Winston không biết mình đang ở đâu. Hẳn là tại Bộ Tình Yêu, nhưng không có cách nào chắc được. Anh ở trong một xà lim cao trần không cửa sổ có tường lát sứ trắng xóa. Đèn ấn dội vào phòng một ánh sáng lạnh; có tiếng ù trầm liên tục phỏng như liên hệ gì với máy dẫn khí. Một chiếc ghế dài hay kệ đủ rộng để ngồi chạy quanh tường, chỉ chừa chỗ cho cửa ra vào và cho một chậu vệ sinh không có tọa gỗ ở bên kia cửa. Có bốn máy truyền hình, mỗi bức tường một cái.
Anh thấy đau ngầm trong bụng. Nỗi đau nhoi nhói từ khi chúng ném anh vào toa xe bưng kín chở anh đi. Nhưng anh cũng thấy đói, một loại cơn đói chập chờn nhấm gặm. Dám đã hai mươi tư tiếng anh chưa ăn gì, cũng có thể đã ba mươi sáu tiếng. Anh vẫn không biết và chắc không bao giờ biết chúng bắt anh vào buổi sáng hay buổi chiều. Từ khi anh bị bắt anh chưa được cho ăn.
Anh ngồi hết sức yên trên chiếc ghế dài hẹp, hai tay khoanh trên đầu gối. Anh đã học được cách ngồi yên. Hễ cử động bất thường là bị chúng quát tháo từ máy truyền hình. Nhưng sự thèm thức ăn tăng trong người anh. Anh thèm thuồng nhất một khẩu bánh mì. Anh nhớ mang máng có vài vụn bánh mì trong túi bộ áo liền quần của anh. Còn có thể — anh nghĩ vậy vì thỉnh thoảng có cái gì làm nhột cẳng anh — có một mảnh vỏ bánh lớn trong đó. Cuối cùng sự ham biết cho ra lẽ thắng sự sợ hãi của anh; anh thò một tay vào túi.
"Smith !" Một tiếng quát thoát ra từ máy truyền hình. "6079 Smith ! Trong xà lim phải bỏ tay ra ngoài túi !"
Anh ngồi yên trở lại, hai tay khoanh trên đầu gối. Trước khi bị mang tới đây, anh đã bị dẫn đến một nơi khác dường như là một nhà tù thường hay một trại giam tạm thời thuộc sự sử dụng của đội tuần tra. Anh không rõ mình ở đó bao nhiêu lâu; ít ra cũng vài giờ; không có đồng hồ và ánh ban ngày khó ước được thời gian. Đấy là một nơi ồn ào, hôi hám. Chúng nhốt anh vào một căn xà lim giống như căn hiện tại, nhưng bẩn thỉu phát gớm và lúc nào cũng đầy chật khoảng mười đến mười lăm người. Phần đông họ là tội phạm thường, nhưng có vài tù nhân chính trị trong đám. Anh đã ngồi im sát tường, chịu sự xô nhào của các thân hình dơ dáy, óc quá bận rộn bởi sự sợ hãi và chứng đau bụng để chú ý tới cảnh xung quanh, nhưng vẫn nhận ra được sự khác biệt lạ lùng về cư xử giữa tù nhân thuộc Đảng và phạm nhân khác. Tù nhân thuộc Đảng bao giờ cũng im lặng sợ sệt, còn phạm nhân thường hình như chẳng nể gì ai. Họ hét chửi lính canh, mạnh dạn đánh trả lại khi hành trang của họ bị tịch thu, viết chữ tục tỉu lên trên sàn, ăn thực phẩm lậu lôi khỏi chỗ ẩn bí mật trong người họ, và dám la trả lại máy truyền hình khi máy tính khôi phục trật tự. Mặt khác một số người trong họ có vẻ thông đồng với lính canh, gọi chúng bằng biệt danh, xin được chúng thí truyền thuốc lá qua lỗ rình trong cửa. Lính canh ngược lại, đối xử khá nhân nhượng với tội phạm thường, ngay khi chúng bắt buộc phải cứng cỏi. Các câu chuyện hướng nhiều về những trại khổ sai mà các tù nhân ngờ mình sẽ bị giải đến. Anh tóm hiểu rằng trong trại đời "khỏe" khi mình có liên lạc tốt và biết mánh lới. Có đủ trò hối lộ, tư vị và bóc lột, có sự đồng tính luyến ái và mãi dâm, có cả rượu lậu cất từ khoai tây. Các chức vụ tin cậy chỉ dành cho tội phạm thường, đặc biệt cho quân cướp và kẻ sát nhân họp nhau thành một thứ quý tộc. Mọi việc dơ dáy để cho tù nhân chính trị làm.
