Ghé bến
Cố Công
Anh diện bộ com-lê màu nước biển, nếp là thẳng tắp, đứng trên đầu mũi ca nô. Gió xuân ấm áp thổi tới, chiếc ca vát đỏ thắm thắt dưới chiếc cổ sơ mi to bản cứ bay phần phật, khiến mấy chú chim nước trên mặt sông như cũng hào hứng bày quanh anh. Lâu nay giam mình trên gian gác xép như chiếc lồng bồ câu trong thành phố, phút chốc được trở về với “trời đất bao la” (mấy chữ “trời đất bao la” (1) này, mười mấy năm về trước từng thịnh hành một thời). Trừng bỗng thấy lòng thư thái đôi phần. Anh cố vận dụng khí công hô hấp, mong xua hết mọi bực dọc ủ ê còn sót lại.
Nhưng, có một nỗi bực dọc anh không sao xua đi được. Nó cứ như một đám mây đen lởn vởn ở chân trời, mỗi lúc một dày đặc thêm. Mẹ anh dẫn anh đi để xem mặt vợ, thực lòng anh không muốn đi một chút nào. Thời buổi bây giờ, mà việc hôn nhân đại sự cả đời người còn để mẹ xách tai xềnh xệch lôi đi! Tất nhiên là làm cha làm mẹ thì bao giờ cụ chả bảo:
- Đấy, anh cứ việc đi mà tìm hiểu! Anh có tài giỏi thì anh cứ tìm lấy, miễn là đừng có đui què mẻ sứt gì thì cái con đẻ anh đây, chẳng phản đối bao giờ.
Thế nhưng, anh biết tìm ở đâu bây giờ? Ở cái đội công trình kiến trúc của anh thì chỉ độc một lũ “đực rựa” với nhau cả. Mà anh thì lại chẳng muốn (và cũng chẳng dám) cứ ra phố gặp cô nào cũng lẵng nhẵng bám gót, rồi bắt chuyện làm quen, rồi tán tỉnh trâng tráo:
- Em ơi, chúng mình kết bạn với nhau đi!
Từ khi rời chỗ nông thôn hạ phóng (2) để trở lại thành phố, chốc đã ngót chục năm rồi
Tam thập nhi lập, thế mà anh ba chục tuổi đầu vẫn một thân “cô lập” trên đầu mũi ca nô này!
Mẹ anh đang ngồi ngủ gà ngủ gật trong khoang. Một vùng sông rạch chằng chịt ở phía Nam Trường Giang này, phong cảnh thật hữu tình nhưng cụ chẳng buồn ngắm nhìn thưởng thức: nào những chú le le, nào những đàn vịt trời, nào hoa sóng nhấp nhô, nào cây cối nhà cửa soi mình đáy nước, nào những đám hoa cải vàng rộm trải dài đến tận chân trời… đều chẳng có gì sánh được với cảnh sắc mĩ lệ của bà trong mơ. Bây giờ bà chỉ ước ao mơ tưởng có một người, đó là cô con dâu tương lai mà bà đang dẫn con đi xem mặt đây.
Người con gái ấy với con trai bà tiếng rằng chưa giáp mặt lần nào, nhưng kể ra còn là chỗ anh em nuôi cơ đấy. Con trai bà cũng bú sữa của mẹ cô gái ấy mà lớn lên. Ngày ấy đẻ xong thì ốm, bà bị mất sữa, phải gửi con về quê. Ngày ấy mới là bà con xa chứ, bây giờ thì sắp thành thông gia đến nơi rồi…
Đứng đầu mũi ca nô, Trừng không biết được ở trong khoang, mẹ anh đang lạc vào một cõi mộng huyền ảo ra sao. Cứ nghĩ đến bà mẹ vợ tương lai chính là bà mẹ già đã từng cho anh bú ngày xưa là anh lại thấy ngượng ngùng xấu hổ thế nào ấy. Hừ, cái cô gái mà anh sắp xem mặt để lấy làm vợ ấy đã từng cùng anh bú chung một cặp vú mà lớn lên. Chuyện đó cứ nghĩ đến đã đủ thấy chối quá! Cớ sao mà chối? Cứ có một mặc cảm như có điều gì đó không đàng hoàng. Mặc cảm thế nào, thì tự anh cũng không gọi tên lên được. Với cô gái ấy anh chẳng có quan hệ gì về dòng máu, chẳng qua chỉ có quan hệ dòng sữa mà thôi. Nhưng anh không muốn có thêm một quan hệ nào khác kết chồng lên trên đó. Các cụ thì cứ bảo “thân lại càng thân”, nhưng anh nghe mà ngượng quá, hai má cứ đỏ bừng lên.
