Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 57430 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
nhiều tác giả

Bản Kỷ Toàn Thư Q2(b)

Tháng 3, vua từ Quảng Nguyên [27a] về Kinh sư, xuống chiếu rằng: "Trẫm từ khi có thiên hạ đến giờ, đối với tướng văn tướng võ cùng các bề tôi không thiếu đại tiết, phương xa cõi lánh, không đâu không đến xưng thần, mà họ Nùng nối đời giữ bờ cõi vẫn thường cúng nộp đồ cống. Nay Tồn Phúc càn rỡ tự tôn, cả tiếm vị hiệu, ra mệnh lệnh, tụ họp quân ong bọ, làm hại dân chúng biên thùy. Trẫm vâng mệnh trời đi đánh, bắt được bọn Tồn Phúc 5 tên, đều chém ở chợ kinh đô".

Mùa hạ, tháng 4, con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt [cùng bọn] Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục [nước ta].

Tháng 5, động Vũ Kiến455 thuộc châu Quảng Nguyên dâng một khối vàng sống nặng 112 lạng. Huyện Liên456 , châu Lộng Thạch457 , châu Định Biên458 tâu rằng trong bản xứ có hố bạc459 .

Tháng 6, bầy tôi xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm 8 chữ là: "Kim [27b] Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục"460 . Vua nói: "Thời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, giũ áo khoanh tay mà thiên hạ đại trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không thất thường, chi muông đến múa, phượng hoàng lại

chầu, bốn đi theo về, trăm man hướng hóa, không hiểu làm sao mà được đến như thế! Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn. Vừa rồi, giặc Nùng dẹp yên, Chiêm Thành quy phụ, động sinh vàng ròng, đất trồi bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được thế chăng? Hay sắp xảy ra việc gì để cảnh cáo chăng? Trẫm rất lo sợ, sao đáng để tôn sùng tên đẹp hiệu vinh. Lời bàn của các khanh nên đình bãi". Bầy tôi cố nài vua mới chịu nhận.

[28a] Lê Văn Hưu nói: Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục" làm hiệu thì việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội.

Mùa thu, tháng 8, sai Đại liêu ban Sư Dụng Hòa và Thân vương ban461 Đỗ Hưng sang nước Tống tiếp tục việc thông hiếu cũ.

Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu sửa lại miếu Thái Tổ Thần Vũ Hoàng Đế.

Tháng 12, [28b] nước Chân Lạp sang cống.

Canh Thìn, [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 2 [1040] , (Tống Khang Định năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Đinh Hợi, nhật thực.

Tháng 2, vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa.

Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc làm này của vua trong cái tốt lại còn cái tốt nữa, không quý vật lạ, tỏ ra giữ đức kiệm ước, ban cho bầy tôi, tỏ ra hậu đãi kẻ dưới.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, xuống chiếu từ nay trở đi phàm nhân dân trong nước ai có việc kiện tụng gì, đều giao cho Khai Hoàng [29a] Vương xử đoán rồi tâu lên, lại cho lấy điện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện.

Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói: Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là Giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là Phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy sai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của Hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng Vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện là không đúng chỗ.

Mùa thu, tháng 8, người giữ trại Bố Chính của nước Chiêm Thành là Bố Linh, Bố Kha, Lan Đà Tinh đem bộ thuộc hơn trăm người sang quy phụ.

Mùa đông, tháng 10, mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu, tội đồ và một nửa tiền thuế cho thiên hạ. Trước đây, vua sai thợ tạc hơn nghìn pho tượng Phật, vẽ hơn nghìn bức tranh Phật, làm bảo phướn hơn [29b] một vạn lá. Đến đây xong việc, làm lễ khánh thành.

Tân Tỵ, [Càn Phu Hữu Đạo] năm thứ 3 [1041] , (Tống Khánh Lịch năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, có chim sẻ trắng đậu ở cấm đình.

Mùa hạ, tháng 5, đặt phẩm cấp các cung nữ, hoàng hậu và phi tần 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ hơn 100 người.

Tháng 6, Điện tiền chỉ huy sứ Đinh Lộc và Phùng Luật mưu làm phản. Xuống chiếu bắt Lộc, Luật và bè đảng giao cho quan trị tội. Khai Hoàng Vương xét xử, bọn Lộc, Luật đều phải giết.

Mùa thu, tháng 9, vua ngự đến Kha Lai để bắt voi, lại ngự đến Kha Lãm, rồi về Kinh sư.

Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7.560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ tát Hải Thanh và Công Đức cùng chuông để ở viện ấy.

Tháng 11, xuống chiếu cho Uy Minh hầu Nhật Quang462 làm tri châu Nghệ An.

[30a] Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa463 lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang464 nữa.

Nhâm Ngọ, [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 4 [1042] , (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu Minh Đạo năm thứ 1; Tống Khánh Lịch năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3 vua ngự ra cửa biển Kha Lãm465 cày ruộng tịch điền rồi về Kinh sư.

Mùa hạ, tháng 5, xuống chiếu rằng các quan chức đô466 , ai bỏ trốn thì phạt 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ và xử tội đồ. Các quân sĩ trước bị tội đồ467 nếu trốn vào núi rừng đồng nội cướp của người thì xử 100 trượng, thích vào mặt 30 chữ. Người con trấn trại mà bỏ trốn cũng phải tội như thế.

Mùa thu, tháng 7, xuống chiếu kẻ nào ăn trộm trâu của công thì xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con.

[30b] Tháng 9, phạt đánh 50 trượng những người vắng mặt trong buổi hội thề.

Sai Viên ngoại lang Đỗ Khánh và Lương Mậu Tài đem voi thuần sang biếu nhà Tống để tiếp tục sự thông hiếu cũ.

Động đất.

Châu Văn468 làm phản.

Tháng 9, nhuận, xuống chiếu kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết, ngay lúc bấy giờ thì không bị tội.

Xuống chiếu về việc phú thuế của trăm họ, cho phép người thu, ngoài 10 phần phải nộp quan được lấy thêm 1 phần nữa, gọi là "hoành đầu". Lấy quá thì xử theo tội ăn trộm, trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà trong 3 năm, người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được. Nếu quản giáp, chủ đô và người thu thuế thông đồng nhau thu quá lệ, tuy xảy ra đã lâu, nhưng có người tố cáo thì quản giáp, chủ đô và người thu thuế cũng phải tội như nhau.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, cho Khai Hoàng Vương làm Đô thống đại nguyên soái đi đánh châu Văn.