Liên tiếp có sự đi đến tù nhân đủ mặt: con phe ma túy, kẻ trộm, quân cướp, con buôn chợ đen, dân say rượu, giống đĩ điếm. Vài tên say rượu hung dữ đến nỗi tù nhân khác phải hợp sức mới kềm chế nổi. Một người đàn bà bệ rạc, đồ sộ, vào trạc sáu mươi, với bộ ngực to lớn lúc lắc và lọn tóc bạc dày xõa xuống trong lúc dãy dụa, vừa đá vừa hét trong khi bị bốn tên lính canh khiêng vào, mỗi tên nắm một góc bà. Chúng giật đôi giầy ống mà bà ta tính dùng nện chúng, và ném bà trên lòng Winston làm anh suýt bị bể xương đùi. Người đàn bà ngồi chổm dậy, rủa theo chúng: "Đ.M. quân chó đẻ." Rồi, nhận ra mình đang ngồi trên một vật gì gồ ghề, bà ta tuột xuống ghế dài khỏi đầu gối Winston.
"Xin lỗi cưng nhé," bà ta nói. "Qua đâu muốn ngồi trên cưng, chỉ tại lũ địt đó đặt qua như vậy. Chúng không biết cư xử với phụ nữ, phải không à ?" Bà ta ngưng nói, vuốt ngực ợ. "Xin lỗi," bà ta tiếp, "qua khó ở trong mình, thiệt đó."
Bà cúi người xuống và nôn ọe tứ tung ra sàn.
"Đỡ hơn nhiều," bà ta vừa nói vừa nhắm mất ưỡn mình ra sau. "Chớ bao giờ giữ thứ đó trong người, qua vẫn bảo vậy. Phải tống nó ra khi nó mới lọt trong dạ dày, như thế này nè."
Bà ta phục sức, quay đầu lại nhìn Winston và có vẻ tức thì ưa thích anh. Bà ta đưa một cánh tay mập mạp ra quàng vai anh kéo anh lại gần bà, thở bia và mùi mửa vào mặt anh:
"Tên cưng là chi ?" bà ta hỏi.
"Smith," Winston đáp.
"Smith ư ?" người đàn bà nói. "Ủa lạ. Tên qua cũng là Smith. Ý sao, qua là mẹ cưng được há !" bà ta nói thêm giọng đầy tình cảm.
Bà ta có thể chính là mẹ anh, Winston nghĩ. Bà ta ở vào khoảng tuổi và có dáng vóc thích hợp, và hẳn nhiên con người phải đổi ít nhiều sau hai mươi năm bị giam cầm trong trại khổ sai.
Không ai khác nói chuyện với anh. Tới một mức kỳ dị, tội phạm thường lờ phắt tù nhân thuộc Đảng. "Tụi chính," họ gọi những người này như vậy, bằng một giọng thờ ơ khinh miệt. Tù nhân thuộc Đảng cơ hồ sợ hãi nói chuyện với bất cứ ai, hơn hết là sợ nói chuyện nói nhau. Chỉ một lần, khi hai Đảng viên, đều là phụ nữ, ngồi kề sát nhau trên ghế dài, anh nghe lỏm được giữa tiếng ồn quanh vài lời thì thầm vội vã; đặc biệt anh nghe ám chỉ tới một cái gì gọi là "phòng một lẻ một" anh không hiểu là chi.