Ngay hồi bé chơi búp bê, anh đã thích tự mình đến cửa hàng đồ chơi. Tự mình tìm kiếm, tự mình lựa chọn.
Nhớ lại hồi còn bé tí, Trừng đã có lần về quê. Trong chiếc thuyền mui đen, ngồi trên đùi bố, hoặc khoanh tròn trong lòng mẹ, tiếng mái chèo cọ vào cọc cứ “cót ca cót két”, Trừng ngủ chán thì thức, thức chán lại ngủ… Đến bến, nhảy lên bậc thềm đá, đi qua chiếc cầu cuốn xây vồng cong vút rồi dọc men theo con đường ghép đá đi đến một căn nhà gỗ nhỏ. Từ trong căn nhà gỗ nhỏ ấy, một bà già béo ú mắt dử kèm nhèm chậm chạp bước ra. Bố mẹ bắt Trừng gọi bằng u, Trừng đành phải gọi bằng một cái giọng khô không khốc. U cười rồi cởi luôn khuy ngực, hỏi Trừng: “Có còn muốn bú tí nữa không?” Bấy giờ Trừng đã lên năm lên sáu rồi. Trừng nhìn vào cái bầu vú to bè ấy ngượng chín cả mặt, nép vội sau lưng bố mẹ, cảm thấy như bị một điều sỉ nhục lớn lao…
Vóc dáng u xấu xí như thế, thì con u hẳn chẳng lấy đâu mà xinh gái được. Càng nghĩ càng thấy bực mình, Trừng chỉ mong sao ca nô quay đầu lại!
Trên ca nô không bán cơm, không có quầy sách báo, hành khách cứ việc lên bờ, sà vào mấy chiếc ghế con của một cái quán nào bên đường mà lót dạ và mua bán qua loa.
Trừng vào trong khoang đánh thức bà cụ:
- Mẹ ăn uống một tí gì chứ?
Bà cụ đưa ngón tay khô đét lên day day thái dương:
- Không, mẹ đi ca nô say sóng chóng mặt lắm. Con muốn mua gì thì cứ đi một mình mà mua, cơ mà phiên phiến lên kẻo lại nhỡ ca nô đấy.
Trừng đặt chân lên tấm ván cầu bắc từ sàn ca nô lên bờ, bước vào phố chợ huyên náo.
Phố chợ này anh quen lắm. 14 năm về trước cả một vùng này vốn là “trời đất bao la” của anh. Cả bọn khoá anh chưa kịp vào cao trung đã bị “hoan tiễn” và “chào mừng” đến đây. Điều khiến anh uất ức nhất là: tổ trưởng của cả cái tổ “trí thức trẻ” của anh là một cô bé, còn kém anh một tuổi cơ… Thế nhưng cô bé có mắt to tròn sáng ơi là sáng. Ấy, lại còn cái miệng nữa chứ lúc mím lại thì bé tí xíu, và đến lúc cười, thì hai bên má xoáy hai lúm đồng tiền. Cô ta lúc nào cũng tươi cười hớn hở, cứ như đang cố giấu một điều gì lí thú chưa chịu nói ra. Về sau đó, mỗi lần nghe thấy tiếng cô ta gọi tên mình, anh thấy dường như tim mình rung động…
Chuyện cũ ngày nảo ngày nào, chuyện cũ tựa nh ư mây khói!
Mây khói, mây khói như một đám sương mù lơ lửng trước mặt anh.
Những đĩa bánh rán xèo xèo, những thùng bánh bao bốc khói, những mẹt bánh nếp thơm phức, nhưng Trừng chẳng thiết ăn, cũng chẳng buồn nhìn ngó. Đóng một bộ âu phục mới cứng hệt như một chú rể, bước đi giữa một đám người áo thô quần vá, Trừng thấy ngượng ngùng lạc lõng quá. Anh vội bước mau tới cổng chợ, đi ra phía cánh đồng. Anh muốn nhân tiện đi thăm lại con kênh đào, những dòng mương và những cái hồ nhân tạo đã hơn mười năm xa cách. Ở đó tay anh đã từng thủ mai, mồ hôi anh đã từng đổ xuống, anh đã từng mò cua, bắt ốc. Một bận một cặp càng cua rắn như gọng kìm đã kẹp chặt lấy ngón chân khiến anh kêu lên oai oái. Cái cô tổ trưởng Lan Ngọc ấy vừa cười như nắc nẻ vừa chạy nháo chạy nhào đến, giúp anh gỡ cặp càng cua ra. Nhưng lại đến lượt tay cô bị kẹp chặt, anh vội vàng giúp cô tháo gỡ...