Xuống chiếu đổi niên hiệu là Minh Đạo năm thứ 1.

Ban Hình thư469 . Trước kia, việc kiện tụng trong nước [31a] phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương

xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo.

Tháng 11, xuống chiếu cho những người từ 70 tuổi trở lên, 80 tuổi trở xuống, từ 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những người ốm yếu cho đến các thân thuộc nhà vua từ hạng Đại công trở lên470 phạm tội thì cho chuộc [bằng tiền] nếu phạm tội thập ác thì không được theo lệ này.

Năm ấy, thiên hạ đói to. Xuống chiếu cho Khu mật viện là Nguyễn Châu hạ lệnh cho những người trốn tránh ở các lộ đều phải nhận lấy các cầu đường ở địa phương, đắp đất thành ụ mốc, trên cắm biển gỗ [31b] để tiện chỉ hướng đi về các nơi.

Quý Mùi, Minh Đạo năm thứ 2 [1043], (Tống Khánh Lịch năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, châu Ái làm phản.

Tháng 2, vua ngự ở điện Thiên Khánh, xuống chiếu cho các quan chức cứ 3 người cùng đảm bảo cho một người, nếu có ai chứa giấu đại nam471 thì 3 người bị tội cả.

Châu Văn làm phản.

Tháng 3, ngày mồng 1, cho Khai Hoàng Vương [Nhật Tôn] làm Đô thống đại nguyên soái đi đánh châu Ái. Phụng Càn Vương [Nhật Trung] làm Đô thống nguyên soái đi đánh châu Văn. Dẹp yên châu Văn, Phụng Càn Vương dâng 4 con ngựa tốt bắt được. Vua đặt tên cho ngựa là Tái Thiên, Quảng Thắng, Truy Phong, Nhật Ngự.

Mùa hạ, tháng 4, "giặc gió sóng" (nghĩa là nhân gió sóng mà đi cướp) Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển. Vua sai Đào Xử Trung đi đánh, dẹp yên được.

Vua ngự đến chùa cổ Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh472 , thấy dấu người vắng ẻ, nền móng nứt hở, trong chùa có cái cột đá lệch nghiêng sắp đổ. Vua [32a] thở than, ý muốn sai sửa chữa, nhưng kịp nói thì cột đá bỗng tự đứng thẳng lại. Vua lấy làm lạ, sai Nho thần làm phú để nêu rõ việc linh dị.

Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc.

Vua hỏi tả hữu rằng: "Tiên đế mất đi, đến nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì? Uy đức của trẫm không đến họ chăng? Hay là họ cậy có núi sông hiểm trở chăng?" Các quan đáp: "Bọn thần cho rằng đó là vì đức của bệ hạ tuy có đến nhưng uy thì chưa rộng. Sao thế? Vì từ khi bệ hạ lên ngôi đến giờ, họ trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ ban ơn để vỗ về, [32b] chưa từng ra oai dùng võ để đánh phạt, đó không phải là cách làm cho người ta sợ oai. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước đều như Chiêm Thành cả, há chỉ riêng người Chiêm mà thôi đâu". Vua từ đấy quyết ý đánh Chiêm Thành.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Bọn "giặc sóng gió" Chiêm Thành cướp phá dân ven biển nước ta, đem quân hỏi tội là phải, vì như thế là đúng tội danh. Còn nếu nói là người xa không phục, thì cứ lấy đức hóa mà cảm cho họ theo về, há phải đem quân đi xa!

Tháng 9, ngày mồng 1, sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, ban cho Nùng Trí Cao đô ấn, phong làm Thái bảo.

Lê Văn Hưu nói: Năm trước, Nùng Tồn Phúc phản nghịch, tiếm hiệu, lập nước, đặt quan thuộc, Thái Tông đã trị tội Tồn Phúc mà tha cho con là Trí Cao. Nay Trí Cao lại noi theo [33a] việc trái phép của cha thì tội lớn lắm, giết đi là phải, nếu lấy lại tước và áp phong, giáng là thứ dân, thì cũng phải. Thái Tông đã tha tội, lại cho thêm mấy châu quận nữa, ban cho ấn tín, phong làm Thái bảo, như thế là thưởng phạt không có phép tắc gì. Đến khi Trí Cao gây tai họa ở Quảng Nguyên, lại đem quân đi đánh, mượn cớ là viện trợ láng giềng, có khác gì thả cọp beo cho cắn người, rồi từ từ đến cứu không? Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ của nhà Phật mà quên đi mất cái nghĩa lớn của người làm vua.

Vua định sang năm sẽ đi đánh Chiêm Thành, xuống chiếu sai đóng các chiến thuyền hiệu Long, Phượng, Ngư, Xà, Hổ, Báo, Anh Vũ hơn vài trăm chiếc.

Mùa đông, tháng 10, cái thuẫn của vua ở điện Trường Xuân tự nhiên rung động. Vua xuống chiếu cho các quan nghị bàn, đều nói rằng: Thuẫn là đồ binh khí, thần nghe nói có gió thì chim loan liệng trước, [33b] sắp có mưa thì đá tảng ướt trước, nay bệ hạ muốn đem quân đánh dẹp kẻ không đến chầu mà binh khí tự rung động, đó là cái điềm thần và người lặng hợp, các vật ứng nhau. Kinh Thư nói: "Mình động thì mọi vật ứng theo mà đón trước ý mình. Nay vật ấy đã ứng trước ý mình, còn ngờ gì mà không động". Vua ban cho là phải.

Xuống chiếu rằng quân sĩ bỏ trốn quá 1 năm xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ.

Tháng 12, xuống chiếu cho quân sĩ sửa soạn giáp binh, hẹn đến mùa xuân, tháng 2 sang năm đi đánh Chiêm Thành.

Vua đến hành dinh Cổ Lãm473 xuống chiếu rằng kẻ nào ăn cướp lúa mạ và tài vật của dân, nếu đã lấy rồi thì xử 100 trượng, nếu chưa lấy được nhưng làm cho người bị thương thì xử tội lưu.

Năm ấy lại đúc tiền Minh Đạo ban cho các quan văn võ.