Chắc độ hai ba giờ đã qua từ lúc chúng mang anh tới đây. Chứng đau bụng của anh không hề tan, nhưng nó thỉnh thoảng giảm thỉnh thoảng tăng, và ý nghĩ của anh theo đó vươn lên hoặc dẹp xuống. Khi cơn đau tăng anh chỉ nghĩ tới nỗi đau và sự thèm thức ăn thôi. Khi cơn đau dịu xuống, sự kinh hoảng xâm nhập anh. Có những lúc anh tưởng tượng thấy những điều sẽ xảy ra cho anh một cách sống động đến nỗi tim anh phi nước đại và hơi thở anh dừng lại. Anh cảm thấy dùi cui đập trên vai anh và giầy ống bọc sắt giẫm lên cẳng anh; anh thấy mình bò trên sàn la hét xin tha qua hàm răng bị bể. Anh gần như không nghĩ tới Julia. Anh không thể để tâm đến nàng. Anh yêu nàng và sẽ không phụ nàng; nhưng đó chỉ là một sự kiện được anh hiểu biết như anh biết phép toán. Anh không cảm thấy yêu nàng, và hầu như không tự hỏi hiện nàng ra sao. Anh nghĩ tới O Brien nhiều hơn, với một tia hy vọng chập chờn. O Brien chắc biết anh đã bị bắt. Hội Tình Thương, theo lời ông ta, không bao giờ tìm cách cứu hội viên của mình. Nhưng có dao cạo; nếu được, họ có thể đưa vào dao cạo. Không chừng anh sẽ có năm giây trước khi lính gác ùa vào xà lim. Dao cạo sẽ cắt anh lạnh cháy, và ngay những ngón tay cầm nó sẽ bị cắt thấu xương. Mọi sự quay về tấm thân ốm yếu của anh, hơi đau một chút đã co rúm lẩy bẩy. Anh không chắc mình sẽ dùng dao cạo nếu có dịp. Sống từng chốc lát, nhận sống thêm mười phút dù chắc tận cùng sẽ bị tra tấn, hợp lẽ tự nhiên hơn.
Thỉnh thoảng anh thử đếm số gạch sứ lát tường xà lim. Nhẽ ra dễ, nhưng anh cứ đếm quên hoài. Thường hơn, anh tự hỏi anh đang ở đâu, hiện là mấy giờ. Có lúc anh chắc ngoài trời sáng tinh, sau đó anh chẳng kém chắc ngoài đó tối đen. Nơi đây, linh tính anh cho biết, ánh đèn không bao giờ tắt. Đó là nơi không bóng tối: bây giờ anh hiểu tại sao O Brien có vẻ nhận ra lời ám chỉ. Tại Bộ Tình Yêu không có cửa sổ. Xà lim của anh có thể ở ngay trung tâm tòa nhà hoặc ở sát tường ngoài; nó có thể ở mười tầng dưới đất hay ở ba mươi tầng trên. Anh chuyển mình tưởng tượng từ chỗ này tới chỗ kia, và thử theo cảm giác của thân thể mà nhận định xem mình ở lửng trên cao hay bị chôn sâu dưới đất.
Có tiếng giầy ống đi bên ngoài. Cánh cửa sắt mở bùng. Một viên sĩ quan trẻ bận y phục đen, hình dạng sáng chói nhờ áo da được đánh bóng, với bộ mặt cứng nét xanh xao giống như một cái mặt nạ sáp, bước nhanh vào. Hắn ra lệnh cho lính canh ở ngoài đem tù nhân do chúng dẫn vào trong. Thi sĩ Ampleforth lê vào xà lim. Cánh cửa đóng xầm lại.
Ampleforth do dự một lát làm như nghĩ rằng có lối ra khác, rồi bắt đầu đi đi lại lại trong xà lim. Ông ta chưa nhận ra sự có mặt của Winston. Đôi mắt mờ của ông nhìn vào tường khoảng một thước trên mức đầu Winston. Ông ta không đi giầy; mấy ngón chân lớn bẩn thỉu lồi ra khỏi lỗ thủng của bí tất ông. Cũng đã nhiều ngày ông chưa cạo râu. Một bộ râu rậm bao phủ mặt ông tới tận gò má, ban cho ông một dáng vẻ trụy lạc không hợp với vóc người to yếu cùng cử động bồn chồn của ông.
Winston hơi trổi dậy khỏi trạng thái uể oải. Anh phải nói chuyện với Ampleforth, và liều chịu sự quát tháo của máy truyền hình. Biết đâu Ampleforth là kẻ mang dao cạo đến.
"Ampleforth," anh gọi.
Không có tiếng hét từ máy truyền hình. Ampleforth dừng chân, giật mình nhẹ. Mắt ông hướng chậm về phía Winston.
"A, Smith !" ông nói. "Cả anh nữa ư ?"
