- Kính dâng Thầy Mẹ và gia đình
- Tặng Hoà, người đã cho tôi đôi cánh để bay lượn suốt đời trên vòm trời Nghệ thuật
- Cho Dung, Linh, Chương, Châu và Diễm.
Nghệ thuật là cao quý.
Người làm ra Nghệ thuật đã cao quý.
Người thưởng ngoạn Nghệ thuật còn cao quý hơn.
Trong cuộc sống có những giờ phút thật trống rỗng, cái trống rỗng đến ghê sợ cả sự hiện hữu của mình cũng như của sự vật xung quanh. Nhất là những ngày thời tiết thay đổi bất ngờ làm lòng người tiếc nhớ bâng khuâng một-cái-gì-đó thoáng còn, thoáng mất. Nói cho đúng, cái còn, cái mất là lẽ đương nhiên, là sự luân lưu miên viễn của thời gian – trong đó thân phận con người chỉ được coi như sự góp mặt định kỳ nơi một khoảng sống nào đó mà Thượng đế đã an bài cho từng số mệnh.
Nói thế có vẻ duy tâm và bi quan đây, nhưng làm sao khác được khi chính mình đã và đang làm “chứng nhân bất lực” trước từng sự thực, những sự thực lần lượt bước qua vòng lẩn quẩn tử sinh – sinh tử ở con người cũng như Nghệ thuật. Do đó, nỗi đau dằng dặc, con người làm văn học nghệ thuật đành đem ẩn giấu trong trang sách hay trải ra bằng suy tư đơn độc ở đáy tiềm thức.
Đọc sách để tìm cuộc đời hay tìm chính hình ảnh mình in hằn trong đó. Sách cũng như đàn bà tuỳ thuộc cái “thích” về 10 khuôn mặt Văn nghệ, chẳng những văn tài của họ đã tác động sâu đậm ở trong tâm mà còn vì chút giao tình với nhau giữa cuộc sống.
Tôi xin các bạn, dù vô tình hay hữu ý, khi đọc sách này, đừng bao giờ coi nó là một cuốn phê bình văn học, mà chỉ là cảm tưởng riêng của kẻ yêu văn nghệ viết về văn nghệ mà thôi. Vì là cảm tưởng riêng nên người viết được trọn quyền trong vấn đề tuyển lựa cũng như bày tỏ ý kiến. Sự tuyển lựa và ý kiến có thể đúng, có thể sai đối với đa số nhưng có điều chắc chắn, những người được viết, dù không phải là những nhà văn, nhà thơ hay nhất hoặc đại diện cho một khuynh hướng văn học nào, nhưng đích thực ở mỗi người đều có giá trị chuyên biệt với sắc thái đặc thù trong nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
*
Cuộc sống có nhiều bất ngờ, trong đó có sự hoàn thành cuốn sách này là một. Nhân đang lúc viết về Nguyên Sa cho
Tạp chí Văn học, vô tình một người bạn thơ nhìn thấy và hỏi –
Tại sao anh không viết về những nhà văn, nhà thơ mà anh ưa thích để in thành sách? Đi từ câu hỏi đó, kẻ viết thấy băn khoăn, tự vấn không biết mình có đủ tài năng và tri thức để hoàn thành cuốn sách không? Thế rồi, ý nghĩ đã trở thành ám ảnh đến thôi thúc. Sau cùng, kẻ viết chọn lựa và cố gắng trong những ngày, những đêm liên tiếp.
Nói cho ngay, kẻ viết có may mắn sinh ra trong giai đoạn lưng chừng, nhờ đó, được học hỏi và hiểu biết một phần những người làm văn nghệ tiền chiến cũng như hôm nay đã có thể viết về họ mà không sợ nhầm lẫn. Một phần nhờ sự thuận lợi như đã nói, đây không phải là cuốn sách phê bình để có khen, có chê, mà chỉ được viết theo tình cảm. Bởi viết theo tình cảm nên kẻ viết có thể sử dụng ngòi bút một cách phóng khoáng vì theo Chateaubriand: Phê bình không chỉ nêu lên một cách vô bổ những điểm dở, mà nên hướng vào chiều hướng phong phú của những vẻ thuần mỹ.