[34a] Giáp Thân, [Minh Đạo] năm thứ 3 [1044] , (Từ tháng 11 trở về sau là niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 1; Tống Khánh Lịch năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, phát khí giới trong kho ban cho các quân. Ngày Quý Mão, vua thân đi đánh Chiêm Thành, cho Khai Hoàng Vương [Nhật Tông] làm Lưu thủ Kinh sư. Ngày ấy Hữu ty đem dâng túi mật to bằng quả bưởi lấy được khi làm cỗ thiếu lao474 cúng thần núi. Vua nói đùa rằng: "Chữ "đảm" (mật) âm gần với chữ "đam" (vui), con thiếu lao mà có mật to, có lẽ là điềm báo cho ta biết chỉ khó nhọc một chút mà được vui lớn". Ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ, đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An475 . Đến núi Ma Cô476 , có đám mây tía bọc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não477 , có đám mây che thuyền ngự, thoe thuyền mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha (có bản chép Trụ Thân). Ngày hôm sau đi, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường

Sa478 . Đến cửa biển Tư Khách479 , có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ480 muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lê bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu481 tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giá, xác chất đầy đồng. Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng: "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha".

Sử thần Ngô Sĩ Liêm nói: Tấm lòng ấy của vua cũng như tấm lòng của Tống Thái Tổ chăng? Truyền ngôi được lâu dài là phải lắm.

[35a] Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ482 bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên483 . Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. Các quan chúc mừng thắng lợi.

Tháng 8, đem quân về. Đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến úy lạo rồi trao cho tiết việt trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây, vua ủy cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Bà Hòa484 khiến cho [trấn ấy] được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế.

Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Ly Nhân485 , sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân.

[35b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Phu nhân giữ nghĩa không chịu nhục, chỉ theo một chồng cho đến chết, để toàn vẹn trinh tiết của người đàn bà. Người làm tôi mà thờ hai vua tức là tội nhân đối với phu nhân. Vua khen là trinh tiết, phong làm phu nhân để khuyến khích người đời sau là đáng lắm.

Vua từ Chiêm Thành về, làm lễ cáo thắng trận ở miếu Thái Tổ, xong về ngự ở điện Thiên An, mở tiệc rượu làm lễ mừng về đến nơi. Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang486 đến Đăng Châu487 (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành.

Vua sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm (tức là Hồ Tây ngày nay), lấy con voi thuần của Chiêm Thành làm mồi nhử voi rừng vào trong cũi, vua thân đến bắt.

Mùa đông, tháng 11, ban thưởng cho những người có công đi đánh Chiêm Thành: có công từ lục phẩm trở lên, thưởng áo bào gấm, từ thất phẩm trở xuống [36a] thưởng áo là. Bề tôi xin đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ, tăng tôn hiệu thêm tám chữ là Thánh Đức Thiên Cảm Tuyên Uy Thánh Vũ. Vua y theo. Xuống chiếu rằng: "Đánh dẹp phương xa, tổn hại việc nông, ngờ đâu mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ đã đủ thì trẫm lo gì không đủ? Vậy xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay, để úy lại sự khó nhọc lặn lội".

Xuống chiếu cho Quyến khố ty488 , ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì [phạt trượng] theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm.

Tháng 12, ngày mồng 1, đặt trạm Hoài Viễn ở bờ sông Gia Lâm làm quán nghỉ trọ cho người nước ngoài khi đến chầu.

Thái bảo Nùng Trí Cao về chầu.

Năm ấy, xuống chiếu rằng các quân bỏ trốn xử tội theo ba bậc lưu. Cấm quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, ai phạm thì xử 80 trượng, thích chữ vào mặt và giam vào lao.

[36b] Ất Dậu, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 2 [1045] , (Tống Khánh Lịch năm thứ 5). Chế xe Thái Bình, lấy vàng trang sức "bồng la nga" (tức là cái bành voi của Chiêm Thành) đóng voi để kéo.

Dựng bia ở Đại Nội.

Bính Tuất, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 3 [1046] , (Tống Khánh Lịch năm thứ 6). Dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành489 .

Đinh Hợi, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 4 [1047] , (Tống Khánh Lịch năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 3, đặt trấn Vọng Quốc và 7 trạm Quy Đức, Bảo Ninh, Tuyên Hóa, Thanh Bình, Vình Thông, Cảm Hóa, An Dân, các trạm đều dựng ụ bia, để làm chỗ trọ cho người man di.

Mậu Tý, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 5 [1048] , (Tống Khánh Lịch năm thứ 8). Mùa thu, tháng 9, sai tướng quân là Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao, bắt được người và gia súc rất nhiều đem về.

Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác490 . Sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh. Vừa mới giao chiến, trời đất bỗng tối mù, một lát nghe tiếng sét đánh trong động, [37a] thân thể các tù trưởng động ấy bị xé tan, cả động kinh hãi. Trí Cao phải hàng.

Lập đàn xã tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng.

Mùa đông, tháng 12, ngày Lập xuân, xuống chiếu cho hữu ty làm lễ nghênh xuân.

Kỷ Sửu, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 6 [1049] . (Từ tháng 3 về sau, thuộc niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 1; Tống Hoàng Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, đổi niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 1.

Mùa đông, tháng 10, dựng chùa Diên Hựu491 . Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất492 , làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu493 .

[37b] Canh Dần, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 2 [1050] , (Tống Hoàng Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, Chiêm Thành dâng voi trắng.

Mùa hạ, tháng 6, nước to.

Mùa thu, tháng 9, người động Vật Dương494 làm phản, dẹp yên.

Tân Mão, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 3 [1051] , (Tống Hoàng Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, đặt quân tùy xa long, nội ngoại, sai Tả kiều vệ tướng quân Trần Nẫm trông coi.

Định cho các quan văn võ làm việc lâu năm mà không có lỗi được thăng chức tước theo thứ bậc khác nhau.

Mùa thu, tháng 8, khao thưởng lớn, ban cho dân vải lụa, tiền bạc theo thứ bậc khác nhau.

Mùa đông, tháng 11, đào kênh Lẫm495 .

Nhâm Thìn, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 4 [1052] , (Tống Hoàng Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, phong các hoàng tử làm vương hầu, các hoàng nữ làm công chúa.