"Ông vào đây vì cớ gì ?"
"Nói thật anh nghe," ông ta lúng túng ngồi xuống ghế dài trước mặt Winston. "Chỉ có một tội thôi, đúng không ?" ông ta nói.
"Và ông đã phạm tội đó ư ?"
"Hẳn là có."
Ông ta đặt một tay trên trán và bóp thái dương một hồi như thể cố nhớ lại điều gì.
"Chuyện nó tới," ông ta mơ hồ mở đầu. "Tôi ngẫm ra được một lần — một lần có thể phạm pháp. Chắc chắn là một lúc sơ ý. Hồi đó chúng tôi sửa soạn xuất bản tập thơ tối hậu của Kipling. Tôi cho giữ chữ "God" tại cuối câu. Tôi không thể làm khác được !" ông gần như tức tối nói thêm, mặt ngẩng lên nhìn Winston. "Không thể đổi câu ấy được. Vần là "rod". Liệu anh có biết rằng chỉ có mười hai vần hợp với "rod" trong toàn ngữ vựng không ? Tôi đã nặn óc hàng ngày trời. Không có một vần nào khác."
Nét mặt ông thay đổi. Vẻ phiền muộn bay mất và trong một lúc ông coi bộ gần như hài lòng. Một sự nồng nhiệt tinh thần, cái vui sướng của một thầy đồ khám phá ra một điều vô tích sự, bừng sáng qua râu tóc bẩn thỉu bờm xờm.
"Anh có hề nghĩ rằng cả lịch sử văn thơ Anh quốc bị hạn định bởi sự Anh ngữ thiếu vần không ?" ông nói.
Không, ý nghĩ đặc biệt đó không bao giờ đến với Winston. Mà trong hoàn cảnh hiện tại nó cũng không kích động anh như một điều quan trọng hay ho.
"Ông có biết bây giờ là khoảng mấy giờ không ?" anh hỏi.
Ampleforth lại lộ vẻ ngạc nhiên. "Tôi chẳng mấy nghĩ tới điều này. Chúng bắt tôi — có lẽ hai — hoặc có thể ba ngày trước." Mắt ông đảo quanh tường tưởng chừng ông bán tín có cửa sổ đâu đó. "Tại nơi đây không phân biệt được đêm ngày. Tôi không biết làm sao tính được thời gian."
Họ nói chuyện cóc nhẩy vài phút, rồi không rõ vì lý do gì, một tiếng quát từ máy truyền hình ra lệnh cho họ im lặng. Winston ngồi yên, hai tay khoanh lại. Ampleforth quá to lớn nên không ngồi thoải mái trên ghế dài hẹp được, quậy đi quậy lại, khoanh tay gầy guộc hết quanh đầu gối này đến quanh đầu gối kia. Máy truyền hình sủa bắt ông ngồi yên. Thời gian trôi qua. Hai mươi phút hay một giờ — khó định được. Một lần nữa có tiếng giầy ống bên ngoài. Ruột Winston quặn lại. Chẳng bao lâu, rất sớm, có thể năm phút nữa, không chừng ngay bây giờ, tiếng giầy ống giậm sẽ có nghĩa là số anh đã tới.
Cánh cửa mở. Viên sĩ quan có bộ mặt lạnh lùng bước vào xà lim. Hắn giơ nhanh tay chỉ Ampleforth.
"Phòng 101," hắn nói.
Ampleforth cất bước vụng về giữa mấy tên lính canh, khuôn mặt hơi lộ vẻ xúc động, tuy không hiểu.
Khoảng một thời gian có vẻ khá lâu trôi qua. Chứng đau bụng của Winston đã phát lại. Óc anh buông thả quanh quẩn có một bẫy, như thể một trái banh rơi đi rơi lại vào có một lỗ. Anh chỉ có sáu ý nghĩ. Chứng đau bụng; một mẩu bánh mì; máu me và tiếng hét; O Brien; Julia; dao cạo. Ruột anh lại quặn lên một lần nữa, tiếng giầy ống nặng lại sát gần. Khi cánh cửa mở, làn gió lùa do nó gây ra mang lại một mùi mồ hôi thiu. Parsons bước vào xà lim. Anh ta mặc quần cộc ka ki và áo sơ mi thể thao.
Lần này Winston ngạc nhiên đến quên mình.