Chuyện cũ ngày ấy, có đượm vẻ xót xa nhưng cũng có phần dịu ngọt.
Trừng thơ thẩn đi trên bờ hồ xuân dập dờn sóng nước. Trên mặt hồ đã mất hút từ lâu hình bóng của tuổi thơ soi mình trong đó… Bấy giờ, có Trừng và có cả cô ta. Anh không phục lắm mệnh lệnh cô điều hafnh cắt đặt, nhưng lại rụt rè lúng túng trước tiếng cười của cô. Ngày về thành phố, chính cô giúp anh buộc hành lí.
- Còn về đây nữa không?
- Ai mà biết được.
- Trời biết, đất biết, anh biết, em biết!
Hừ, cái cô Lan Ngọc cứ như con búp bê nhồi bông ấy chẳng có một nét mảy may sầu cảm biệt li nào. Khi nói hai tiếng “anh biết”, cô ta đưa ngón tay mũm mĩm lên gí vào mũi Trừng, còn hai tiếng “em biết” thì ngón tay cong cong ấy chỉ lên cái sống mũi dọc dừa của cô ta. Thật buồn cười quá, trong cái vẻ buồn cười ấy lại như ẩn giấu một câu đố gì thú vị lắm…
Chuyện cũ ngày nào thấp thoáng hiện lên trước mặt.
Trừng đã bước đến bên cái bãi cạn chỗ hai dòng kênh giao nhau. Nơi đó có mấy cô gái quần xắn lên đến bẹn, đang kết đăng tre, chắn ngang dòng nước xiết. Những con cá chày vảy trắng như bạc lấp loá nhảy tứ tung quanh mình các cô, tiếng bùn nước bì bõm, bọt tung trắng xoá. Có một chú cá chày to vọt lên như một kiện tướng chạy vượt rào, nhảy qua cả hàng đăng, đến tận chỗ bờ đập anh đang đứng.
Một cô gái xinh tươi khoẻ mạnh như một con cá nàng tiên, rút chân ra khỏi bùn, nhảy dưới nước lên, lao về phía con cá vừa vọt tới. Trừng nhìn xuống, cô gái ngẩng mặt lên, bốn mắt gặp nhau. Luồng mắt vô hình và thầm lặng của họ tưởng chừng như “xè xè” toé ra tia lửa hồ quang. Tiếp đó là những tiếng reo vui thất thanh vang 1ên cùng một lúc; con cá cô gái vừa vồ lại được đã tuột khỏi tay cô…
Gặp lại! Ôi, phút giây trùng phùng mà biết bao tác phẩm nghệ thuật đã từng miêu tả.
Cuộc gặp lại của anh với cô gái so với những cuộc trùng phùng thường miêu tả trong mọi tác phẩm nghệ thuật khác xa nhau, không có gì li kì, không có gì rực cháy, cũng chẳng có gì vấn vương; nhưng trong nắng xuân ngất ngây này, nó khác nào một làn hơi men ngây ngất.
Giày da và chân đất; chân đất và giày da…
Dấu chân khô và dấu chân ướt; dấu chân ướt và dấu chân khô…
Giọng nam trầm và giọng nữ cao; giọng nữ cao và giọng nam trầm…
- Anh đi đâu mà tạt qua đây vậy?
- Đi xem mặt.
- Xem mặt ai thế?
- Mùa xuân.
Trừng nói thật với cô, nhưng lại lái câu chuyện sang phía hư ảo.
- Bạn vẫn ở lại đây ư?
- Vẫn.
- Chưa lấy chồng chứ?
- Lấy lâu rồi.
- Lấy ai thế?
- Lấy Long vương, lấy Na Tra thái tử.
Ồ! Nhộn thật! Vẫn vui nhộn như ngày nào! Thì ra cô ta cũng khéo thực thực hư hư, đưa anh từ thế giới hiện thực sang thế giới đồng thoại.
