"Văn học nằm ngoài những định luật băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Santưcôp Sêđrin). Một nhân vật họa sĩ trong Bông hồng vàng của Pauxtôpxki đã hãnh diện nói “Trên đất Nga có không biết bao nhiêu là cái đẹp, đủ dùng cho tất cả các họa sĩ hàng nghìn năm”.
Theo cách đó cũng có thể nói là đủ dùng cho các nhà văn hàng nghìn năm. Dẫu chưa đủ nhưng là cần khi bạn có trong tay một bộ sưu tập truyện ngắn Nga thế kỷ XX với tên tuổi của I.Baben, I.Bunin, A.Cuprin, M.Gorki và C.Pauxtôpxki. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Nói cách khác bạn đang được thưởng thức tài năng văn chưng của những phong cách truyện ngắn Nga hiện đại khác nhau. M.Gorki thời kỳ đầu là một nhà lãng mạn muốn đưa những tia lửa mặt trời vào dòng máu con người. Bằng một ngôn từ sống động nhà văn ngợi ca phẩm chất cao thượng, dũng cảm của con người. Lời bà lão I. Derghin vang lên thôi thúc “Nếu hiểu cuộc sống thì mỗi người đều muốn lưu lại bóng dáng mình sau khi mình không còn trên đời này nữa”. Nếu tác phẩm của Gorki nhiều vang hưởng xã hội thì Cuprin như mạch nước ngầm âm ỉ, có sức công phá. Chiếc vòng ngọc thạch lựu là một thiên truyện phải đọc hơn một lần để cảm nhận hết ý vị của nó. Cả Cuprin, cả Bunhin đều chân thành và ưu ái với số phận con người. Nhưng có vẻ như Bunhin gần quảng đại quần chúng hơn phải chăng ông đã nghiêng xuống những con người bé nhỏ mà cảm thông, chia sẻ?!
Nếu bạn đọc từng mê đắm bởi những trang “văn xuôi mọc cánh” của Pauxtôpxki, tự nhiên sẽ so sánh ông với Baben - người kể chuyện có duyên và chỉ kể những chuyện chính xác, có thật. Có lẽ vì thế ông yêu G.Môpatxăng, có lẽ vì thế mà ông viết với phong cách tỉnh táo có vẻ như khách quan, trần trụi. I.Êrenbua nhận xét rằng Baben là nhà văn hiện thực theo đúng nghĩa nhất của danh từ.
Tuy vậy, không có một sự giới thiệu nào dù đầy đủ có thể thay thế được việc đọc chính tác phẩm. Vì tình yêu nước Nga, xin mời bạn tự thưởng thức và khám phá vẻ đẹp truyện ngắn Nga hiện đại.
Hà Nội 6 - 2002
Bùi Việt Thắng