" Anh mà ở đây !" anh nói.
Parsons liếc nhìn Winston, cái nhìn không lộ vẻ quan tâm hay lạ lùng mà chỉ chứa đựng nỗi bi ai. Anh ta bắt đầu giật bước đi đi lại lại, hẳn nhiên không ngồi yên được. Mỗi khi anh ta đưa thẳng đầu gối tròn trĩnh của anh lên, thấy rõ nó run rẩy. Mắt anh ta mở rộng sững nhìn tựa như anh không thể ngăn mình trông về phía một vật gì đó ở khoảng không trung.
"Vì sao anh vào đây ?" Winston hỏi.
"Tội tư tưởng !" Parsons nói, gần như mếu. Giọng anh bao hàm tức thì một sự nhận tội hoàn toàn cùng một sự ghê tởm khó tin rằng một danh từ như vậy có thể được đem áp dụng vào anh. Anh ta dừng chân trước mặt Winston và bắt đầu sốt sắng phân bua: "Anh không nghĩ họ sẽ bắn tôi chứ, anh bạn ? Họ không bắn mình nếu mình không thực sự làm gì — chỉ nghĩ thôi, nhưng làm sao ngăn được ý nghĩ ? Tôi biết họ xét công minh. Ồ, tôi tin họ như vậy ! Họ sẽ rõ thành tích của tôi, phải không ? Anh biết tôi là gã thế nào. Kiểu như chẳng phải là một gã xấu xa. Không thông minh, dĩ nhiên, nhưng linh hoạt. Tôi hết sức phục vụ Đảng, có đúng không ? Anh có nghĩ tôi sẽ thoát với năm năm không ? Cho là mười năm đi ? Một gã như tôi sẽ có thể khá hữu ích trong một trại lao động. Họ sẽ không bắn tôi vì đi trật đường chỉ một lần thôi chứ ?"
"Anh có tội không ?" Winston hỏi.
"Đương nhiên tôi có tội !" Parsons vừa kêu vừa nhìn vào máy truyền hình với một vẻ đê hèn. "Anh không nghĩ Đảng có thể bắt một kẻ vô tội chứ anh ?" Gương mặt ếch của anh ta trầm tĩnh hơn và còn ra vẻ hơi sùng đạo. "Tội tư tưởng là một cái gì ghê gớm, anh bạn ạ," anh ta trịnh trọng nói. "Nó âm ỉ. Nó có thể xâm nhập mình mà mình không hay. Anh có biết nó choán lấy tôi thế nào không ? Trong giấc ngủ của tôi ! Phải, sự thể là vậy. Đấy tôi đó, luôn tay lao lực, cố gắng làm tròn phận sự — không bao giờ biết mình chứa ý xấu trong óc. Thế rồi tôi bắt đầu nói mơ trong giấc ngủ. Anh có biết tôi bị nghe thấy nói gì không ?"
Giọng anh ta chìm xuống như một người bắt buộc vì y học phải thốt ra một lời tục tỉu.
"Đả đảo Bác ! Phải, tôi nói vậy ! Hình như tôi nói đi nói lại như thế. Giữa mình với nhau, anh bạn ạ, tôi sung sướng vì bị bắt trước khi sự thể đi xa hơn nữa. Anh có biết tôi sẽ nói gì với họ khi tôi ra trước tòa không ? "Cảm ơn các ông," tôi sẽ nói, "cảm ơn các ông đã cứu tôi trước khi quá muộn.""
"Ai tố cáo anh ?" Winston hỏi.
"Đó là con gái tôi," Parsons trả lời với một vẻ hãnh diện đau buồn. "Nó nghe lỏm qua lỗ chìa khóa. Nghe được tôi nói là đúng hôm sau nó tâu lại đội tuần tra. Khá lanh thay một đứa bé bẩy tuổi, nhỉ ? Tôi không oán gì nó chuyện đó. Thực ra tôi hãnh diện về nó. Sao thì việc ấy cũng chứng tỏ tôi dạy dỗ nó đúng tinh thần."
Anh ta giật thêm vài bước tới lui nhiều lần, mắt nhìn khao khát về phía chậu vệ sinh. Rồi bỗng anh tụt quần cộc xuống.
"Xin lỗi anh bạn," anh ta nói. "Tôi không cầm được. Tại đợi đó."