Tháng 3, đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên.

Mùa hạ, tháng 4, Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, [38a] đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống, phá trại Hoàng Sơn496 , vây hãm các châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm497 rồi kéo đến vây thành Quảng Châu498 đến 5 tuần không lấy được, bèn về. Lại vào Ung Châu, giết tướng tá của nhà Tống hơn 3 nghìn người, bắt sống dân chúng hàng vạn. Đi đến đâu đốt trụi đến đấy. Vua tôi nhà Tống lấy làm lo. Khu mật sứ Địch Thanh dâng biểu xin đi đánh. Vua Tống sai Thanh làm Tuyên huy sứ đô đại đề cử, tổng quyền tiết việt đi đánh.

Quý Tỵ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 5 [1053] , (Tống Hoàng Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 5, động đất 3 lần. Mồng 10, có mây không có mưa, rồng vàng hiện ở gác Đoan Minh. Bầy tôi chúc mừng, duy có nhà sư Pháp Ngữ nói: "Rồng bay trên trời, nay lại hiện ở dưới là điềm không lành".

Địch Thanh chỉ huy 3 tướng đem quân đến phố Quy Nhân thuộc Ung Châu. Trí Cao đem quân chống đánh bị Địch Thanh đánh bại, chạy hơn 10 dặm [38b]. Tướng tâm phúc của Cao là Hoàng Sư Mật cùng với thủ hạ 57 người chết tại trận. Quân Tống đuổi theo giết hơn 2200 người. Trí Cao đốt thành ban đêm trốn đi.

Mùa thu, từ tháng 7 đến tháng 8, nước to.

Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. Vua xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại

499 . Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt. Trước đây, Trí Cao cướp biên giới nước nước Tống, Tống sai Khu mật trực học sĩ Tôn Miện, Nhập nội áp ban Thạch Toàn Bân cùng Kinh lược sứ bản lộ là Dư Tĩnh tính việc đánh giặc cướp, vua xin đem quân đánh giúp, vua Tống cho được tiện nghi. Đến khi Địch Thanh làm Đại tướng bèn tâu rằng: "Mượn binh ngoài để trừ giặc trong không lợi cho ta. Có một Trí Cao mà sức hai tỉnh Quảng không thể chống nổi, lại phải nhờ đến quân cõi ngoài, [39a] nếu họ nhân đó mà dấy loạn, thì lấy gì chống lại?" Năm ấy, nhà Tống có chiếu dừng việc viện binh của ta. Đến khi Trí Cao xin quân, vua lại nghe theo lời xin. Đô giám nhà Tống là Tiêu Chú đi theo đường đạo Đặc Ma500 đánh úp, bắt được mẹ là Trí Cao là A Nùng, đem giết.

Giáp Ngọ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 6 [1054] , (Từ tháng 9 về sau thuộc niên hiệu của Thánh Tông Long Thụy Thái Bình năm thứ 1; Tống Chí Hòa năm thứ 1).

Mùa thu, tháng 7, xuống chiếu cho Hoàng thái tử Nhật Tôn coi chầu nghe chính sự.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Xem đoạn văn ở dưới chép tháng 9 vua không khỏe, thì tháng này xuống chiếu cho thái tử ra coi chầu nghe chính sự là việc bất đắc dĩ.

Tháng 9, ngày Mậu Dần, vua không khỏe.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng một, vua băng ở điện Trường Xuân. Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu; đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ 1. Truy tôn [39b] tên thụy cho Đại Hành Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông, mẹ họ Mai làm Kim Thiên Hoàng Thái Hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt. Ban quan tước cho các bề tôi cũ ở Đông cung theo thứ bậc khác nhau. Cho Bùi Hựu làm Văn minh điện đại học sĩ.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sử khen vua là người nhân triết, thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tường. Vì có tài đức ấy, nên có thể làm mọi việc, song câu nệ về lễ yến hưởng vua tôi, đương lúc đau thương mà cũng vui chơi, khiến cho đạo chí hiếu có thiếu sót. Mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch501 thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém.

Chú Thích:

371 Cổ Pháp: tên châu, từ thời Đinh về trước gọi là châu Cổ Lãm; triều Lê Đại Hành cho đến năm 995 vẫn còn gọi tên ấy (BK1, tờ 21a), sau đổi gọi là Cổ Pháp, Lý Thái Tổ lên ngôi đổi làm phủ Thiên Đức. Nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.

372 Nguyên bản in: "mẫu Phạm thị, tiêu dao du Tiêu Sơn tự" hai chữ "tiêu dao" là diễn văn (chữ khắc thừa), do ảnh hưởng của tên bài văn Tiêu Dao Du của Trang Tử.

373 Chùa Tiêu Sơn: tức chùa Trường Liêu trên núi Tên ở xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, Hà Bắc.

374 Chùa Lục Tổ: cũng gọi là chùa Cổ Pháp, ỡ xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.

375 Tứ sương quân: quân bảo vệ bốn mặt kinh thành.

376 Thiền uyển tập anh (tờ 52a) chép viện Hàm Toại chùa Ứng Thái Tâm (dùng chữ Thái thay cho chữ Thiên trong tên các danh vật đời Lý). Còn tên viện Cảm Tuyển hoặc Hàm Toại thì hẳn là do khuôn chữ gần giống nhau nên sao khắc bị lầm.

377 Cao Vương: chỉ Cao Biền.

378 Sông Bắc Giang: hay sông Thiên Đức, tức sông Đuống.

379 Nguyên bản in là "...giai viết long trì..." (đều gọi là thềm rồng); ở vị trí chữ "viết" phải là chữ "hữu" (giai hữu long trì = đều có thềm rồng) tih` mới đúng nghĩa. Cương mục cũng đã sửa là "giai hữu long trì" (CMCB2, 10a).

380 Tinh lâu: lầu xem sao (chỉ lầu cao).

381 Độ: vốn là một khái niệm Phật giáo, dịch từ Phạn paramita, nghĩa là "vượt qua giới hạn (giữa mê tối và giác ngộ), dần dần mang thêm nghĩa thông thường là cho phép xuất gia tu hành. Khi một người lần đầu tiên đến chùa, được phép gọt tóc đi tu, gọi là thế độ, hoặc độ. Nguyên văn: "độ bách tính vi tăng", có nghĩa là nhà nước thừa nhận cho dân làm sư, cấp giấy gọi là độ điệp.