[1] Đúng ra, cuốn sách chỉ nói đến một phần nhỏ trong cái rộng lớn sự nghiệp của những văn hữu được đề cập, hơn nữa, tuổi nghề và tác phẩm đã chứng minh mỗi tài năng. Có người ngoài 40 năm viết lách như Lãng Nhân, Vũ Bằng, ngoài 30 năm như Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, cho đến ít người “tuổi nghề” nhất là Nguyên Sa cũng đã có trên 10 năm sống miên tục nơi “trường văn trận bút”).
Khi cầm bút viết về những người khuất bóng: Nguyễn Bính, Đinh Hùng, lòng kẻ viết thấy nôn nao tiếc nuối. Sự nuối tiếc như nỗi ám ảnh bi thiết làm rã băng ý nghĩ. Còn một vài anh em tuy gần mà xa, hầu như không thể hy vọng gặp nhau lần cuối để rỏ những giọt nước mắt sau cùng cho nhau, vì nhau, cũng làm se lòng lại.
*
Những buổi chiều cuối năm, khi sương muối giăng ngang làm mờ kiến trúc thành phố, khi cơn gió lành lạnh đủ cho hơi rượu chạy xôn xao trong mạch máu, khi ánh điện nhoà nhạt soi cô liêu trên mặt bàn viết, khi màu sắc đã chìm dần sự nóng bỏng dục vọng, khi hồn mình bay lưu lạc không nơi nương tựa, chính lúc đó, tự nhiên ở nội tâm chợt bùng cháy, soi tỏ từng kỷ niệm, từng khoảng đời đã mất và thảng thốt bao nhiêu, khi gặp lai chính mình trong đó với nhiều nỗi băn khoăn, giày vò tâm cảm.
Từng hình bóng cũ tự xa xôi nào chợt hiện về như muôn cánh bướm chập chờn vẽ lên không gian Hà Nội ngày xưa với không khí anh em bốn mùa mở hội. Chạy a vào – sau đây – là tiếng bom, tiếng súng phá vỡ lòng Thủ đô yêu dấu rồi đến những tháng, những năm lang thang vô định trên các nẻo đường kháng chiến. Và những khuôn mặt của không gian mới ở miền Nam có mặt trời rực lửa với bóng dừa tủa xanh lên chân trời.
*
Kẻ viết cảm thấy có bổn phận thưa trước, ngoài phần biên khảo, bạn đọc có bắt gặp những đoạn viết theo thể văn thuật ký, xin nghĩ cho rằng những dữ kiện nhỏ nhoi ấy đã gắn liền vào đời sống tinh thần và ảnh hưởng cả đến nghệ thuật ở mỗi con người làm văn nghệ của mỗi thời đại từ năm 1930 đến bây giờ.
Sau cùng, với niềm ước mong nhỏ bé, kẻ viết sẽ gặp hoàn cảnh thuận lợi để viết thêm về một số bạn bè nữa, vì anh em thì nhiều mà tháng ngày lại ít, do vậy, kẻ viết xin chân thành gửi nơi đây lời tạ lỗi với các nhà văn, nhà thơ mà kẻ viết chưa có dịp viết cũng như đối với các văn hữu hiện diện ở những trang sau – dù xa hay gần – cũng thể tình lượng thứ, nếu kẻ viết có ý nghĩ sai lệch hay chưa phát hiện đúng mức tài năng của các văn hữu đã góp nhiều công khó để gây dựng cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam, những giá trị tinh thần trường cửu.
Sài Gòn, những ngày cuối năm Kỷ Dậu (Tháng 1-1970)