Anh ta đặt phịch bộ mông phì nộn trên chậu vệ sinh. Winston lấy tay phủ mặt.
"Smith !" tiếng quát thốt ra từ máy truyền hình. "6079 Smith W ! Để lộ mặt ra. Không được phủ mặt trong xà lim."
Winston thôi che mặt. Parsons đi cầu vừa ồn vừa nhiều. Bấy giờ mới hay lỗ tháo có chỗ hỏng và xà lim thối um hàng tiếng sau.
Parsons bị dẫn đi. Thêm nhiều tù nhân đến rồi đi một cách bí mật. Một lần một phụ nữ bị gọi đến "phòng 101" và Winston để ý thấy bà ta tuồng như quắt người lại và biến sắc khi nghe thấy hai tiếng đó. Đến lúc sẽ là buổi chiều nếu anh bị dẫn tới đây vào buổi sáng; hay sẽ là nửa đêm nếu anh bị dẫn tới đây vào buổi chiều. Có sáu tù nhân trong xà lim, cả đàn ông lẫn đàn bà. Mọi người ngồi thật yên. Trước mặt Winston là một người đàn ông có một bộ mặt không cằm, răng vẩu, giống hệt mặt của của một loài gặm nhấm to lớn vô hại. Đôi má phính có đốm của ông ta phình ra ở mé dưới đến nỗi khó không tin ông chứa thức ăn trong các ngăn nhỏ trong đó. Đôi mắt xám nhạt của ông rụt rè lướt từ người này qua người kia, và ngoảnh đi nhanh mỗi khi bắt gặp mắt ai.
Cánh cửa mở, cho dẫn vào một tù nhân khác có dáng điệu khiến Winston rùng mình một chốc. Đó là một người đàn ông thường, coi bộ khốn cùng, có lẽ là một chân kỹ sư hay cán sự. Điều đáng ngạc nhiên là sự hốc hác trên mặt ông ta. Mặt ông giống như cái sọ. Vì miệng ông mỏng mảnh và mắt ông coi to quá trớn, mà mắt ông lại hình như chứa đựng một mối hận thù đầy sát khí không nguôi chống một người hay một vật gì.
Người đàn ông ngồi xuống ghế dài cách Winston một chút. Winston không nhìn ông nữa nhưng bộ mặt sọ đau khổ của ông day dẳng trong óc anh chẳng khác gì ông ta ngồi ngay trước mặt anh. Bỗng nhiên anh ý thức ra sự thể. Ông ta đang chết đói. Cũng ý nghĩ đó dường như đồng thời thoáng qua óc mọi người trong xà lim. Khắp quanh ghế dài hơi nhộn nhạo lên. Mắt người không cằm lướt lâu về phía người mặt sọ, rồi hổ thẹn ngoảnh đi, xong vẫn quay trở lại như bị thúc đẩy bởi một sức lôi cuốn mãnh liệt. Chẳng bao lâu ông ta bắt đầu cựa quậy trên ghế. Cuối cùng ông ta đứng dậy, lạch bạch qua giữa xà lim, thọc tay vào túi bộ áo liền quần rồi lúng túng đưa cho người mặt sọ một mẩu bánh mì đen.
Một tiếng gầm tức tối thốt ra từ máy truyền hình. Ngưòi không cằm nhẩy về bước cũ. Người mặt sọ đã quằng tay nhanh về sau hông như để chứng tỏ cho thế giới ông ta từ chối món quà.
"Bumstead !" tiếng nói gầm lên. "2713 Bumsteadt ! Vứt mẩu bánh mì kia đi !"
Người không cằm thả cho miếng bánh mì rơi xuống sàn.
"Đứng yên tại chỗ," giọng nói cất lên. "Nhìn thẳng vào cửa. Không được đụng đậy."