382 Túc xa quân: quân theo hầu xe vua, gồm 2 đội tả và hữu.

383 Đại Việt sử lược (q.2, 3a) chép là Y Cẩm tự.

384 Lô Giang là tên gọi sông Nhị (sông Hồng) từ thời thuộc Minh về trước, khác với tên sông Lô từ thời Lê đến nay là sông chảy qua tỉnh Hà Tuyên, tỉnh Vĩnh Phú rồi đổ vào sông Hồng ở ngã ba Bạch Hạc.

385 Vũng Biện: (nguyên văn là Biện Loan), vùng biển ở Biện Sơn, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

386 Chỉ người Nam Chiếu. Cương mục dẫn An Nam chí của Cao Hùng Trưng chép là người Man Hạc Thác, lại theo chú dẫn của Minh sử thì Man Hạc Thác tức người Nam Chiếu.

387 Nguyên văn là "Kim Hoa bộ".

388 Vị Long: tên châu, nay là huyện Chiêm Hóa, tỉnh Hà Tuyên.

389 Cương Mục (CB2, 16b) chép là Hà Trắc Tuấn.

390 Bình Lâm: tên châu. Cương mục dẫn Độc sử phương dự kỷ yếu của Cố Tổ Vũ ghi Bình Lâm là tên châu đặt từ thời thuộc Đường, ở vào miền huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nhưng có nhiều khả năng châu Bình Lâm là châu Bình Nguyên nói đến ở sau, tức miền đất huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên ngày nay. Mới đây, ở huyện Vị Xuyên, tìm được vết tích chùa Bình Lâm thời Trần. Không thể giặc vào vùng Chiêm Hóa, Hà Tuyên mà châu mục ở vùng Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), Cao Bằng lại tâu lên vua. Đặt châu này ở Vị Xuyên thì hợp lý.

391 Dực Thánh Vương: xem chú thích ???, tr. ???

392 Tức phủ Ứng Hòa đời sau, nay là huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.

393 Đô Kim: theo Cương Mục, là huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang (CMCB2, 18b), nay thuộc tỉnh Hà Tuyên.

394 Vị Long: xem chú thích ??? tr. ???

395 Thường Tân: tên châu, chưa rõ ở khoảng huyện nào trong tỉnh Hà Tuyên ngày nay.

396 Bình Nguyên: tên châu thời Lý, từ thời Lê về sau gọi là châu Vị Xuyên, gồm các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Tuyên ngày nay.

397 Ở phần trên đã chép Lý Thái Tổ lập 6 hoàng hậu mà Lập Giáo hoàng hậu đứng đầu, có quy chế xe kiệu riêng (BK1, 34b). Ở đây nói lập thêm 3 hoàng hậu nữa, mà tên Lập Giáo hoàng hậu lại kể ở sau cùng. Cương mục ghi: "Điều này chắc Sử có lầm, tạm chép lại đó chờ tra cứu thêm" (CMCB2, 19a).

398 Cổ Sở: bến Cổ Sở có tên nôm là bến Giá, nay ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

399 Nguyên văn: "Thiên hạ tao mông muội, trung thần nặc tính danh, trung thiên minh nhật nguyệt, thục bất kiến kỳ hình". Bài thơ này có các dị bản trong Việt điện u linh, Sơn Tây tỉnh chí" v.v... với nhiều chữ chép khác biệt với đây.

400 Thát Đát: phiên âm tên Tartar hay Tatar, bộ tộc Mông Cổ, ở đây chỉ quân Nguyên - Mông.

401 Không rõ có phải là Trịnh Văn Tú nói ở trước hay không?

402 Cương mục chú: điện phía đông tức ở điện Tập Hiền (CMCB2, 19b).

403 Cương mục chép Phạm Hạc thành Phạm Hạc Như (khiển viên ngoại lang Nguyễn Đạo Thanh, Phạm Hạc Như).

404 Nguyên văn: "Thiên Đức lăng thái miếu", đến đây chưa thấy nói đến lăng Thiên Đức, ngờ nhầm ở chữ "lăng"; hoặc có thể hiểu là Lăng Thái Miếu ở phủ Thiên Đức?

405 Bố Chính: nay là đất các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

406 Núi Long Tỵ: theo Cương mục, ở địa phận xã Thuần Chất, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình, hình thể núi này nhô lên như vòi rồng, nên gọi là "Long tỵ" (CMCB2, 22a). Huyện Bình Chính nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

407 Cương mục chú: điện phía tây tức là điện Giảng Vũ.

408 Cương mục dẫn Khâm Châu chí nói trại Như Hồng ở phía tây Khâm Châu, giáp với trấn Như Tích, cách châu Vĩnh An của nước ta 20 dặm (CMCB2, 23b). Châu Vĩnh An tên cũ là trấn Triều Dương (đổi năm 1023), nay là đất huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh.

409 Triều Dương: tên trấn thời Lý, xem chú thích về trại Như Hồng ở trên.

410 Thảng Do: tên châu thời Lý, nơi Nùng Trí Cao làm phản lập ra nước Đại Lịch, ở về phần đất tỉnh Cao Bằng ngày nay (theo Độc sử phương dư kỷ yếu; CMCB, 43a). Như vậy, điều ngờ ghi trong câu tiếp theo của nguyên chú không đúng.

411 Trại Định Phiên: trại định cư của người Phiên chỉ các tù binh Chiêm Thành.

412 Thất Nguyên: tên châu thời Lý, nay là huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

413 Văn Châu: tên châu thời Lý, nay là đất huyện Văn Quan và một đất huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

414 Dực Thánh Vương: xem chú thích tr.???; Vũ Đức Vương: chưa rõ, từ trên đến đây chưa thấy nói đến Vũ Đức Vương.

415 Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Kính Đức giết hai anh của Lý Thế Dân là Kiến Thành và Nguyên Cát để giữ ngôi vua cho Thế Dân (Đường Thái Tông). Chu Công Đán giết em là Quản Thúc và đày một em khác là Thái Thúc để giữ ngôi vua cho cháu là Thành Vương.

