Vài nét về nhà văn Jorge Luis Borges:
Jorge Luis Borges (Buenos Aires,1899 - Geneva,1986), là một trong những khuôn mặt văn chương lớn nhất của thế kỷ 20. Ông là tác giả nhiều tác phẩm thơ, tiểu luận, phê bình, và truyện ngắn. Năm 1961, Borges chia giải thưởng “International Publishers’ Prize” cùng với Samuel Beckett. Năm 1966, The Ingram Merrill Foundation trao ông giải thưởng “Annual Literary Award” vì “sự đóng góp ngoại hạng cho văn chương”. Năm 1971, ông được Columbia University trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Văn Chương (Doctor of Letters, honoris causa). Sau đó, nhiều viện đại học khác trên thế giới, kể cả Oxford và Cambridge, đã liên lục trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Văn Chương cho Borges. Cũng vào năm 1971, ông nhận giải thưởng “Jerusalem Prize” (năm năm trao một lần), và năm 1973, ông nhận giải thưởng văn hoá cao quý nhất của Mexico là “Premio Internacional Alfonso Reyes”. Năm 1980 ông chia với Gerardo Diego giải thưởng “Premio Cervantes”, giải thưởng cao quý nhất trong thế giới văn chương tiếng Tây Ban Nha.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH:
Thơ
Fervor de Buenos Aires (1923)
Luna de enfrente (1925)
Cuaderno San Martín (1929)
Poemas (1923-1943)
El hacedor (1960)
Para las seis cuerdas (1967)
El otro, el mismo (1969)
Elogio de la sombra (1969)
El oro de los tigres (1972)
La rosa profunda (1975)
Obra poética (1923-1976)
La moneda de hierro (1976)
Historia de la noche (1976)
La cifra (1981)
Los conjurados (1985)
Tiểu luận và phê bình
Inquisiciones (1925)
El tamaño de mi esperanza (1926)
El idioma de los argentinos (1928)
Evaristo Carriego (1930)
Discusión (1932)
Historia de la eternidad (1936)
Aspectos de la poesía gauchesca (1950)
Otras inquisiciones (1952)
El congreso (1971)
Libro de sueños (1976)
Tập truyện
El jardín de senderos que se bifurcan (1941)
Ficciones (1944)
El Aleph (1949)
La muerte y la brújula (1951)
El hacedor (1960)
El informe Brodie (1970)
El libro de arena (1975) THỜI GIAN Nietzsche không thích việc người ta so sánh Goeth với Schiller. Và chúng ta cũng có thể nói rằng thật vô lý việc kết hợp không gian với thời gian bằng lời nói, bởi lẽ chúng ta có thể ước lượng không gian nhưng không thể ước lượng thời gian.
Hãy giả thiết rằng chúng ta chỉ có một giác quan chứ không phải là năm. Và đó là thính giác. Khi đó sẽ không còn thế giới thị giác, nghĩa là sẽ không còn bầu trời và những vì sao. Nếu không có xúc giác, chúng ta sẽ không còn những khái niệm như trơn, ráp, xù xì, v.v... Nếu không có cả khứu giác và vị giác, chúng ta sẽ mất đi những cảm giác có được nhờ mũi và miệng. Khi đó chỉ còn lại thính giác. Và chúng ta sẽ có một thế giới không có không gian. Một thế giới của những cá thể. Những cá thể có thể giao tiếp với nhau, những cá thể, đông hàng nghìn, hàng triệu, giao tiếp với nhau bằng âm nhạc và ngôn ngữ - chẳng có gì cản trở chúng ta hình dung một thứ ngôn ngữ phức tạp như, và thậm chí phức tạp hơn, ngôn ngữ của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có một thế giới trong đó không có gì khác ngoài âm nhạc và tri thức. Người ta có thể phản bác, rằng âm nhạc không thể thiếu nhạc cụ. Nhạc cụ cần thiết để tấu lên tiếng nhạc. Nhưng với những bản tổng phổ, chúng ta có thể tưởng tượng ra âm nhạc mà chẳng cần nhạc cụ, dù là piano, violon, sáo hay bất cứ loại nhạc cụ nào khác.