Kế đó, cô nói về những nguyên nhân khiến cô chưa trở về thành phố. Ở thành phố chẳng còn ai, có mỗi bà chị gái thì đã lấy chồng từ lâu. Cô có đi thăm chị, chị cô định giới thiệu cho một anh chàng đi buôn chuyến vào Thẩm Quyến nhưng cô không ưng. Thở hít không khí sông rạch này quen rồi, vào thành phố chỉ ngửi mùi khói than và mùi phấn son, chẳng bằng ở đây trong lành tươi mát, có hương thơm của hoa và vị ngọt của mía. Cô về đây, chuyên tâm nuôi cá. Cô mượn được mấy bộ sách di truyền học. Cô nghiên cứu từ lai giống đậu hoà lan đến gây giống cá mới, nghiên cứu cả sức di truyền và tính chịu uốn. Cô thả mấy loại cá bột khác nhau vào nuôi chung một bể, rồi quan sát các loại giống lai kì lạ…
Ôi, Trừng có cảm giác như cô gái chân đất đang sánh vai cùng anh đây là một nhà sinh vật học thực thụ. Nghe cô nói, anh không bắt chuyện vào đâu được. Anh cũng muốn kể với cô nhiều điều như báo cáo với cô tổ trưởng mười năm về trước, nhưng anh chẳng nói được câu nào. Hằng ngày tan tầm ở đội công trình, tắm gội cho sạch mùi vôi vữa, rồi bật đài, mở ti vi, rồi lên giường áp má vào chiếc gối êm như nhung, cầm lấy một cuốn tiểu thuyết phổ thông có in hình một khuôn mặt người đẹp…
Bây giờ đứng trước cô gái, anh bỗng cảm thấy mình tầm thường, nhỏ bé; cả bộ com lê màu nước biển mới là thẳng tắp và đôi giày da đánh bóng lộn mới giây mấy giọt bùn kia càng thấy quá đỗi tầm thường. Anh không muốn gọi cô là Lan Ngọc hay cô Ngọc, mà rất muốn gọi cô là “tổ trưởng” như xưa. Giờ đây cô càng có dáng “tổ trưởng” của anh hơn cả mười năm về trước.
Liệu cô có thể trở thành cô tổ trưởng trong cái gia đình ấm cúng tương lai của anh được chăng?
Còn phải đi xem mặt ở đâu nữa? Anh cảm thấy cái chuyện “đi xem mặt” trong giây phút này đây càng trở lên tầm thường vô nghĩa…
Đã đến giờ ca nô nhổ neo. Mẹ ngồi trong khoang chắc là sốt ruột lắm, hẳn đang chạy lui chạy tới, và nguyền rủa thằng con trai trái nết không biết vâng lời. Trừng xiết chặt bàn tay cô tổ trưởng bé nhỏ năm nào. Cái bắt tay dường như có sức cảm nhiễm, sức hút nam châm mạnh hơn cả lần chia tay năm xưa. Anh thảng thốt nói:
- Cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi cả một ý định lớn của tôi.
- Ý định gì thế?
- Một ý định hệ trọng của cuộc đời tôi.
- Thế có liên quan gì đến cuộc đời em không?
- Tất nhiên, à có lẽ.
- Thì nói đi!
- Thôi để lần sau, lần sau nhé!
- Lại để mười năm nữa ư?
- Không, không, lâu nhất cũng không quá mười hôm!
Cô tiễn anh ra phố, đến bến ca nô. Họ chia tay nhau trên tấm ván cầu dài và hẹp. Bà mẹ anh bụng như lửa đốt đã len lên trên mũi ca nô lúc này chật ních người, cố kiễng chân tìm kiếm. À! Con trai bà về kia. Nó đã về đến ca nô, nhưng nó đang chia tay ai vậy?
Trừng bước vào trong khoang, rạo rực vui sướng ôm chầm lấy đôi vai gầy nhỏ của mẹ.
- Mẹ ơi, thôi không phải đi xem mặt nữa đâu! Con xem rồi, xem rồi, thật đấy mẹ ạ!./.
Chú thích
(1) (2) Trong “cách mạng văn hoá” những năm 60, 70 ở Trung Quốc, người ta chủ trương đưa thanh niên học sinh về nông thôn lao động chân tay cực nhọc như khổ sai, để “được sự giáo dục lại của bần nông và trung nông lớp dưới”. Công việc ấy gọi là “hạ phóng”. Nông thôn được ví von một cách lừa phỉnh là “trời đất rộng lớn” (quảng đại thiên địa) của thanh niên trí thức.
Tác giả :Cố Công (Trung Quốc)
Dịch giả: Phan Văn Các