416 Băng Sơn: theo (CMCB2, 28b) là xã Dương Sơn, nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

417 Nguyên văn là "Quan địa".

418 Vi Tử: tên là Khải, anh của vua Trụ nhà Thương, Trụ dâm loạn, Vi Tử nhiều lần khuyên can, bị Trụ đuổi đi.

419 Dương Quảng là con thứ của Tùy Văn Đế, đáng không được lập làm thái tử, nhưng vì hoàng thái tử là Dương Dũng tính nết kiêu xa. Văn Đế ghét. Quảng biết ý, vờ tỏ ra có đức hạnh để chiếm lòng yêu của Văn Đế, quả nhiên Văn Đế bỏ Dũng, lập Quảng làm thái tử. Sau đó Văn Đế hối, muốn sửa lại, Quảng bèn giết cả Văn Đế và Dũng để làm vua.

420 Ba phu nhân nói đây là Cảm Thánh, Nhật Phong, Phụng Thánh, đều là vợ của Lý Thần Tông. Trước Thần Tông đã cho Thiên Lộc làm hoàng thái tử, đến khi Thần Tông ốm nặng, ba phu nhân đến xin đổi lập Thiên Tộ làm thái tử (Xem BK3, 42a). Tham tri chính sự Từ Văn Thông nhận lời giúp ba phu nhân, nhưng cầm bút chờ Thần Tông đổi ý chứ không tự ý sửa di chiếu (Cũng xem BK2, 42a).

421 Có sự lầm lẫn về cách ghi họ tên người cha của Đinh hoàng hậu. Ở trên ghi: cha của Mai hoàng hậu là Hựu thì có thể hiểu người đó là Mai Hựu..., cha của Đinh hoàng hậu là Ngô Thượng thì có thể hiểu người đó là Đinh Ngô Thượng. Ở đây Toàn thư lại ghi Ngô Thượng Đinh? Đại Việt sử lược (q2, tờ 5a) cũng ghi là Ngô Thượng Đinh. Chưa rõ nhầm lẫn do đâu.

422 Đại Việt sử lược chép là Liêu Gia Chân (Chân và Trinh có thể lầm với nhau).

423 Nguyên văn là "linh nhân".

424 Thất tinh: tức là chòm sao Bắc đẩu (có 7 sao).

425 Lạng Châu: tên châu thời Lý, nay là đất Lạng Sơn.

426 Đản Nãi: tên giáp, có lẽ là vùng Đan Nê, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, nơi có núi Đồng Cổ (xem BK1, 16b).

427 Phụng Thiên: Cương mục chép là Phụng Tiên (CMCB2, 34a).

428 Đại liêu ban: tên tước của triều Lý.

429 Nguyên văn: "Điểu Lộ điền". Tên đất này được nhắc đến hai lần trong Toàn thư, ở đây và cách 3 tờ sau (BK2, 25a), đều khắc in rõ chữ "Điểu". Các bản in sau bản Chính Hòa như bản VHv. 2330 (BK2, 20b và 25a), và các bản in của Quốc tử giám triều Nguyễn

430 Nguyên văn: "... Chiếu phát tiền nhầm công tạo tự quán vu hương ấp, phàm bách ngũ thập sở". Các bản in của Quốc tử giám thời Nguyễn (A. 3v.v...) và các bản VHv. 2330 (sau bản Chính Hòa) đều in là "... vu hương ấp, cửu bách ngũ thập sở" (... ở các hương ấp, tất cả 950 chỗ). Chữ "phàm" và chữ "cửu" dáng chữ gần giống nhau, dễ đọc và chép nhầm. Có thể trước do bản VHv. 2330 in phỏng theo bản Chính Hòa, sau các bản in đời Nguyễn theo đó nhầm tiếp. Cương mục có thể đã dùng một bản Toàn thư thuộc loại nói trên cho nên cũng chép như thế (cửu bách thập sở. CMCB2, 35b). Nhưng Đại Việt sử ký tân biên bản in thời Tây Sơn, vẫn chép là "... phàm bách ngũ thập sở" (ĐVSKTB BK2, 26b). Đại Việt sử lược (q.2, 5b) cũng chép rõ hơn: "tạo tự quán phàm nhất bách ngũ thập xứ". Xét về kết cấu ngữ pháp, câu "... phàm bách ngũ thập sở" chưa được chuẩn xác, nhưng kết hợp với Đại Việt sử lược, chúng tôi dịch là "150 sở".

431 Nguyên văn: "thụ ký lục"; có nghĩa là nhận sự đăng ký, được chính thức thừa nhận việc tu hành.

432 Nguyên văn: ưu đàm thụ, tên loài cây phiên âm từ tiếng Phạn: Udumbara (cũng phiên là ưu đàm loát). Cây này có quả mà không có hoa, truyền thuyết Phật giáo nói đó là điềm lành, 3.000 năm mới một lần nở hoa. Có thể coi cây sung tương ứng với cây ưu đàm, nhưng cây sung ở ta không có truyền thuyết như cây Udumbara của Ấn Độ.

433 Định Nguyên: tên châu thời Lý, có lẽ là miền tỉnh Yên Bái.

434 Nguyên văn: "Bát nguyệt" (tháng 8). Nhưng ở dưới ghi tiếp lại là: "mùa thu, tháng 7". Như vậy chữ "nguyệt" ở đây là khắc in nhầm, đúng ra phải là chữ "nhật" (ngày).

435 Chân Đăng: tên châu thời Lý. Cương mục chua là "thuộc tỉnh Sơn Tây, tức phủ Lâm Thao bây giờ" (CMCB2, 37a). Phủ Lâm Thao thời Nguyễn là đất huyện Phong Châu và một phần đất các huyện Thanh Hòa và Sông Thao tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Nhưng có thể châu Chân Đăng thời Lý gồm cả một phần đất huyện Tam Thanh (Tam Nông cũ)

436 Nguyên văn: "Đào đại di". Đại di là Bà dì. Cương mục chỉ chép "Hữu Đào thị giả" (có người họ Đào..., CMCB2, 37a).

437 Nguyên bảin in: "lục châu", có lẽ là khắc in nhầm chữ "bản châu".

438 Trệ Nguyên: tên châu thời Lý, Cương mục chua "không thảo được" (CMCB2, 38a), có thể ở gần châu Định Nguyên.

439 Thất bảo: bảy thứ quý. Theo Pháp hoa kinh, bảy thứ ấy là: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, ngọc, mã não, trân châu (ngọc trai) mai khôi (ngọc đỏ). Các kinh khác như Vô lượng thọ, A Di Đà, Bát Nhã đều nói đến thất bảo với một vài thứ khác.