Như vậy, chúng ta sẽ có một thế giới phức tạp chẳng khác gì thế giới của chúng ta, một thế giới được tạo nên bởi tri thức cá nhân và âm nhạc. Nói như Schopenhauer, âm nhạc không phải là thứ thêm vào thế giới, tự thân nó đã là một thế giới. Dù vậy, trong thế giới đó thời gian luôn luôn hiện hữu. Bởi thời gian chính là sự kế tiếp. Nếu tôi tưởng tượng và nếu các bạn tưởng tượng, rằng mình ở trong một căn phòng tối, khi đó, thế giới thị giác sẽ biến đi - biến đi khỏi cơ thể chúng ta... Đã bao lần chúng ta mất ý thức về sự tồn tại của cơ thể mình!... Tôi xin lấy ví dụ, tôi, chẳng hạn, chỉ vào thời điểm chạm tay vào cái bàn này tôi mới ý thức được sự tồn tại của bàn tay và của chiếc bàn. Có một điều đã xảy ra, nhưng điều gì? Có lẽ là sự nhận thức? Nhưng cũng có thể đó chỉ là cảm giác hay đơn giản là một ký ức hay tưởng tượng. Dù sao thì cũng đã có điều gì đó xảy ra. Tôi chợt nhớ một câu thơ rất hay của Tennyson: Time is flowing in the middle of the night (Thời gian đang trôi giữa đêm khuya). Một ý tưởng thật nên thơ, trong lúc cả thế giới ngủ yên, dòng sông thời gian lặng lẽ - ẩn dụ ở đây là không tránh khỏi - mải miết trôi đi trên những cánh đồng, trong lòng đất, trong không gian, trôi mải miết giữa những vị tinh tú.
Như vậy, thời gian là môt vấn đề cốt yếu. Tôi muốn nói rằng chúng ta không thể ước lượng được thời gian. Ý thức của ta dịch chuyển không ngừng từ trạng thái này sang trạng thái khác và thời gian chính là sự nối tiếp ấy. Tôi tin chính Henri Bergson đã nói rằng thời gian là vấn đề cốt lõi của siêu hình học. Nếu vấn đề ấy được giải quyết thì tất cả sẽ được giải quyết. Với chúng ta thì chẳng có gì đáng lo ngại nếu nó được giải quyết, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hết lo âu. Chúng ta sẽ mãi mãi có thể nói như Saint Augustin: Thời gian là gì? Nếu ai hỏi tôi như vậy, tôi biết, nhưng nếu phải giải thích nó, tôi sẽ không biết nữa.
Tôi không biết chừng sau hai mươi hay ba mươi thế kỷ suy ngẫm, chúng ta sẽ tiến được bao nhiêu để giải quyết vấn đề thời gian. Nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta vẫn tiếp tục bối rối như Heraclite đã bối rối: không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Tại sao người ta lại không thể tắm hai lần? Trước hết, đó là vì nước sông không ngừng chảy. Thứ hai, đó là vì chính chúng ta cũng là một dòng sông, một dòng sông đang trôi chảy. Chính ở đây vấn đề thời gian đang hiện diện. Vấn đề về sự mong manh. Tôi nhớ đến những câu thơ thật đẹp của của Boileau:
Hãy nhanh lên, thời gian đang trốn chạy còn chúng ta thì chậm chạp.
Khoảng khắc tôi cất lời giờ đã xa xôi.
Hiện tại của tôi – hay cái từng là hiện tại của tôi – đã thuộc về quá khứ. Nhưng thời gian dù trôi đi, cũng không trôi đi hết. Chẳng hạn, tôi đã trò chuyện với các bạn hôm thứ Sáu. Chúng ta có thể nói rằng hôm nay chúng ta đã khác rồi, bởi có biết bao nhiêu điều đã xảy ra với chúng ta trong tuần lễ ấy. Thế nhưng, chúng ta lại vẫn là mình. Tôi biết rằng chính ở nơi đây tôi đã nói chuyện, đã suy ngẫm cùng các bạn về chuyện này chuyện khác, và chính các bạn cũng nhớ rõ ràng ở đây, tuần trước, các bạn đã trò chuyện với tôi. Như thế, một ký ức về thời gian còn lại trong trí nhớ, và là trong trí nhớ cá nhân. Chúng ta được tạo nên chủ yếu là nhờ trí nhớ. Còn trí nhớ thì được tạo nên chủ yếu nhờ sự lãng quên.
Nhân nói đến thời gian, tôi muốn lấy một ví dụ có vẻ là đơn giản, ví dụ về ngịch lý Zénon. Nó vốn được áp dụng cho không gian, nhưng chúng ta sẽ áp dụng với thời gian. Hãy xem xét dạng đơn giản nhất, nghịch lý của động tử. Động tử nằm ở một đầu bàn và nó phải chuyển động đến đầu bàn kia. Muốn vậy, nó phải chuyển động đến giữa bàn, nhưng để đến giữa bàn, nó phải chuyển động đến điểm giữa của nửa bàn thứ nhất và cứ như thế, số điểm phải đến sẽ là nhiều vô cùng. Có nghĩa là Động tử sẽ chẳng bao giờ có thể tới được đầu bàn bên kia. Chúng ta cũng có thể lấy một ví dụ trong hình học. Hãy tưởng tượng một điểm. Người ta quan niệm rằng, điểm không có kích thước. Lấy một chuỗi vô số các điểm kề nhau ta có một đường, vô số các đường kề nhau tạo nên mặt. Và vô số các mặt chồng lên nhau cho ta thể tích. Nhưng tôi không biết trong chừng mực nào chúng ta có thể chấp nhận quan niệm này, bởi tôi không thấy một cách thức nào để tổng số, ngay cả tổng số vô hạn, của các điểm không có kích thước lại có thể tạo nên một đường trong không gian. Khi nói về đường, tôi không nghĩ đến một đường thẳng từ đây đến mặt trăng. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, một đường như mép chiếc bàn tôi đang chạm tay vào đây. Nó được tạo nên bởi vô số các điểm.
