối nhục” thâm sì sì, miệng nói cứ chúm lại như sắp huýt gió, và bất cứ chuyện lạ hay không cũng trợn tròn đôi mắt to quá cỡ, dễ làm cho trẻ con bị sài! Tôi buồn rằng lúc Việt Minh bắt đầu hoạt động ở Hà Nội, tôi ít gặp Nghiêm Xuân Huyến. Chỉ mãi về sau mới nghe thấy phát xít Nhật bắt anh, xin âm dương, tàn ác đến làm cho anh phải bỏ mình trong ngục, thì đã muộn. Mà cũng chính vì lúc chung cục không được gặp nhau than thở đôi lời, cho nên đến tận bây giờ tôi vẫn băn khoăn một điều: là không biết trong khi làm tờ Rạng Đông, thỉnh thoảng tôi nói phét nói lác như thế thì Huyến có biết không. Nếu không thì quả là đại phúc cho tôi, chứ biết mà không nói, cứ giữ trong bụng mà cười thầm thì tôi tưởng tượng có thể xấu hổ chết đi được.
Huyến đặt tôi làm thư ký tòa soạn. Chủ bút là Trúc Đỳnh Trương Công Đỉnh. Trước khi bắt tay vào làm thư ký tòa soạn, tôi đã hội ý kiến riêng với Trúc Đỳnh, lúc ấy, ở ngõ Thuốc Cam Phú Tý - một cái hẻm đâm thẳng ra Cải Lương Hí Viện ở Hàng Bạc. Cũng như ông Hiếu, Trúc Đỳnh, cũng làm tôi phục lăn đùng ra ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên: anh vận áo kimono dài chấm gót, đi dép Nhật quai nhung, có cục bông đỏ, đầu chải bi dăng tin láng mướt, môi thoa son, mặt lại dồi phấn làm bật đôi mắt nhỏ ươn ướt mới trông như có viền vải tây điều.
Kỳ lạ thay là các ông làm báo nhà nghề! Chưa gặp, các ông đã kêu là “bận quá, có việc phải đi ngay”. Tác giả “Minh toòng xây” và “Một đêm với Dương Quí Phi” cũng vậy: tôi chưa kịp ngồi xuống ghế thì ông đã cuống cuồng lên vào đề ngay: “Tôi mới nghe thấy Huyến nó mời anh trông nom tờ Rạng Đông. Tôi dặn anh phải cẩn thận, nó ghê lắm đấy, phải trị nó thẳng tay. Lơ mơ không được”. Đó là bài học vỡ lòng của tôi lúc bước chân vào nghề báo chính thức, nghĩa là nghề báo ra tiền, viết ra tiền, làm ra tiền thực sự chớ không phải là viết tài tử, viết lấy tiếng, cốt để có tên trên báo.
Trúc Đỳnh ở lại Hà Nội. Sau này lúc nghỉ tờ Rạng Đông, tôi không gặp được anh. Có lẽ anh ra khu, mà có lẽ anh đi ngoại quốc, hay là chết rồi cũng chưa biết chừng. Bạn thân của Trúc Đỳnh là Vi Huyền Đắc, tay tổ về kịch, nổi tiếng một thời với vở “Uyên Ương”. Gần đây, tôi có gặp Vi Huyền Đắc rút về ở một ngoại ô xa xôi. Tôi tiếc không hỏi thăm Vi Huyền Đắc xem tin tức của Trúc Đỳnh ra sao.