Người không cằm tuân lời. Đôi má phính rộng của ông rung rinh bất khả chế. Cánh cửa mở bùng. Viên sĩ quan trẻ vừa bước vào và đứng sang bên thì nhô ra từ sau hắn một tên lính canh béo lùn với tay vai mập ụ. Tên này ra đứng trước mặt người không cằm rồi tiếp theo hiệu lệnh của viên sĩ quan, lấy hết sức nặng của thân hình giáng một quả đấm hãi hùng vào miệng ông ta. Sức mạnh của nó gần như đập ông ta bắn khỏi sàn. Người ông bay qua xà lim rớt xuống chậu vệ sinh. Trong một lúc ông ta nằm như chết cứng, máu đặc đổ ra từ mồm mũi. Một tiếng rên hay tiếng chít rất nhẹ, hầu như vô tình, thoát ra từ người ông. Rồi ông lăn mình vịn vào tay chân lẩy bẩy đứng dậy. Giữa máu và nước bọt, hai nửa phần một bộ răng giả rơi ra khỏi miệng ông.
Các tù nhân khác ngồi thật yên, hai tay khoanh trên đầu gối. Người không cằm leo về chỗ cũ. Dưới một bên mặt ông thịt xám đen lại. Miệng ông sưng vù thành một u dị hình màu đỏ hạnh đào ở giữa có lỗ hỏm đen. Thỉnh thoảng một chút máu chảy giọt trên phần ngực bộ áo liền quần của ông. Đôi mắt xám của ông vẫn lướt từ mặt người này sang mặt ngưòi kia, hổ thẹn hơn bao giờ, như thể ông muốn biết người khác khinh khi ông đến đâu vì sự bị làm nhục của ông.
Cánh cửa mở. Viên sĩ quan giơ tay nhẹ chỉ người mặt sọ.
"Phòng 101," hắn nói.
Có tiếng hổn hển và khuấy động bên cạnh Winston. Hóa ra người đàn ông đã tung mình quỳ xuống sàn, hai tay chắp lại.
"Đồng chí ! Quan ngài !" ông ta kêu. "Các ông không cần phải đưa tôi đến nơi đó ! Tôi chẳng khai hết cho các ông rồi là gì ? Các ông còn muốn biết gì nữa ? Cái gì tôi cũng thú được, bất cứ cái gì ! Cứ bảo tôi gì là tôi thú ngay. Các ông cứ viết là tôi ký — bất cứ gì ! Nhưng không đến phòng 101."
"Phòng 101," viên sĩ quan nói.
Người đàn ông hoảng loạn nhìn quanh về phía các tù nhân khác, như với ý nghĩ có thể kiếm được một nạn nhân khác thay thế ông ta. Mắt ông dừng trên khuôn mặt húp nát của người không cằm. Ông ta tung một cánh tay gầy lên.
"Đây mới là người các ông nên đưa đi, chứ không phải tôi !" ông ta hét lên. "Các ông không nghe thấy hắn nói gì khi bị đấm vào mặt ư. Cho tôi dịp tôi sẽ kể lại từng chữ cho các ông. Hắn mới là kẻ chống Đảng, không phải tôi." Lính canh tiến lên. Giọng người đàn ông thé lên phát vỡ. "Các ông không nghe thấy hắn !" ông ta nhắc lại. "Máy truyền hình hỏng đâu đó. Hắn mới là người các ông muốn. Đưa hắn đi, không đưa tôi !"
Hai tên lính canh vạm vỡ cúi mình chực xách tay ông ta. Nhưng đúng lúc đó ông ta phóng mình qua sàn xà lim và níu lấy một tấm chân sắt đỡ ghế dài. Ông ta hú lên một tiếng không lời, y như một con thú. Lính canh túm lấy ông, giật ông cho ông buông tay nhưng ông ta nắm chặt với một sức mạnh kỳ lạ. Trong khoảng hai mươi giây chúng kéo ông. Các tù nhân khác ngồi yên, hai tay khoanh trên đầu gối, mắt nhìn thẳng trước mặt. Tiếng hú ngưng bặt; người đàn ông không còn hơi để làm gì ngoài việc bám chặt. Rồi nghe thấy một tiếng kêu khác loại. Một cú đá từ giầy ống lính canh đã làm bể các ngón trên một tay ông. Lính lôi ông đứng dậy.
"Phòng 101," viên sĩ quan nói.
Người đàn ông bị dẫn ra ngoài, chân đi không vững, đầu cúi rạp, lo nâng niu bàn tay bị giập, mọi sức phấn đấu đã rời khỏi ông.