Bây giờ hãy xem xét thời điểm hiện tại. Thời điểm hiện tại là gì? Đó là một thời điểm hàm chứa một chút quá khức và một chút tương lai. Hiện tại giống như điểm trong hình học, nó không tồn tại tự than. Nó không phải là một dữ liệu tức thì trong đầu óc con người. Chúng ta đang có hiện tại của mình, nhưng chúng ta cũng thấy nó đang đồng thời hoá thành quá khứ và thành tương lai. Có hai học thuyết về thời gian. Học thuyết thứ nhất, theo tôi, phù hợp với cách nghĩ của tất cả chúng ta, vốn coi thời gian giống như một dòng sông. Một dòng sông chảy từ khởi thuỷ, từ khởi nguồn không sao hình dung nổi để tới gặp chúng ta. Học thuyết thứ hai là của nhà siêu hình học Anh James Bradley. Ông nói rằng, ngược lại, thời gian trôi từ tương lai đến hiện tại, rằng thời điểm tương lai hoá thành quá khứ được chúng ta gọi là hiện tại.
Chúng ta có thể lựa chọn giữa hai phép ẩn dụ. Chúng ta có thể ấn định khởi nguồn của thời gian trong quá khứ hoặc tương lai. Chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng thì chúng ta cũng vẫn đứng trước một dòng sông thời gian. Nhưng làm sao có thể giải quyết vấn đề cội nguồn thời gian? Platon đưa ra giải pháp sau đây: thời gian có tính vĩnh cửu và sẽ sai lầm nếu cho rằng tính vĩnh cửu có trước thời gian. Bởi vì nói vĩnh cửu có trước cũng có nghĩa là nói rằng vĩnh cửu thuộc về thời gian (hay). Cũng sẽ sai lầm nếu nói, như Aristote, rằng thời gian là thước đo của chuyển động, bởi lẽ chuyển động diễn ra trong thời gian và nó không thể bị lý giải thời gian. Saint Augustin có một câu tuyệt hay: Non in tempore sed cum tempore Deus creavit caela et terram (có nghĩa là: Chúa sáng tạo ra đất trời không phải trong thời gian mà với thời gian). Những đoạn đầu tiên trong Sáng Thế Kỷ mô tả không chỉ sự sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra biển cả, đất đai, bóng tối và ánh sáng mà cả sự khởi đầu của thời gian. Không có thứ thời gian trước đó, thế giới bắt đầu tồn tại cùng với thời gian và từ đó tất cả diễn ra tuần tự.
Thật thú vị là trong ba thì – quá khứ, hiện tại và tương lai – theo cách chúng ta vẫn thường dùng để chia động từ, hiện tại là khó hình dung nhất, khó nắm bắt nhất. Hiện tại cũng khó nắm bắt hệt như cái gọi là điểm trong hình học.
Ý niệm về tương lại có lẽ là một kiểu minh chứng cho ý tưởng của Platon cho rằng thời gian là hình ảnh chuyển động của một thế giới vĩnh hằng. Nếu như thời gian là hình ảnh của thế giới vĩnh hằng, lịch sử sẽ là chuyển động của linh hồn về phía tương lai. Còn tương lai, đến lượt nó, là sự trở về với thế giới vĩnh hằng. Thế thì cuộc sống của chúng ta là một cuộc hấp hối không ngừng. Khi Saint Paul nói: Tôi chết từng ngày, đó không phải là một hình ảnh thống thiết. Chúng ta đều không ngừng sinh ra và chết đi. Đó là lý do vì sao chúng ta đề cập đến vấn đề thời gian nhiều hơn là các vấn đề siêu hình khác. Các vấn đề khác đều trừu tượng. Còn thời gian là vấn đề của chúng ta. Tôi là ai? Chúng ta là ai? Có lẽ đến một ngày nào đó chúng ta sẽ biết. Cũng có thể không. Nhưng trong khi chờ đợi, nói như Saint Augustin, linh hồn tôi bốc cháy, bởi tôi khát khao được biết./.
Ngô Tự Lập (trích dịch từ bản tiếng Pháp) -l-Ahmed Yassin and Abdel Aziz al-Rantisi -Legends never die-l-