440 Nhắc việc sư Trí Thông, thị gia hầu bảo tháp xá lị của Trần Nhân Tông ở núi Yên Tử, tự thiêu thời Trần Minh Tông (1314-1329).

441 Núi Tiên Du: ở huyện Tiên Du, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, còn có tên là núi Phật Tích, lại có tên là núi Lạn Kha (do truyền thuyết nó Vương Chất vào núi đốn củi, chống cán rìu xem hai ông già đánh cờ, tan cuộc nhìn lại thấy cán rìu đã mục nát).

442 Nguyên văn: "chế kim bát giác tiêu dao". Như vậy trong câu này tiêu dao phải là một danh từ chỉ đồ vật nhưng hai chữ tiêu dao không hề có nghĩa đó. Đại Việt sử ký tiền biên (bản in thời Tây Sơn) có chú thích: "Tiêu dao là tên mũ... cách làm thế nào không khảo được" (BK2, 29a). Tham khảo Vân đài loại ngữ thì biết câu trên in thiếu một chữ "tọa" ở cuối câu: "chế kim bát giác tiêu dao tọa". Lê Quý Đôn viết: "Ghế ngồi của người Hồ (Hung Nô) khoan chốt, để chéo chân, xỏ dây làm mặt ghế, mở ra gấp lại chóng lắm, nặng không đến và cân, gọi là "tiêu dao tọa", tương truyền người hầu của vua Đường Minh Hoàng đã làm chiếc ghế theo kiểu ấy để đem theo cho tiện ngồi khi theo hầu vua đi chơi ở ngoài" (Bản dịch, tr.133). Như vậy có lẽ "tiêu dao" không phải là tên chiếc mũ như ĐVSKTB đã chú, cũng không phải là chiếc kiệu tiêu dao như ở bản dịch cũ, mà là tiêu dao tọa, có nghĩa là chiếc ghế kéo như Lê Quý Đôn đã mô tả.

443 Nguyên văn: trường lang, dãy nhà dài.

444 Chùa Trùng Quang: ở núi Tiên Du (Tiên Sơn, Hà Bắc).

445 Lâm Tây: tên đạo thời Lý, Cương mục chú, nhà Trần gọi là đạo Đà Giang, thời thuộc Minh gọi là châu Gia Hưng, nhà Lê đổi là phủ Gia Hưng. Nay là đất hai tỉnh Sơn La, Lai Châu.

446 Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên: xem chú thích ?????????

447 Nguyên văn: "Điểu Lộ tang viên", xem chú thích ??? tr.????

448 Hoằng Thánh đổi là Hồng Thánh là do kiêng húy miếu hiệu của chúa Trịnh Tạc (Hoằng Tổ Dương Vương, ở ngôi chúa 1657-1682).

449 Quảng Nguyên: tên châu thời Lý, thời thuộc Minh thuộc về đất Uyên huyện, thời Lê đổi là châu Lộng Nguyên. Nay là đất các huyện Quảng Uyên, Phúc Hòa, Thạnh An, tỉnh Cao Bằng.

450 Tây Nông: tên châu, nay là huyện Tư Nông, tỉnh Bắc Thái.

451 Thảng Do: tên châu, xem chú BK2, 9b.

452 Vạn Nhai: tên châu thời Lý, nay là phần đất huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và một phần huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái.

453 Vũ Lặc: tên châu, chưa rõ ở đâu. Cương mục dẫn Đường thư, Địa lý chí: "Nhà Đường đặt Lung Châu quản lĩnh huyện Vũ Lặc" và cho rằng hai châu Thảng Do, Vũ Lặc có lẽ ở vào địa hạt tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn ngày nay (CMCB2, 43a).

454 Lãnh Kinh: có lẽ là khúc sông Cầu chảy qua Thị Cầu, tỉnh Hà Bắc.

455 Động Vũ Kiến: Đại Việt sử lược chép là động Vũ Kiện, thuộc đất huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng hiện nay, nhưng chưa biết rõ ở đâu?

456 Huyện Liên: Đại Việt sử lược chép là huyện Hạ Liên, có lẽ thuộc đất huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Thái ngày nay.

457 Lộng Thạch: tên châu, có lẽ thuộc đất huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng ngày nay.

458 Định Biên: tên châu, nay là đất huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái.

459 Nguyên văn: ngân huyệt.

460 Nghĩa là: Vàng nổi bạc sinh, họ Nùng dẹp, nước Phiên (chỉ Chiêm Thành) quy phục.

461 Đại liêu ban và Thân vương ban: đều là tên tước của nhà Lý.

462 Lý Nhật Quang: tước Uy Minh hầu, con thứ 8 của Lý Thái Tổ. Đại Việt sử lược (q2, 7a) chép là Minh Uy hầu.

463 Lôi Hỏa: tên động, ở phía tây bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay. Các động Bình, An, Bà đều thuộc về đất tỉnh Cao Bằng.

464 Tư Lang: nay là đất huyện Trùng Khánh và phần đất đông bắc huyện Quảng Hòa (vùng quanh Hạ Lang), tỉnh Cao Bằng.

465 Có lẽ cũng là địa danh Kha Lãm nhắc ở BK2, 29b.

466 Quan chức đô: Bản dịch cũ chú là các chức quan chỉ huy quân cận vệ.

467 Nguyên văn: "Đồ tội chư quân sĩ", chỉ những người trước đã phạm tội đồ (đi đày) sang làm lính.

468 Châu Văn: xem chú Bk1, 10b.

469 Theo Lê Quý Đôn, bộ Hình thư này gồm 3 quyển, nay không còn (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí).

470 Đại công là hạng tang phục thứ ba trong năm hạng tang phục, chỉ quan hệ anh em con chú con bác (để tang 9 tháng). Hai hạng trên là Tê thôi (cháu nội), Trám thôi (các con).