Một thời gian lâu trôi qua. Nếu người mặt sọ bị lôi đi vào nửa đêm thì bây giờ là buổi sáng: nếu lúc đó là buổi sáng thì hiện là buổi chiều. Winston ở một mình và ở một mình từ mấy tiếng rồi. Nỗi đau vì ngồi trên ghế dài hẹp buốt đến nỗi anh đứng dậy đi đi lại lại luôn, nhưng không thấy máy truyền hình quở trách. Mẩu bánh mì vẫn nằm nguyên nơi người không cằm đánh rơi nó. Thoạt đầu phải cố gắng nhiều mới không nhìn vào nó, nhưng lúc này cơn đói nhường chỗ cho cơn khát. Miệng anh vừa dính vừa hôi. Tiếng ù ù và ánh sáng trắng thường trực gây trong đầu anh một cảm giác yếu ớt, rỗng tuếch. Anh hay đứng dậy vì không chịu nổi sự đau nhức trong xương nữa, rồi lại phải ngồi xuống ngay vì anh quá chóng mặt không đứng vững được. Mỗi khi những cảm giác thể xác của anh được kiềm chế một chút thì cơn hãi hùng lại tái hiện. Thỉnh thoảng anh nghĩ tới O Brien và dao cạo với một niềm hy vọng chóng tan. Biết đâu dao cạo được chuyển giấu vào trong thức ăn, nếu anh được cho ăn. Ý nghĩ của anh về Julia đen tối hơn. Đâu đó nàng đang đau khổ, có khi khổ hơn anh nhiều. Có thể bây giờ nàng đang hét vì đau đớn. Anh nghĩ: "Nếu mình có thể cứu Julia bằng cách tăng gấp bội sự thống khổ của chính mình, liệu mình có làm không ? Có, mình sẽ làm." Nhưng đó chỉ là một quyết định của lý trí, được chọn vì anh biết anh phải làm như vậy. Anh không cảm thấy nó. Nơi đây, chẳng cảm thấy được gì, ngoại trừ cơn đau và sự tiên thức cơn đau. Vả lại, khi mình đang đau đớn, liệu có thể cầu cho cơn đau của mình gia tăng vì lẽ gì đó không ? Nhưng chưa thể đáp câu hỏi này được.
Giầy ống lại tiến gần. Cánh của mở. O Brien bước vào.
Winston đứng phắt dậy. Cảnh xúc động làm tiêu hết tính thận trọng nơi anh. Đã nhiều năm đây là lần đầu tiên anh quên mất sự có mặt của máy truyền hình.
"Chúng bắt được cả ông nữa ư ?" anh kêu lên.
"Chúng bắt tôi từ lâu," O Brien nói với một điệu mỉa mai nhẹ gần như có ý luyến tiếc. Ông ta bước sang bên. Từ đằng sau ông nhô ra một tên lính canh rộng ngực tay cầm một chiếc dùi cui đen dài.
"Anh biết hắn chứ, Winston," O Brien nói. "Chớ có tự dối lòng anh. Anh biết thế — anh vẫn biết thế "
Phải, bây giờ anh thấy rõ, anh vẫn biết thế. Nhưng không còn thì giờ nghĩ tới điều này. Mắt anh chỉ nhìn thấy chiếc dùi cui trong tay tên lính canh. Nó có thể đập vào bất cứ đâu; trên đỉnh đầu, trên vòm tai, trên cánh tay, trên khuỷu tay —
Khuỷu tay ! Anh ngã quỵ xuống đầu gối, gần như bị tê liệt, tay lành nắm đỡ khuỷu tay bị thương. Mọi sự nổ tung trong ánh vàng. Không thể tưởng tượng được, không thể tưởng tượng được một cái quật có thể gây một nỗi đau đớn đến thế ! Ánh sáng rõ ra và anh nhận thấy hai kẻ kia đương nhìn xuống anh. Tên lính canh cười to trước sự quằn quại của anh. Dù sao chăng nữa, một câu hỏi đã được trả lời. Không bao giờ, vì bất cứ lý do gì trên thế gian, con người có thể cầu mong một sự gia tăng cơn đau. Về cơn đau, chỉ có thể cầu xin một điều: làm sao cho nó ngưng. Trên thế giới không có gì ghê hơn nỗi đau thể xác. Trước cơn đau, không có anh hùng, không có anh hùng, anh nghĩ đi nghĩ lại như thế trong khi anh quặn người trên sàn, tay phải vẫn nắm một cách vô tích sự cánh tay trái tàn tật.