471 Đại nam: tức đại hoàng nam. Theo Ngô Thì Sĩ, thời Lý dân đinh đến 18 tuổi thì ghi tên vào "hoàng sách" (sổ bìa vàng), gọi là "hoàng nam"; 20 tuổi trở lên gọi là "đại hoàng nam". Ai nuôi nô bộc riêng chỉ được nuôi người chưa đến tuổi "hoàng nam".

472 Vũ Ninh: tên châu từ thời Lý, đến đầu đời Lê Trung hưng kiêng úy của Trang Tông (Lê Duy Ninh) đổi là Vũ Giang, lại kiêng úy của Uy Nam Vương Trịnh Giang đọc chệch âm là Vũ Giàng. Nay là đất huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc.

473 Cổ Lãm: tên gọi thời Đinh Lê của châu Cổ Pháp, xem thêm chú thích 2 tr.??????????????????

474 Vua cúng đàn xã tắc thì dâng cỗ thái lao (trâu, dê, lợn mỗi thứ 1 con), cúng thần sông núi thì dâng cỗ thiếu lao (dê, lợn mỗi thứ 1 con).

475 Đại An: tên cửa biển, tức Cửa Liêu ở huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh, Xem thêm phần chú thích tr.?????????????????

476 Núi Ma Cô: theo Cương mục, còn có tên núi là Lễ Đễ, ở ngoài biển huyện Kỳ Anh (CMCB3, 9a), tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

477 Vụng Hà Não (Hà Não loan): Cương mục chua sông, Ngũ Bồ, vụng Hà Não đều không khỏa được (CMCB3, 10a). Theo Đào Duy Anh, vụng Hà Não có thể là Vụng Chùa, tên chữ Hán là Tự Loan, Đại Việt sử lược chep là Vũng Truy (Đất nước Việt Nam qua các đời, tr.175).

478 Đại Tiểu Trường Sa: bãi cát từ cửa Nhật Lệ đến Cửa Tùng là Đại Trường Sa; bãi cát từ Cửa Việt đến cửa Tư Hiền, là Tiểu Trường Sa.

479 Tư Khách: tên cửa biển đúng tên thời Lý gọi là cửa Ô Long, thời Trần đổi gọi là cửa Tư Dung (do tên huyện Tư Dung, châu Hóa); đời Mạc, vì kiêng húy Mạc Đăng Dung nên đổi gọi là Tư Khách. Thời Nguyễn đổi là Tư Hiền như tên gọi hiện nay, ở phía đông nam tỉnh Thừa Thiên - Huế.

480 Sông Ngũ Bồ: Cương mục chú không rõ ở đâu. Theo Đào Duy Anh (Bản dịch cũ 1, 342), sông Ngũ Bồ có thể là sông Chợ Củi (hạ lưu sông Thu Bồn) chảy ra cửa Đại Chiêm, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

481 Sạ Đẩu: tức vua Chiêm Jaya Sinhavarman II (ở ngôi 1042-1044).

482 Thành Phật Thệ, xem chú BK1, 18b.

483 Tây Thiên khúc điệu: ở đây có thể là những khúc hát và múa Chiêm Thành có nguồn gốc Ấn Độ (Tây Thiên, chỉ Ấn Độ).

484 Trại Bà Hòa: theo Cương mục (CB3, 10) ở sông Bà Hòa, nay là xã Đông Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

485 Ly Nhân: nay là đất huyện Ly Nhân, tỉnh Nam Hà.

486 Vĩnh Khang: nay là đất huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

487 Đăng Châu: tên châu thời Lý, nay thuộc đất tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

488 Quyến khố ty: ty coi việc kho lụa.

489 Đại Việt sử lược (q2, 8a) chép cung này tên là cung Ngân Hán.

490 Động Vật Ác: ở phía tây tỉnh Cao Bằng.

491 Chùa Diên Hựu: tức chùa Một Cột ở Hà Nội ngày nay.

492 Nguyên văn: "lập thạch trụ vu địa trung". Bản Chính Hòa và bản VHv.2330 đều in rõ chữ "địa". Nhưng các bản in của Quốc tử giám (triều Nguyễn) như bản A.3 v.v... sử chữ địa thành chữ trì (ao, hồ). Xét ra nguyên bản Chính Hòa để chữ địa hợp lý hơn: Khi mới làm chùa chỉ dựng cột đá ở giữa đất, đến lần trùng tu năm 1105 mới đào hồ "Liên Hoa Đài" ở xung quanh cột đá (xem: BK3, 15a). Cũng có người giải thích chữ "địa" ở đây là chữ Nôm, đọc là đìa tức là ao, hồ. Chúng tôi theo văn bản, dịch là đất trong khi chờ đợi sự xác minh.

493 Diên Hựu: nghĩa là kéo dài cõi phúc (chỉ tuổi thọ).

494 Vật Dương: tên động, ở phía bắc huyện Thạch Lâm, tỉnh Cao Bằng.

495 Kênh Lẫm (Lẫm Cảng): theo Đại Nam nhất thống chí (q. 14, tỉnh Ninh Bình), ở địa phận các xã Thần Phù, Phù Sa và Ngọc Lâm, huyện Yên Mô, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Kênh đã bị bồi lấp thành đất bằng, chỉ còn lại cái đầm gọi là đầm Lẫm.

496 Trại Hoành Sơn: nay là huyện Hoành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

497 Các châu: Ung, Quý, Đằng, Ngô, Củng, Tầm nay đều thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hai châu: Khang, Đoan, nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

498 Nguyên văn: "chí Quảng Châu thành truyền thành công chi ". Hai chữ "truyền thành" ở đây chưa rõ nghĩa gì, ngờ chữ vi (vây), lầm ra chữ truyền; tạm dịch như trên.

499 Nước Đại Lý: một nước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc, trên địa bàn của nước Nam Chiếu đời Đường, cư dân chủ yếu là người Di, mà thư tịch cổ Trung Quốc thường chép là người Thoán, Bặc. Việc quân của Vũ Nhị cứu viện cho Nùng Trí Cao đánh quân Tống không thấy tài liệu nào nói đến; có thể chỉ mới có dự định, chưa kịp thực hiện thì Trí Cao đã chết.

500 Đạo Đặc Ma: tức phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

501 Chỉ việc Lý Thái Tông tha tội cho Nùng Trí Cao.

<< Bản Kỷ Toàn Thư Q2(a) | Bản Kỷ Toàn Thư Q3(a) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 221

Return to top